Khi chết ta sẽ đi về đâu?

0
4561

Trang 1 Trang 2Kế tiếp

-Quảng Cáo-

Duc Phat

Động lực dẫn dắt con người tái sinh trong ba cõi, sáu đường, theo Đạo Phật, đó là “nghiệp”. Trong Kinh Trung Bộ, Đức Phật dạy rằng:

Con người là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự nghiệp. Nghiệp là thai tạng mà từ đó con người được sinh ra; nghiệp là quyến thuộc, là nơi nương tựa. 


Sự hiện hữu của mỗi con người đồng thời cũng là sự hiện hữu của “nghiệp” do kẻ đó gây ra.

Tùy theo nghiệp nhân con người gây tạo mà đến khi lâm chung mỗi người hấp hối sẽ có các biểu hiện lâm chung khác nhau. Có người biết trước giờ chết vui vẻ niệm Phật mà chết; có người đau khổ, hoảng hốt, run sợ; có người khi sắp chết có những tướng biểu hiện của các cảnh giới Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh.

Chung quy, cảnh giới mà con người tái sinh là cảnh giới tương ứng với sự khao khát và thỏa mãn tự thân của mỗi người. Tùy theo nghiệp thiện hay ác mà con người sắp chết có những biểu hiện lâm chung khổ đau hay hạnh phúc để rồi tái sinh về cảnh giới lành hay dữ.

Các cảnh giới mà con người sẽ tái sinh vào là cảnh giới gì? Do động lực căn bản nào dẫn dắt thần thức con người đi tái sinh? Sự khổ đau hay hạnh phúc của từng cảnh giới ra sao? Sự bình an hay sợ hãi tương ứng với từng cảnh giới chuẩn bị tái sinh của con người như thế nào? Các yếu tố cần và đủ để biện minh về sự hình thành một cảnh giới là gì? Đó là những vấn đề luôn thôi thúc con người tìm hiểu trong Phật Giáo.

I. NGHIỆP VÀ CÁC CẢNH GIỚI TÁI SINH

1. Nghiệp – nhân tố quyết định cho sự tái sinh:

Theo quan điểm Đạo Phật, con người sau khi chết không mất hẳn, đó chỉ là một trạng thái biến chuyển của nghiệp thức. Thể xác tiêu tán nhưng phần tâm thức tiếp tục cuộc truy cầu trong sự khao khát được thỏa mãn về đối tượng cảnh giới tương ứng. Và cứ như thế con người khi chưa đạt đến Thánh vị, thì mãi luẩn quẩn, ngụp lặn trong cuộc rượt bóng bắt hình của trò chơi luân hồi sinh tử huyễn mộng, hư hư thực thực.

Ai là tác giả của cuộc chơi trầm luân này? Đó chính là ‘nghiệp’ – là nguyên động lực dẫn dắt con người đi tái sinh trong các cảnh giới luân hồi. Nghiệp được tạo ra từ thân, khẩu, ý. Nghiệp nói cho đủ là ‘nghiệp quả báo ứng’, tức đã gieo ‘nhân’ thì sẽ gặt ‘quả’ tương xứng, và quả đến sớm hay muộn khi hội đủ nhân duyên, hội đủ điều kiện. Con người thường chú trọng đến ‘nghiệp quả’ (nghiệp báo) hơn là ‘nghiệp nhân’, nên cứ mãi vô minh trong luân hồi sinh tử.

Nghiệp có thiện nghiệpác nghiệp. Nghiệp tuy không có hình tướng cụ thể, nhưng nghiệp có khả năng chi phối, làm cho con người khốn khổ và si dại vì nó. Phân loại theo năng lực thì có bốn loại nghiệp lực chi phối sự tái sinh của con người như sau:

1/ Cực trọng nghiệp: là những nghiệp nhân cực trọng, gây ấn tượng cực mạnh và sâu trong tâm lý của con người. Nếu Cực trọng nghiệp thuộc về loại ác thì đó là những nghiệp như: Ngũ nghịch, Thập ác. Nếu Cực trọng nghiệp thuộc về loại thiện đó là những nghiệp như: Người chứng đắc các quả vị tứ thiền sắc giới trở lên.

2/ Tập quán nghiệp: Còn gọi là Thường nghiệp. Tập quán nghiệp là những việc làm, lời nói hàng ngày mà chúng ta hay làm và thường nhớ đến hơn hết. Những thói quen lành hay dữ dần dần uốn nắn tạo thành bản chất của con người. Ngay cả trong lúc vô thức đôi lúc chúng vẫn hiện khởi. Trong các loại nghiệp thì nghiệp này đóng vai trò rất quan trọng.

3/ Tích lũy nghiệp: Đời sống của con người hôm nay là sự tích lũy bởi vô số các nghiệp từ trong quá khứ đã tạo. Trong vòng luân hồi bất tận, con người ai cũng đã tích lũy cho mình một số lượng khổng lồ tài sản nghiệp. Như thế, Tích lũy nghiệp là những nghiệp do tích lũy nhiều đời nhiều kiếp.

4/ Cận tử nghiệp: là nghiệp nhân con người nhớ tưởng lúc lâm chung. Tâm niệm sau cùng của con người nếu là niệm ác tức sẽ tái sinh vào một trong các cảnh giới khổ. Tâm niệm sau cùng của con người nếu là niệm thiện tức sẽ tái sinh vào một trong các cảnh giới lành. Đây gọi là Cận tử nghiệp.

Khi con người lâm chung, nếu không có Cực trọng nghiệp hay Tập quán nghiệp nào làm động cơ cho sự thúc đẩy tái sinh thì Cận tử nghiệp sẽ dẫn dắt con người tái sinh. Hoặc nếu không có cả ba loại nghiệp kể trên thì Tích lũy nghiệp sẽ dẫn dắt con người tái sinh.

2. Các cảnh giới tái sinh:

Trong vũ trụ mênh mông có tất cả mười cảnh giới mà con người tái sinh tùy theo nghiệp lực của mỗi cá nhân. Mười cảnh giới đó bao gồm bốn cảnh giới Thánh và sáu cảnh giới phàm.

Thần thức con người sau khi chết sẽ có hai trường hợp xảy ra. Thứ nhất, nếu người nào có công phu tu hành đạt đến được cảnh giới “nghiệp sạch tình không”, tùy vào mức độ đoạn vô minh vi tế sâu hay cạn, hoặc dứt sạch vô minh mà được sinh về một trong bốn cảnh giới Thánh là Chư Phật, Bồ Tát, Duyên Giác, Thanh Văn. Hoặc người nào tu hành nhưng chưa dứt được phiền não, chưa đạt đến cảnh giới nghiệp sạch tình không, nhưng do tâm nguyện khẩn thiết cầu sinh về thế giới Tây Phương Cực Lạc và thường trì niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà, người đó cũng được thoát ly sinh tử, khi lâm chung được vãng sanh về thế giới Tịnh Độ của Chư Phật, lần hồi tiến tu cho đến khi viên thành Đạo quả.

Còn lại, hầu hết con người vì chất chứa đủ loại thiện nghiệp và ác nghiệp nên sau khi chết đều phải tái sinh vào sáu cảnh giới luân hồi là: Thiên đạo, Nhân đạo, A-tu-la đạo, Súc sinh đạo, Ngạ quỷ đạo và Địa ngục đạo. Trong đó, cảnh giới Thiên đạo tức cõi Trời thì ngập tràn phước báu. Cảnh giới con người thì vừa hạnh phúc vừa chịu nhiều khổ não gây ra bởi quy luật sinh, lão, bệnh, tử. Bốn cảnh giới sau là ác đạo, tức cảnh giới khổ đau. Con người trong dòng trôi bất tận của sự sống, phần nhiều vì vô minh che lấp tạo ra các nghiệp lành hay dữ rồi phải tái sinh vào cảnh giới ác đạo hay thiện đạo.

II. LUÂN HỒI TRONG LỤC ĐẠO

Phạm vi bài viết chỉ trình bày giản lược về cảnh giới thọ dụng, nghiệp nhân tái sinh, biểu hiện lâm chung trong sáu cảnh giới luân hồi.

1. SINH VÀO ĐỊA NGỤC

Địa ngục tiếng Phạn là Nại-lạc-ca có nghĩa là Khổ cụ, Phi đạo, Ác nhân… Địa ngục là cảnh giới có muôn vàn sự thống khổ, đau đớn mà những kẻ gây tạo ác nghiệp phải đọa vào để trả những ác nghiệp gây tạo trong quá khứ.

Cảnh giới thọ dụng:

* Khổ vui thọ dụng:

Chúng sinh ở cảnh giới địa ngục phải chịu sự thống khổ vô cùng, phải trải qua vô vàn thảm cảnh tra tấn kinh hoàng chết đi sống lại của dầu sôi, dao cắt, lửa nung.

Như trong Kinh Địa Tạng có dạy rằng chúng sanh ở cõi này, một ngày một đêm phải trải qua trăm vạn lần chết đi sống lại để chịu các cảnh hành hình, tra tấn như: bị moi gan móc ruột, bị xẻ thịt lóc mỡ phanh thây, bị móc mắt rút lưỡi, bị băm vằm bằng rừng đao kiếm, bị lửa đỏ rừng rực thiêu đốt ngày đêm, ăn hoàn sắt nóng, uống nước đồng sôi, gái nằm giường sắt, trai ôm cột đồng nung đỏ,…

* Ẩm thực thọ dụng:

Chúng sinh đọa địa ngục đều dùng thức thực mà duy trì thân, chết đi sống lại vô lượng kiếp để thọ khổ.

* Dục nhiễm thọ dụng:

Chúng sinh ở cảnh địa ngục không có việc hành dâm, vì phải chịu quá nhiều hình phạt đau đớn, thống khổ.

Nghiệp nhân tái sinh và biểu hiện lâm chung:

* Nghiệp nhân:

Những kẻ phỉ báng, chửi rủa, khinh bỉ, phá hủy Tam Bảo, những kẻ gây các nghiệp cực ác như ngũ nghịch, thập ác sau khi chết sẽ đọa vào cảnh giới ác đạo này.

Ngũ Nghịch:

1) Làm thân Đức Phật chảy máu: Đề Bà Đạt Đa (Devadatta) căm hận, luôn ôm lòng hại Đức Phật. Từ trên đỉnh núi, hắn xô một tảng đá to xuống đè Ngài, thần hộ pháp từ trên không trung đỡ lấy, nhưng mảnh đá văng trúng chân Đức Phật gây chảy máu. Kẻ sát hại Đức Phật sẽ kết tội với hết thảy chúng sanh vì Đức Phật là Bậc Đạo Sư của ba cõi, kẻ giết Ngài sẽ khiến cho cơ duyên nghe Pháp của tất cả các loài chúng sanh bị đứt đoạn, tội lỗi sâu như bể. Thời gian đọa địa ngục Vô Gián là vô lượng kiếp.

2) Giết A La Hán: La Hán là bậc đắc đạo, giáo hóa một phương. Kẻ ám hại La Hán chính là đoạn huệ mạng của rất nhiều người. Bậc Thiện Tri Thức thật sự sẽ có ảnh hưởng đến ngàn vạn năm. Như Đức Khổng Tử lúc tại thế chẳng làm quan lớn, chỉ dốc lòng dạy học làm Thầy thiên hạ, những người tuân theo giáo huấn của Ngài nhất định được phước báo. Cái học do Ngài truyền lại chính là công đức vô cùng to lớn, huống chi sự giáo hóa chúng sinh của Đức Phật là công đức và lợi ích vô lượng không gì trong thế gian sánh bằng.

3) Giết Cha.

4) Giết Mẹ. Cha mẹ có ân đức sinh thành dưỡng dục rất lớn đối với chúng ta. Giết hại cha mẹ thuộc về Tánh Tội, tự nhiên đọa trong địa ngục Vô Gián. Kinh Địa Tạng đã giảng giải về địa ngục Vô Gián rất tường tận.

5) Phá hòa hợp Tăng: Tăng đoàn là nơi bồi dưỡng nhân tài hoằng pháp cho Phật Giáo. Phá hoại Tăng đoàn cũng là tội lỗi đọa địa ngục Vô Gián. Chư Phật xuất thế cũng chẳng cứu được.

Thập Ác:

  • Thân: sát sinh, dâm dục, trộm cướp.
  • Khẩu: Dối (gian dối, xảo trá, lừa lọc), Ác (cay nghiệt, chua ngoa, hung ác, tục tĩu), Ỷ ngữ (miệng nam mô bụng bồ dao găm, miệng đạo đức ý đồ xấu xa), Lưỡng thiệt (miệng lưỡi nhiều đường hiểm độc hại người, đâm thọc chia rẽ khiến các bên hận thù nhau).
  • Ý: tham, sân, si.

Kẻ phạm tội thập ác tùy theo dụng tâm như thế nào mà chia thành ba phẩm Thượng, Trung, Hạ, để đọa vào các cảnh giới địa ngục khác nhau.

* Biểu hiện khi lâm chung:

Kẻ nào lâm chung nếu đọa vào cảnh giới địa ngục sẽ có những biểu hiện sau:

  • Nhìn ngó thân quyến với con mắt ghét giận.
  • Đi đại tiện, tiểu tiện mà không hay biết.
  • Nằm úp mặt hoặc che giấu mặt.
  • Thân hình và miệng mồm đều hôi thối.
  • Mặt mũi nhăn nhúm đau đớn, cơ thể co quắp, tay chân bên trái chấm xuống đất.

2. SINH VÀO NGẠ QUỶ

Ngạ quỷ (quỷ đói) tiếng Phạn là Preta, Ngạ là đói khát, Quỷ là khiếp sợ. Ngạ quỷ là cảnh giới mà chúng sinh thường xuyên bị nạn đói khát và sợ hãi đe dọa đời sống. Thân tướng Ngạ quỷ có nhiều hình thù rất xấu xa, mắt thường con người không thể thấy được. Ngạ quỷ không có một cảnh giới riêng biệt, mà sống trong rừng bụi, ở những nơi dơ bẩn…

Cảnh giới thọ dụng:

* Khổ vui thọ dụng:

Chúng sinh ở cảnh giới Ngạ quỷ chịu nhiều phần khổ não về sự đói khát, chỉ có chút ít phần vui. Loài Ngạ quỷ phân thành ba loại:

  • Quỷ đa tài, hạng Quỷ này do đời trước có tu phước nên hiện đời được ăn uống sung mãn có đầy đủ thần lực;
  • Quỷ thiếu tài, hạng Quỷ này đời trước tuy có tu phước nhưng không nhiều, nên hiện đời tuy có đủ vật ăn uống nhưng không được như ý và thần lực kém cỏi;
  • Quỷ Hy tự (Quỷ kém phước), hạng Quỷ này bụng to như cái trống, cổ nhỏ như cây kim, bởi do đời trước tham lam bủn xỉn, nên hiện đời luôn phải chịu cảnh đói khát dày vò.

* Ẩm thực thọ dụng:

Chúng sinh ở cảnh giới Ngạ quỷ đều dùng thô đoạn thực, tức ăn uống những vật thực như con người. Có điều, loài Ngạ quỷ Hy tự (Quỷ kém phước) chỉ ăn thuần đồ bất tịnh. Loài Ngạ quỷ này khi thấy nước hay thức ăn thì những vật này đều hoá thành máu lửa và cát sạn. Ví dụ cho loài Ngạ quỷ Hy tự là bà Thanh Đề, mẹ của Đức Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát.

* Dục nhiễm thọ dụng:

Chúng sinh ở cảnh giới Ngạ quỷ do vì có khổ vui xen lộn nên có sự dâm dục. Ở cõi này khi hai giống giao hợp, trong tâm khoái lạc tột độ liền có chất bất tịnh chảy ra.

Nghiệp nhân tái sinh và biểu hiện lâm chung:

* Nghiệp nhân:

Những kẻ gây tạo các nghiệp ác cùng với tính tham lam, keo bẩn, bòn rút,… sau khi chết sẽ sinh vào cảnh giới đau khổ này.

* Biểu hiện khi lâm chung:

Kẻ nào lâm chung nếu đọa vào cảnh giới Ngạ quỷ sẽ có những biểu hiện sau:

  • Thân nóng như lửa.
  • Thường lo nghĩ bị đói khát, hay nói đến việc ăn uống.
  • Không đại tiện nhưng tiểu tiện nhiều.
  • Đầu gối bên phải lạnh trước.
  • Tay bên phải nắm lại biểu hiện lòng bỏn xẻn.

Tôn Giả Mục Kiền Liên cứu Mẹ đọa làm Ngạ quỷ (nguồn gốc lễ Vu Lan)

3. SINH VÀO SÚC SINH

Súc sinh hay còn gọi là bàng sinh là các loại sinh vật có hình thù đa dạng, tâm thức tăm tối, ngu si.

Cảnh giới thọ dụng:

* Khổ vui thọ dụng:

Chúng sanh ở cảnh giới bàng sanh chịu nhiều đau khổ về việc ăn nuốt lẫn nhau, chỉ có chút ít phần vui. Các loài súc sinh luôn phải chịu cảnh bị săn bắt, bị nuôi nhốt, đánh đập, tra tấn, vắt kiệt sữa, bị khai thác sức lao động phải cày bừa mang vác khổ nhọc, bị thọc huyết lột da xẻ thịt cho con người nấu nướng, bị con người nhai nuốt…

* Ẩm thực thọ dụng:

Chúng sinh ở cảnh giới súc sinh đều dùng thô đoạn thực. Các loài rồng thường dùng rùa, cá, ếch, nhái… làm thức ăn, loài kim suý điểu dùng rồng làm thức ăn, những vị Long Vương có phước báo cũng thọ dụng các trân vị như hương phạn, cam lộ, nhưng miếng ăn sau cùng đều biến thành ếch nhái. Còn tất cả các loài súc sinh khác đều ăn uống những vật bất tịnh.

* Dục nhiễm thọ dụng:

Chúng sanh ở cảnh giới súc sinh, do vì có khổ vui lẫn lộn nên có sự hành dâm. Ở cõi này khi hai giống giao hợp, trong tâm khởi niệm khoái lạc tột độ liền có chất bất tịnh chảy ra.

Nghiệp nhân tái sinh và biểu hiện lâm chung:

* Nghiệp nhân:

Những kẻ gây tạo các ác nghiệp sát sinh giết mổ; hành hạ đánh đập loài vật; tính cách si mê, ngu độn, ngang bướng, hỗn láo không nghe theo lời dạy của các bậc trưởng thượng; cố chấp không chịu sửa sai, sau khi chết đọa vào cảnh giới đau khổ này.

* Biểu hiện khi lâm chung:

Người nào lâm chung nếu đọa vào cảnh giới bàng sanh sẽ có những biểu hiện sau:

  • Sinh lòng yêu mến vợ con đắm đuối không bỏ.
  • Ngón tay và ngón chân đều co quắp.
  • Toàn thân toát mồ hôi.
  • Tiếng nói khò khè, miệng thường ngậm đồ ăn.
  • Ngu si mờ mịt như rơi vào mê sảng.

4. SINH VÀO A TU LA

A-tu-la còn gọi là Phi thiên, có nhiều tên gọi khác nhau như A tác la, A tố lạc, A tu luân, Bất đoan chính. Tiếng Phạn là Asura. Đây là hạng chúng sinh có hình tướng hiểm ác không được đoan chính, tâm luôn tham lam, sân hận, chứa nhiều dục vọng.

Theo Từ điển Phật học Huệ Quang, A-tu-la là loại quỷ thần hiếu chiến, thường bị xem là ác thần và thường tranh đấu với Trời Đế Thích. 

Theo Kinh Lăng Nghiêm, A-tu-la có 4 chủng loại: Noãn sanh, thai sanh, thấp sanh và hóa sanh.

(1). A-tu-la quỷ đạo: Loài A-tu-la sanh ra từ trứng (noãn sanh), thuộc về quỷ thần, nhờ phước giữ gìn Chánh Pháp nên có thần thông, ăn ở trong hư không.

(2). A-tu-la nhân đạo: Loài A-tu-la sanh ra từ bào thai (thai sanh), thuộc về loài người, vốn ở cõi Trời nhưng do kém đức nên bị đọa. Loài A-tu-la này cư trú gần mặt trời, mặt trăng, trong thế giới con người.

(3). A-tu-la súc đạo: Loài A-tu-la sanh ra từ nơi ẩm ướt (thấp sanh), thuộc về súc sanh. Loại A-tu-la này sống trong biển cả, thường dạo chơi trong hư không, tối về ngủ dưới nước.

(4). A-tu-la thiên đạo: Loài A-tu-la do biến hóa sanh ra (hóa sanh). Đây là loài A-tu-la có thế lực rất mạnh, có khả năng tranh đấu với Trời Phạm Vương, Đế Thích và Tứ Thiên Vương.

Theo Đại Thừa Kim Cang Kinh Luận, A-tu-la chia ra 3 bậc: Bậc trên là A-tu-la vương, bậc giữa là A-tu-la dân, bậc dưới là A-tu-la nữ. Loài A-tu-la thường tham lam, chất chứa nhiều dục vọng, hung hãn, giành giật, đấu đá không ngừng nên chịu vô số lao khổ.

Ngược lại với vẻ hung tợn, ghê rợn của A-tu-la nam, loài A-tu-la nữ rất xinh đẹp, khêu gợi. Những trận đánh khốc liệt giữa các A-tu-la nam để tranh giành mỹ nữ xảy ra thường xuyên.

Cảnh giới thọ dụng:

* Khổ vui thọ dụng:

Chúng sanh ở cảnh giới A-tu-la thọ sự khổ vui xen tạp, hoặc nhiều hoặc ít tùy theo tội phước của mỗi cá nhân.

Nhìn chung, tuy có quyền năng, loài A-tu-la vẫn có phước báo kém hơn Chư Thiên rất nhiều vì tâm địa A-tu-la chất chứa bất chính và dục vọng. Bị sự sân hận và tham dục chi phối, A-tu-la luôn đấu đá, đánh giết, tàn hại nhau và tàn hại các loài kết nhân duyên với chúng để giành giật, vơ vét hòng thỏa mãn nhu cầu vô đáy về vật chất và xác thịt.

Cũng chính vì tâm tranh giành và tham dục mà loài A-tu-la có các sự việc kém hơn loài người. Con người tâm điềm tĩnh hơn nên có khả năng tu hành theo Chánh Pháp của Đức Phật tốt hơn loài A-tu-la tâm tranh đấu, hơn thua.

* Ẩm thực thọ dụng:

Chúng sanh ở cảnh giới A-tu-la thọ dụng thô đoạn thực và tế đoạn thực. A-tu-la ở trong quỷ đạo, súc đạo và nhân đạo dụng các vật bất tịnh. Riêng loài A-tu-la Thiên đạo dù có ăn các món trân vị, song miếng sau cùng tự nhiên hóa ra bùn đất hay sâu nhái.

* Dục nhiễm thọ dụng:

Chúng sanh ở cảnh giới A-tu-la có sự hành dâm tương đồng như chúng sanh loài người, quỷ, súc sanh. Khi hai giống giao hợp, trong tâm khởi niệm khoái lạc tột độ, liền có chất bất tịnh chảy ra.

Nghiệp nhân tái sinh và biểu hiện lâm chung:

* Nghiệp nhân:

Về nghiệp nhân của loài A-tu-la, Kinh điển Phật Giáo thường nêu ra 3 loại “nhân” chủ yếu khiến cho chúng sanh tái sinh vào cảnh giới A-tu-la, bao gồm sân, mạn nghi.

Do đó, những nghiệp nhân căn bản dẫn dắt sự tái sinh vào loài A-tu-la là sự tham sân, đấu đá, tranh giành, vơ vét, bon chen, hung dữ, hung hãn, cay nghiệt, kiêu căng ngạo mạn, tự cao tự đại, khinh bỉ coi rẻ người khác, tâm địa luôn nghi ngờ xét nét mọi việc v.v.

Tuy A-tu-la không phải là tam đồ ác đạo thọ khổ triền miên như những chúng sanh trong cõi địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh nhưng vẫn phải chịu nhiều phiền não tranh chấp vì bản tính đấu đá, giành giật, vơ vét, tham lam, đố kỵ, rất khó có điều kiện thắng duyên tu hành.

* Biểu hiện khi lâm chung:

Biểu hiện lâm chung của kẻ sắp tái sinh về cảnh giới A-tu-la tương tự như chúng sanh tái sinh về cảnh giới Ngạ quỷ.

Trang 1 Trang 2Kế tiếp

guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận