Đại biểu tỉnh Hậu Giang đề xuất “chủ tịch tỉnh đi xe máy, bộ trưởng đi xe buýt, giám đốc sở, ngành đi xe đạp” để giảm ùn tắc

0
1765

Trong phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/8, nữ đại biểu quốc hội tỉnh Hậu Giang Nguyễn Thanh Thủy nêu giải pháp với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhằm tiết kiệm ngân sách, tránh ùn tắc giao thông, đặc biệt thể hiện trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu.

-Quảng Cáo-

Cụ thể, để tiết kiệm ngân sách, trách ách tắc giao thông, đặc biệt để thực hiện trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu của các cấp, các ngành, bà Thủy cho rằng nên thực hiện theo mô hình “chủ tịch tỉnh đi xe máy, bộ trưởng đi xe buýt, giám đốc sở, ngành đi xe đạp”.

Đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, bà Thủy hỏi liệu có nên thực hiện theo mô hình này và nếu thực hiện có giảm ách tắc giao thông không? Giải pháp nào để thực hiện khi hạ tầng giao thông không đồng bộ và rất yếu kém như hiện nay?

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể hoan nghênh sáng kiến của đại biểu Thủy và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang. Ông cho rằng đây cũng là một trong những đề xuất để Bộ GTVT nghiên cứu.

“Nếu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang xung phong thì Bộ GTVT xin chọn Hậu Giang làm nơi thí điểm. Sau khi thí điểm chủ tịch đi xe máy, giám đốc sở đi xe đạp, mô hình ở tỉnh Hậu Giang tốt thì nhân rộng ra chứ chưa thể áp dụng đại trà”, ông Thể nói.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương tự đi xe máy đến cơ quan

Trước đó, câu chuyện lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Đồng Tháp đi xe máy đến nơi làm việc nhận được quan tâm của dư luận. Đáng lưu ý, việc đi xe máy đến nơi làm việc không chỉ có Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp thực hiện mà còn có nhiều cán bộ sở, ngành khác.

Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, ông đã tự chạy xe máy đến chỗ làm từ khi ông còn làm Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh.

Đi xe máy giúp ông thuận tiện quan sát xung quanh hơn, muốn ghé hay đỗ xe chỗ nào cũng được. Nó cũng giúp ông dễ dàng vào các khu dân cư nhìn cuộc sống của bà con, lắng nghe phản án, phiền hà của người dân.

Bí thư, Chủ tịch Đồng Tháp chia sẻ lý do tự đi xe máy đến nơi làm việc

“Không chỉ anh Bí thư Tỉnh ủy và tôi đi xe máy đến công sở mà còn nhiều anh em khác. Đi xe máy giúp chúng tôi quan sát xung quanh, dễ dàng tiếp cận người dân. Ngoài ra, góp phần tiết kiệm cho ngân sách một ít” – Ông Nguyễn Văn Dương – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, chia sẻ.

Ông Dương cho biết, việc đi xe máy đến công sở, không chỉ có Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh thực hiện mà còn có nhiều cán bộ Sở, ngành khác. Việc này ông và các cán bộ đã thực hiện cả chục năm qua và trở thành thói quen như chuyện thường ngày. Riêng ông đã tự chạy xe máy đến chỗ làm từ khi ông còn làm Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp.

Theo ông Dương, trước đây và hiện tại có nhiều cán bộ nhà ở huyện nhưng lên tỉnh làm việc (Giám đốc Sở Tài Chính, Giám đốc Sở TN-MT) hoặc nhà ở TP Cao Lãnh được phân công về huyện làm việc (Chủ tịch huyện); nhiều cán bộ đi làm xa hàng chục kilomet nhưng vẫn chạy xe máy đi và về mỗi ngày. Ban đầu cũng có chút bất tiện, băn khoăn, cũng lo lắng cho sự an toàn của cán bộ, nhưng trên dưới cùng làm, lâu dần việc đi xe máy thành thói quen.

Ông Nguyễn Văn Dương cho biết thêm: “Thời tiết mát mẻ thì đi xe máy thích hơn. Đặc biệt khi đi xe máy, mình muốn ghé, đỗ xe chỗ nào cũng được. Và đi xe máy giúp tôi cũng như nhiều anh em khác dễ quan sát xung quanh. Có khi gặp rác thải, biển hiệu giao thông bị hư… là chụp hình gửi cho cán bộ quản lý để xử lý ngay.

Ngoài ra, khi tôi đi xe máy, tôi có thể dễ dàng vào các khu dân cư, nhìn cuộc sống của bà con; bà con có việc bức xúc, phiền hà về cán bộ, thủ tục hành chính… là gọi ngay mình lại để trình bày. Có việc giải quyết ngay tại chỗ cho bà con, có việc chuyển nhanh đến bộ phận liên quan, giải quyết cho người dân”.

Ông Đoàn Tấn Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cũng thường xuyên đi xe máy đến nơi làm việc. Có những hôm thời tiết đẹp ông còn tự đạp xe đạp đi làm.

Theo ông Dương, đi xe máy vào mùa mưa có chút bất tiện là phải mặc áo mưa nhưng bù lại tiện lợi, tiết kiệm nhiều thứ. Ví dụ như bản thân ông Dương nhận thấy: “Nếu đi xe công, vào họp 2-3 giờ thì anh tài xế cũng ngồi đó chờ ngần ấy thời gian”.

Ông Nguyễn Thanh Hùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết ông cũng có thói quen đi xe máy hơn 10 năm nay, từ hồi ông còn giữ chức Bí thư Huyện ủy Cao Lãnh.

Ông Đoàn Tấn Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp ngoài việc đi xe máy đến công sở, còn có thói quen đạp xe đạp đến nơi làm việc. Thói quen này, ông thực hiện từ hồi công tác ở Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp.

Ông Nguyễn Văn Cả – Phó Giám đốc Sở Tài Chính (phụ trách tài sản công) cho biết, việc các vị lãnh đạo đi xe máy đến nơi làm việc là thói quen và là quyết định của các lãnh đạo, không hề có văn bản hay chỉ đạo miệng về việc đi xe máy. Các cán bộ trong diện có xe đưa đón thường xuyên (Bí thư Tỉnh ủy) và 4 chức danh khác có xe đưa đón từ nhà đến nơi làm việc (Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng đoàn đại biểu chuyên trách) không hề đề cập đến việc giao khoán kinh phí khi các lãnh đạo này đi xe máy.

Từ lựa chọn không dùng xe công của nhiều lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, người dân cũng như du khách từ các tỉnh khác đến đều khá bất ngờ và hài lòng về sự bình dị, gần gũi của lãnh đạo tỉnh.

Theo Sở Tài Chính Đồng Tháp, tỉnh đang sắp xếp và quản lí xe công theo Nghị định 04/2019/NĐ-CP, ngày 11/01/2019 về quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô. Theo qui định này, các sở, ngành, các huyện chỉ còn 1 xe công/đơn vị. Khi các sở, ngành, huyện… có nhu cầu đi công tác thì thực hiện hợp đồng thuê xe theo qui định.

Hiện toàn tỉnh Đồng Tháp có 157 xe công và khi thực hiện theo quy định mới, sẽ dư 92 chiếc. Thời hạn cuối cho các tỉnh tổ chức sắp xếp, sử dụng và quản lí xe công là đến 31/12/2019.

VOV, Dân trí

guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận