Yeonmi Park trốn khỏi Triều Tiên mang theo nhiều hy vọng nhưng số phận lại đẩy cô rơi vào tay kẻ buôn người máu lạnh.
Yeonmi Park rời Triều Tiên từ năm 13 tuổi, vượt sông Áp Lục để tới Trung Quốc năm 2007. Park cho biết cô đã trải qua quãng thời gian bị bóc lột tình dục trong tay một kẻ buôn người và chứng kiến cảnh mẹ cô bị bán làm vợ người khác. Park sau đó băng qua sa mạc Gobi tới Mông Cổ trước khi đặt chân đến Hàn Quốc, theo NBC News.
Hành trình đầy gian nan giờ đây đưa Park đến Chicago, Mỹ. Cô đã 24 tuổi, lấy chồng Mỹ và vừa hạ sinh con trai đầu lòng. Cô rất cởi mở trải lòng về những năm tháng ấu thơ sống ở Triều Tiên.
Người Triều Tiên đào tẩu Yeonmi Park. Ảnh: AP. |
Park sinh ra tại thành phố Hyesan, phía bắc Triều Tiên, gần biên giới với Trung Quốc. Cha cô bị bắt và bị đưa tới một trại lao động khổ sai vì buôn lậu hàng hóa từ Trung Quốc trên thị trường chợ đen, gồm quần áo, thuốc lá, đường, gạo, thậm chí ông còn tuồn đồ ăn cắp vào Trung Quốc.
Park cho biết phần lớn thời thơ ấu, cô phải sống trong cảnh khốn khó, đói rét cực độ. Rất ít khi nhà cô có điện và những hôm may mắn bóng đèn được bật sáng, gia đình cô lại ăn mừng như thể ngày lễ. Ước mơ của Park là nhà có điện thoại cố định.
Năm 2007, Eunmi, chị gái Park, lúc bấy giờ 16 tuổi, trốn được sang Trung Quốc nhờ một kẻ buôn lậu. Park và mẹ nhanh chóng theo chân với hy vọng cả nhà sẽ đoàn tụ. Nhưng những gì xảy đến tiếp theo lại là chuỗi ngày đầy đau khổ, kéo dài nhiều năm tháng của hai mẹ con. Họ trở thành món hàng trong tay những kẻ buôn người.
Park nhớ lại khi hai mẹ con cô vượt qua biên giới sang Trung Quốc, một trong những kẻ môi giới muốn cưỡng hiếp cô. Nhưng mẹ đã cứu cô bằng cách tự hiến dâng thân xác mình, rồi bà bị bán cho một nông dân sống ở vùng nông thôn Trung Quốc để làm vợ ông ta.
Park cho hay cô buộc phải lập giao kèo với kẻ đưa cô vượt biên. Hắn hứa sẽ giúp Park đoàn tụ với gia đình nếu cô chấp nhận trở thành nhân tình của hắn. Nếu không đồng ý, cô sẽ bị đưa trở lại Triều Tiên, đối mặt nguy cơ bị tống giam hoặc xử tử.
Cô thuận theo, cắn răng chịu đựng cuộc sống liên tục bị cưỡng hiếp, hành hạ về thể xác. Thậm chí, Park còn gia nhập mạng lưới buôn người với vai trò kẻ chăn dắt, dụ dỗ những phụ nữ Triều Tiên đào tẩu khác. Trước đây, Park luôn nghĩ chỉ động vật mới bị mua bán.
“Tôi đã đánh mất niềm tin vào con người”, cô chia sẻ. “Tôi không thể tin tưởng bất cứ người đàn ông nào nữa. Tôi căm ghét đàn ông. Tôi căm ghét loài người. Tại sao người ta lại có thể mua đi bán lại đồng loại của mình được chứ?”
Kẻ buôn người rút cục cũng giữ lời hứa với Park. Hắn mua lại mẹ cô và đưa cha cô vào Trung Quốc. Tuy nhiên, cha của Park qua đời một tuần sau đó vì căn bệnh ung thư ruột kết.
Số phận mẹ con Park thay đổi khi họ gặp được một phụ nữ Triều Tiên. Người này nói với họ rằng Hàn Quốc có chính sách cho phép những người Triều Tiên đào tẩu tị nạn.
Vào một đêm tháng 3/2009, Park cùng mẹ vượt qua biên giới giữa Trung Quốc vào Mông Cổ, rong ruổi trên sa mạc Gobi lạnh giá để tới Hàn Quốc.
Sau gần 7 năm bị chia cắt, Park cuối cùng được đoàn tụ với chị gái ở Hàn Quốc. Dù trải qua nhiều năm đau khổ, thương tổn cả về thể chất lẫn tinh thần, mẹ cô đã “tốt dần lên” nhờ được chăm sóc y tế.
Năm 2014, Park có bài phát biểu gây chú ý tại hội nghị thượng đỉnh những nhà lãnh đạo trẻ ở Dublin, Ireland. Cô chuyển tới Mỹ để viết hồi ký và theo học Đại học Columbia. Park tạm thời nghỉ học sau khi sinh con trai đầu lòng hồi tuần trước.
Cô còn tham gia cố vấn cho một chương trình gửi những chiếc USB chứa phim Hollywood, nhạc và phim truyền hình Hàn Quốc vào Triều Tiên bằng bóng bay. Park thổ lộ cô muốn thay đổi hình ảnh người dân Triều Tiên trong mắt truyền thông phương Tây. Họ thường xuyên bị mô tả như những người máy vô hồn nhưng thực tế họ “có cảm xúc và ước mơ” giống như tất cả mọi người.
Park hy vọng có thể trở về Triều Tiên trong một ngày không xa. “Không gì là mãi mãi. Tôi tin Triều Tiên sẽ thay đổi”, cô nói.
Vnexpress