Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3
Chương 3
Ngày hẹn đã đến. Ông Hội-đồng Thành kiếm chước nói có mấy người bạn mời ăn cơm đặng bàn tính quốc-sự, nên vừa chạng-vạng tối thì ông rửa mặt chải đầu, thay quần đổi áo, sửa-soạn mà đi. Cô Ba Huyền có việc riêng, cô cũng muốn đi Chợ-lớn, cô nghe ông Hội-đồng nói như vậy thì cô mừng thầm, song cô làm tỉnh mà nói rằng: “Mình đi khuya, ở nhà buồn chết, ai chịu nổi. Thôi, mình đi hội, thì tôi đi coi hát”.
Ông Hội-đồng trong trí đầy cái hình-trạng của cô Tư Thanh-Thủy, ông không cần biết cô Ba Huyền đi đâu, nên ông hứa hễ ông xuống tới nhà hàng rồi thì ông trả xe về cho cô muốn đi đâu thì đi. Chừng hội rồi ông xe kéo cũng được.
Thiệt quả xuống tới nhà hàng thì ông biểu sớp-phơ đem xe về liền. Ông ăn sơ-sịa vài món rồi kêu xe kéo mà trở lên đường Mayer. Ông ngồi trên xe, đèn hai bên đường chấp-chóa, gió thổi hiu-hiu, trí quơ-quẩn nhớ cô Tư, lòng phập-phồng trông gặp mặt. Ông nghĩ những lời cô Tư châm-chích đêm nọ, ông nhớ thiệt quả cô Ba Huyền hay đi Chợ-lớn, ưa vô Trường đua, ông lại nhớ một lần kia ông đi mua đồ với cô Ba Huyền tại đường Ca-ti-na, ông vô nhà hàng, cô ngồi ngoài xe, chừng ông bước ra thì thấy cô đương nói chuyện với một người ngồi trên xe kéo, người ấy đội một cái nón đa thiệt to, mặc một bộ đồ xá-xị còn mới, mặt mày dữ-tợn, hình vóc dình-dàng, người ấy thấy ông thì biểu xe kéo đi, song còn nói vói rằng: “Mai phải có đa”. Ông hỏi người ấy là ai, thì cô nói: “Anh nầy là chồng chị Hai Cán, hồi trước chỉ có mượn tôi mười đồng bạc, tôi gặp ảnh tôi đòi, ảnh hẹn mai ảnh lãnh tiền rồi ảnh trả”. Lúc ấy ông Hội-đồng tin như lời, bây giờ có cô Tư Thanh-Thủy châm-chích, ông lại đoán quyết người ấy là chồng của cô Ba Huyền, lời dặn “mai phải có” đó là biểu đem bạc đưa cho nó.
Ông vừa giận vừa hổ thầm, giận vì chúng lấy tiền bạc của mình mà nuôi thiên-hạ, hổ vì mình có học thức, có tên tuổi, mà còn bị điếm-đàng lường gạt. Ông thầm nghĩ nếu ông được gần cô Tư Thanh-Thủy thì ông sẽ đuổi cô Ba Huyền liền, ông chẳng tiếc chút nào hết; cô Thanh-Thủy tuy lớn tuổi hơn, nhưng cô có sắc, cô có hạnh, cô hiền-đức, cô thông- minh, cô khôn-ngoan, cô thành-thiệt hơn bội phần.
Xe kéo ngừng trước cửa cô Tư Thanh-Thủy thì trong trí ông Hội-đồng Thành đương quyết-định như vậy đó. Ông trả tiền xe, miệng cười ngỏn-ngoẻn.
Nhà ba căn, đèn khí đốt sáng trưng, nhưng mà cửa giữa với cửa bên tay mặt đóng kín, chỉ căn bên tay trái cửa còn mở một cánh mà thôi. Ông Hội-đồng thấy cảnh như vậy thì ông mừng thầm, chắc rằng cô Tư rước mình mà sợ thiên-hạ thấy, nên cô mới sắp-đặt kỹ-lưỡng dường ấy. Ông đi nhẹ-nhẹ, lóng nghe trong nhà vắng hoe. Ông vừa bước vô cửa thì cô Tư Thanh-Thủy ở trong buồng cũng vừa đi ra phía trước; cô trang điểm cũng như sửa-soạn đi chợ, hay đi coi hát vậy, mặt giồi phấn, môi thoa son, áo quần nhổn-nha, tóc tai chải-chuốt, coi còn đằm-thắm, còn mặn-mòi hơn đêm nọ nữa. Cô thấy ông thì cô cúi đầu chào rất hữu duyên, miệng chúm-chím cười như hoa nở.
Cô chỉ một cái ghế mà mời ông ngồi, rồi nói nhỏ nhỏ rằng: “Tôi cho bầy trẻ đi chơi từ hồi tối tới giờ. Sao lại khuya vậy?”. Cô liền lấy cái bình trà để trên bàn mà rót một tách, rồi bưng lại mời ông uống. Cô đứng trước mặt ông, cách ông chừng vài gang, chống một cánh tay trên cái bàn, mình uốn-éo, mắt long-lanh, mùi dầu thơm bay bát-ngát, làm cho ông mê-mẩn tâm thần. Ông vói nắm tay cô mà nó rằng: “Cô Tư, đứng xít lại đây tôi nói chuyện. Thiệt tôi không dè mà có ngày nay… Tôi thương cô quá! ….”.
Cô giựt tay, đứng nghiêm-chỉnh, ngó ngay ông mà hỏi lớn rằng: “Anh làm cái gì vậy? Tôi mời anh lại nhà tôi đặng tôi nói chuyện cho anh nghe, chớ có gì khác đâu. Anh tưởng tôi tổ-chức cuộc gió trăng hay sao, mà anh nắm tay tôi? Anh đã lớn tuổi, đã có vợ con, mà cứ giữ cái tánh hồi còn con trai hoài, không chịu bỏ! Anh tưởng tôi như con Ba Huyền vậy hay sao? Không, tôi không phải thuộc về cái hạng người ấy đâu. Tôi thương anh lắm, mà tôi lại thương chị Hai còn nhiều hơn nữa. Vì tôi thương chị Hai, tôi không đành giết chỉ, nên mấy năm nay anh theo ve-vãn mà tôi kháng-cự hoài. Anh thiệt ác lắm! Anh có một người vợ hiền-đức, tối ngày lo giữ của, lo nuôi con, biết thương chồng, biết trọng chồng, anh lại không thương, đành theo con đĩ mà bỏ vợ ở nhà sầu-não vóc ốm mình gầy, bỏ sấp con dại thân-sơ thất-sở[1]. Sao anh đành-đoạn dữ vậy, anh Hai? Chị Hai phải chết …trong một vài tháng nữa đây chớ không lâu đâu …”.
Cô Thanh-Thủy nói tới đó, cô té ngồi trên một cái ghế úp mặt vào một bàn tay mà khóc rấm-rứt.
Ông Hội-đồng Thanh ban đầu chưng-hửng, chừng ông nghe những lời thê-thảm, thấy cái bộ bi-ai của cô Tư thì lần-lần ông cảm-động, ngồi buồn-hiu, không biết lấy lời chi mà đối-đáp.
Ðương lúc ông Hội-đồng tâm-thần bất định đó, thình-lình ba đứa con của ông là Kim-Lang, Tấn-Ðức và Kim-Cúc, ở trong buồng ào chạy ra kêu ba, rồi xúm lại ôm ông mà khóc, đứa thì hỏi: “Ba đành giết chết má hay sao ba“, đứa thì than: “Ba nỡ bỏ con hay sao ba”. Cái cảm chan-chứa đã đầy rồi, bị ba đứa con nó cho cảm thêm nữa, nên tự-nhiên phải tràn-trề. Ông Hội-đồng ngồi trân-trân như hình đá, mà hai hàng nước mắt chảy ròng-ròng.
Cô Tư Thanh-Thủy day vô buồng mà kêu: “Chị Hai, chị ra đây”. Cô Kim-Diệp bước ra thấy cái cảnh cha con líu-nhíu, cha khóc con than, thì cô động lòng, nên cũng té ngồi trên một cái ghế mà khóc, chớ không nói tiếng chi được hết.
Cô Tư Thanh-Thủy thừa cái cơ-hội ấy, cô và lau nước mắt và nói: “Anh Hai, anh thấy chị Hai đó hay không? Ngày anh cưới chỉ có phải chỉ như vậy đâu. Tại anh mà ngày nay chỉ còn da bọc xương, anh coi cái tội của anh lơ là dường nào hử? Làm chồng thì quyết giết vợ, làm cha thì không thương con, anh ăn ở chi mà ác lắm vậy?”.
Ông Hội-đồng càng khóc nhiều hơn nữa, mà vợ con ông cũng đồng khóc với ông. Ông khóc một hồi rồi ông mới nói rằng: “Tôi quấy với má bầy trẻ nhiều lắm, nhờ cô Tư vén cái màn hắc-ám giùm cho tôi, thiệt tôi cám ơn không biết chừng nào. Tôi ngồi giữa nhà nầy, tôi thề quyết từ rày về sau, tôi không hề xa vợ lìa con, chẳng hề làm cho vợ con buồn rầu nữa. Tôi xin má bầy trẻ cũng vậy, quên hết cái lỗi cũ của tôi đi, đặng cho tôi an lòng mà ăn-năn sám-hối”.
Cô Tư Thanh-Thủy nói: “Nếu anh biết thương vợ con anh, thì chẳng những là tôi không giận anh, mà tôi còn thương anh nữa”.
Ông Hội-đồng dã-lã với vợ, dan-díu với con tới 10 giờ rồi ông từ mà về Phú-nhuận, ông hứa khuya ông sẽ trở lại đặng rước vợ con về Cái Tắc.
Ông về nhà thì cô Ba Huyền đi chưa về. Ông ngồi viết một bức thơ mà từ cô và cho đứt cô nhà cửa cùng các tài-vật trong nhà. Ông bỏ quần áo vào hoa-ly rồi vô mùng mà ngủ. Cách một lát, cô Ba Huyền về, ông hay mà ông không thức dậy.
Ðến 4 giờ khuya ông dậy, ông để phong thơ tại đầu nằm cô Ba Huyền, xách hoa-ly ra xe, rồi kêu sớp-phơ dậy mà đi. Xuống đường Mayer, ông ghé nhà cô Tư Thanh-Thủy mà rước vợ con.
Khi dắt con lên xe mà về với chồng, cô Kim-Diệp nắm tay cô Tư Thanh-Thủy và khóc và nói rằng: “Có như vầy mới biết chỗ nào thiệt, chỗ nào giả. Chị đã nói với em từ hồi hôm tới giờ, từ rày về sau chị em mình phải ở chung với nhau một nhà. Ðể ít bữa, chị mạnh rồi chị sẽ tính. Em phải nghe lời chị, đừng có ái-ngại chi hết”.
Cô Tư Thanh-Thủy châu mày và ngó lơ, không đối-đáp chi hết. Nhưng mà xe rút chạy, cô đứng ngó theo cho tới chừng xe quẹo khuất rồi, cô mới thủng-thẳng trở vô nhà, miệng cười ngỏn-ngoẻn.
Sài-gòn, Avril 1935
– HẾT –