Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12Kế tiếp
– VIII –
Một ngày khám bệnh
Những ngày thứ Tư và thứ Sáu, cả buổi sáng, người gác cổng nhà lục xì không phải cài then mà chỉ khép cửa. Vì ấy là những ngày phiên. Từ bảy giờ đến tám giờ rưỡi, độ chừng năm chục chiếc xe tay đã đỗ trước cái cửa xám của tòa nhà có bên trong biết bao nhiêu điều bí mật. Những chiếc xe ấy là từ thập phương dồn lại đấy: Ngõ Hàng Thịt, ngõ Yên Thái, phố Gia Ngư, phố Đào Duy Từ, phố Cửa Đông, Đường Thành, ngõ Nam Ngư, phố Án Sát Siêu… Từ những chiếc xe ấy, bước xuống độ chừng tám mươi cô. (Đó là một nửa số người trong “thanh lâu giới” của Hà Nội, vì còn một nửa nữa thì để ngày phiên khác – một tuần lễ có hai ngày phiên).
Nếu ông có việc ra tòa hay về phố Julien Blance thì ông cứ đi thẳng cho nghiêm chỉnh, đừng có trông ngang, trông ngửa. Mục bất tà thị [1] theo như câu nói từ miệng một nhà thâm nho… Bọn gái thanh lâu của chúng ta vẫn có tính cả thẹn, mặc lòng cái nghề của họ là mỗi đêm phải đem cái tính cả thẹn ấy hy sinh đi độ mười lần. Chớ có trêu vào đệ tử của thần Bạch my mà sẽ… xấu hổ với họ.
Vì rằng đó là họ đến với cái “mỏ vịt”, nghĩa là cái biểu tượng của nhà lục xì. Và của nghề mại dâm. Muốn biết những cái nhục hình của nghề mại dâm thì phải trông thấy một buổi khám bệnh.
– Thì họ lên cái thuyền ấy để làm trò quỷ gì?
Có những cô ả mặt mũi khô héo với những quần áo tươi tốt. Lại có những cô mặt mũi sạch sẽ với những cái áo ốm yếu và bẩn thỉu. Có người vấn tóc trần, đeo kiềng vàng lối Huế, hoặc cúp tóc nhuộm đỏ và uốn quăn, lại có thị vận cả măng-tô rất hợp thời trang. Những cái môi tô son hình quả tim, những cái lông mày chạy xếch kiểu Mai Lan Phương [2], những cái mi mắt quầng đen theo lối Greta Garbo [3], trên những cái mặt hoặc béo hoặc gầy của những cô gái Đình Bảng, cầu Lim, Phùng, Noi, v.v… mà giăng gió Hà Thành văn vật nghìn năm không làm biến được nguyên chất. Nhưng mà, thảng hoặc, trong số tám chục ả ấy, cũng có độ vài ba thị là có cái ngây thơ đài các thi vị của cô Tuyết trong cuốn Đời mưa gió của Khái Hưng. Cánh cửa xám mở lại khép, khép lại mở, cho bọn ấy chạy tọt vào. Không lần nào khách qua đường lại rõ được mặt người gác cổng.
Kìa! Một cái xe nhà choáng lộn vừa đỗ. Một ông trắng trẻo, béo lùn như một người Nhật Bản vừa mới bước xuống xe. Bộ âu phục màu xám da trời, đôi giầy đen bóng lộn. Cánh cửa rộng mở, người gác cổng đứng thẳng người, kính cẩn sửa soạn một cái chào. Đó là ông thầy thuốc.
Tôi rảo gót rồi nhấc cái mũ.
Ông Nguyễn Huy Quỳnh vội vàng quay lại :
– A! Chào ông… Tương Lai [4].
Ông y sĩ Nguyễn Huy Quỳnh sẽ là một nhà bác học, nếu ta kể sự “biết” của ông về những cái khốn nạn, ô uế của xã hội. Với cái bề ngoài trưởng giả đứng đắn, đó là một người nhờ chức nghiệp mà hiểu rõ tình trạng đồi bại của dân Hà Nội ta hơn cả một đảng viên cách mệnh, hơn cả một kẻ đã phá sản vì hư thân.
Một hôm, muốn “cắt đứt” với sự lôi thôi của một anh phóng viên hay thậm thọt xin được tiếp để mà phiền nhiễu mình, ông Giám đốc Phòng Vệ sinh của Thành phố, bác sĩ Joyeux, đã quẳng tôi cho người phụ việc đắc lực của ông y sĩ Nguyễn Huy Quỳnh vậy. Tôi mừng thầm vì đã có được một người có thể cắt nghĩa đủ mọi điều cần biết cho tôi. Nhưng mà ông Quỳnh không lúc nào rảnh việc. Đã bao lâu, tôi đến phòng giấy của ông tại Tòa đốc lý thì ông lại đương đi khắp trong tỉnh vì vấn đề bệnh não, nào là khai tử, nào là khai sinh, nào là khám xét nhiều nơi.
Do những lẽ ấy, tôi được ông tiếp là sự rất khó.
Vậy mà hôm nay, tôi “bắt được” ông đốc Quỳnh ở đây, nghĩa là vào lúc ông sắp sửa chiến đấu với mọi điều tai hại của lão thần Bạch My!
Thưa độc giả, cùng ông, chúng ta bước vào lục xì. Nào!
* * * * *
Trong phòng khám bệnh, cái gì cũng đã sửa soạn sẵn cho “đâu vào đấy” cả. Lúc ấy đúng 9 giờ. Một cái bàn bọc kẽm, hai cái ghế để hai bên để cho chị em trèo lên rồi trèo xuống. Hai người nữ khán hộ đã đốt cái lò cồn trong đó có hai mươi cái mỏ vịt, đã giở tung gói bông. Phía bên này, bà giám thị Limongie và ông y sĩ Đặng Hanh Kiên đã hỏi đến cái “sổ đoạn trường” của các ả. Phía kia cái bàn khám bệnh là một thầy “đội con gái” ngồi ở một cái bàn nhỏ khác với những cái các ghi bệnh trạng; ông thanh tra Mas, và bốn thầy đội khác nữa, ra ra vào vào, để giữ trật tự cho thật nghiêm.
Quan thầy thuốc – ông Quỳnh – đã cởi cái áo xám, mặc vào cái blouse [5] trắng, đội trên đầu một cái mũ vải trắng nó hơi giống cái mũ của anh đầu bếp các khách sạn lớn. Ông ngồi xuống ghế, thọc hai tay vào đôi găng cao su nó dài tới khuỷu tay! Thế rồi ông Mas bắt đầu gọi một mụ chủ, xướng danh các ả trong một nhà.
Ngoài phòng khám bệnh, dưới nghinh phong đình, các ả đã lột hết những cái áo dài, tháo giầy và cởi bỏ quần. Người nào cũng chỉ còn có cái coóc-xê hoặc cái áo ngắn mỏng manh. Thật là một cảnh tượng lạ mắt, khi ta thấy bảy tám chục “bông hoa biết nói” ấy trên đầu thì hoặc vấn khăn nhung, để tóc rẽ lệch đầu trần lối Huế, hoặc tóc búi kiểu Sài Gòn, với những cái mặt phấn son tề chỉnh, với những cái cổ có dây tim, có kiềng vàng, với những ngón tay có nhẫn ngọc xanh, ngọc đỏ, mà khúc giữa chỉ là coóc-xê hay áo ngắn, mà… dưới cùng thì lại hoàn toàn thuộc về chủ nghĩa khỏa thân! Những thầy “đội con gái” vừa ngáp dài chán nản – rõ hoài của! – vừa đi đi lại lại trong đám đàn bà yêu tinh ấy, để trông nom cho khỏi lẫn lộn quần áo, hay cho các chị đừng kiếm cách giấu bệnh, cái phương pháp mà cuốn sách tự điển riêng của nhà lục xì gọi là maquillage [6].
Giấu bệnh? Những người như thế, đã vâng chịu mọi luật lệ của nghề mại dâm, của phúc đường, đã đúng ngày hẹn mà đến nơi này, mà lại còn kiếm cách giấu bệnh? Có thể như thế được chăng?
Vâng, có thế. Vì bị khám phá ra là có bệnh, một chị em sẽ bị giam lại trong phúc đường, thiệt hại: không có “việc làm”, nghĩa là không có xu tiêu, vẫn hay cái tiền thưởng của khách làng chơi thường là một vài hào, song sự nghèo khó của các nhà số đỏ là bút khôn xiết tả: bọn gái thanh lâu, ngoài hai bữa cơm hàng ngày, không được một đồng xu công nào của chủ. Vậy mà còn phải có quần, có áo, có cái kiềng giả, cái khăn nhung… Hai nữa, khi một chị em đương có một bác nhân tình thợ giặt hay thợ cạo chẳng hạn, ái tình đương độ nồng nàn, mà nàng phải vào lục xì thì chàng ở bên ngoài sẽ đau khổ hơn Kim Trọng. Thật vậy, họ vẫn khao khát ái tình, cái bọn người mỗi ngày mười lần bán phá giá ái tình. Vả còn một lẽ nữa của mụ chủ. Thí dụ dưới quyền mụ có độ mười ả để ngày ngày tiếp khách, mà lại vào nhà lục xì mất độ bốn năm ả chẳng hạn thì, tối chủ nhật là mai kia rồi, biết lấy gì ra chống đỡ với sự sừng sộ của mười ông lính Tây đen cao bằng mười cái cột nhà cháy mà lại còn hung hãn vì say sưa?
* * * * *
Nhưng thầy “đội con gái” phải trông nom cho họ khỏi giấu bệnh.
Đây, bác sĩ Coppin đã tả rõ những cách giấu diếm ấy:
“Những ngày khám bệnh, từ sáng sớm, khi bọn gái trở dậy là tức khắc họ rửa âm hộ của họ bằng nước ấm có pha phèn. Rửa xong rồi, một thị trong bọn ấy lấy hai tay ấn vào bụng cô ả có bệnh để cho nước trong đường tiểu tiện (?) chảy ra hết. Đoạn sẽ lấy một góc mùi soa hay một ống giấy bản nhét vào tử cung hoặc đường tiểu tiện, mãi cho đến lúc sắp lên bàn khám bệnh.
Muốn cho cách giấu diếm cẩn thận hơn nữa để khỏi lo, hoặc nghiện hoặc không, ả nào cũng hút một vài điếu thuốc phiện trước khi đi khám bệnh (hơn một phần ba gái có giấy là nghiện thuốc phiện).
Có một vài ả dùng lá trầu không đun vào nước rồi rửa, và cách ấy kiến hiệu hơn. Với hai cách thức nói trên, tử cung trắng ra, đường tiểu tiện đỡ đỏ, những giọt mủ bớt chảy.
Sau cùng, nếu những cách ấy không hiệu nghiệm, thì những ả bệnh quá nặng cầu cứu đến cái phương pháp cuối cùng nghĩa là đổ thứ tiết lợn chưa đông đặc đặt ở một hiệu bán thịt, để giả vờ là có kinh nguyệt.
Nếu có vết thương loe loét ở hạ thể thì họ dùng đến ba cách tùy theo nặng nhẹ. Hơi sứt lở thì đun nước pha phèn thật đặc mà rửa. Nặng hơn nữa thì cách thức lại phiền phức hơn nữa, sau khi rửa bằng nước pha phèn rồi, họ rắc vào vết thương thứ bột này: phèn tán rõ nhỏ hòa với bột tán bằng những đồng tiền kẽm (có hai chất thiếc và kẽm) không rõ cân lạng là bao nhiêu. Thứ bột ấy có tính chất làm vết thương khô ráo, lại như lành lặn. Sau hết, cách thứ ba này rẻ tiền hơn hết, là lấy hoa dâm bụt vò nát ra, rồi chấm đầu ngón tay vào cái ướt ấy mà ngoáy vào vết thương. Đó là cách phổ thông, vì dâm bụt là thứ hoa quanh năm lúc nào cũng nở”.
Ấy đó là những cách thức mà nhà nước – do sự dò xét rất công phu của ông Trịnh Hữu Lợi, một tay giúp việc đắc lực của ông Coppin – đã khám phá ra được của đệ tử thần Bạch my, từ năm 1925.
1937, chị em có còn dùng đến những lối ấy không? Chẳng biết nữa! Nhà nước bao giờ cũng bảo thủ và theo nếp cũ. Thì các thầy “đội con gái” cứ phải xét nét, thắc mắc như thường.
Một ả có trong tay một cái khăn mùi soa, một ả khác một mảnh giấy không có nghĩa lý. Tức thì, người “đội con gái” trừng mắt :
– Cất ngay cái khăn đi! Vứt mảnh giấy ngay!
Họ phải tay không – hai bàn tay trắng – mà lên với cái “mỏ vịt”. Và đừng có chuyện! Và đừng có nói! Và đừng có cười ồ ồ!
Bên trong, ông thánh tra Mas, với cái giọng nặng của một người Pháp, lơ lớ điểm danh.
– Tran Ti Lock!
– Dạ!
– N’guyen Ti Yane! N’guyen Ti Suan! Phame Ti Ti!…
Trần thị Lộc, Nguyễn thị Yến, Nguyễn thị Sửu, Phạm thị Tý…
Đại để như thế cả, những cái tên ấy nghe như vô tội, những cái tên xưa kia đã bao phen thốt ra một cách âu yếm ở miệng một người mẹ hiền, một cách lo sợ ở miệng một người bố “gà trống nuôi con”, hay là một cách ảo não đến đứt gan đứt ruột ở miệng một cậu nhân tình.
Bây giờ những cái tên ấy thốt ra ở miệng một ông thanh tra “đội con gái” qua cái giọng ồ ồ của một người Tây lơ lớ muốn nói tiếng ta.
Ông thầy thuốc đeo vào đầu cái vành thép của khí cụ spéculum, xoay cái mỏ vịt… Thị Lộc trèo lên nằm ngửa ở bàn, vén cao cái coóc-xê. Người nữ khán hộ bấm ổ điện… Ở một chỗ của “mỏ vịt”, một làn ánh sáng thủy ngân chiếu sáng lòa. Khoa học đã dẫn ánh sáng vào thâm cung, chỗ giấu của quý của Bạch my. Không hề gì! Thị Lộc vô bệnh. Cái mỏ vịt ấy bị tháo ra, vứt vào nồi luộc, rồi quan đốc khám xét, những chỗ khác trong thân thể. Vì lẽ Thị Lộc là một kỹ nữ thông minh, có nhân cách, không giấu bệnh, nên sự khám xét cũng thường thường. Thị bước xuống bàn, ra nghinh phong đình với nét mặt vẻ vang.
Người nữ khán hộ đưa ra cái “mỏ vịt” khác.
Bà Limongie giơ trước mặt quan đốc cái các vệ sinh lý lịch trong sạch. Ông y sĩ Kiên áp một cái triện sau khi nguệch ngoạc một vài chữ, rồi trao trả cho mụ giầu, người giầu mà không giầu tí nào.
Đến lượt Thị Yến.
Thấy môi thị có cắn chỉ, quan đốc đưa mắt cho mụ chủ. Thị Yến ăn trầu! Thì đi súc miệng cho thật sạch, và mau lên! Ăn trầu, đó cũng là một cách giấu bệnh, lát nữa, ông thầy thuốc sẽ phải khám xét rất kỹ lưỡng. Vì trùng giang mai có khi ăn cả lên răng, lợi má, môi. Bổn phận của ông thầy thuốc không phải là chỉ khám ở dưới mà phải khám ở trên nữa.
Thị Sửu khả nghi. Sau cái “mỏ vịt” đến cái đũa tre có bịt bông hỏi chuyện. Người ta thấy chỗ bông có dây cái ướt màu hơi vàng. Người ta dây chỗ ướt ấy vào một miếng kính nhỏ, đánh dấu miếng kính ấy bằng một con số bí mật. Tiện thể, đã nghi hoặc, người ta cũng lại lấy luôn cả máu của Thị Sửu, và ống máu ấy cũng sẽ có một con số bí mật. Bí mật? Phải. Đây, bác sĩ Joyeux cắt nghĩa: “Tôi đã phải nghĩ ra cách điểm số bí mật, vì một không khí hối lộ đáng sỉ nhục là ở chung quanh tôi, đến nỗi sự bắt giam bị trở ngại, việc khám xét không đến quả của nó”. – Những ống máu hoặc miếng kính ấy sẽ đưa về phòng thí nghiệm Pasteur hoặc về kính khám trùng (microscope) [7] tại Phòng Vệ sinh Đốc lý. Mụ giầu có thể đút lót cho người khán hộ, cứ việc khai man lên quan trên để con em khỏi bị bắt giam, nếu những cái đựng máu mủ kia lại có ghi tên rõ ràng.
Thị Sửu khả nghi thì ông thầy thuốc ra lệnh :
– Isolenment! [8]
Danh từ ấy có nghĩa là tạm chứ không được tại ngoại hậu cứu! Ở đây, ông thầy thuốc lại còn là ông quan tòa. Người ta có thể bị tiền giam chỉ vì sự tố cáo của một ít bông có dây chút nước bẩn.
Đến lượt Thị Tý.
Sau cái tiền âm thì đến ngay cái hậu. Núm bông lôi ra có đủ mọi sự tố cáo rành mạch. Tức thì ông thầy thuốc quắc mắt mắng mụ chủ :
– Nó mắc bệnh rồi! Sao chị được dung túng những cái ấy? Chị không nhớ quan trên đã dặn bảo thế nào hay sao?
Mụ giầu, chủ Thị Tý, người chịu trách nhiệm, chắp tay cãi :
– Bẩm quan lớn, con có biết gì đâu! Con làm gì được!
Bà Limongie giơ trước mặt ông đốc Quỳnh cái các của Thị Tý. Ông này nhăn mặt quở :
– Năm 1933, nó đã bị một lần rồi. Nhà nước đã phải chữa nó ba tháng mới khỏi! Con này sao mày được tiếp khách như thế?
Thị Tý, lúc ấy đã bước xuống đất, vừa khóc, vừa đáp :
– Bẩm quan lớn, không thế thì nó bóp cổ con chết mất!
– Thế thì mày phải gọi đội sếp chứ!
– Bẩm… nhưng mà nó đã lột truồng con ra rồi!
– Mày không kêu cứu ai à?
– Bẩm. Ở nhà săm chứ không ở nhà con. Hôm ấy săm vắng khách.
Mụ giầu nói len vào :
– Bẩm quan lớn, ở nhà con thì con gọi đội sếp ngay chứ còn đâu!
– Một thằng…?
– Bẩm, đó là một thằng da đen ạ.
Thị Tý bị dẫn đi rồi, ông thầy thuốc phát cho mụ chủ của thị một hộp thuốc Pommade de Dueret [9].
Để chữa bệnh?
Không, để bôi vào hậu môn phòng bệnh!
Than ôi! Cái vật đắc dụng của dâm thần lại còn cả cái hậu môn! Và bác sĩ Joyeux trong những danh sách khảo cứu của ông, đã phải lớn tiếng than dài:
“Khi tôi nói họ (những binh lính) mắc bệnh ấy là tại rằng phần nhiều họ lục đến cái hậu môn, thì là tôi không nói quá đáng, vì rằng nếu năm 1930, tôi thấy 41 phần trăm cái hậu môn truyền nhiễm, thì năm 1931 và 1932, độ chừng 30 phần trăm bệnh nhân phải giam là vì có hạ cam hoặc có nhọt ở ống đại tiện (ano-rectale). Chỉ có binh lính Tây phương là thích lối giao hợp ấy, lối mà bọn gái đĩ ghê tởm nhưng chúng bắt ép phải chịu. Điều đáng chú ý là, bị quan binh trách mắng, những binh lính ấy đã cãi lại rằng vì sợ mắc bệnh phong tình nên họ bất đắc dĩ phải dùng lối kê giao (sodomie)”.
Vi trùng của nạn kê giao là con bacille Ducrey [10], và cả vi trùng lậu cũng phá hại hậu môn như trong cơ quan sinh dục. Có khi một gái thanh lâu có thể mắc một lúc ba thứ bệnh của ba thứ vi trùng hoa liễu: gono, spiro, Ducrey, ở âm hộ, hậu môn, và ở mồm!
Chú thích:
[1] Mắt chớ nhìn cái bất chính.
[2] Mai Lan Phương diễn trên sân khấu và điện ảnh Trung Quốc, chính là đàn ông chuyên đóng vai nữ.
[3] Greta Garbo nữ diễn viên điện ảnh Thụy Điển (1905-1990), trong những năm 30 nổi tiếng nhất thế giới có đôi mắt huyền ảo và được gọi là “Thiên thần”.
[4] Sở dĩ có cách xưng hô ấy là vì tôi đã lấy danh nghĩa phái viên báo “Tương Lai” mà điều tra, và thiên này cũng đã đăng được một ít trên báo T.L. thì báo ấy bị cấm. (V.T.P).
[5] Tiếng Việt phiên âm là “bờ lu”.
[6] Nghĩa là hóa trang.
[7] Kính hiển vi.
[8] Cách ly!
[9] Thuốc mỡ để bôi hiệu Duret.
[10] Vi trùng Ducrey, mang tên nhà khoa học đã phát hiện ra nó.
Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12Kế tiếp