Người vô gia cư co ro lề đường trong đêm Sài Gòn lạnh giá

0
1945

Từ sáng 12/1, thời tiết tại TP.HCM bắt đầu lạnh, đến tối nhiệt độ giảm dần thấp nhất 19 độ C. Trong đêm lạnh đột ngột, nhiều người vô gia cư phải oằn mình chịu đựng thời tiết lạnh giá nhất từ đầu năm 2021 đến nay.  

Quấn tạm bao ni-lông quanh chân cho bớt đau nhức

Dạo quanh con đường Phan Đình Phùng (Q.Phú Nhuận) chúng tôi ngồi trò chuyện với cô N.T.Tư (65 tuổi) và cô N.B.Thi (53 tuổi). Hai cô bảo, suốt mấy chục năm qua mưu sinh trên đất Sài Gòn, tất cả những gì họ mong muốn chỉ là một mái nhà che nắng, che mưa. Nhưng đối mặt với tình cảnh “màn trời chiếu đất” vào những ngày lạnh buốt như đêm nay, họ chỉ thay phiên nhau thở dài.
 
“Ban ngày tôi lượm ve chai, tới khuya muộn thì lui về lòng chợ ngủ. Tắm rửa thì dùng nhà vệ sinh công cộng, tốn 5000 đồng/1 lượt. Cha mẹ tôi mất từ nhỏ, nhà cửa lại bán đi hết nên mới thành ra như vậy. Nhiều lúc dịp lễ tết thấy người ta đi qua tôi cũng thấy tủi thân. Họ có cha có mẹ, có một mái nhà đàng hoàng”, cô Tư nghẹn ngào.
 
Lớn lên tại Sài Gòn nhưng cô Thi cũng là một trong số những mảnh đời “không nhà”, đêm nay trời trở lạnh đột ngột, cô phải lấy tạm bao ni-lông quấn quanh chân cho bớt đau nhức.
 
-Quảng Cáo-

Dọc trên con đường Phan Đình Phùng là rất nhiều người mảnh đời chọn vỉa hè làm nhà

“Trời hôm nay phải nói là rất lạnh, không có mền, không có áo lạnh. Mấy bữa nay nằm lạnh đến mức chân tôi bị nứt ra, phải dán tạm bằng băng keo. Nằm ngủ cũng sợ lắm vì trộm cướp gần Tết lộng hành rất nhiều. Nhiều lúc ngủ mệt quá người ta tới rạch túi lấy hết của cải rồi chạy đi mất”.
 
Càng về đêm, đường phố càng trở nên vắng vẻ. Đây là lúc các cửa tiệm, hàng quán đã được dọn dẹp, “trả lại” mái nhà tạm bợ cho những mảnh đời khó khăn. Mỗi người một góc, có khi họ quây quần lại với nhau trò chuyện cho bớt cô độc giữa đêm khuya. Đến tận đêm muộn, họ mới giải tán dần, có người đi về lòng chợ ngủ tạm, người thì nằm đó đến sáng sớm và rời đi trước khi chủ nhà mở cửa.
 

Chiếc chăn mỏng không đủ để ủ ấm cả hai cha con

Chúng tôi ghé trò chuyện với bà L.T.Duyên (66 tuổi), ngồi nghỉ một chút rồi bà đạp xe về quán cafe quen trên đường Lê Quang Định, mua tạm ly nước rồi nghỉ ở đó đến sáng. Sáng mai bà lại tiếp tục đi lượm ve chai, đến tối lại ngồi vỉa hè sống bằng cái bánh hay hộp sữa người đi đường thương cho.
 
“Tôi mồ côi cha mẹ từ lọt lòng, được nuôi dưỡng ở viện mồ côi dưới Long Xuyên, sau này tự lên Sài Gòn kiếm sống lay lắt tới hôm nay. Ở cái tuổi này mà phải ngồi đây nhìn người ta qua lại có gia đình tôi cũng tủi thân lắm, nhìn lại mình chẳng có ai nương tựa, không biết sau này tôi mất rồi ai đưa đi chôn”, bà khóc.

“Tôi từng có một gia đình đầy đủ”

Những ngày giáp Tết, Sài Gòn lạnh hơn. Dạo trên các ngả đường Phan Đình Phùng, 3 Tháng 2, Đinh Tiên Hoàng,… sẽ bắt gặp hình ảnh những người vô gia cư nằm co ro trong những chiếc chăn mỏng và bìa giấy. Có lẽ họ cũng đã từng có một mái nhà, nhưng cuộc sống bằng cách nào đó đã đánh bật họ ra khỏi mái ấm của mình.
 
Chúng tôi bắt gặp anh N.V.Thưởng (27 tuổi) nằm ôm đứa con gái ngủ trên đoạn đường Phan Đăng Lưu vào lúc 1 giờ sáng. Nhìn thấy chúng tôi đến gần, anh trở nên đề phòng. Xung quanh anh là chăn áo đầy đủ, nhưng giữa cái lạnh bất ngờ như hôm nay, chiếc chăn mỏng cũng không thể ủ ấm được được hai cha con đang co quắp vì cái lạnh.
 
Anh kể ngày trước nhà ở Đồng Nai, từng có một gia đình đầy đủ. Nhưng vợ ra đi để lại anh cùng đứa con gái hơn 1 tuổi. Ban ngày anh đẩy xe đi lượm ve chai để kiếm chút tiền mưu sinh, nhưng số tiền ít ỏi ấy làm sao đủ để anh có được một mái nhà.
 
“Tôi gắng dành dụm mướn cho con một mái nhà đàng hoàng, chứ để con ngủ ngoài đường như vậy hoài sao được, xót lắm. Mấy nay trời lạnh tôi ráng ôm chặt con vì sợ bé lạnh, bị bệnh, không đủ tiền đi khám thì khổ, bữa nào mưa gió thì chạy vô trong chợ Bà Chiểu ngủ tạm. Đến chiếc xe đẩy em bé cũng là người ta cho. Cha mẹ ở dưới quê cũng già cả, ốm yếu nên giờ chỉ biết gắng bám trụ ở đây sống thôi chứ về cũng không giúp gì được”, anh thở dài.
 

Người vô gia cư trên đoạn đường 3 Tháng 2

Sài Gòn vốn hoa lệ nhưng hoa cho người giàu, lệ cho người nghèo. Họ lang thang bên rìa thành phố, lấy gầm cầu, trạm xe, công viên, vỉa hè… biến thành mái nhà của mình. Rồi cuộc sống nay đây mai đó của họ sẽ đi về đâu, không ai biết được.
 
Ở nông thôn, vẫn có những hoàn cảnh khó khăn nhưng cái nghèo khổ, không nhà không cửa chỉ thể hiện rõ nét nhất, buồn thảm nhất ở những nơi phồn hoa đô hội như Sài Gòn, Hà Nội. Mong lắm các giải pháp an sinh xã hội, di dời về các tỉnh, tạo công ăn việc làm cho người vô gia cư trong thành phố.
 
Thanh Niên
guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận