Các vai diễn nổi tiếng của cố diễn viên Nguyễn Chánh Tín

0
2302

Nguyễn Chánh Tín là một trong những tài tử sáng giá nhất của điện ảnh Việt Nam. Thời trẻ, ông được ngưỡng mộ không chỉ bởi vẻ điển trai mà còn bằng hàng loạt vai diễn để đời.

Hạnh phúc ở quanh đây: Bộ phim do đạo diễn Xuân Thành thực hiện năm 1982, với sự tham gia của dàn diễn viên Thùy Liên, Hương Xuân, Bích Ngọc, Nguyên Dương… Tác phẩm được đánh giá là bộ phim đắt giá với nhiều tình tiết nhân văn.

Trong phim, Chánh Tín tái hợp “người tình màn ảnh” Thùy Liên và có dịp khoe giọng hát trầm ấm của mình qua bài hát Hát cho dân tôi nghe, góp phần khắc họa mối tình sinh viên đẹp mơ màng nhưng cũng hết sức sâu đậm.

Ván bài lật ngửa: Bộ phim được sản xuất trong những năm 1982-1987, đạo diễn phim Lê Hoàng Hoa. Nhân vật chính điệp viên Nguyễn Thành Luân do Chánh Tín thủ vai đã trở thành hình tượng kinh điển trong lòng nhiều thế hệ khán giả. Nhân vật này được xây dựng dựa trên Phạm Ngọc Thảo, cán bộ tình báo hoạt động ở miền Nam. 

Hình ảnh nhà tình báo Nguyễn Thành Luân đội mũ phớt, khoác áo măng tô xuống xe, gương mặt bình tĩnh, lạnh lùng bước đi trong rừng cao su giữa bạt ngàn lá rụng đã làm toát lên bản lĩnh của 1 điệp viên tình báo dày dạn.  

Nhiều thập kỷ sau khi ra mắt, Ván bài lật ngửa vẫn được nhiều người công nhận là đỉnh cao của điện ảnh Việt, đưa tên tuổi Chánh Tín gắn liền với hình ảnh người điệp viên hào hoa, lãng tử, nhưng cũng không kém phần dũng cảm. Diễn viên mang vẻ lãng tử với hàng ria mép, khuôn mặt nam tính, tạo nên chuẩn mực về nét đẹp nam giới trong nhiều năm. 

Điệp khúc hy vọng: Đây là tác phẩm do đạo diễn gạo cội Hồng Sến thực hiện năm 1988. Kịch bản kể về mối tình bền chặt giữa Doanh và Mai Ly. Nhân dịp nghỉ hè, bộ đôi đưa nhau đi du lịch biển, nhưng không ngờ đó là lần cuối cùng họ bên nhau.

Mai Ly bị bắt đi cải tạo vì nghi làm gián điệp cho giặc. Doanh sau đó kết hôn với người khác, nhưng gia đình bên vợ luôn mưu cầu danh lợi. Sự đẹp đôi và diễn xuất ăn ý giúp Chánh Tín và Thúy An một thời được xem là cặp tình nhân sáng giá nhất màn ảnh.

Ngôi nhà oan khốc: 10 năm sau Ván bài lật ngửa, Chánh Tín cộng tác với đạo diễn Lê Mộng Hoàng trong bộ phim Ngôi nhà oan khốc (1992). Ông hóa thân một tỷ phú sống trong ngôi nhà bị ám bởi oan hồn người vợ quá cố. Phim đạt doanh thu một tỷ đồng – doanh thu đáng kể ở thời điểm đó – và được xem là một tác phẩm kinh dị tiên phong của màn ảnh Việt thập kỷ 1990.

Bến sông trăng: trong phim truyện truyền hình Bến sông trăng (13 tập), ông hóa thân bác sĩ Thẩm yêu một bệnh nhân của mình nhưng phải chia tay khi bộ đôi đã có một con. Ngoài diễn xuất, Chánh Tín còn thể hiện ca khúc chủ đề phim Bến sông trăng.

Dòng máu anh hùng: Năm 2006, hãng phim Chánh Phương – Chánh Tín là giám đốc cho ra mắt Dòng máu anh hùng – bộ phim võ thuật hay nhất của điện ảnh Việt. Đạo diễn phim Charlie Nguyễn – và nam chính Johnny Trí Nguyễn đều là cháu của Chánh Tín. Dù được khen ngợi, tạo bệ phóng cho các diễn viên không tên tuổi như Ngô Thanh Vân, Johnny Trí Nguyễn, Dòng máu anh hùng bị thua lỗ nặng do băng đĩa lậu tràn lan và thị trường điện ảnh Việt Nam lúc đó ít rạp chiếu. 

Chết lúc nửa đêm: giúp Chánh Tín thắng giải đạo diễn phim ngắn ở Cánh Diều Vàng 2008.

NSƯT Chánh Tín đột ngột qua đời tại nhà riêng, hưởng thọ 68 tuổi

Sáng 4/1, NSƯT Chánh Tín đột ngột qua đời tại nhà riêng, hưởng thọ 68 tuổi. Sự ra đi của nam diễn viên để lại niềm thương tiếc cho giới nghệ sĩ và đông đảo khán giả.

Theo thông tin từ người nhà, nam diễn viên Nguyễn Chánh Tín đã qua đời tại nhà riêng vào lúc 7h sáng 4/1. Bà Bích Trâm – vợ của diễn viên Chánh Tín – buồn bã cho biết cách đây ít ngày ông mắc bệnh cảm cúm nhẹ và sức khỏe yếu dần.

“Sáng sớm hôm nay, anh Tín trút hơi thở cuối cùng. Anh ra đi nhẹ nhàng, thanh thản. Tôi vô cùng đau đớn, không nói nên lời”, bà Bích Trâm xúc động chia sẻ.

Thông tin tài tử Nguyễn Chánh Tín qua đời đã khiến các nghệ sĩ và khán giả hâm mộ vô cùng bàng hoàng, thương tiếc.

Nguyễn Chánh Tín sinh ngày 29/11/1952 tại Bạc Liêu trong một gia đình có truyền thống võ học. Cuộc đời của ông đã trải qua khá nhiều thăng trầm. Từng theo học trường luật, từng là ca sĩ được nhiều người biết tới với giọng hát ngọt ngào.

Vai điệp viên Nguyễn Thành Luân đến với ông chính vào thời điểm đó. Khi thực hiện bộ phim Ván bài lật ngửa, biên kịch Trần Bạch Đằng nhắm tới một diễn viên khác. Khi quay xong tập 1, ông lại cảm thấy không ưng ý và quyết định chọn lại diễn viên cho vai này. Chánh Tín được mời thử vai. Trong lần thử vai, biên kịch Bạch Đằng thích cách diễn tự nhiên, chân thật và có nét gì đó khác người của Chánh Tín nên vai Nguyễn Thành Luân đã thuộc về ông.

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cho rằng diễn viên Nguyễn Chánh Tín giúp nhân vật Nguyễn Thành Luân từ trí tưởng tượng của nhà văn Trần Bạch Đằng bước lên màn ảnh một cách thuyết phục. “Ngoài vẻ điển trai, diễn viên Nguyễn Chánh Tín phô diễn khả năng hóa thân sáng tạo qua vai Nguyễn Thành Luân. Bởi lẽ, Nguyễn Thành Luân của Nguyễn Chánh Tín không giống hệt trong trang sách, cũng không bắt chước bất kỳ hình ảnh chiến sĩ tình báo nào ngoài đời thật. Nguyễn Thành Luân của Nguyễn Chánh Tín có nét mô phỏng nhân vật Dianov trong bộ phim ‘Trên từng cây số’ lừng lẫy của Bulgaria, nên có cái duyên riêng biệt, vừa lịch lãm, vừa ngang tàng, vừa bí ẩn”, Lê Thiếu Nhơn chia sẻ.

Nghệ sĩ Chánh Tín và vợ Bích Trâm hạnh phúc trong 46 năm gắn bó.

Rất nhiều năm đã trôi qua, nhắc tới Nguyễn Chánh Tín, nhiều người chỉ nhớ tới nhân vật Nguyễn Thành Luân và Ván bài lật ngửa. Những năm 1980, Chánh Tín là thần tượng trong lòng biết bao cô gái Việt. “Đẹp trai như Chánh Tín” đã trở thành câu “cửa miệng” của nhiều người thời đó. Nhưng sau ánh hào quang, ông vẫn vất vả kiếm tiền để lo toan cuộc sống thường nhật.

Năm 1974, diễn viên Chánh Tín và Bích Trâm nên duyên vợ chồng. Hai người cùng chung tay trong sự nghiệp ca hát. Họ vốn là một cặp ca sĩ được yêu thích trong năm 1980. Cả hai có với nhau một trai, một gái.

Chánh Tín – Bích Trâm từng là cặp song ca nổi tiếng ở các tụ điểm ca nhạc Sài Gòn trước năm 1975. Từng có cuộc sống sung túc nhưng sau năm 1975, kinh tế gia đình có lúc khó khăn vì ông thất nghiệp. Từ một tiểu thư lá ngọc cành vàng, năm 1977, khi đang mang bầu con đầu lòng, bà vẫn cùng chồng bán rau muống, bán thơm ở lề đường để kiếm sống. Đó là thời kỳ khủng hoảng với hai vợ chồng, nhưng họ vẫn vượt qua để chung sống hạnh phúc.

Có người chồng đẹp trai, nổi tiếng và đào hoa là áp lực lớn với Bích Trâm. Kể cả sau khi lấy vợ, những bóng hồng vây quanh Chánh Tín cũng không ít. Dù ghen, bà vẫn chọn cách “lạt mềm buộc chặt”, không thể hiện ra ngoài để giữ gìn hạnh phúc gia đình. Ca sĩ Bích Trâm từng chia sẻ về cuộc hôn nhân của mình: “Ông Tín thích thì cứ đi, khi nào mệt mỏi thì về. Tôi cũng tin ông ấy biết đâu là giới hạn và tình yêu chỉ dành cho tôi”.

Chánh Tín hiểu ông nhiều lần khiến vợ buồn khổ. Tài tử từng tự nhận xét về sự đa tình của mình: “Số người tôi quen đếm không hết, có nhiều người gặp lại còn không nhớ mặt. Nhưng đời tôi có được Bích Trâm, nếu gặp người khác chắc giờ tôi… 10 vợ rồi”.

Ông nói mình may mắn khi có người vợ bao dung, có thể tha thứ mọi lỗi lầm mà chồng mắc phải: “Tôi cảm ơn bà xã nhiều nhất trong những gì mình phải cảm ơn ở cuộc đời này. Vì đó là người đầu ấp tay gối, hiểu và sống hết lòng vì tôi. Nếu không có bà xã chắc tôi đã sa ngã, không được như bây giờ”. 

Hơn 45 năm bên tài tử Chánh Tín, ca sĩ Bích Trâm luôn là điểm tựa tinh thần vững chắc cho chồng trong mọi thời điểm sung túc lẫn nghèo khó. 

Chánh Tín và vợ thời trẻ. Ảnh: Lê Quang Thanh Tâm

Năm 2007, hãng phim Chánh Phương của ông tạo dấu ấn với thành công của bộ phim Dòng máu anh hùng.

Phim được đánh giá là đại diện tiêu biểu của dòng phim hành động võ thuật của màn ảnh Việt. Trang IMDB đánh giá phim đạt 7,1/10 điểm. Thành công của bộ phim cũng đưa tên tuổi Johnny Trí Nguyễn và Ngô Thanh Vân trở thành cặp đôi hành động được yêu thích nhất.

Tuy nhiên, con số đầu tư quá lớn 1,5 triệu USD, cộng với tình hình băng đĩa lậu tràn lan nên bộ phim không thể nào phát hành ở Mỹ. Việc này đã khiến hãng phim Chánh Phương rơi vào cảnh nợ nần chồng chất, khiến “cha đẻ” Nguyễn Chánh Tín của bộ phim lâm vào tình trạng lao đao.

Năm 2014, Chánh Tín phá sản, vỡ nợ. Căn biệt thự ở quận 10 của gia đình ông bị ngân hàng phát mãi, cả nhà phải dọn ra đi thuê căn hộ bình dân ở Bình Tân. Thời điểm đó, ông và con gái bị stress nặng. Bích Trâm cũng rất buồn khi phải dọn ra khỏi căn nhà có nhiều kỷ niệm. Nhưng bà một lần nữa trở thành điểm tựa tinh thần cho cả nhà, cùng chồng vượt qua hoạn nạn.

“Làm sao mà nghĩ được, làm sao mà tưởng tượng được mình mất tất cả chỉ trong một chớp mắt. Nhưng đây cũng không phải là lần đầu tôi mất trắng đâu. Tôi đã từng mất như vậy 2 lần rồi nên không bị sốc nữa.

Vào năm 1975 tôi đang giàu có, có xe hơi, ở nhà villa còn lớn hơn cái mới bị tịch thu nhưng rồi mất tất cả sau một đêm. Lần thứ hai tôi vượt biên, bán tất cả được mấy trăm cây vàng và rồi cũng mất hết. Cuộc đời có lên có xuống và nhờ hai lần trước tôi mới vững tinh thần ở lần phá sản thứ ba”, ngôi sao điện ảnh một thời ngậm ngùi.

Nguyễn Chánh Tín đặt tên cho hai con là Nguyễn Chánh Bích Uyên, Nguyễn Chánh Minh Thức. “Cha nói chữ ‘Chánh’ trong tên của ba cha con mang ý nghĩa sống tử tế, lương thiện, không bao giờ hại người. Nhiều người nghĩ sau khi nhà tôi phá sản, cha tôi suy sụp nhưng với ông, kinh doanh thất bại là chuyện bình thường. Điều quan trọng khi khó khăn, gia đình chúng tôi vẫn bên nhau và ông hạnh phúc, viên mãn vì điều đó”, con gái Nguyễn Chánh Tín nói.

Ông và vợ dự định sang Canada định cư cùng gia đình con trai, an hưởng tuổi già. Tuy nhiên, ông mất khi thủ tục còn dang dở.

Tổng hợp

guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận