Chó hoang Dingo (Câu chuyện mối tình đầu)

0
2060

Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12 Trang 13 Trang 14 Trang 15 Trang 16 Trang 17 Trang 18 Trang 19 Trang 20 Trang 21Kế tiếp

-Quảng Cáo-

IX

Tanhia vẫn đến ăn cơm. Em bước lên bậc thềm có cánh cửa lớn bằng kính và kéo mạnh, mở toang cửa trước mặt mình, còn con chó đi cùng với em thì ở lại trên bậc thềm.

Tanhia sập mạnh cửa. Rốt cục em vẫn có quyền đi vào ngôi nhà này khi nào em muốn chứ. Bố em sống ở đây cơ mà. Và phải làm sao cho không ai nghĩ là em đến đây vì một người nào khác hay vì một cái gì khác, vì món bánh nhân anh đào chẳng hạn.

Tanhia lại sập cửa lần nữa, to hơn bất cứ một lần nào trước đây.

Cả cánh cửa rung rung và ngân lên giọng hát thuỷ tinh của mình.

Tanhia đi vào và ngồi xuống chỗ của mình bên bàn. Trong nhà, mọi người đang ăn. Trên bàn có một bát đầy ắp.

–       Tanhia! – bố kêu lên vui sướng. – Con đến à? Thế mà Colia lại nói hình như hôm nay con không đến. Ngồi xuống đây mau và ăn đi. Ăn nhiều vào. Hôm nay cô Nadia làm bánh bọc thịt cho con đấy. Con xem, Colia nặn khéo không này.

“Thế đấy, – Tanhia nghĩ – cậu ta cũng biết làm cái này cơ đấy”. Em đăm đăm nhìn bố, nhìn lên tường, nhìn những bàn tay thân thiện của cô Nadejda Petrovna đang đưa bánh mì cho em, nhưng không dám nhìn Colia.

Em ngồi, đầu cúi thấp xuống bàn.

Colia cũng ngồi gập người trên chỗ của mình, đầu rụt vào vai. Nhưng môi cậu hiện lên một nụ cười giễu cợt.

–       Bố, – cậu bảo, – bố nói cho Tanhia biết con nặn những viên bánh này để làm gì? Bây giờ thì bạn ấy sẽ không ăn tí nào đâu.

–       Các con cãi nhau hay sao? – bố lo ngại hỏi.

–       Sao bố lại nói thế! Colia trả lời. – Chúng con sẽ không bao giờ cãi nhau cả. Chính bố đã nói rằng chúng con cần phải là bạn bè cơ mà.

–       Ờ, đúng thế! Bố nói.

Colia nhoài người qua bàn, cúi xuống bên Tanhia, thì thào:

–       Ai đã nói với tôi là hôm nay sẽ không đến ăn nhỉ?

Tanhia trả lời thật to:

–       Tôi hoàn toàn không đến để ăn. Tôi không muốn ăn. Không, không, tôi không muốn ăn một tí nào! – em nhắc lại thật to với bố và với vợ ông khi cả hai người cùng lên tiếng nói với em.

–       Không muốn ăn là thế nào hả con? – bố bối rối hỏi lại một lần nữa. – Thế còn bánh bọc thịt?

–       Không, cảm ơn bố, con đã ăn cơm với mẹ.

–       Đừng mời bạn ấy đến lần thứ ba, bố ạ. – Colia nói một cách giễu cợt. – Dù thế nào đi nữa bạn ấy cũng không ăn đâu.

–       Thôi được, không muốn, không ăn – bố nhận xét với vẻ tiếc rẻ. – Thật phí quá, món bánh ngon thế này!

Ồ, tất nhiên những viên bánh bọc đầy thịt mà những con người ngốc nghếch ấy rưới giấm lên quả thật là ngon tuyệt. Ai lại rưới giấm lên bao giờ, điên thật! Người ta thường rắc hạt tiêu lên và ăn với sữa, nuốt như nuốt một ngọn lửa thần kỳ trong nháy mắt làm người tỉnh hẳn lại.

Những ý nghĩ của Tanhia cứ lướt qua trong óc như một cơn lốc nhỏ, tuy em cố nghiêm nghị nhìn vào đĩa của mình, ở đó có mấy viên bánh đã nguội đi. Đầu em hơi choáng váng vì ở nhà em chưa ăn và cũng vì em có đôi vai khỏe mạnh, cánh tay rắn chắc, đôi chân cứng cáp, chỉ riêng có trái tim em là không biết mình cần gì. Thế là em đi đến đây, đến ngôi nhà này như một người mù quáng, và không nhìn thấy gì hết, không nghe thấy gì hết ngoài mạch máu đang rần rật chảy trong người em.

Có lẽ, nếu tranh cãi về khoa học, em sẽ trấn tĩnh lại được ít nhiều.

–       Bố ơi, – đột nhiên Tanhia nói – có phải cá trích biển mặn không bố? Colia đã nói với con như vậy. Bạn ấy hoàn toàn không công nhận môn động vật học.

–       Thế là thế nào? Bố không hiểu – bố hỏi.

Colia ngừng ăn. Cậu dùng lòng bàn tay lau môi và đưa khăn tay vuốt khăn mặt đang hết sức sửng sốt. Chưa bao giờ cậu nói điều này. Tuy vậy nỗi ngạc nhiên của cậu nhanh chóng biến đi ngay sau khi cậu nhớ lại rằng sáng nay cậu vừa quyết định không nên ngạc nhiên về tất cả những gì Tanhia làm lẫn những gì cô ta nói.

Thoáng trong giây lát, cậu lại bình thản nhìn trân trân vào Tanhia bằng cặp mắt trong vắt, từ đáy sâu thẳm của cặp mắt ấy dường như hiện lên nụ cười lặng lẽ.

–       Đúng, tôi không công nhận – cậu nói. – Khoa học gì cái này: mèo có bốn chân và có đuôi.

Trán và má Tanhia đỏ bừng. Em biết rõ cậu ta nói về con mèo nào.

–       Thế bạn thích môn nào? – em hỏi.

–       Thích toán… Nếu như hai đường tròn có một điểm chung thì … Tôi thích văn nữa, – cậu nói thêm – đó là một môn khoa học dịu dàng.

–       Dịu dàng – Tanhia nhắc lại.

Mặc dù em có một tâm hồn thiên về nghệ thuật và chính em rất yêu cả Dickens (1), cả Walter Scott (2), và còn yêu hơn nữa Krylov (3) và Gogol (4), em vẫn nói một cách khinh rẻ:

– Thế khoa học gì cái này: “Con lừa nhìn thấy hoạ mi”(5)?

Họ cứ nói với nhau như vậy, đùa mà không nhếch mép cười, mắt đầy vẻ khinh miệt nhau, cho đến khi bố, không thể hiểu nổi cuộc tranh cãi ấy, nói:

– Các con, đừng nói những điều ngu ngốc thế, bố không hiểu được các con nữa rồi.

Đầu Tanhia vẫn quay cuồng, trong tai em như có cái gì gõ mạnh. Em muốn ăn. Cơn đói giày vò em. Ngực cô bé thắt lại, óc buốt lên vì đói, cái đói dường như thấm vào từng giọt máu trong cơ thể em. Em nhắm mắt lại để khỏi nhìn thấy thức ăn. Khi mở mắt ra em thấy thức ăn đã được dọn khỏi bàn. Bát bánh bọc thịt đã cất đi, cả bánh mì và lọ muối cũng vậy. Chỉ còn cái đĩa của em vẫn nằm nguyên tại chỗ. Nhưng cô Nadejda Petrovna đã chìa tay lấy đĩa. Tanhia bất giác giữ đĩa lại và ngay tức khắc em nguyền rủa tay mình.

–       Gì thế cháu? – cô Nadejda Petrovna hỏi. – Có lẽ để lại bánh bọc thịt cho cháu nhé?

–       Không, không, cháu chỉ muốn cho con chó vài cái. Được không ạ?

–       Nên cho, con ạ, – bố bảo – cho cả đĩa cũng được.

Tanhia cắm vào dĩa mấy chiếc bánh bọc thịt đã nguội lạnh rồi đi ra bậc thềm. Và ở đây, cô bé ngồi xổm trước mặt con chó già, ăn liên tiếp mấy chiếc bánh đẫm nước mắt.

Con chó không hiểu gì cả, sủa ầm ĩ lên. Chính tiếng sủa ấy đã làm cho Tanhia không nghe thấy tiếng bước chân sau lưng em. Cánh tay bố bất ngờ nằm trên vai em. Ông chăm chú nhìn vào mắt và mi con gái. Không, không, lúc này em tuyệt nhiên không khóc.

–       Bố đã thấy tất cả qua tấm cửa kính này – ông nói. – Có chuyện gì xảy ra với con thế, Tanhia …con thân yêu? Con đau khổ gì vậy?

Ông nhấc cô bé lên và giữ trong tay, dường như muốn bằng cánh tay của mình cân xem nỗi đau khổ của con gái nặng đến chừng nào. Em đưa mắt nhìn bố. Em cảm thấy ông lớn quá và xa xôi quá, giống như những cây cao trong rừng mà em không thể ngay tức khắc nhìn khắp được. Em chỉ có thể chạm khẽ vào vỏ chúng.

Và Tanhia dựa nhẹ vào vai bố.

–       Tanhia, hãy nói cho bố biết chuyện gì xảy ra với con, có lẽ bố sẽ giúp được con. Hãy kể về những gì làm con vui sướng, về những gì làm con buồn, và về những điều bây giờ làm con đang nghĩ.

Nhưng em không nói gì với bố, vì em nghĩ thế này: “Mình có mẹ, có nhà, có cơm ăn, thậm chí có cả mèo và chó, nhưng bố thì dù sao mình cũng không có”.

Phải chăng, em có thể nói với bố như vậy khi ngồi trên đầu gối ông?

Phải chăng khi nói điều ấy em lại không làm cho vẻ mặt ông biến đổi, thậm chí tái nhợt đi, trong khi ông, một người dũng cảm, chưa bao giờ tái mặt trước cả những cuộc tấn công đáng sợ nhất?

Nhưng cũng chính trong lúc ấy, phải chăng em có thể biết được rằng giờ đây, dù thức hay ngủ bố cũng không thôi nghĩ về em, rằng với một tình yêu sâu sắc ông đã gọi thầm tên em, cái tên mà ông đã quên đi trong biết bao nhiêu năm trời! Rằng thậm chí trong giây phút ấy ông đã nghĩ: “Hạnh phúc của tôi đã mất rồi, tôi đã không ru nó trên tay!”

Em có thể biết được điều gì?

Em chỉ tựa vào bố, tựa khẽ vào ngực ông.

Thật là dễ chịu! Ồ quả thật dễ chịu biết bao khi tựa lên ngực cha.

Mặc dù bây giờ chưa phải là mùa xuân, bậc thềm còn ẩm ướt vì mưa lạnh, và đứng ngoài trời người còn rét run lên trong bộ quần áo mỏng, vậy mà vào lúc này, đang cuối thu, Tanhia lại cảm thấy ấm áp. Em ngồi với bố mãi cho đến khi bên trên con đường dẫn tới pháo đài, trên những phiến đá quét vôi vàng, trên những ngôi nhà có cánh cửa lớn bằng kính hiện lên những chùm sao thân yêu của em.

————————

Chú thích

(1) Dickens (1812 – 1870) : Charles Dickens, nhà tiểu thuyết Anh nổi tiếng

(2) Walter Scott (1771-1832) : Walter Scott, nhà văn và nhà thơ Anh

(3)  Krylov (1769-1844) : nhà thơ ngụ ngôn, nhà viết kịch, nhà báo Nga.

(4)  Gogol (1809-1852) : nhà văn cổ điển Nga.

(5)  Thơ ngụ ngôn của Crưlốp

Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12 Trang 13 Trang 14 Trang 15 Trang 16 Trang 17 Trang 18 Trang 19 Trang 20 Trang 21Kế tiếp