iFan, Pincoin lừa đảo tiền ảo 15.000 tỷ đồng: Vén màn “liên minh đa cấp ma quỷ”

0
2543

Lại là những câu chuyện nhức nhối liên quan đến tiền ảo nhưng lần này, con số lừa đảo được cho là lên đến 15.000 tỷ đồng.

-Quảng Cáo-

Ngày 8-4, hàng chục người tập trung trước Toà nhà Vietcomreal 68 Nguyễn Huệ, Q1 (TP.HCM) để tố cáo các nhân vật nằm trong dự án tiền ảo iFan,Pincoin: lừa đảo người dân đến 15.000 tỷ đồng. Lại là những câu chuyện nhức nhối liên quan đến tiền ảo nhưng lần này, với con số lừa đảo được cho là lên đến 15.000 tỷ đồng thì dư luận đã không khỏi ngỡ ngàng về mức độ nghiêm trọng của vụ việc và đặt câu hỏi rằng đường dây nêu trên dùng “bùa phép” gì để có thể huy động được số tiền đó?

Rõ hơn về tiền ảo Pincoin – iFan

Sở dĩ người dân kéo đến Toà nhà Vietcomreal nằm ở số 68 Nguyễn Huệ, Q1 (TP.HCM) để tố cáo là vì đây là nơi đặt trụ sở của Công ty Modern Tech, đơn vị đứng ra ký kết với iFan tại Việt Nam.

Trước đó, trên một số phương tiện truyền thông, Modern Tech tự quảng bá rằng họ là công ty “chuyên nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới vào đời sống thực tế”, cụ thể là “đã mạnh dạn đưa ứng dụng blockchain trong ngành giải trí vào Việt Nam bằng việc ký kết hợp tác với công ty công nghệ iFan tại Singapore”.

Modern Tech, Pincoin và iFan – liên minh “ma quỷ” đã giăng ra “chiếc bẫy” đầu tư tiền ảo để huy động một lượng vốn khổng lồ của các nhà đầu tư, theo tố cáo từ người dân
 

Vậy thì cái gọi là ứng dụng công nghệ blockchain hợp tác với iFan là gì? Theo Công ty Modern Teach thì đây là sự kết hợp giữa họ với các công ty công nghệ và giải trí trong khu vực để xây dựng nên mạng xã hội cho những người nổi tiếng, giúp họ tạo ra nguồn thu nhập bằng cách cập nhật trạng thái, đăng ảnh, livestream, bán sản phẩm âm nhạc, phim ảnh, vé sự kiện…

Công ty này rêu rao rằng sẽ phát triển ứng dụng công nghệ blockchain cho việc thanh toán và phân phối nội dung giải trí – một hình thức kinh doanh mới mà Việt Nam chưa từng có. Nói nôm na, dự án này huy động vốn bằng cách phát hành mã token, hứa hẹn ra đời để xây dựng nền tảng quản lý thu nhập, tạo thu nhập thụ động cho nghệ sĩ tại Việt Nam.

Để thanh toán được qua công nghệ blockchain, những người thành lập dự án này đặt ra đồng tiền ảo có tên gọi là iFan, Pincoin và bắt đầu kêu gọi người tham gia. Về bản chất, đồng tiền ảo này giống như một loại cổ phiếu có giá trị, nhưng thay vì phát hành cổ phiếu, Cty Modern Tech lại phát hành ra đồng tiền số Ifan để huy động vốn nhằm tránh việc kiểm tra từ Ủy ban chứng khoán Nhà nước.

Modern Tech kêu gọi người tham gia mua đồng tiền ảo iFan, Pincoin với cam kết: Nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi nhuận thấp nhất 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng.

Các dự án tiền ảo Pincoin và iFan lợi dụng hình ảnh, uy tín của các nghệ sỹ nổi tiếng để dụ dỗ người đầu tư
 

Hấp dẫn hơn, nếu bất cứ ai lôi kéo được thêm người vào hệ thống, sẽ được hưởng thêm 8% số tiền người mới tham gia. Xét lại thì bản chất của mô hình đầu tư này chẳng khác gì kinh doanh “đa cấp” theo kiểu kim tự tháp vốn đã quá bê bối với những phi vụ lừa đảo gây bức xúc dư luận tại Việt Nam. Biết vậy, nhưng vì sao nhiều người vẫn “nhắm mắt đưa chân”?

Họ đã dùng “bùa phép” gì?

Trước đó không lâu, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã phải đăng đàn đính chính bản thân không liên quan đến dự án tiền ảo iFan vì có thông tin xuất hiện trên mạng nói rằng anh đang “đại diện hình ảnh” cho mô hình kinh doanh này.

“Đã có kẻ dựng chuyện và cố tình gán ghép cho Hưng với vai trò đại diện hay quảng cáo cho đa cấp huy động vốn gì đó! Tôi không liên quan đến việc này”, nam ca sỹ cảnh báo.

Thật ra Đàm Vĩnh Hưng chỉ là một trong rất nhiều những nghệ sỹ là nạn nhân của chiêu thức “mượn người nổi tiếng để thu hút đầu tư” mà những kẻ đứng sau các dự án đầu tư tiền ảo này đang áp dụng. Bằng cách mời MC, ca sỹ về dẫn chương trình và biểu diễn, iFan đã lợi dụng hình ảnh này để quảng bá rằng các nghệ sỹ lớn ở Việt Nam đang hợp tác cùng họ!? Trên thực tế, theo điều tra của phóng viên Báo CATP thì thông tin này là không có thật và iFan – Pincoin chưa hề xây dựng các tính năng, ứng dụng để hỗ trợ nghệ sỹ như những gì họ tô vẽ hòng chiêu dụ người đầu tư.

Ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng bị các dự án Pincoin và iFan lợi dụng hình ảnh nên phải đăng đàn đính chính
 

“Bùa phép” thứ 2 mà các đối tượng dùng để kích thích lòng tham của người tham gia, đó là đánh vào lòng tham. Theo đó, chủ đầu tư nào muốn tham gia vào dự án iFan – Pincoin, phải mua lượng token tối thiểu là 1.000 USD. Mặc dù số tiền đầu vào rất cao nhưng do nghe những lời ngon ngọt của đường dây dây này, rằng sẽ người đầu tư sẽ được hưởng lãi suất “khủng” (lên đến vài chục phần trăm/ tháng) vì tiền của họ được cho vay lại nên đã dễ dàng lọt vào chiếc bẫy do chúng giăng ra.

 

Những nạn nhân và đơn tố cáo chỉ đích danh các đối tượng lừa đảo nằm trong các dự án huy động tiền ảo Pincoin và iFan
 

Anh Trần Văn L., là một trong những những người tố cáo bị các đối tượng trong dự án iFan – Pincoin lừa đảo khá nhiều tiền. Cung cấp thông tin cho phóng viên Báo CATP, anh L. cho biết vào đầu tháng 12-2017, tại một sự kiện tổ chức ở Q1, TP.HCM, giới chủ của các dự án này hứa hẹn chắc nịch với nhà đầu tư sẽ trả mức lãi suất ít nhất 48%/tháng và thời gian hoàn vốn lâu nhất là 4 tháng. Thời điểm này, giá trị đồng iFan bán ra từ 1,6 – 2,6 USD. Trong khi đó, iFan đã phát hành 21 triệu đồng coin. Như vậy, ước tính tổng số tiền mà các dự án này đã huy động (tính từ đầu tháng 12-2017) là trên 30 triệu USD (tức 720 tỷ đồng).

Bằng kịch bản trên, iFan – Pincoin đã dụ dỗ hơn 32 nghìn nạn nhân khác cùng tham gia và huy động được hơn 15.000 tỷ đồng tiền vốn. Cứ thế, số tiền của những người vào sau được dùng để trả cho những người trước. Cho đến khi hàng chục ngàn nhà đầu tư bị các ông chủ này “bỏ của chạy lấy người”, có người còn lâm vào cảnh tán gia bại sản vì trót đầu tư đến hàng tỉ đồng vào đây.

“Liên minh ma quỷ”

Vụ việc nghiêm trọng chỉ vỡ lở khi hàng chục người kéo đến vây chặt trụ sở Modern Tech tại phố đi bộ Nguyễn Huệ Q1, TP.HCM để tố cáo việc bị công ty này chiếm đoạt lừa đảo hơn 15.000 tỷ đồng của nhà đầu tư vào ngày 8-4. Lúc này, hàng loạt “nhân vật” mà theo rất nhiều nạn nhân thì đó là một “liên minh ma quỷ” có liên quan đến các dự án tiền ảo nói trên mới được hé lộ.

Theo xác minh của chúng tôi, iFan và Pincoin đều là dự án huy động tiền ảo do một nhóm 7 Việt Nam người tạo ra nhưng được “gắn mác” dự án đến từ Singapore, Ấn Độ nhằm đạt được 2 mục đích là tạo uy tín với các nhà đầu tư và qua mặt cơ quan chức năng.

 

Lê Ngọc Tuấn (biệt danh Tuấn “cam”) – người bị tố cáo trực tiếp cầm đầu nhóm kinh doanh “Lion Team” lừa đảo nhà đầu tư
 

Theo thống kê từ trang web “similarweb”, hơn 90% lượng truy cập vào hệ thống này đến từ Việt Nam. Hồ sơ chúng tôi có được cũng cho thấy, Modern Tech được thành lập trên cơ sở là công ty được ủy quyền bởi iFan và Pincoin. Công ty này đăng ký mã số thuế vào ngày 5-10-2017 (chủ sở hữu là ông Hồ Xuân Văn) với ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động thiết kế chuyên dụng. Tuy nhiên, cùng thời điểm đó, dự án iFan cũng bắt đầu triển khai các hoạt động quảng bá đầu tiên.

Đứng sau iFan là một nhóm có tên là “Biệt đội sư tử – Lion Team”. Nhóm này chuyên kết nối với các dự án tài chính về tiền ảo và quảng cáo cho các nhà đầu tư với mức lãi “trên trời”. Nhiều đơn thư tố cáo hoạt động của các dự án này chỉ đích danh một “nhân vật” tên Lê Ngọc Tuấn – ông này tự nhận là Giám đốc đào tạo & phát triển marketing online iFan quốc tế.

Những tin nhắn chiêu dụ của các đối tượng nằm trong nhóm kinh doanh “Lion Team” gửi đến các nhà đầu tư. Ảnh nạn nhân cung cấp Báo CATP
 
 

Trên nhiều hội thảo, diễn đàn huy động vốn, ông Tuấn kêu gọi nhà đầu tư mua đồng tiền ảo iFan, từ đó dụ dỗ được hàng ngàn người tham gia. “Do nghe bạn bè kể về tổ chức iFan và lợi nhuận siêu khủng của nó nên tôi tìm đến các hội nghị nghe diễn thuyết và từ đó bị dẫn dụ đầu tư, đến nay không được hoàn vốn” – chị Nguyễn Thanh T., một nạn nhân, chua xót kể với phóng viên nghe về trường hợp bị mất tiền của mình.

Theo một số nguồn tin, Lê Ngọc Tuấn và “cộng sự” còn móc nối để huy động đồng tư vào dự án tiền ảo Pincoin. Đây là dự án quy mô không hề nhỏ với tiền thân là Bitkingdom – dự án trước đó vào năm 2016 đã từng lừa đảo 100,000 Bitcoin – tương đương 50 ngàn tỷ.

Ngoài ông Hồ Văn Xuân, Lê Ngọc Tuấn, trong đơn tố cáo, nhiều người dân cũng “điểm mặt” 2 cái tên khác là ông Diệp Khắc Cường (được cho là người sáng lập iFan) và Vũ Hữu Lợi (được cho là đồng sáng lập, kiêm giám đốc phát triển quốc tế iFan). Theo thông tin chúng tôi có được, vào ngày 29-9-2017, ông Cường và ông Lợi cùng “đội ngũ sáng lập iFan” đã tổ chức một sự kiện khá lớn tại TP.Vũng Tàu để ra mắt đồng tiền điện tử iFan.

Hàng chục nạn nhân bị mất tiền tập trung trước Toà nhà Vietcomreal 68 Nguyễn Huệ, Q1 (TPHCM) để tố cáo các nhân vật nằm trong dự án iFan, Pincoin vào ngày 8-4
 

Tại đây, tổ chức này còn tiến hành huy động vốn với giá khởi điểm 1USD/một đồng iFan và hứa hẹn sẽ làm “App nghệ sĩ” để thanh toán các Album ca nhạc của Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên và nhiều người nổi tiếng khác. Đồng thời, các ông chủ của dự án này còn cam kết sẽ mở rạp chiếu phim tại Hà Nội và TP.HCM, liên kết với Chính phủ để các nhà đầu tư tham gia vào dự án sẽ được mua nhà bên Mỹ và nhập quốc tịch Mỹ; thậm chí là dùng tiền ảo iFan để thanh toán tiền điện nước tại Việt Nam…

Tiếp đó, ngày 15-11-2017, Vũ Hữu Lợi và đội ngũ quản lý iFan của mình còn tổ chức một hội nghị khác tại tại TP.HCM, với giá khởi điểm iFan bằng 1,6 USD. “Bổn cũ soạn lại”, Lợi tiếp tục tuôn ra những lời cam kết đầy hứa hẹn để chiêu dụ nhà đầu tư như: làm App Học viên tiền điện tử, xây dựng Học viện tiền điện tử đầu tiên tại Việt Nam, liên kết cho khách hàng mua vé máy bay giá rẻ, mua nhà và định cư tại châu Âu….

Trong ngày 9-4, phóng viên Báo CATP đã nhiều lần liên hệ đến số điện thoại của những người được cho là đứng đầu các dự án iFan, Pincoin và Công ty Modern Tech để xác minh vụ việc nhưng tất cả đều không có hồi âm!

Lời kể của người trong cuộc

Chị Lâm Thuý H. (ngụ Q.Thủ Đức):

Qua sự giới thiệu của của các thành viên từ nhóm kinh doanh “Lion Team”, đứng đầu là ông Lê Ngọc Tuấn, chúng tôi biết đến dự án iFan. Chúng tôi được cam kết rằng iFan là đồng tiền có giá trị và giá cả tăng hàng mỗi ngày do sự ký kết liên tục với các ca sỹ nổi tiếng tại Việt Nam như: Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên, Sơn Tùng M-TP, Agela Baby… Nhưng trên thực tế, chúng tôi cứ đầu tư tiền vào đó ngày càng nhiều cho đến khi vụ lừa đảo bị vỡ lở thì mới biết mình mất trắng. Hiện ông Tuấn và các ông chủ của những dự án này theo chúng tôi được biết đã bỏ trốn.

Anh Võ Thanh N. (ngụ Q.Bình Tân):

Khi tham gia đầu tư vào đồng iFan và Pincoin, ông Lê Ngọc Tuấn đã cho chúng tôi các xem các video về những hiệu quả, lợi nhuận mà 2 đồng tiền ảo này mang lại và khẳng định rằng đây là những dự án nghiêm túc, có tiềm năng cao. Bên cạnh đó ông Tuấn cũng tổ chức buổi gặp gỡ chủ Pincoin thật sự đến từ Anh Quốc.

Vì tin tưởng và bị mờ mắt nên tôi quyết định đầu tư vào 2 dự án trên. Nhưng qua một thời gian, tôi nhận thấy iFan không phải là dự án đến từ Singapore như ông Tuấn nói mà iFan là 1 website được dựng lên bởi nhóm do ông này dựng lên; còn về đồng Pincoin, tôi cũng nhận ra rằng, các chủ Coin của Pincoin đến từ Dubai và Anh Quốc là 1 người khách du lịch ở phố Bùi Viện do ông Tuấn thuê để qua mắt các nhà đầu tư chúng tôi!

Video: Hệ thống IFan đa cấp lừa đảo tiền ảo 15.000 tỷ đồng

Công an TP.HCM

guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận