Người tù bé nhỏ – Mở đầu – Chương 1

0
2644

Trang 1 Trang 2 Trang 3Kế tiếp

Mở đầu

-Quảng Cáo-

Người phụ nữ đứng tuổi là nhân viên chuyên dẫn nạn nhân đã đưa tôi quay trở lại phòng xử án. Cho tới tận lúc này, họ vẫn rất thận trọng đưa tôi ra phòng xử án bằng một cánh cửa khác với Richard – cha dượng của tôi, hoặc nếu như họ không thể đưa bằng hai cửa khác nhau thì họ cũng luôn luôn cố gắng để chúng tôi không phải chạm mặt nhau. Điều đó khiến tôi cảm thấy tự tin hơn. Giấu mặt sau làn tóc, tôi có thể tránh không nhìn mặt ông ta và không phải nhớ lại khuôn mặt đó. Khi quay trở lại qua cánh cửa đó, đầu cúi xuống, tôi nhìn thấy một đôi giày chắn ngay trước lối tôi đang đi. Ngước lên, tôi bắt gặp khuôn mặt khiến tôi thấy bủn rủn người vì sợ hãi. Đôi mắt xanh màu mắt rắn và mái tóc hung vàng vẫn vậy, mặc dù trông ông ta dường như tiều tuy hơn so với những gì tôi còn nhớ.

– Đưa tôi ra khỏi đây.

Tôi rít lên giữa hai hàm răng nghiến chặt, cảm giác như đôi mắt ông ta đang lướt trên người tôi và những kí ức về ông ta đột ngột dội về trong đầu tôi.

– Đưa tôi ra khỏi đây đưa tôi ra khỏi đây!

– Bình tĩnh nào, vì Chúa, cô hãy bình tĩnh lại nào. Đi qua đây

Người phụ nữ nói, bực mình vì thái độ đó của tôi.

Bà đưa tôi vào một căn phòng có cửa bằng kính bên ngoài phòng xử án. Ông ta đi theo chúng tôi, không vào trong mà chỉ đứng ngoài nhìn chằm chằm vào tôi , khuôn mặt không biểu lộ cảm xúc gì cả.

– Gọi cảnh sát đi! – Tôi rên rỉ – Gọi cảnh sát giúp tôi!

– Đừng có ngốc nghếch như thế cô gái.

Lúc này người phụ nữ đi cùng tôi đã thực sự mất kiên nhẫn.

– Cô lo sợ ai cơ chứ? Có phải là ông ta không?

Bà phác một cử chỉ về phía người đang đứng bất động bên kia tấm kính với cái nhìn trừng trừng, đầy chết chóc.

– Gọi ai đó đi!

Tôi kêu lên và bà ta nhận ra rằng, bà ta chẳng thể nào làm cho tôi bình tĩnh lại được. Bà bước tới bên cánh cửa.

– Đừng để tôi lại một mình! – Tôi thét lên khi bỗng nhiên nghĩ rằng nếu bà ta đi sẽ chỉ còn một mình tôi và ông ta ở lại trong phòng. Lúc này, người phụ nữ thực sự cảm thấy hoang mang vì bà không biết phải xử trí với tình huống này như thế nào.

Đúng lúc đó, Marie và một nhân viên cảnh sát nữa xuất hiện. Họ thấy tôi đang đứng co mình trong góc phòng, giấu mặt vào tường giống như một đứa trẻ đang hết sức hoảng loạn, họ chạy tới giúp đưa tôi vào một nơi an toàn.

– Ông ta định giết tôi! – Tôi rên rỉ khi Marie vòng tay ôm lấy tôi. – Tôi chết mất.

– Không đâu, Jane, ông ta sẽ không thể làm thế đâu. – Cô ấy an ủi tôi. – Giờ thì ông ta không thể làm được gì nữa rồi. Cô đã làm rất tốt. Mọi chuyện sắp kết thúc rồi.         

Chương 1

Những ký ức thời thơ ấu thường không bao giờ lưu giữ được theo đúng trật tự hoặc có những khi bạn cần tới, chúng lại cứng đầu náu mình rất kỹ trong một góc bí mật nào đó của trí nhớ khiến cho bạn chẳng thể nào nhớ nổi. Có những lúc tôi có thể thấy rõ mồn một những cảnh tượng từ khi tôi còn là một cô bé ba bốn tuổi, nhưng tôi lại không thể nhớ được tại sao tôi lại có mặt trong khung cảnh đó và điều gì xảy ra tiếp theo. Nhiều khi, những ký ức đã bị lãng quên đột ngột trở về không báo trước và thường thì tôi cảm thấy rằng thà chúng cứ mãi mãi bị lãng quên đi có lẽ lại tốt hơn. Tôi sợ rằng một ngày nào đó tất cả những khoảng ký ức mà tôi đã cố tình cất giữ sẽ được mở toang ra. Tôi sợ rằng tôi không đủ mạnh mẽ, nghị lực để có thể đối mặt với những điều đó.

Tôi cũng thường xuyên không thể chắp nối, lắp ráp được các sự kiện đã xảy ra theo đúng một trật tự. Tôi có thể nhận ra rằng khi một sự kiện nào đó xảy ra, lúc đó tôi bốn tuổi hay sáu tuổi nhưng lại không thể nói chính xác điều đó diễn ra trong vòng một năm hay một tháng. Tôi nghĩ rằng điều này cũng chẳng ảnh hưởng nhiều lắm nhưng sự lộn xộn của trí nhớ này khiến cho việc kể lại một cách chính xác và chân thực câu chuyện của cuộc đời tôi trở nên khó khăn hơn bởi vì bất kỳ ai có thể nhớ được chính xác những thời điểm đó chắc chắn cũng sẽ có đủ lí do để không nói ra sự thật hoặc ít nhất thì cũng thay đổi đôi chút nhằm làm cho vai trò của họ trong câu chuyện này dễ chịu hơn.

Tôi vẫn còn nhớ cái ngày tôi và cậu em trai Jimmy của mình cùng được đưa vào trại trẻ mồ côi. Khi đó, tôi mới chỉ khoảng ba tuổi và Jimmy ít hơn tôi mười tám tháng. Tôi yêu Jimmy hơn bất kỳ thứ gì trên thế giới này. Ba tôi vẫn kể với tôi rằng, mỗi lần ông đưa chúng tôi ra khỏi nhà trẻ đi ăn trưa hay bất kỳ chuyến đi ra ngoài nào, tôi hành động tựa như bà mẹ tí hon của Jimmy, cho Jimmy ăn và quan tâm từng ly từng tí tới nó. Tôi không nhớ được tất cả những lần ba đưa chúng tôi ra khỏi nhà trẻ đi chơi nhưng tôi vẫn nhớ rõ mồn một tôi yêu Jimmy tới mức nào.

Điều đáng kể nhất tôi còn nhớ được về nhà trẻ là những viên thuốc vitamin màu xám xịt mà họ vẫn thường phân phát cho chúng tôi mỗi buổi sáng trong những chiếc chén nhỏ màu tía, và việc người ta bắt chúng tôi phải ăn món cải bruxen cùng sự căm ghét từng thìa súp lạnh ngắt vả không thể nuốt nổi trong đĩa . . .

Trong nhà trẻ đó có một người phụ nữ, sau khi tất cả chúng tôi đã được uống sữa buổi tối, bà thường tách tôi ra khỏi những đứa trẻ đang xếp hàng, đưa tôi tới một nơi bí mật, đặt ngón tay trỏ lên miệng như thể chúng tôi đang sở hữu một điều gì đó hết sức bí mật với toàn thế giới. Sau đó, người ấy thường đặt tôi ngồi xuống, chải tóc cho tôi và dành hàng giờ liền để uốn cong những lọn tóc, khiến cho tôi được có cảm giác mình thật xinh đẹp dù chỉ là một vài phút mỗi ngày? Mái tóc tôi dày, tối màu và rất mềm mượt khiến cho nhiều người hay hỏi tôi có phải là người ấn Độ hay người Pakistan không. Sau khi đã hoàn thiện công trình của mình, người phụ nữ tốt bụng đó thường đưa ra một tấm gương và giơ nó ra trước mặt tôi, nhờ thế tôi có thể nhìn thấy mái tóc mình cả đằng trước lẫn đằng sau qua một tấm gương nữa treo trên tường và ngưỡng mộ công trình của bà. Đối với tôi, nó như là một tấm gương có phép màu vậy.

Sau này, hầu hết những thông tin tôi biết được về những năm tháng ấu thơ và về lý do tại sao chúng tôi lại bị đưa tới trại trẻ đó là do mẹ tôi luôn luôn rất sung sướng khi được nói về tôi với những người khác như thể tôi không hề có mặt ở đó vậy. Tôi thường ngồi lặng lẽ trong một góc phòng, chờ đợi một mệnh lệnh để biết được nhiệm vụ tiếp theo của mình là gì trong khi mẹ tôi cứ không ngừng quay bên này, quay bên kia, diễn thuyết với hết người này đến người khác. Nhưng thỉnh thoảng, khi chợt nhớ ra rằng tôi vẫn còn ngồi ở đó, mẹ sẽ lại nhắc tôi: “Đừng bao giờ nói với ông ấy rằng mẹ đã nói với con như thế nhé” . Cha dượng của tôi thường không thích bất cử ai nhắc lại những chuyện quá khứ.

Khi tôi khoảng mười tuổi, tôi thường đến thăm cha tôi và cha cũng kể cho tôi biết một vài điều nhưng tôi không thích cứ liên tục hỏi cha những câu hỏi. Hình như ngày trước cha có một số vấn đề với rượu và mẹ làm cho vấn đề càng tồi tệ hơn khi không ngớt càu nhàu và khiến cha phải sống trong tình trạng tồi tệ. Cha đã bỏ chúng tôi đi trước khi chúng tôi bị đưa tới trại trẻ và mẹ thì bắt đầu hẹn hò với Richard, hay là “Git ngu ngốc”, cái tên tôi vẫn thích gọi mỗi khi nhớ về ông ta. Có lẽ vì ông ta đã bắt đầu sống trong nhà tôi từ ngày đó mặc dù ông ta còn rất trẻ, chỉ mười sáu hay mười bảy tuổi là cùng. Ông ta chỉ lớn hơn tôi có mười bốn tuổi.

Jimmy và tôi đã từng bị gửi tới hai trại trẻ khác nhau, một trong hai nhà trẻ đó tôi nhớ rằng hình như cũng không đến nỗi tệ. Nhưng nhà trẻ thứ hai thì không được ổn lắm. Đối với tôi, mọi người ở đó giống như những con quỷ. Nhưng có lẽ họ cũng chỉ quá nghiêm khắc theo cái cách mà tôi không cảm thấy quen thuộc mà thôi. Chúng tôi không bao giờ được phép thì thầm với nhau, không được phép nói chừng nào người ta cho phép. Có một lần, khi người ta bắt gặp tôi thì thầm với Jimmy họ đã nhét cả một cái nút chai cuộn trong một đôi bít tất mới mua vào mồm tôi. Tôi đã phải ngồi ở bậc cầu thang trên cùng, với cái nút chai cuộn giẻ trong miệng suốt cả đêm trong khi tất cả những người khác đã được đi ngủ hết.

Tôi không cảm thấy vui vẻ gì khi sống trong trại trẻ nhưng tôi vẫn không bao giờ mong muốn được quay trở về nhà, dù cho tôi không thể giải thích được lý do tại sao. Khi gặp mẹ, bao giờ tôi cũng sẽ nói: “Con thật sự rất mong muốn được trở về nhà!” mặc dù tôi hoàn toàn không muốn điều đó một chút nào cả.

Khi chúng tôi được trở về thăm gia đình, bầu không khí trong ngôi nhà đó khiến cho tôi hoảng sợ mặc dù trong vòng vài giờ đó, không có điều gì thực sự tồi tệ xảy ra. Tôi giữ thái độ im lặng vì không muốn làm người đàn ông mới tới trong gia đình cảm thấy bực mình. Nhưng Jimmy thì không thể kiềm chế được như tôi và ngay khi chúng tôi vừa xuống xe, bước vào nhà, Jimmy đã kêu toáng lên như thể hết sức kinh hoàng. Tôi vẫn còn nhớ rõ ràng rằng điều đó khiến cho Richard nổi giận còn tôi thì sợ phát run lên. Tuy vậy, tôi đã không thể làm gì để có thể xoa dịu tình hình và làm Jimmy bình tĩnh lại cho tới khi các nhân viên xã hội đến đưa chúng tôi trở lại trại trẻ. Trong suốt chuyến trở về thăm nhà hôm đó, chúng tôi cùng ngồi trên ghế sofa, Jimmy thì kêu thét còn tôi thì cố gắng dỗ dành em. Cơn giận dữ của Richard và nỗi tuyệt vọng của mẹ tôi ngày càng tăng lên đến mức không thể chịu đựng nổi và họ chờ đợi chuyến viếng thăm khó chịu này sớm kết thúc.

Jimmy có một vết sẹo lớn ngay giữa trán. Vết sẹo này đã gắn bó với em suốt thời thơ ấu. Người ta luôn luôn nói với tôi rằng Jimmy bị vết sẹo đó là do em đã bị ngã đập đầu xuống cái bàn uống nước trước khi chúng tôi bị đưa vào trại trẻ. Lúc đó, tôi đã chấp nhận câu chuyện này như là một sự thật hiển nhiên, nhưng giờ đây, khi nghĩ lại, tôi cảm thấy rằng đó là một vết sẹo quá lớn so với một cú ngã đập đầu vào bàn uống nước bởi lúc đó, Jimmy còn nhỏ xíu nên khó có thể ngã đập vào bàn với một lực mạnh đến như vậy. Lúc này, tôi đang tự hỏi không biết có phải có một điều vì đó còn tồi tệ hơn đã xảy ra với em trai tôi hay không và rằng tại sao chúng tôi lại bị đưa vào trại trẻ, tại sao Jimmy lại luôn hoảng sợ mỗi khi trở về nhà. Tôi không thể biết được câu trả lời vì lúc đó Jimmy còn quá bé để có thể nhớ được điều gì.

Có ai đó đã nói với tôi rằng chúng tôi bị đưa vào trại trẻ là bởi vì chúng tôi đã bị bỏ rơi, rằng chúng tôi đã không được quan tâm đầy đủ nhưng không ai cho chúng tôi biết một cách chi tiết câu chuyện.

Trước khi bị đưa đến trại trẻ, chúng tôi sống trong một căn hộ, nhưng khi trí nhớ của tôi hồi tưởng những ký ức về mẹ và Richard thì chúng tôi đã chuyển tới sống trong một ngôi nhà. Họ cũng đã có một đứa con chung, đó là Pete. Điều này có vẻ cũng bình thường, giống như những người đang vá víu lại cuộc sống của mình, nuôi dưỡng con cái và cố gắng làm tốt những nghĩa vụ của mình. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì Richard cũng vẫn chỉ là một cậu thanh niên.

Đôi khi tôi cứ tự hỏi rằng không biết mẹ và Richard có quyết định đưa tôi trở lại nhà không nếu như tôi cũng gây ồn ào, nhặng xị lên như Jimmy. Giờ đây tôi ước gì lúc đó mình bắt chước Jimmy, không bởi vì sau này Jimmy đã được những người tốt bụng nhận nuôi. Nhưng lúc đó, dường như vỉệc khiến cho Richard trở nên giận dữ là một điều hết sức nguy hiểm và tôi chấp nhận ngồi yên một cách ngoan ngoãn. Nhiều năm sau, tôi mới phát hiện ra rằng chính họ đã nói với những người có thẩm quyền là họ “chỉ muốn đưa đứa bé gái về nuôi” . Tôi đã không thể tin nổi điều đó. Jimmy cũng đã được tự mình đọc lại tập hồ sơ về cậu và cảm giác bị bỏ rơi còn ám ảnh mãi, thậm chí ngay cả khi tôi khẳng định rằng đó là một sự giải thoát may mắn nhất giành cho cậu.

Tôi cũng đã được nghe mẹ kể rằng gia đình chúng tôi đã phải hối lộ ai đó trong chính quyền địa phương thì người ta mới cho phép tôi trở về nhà và rằng hai nhân viên nhà nước lớn tuổi đã từ chức khi họ biết được rằng tôi đang bị đưa trở lại cái “hố sâu địa ngục đó” . Từ này đã được sử dụng để mô tả gia đình tôi trong một số bản báo cáo. Nếu được đọc những tập hồ sơ bị thất lạc của tôi chắc chắn sẽ rất ấn tượng nhưng những điều đã xảy ra trong một vài năm đầu tiên đó của cuộc đời tôi cũng chẳng còn quan trọng lắm bởi vì những nỗi kinh hoàng thực sự chỉ mới chớm bắt đầu mà thôi .

Một cảnh tượng luôn luôn hiện hữu rất rõ trong tâm trí tôi là khi phải nói lời tạm biệt với Jimmy trên ngưỡng cửa trại tế bần. Jimmy khóc nức nở và tôi thực sự cũng muốn được làm như thế nhưng tôi không dám cho bất kỳ ai biết cảm xúc thực của mình. Ai đó đã nói với tôi rằng Jimmy cũng sẽ trở về nhà trong một hai tuần nữa nhưng tôi không hề tin vào điều đó. Tôi nghĩ rằng chắc hẳn tôi đã nghe lỏm thấy điều gì đó, nên tôi biết rằng những lời nói đó chỉ là dối trá. Tôi biết họ đang sắp sữa chia rẽ chúng tôi và điều đó làm trái tim tôi tan nát: Tôi đã từng căm thù cái trại tế bần này nhưng ít nhất ở đó tôi cũng còn có Jimmy. Nhưng giờ đây tôi đang sắp phải chuyển đến nơi mà những điều tồi tệ hơn sẽ xảy ra, và tôi thậm chí còn không có Jimmy ở bên để ôm ấp, vỗ về và chia sẻ.

Trang 1 Trang 2 Trang 3Kế tiếp

guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận