5. SINH VÀO NHÂN ĐẠO
Nhân đạo là cảnh giới con người. Chúng sinh ở cảnh giới này thụ hưởng hạnh phúc lẫn khổ đau. Ở loài người có đầy đủ những điều kiện thuận lợi để tu học và thực hành các Giáo lý của Đức Phật.
Cảnh giới thọ dụng:
* Khổ vui thọ dụng:
Mỗi con người thọ sự khổ vui xen tạp, hoặc ít hoặc nhiều tùy theo tội phước của mỗi cá nhân. Nói chung, bên cạnh niềm hạnh phúc, con người thường xuyên bị chi phối bởi tám nỗi khổ lớn của kiếp người (bát khổ). Đó là: Sinh khổ, Bệnh khổ, Lão khổ, Tử khổ, Cầu bất đắc khổ, Ái biệt ly khổ, Oán tắng hội khổ, Ngũ uẩn xí thạnh khổ.
* Ẩm thực thọ dụng:
Chúng sanh trong cảnh giới con người về ẩm thực có tế đoạn thực và thô đoạn thực. Tế đoạn thực là khi ở trong thai thọ dụng huyết phần của mẹ. Nói rộng ra, các sự thọ dụng khác như nhà cửa, đồ dùng… cũng gọi là tế đoạn thực. Thô đoạn thực là ăn những thức ăn như cơm, rau, cá, thịt…
* Dục nhiễm thọ dụng:
Sự hành dâm của con người tương đồng như loài súc sanh, ngạ quỷ, A-tu-la. Khi hai giống giao hợp, trong tâm khởi niệm khoái lạc tột độ, liền có chất bất tịnh chảy ra.
Nghiệp nhân tái sinh và biểu hiện lâm chung:
* Nghiệp nhân:
Người nào có niềm tin kiên cố đối với Tam Bảo và giữ gìn năm giới cấm, có lòng nhân từ hiếu đạo, có lòng nhân với loài vật, giúp đỡ yêu thương kẻ nghèo khó, phát tâm bố thí cúng dường… sau khi chết sẽ được tái sinh vào cảnh giới con người được hưởng nhiều phước báo.
Những kẻ không ác không thiện, hoặc gây tạo ác nghiệp nhưng chưa đủ để đọa địa ngục thì sau khi chết sẽ tái sinh vào cảnh giới con người và chịu ác báo, khổ báo tùy theo tội phước của mỗi cá nhân.
Chiến tranh, li loạn, dịch bệnh, tai ương, địa ngục trần gian v.v. là những nỗi thống khổ diễn ra triền miên trong thế giới con người, là những ác nghiệp do chính con người gây tạo nhằm tàn hại nhau.
* Biểu hiện khi lâm chung:
Nếu ai lâm chung được tái sinh vào cảnh giới nhân đạo có nhiều phước báo thì sẽ biểu hiện như sau:
- Khởi niệm lành, sinh lòng hòa dịu ưa việc phước đức.
- Sinh lòng chánh tín, thỉnh Tam Bảo đến đối diện quy y.
- Thấy bà con trông nom sinh lòng vui mừng.
- Tâm chánh trực không ưa dua nịnh.
- Dặn dò giao phó các công việc lại cho thân quyến rồi từ biệt ra đi.
6. SINH VÀO THIÊN ĐẠO
Thiên đạo là cõi Trời. Chư Thiên ở cảnh giới này có thân tướng trang nghiêm, đoan chính, đức hạnh, uy nghi, hưởng phước lạc tự nhiên, sự ăn mặc thọ dụng đều tùy niệm hóa hiện.
Cảnh giới thọ dụng:
* Khổ vui thọ dụng:
Chư Thiên ở cõi dục giới có nhiều phần vui, ít phần khổ về sự phiền não, đọa lạc. Sáu tầng Trời dục giới bao gồm: Trời Tứ Thiên Vương, Trời Đao Lợi, Trời Dạ-Ma, Trời Đâu Suất, Trời Hóa Lạc, Trời Tha Hóa Tự Tại.
Chư Thiên ở cõi sắc giới từ sơ thiền đến tam thiền lấy định cảnh làm vui, sự vui cùng cực duy ở cõi tam thiền. Từ tứ thiền cho đến Chư Thiên cõi vô sắc giới thì không có khổ lạc thọ.
* Ẩm thực thọ dụng:
Chư Thiên ở cõi dục giới thọ dụng những trân vị như cam lộ. Tuy nhiên, tùy theo phước báu của mỗi vị mà có vị thọ dụng đầy đủ, có vị thọ dụng không đầy đủ, đồng thời mùi vị của thức ăn có sự hơn kém.
Chư Thiên ở cõi sắc giới dùng sự vui thiền định để nuôi sắc thân. Còn Chư Thiên ở cõi vô sắc thì chỉ có thức thực.
* Dục nhiễm thọ dụng:
Chỉ có Chư Thiên ở 6 cõi Trời dục giới là có sự gần gũi, còn Chư Thiên ở cõi sắc giới và vô sắc giới đều tu phạm hạnh, đều ly dục, không bị dục nhiễm.
Trời Dạ-Ma, nam nữ chỉ ôm nhau là đã thỏa mãn. Trời Đâu Suất hai bên nắm tay nhau dục niệm liền tiêu. Trời Hóa Lạc, hai bên nam nữ chỉ nhìn nhau cười là dục sự đầy đủ. Trời Tha Hóa Tự Tại, Chư Thiên chỉ liếc mắt nhìn nhau là đã xong dục sự.
Nghiệp nhân tái sinh và biểu hiện lâm chung:
* Nghiệp nhân:
Người nào hiện đời tu Thập thiện và chứng đắc Thiền định, sau khi lâm chung sẽ được tái sinh về cõi Trời.
Thập Thiện:
Nghiệp lành về Thân:
- Không sát sinh: Giữ hạnh từ bi, không giết hại loài động vật hữu tình, thường phóng sinh, cứu giúp mạng sống loài vật, khiến cho chúng được yên ổn, tự do.
- Không tà dâm: Giữ hạnh trinh tiết, không phóng đãng trụy lạc dâm loàn, không ngoại tình.
- Không trộm cướp: Giữ hạnh hiền lương không tham lam, không trộm cướp tiền của, tài vật của người khác, bố thí giúp đỡ kẻ bần hàn khốn khổ.
Nghiệp lành về Khẩu:
- Không nói dối (gian dối, xảo trá, lừa lọc)
- Không ác khẩu (cay nghiệt, chua ngoa, hung ác, tục tĩu)
- Không ỷ ngữ (miệng nam mô bụng bồ dao găm, miệng đạo đức ý đồ đen tối)
- Không lưỡng thiệt (miệng lưỡi nhiều đường hiểm độc hại người, đâm thọc chia rẽ khiến các bên hận thù nhau)
Nghiệp lành về Ý:
- Không tham, sân, si
Người thành tựu mười nghiệp lành trên sẽ tái sinh vào 6 cõi Trời dục giới. Người thành tựu mười nghiệp lành cộng với chứng đắc một trong bốn thiền định (tứ thiền) sẽ tái sinh về cảnh trời Sắc giới. Người thành tựu mười nghiệp lành cộng với chứng đắc một trong bốn không định (tứ không) sẽ tái sinh về cảnh trời Vô sắc giới.
* Biểu hiện khi lâm chung:
Người được tái sinh về cõi Trời sẽ có những biểu hiện sau:
- Phát khởi tâm lành.
- Chánh niệm rõ ràng.
- Đối với của cải, vợ con, lòng không lưu luyến.
- Đôi mắt sáng sạch.
- Không có những sự hôi hám.
- Ngửa mặt lên mỉm cười và nghĩ tưởng Thiên cung đến rước mình.
LƯU Ý:
Biểu hiện lâm chung của sáu cảnh giới kể trên, không phải con người nào khi sắp chết cũng đều biểu hiện đầy đủ, mà đôi lúc chỉ có những điểm thiết yếu biểu hiện ra. Chúng ta cần phân biệt, ví dụ như hai cảnh giới ngạ quỷ và địa ngục thì tâm thần kẻ sắp chết đều mê man tán loạn, nhưng một bên thì sinh tâm sân hận, oán giận, mất hết sự từ hòa; một bên thì biểu hiện tham lam, đói khát, hay nói đến chuyện ăn uống.
Lại có những con người khi chết không có biểu hiện lành hay dữ ra sao. Hạng người này muốn dự đoán họ sẽ tái sinh về cảnh giới nào, chúng ta phải xác định dựa theo hơi nóng tụ ở nơi nào trên thân thể thì mới có thể dự đoán được.
III. MỘT CẢNH GIỚI PHẢI HỘI ĐỦ BA YẾU TỐ QUYẾT ĐỊNH
Xưa nay có những người quan niệm sai lầm rằng: Con người khi tâm thanh tịnh chính là đang sống trong cảnh giới Tịnh Độ, khi tâm đang tham sân si là đang sống trong cảnh giới địa ngục, chứ không có cảnh giới Tịnh Độ hay cảnh giới địa ngục nào khác tồn tại. Quan niệm về “cảnh giới” như thế là hoàn toàn không chính xác, dẫn đến sự ngộ nhận rất tai hại. Với những biểu hiện của “tâm thức” như thế, chúng ta chỉ có thể nói đó là “nghiệp nhân Tịnh độ” hay “nghiệp nhân địa ngục” mà con người đang khởi tạo trong nội tâm mà thôi.
Chung quy, “cảnh giới” mà chúng sanh tái sinh về phải hội đủ ba yếu tố sau:
1/ Vũ trụ quan: Là xác định vị trí địa lý của mỗi cảnh giới, ví dụ như cảnh giới Tây Phương Tịnh Độ là cõi cực kỳ trang nghiêm của Đức Phật A Di Đà nằm ở phía tây cõi Ta Bà.
2/ Nhân sinh quan: Là xác định thân tướng sai biệt của chúng sanh trong mỗi cảnh giới, bởi vì thân tướng của mỗi loài tùy theo tội phước hơn kém mà có hình tướng khác biệt. Thân tướng của Thánh Chúng cõi Tây Phương Tịnh Độ thì trang nghiêm, đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. Thân tướng của chúng sanh ở cảnh giới Ngạ quỷ thì bụng to như trống, cổ nhỏ như kim. Thân tướng con người thì muôn hình vạn trạng tùy theo tội phước của mỗi cá nhân. Thân tướng A-tu-la nam thì hung dữ, A-tu-la nữ thì dâm dục khêu gợi.
3/ Tâm lý quan: Là xác định tâm lý sai biệt của mỗi cảnh giới. Tâm của Thánh Chúng cõi Tây Phương Tịnh Độ thì luôn thanh tịnh, tâm các Ngài luôn an trụ vào thiền định, đồng thọ hưởng pháp lạc của thiền định tương đồng với Đức Phật A Di Đà. Tâm chúng sanh ở cảnh giới A-tu-la luôn tham sân, tranh giành, vơ vét, bon chen, hung hãn, đố kỵ… Tâm của con người thì thường xuyên chịu nhiều phiền não gây ra bởi tám nỗi khổ lớn trong kiếp người.
Như thế, chúng sanh gây tạo nghiệp nhân gì thì sau khi lâm chung sẽ tùy theo nghiệp nhân đó mà tái sinh về một trong sáu cảnh giới luân hồi. Cảnh giới tái sinh chỉ xác lập khi có đầy đủ cả ba yếu tố trên, nếu chưa đủ ba yếu tố ấy thì chưa thể nói đó là cảnh giới mà chúng sanh đang thọ dụng. Nói một cách khác, ở mỗi cảnh giới đều có vị trí, thân tướng và tâm lý tương ứng mà chúng sanh ấy phải thọ dụng.
IV. KẾT LUẬN
Do vô minh và ái dục chi phối mà chúng sinh cứ sống rồi chết, chết rồi lại sống, cứ thế mãi mãi trôi lăn, ngụp lặn, trầm luân trong sáu cảnh giới luân hồi. Trong 6 cảnh giới đó, 3 cảnh giới ác “địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh” và cảnh giới A-tu-la hoàn toàn là khổ đau, cảnh giới con người tuy có hạnh phúc nhưng vẫn chịu nhiều nỗi khổ não trong vòng tuần hoàn sinh, lão, bệnh, tử. Riêng cảnh giới Chư Thiên tràn ngập phước báu nhưng vẫn có các Thiên chúng bị năm tướng suy hao.
Chúng sinh ở cảnh giới Địa ngục, thì một ngày một đêm phải trải qua cảnh vạn lần chết đi sống lại chịu sự tra tấn kinh hoàng của dầu sôi, dao cắt, lửa nung. Chúng sinh ở cảnh giới Ngạ quỷ thì bị sự thiêu đốt của nạn đói khát, ngàn vạn năm chưa từng nghe đến từ “cơm, nước” huống chi là được ăn no. Chúng sinh ở cảnh giới Súc sinh thì tăm tối, ngu độn, bị con người thọc huyết, lột da, xẻo thịt, nhai nuốt, hành hạ muôn vàn thống khổ. Chúng sinh ở cảnh giới A-tu-la thì bị sự sân hận và tham dục chi phối, luôn đấu đá, đánh giết, tàn hại lẫn nhau để tranh giành, vơ vét hòng thỏa mãn nhu cầu vật chất và xác thịt vô đáy.
Muốn thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử, muốn thoát khỏi sự nhọc nhằn lao khổ khi phải làm kẻ lữ khách trầm luân trong cõi nhà lửa tam giới, chúng ta phải cố gắng tu trì giới hạnh, phát tâm tín sâu, nguyện thiết, chuyên trì niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà, với mong muốn làm sao hiện đời trả hết mọi nghiệp để khi lâm chung được tiếp dẫn, vãng sanh về nước của Đức Phật.
Thiên Bình – Minh Anh (Tổng hợp từ các nguồn tài liệu Phật Giáo)