Giông tố – Tác giả: Vũ Trọng Phụng

0
2949

Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12 Trang 13 Trang 14 Trang 15 Trang 16 Trang 17 Trang 18 Trang 19 Trang 20 Trang 21 Trang 22 Trang 23 Trang 24 Trang 25 Trang 26 Trang 27 Trang 28 Trang 29 Trang 30 Trang 31Kế tiếp

Chương 21

-Quảng Cáo-

Sáng hôm ấy, một ngày hè mây trời quang đãng, trong sân Tiểu Vạn trường thành, có tám chiếc xe hơi… Mỗi năm hai kỳ, ấp phải đón tiếp sự tấp nập, là vì mỗi năm hai kỳ, việc doanh thương của ông dân biểu Tạ Đình Hách được đem ra tính sổ.

Trong phòng khách đợi, lúc ấy có ngót hai chục người chờ được tiếp, bọn người mà bề ngoài đủ tỏ ra vẻ doanh nghiệp, vẻ sắc sảo, vẻ gian hùng, ở những cái mũ cát két, ở những đôi dày ống, ở những cái kính cặp, ở những cái răng vàng, ở cái máy chữ sách được, ở cái cặp da to kếch sù, ở cái ống đựng nước giữ được nóng lạnh trong 24 giờ,.v.v… Bọn này thuộc vào lớp người mà do ai, xã hội được hoạt động, trông vào đâu, cũng thấy danh lợi, sống lên trên những cuộc tai họa hoặc những sự may mắn của người đời. Trước mắt bậc triết nhân hiền giả, họ là bọn sài lang, mà đối với gia đình của họ, thì họ là những bậc can trường lỗi lạc.

Trong bọn ấy, có anh coi đời như canh bạc lớn, làm việc thiện là để quảng cáo cho mình, làm điều ác mà bắt mọi người phải nhớ ơn, đọc đủ cả các báo chí mà không biết gì về văn chương mỹ thuật, tủ sách đầy những tập kỷ yếu các hội ái hữu, nhưng kỳ chung thật không có ai là bạn trên đời, cầm đến tờ nhật trình chỉ xem tin thương trường, tin gọi thầu, các đạo Nghị định, tin xuất cảng, nhập cảng, đã từng chủ tọa những cuộc bàn giải văn chương, mà chưa hề đọc hết một cuốn tiểu thuyết. Lại có anh vừa cổ động kịch liệt cho hội phật giáo, lại vừa xây hàng dãy nhà săm, thấy tin ở đâu bị lụt là lập tức hô hào mở cuộc lạc quyên, để đi cân gạo, thấy tin ông tổng trưởng thuộc địa qua chơi, là viết ngay một bài báo than phiền về nạn hiếu danh và lên kể công doanh thương với quan đầu tỉnh, coi đời là một sự vô nghĩa lý, nhưng đày tớ đánh vỡ một cái bát cũng bắt đền năm xu, giữa đám đông người thì cả mồm chửi những người tàn ác buôn đồng loại, nhưng ngồi một mình thì lại ca tụng mình đã làm được một việc tàn ác một cách có mỹ thuật. Có anh nữa, đã bị cáo trước vành móng ngựa hàng chục lần, mà vẫn chưa biết ông biện lý ngồi ở chỗ nào, vào đâu cũng khoe mình giỏi pháp luật, khai ở sở liêm phóng là vô nghệ nghiệp nhưng, thực ra, không còn nghề gì là không làm, ban đêm đi tiêm thuốc phiện cho người quý quốc, ban ngày đi đòi tiền hộ các sở nặc nô, làm chủ đã ba bốn tiệm khiêu vũ, mà đánh con gái đến hộc máu về tội ăn mặc tân thời, cho vay lãi mười lăm phân thì xót xa, vì đã quá hy sinh cho đời, mà đem vi thành quan trên bạc nghìn, vì đã được cái cửu phẩm còn sợ mình là bội bạc. Lại có anh vừa là chủ hiệu xe đám ma, vừa là chủ được phòng, bán tem cho hội bài trừ bệnh lao, lại bán cả thuốc lào mốc, chiếm kỷ lục về sự vô học nhưng lại gọi ông Quỳnh, ông Vĩnh là thằng, ấy vậy mà khéo làm tiền, thì lại cứ hơn những kẻ có bằng thương mại chuyên môn… Nói tóm lại một câu, bọn người này là những mẫu hàng đặc biệt của công giới và thương giới.

Bọn ấy đều hoặc là bạn hàng, hoặc là vây cánh hoặc là tay sai của Nghị Hách cả. Người thì lên xin thầu một dãy nhà, kẻ mong điều đình xong một tờ giao kèo, anh thì muốn bán lại một cái mỏ, anh thì đến yêu cầu một sở đại lý độc quyền, anh thì đến bán một ít cổ phần của một công ty đương tổ chức lại, hoặc sắp tan…

Trong phòng giấy, nghiệp chủ Tạ Đình Hách, bảo người thư ký riêng:

– Anh ta xin lấy một lượt danh thiếp đã.

Rồi lại hỏi người loong toong:

– Chưa thấy ai ở Quảng Yên về à?

Người loong toong đáp.

– Bẩm chỉ mới có hai ông ở Hải Phòng và ở Hà Nội về trình sổ sách.

– Còn thì toàn là lạ mặt cả? – Bẩm chỉ có một người có tuổi là lạ mặt, còn thì phần đông là đều đã có lên đây một vài lần.

– Một người có tuổi? – Vâng.

– Ai thế nhỉ?

– Bẩm, con không biết, vì chưa lên đây lần nào cả? – Đi chiếc xe mác gì?

– Bẩm, không có xe hơi.

– Quần áo thế nào? – Quần áo tây vải vàng. – Muốn hỏi gì?

– Bẩm muốn hỏi quan lớn.

Người thư ký mang vào một cái khay đầy những danh thiếp và nói:

– Bẩm lại vừa có một ông Tây vừa lên bằng xe hơi, kêu muốn được tiếp trước cả.

Nghị Hách mân mê cái danh thiếp trong tay, nghĩ một lúc rồi bảo người loong toong:

– Anh ta thưa với các ông rằng đường sá xa xôi, ông chủ tôi có lưu các ông lại xơi bữa cơm trưa, xin các ông thuận cho.

Rồi quay lại người thư ký:

– Trong khi ấy, thì anh ra mời người Tây này vào trước.

Mấy phút sau, người Tây được dẫn vào. Người này, đã cao tuổi, nói tiếng Việt Nam rất thông, xem chừng đã ở thuộc địa này ít ra vài ba mươi năm.

– Tôi muốn ông Nghị nói cho tôi hiểu rằng khóa này ông có ra tranh cử nữa không…

Nghị Hách nghĩ mãi mới đáp.

– Điều ấy tôi cũng chưa quyết định.

– Nếu ngài ra tranh cử, thì nên quyết định ngay đi vì chỉ còn có hai tháng.

– Vâng, nhưng vì công việc doanh nghiệp của tôi dạo này bận rộn lắm, có lẽ khóa này tôi thôi.

Người Tây trợn tròn hai mắt:

– Ngài thôi? Ngài nói?

– Phải, có lẽ tôi thôi.

– Ngài thôi vì công việc ngài đương tiến bộ?

– Vâng.

Người Tây cười nhạt một hồi rồi khẽ nói:

– Ngài nên nói vì ngài đầy túi rồi thì hơn.

Nghị Hách đứng lên nghiêm trang mà rằng:

– Tôi xin thề với ông rằng, tuy chính phủ có cho tôi hai trăm mẫu đồn điền thật, nhưng tôi mất theo vào cái ấy có đến sáu vạn bạc, mà vẫn chưa thu về một xu nào cả!

– Không phải vì thế mà ngài không thay mặt dân nữa.

– Vả lại, tôi cũng không giúp ích được dân điều gì.

Người Tây lại cười gằn một hồi lâu, rồi ghé vào tai Nghị Hách:

– Khi mình làm Nghị viên thì người ta hãy nghĩ đến cách giúp ích cho mình trước đã.

Nghị Hách cũng cười trừ và chia tay ra bắt tay người Tây, sau khi nháy mắt mấy cái một cách ranh mãnh. Rồi tiếp:

– Tôi hỏi thật ông rằng: nếu tôi ra tranh cử nữa, thì có lợi hại gì cho ông không?

– Tôi cũng xin nói thật ngay rằng nếu ông tranh cử nữa, thì cả đôi ta sẽ cùng có lợi.

– Xin ông cắt nghĩa kỹ…

– Trước hết, tôi hãy nói cho ông biết rằng cách đây vài năm, tôi còn là một ông quan cai trị…

– Vâng.

– Tôi có cả Bắc đẩu bội tinh (người ấy nói xong trỏ lên ve áo).

– Vâng, tôi đã rõ lắm…

– Thế nghĩa là tôi quen thuộc nhiều người quyền thế lắm. Trong khi tôi còn làm quan cai trị thì tôi đã để ý đến việc doanh thương rồi. Hiện giờ, tôi làm đại biểu cho một hội lý tài mới lập bên Pháp, vốn liếng có hai mươi triệu phật-lăng, được hội cử đi tìm một việc gì có lợi. Tôi đã tìm ra được một cái độc quyền, là cái độc quyền nước mắm. Muốn đạt tới mục đích thì phải có vây cánh cho nên tôi muốn tìm ông.

– Vâng.

– Ông thử nghĩ xem? Một cái độc quyền nước mắm ở Bắc Kỳ và ở Trung Kỳ thì phải là một việc lợi lắm chứ?

– Phải, phải.

Vậy thì năm trăm cổ phần để dành cho ông đó nếu ông giúp tôi được việc.

– Tôi sẽ phải hành động thế nào?

– Ông sẽ ra tranh cử dân biểu, ông sẽ phải trúng cử cả ghế Nghị trưởng nữa, để mà lên Đại hội Nghị kinh tế.

Có tiếng gõ cửa, Nghị Hách quát:

– Không vào được!

Rồi ngồi thừ ra ngẫm nghĩ. Hồi lâu mới nói:

– Chỉ sợ không đủ tài hùng biện… – Đã có người khác hùng biện.

– Thế thì tôi phải làm gì? – Ông sẽ bỏ phiếu tín nhiệm một ủy ban vệ sinh cử đi xét nước mắm. Và ông sẽ ngồi im không nói gì cả, không cãi gì cả, khi nào có một hội viên Pháp đem vấn đề nước mắm ra chất vấn chính phủ tại hội nghị.

– Chỉ có thế?

– Phải, mà có thế cũng là nhiều lắm.

– Tôi hỏi thẳng thế này nhé: thế trong cuộc tranh cử ghế Nghị trưởng thì liệu hội ông có thể giúp đỡ gì được tôi không?

– Chúng tôi sẽ giúp đỡ ông về phương diện tinh thần.

– Còn tiền tranh cử thì tôi phải bỏ ra?

– Phải, ta nên giao hẹn nhau đích xác như thế.

Nghị Hách ngồi thừ ra một lúc lâu mới tiếp:

– Như vậy thì khó khăn lắm,

Nhưng người Tây đứng lên, nghiêm trang mà rằng:

– Việc đời không bao giờ dễ cả. Tôi xin nói thẳng ngay rằng mỗi một cổ phần giá là hai nghìn phật lăng. Vậy thì năm trăm cổ phần về tay ông là bao nhiêu! Mà cái số lãi đồng miên sẽ là bao nhiêu? Ông nghĩ kỹ mà xem! Lãi nước mắm, cả Trung Kỳ lẫn Bắc Kỳ!

– Ông nói có lý lắm.

Người Tây vỗ vai Nghị Hách, nói khẽ:

– Vả lại, cái ghế Nghị trưởng cũng đắt đến cái mề đay Bắc đẩu…

– Tôi chỉ sợ không tranh nổi cái ghế Nghị trưởng, sẽ có năm bảy tờ báo chửi tôi là vô học…

Người Tây có vẻ cáu kỉnh mà rằng:

– Những đứa nào chê ông là vô học thì ông sẽ lấy giấy bạc dán vào mồm nó, cho nó câm đi! Còn báo chí thì sợ gì? Ông chỉ việc ký vài cái ngân phiếu cho mấy thằng chủ báo! Tôi sẽ đi điều đình với ông! Ngoài ra, tôi cũng có mấy cơ quan ngôn luận bằng Pháp văn, sẵn sàng chửi cái anh Nghị trưởng cũ là phản quốc, là tư bản, là bán đồng loại, rồi kia mà!

– Những cơ quan ấy sẽ ca tụng tôi?

Người Tây cả cười:

– Ông thật thà quá! Những cơ quan của tôi mua được vào dịp tranh cử sẽ không ca tụng ông, mà lại còn công kích ông kịch liệt! Tôi sẽ thảo cho ông một chương trình cải cách vĩ đại về xã hội. Ông sẽ đòi quyền cho hạng lao động, cho nông dân… Những tờ báo kia sẽ chửi ông là cách mệnh… là cộng sản… Rồi thì mấy tờ nhật báo đăng tin chó chết, sẽ trích đăng những bài mà mấy tờ báo Tây chửi ông! Với cái lối hành động như thế thì chức Nghị trưởng, ông lấy dễ như bỡn vậy.

– Nếu đúng được thế thì hay lắm.

– Vậy ông có bằng lòng ra tranh cử nữa không?

– Đã thế, thì tôi phải ra nữa.

– Với cái chức Nghị trưởng, ông còn làm được nhiều việc lợi khác.

– Có lẽ lắm.

– Vậy hứa đi. Ta nên lấy danh dự mà thề với nhau đi…

– Tôi xin thề.

– Thôi, thế tôi tạm biệt ông. Ta sẽ gặp nhau luôn. Tôi phải về hội quán Hà Nội, chiêu tập một kỳ hội đồng bất thường để bàn cách làm việc.

– Vâng.

– Ông cũng nên nghĩ ngay mọi cách làm việc. Kính chào ông.

– Chào ông!

Người Tây ra, Nghị Hách cũng ra theo, tiễn chân đến cửa ấp. Chiếc xe hơi chạy rồi Nghị Hách quay lại phòng khách đợi, tươi cười tay bắt mặt mừng, chào hỏi cả một lượt. Khi bắt tay đến một ông già là người được hỏi đến sau cùng, thì Nghị Hách có vẻ ngạc nhiên đứng ngẩn người ra ngẫm nghĩ rất lâu.

– Quái lạ! Trông ông này giống ai mà tôi không nhớ nữa!

Ông già cười ha hả nói:

– Vâng, đã hai mươi nhăm năm nay rồi!

– Ông là ai nhỉ?

– Một người bạn cũ của quan lớn… đã quên đi mất.

Nghe đến đấy, Nghị Hách chợt giật mình, cũng muốn cáu kỉnh lắm, vội phải lén môi dưới vào hai hàm răng mà cắn chặt để nén sự bực tức. Một người bạn cũ mà đến với mình, khi mình đã giàu có, thì không khí nào lại là một điềm tốt, nên Nghị Hách hỏi một cách cũng hơi xẵng:

– Thế thì ông là ai?

– Bẩm tôi là bạn với ngài, từ lúc ngài còn hàn vi… Nói ra vị tất ngài đã nhớ được, mà nói thì phải dài dòng lắm.

Thấy ông “bạn cũ” thản nhiên như thế, Nghị Hách cũng vội dịu giọng:

– Tôi vẫn chưa nhớ ra được bác là ai đấy!

– Vâng, hơn hai mươi năm nay rồi còn gì!

– Thế bác lên thăm tôi hay có công việc gì không?

– Vừa thăm, và vừa có việc nữa.

– Bác có vội không?

– Tôi không vội chút nào.

– Bác có thể ở đây lâu được?

– Có thể ở vài ba tháng cũng được.

Nghị Hách tuy ngạc nhiên, nhưng cũng gật gù:

– Thế thì may lắm.

– Vâng.

– Bác cho phép tôi hãy tiếp những ông này đã, vì phần nhiều là có việc vội cả.

– Được ạ.

– Thế phiền bác đợi tôi ít lâu nhé?

– Trong lúc ấy, tôi muốn bác cho một người nhà đưa tôi đi xem cái sinh phần. Tôi lên đây đã hai hôm. Cả buổi chiều hôm qua, tôi đã lên ngọn đồi bên kia ngắm nghía và xem mạch đất… Tôi thấy rằng cái ông thầy địa lý nào, đã tìm cho bác chỗ đất ấy, thì hoặc là muốn phản bác, hoặc là không hiểu một tí gì về địa lý cả.

Nghị Hách bảo người loong toong:

– Anh tìm thằng Xuân, bảo nó đưa cụ đi xem sinh phần.

Rồi đứng nhìn người bạn cũ để cố nhớ ra xem xưa kia đã quen thuộc ở đâu… Cái mắt quắc thước hai con mắt tinh thần vô cùng, lưỡng quyền cao, địa các nở, một đường gân xanh to như cái đũa chạy dọc qua trán, lại thêm ba chòm râu… Một bộ quần áo vải vàng, dáng người thật khó đoán lạ, khó nhớ lạ!

Nghị Hách thở dài nói:

– Tôi vẫn chưa nhận ra được bác là ai đấy!

Ông già mỉm cười:

– Tôi giúp việc cho bác xong, rồi mới nói lại chuyện cũ, thì cũng không muộn.

Thằng Xuân chạy đến thì Nghị Hách bảo:

– Mày dẫn cụ đi xem vườn.

Rồi quay lại tiếp những người khác.

Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12 Trang 13 Trang 14 Trang 15 Trang 16 Trang 17 Trang 18 Trang 19 Trang 20 Trang 21 Trang 22 Trang 23 Trang 24 Trang 25 Trang 26 Trang 27 Trang 28 Trang 29 Trang 30 Trang 31Kế tiếp