Truyện cổ tích Andersen

0
2515

Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12 Trang 13 Trang 14Kế tiếp

-Quảng Cáo-

Hans Christian Andersen sinh ngày 2 tháng 4 năm 1805 trong gia đình một người thợ khâu giày nghèo khổ. Thời thơ ấu, Hans Christian Andersen đã là một cậu bé luôn luôn cô độc, thu mình, ít hòa đồng và hiếu động như bạn bè cùng trang lứa. May mắn thay, cha của ông, dù nghèo nhưng rất yêu văn học có một tủ sách và khi ông qua đời năm Andersen 11 tuổi, cậu bé thỏa thuê đọc những cuốn sách quý giá này. Trong nhật ký của mình, Andersen kể rằng đọc sách “là trò tiêu khiển duy nhất và được yêu thích nhất”. Ngoài việc say mê đọc sách, Andersen còn có một tai nghe kiên trì. Sự náu mình cho phép cậu bé tập trung hơn vào câu chuyện người khác nói. Điều này tác động rất lớn đến những chi tiết tinh tế và trí tưởng tượng phong phú trong truyện cổ của ông.

Năm 14 tuổi, mẹ Andersen tái giá, Andersen một thân một mình lên thủ đô Copenhagen lập nghiệp chỉ với 12 kuron trong túi. Đó là những ngày tháng tạo cảm hứng để ông viết nên câu chuyện Cô bé bán diêm. Nhận được một khoản trợ cấp 5 năm của Hoàng gia, Andersen đứng trước hai lựa chọn học hành cơ bản để trở thành một người viết văn hoặc về nhà và học nghề. Chọn sự nghiệp học hành, Andersen đã trở nên nổi tiếng nhưng những mặc cảm về thân phận nghèo khổ vẫn còn đó. Ông vẫn dễ tổn thương và vẫn mang cảm giác bất bình đẳng dù đã trở thành tác giả được trọng vọng nhất Đan Mạch.

Andersen đã viết nên những câu chuyện của trẻ em và vì trẻ em, rời xa những quy tắc cứng nhắc của xã hội tư sản trưởng giả thời đó. Cởi mở và ngây thơ, ông sáng tạo ra một phong cách kể chuyện mơ mộng, thi vị nhưng không kém phần logic, khơi gợi những phần đẹp đẽ của con người. Tràn đầy cảm xúc, độc giả tìm thấy niềm vui và cả nước mắt khi đọc những câu chuyện của Andersen, bằng sự nhạy cảm của trẻ em chứ không phải là sự gò ép khô cứng. 

Ngoài truyện cổ tích, Andersen còn là tác giả của những tiểu thuyết như Người ứng tác, O.T., Chỉ có người kéo vĩ cầm, Tồn tại hay không tồn tại và đương thời, ông được nhiều người coi là một trong những tiểu thuyết gia lớn ngang tầm với Walter Scott và Victor Hugo. Kịch và thơ cũng là những lĩnh vực ông thử sức và đạt được những thành công đánh kể.

Ngày 1/8/1875, Andersen qua đời trong tòa biệt thự Rolighed của mình ở Copenhagen. Và ông được an táng tại nghĩa trang Assistens ở thủ đô Đan Mạch.

Hôm đưa tang ông, như những người đương thời ghi lại, cả thành phố Copenhagen trở nên buồn tủi và dường như không muốn làm gì hơn ngoài việc tiến hành tang lễ Andersen cho xứng đáng. Ngày hôm đó đã được coi là quốc tang của Đan Mạch. Trên báo hôm đó có đăng lời thơ phúng:

“Hôm nay hoàng đế rời ngôi,

Ngai vàng chẳng thể ai ngồi…”.

Tinh tế và ý nghĩa, những câu chuyện cổ tích của nhà văn Đan Mạch vẫn còn được ái mộ tới ngày nay, bất chấp quy luật khắc nghiệt của thời gian. Và Andersen, vẫn được tụng ca bằng những danh xưng trân trọng nhất như “Ông vua kể chuyện cổ tích”.


Cô bé tí hon

Ngày xưa có một bà hiếm hoi, mong có một đứa con mà mãi không được. Bà phải tìm đến một mụ phù thủy để nhờ giúp. Bà nói:

– Tôi muốn có một đứa con, bà bảo giùm tôi phải làm thế nào.

– Ta sẽ giúp – mụ phù thủy trả lời – Hãy cầm hạt lúa này. Nó không giống như lúa mì vẫn mọc ngoài đồng, cũng không giống lúa vẫn cho gà vịt ăn. Đem về gieo vào chậu hoa, một thời gian sau sẽ biết.

– Cảm ơn bà – bà hiếm con trả công và chào mụ phù thủy rồi đem hạt lúa về nhà gieo. Chẳng mấy chốc nó mọc thành một cây hoa tuyệt đẹp, giống như hoa uất kim cương, nhưng cánh hoa cuộn lại như một cái nụ.

– Hoa đẹp quá!- Bà thốt lên và đặt môi lên hoa. Nhưng bà đang hôn bông hoa thì bỗng có tiếng động mạnh làm hoa bừng nở. Nhìn bông hoa, bà ngạc nhiên thấy ở giữa bông hoa có một cháu bé xinh đẹp ngồi trên nhụy hoa, như ngồi trên chiếc ghế tựa màu xanh. Bé chỉ lớn bằng ngón tay cái nên bà đặt tên cho bé là Bé tí hon.

Bà lấy vỏ hạt dẻ để làm cho bé một chiếc nôi rất đẹp, bên trong trải nệm bằng cánh hoa tím, chăn đắp cho bé là một cánh hoa hồng. Ban đêm bé ngủ ở đấy, còn ban ngày bé chơi trên bàn. Bà đặt trên bàn một cái đĩa đựng đầy nước, vành đĩa khoanh một vòng hoa. Cánh hoa nổi trên mặt nước. Có một cánh hoa cánh hoa uất kim cương to dùng làm thuyền. Bé ngồi vào đấy dạo chơi như dạo thuyền, một chiếc lông ngựa dùng làm mái chèo. Bé vừa chèo vừa hát, giọng thật êm ái, dịu dàng.

Một đêm, bé tí hon đang ngủ, bỗng một con cóc to tướng vừa béo vừa nhớt trông phát khiếp chui qua ô kính vỡ trên cửa sổ vào phòng và nhảy lên bàn, nơi cô bé tí hon đang ngủ dưới cánh hoa hồng.

Nó nghĩ thầm:

– Con trai mình được con bé này làm vợ, hẳn là cu cậu sướng mê.

Thế là nó chộp lấy cái vỏ hạt dẻ, trong có Bé tí hon đang ngủ, chui qua ô kính vỡ nhảy ra vườn. Trong vườn có một dòng suối nhỏ, hai bờ lầy lội. Đấy là chỗ ở của hai bố con nhà cóc. Khiếp! Cóc con cũng béo phì như bố, trông rất sợ. Hai bố con sao giống nhau đến thế!

Trông thấy cô bé xinh đẹp trong vỏ hạt dẻ, cóc con reo lên: cọc, cọc, cọc, kẹc, kẹc, kẹc!

Cóc bố bảo:

– Khẽ chứ! Không nó thức dậy, nó trốn mất. Chúng ta sẽ đặt nó lên một lá sen to. Nó bé, ở đấy như ở một hòn đảo, không chạy trốn đi đâu được. Chúng ta sẽ làm cho nó một căn nhà ở ngay chỗ bùn lầy này.

Giữa dòng suối có nhiều gốc sen, lá xòe to bập bềnh trên mặt nước. Cóc bố bơi ra giữa dòng suối, nơi có tàu lá to nhất, đặt chiếc vỏ hạt dẻ đựng bé Tí hon vào đấy. Sáng hôm sau, thức dậy Bé Tí hon thấy mình đang ở trên tàu lá, bốn chung quanh là nước. Nó sợ quá, òa lên khóc, không có cách vào bờ.

Lúc này, bố con nhà cóc đang trang hoàng phòng cưới, căng lên tường những chiếc lá sen xanh, đính lên những bông sen trắng với những nhị sen vàng. Xong rồi hai bố con bơi ra tận giữa suối đón dâu.

Cóc già cúi chào bé Tí hon và nói:

– Ta giới thiệu với con đây là thằng con trai ta. Chồng của con đấy. Hai con sống trong căn phòng đẹp đẽ giữa chốn bùn lầy này.

Cóc con lại: Cọc, cọc, cọc, kẹc, kẹc, kẹc!

Hai bố con ngậm tàu lá sen to lôi vào bờ. Bé Tí hon ngồi trên tàu lá khóc sướt mướt. Nó không muốn ở nhà của lão cóc già ghê tởm và không muốn lấy thằng con trai gớm ghiếc của lão.

May sao lúc ấy có đàn cá con đang bơi lội dưới suối trông thấy. Chúng nhô lên mặt nước để xem cô bé. Chúng thấy bé xinh quá lại rất buồn vì phải sống với hai con cóc ghê tởm.

– Không! Không thể để thế được!

Đàn cá bảo nhau và bơi đến dưới tàu lá có Bé Tí hon đang ngồi trên và cắn đứt cuộng sen. Thế là dòng nước cuốn tàu lá đi, đưa cô bé ra xa, rõ xa, bố con nhà cóc không thể bơi tới đó được.

Bé Tí hon trôi qua nhiều thành phố. Chim chóc trong bờ bụi hót rằng:

– Cô bé xinh quá!

Tàu lá đưa cô bé qua nhiều xứ lạ. Một con bướm trắng bay lượn hồi lâu trên đầu cô bé đậu xuống tàu lá. Cô bé sung sướng vì thoát khỏi hai bố con nhà cóc, lại được ngắm nhìn phong cảnh đẹp ở những miền đất xa lạ tàu lá trôi qua. Dưới ánh nắng, nước suối lóng lánh như vàng. Cô bé cởi dây lưng, buộc một đầu vào cánh bướm, một đầu vào tàu lá. Khi bướm bay nó kéo theo cả tàu lá. Bỗng một con bọ dừa xuất hiện, lấy chân quắp cô bé đem đến một cành cây, chiếc lá thì vẫn chao lượn cùng con bướm. Bướm cố gỡ ra khỏi dây buộc mà không sao gỡ được.

Khi bọ dừa đem Bé Tí hon lên cây. Bé sợ lắm. Bé sợ cả cho bướm tội nghiệp bị buộc chặt vào tàu lá, nếu không được ai gỡ ra cho thì bướm chết đói mất. Nhưng bọ dừa có nghĩ gì đến chuyện ấy! Nó đặt Bé Tí lên môt chiếc lá to, đem nhụy hoa đến cho Bé ăn và khen Bé đẹp.

Nhiều bọ dừa bạn bè nó đến chơi, nhìn chằm chằm Bé Tí hon và nói những câu láo xược. Một ả bọ dừa trẻ kêu lên

– Nó chỉ có hai chân thôi các bạn ạ!

Một con khác vội thêm:

– Nó không có râu chúng mày ạ!

Nhiều con khác chế nhạo:

– Trông nó xấu như giống người vậy!

Thật ra Bé Tí hon rất xinh. Lúc mới đem Bé Tí hon về, nó có nghĩ như các bạn nó đâu. Chỉ có các bạn nó dèm pha, nói ra nói vào mãi nên bọ dừa cũng tin là Bé Tí hon xấu và không thích Bé nữa và đem Bé đặt xuống một cây cúc trắng.

Tưởng rằng mình xấu đến mức bọ dừa cũng không ưa, Bé Tí hon khóc nức nở, buồn phiền. Nhưng thật ra thì Bé rất xinh, thanh tú, dịu dàng, chẳng khác gì một cánh hồng.

Bé Tí hon sống một mình suốt mùa hạ trong khu rừng lớn. Bé lấy cọng rơm làm cho mình một cái võng, treo dưới một lá thu mẫu đơn to để tránh mưa. Bé ăn nhuỵ hoa và uống những hạt sương rơi. Bé sống như vậy suốt cả mù hè và cả mùa thu. Nhưng rồi mùa đông đến, mùa đông dài dằng dặc và lạnh giá. Những con chim nhỏ thường hót cho Bé nghe giờ cũng bay đi tránh rét. Cây rụng hết lá, hoa đều tàn, chiếc lá thu mẫu đơn che chỗ nằm cũng héo quắt, chỉ còn lại chiếc cọng vàng khô. Quần áo rách bươm, Bé rét run.

Tuyết rơi, mỗi giọt tuyết rơi xuống Bé nặng như hòn đá không chịu nổi. Bé núp mình trong một chiếc lá khô, nhưng chẳng ấm thêm chút nào, vẫn rét run cầm cập.

Bé Tí hon bỏ khu rừng đến một ruộng lúa gần đấy. Ruộng lúa vừa mới gặt chỉ còn gốc rạ từ dưới đất giá lạnh tua tủa gai đâm lên. Đi qua đám ruộng, Bé Tí hon cũng thấy vất vả như người đi qua một cánh rừng, nó đi chệnh choạng ngã lên ngã xuống nhiều lần. Bé Tí hon lần được đến cổng nhà mụ chuột đồng – một cái hốc dưới gốc rạ. Chuột đồng sống ở đấy rất thoải mái, lại có đầy lúa và các thức ăn khác. Bé Tí hon vào nhà mụ chuột đồng xin một hạt lúa mạch ăn cho đỡ đói, đã hai hôm nay bé không được ăn gì vào bụng.

Chuột đồng bảo:

– Tội nghiệp con bé! Vào đây ăn với ta cháu ạ!

Thấy Bé Tí hon dễ thương, chuột bảo:

– Cháu có muốn ở đây với ta không? Chỉ cần giữ gìn nhà cửa cho sạch và kể chuyện cho ta nghe. Ta thích nhất là nghe kể chuyện.

Bé Tí hon làm theo lời chuột và được chuột đối đã tử tế. Một hôm chuột nói:

– Sắp có khách sang chơi đấy. Ông bạn láng giềng ta là một người giàu có, nhà cao cửa rộng. Ông thường mặc chiếc áo lông đen nhánh như sa tanh. Cháu mà lấy được ông ta thì may lắm. Nhưng ông ta mù, cháu phải kể chuyện cho ông ta nghe.

Rồi ngay hôm ấy, Chuột chũi hàng xóm đến thăm Chuột đồng. Hắn mặc bộ áo lông đen nhánh như sa tanh.

Chuột đồng nói là hắn giàu và có học. Nhà hắn rộng gấp hai mươi lần nhà các con Chuột Chũi khác. Nhưng hắn không thích nắng và hoa. Hắn luôn nói xấu ánh nắng và hoa. Chúng bảo Bé Tí hon hát. Bé hát rằng: “Bay đi! Bọ dừa bay đi”. Bé hát rất hay. Giọng bé dịu dàng, Chuột chũi nghe thích lắm, nhưng hắn không nói gì.

Chuột chũi đã đào một ngách từ nhà hắn ăn thông sang nhà Chuột đồng. Hắn mời Bé Tí hon và bạn bè hắn vào đấy chơi. Trong hang có xác một con chim chết rét. Chuột chũi ngậm một mẩu gỗ mục nát có phát ra ánh sáng đi trước soi đường. Đến gần chỗ xác con chim, chuột chũi lấy mõm húc lên trần cho thủng một lỗ, để cho ánh sáng lọt vào.

Nhờ có ánh sáng họ trông thấy con chim én nằm giữa hang, hai cánh gập lại, lông che kín đầu, chân co quắp. Rõ ràng là chim đã chết rét! Thật tôi nghiệp! Bé Tí hon thương chim lắm. Nó đã hót cho Bé nghe suốt cả mùa hè. Nhưng chuột chũi lại lấy chân đẩy chim én và nói:

– Nó không hót được nữa! Buồn thay cho số phận những con chim bé nhỏ! Ngoài tiếng kêu chiêm chiếp chim chẳng biết gì nữa, rồi cứ đến mùa đông lại chết rét. Lạy Trời đừng bắt các con tôi sau này hoá thành chim.

Chuột đồng hưởng ứng:

– Bác nói rất đúng! Ngoài tiếng kêu chiêm chiếp chim có biết làm gì đâu! Mùa đông tới là chết đói và chết rét.

Bé Tí hon không nói gì; đợi lúc hai con chuột quay lưng đi, nó cúi xuống, vạch lông chim, hôn lên hai mắt nhắm nghiền của chim và nói:

– Đúng con chim này đã hót cho mình nghe suốt cả mùa hè vừa qua. Con chim xinh quá, hót thật là hay.

Ở nhà Chuột chũi ra về, suốt đêm Bé Tí hon không ngủ được. Bé vùng dậy lấy rơm tết thành một cái chăn đem đắp cho con chim chết rét. Bé còn lấy nhuỵ hoa đem phủ xung quanh thân chim. Bé nói:

– Vĩnh biệt chim thân yêu. Cảm ơn chim đã hót cho ta nghe suốt cả mùa hè, khi ánh nắng sưởi ấm chúng ta, cây cối xanh tươi và làm dịu mắt ta.

Bé Tí hon lấy tay ghì đầu chim vào ngực mình. Bỗng Bé thấy có vật gì động đậy dưới tay Bé. Đó là trái tim của chim. Con én chỉ mới bị cóng vì rét, giờ đây được sưởi ấm nó tỉnh lại.

Mùa thu én thường bay về phương nam tránh rét. Nếu có con nào lọt lại thì nó bị rét cóng, rơi xuống và bị tuyết vùi.

Nghĩ vậy, Bé Tí hon thương con chim, lấy thêm nhuỵ hoa rắc lên mình, lấy lá bạc hà Bé thường dùng làm chăn đắp phủ lên đầu chim.

Đêm hôm sau Bé Tí hon trở lại thăm chim, thấy chim vẫn sống, nhưng yếu lắm, chỉ mở mắt một tí nhìn Bé rồii lại nhắm nghiền. Bé đứng cạnh chim, cầm một mẩu gỗ mục thay đèn. Một lúc chim cất tiếng nói:

– Cảm ơn cô bé lắm! Cảm ơn cô bé thân yêu! Tôi thấy trong người đã nóng lên, đã lại sức. Tôi sẽ có thể bay về nơi ấm nắng cùng với bè bạn.

Bé Tí hon đáp:

– Chớ! Bên ngoài đầy băng tuyết còn lạnh lắm. Chim cứ ở lại đây, nằm trên cái giường bé nhỏ này. Tôi sẽ chăm sóc cho chim rất chu đáo.

Bé lấy một cánh hoa múc nước đem lại cho chim én. Uống nước xong, chim én kể cho Bé nghe chuyện chim bị thương ở cánh khi bay từ trong một bụi gai ra, vì vậy không kịp bay theo đàn và rơi xuống đất. Chim chỉ nhớ được có thế và không biết sau đấy thế nào, bây giờ đang ở đâu.

Chim én ở lại trong hang suốt mùa đông và được Bé Tí hon hết lòng chăm sóc. Nó rất yêu quý Bé. Chuột đồng và Chuôt chũi không biết tý gì. Nếu biết chúng đã đuổi chim đi.

Mùa xuân đã đến. Những tia nắng đầu tiên xuất hiện. Chim én hỏi Bé Tí hon có muốn đi theo không. Chim sẽ cõng Bé trên lưng đưa về rừng. Nhưng Bé Tí hon lắc đầu nói:

– Tôi không muốn làm như thế. Làm thế là phụ ơn chuột đồng.

– Thế thì từ biệt bạn thân yêu.

Chim én nói rồi bay vút lên không, giữa bầu trời chan hoà ánh nắng. Bé Tí hon buồn rầu nhìn theo, Bé cũng rất mến chim, chim đi rồi Bé buồn. Suốt ngày Bé phải ở trong nhà, không ra ngoài nắng được ấm được, vì lúa ngoài đồng mọc lên cao. Đối với Bé, thửa ruộng lúa ấy rậm rạp như một cánh rừng.

Một hôm Chuột đồng bảo bé:

– Mùa hạ chỉ còn thời gian nữa, lễ cưới sắpp đến nơi rồi, ông bạn láng giếng đã đem lễ sang dạm hỏi. Cần phải sửa soạn quần áo mới cho cháu. Ta sẽ cho cháu nhiều của hồi môn để cháu đem về nhà chồng.

Rồi chuột đồng bảo Bé ngồi quay sợi. Cả bốn con nhện dệt đêm ngày. Chiều nào Chuột chũi cũng sang chơi và nói rằng hễ qua mùa hè, trời bớt nóng, là hắn cưới Bé Tí ngay.

Nhưng Bé Tí hon không ưa chuôt chũi. Nó không muốn lấy lão ta, muốn đi khỏi nơi đây. Sáng sáng, lúc bình minh, và chiều chiều lúc mặt trời sắp lặn. Khi gió thổi các bông lúa rạp xuống, hé cho Bé nhìn thấy bầu trời xanh biếc, bé lại mơ ước cuộc sống bên ngoài, mong Chim én bay trở lại.

Khi thu sang, quần áo cưới đã chuẩn bị xong, chuột đồng bảo Bé:

– Bốn tuần nữa thì làm lễ cưới.

Bé Tí hon oà lên khóc, nói rằng không thích chuột chũi. Chuột đồng mắng:

– Đừng có õng ẹo! Tao gả mày vào nơi danh giá thế còn gì! Đến ngay Hoàng đế cũng chả có bộ áo xa tanh đen bóng như nó. Mày phải cảm ơn Trời Phật mới đúng chứ!

Đến ngày cưới, Chuột chũi tới để đem Bé Tí hon đi. Bé phải xuống dưới hang với chuột chũi, xa ánh nắng, vì chuột chũi ghét ánh sáng. Ở nhà chuột đồng ít ra Bé cũng còn có thể đứng ở cửa hang ngắm mặt trời mọc.

– Mặt trời nóng ấm ơi! Vĩnh biệt! Bé vừa nói vừa giơ tay lên.

Rồi Bé tí hon rời nhà chuột đồng.

– Vĩnh biệt! Vĩnh biệt! – Bé vòng tay ôm một bông hoa nhỏ – Nếu hoa có thấy chim én cho ta gửi lời chào.

– Chiêm chiếp! Chiêm chiếp!

Vừa lúc ấy, Bé Tí hon nghe có tiếng chim hót trên đầu. Bé nhìn lên. Đúng là chim én!

Chim én nhìn thấy Bé mừng quá! Bé kể cho chim nghe nỗi buồn phải lấy chuột chũi, phải xuống ở hang sâu, phải xa mặt trời.

Chim én nói:

– Mùa đông sắp đến rồi, tôi sắp quay về xứ nóng. Bé có muốn cùng đi với tôi thì trèo lên lưng tôi, lấy dây lưng buộc người vào mình tôi. Chúng ta trốn xa chuột chũi và chỗ ở ghê tởm của nó. Chúng ta sẽ đi thật xa, qua núi non đến những xứ nóng, ở đấy có ánh nắng chan hoà, suốt năm lúc nào cũng như mùa hạ, hoa lá cỏ cây xanh tươi đẹp đẽ. Trốn đi với tôi, Bé Tí hon thân yêu, người đã cứu sống tôi lúc tôi đã nằm cứng đơ dưới hang sâu nhà chuột chũi.

– Vậy thì chúng ta đi thôi!

Bé Tí hon đáp và trèo lên lưng chim én, lấy thắt lưng buộc mình vào lông chim.

Chim én vút lên không trung, bay qua hết rừng này đến biển nọ, bay qua những ngọn núi tuyết phủ quanh năm. Bé Tí rét run chui vào bộ lông dày của chim én, chỉ ló đầu ra nhìn tất cả những cảnh huy hoàng dọc đường.

Rồi đôi bạn tới vùng xứ nóng. Ở đây nắng chói lọi, trời lồng lộng cao. Trên cành cây đung đưa những chùm nho mọng quả đen đẹp, những cam chanh chíu chít. Có những đứa trẻ xinh đẹp chơi đùa trên đường cái.

Chim én vẫn bay xa mãi, phong cảnh mỗi lúc một đẹp hơn.

Cuối cùng chim én đưa Bé Tí hon đến một nơi, dưới bóng cây xanh, gần một dải hồ nước xanh biếc, sừng sững mọt toà lâu đài cổ bằng cẩm thạch trắng. Nho và cây thường xuân leo kín các cột. Chim én làm tổ trên một cái cột ấy. Chim nói với Bé Tí hon:

– Nhà tôi đấy! Bé có thấy cỏ mọc ở dưới không. Tôi sẽ đặt bé xuống giữa đám cỏ, sống ở đấy, Bé sẽ thấy sung sướng.

– Vâng! – Bé Tí hon vỗ tay trả lời.

Ở đấy có một cái cột bằng cẩm thạch trắng vỡ làm ba mảnh, chung quanh mọc đầy hoa trắng rất đẹp. Chim én đặt Bé Tí hon xuống đấy trên một chiếc lá to. Bé bỗng ngạc nhiên khi thấy ở đây có một chàng trai bé nhỏ trong như thuỷ tinh. Chàng không to lớn gì hơn Bé Tí hon. Trong mỗi bông hoa đều có một người bé nhỏ như thế.

Chàng trai trong bông hoa cúc trắng là vua của họ.

Bé Tí hon thì thầm với chim én:

– Trời! anh chàng đẹp trai quá!

Hoàng tử tí hon rất sợ chim én, vì đối với chàng bé nhỏ và mảnh khảnh thì chim én quả là một con chim khổng lồ.

Vừa nhìn thấy Bé Tí hon, Hoàng tử mê say ngay. Chưa bao giờ chàng trông thấy một người con gái xinh đẹp như thế! Chàng nhấc chiếc mũ miện đang đội đặt lên đầu cô bé Tí hon ngỏ ý muốn lấy bé. Lấy chàng, Bé sẽ trở thành nữ chúa của các loài hoa.

Thật là đẹp đôi, chẳng như thằng Cóc con và lão chuột chũi!

Bé Tí hon bằng lòng. Từ mỗi bông hoa bước ra một nam, một nữ, quần áo sang trọng. Đôi nào cũng xinh đẹp, nhưg xinh đẹp nhất vẫn là đôi vợ chồng mới cưới. Người ta lắp cánh vào cho Bé Tí hon; Bé có thể bay từ bông hoa này sang bông hoa khác. Khắp nơi đều vui mừng. Trên ngọn cột đá cẩm thạch, chim én ráng sức hót mừng đôi tân hôn, tuy rằng chim rất buồn và nhớ cô bé.

Hoàng tử bảo Bé:

– Cái tên Bé Tí hon xấu lắm mà em thì lại rất đẹp. Từ nay tên em sẽ là là Tiểu Ngọc.

Tạm biệt! Tạm biệt! Chim én hót chào để rời xứ nóng, trở về phương Bắc.

Con chim én ấy làm tổ ở cạnh cửa sổ nhà người kể chuyện này. Nó dùng tiếng nói “chiêm chiếp!” mà kể chuyện trên đây cho ông ta nghe và nhờ đó chúng ta biết thêm được một chuyện.

Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12 Trang 13 Trang 14Kế tiếp

guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận