- Địa ốc Alibaba phân lô bán nền cả đất quy hoạch nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng
- Địa ốc Alibaba bán dự án “ma”: Bình Thuận cắm biển cảnh báo người dân cảnh giác
- Khởi tố hình sự các dự án ma của Địa ốc Alibaba tại Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu
Sau khi hai lãnh đạo chủ chốt của Công ty CP Địa ốc bị khởi tố và bắt tạm giam để điều tra về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, nhiều khách hàng đã ùn ùn kéo đến công ty này đòi tiền.
Cơ quan Cảnh sát điều tra công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét đối với Nguyễn Thái Lĩnh (30 tuổi, tổng giám đốc Công ty Alibaba, ngụ tỉnh Gia Lai, tạm trú quận Thủ Đức) để điều tra hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015.
Cùng ngày, cơ quan CSĐT công an TP.HCM cũng tiến hành các thủ tục khám xét, bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Thái Luyện (chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba) để điều tra về việc liên quan đến các vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Alibaba.
Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba Nguyễn Thái Luyện là anh ruột của bị can Nguyễn Thái Lĩnh
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy bị can Nguyễn Thái Lĩnh và đồng phạm đã thành lập Công ty cổ phần địa ốc Alibaba và các công ty thành viên, rao bán các dự án “ma” tại một số tỉnh phía Nam khi chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép cho làm dự án… nhằm huy động tiền của hàng nghìn khách hàng để chiếm đoạt.
Chiêu thức lừa đảo của Địa ốc Alibaba
Đại diện cho 2 khách hàng là N.V.Q và L.A.L (cùng ngụ quận Bình Thạnh), luật sư Trần Minh Cường (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết sau nhiều lần đến trụ sở Địa ốc Alibaba làm việc thì công ty vẫn chưa giải quyết trả tiền cho thân chủ của ông.
Theo luật sư Cường, Địa ốc Alibaba không có đất mà hợp tác với các cá nhân là chủ sở hữu quyền sử dụng đất thông qua các công ty con hoặc sàn giao dịch, từ đó ký hợp đồng với khách hàng với giá rẻ hơn rất nhiều so với thị trường. Sau đó công ty cam kết mua lại với mức lãi suất hấp dẫn.
Hệ thống công ty của Địa ốc Alibaba biết rõ thực trạng các khu đất không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, không được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận địa điểm, phê duyệt quy hoạch 1/500 hay giao đất thực hiện dự án. Tuy nhiên Alibaba vẫn ký hợp đồng với khách hàng, cam kết bàn giao đất thổ cư trong thời gian 6 – 12 tháng, đồng thời cam kết thu mua lại.
Như vậy, có thể khẳng định các “dự án ma” của Địa ốc Alibaba không thể hoàn tất các thủ tục để bàn giao nền cũng như Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất như thoả thuận, có dấu hiệu “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo luật sư Cường, khi đó hợp đồng thoả thuận quyền sử dụng đất công ty ký với khách hàng sẽ vô hiệu.
“Trong trường hợp Địa ốc Alibaba chây ì hoặc không trả tiền thì khách hàng sẽ là bên chịu thiệt thòi. Những ai đã và đang đầu tư tại Địa ốc Alibaba cần trình báo, phối hợp cùng cơ quan cảnh sát điều tra để làm rõ yếu tố pháp lý liên quan giữa các pháp nhân công ty con trong hệ thống của doanh nghiệp này”, luật sư Cường nói.
Tổng hợp