Chó hoang Dingo (Câu chuyện mối tình đầu)

0
2060

Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12 Trang 13 Trang 14 Trang 15 Trang 16 Trang 17 Trang 18 Trang 19 Trang 20 Trang 21Kế tiếp

-Quảng Cáo-

XIII

Thực ra đó là một nhà văn mà tên tuổi đã nhiều người biết đến. Có trời mới biết được ông đến thành phố này vào mùa đông làm gì, không ủng dạ, chỉ đi bốt. Ngay cả bốt của ông cũng không phải làm bằng da bò, khâu đường gân như bốt của công nhân khai thác vàng, mà làm bằng thứ vải bạt màu xám bình thường, không thể nào sưởi ấm đôi chân được. Đúng ra ông cũng có mặc một chiếc áo măng tô dài và ấm, đội một chiếc mũ lông cáo hung hung. Người ta đã gặp ông mặc chiếc áo và đội chiếc mũ này ở câu lạc bộ bộ đội biên phòng. Người ta nói, hình như ông sinh ra ở thành phố này và thậm chí còn học ở chính trường này nữa.

Có lẽ ông muốn nhớ lại thời thơ ấu của mình, khi ở đây ông hãy còn là một cậu bé con, và muốn để cho ngọn gió lạnh buốt nhưng vô cùng thân thuộc thổi vào gương mặt ông, để cho bông tuyết thân quen vương trên mí mắt ông. Hay có lẽ ông muốn nhìn rặng cây con mới mọc lào xào trên bờ sông quê ông. Cũng có thể ông đã chán với vinh quang của mình ở Matxcơva và quyết định nghỉ ngơi, giống như những con chim to lớn và tinh khôn suốt cả ngày bay liệng rất cao trên vũng cửa sông rồi sau đó, dường như đã mệt lử vì độ bay quá cao của mình, bèn đậu xuống những cây thông thấp lè tè ven bờ và nghỉ ngơi ở đó trong yên tĩnh.

Nhưng Tanhia không nghĩ như vậy.

Mặc dù đó không phải là Gorki, em nghĩ, mặc dù đó là một nhà văn khác, nhưng dù sao ông cũng đã đến đây, đến nhà em, đến vùng quê xa xôi của em, để em có thể tận mắt nhìn thấy ông, và có lẽ thậm chí còn chạm tay vào áo ông nữa.

Ông có những sợi tóc bạc ở thái dương tuy ông chưa già và có giọng nói thanh thanh làm em sửng sốt.

Em chỉ sợ nhỡ đột nhiên ông hỏi em có thích Puskin không và có thích những quyển sách của ông không.

Nhưng nhà văn không hỏi gì cả. Ông chỉ nói:

– Cám ơn cô bé. Cháu sẽ làm gì với chú chuột con bây giờ?

Và như người ta vẫn đồn đại, cứ mười ngày một lần vào buổi chiều sau giờ học, cô Alechxandra Ivanovna lại đến sinh hoạt với nhóm văn học.

Tất cả học sinh ngồi vào một chiếc bàn dài trong phòng thiếu niên, còn cô Alechxandra Ivanovna ngồi xuống chiếc ghế bành. Cô trở nên hơi khác so với lúc ở trong lớp, dường như cô vừa từ một chuyến du lịch xa xôi, đáp một con tàu vô hình đến với các em. Cô tì cằm lên những ngón tay đan chéo vào nhau rồi đột nhiên đọc:

Khi cánh đồng rực vàng gợn sóng

Và gió thoảng qua xào xạc rừng xanh…

Sau đó cô nghĩ ngợi một chút rồi nói:

–       Không, đó không phải là điều mà cô muốn đọc cho các em hôm nay. Tốt hơn là chúng ta hãy nghe những câu này:

Và anh ta ghé sát miệng tôi

Rồi kéo ra chiếc lưỡi đốn đời

Vừa bẻm mép vừa ranh ma, quỷ quái.

Và…

–       Ồ, các em ạ, cô muốn các em hiểu là nhà thơ có những lời thơ kỳ lạ đến thế, biết bao ý tưởng lạ lùng chứa đầy trong đó.

Phinca chẳng hiểu gì hết. Cậu sẵn sàng kéo ra một cách không thương tiếc cái lưỡi của mình, cái lưỡi chỉ biết làm mỗi một việc là đập vụng về vào hàm răng, giúp răng nhai tất tật những gì rơi vào trong miệng, mà chẳng sáng tác được câu thơ nào hết. Nhưng tuy thế, nó lại nhại rất khéo cách nói của ông Trung Quốc đứng bán liputtrơca ở góc phố: “Ít thôi, ít thôi, – ông ta thường nói, – nhưng mà ghê lắm, tốt lắm!”

Và tất cả cười phá lên.

Sau đó Giênhia đọc những vần thơ của mình về các chiến sỹ biên phòng, còn Tanhia thì đọc những truyện ngắn. Colia bao giờ cũng phê bình một cách lãnh đạm và tàn nhẫn, còn tự mình thì không viết gì cả – cậu ta sợ viết tồi.

Nhưng vừa mới đây, vài ngày trước đây, Tanhia đọc một truyện ngắn của mình về một chú chuột nhắt tý xíu sống trong ống tay một chiếc măng tô bằng lông cũ kỹ. Chú ta đang sống ở đấy đã lâu. Nhưng một lần, người ta mang chiếc măng tô từ trong kho ra ngoài trời lạnh, và lần đầu chú chuột trông thấy tuyết. “Chà, làm sao mà những con người kia lại không xấu hổ vì xéo lên đó nhỉ, đó là đường cơ mà!”- chú chuột nghĩ và nhảy ra khỏi ống tay áo. Chú chuột con tội nghiệp! Giờ thì chú sẽ sống ra sao?

Lần đó, Colia không nói điều gì xấu cả. Tanhia coi sự im lặng của cậu ta như là một lời khen, và suốt cả ngày, cả đêm, thậm chí trong mơ nữa, em cảm thấy rất hạnh phúc. Nhưng sáng hôm sau, em xé tan truyện ngắn đó và vứt đi.

“Chẳng lẽ, – em nghĩ – thậm chí không phải là lời khen mà chỉ là một sự im lặng của thằng bé xấc xược đó cũng có thể làm cho mình hạnh phúc hay sao?”

Nhưng buổi sinh hoạt hôm nay thì hoàn toàn khác hẳn.

Những nỗi lo lắng khác lạ xâm nhập vào các em. Biết kiếm hoa ở đâu để chiều nay đem tặng nhà văn đây? Tìm chúng ở đâu vào mùa đông, dưới lớp tuyết, khi ngay cả những cây mộc tặc bình thường trong đầm lầy, cả ngọn cỏ cuối cùng trong rừng cũng không sao sống nổi?

Tất cả đều nghĩ đến việc đó. Cả Tanhia cũng nghĩ, nhưng không nghĩ ra được gì – bây giờ em không còn hoa nữa.

Lúc đó Giênhia béo bèn nói (cô ta bao giờ cũng nói những điều bổ ích):

–       Trong các chậu hoa nhà em, những bông cuđri lộng lẫy đã nở.

–       Ở nhà em, – bọn trẻ đồng thanh nói – hoa hồng Trung Quốc và hoa phúc-xi-a đã bắt đầu nở trên cửa sổ.

–       Ở nhà em… – Phinca nói và ngay lập tức im bặt, bởi vì bà chủ nhà cậu ở không trồng hoa trong nhà. Bà ta nuôi một con lợn mà lũ chó của Phinca cứ muốn xé tan nó ra từng mảnh.

Bằng cách đó, mọi người đã thu thập được nhiều hoa. Nhưng ai sẽ tặng hoa cho nhà văn bây giờ? Trước mặt mọi người, trong hội trường, nơi bốn chục ngọn đèn sẽ chiếu sáng rực rỡ, ai sẽ bước lên bục, bắt tay nhà văn và nói: “Thay mặt tất cả các đội viên thiếu niên tiền phong…”

–       Để Tanhia làm việc ấy! – Phinca hét to hơn tất cả.

–       Để Giênhia làm việc ấy! – bọn con gái nói. – Chính bạn ấy đã nghĩ ra cách thu thập hoa cơ mà. Nhưng mặc dù các cô bé đúng, các cậu bé vẫn cứ cãi lại họ. Chỉ có Colia là im lặng. Và khi mọi người vẫn chọn Tanhia chứ không phải là Giênhia, cậu ta lấy tay che mắt. Không ai biết là cậu muốn gì cả.

–       Như vậy, cô Alechxandra Ivanovna nói – Tanhia, em sẽ đi lên bục hội trường, đến bên vị khách bắt tay ông rồi tặng hoa. Em sẽ nói với ông những gì chúng ta đã quyết định ở đây. Trí nhớ của em tốt, cô sẽ không dặn gì em nữa. Từ giờ đến lúc bắt đầu, không còn nhiều thời gian. Em hãy cầm lấy hoa.

Tanhia bước ra, tay cầm hoa.

“Cô giáo thật công bằng! Đây là phần thưởng thật sự cho tất cả những hờn giận của mình! – Tanhia nghĩ, áp chặt bó hoa vào người. – Không ai khác ngoài mình sẽ bắt tay nhà văn nổi tiếng, sẽ tặng hoa và sẽ nhìn ông ấy bao nhiêu cũng được! Và lúc nào đó sau này, rất nhiều năm sau – khoảng năm năm chẳng hạn – mình sẽ có thể nói với mọi người là mình cũng đã thấy một đôi điều trên thế giới”.

Cô bé mỉm cười với tất cả những ai đi gần em. Em mỉm cười với cả Giênhia mà không ai nhận thấy cái nhìn độc ác của cô bạn.

–       Thật kỳ quặc, tại sao mọi người lại chọn Tanhia Xabanheeva nhỉ? – Giênhia nói với các bạn. – Mình không nói về mình đâu, mình không phải là một đứa hiếu danh, và mình chẳng cần gì cái đó. Nhưng tốt nhất là chọn Colia. Cậu ấy thông minh hơn cô ta. Tuy vậy, hiểu cái lũ con trai này cũng dễ thôi. Chúng chọn cô ta vì cô ta có đôi mắt đẹp. Ngay cả nhà văn cũng nói gì về đôi mắt ấy cơ mà.

–       Ông ấy chỉ gọi là đôi mắt xám thôi – Colia vừa cười vừa nói. – Nhưng Giênhia ạ, cậu bao giờ cũng đúng. Đôi mắt ấy đẹp thật. Và có lẽ cậu cũng muốn có đôi mắt đẹp như thế chứ?

–       Quả thật mình lại chẳng muốn cái đó. Giênhia nói.

Tanhia không nghe nữa. Những bông hoa trong tay em bỗng trở nên nặng trịch như bằng đá. Em chạy vụt qua những dãy phòng học, qua hội trường, ở đó các bạn em đang ngồi vào ghế rầm rầm.

Cô bé chạy xuống cầu thang và dừng lại thở hổn hển ở phòng treo áo vắng tanh, lờ mờ tối. Em chưa hiểu hết những lời hùng biện của lòng đố kỵ, em thấy mình thật yếu ớt.

“Lẽ nào bạn ấy nói về mình sao? Điều đó thật không hay cho mình, một đội viên thiếu niên. Thôi thì mặc cho hạnh phúc hờ hững với mình. Liệu có nên từ chối hơn là nghe những lời tương tự như thế không?”

Đôi chân không giữ em lại.

–       Không, điều đó không đúng! – em tự nhủ. – Đó chỉ là chuyện nhảm nhí! Nhưng cô bé vẫn muốn nhìn thấy đôi mắt mình.

Phòng treo áo, giống như một khoảng trống trong rừng, thường có một ánh sáng mờ mờ ngự trị, vào giờ này rất yên tĩnh. Một chiếc gương to đặt hơi nghiêng về phía trước, cạnh bức tường trắng. Chiếc giá đen đánh vécni của nó luôn luôn rùng mình vì những bước chân học sinh chạy qua. Lúc đó, chiếc gương cũng chuyển động. Giống như một đám mây màu sáng, nó hơi nhích lên phía trước, phản chiếu rất nhiều gương mặt trẻ con.

Nhưng bây giờ nó đứng bất động. Khắp chiếc giá xếp đầy những lọ mực vừa mới được bác gác trường rửa sạch. Mực cũng để trên giá ấy, trong một cái chai bình thường, một cái lọ có dán nhãn và một bình thuỷ tinh to. Nhiều mực quá! Chả lẽ Tanhia cần mực đến thế để hút vào đầu ngòi bút của mình sao?

Thận trọng đi vòng qua chai mực đặt trên sàn, Tanhia tiến đến trước gương. Cô bé quay lại nhìn – không thấy bác gác trường đâu. Tì khuỷu tay lên giá gương, em ghé sát mặt vào gương. Từ trong chiếc gương sáng hơn cái ảnh mờ mờ xung quanh, một cặp mắt xám giống mắt mẹ nhìn Tanhia. Đôi mắt mở to, một ánh lấp lánh thường xuyên bao phủ trên đôi mắt ấy, và trong đáy sâu thẳm của mắt có những bóng râm nhẹ nhàng lướt qua, dường như đôi mắt ấy không có đáy.

Tanhia sửng sốt đứng mấy giây như vậy, giống như một con thú rừng nhỏ lần đầu tiên nhìn thấy hình ảnh của mình. Rồi em thở dài nặng nề:

– Không, đây là mắt ai ấy!

Và Tanhia luyến tiếc lùi lại, đứng thẳng người lên.

Ngay lập tức, như nhại lại cử động của em, chiếc gương tròng trành trên giá, trả lại cho Tanhia đôi mắt. Chai mực bỗng nghiêng về phía trước rồi lăn đi, đập vào những lọ mực rỗng kêu lách cách. Tanhia vội chìa tay ra. Nhưng, như một sinh vật sống, chai mực né đi và tiếp tục con đường của mình. Tanhia muốn tóm lấy nó lúc đang lăn, em đã chạm được ngón tay vào nó. Nhưng chai mực tuột ra, cưỡng lại, hệt con mực phun ra những giọt nước đen đen. Nó rơi xuống sàn không kêu to lắm, giống tiếng đất sét rơi từ bờ xuống nước.

Điều xảy ra với Tanhia là điều ít nhất cũng xảy ra một lần trong đời một cô bé nào đó: em đã đánh đổ mực.

– Ôi, thật là không may! – Tanhia kêu lên.

Em nhảy sang một bên, giơ tay trái cầm hoa lên. Vậy mà vài giọt mực sẫm vẫn cứ ánh lên trên những cánh hồng Trung Quốc dịu dàng. Tuy vậy, chuyện đó cũng chưa sao cả, vẫn có thể bứt những cánh hoa đó đi. Nhưng còn tay kia! Tanhia tuyệt vọng xoay đi xoay lại bàn tay trước mắt, lật lên, úp xuống. Cả bàn tay em lem luốc mực.

– Hay thật đấy!

Một tiếng kêu vang lên gần đến nỗi Tanhia cảm thấy hình như chính em tự nói câu này.

Em vội ngẩng đầu lên.

Trước mặt em là Colia, cậu ta cũng đang nhìn vào tay em.

–       Hay thật đấy, – cậu ta nhắc lại – bây giờ bạn sẽ bắt tay nhà văn thế nào? Ông ấy đã đến rồi và đang ngồi trong phòng giáo viên đấy. Tất cả đã tập hợp đông đủ. Cô Alechxandra Ivanovna cử tôi đi tìm bạn.

Tanhia đứng lặng một giây. Đôi mắt em, đôi mắt vừa mới nhìn gương một cách thích thú như vậy giờ đây lộ vẻ đau khổ.

Thật lạ lùng, sao em lại không may mắn đến thế!

Em chìa bó hoa cho Colia. Em muốn nói: “Hãy cầm lấy hoa đi. Để Giênhia tặng hoa. Bởi vì bạn ấy cũng có trí nhớ rất tốt”.

Và chắc chắn cậu ta sẽ cầm lấy hoa, rồi có lẽ sẽ cùng với Giênhia cười nhạo em.

Tanhia quay ngoắt người, chạy vút đi giữa những hàng áo khoác trẻ em kèm bên em như một hàng người làm chứng bất động. Cô bé tìm thấy nước trong phòng rửa mặt. Em lấy ra hết nhẵn.

Em lấy cát cọ tay cả bàn tay vẫn lem luốc.

“Thế nào cậu ta cũng sẽ nói! Cậu ta sẽ nói với cô Alechxandra Ivanovna. Cậu ta sẽ nói với Giênhia và tất cả mọi người.”

Thế là hôm nay em sẽ không đi lên bục hội trường, không tặng hoa và cũng không bắt tay nhà văn nữa.

Thật kỳ lạ, hoa đối với em vô cùng thân thiết, vậy mà sao hoa lại làm em không may mắn đến thế. Khi thì em tặng hoa cho một cậu bị ốm, hoá ra cậu bé này lại là Colia, mà lẽ ra hoàn toàn không nên tặng cho cậu ta, dù đó chỉ là những bông xaranca giản dị. Bây giờ đến lượt những đoá hoa dịu dàng chỉ mọc trong nhà! Chúng sẽ rơi vào tay một đứa con gái khác – biết bao nhiêu chuyện thú vị và kỳ lạ có thể xảy ra với chúng. Còn Tanhia thì phải từ bỏ chúng.

Tanhia vẩy nước ở tay rồi chẳng buồn chùi tay, em lê bước ra khỏi phòng treo áo, không vội đi đâu nữa. Bây giờ thì đằng nào cũng thế thôi!

Tanhia bước lên những bậc thang mép viền đồng và vừa đi qua hành lang vừa nhìn qua cửa sổ xem có thấy cái cây của mình ngoài sân không, cái cây thỉnh thoảng vẫn thường an ủi em. Nhưng cái cây cũng không thấy. Nó không vươn lên ở đây mà vươn lên dưới những cửa sổ khác, ở phía khác. Và theo một hướng khác cắt ngang qua con đường của cô bé, nhà văn đang đi dọc hành lang tới. Cô nhận ra ông khi rời mắt một giây khỏi cửa sổ.

Ông đi, đôi chân đi giày vải bước vội vã, ông không mặc áo khoác lông mà mặc một chiếc sơmi dài vùng Capcadơ cổ cao, đai lưng hẹp. Mái tóc bạch kim của ông ánh lên trên gáy, chiếc đai mạ bạc cũng ánh lên, và Tanhia không thể đếm được số cúc trên áo ông.

Bây giờ ông sẽ rẽ ngoặt ở góc hành lang để đến phòng giáo viên và sẽ biến mất mãi mãi với Tanhia.

– Đồng chí nhà văn! – cô bé tuyệt vọng kêu lên.

Nhà văn đứng lại. Ông quay nhanh một vòng như bật lò xo, rồi đi ngược về phía cô bé, tay vung vẩy, trán nhăn lại, dường như cố hiểu rõ hơn cái cô bé ngăn ông lại trên đường này cần gì. Có phải cô bé mang hoa tặng ông không? Người ta thường mang tặng ông rất nhiều hoa!

–       Đồng chí nhà văn, bác có phải là người tốt bụng không ạ? Ông ghé mặt xuống gần cô bé.

–       Không, bác nói đi, bác có phải là người tốt bụng không ạ? – Tanhia khẩn khoản nhắc lại và kéo ông theo mình vào cuối hành lang trống trải. – Đồng chí nhà văn, bác nói đi, bác có phải là người tốt bụng không? – cô bé nhắc lại lần thứ ba.

Ông biết trả lời cô bé thế nào đây?

–       Nhưng cháu cần gì, cô bạn?

–       Nếu bác là người tốt thì cháu đề nghị bác đừng chìa tay cho cháu.

–       Cháu đã làm một việc gì xấu hay sao?

–       Không, không phải thế! Cháu muốn nói việc khác cơ. Cháu phải tặng hoa cho bác khi bác đã đọc xong, và thay mặt tất cả các đội viên thiếu niên cảm ơn bác. Bác sẽ bắt tay cháu. Nhưng cháu chìa tay cho bác thế nào đây? Có một chuyện không may đã xảy ra với cháu. Bác nhìn đây này!

Em đưa cho ông xem bàn tay mình – bàn tay gầy gò với những ngón tay dài, tất cả đều vấy mực. Nhà văn ngồi xuống bệ cửa và cười phá lên, kéo Tanhia lại gần mình.

Tiếng cười của ông còn làm cho cô bé ngạc nhiên hơn cả giọng nói của ông – nó thanh và vang hơn. Tanhia nghĩ: “Có lẽ bác ấy hát hay lắm. Nhưng bác ấy có làm theo lời mình đề nghị không nhỉ?”

–       Bác sẽ làm như cháu yêu cầu – ông nói với cô bé.

Và ông bước đi, thỉnh thoảng vẫn còn cười, tay vung vẩy theo cái kiểu đặc biệt của mình.

Đó là một phút vui vẻ trong cuộc hành trình dài của ông. Cô bé đã làm cho ông thú vị, và khi đứng trên bục hội trường ông vẫn còn vui. Ông ngồi xuống gần bọn trẻ hơn, bắt đầu đọc cho các em nghe, không đợi đến lúc các em ngừng hoan hô. Bọn trẻ ngừng lại. Tanhia ngồi gần đấy luôn luôn nghe ông nói với một vẻ biết ơn. Ông đọc về cuộc chia tay của đứa con trai với cha mình – một cuộc chia tay rất cay đắng nhưng ở đó mỗi người đều đi thực hiện nhiệm vụ của mình. Và thật lạ, giọng nói thanh thanh của ông đã từng làm Tanhia sửng sốt đến thế, giờ đây vang lên khác hẳn trong cuốn sách của ông. Trong đó vang lên tiếng kèn đồng, tiếng những tảng đá trả lời vọng lại – tất cả những âm thanh đó làm Tanhia yêu thích hơn tiếng dây đàn ngân lên dưới những ngón tay.

Nhà văn đã đọc xong. Xung quanh Tanhia, mọi người reo hò ầm ĩ, còn em thì không đủ can đảm rút tay ra khỏi túi chiếc áo khoác đan bằng len thô của mình. Những bông hoa nằm trên đầu gối em.

Cô bé nhìn cô Alechxandra Ivanovna, đợi cô ra hiệu.

Tất cả đã im lặng, nhà văn rời khỏi bàn, gập cuốn sách lại, và cô Alechxandra khẽ gật đầu với Tanhia.

Em chạy trên những bậc thang kêu ầm ầm, không rút tay khỏi túi. Em tiến về phía nhà văn, đôi chân lướt nhanh trên những tấm ván, rồi đi chậm hơn và dừng lại. Nhà văn nhìn vào đôi mắt lấp lánh của cô bé và không nhúc nhích.

“Bác ấy quên rồi – Tanhia nghĩ. – Bây giờ thì sẽ ra sao nhỉ?” Một cảm giác ớn lạnh chạy dọc trên da em.

–       Thay mặt tất cả các đội viên thiếu niên tiền phong và học sinh… – em nói bằng một giọng yếu ớt. Không, ông không quên. Không để cho em kết thúc, ông dang rộng tay tiến lên phía em, che khuất em trước mặt mọi người và rút những bông hoa từ bàn tay nắm chặt của em ra rồi đặt lên bàn. Sau đó ông ôm lấy cô bé và cùng em rời bục hội trường đi xuống. Ông không cho ai chạm vào cô bé cho đến khi bọn trẻ từ tứ phía vây quanh họ.

Một cô bé đi trước họ kêu to lên:

–       Bác ơi, bác là nhà văn thật hả bác?

–       Thật, thật đấy – nhà văn nói.

–       Cháu chưa bao giờ nhìn thấy một nhà văn thật cả. Cháu nghĩ ông ấy phải khác cơ.

–       Khác thế nào?

–       Cháu nghĩ là phải béo.

Nhà văn ngồi xổm xuống trước mặt cô bé và bị lẫn vào đám trẻ như trong đám cỏ. Lũ trẻ chạm tay vào tay ông, ồn ào xung quanh ông, và chưa từng có một vinh quang lừng lẫy nhất nào lại hát vào tai ông ngọt ngào như cái âm thanh ghê gớm đang làm ông choáng váng này.

Ông lấy tay che mắt trong chốc lát.

Tanhia đứng bên cạnh, gần như chạm vào vai ông. Bỗng nhiên em cảm thấy có một người nào đó cố gắng kéo bàn tay đang đút sâu trong túi ra. Em kêu lên và né người tránh. Colia nắm tay em là lấy hết sức kéo về phía mình. Cô bé giằng ra, gập khuỷu tay lại cho đến khi tay em yếu đi. Colia kéo tay em ra khỏi túi, nhưng không giơ lên cao như Tanhia chờ đợi mà chỉ siết chặt trong bàn tay mình.

–       Tanhia, – cậu nói khẽ – mình sợ cho cậu quá! Mình nghĩ là mọi người sẽ cười cậu mất. Nhưng cậu cừ thật! Đừng giận mình, đừng giận nhé, mình xin đấy! Mình rất muốn nhảy với cậu trong dạ hội năm mới ở trường.

Tanhia không thấy có một nụ cười mỉa mai nào, một chút bướng bỉnh nào trong những lời nói của cậu ta.

Cậu ta đặt tay lên vai em, dường như điệu nhảy vui đã bắt đầu và cả hai đã quay tròn.

Tanhia đỏ mặt lên, bối rối nhìn cậu bạn. Một nụ cười dịu dàng làm sáng gương mặt cô bé, chan chứa trên cái nhìn, cặp mắt, đôi môi. Rồi không sợ gì cả, em cũng giơ tay lên. Em đã quên bẵng đi nỗi hờn giận của mình, và cánh tay con gái gầy gò lem luốc mực của em đặt lên vai cậu bạn trong giây lát.

Đột nhiên, Phinca ôm chầm lấy cả hai đứa. Cậu ta tò mò hết nhìn Tanhia lại nhìn Colia, nhưng lần này gương mặt vô tư của cậu không có vẻ vui mừng.

–       Có nghĩa là các cậu đã dàn hoà – cậu ta nói to.

–       Cậu nói gì vớ vẩn thế, Phinca – em nói, mặt càng đỏ hơn. – Cậu ấy chỉ yêu cầu mình ngày mai mời cậu ấy đến dự lễ ở nhà thôi. Nhưng mình không mời. Tuy vậy, cậu ấy đến cũng được, nếu cậu ấy muốn thế.

–       À, à, – Phinca thở dài nhẹ nhõm – ngày mai là ngày Tết, mình nhớ rồi, đó là ngày lễ của cậu. Mình sẽ đi với bố đến nhà cậu, bố mình đã yêu cầu như thế. Được không?

–       Cậu đến đi – Tanhia vội vã nói. – Có lẽ ở nhà mình chẳng buồn đâu. Đến nhé – em nói với cả Colia và chạm nhẹ vào áo cậu ta.

Phinca cố chen vào giữa hai bạn, và ở đằng sau cậu, một đám trẻ con lao lên phía trước, làm thành một dòng sông rộng tách đôi bạn ra.

Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12 Trang 13 Trang 14 Trang 15 Trang 16 Trang 17 Trang 18 Trang 19 Trang 20 Trang 21Kế tiếp