Vì sao dân Trung Quốc bị cả thế giới xua đuổi?

0
7182

Đời sống kinh tế dư giả khiến một lượng lớn dân Trung Quốc đi du lịch ra nước ngoài. Song, lối hành xử vô văn hóa, phản cảm và đầy bạo lực của nhiều du khách Trung Quốc đang bị nhiều nước lên án. Khách Trung Quốc đã bị cấm cửa ở nhiều địa điểm tham quan nổi tiếng trên thế giới vì các hành vi phá hoại di tích, phóng uế, khạc nhổ bừa bãi ra môi trường. 

-Quảng Cáo-

Tân Hoa Xã dẫn số liệu từ Tổng cục Du lịch Trung Quốc (CNTA) cho biết tính đến tháng 11/2014, khoảng 100 triệu du khách Trung Quốc đã đi ra nước ngoài trong năm. Trong đó, khoảng 85,4 triệu du khách Trung Quốc đến các nước châu Á, phần còn lại đi du lịch tới châu Âu và châu Phi.

Còn theo khảo sát của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), tính trên tổng lượng tiền chi cho du lịch, khách Trung Quốc đã vượt qua Mỹ và Đức vào năm 2013. Theo đó, khách Trung Quốc đã chi 128,6 tỷ USD; Mỹ là 104,7 tỷ USD và Đức là 91,4 tỷ USD. Nhưng tính trên bình quân đầu người thì du khách phương Tây và Nhật Bản vẫn là đối tượng chi tiêu rộng rãi nhất. 

Du khách Trung Quốc đi du lịch khắp nơi trên thế giới và để lại nhiều tiếng xấu về lối hành xử vô văn hóa nơi công cộng. 

Tuy nhiên, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng nhận định: “Du khách Trung Quốc là những người có tiền nhưng lại thiếu văn minh”. Bởi trong thời gian gần đây, truyền thông Trung Quốc và quốc tế đã liên tục cho đăng tải những thông tin về việc du khách Trung Quốc ứng xử vô văn hóa, đã lưu lại ấn tượng rất xấu trong mắt cộng đồng quốc tế. Điển hình, nhiều vụ việc “xấu xí” liên quan tới lối hành xử của du khách Trung Quốc ở nước ngoài đã bị phanh phui.

Hong Kong cấm cửa du khách Trung Quốc

Ở Hong Kong, làn sóng phản đối du khách Trung Quốc tăng cao đột biến sau vụ việc một cặp vợ chồng người Trung Quốc cho cậu con trai 2 tuổi “phóng uế” ngay trên đường phố Hong Kong.

Mới đây, Channel New Asia đưa tin, người dân Hong Kong còn tham gia vào các cuộc biểu tình phản đối du khách Trung Quốc đổ xô tới đặc khu mua sắm, vơ vét khiến giá cả nhiều mặt hàng tăng chóng mặt, gây ảnh hưởng tới cuộc sống thường ngày.

Người dân Hong Kong biểu tình phản đối du khách Trung Quốc tại quận Yuen Long hôm 1/3. 

Thậm chí, tại quận Yuen Long, cảnh sát Hong Kong đã buộc phải tiến hành bắt giữ 38 người và dùng hơi cay để giải tán đám đông tụ trước cửa một trung tâm mua sắm phản đối du khách Trung Quốc.

Các mặt hàng như sữa bột trẻ em, mỹ phẩm, dược phẩm và hàng hóa cao cấp là những sản phẩm yêu thích và được nhiều người Trung Quốc tìm mua nhiều nhất khi đặt chân tới Hong Kong.

Hàn Quốc lo dân Trung Quốc “xâm lăng”

Bắc Kinh hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Seoul, do đó, không ít người dân Hàn Quốc lo sợ trong tương lai, Trung Quốc sẽ có tiếng nói trong mọi chính sách của nước này. Bởi trong số 6,1 triệu du khách Trung Quốc đến thăm Hàn Quốc vào năm ngoái, gần một nửa trong số đó tới đảo Jeju, tăng gấp 5 lần so với năm 2011.

Ở đảo Jeju, những người bán đất cho dân Trung Quốc còn bị gọi là “kẻ phản bội đất nước”. Thậm chí, nhiều khách sạn đã phải đặt biển thông báo ở bên ngoài rằng họ không liên quan gì đến Trung Quốc.

Động thái quyết liệt của Trung Quốc nhằm kiểm soát những vùng biển gần đảo Jeju cũng khiến nhiều người Hàn Quốc lo ngại. Một số người còn cho rằng Bắc Kinh sẽ chia rẽ Seoul và Washington, một đối tác an ninh quan trọng nhất của Hàn Quốc.

Đảo Jeju, hòn đảo nghỉ dưỡng yêu thích của không chỉ người dân Hàn Quốc mà cả dân Trung Quốc. 

Bên cạnh những cáo buộc liên quan tới việc các nhà đầu tư bất động sản Trung Quốc “xâm lấn” đất Hàn Quốc, giới truyền thông Hàn Quốc còn nhận định rằng, hầu hết du khách Trung Quốc không chỉ coi thường và vi phạm một số tập tục xã hội của Hàn Quốc mà còn thường chỉ lưu trú, ăn và đi mua sắm trong khách sạn, nhà hàng và trung tâm mua sắm do người Trung Quốc làm chủ.

Trong một cuộc khảo sát 1.000 người dân đảo năm 2014, 68% cho biết số lượng du khách Trung Quốc ngày càng tăng không hề đóng góp gì cho sự phát triển của đảo Jeju.

Kim Hong-gu, một doanh nhân Jeju, phàn nàn về việc người Trung Quốc tranh cãi và hút thuốc trên đường phố. Ông Kim cho rằng Trung Quốc đang dùng tiền của mình để biến Jeju thành một “khu phố của người Tàu”.

Hành xử vô văn hóa tại Thái Lan

Hôm 5/2, Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc đưa tin, cư dân mạng nước này lan truyền thông tin Chùa Trắng (Wat Rong Khun) ở Thái Lan đã từ chối tiếp đón du khách Trung Quốc.

Đại diện Chùa Trắng đã trả lời truyền thông cho biết, sáng 3/2, Chùa này đã cấm du khách Trung Quốc vào bên trong, nguyên nhân do một số khách Trung Quốc có hành vi không văn minh khi sử dụng nhà vệ sinh, đã đi đại tiện vào bồn tiểu tiện, sử dụng lãng phí giấy vệ sinh và vứt băng vệ sinh trên sàn.

Chùa Trắng ở Thái Lan là một điểm đến yêu thích của du khách thế giới. 

Theo Nhân dân Nhật báo, Trụ trì Chùa Trắng đã rất tức giận đối với những hành vi trên và cấm khách Trung Quốc vào Chùa.

Tuy nhiên, cũng trong ngày 3/2, Chùa này đã mở cửa đón khách Trung Quốc trở lại, nhưng yêu cầu hướng dẫn viên phải tháp tùng khách của mình khi họ vào nhà vệ sinh. Nhà chùa cũng cảnh cáo, nếu những người Trung Quốc còn tái diễn những hành vi thiếu văn minh thì chính hướng dẫn viên sẽ bị phạt lau dọn nhà vệ sinh.

Còn theo báo Direct Matin, những người phụ trách quản lý Chùa Trắng còn dự tính xây thêm nhà vệ sinh dành riêng cho du khách Trung Quốc.

Hôm 28/2, một người phụ trách của chùa than vãn về chuyện hành xử mất vệ sinh của du khách nói tiếng Trung: “Họ phóng uế cả trên sàn nhà vệ sinh, tiểu tiện ở tường bên ngoài nhà vệ sinh và dùng giấy vệ sinh xong thì vứt bừa bãi”.

Theo người này, mỗi khi có đoàn người Trung Quốc đến thăm Chùa thì những du khách khác không thể dùng tiếp được nhà vệ sinh, do đó, nhà chùa dự tính xây khu vệ sinh riêng biệt cho du khách Trung Quốc.

Dù là nguồn khách lớn ở Thái Lan với khoảng 4,62 triệu ghé thăm mỗi năm, nhưng du khách Trung Quốc đã khiến người dân bản địa không ít lần phải than phiền.

Du khách Trung Quốc dùng chân đá vào chuông Chùa gây phẫn nộ ở Thái Lan. 

Hồi cuối tháng Hai, theo Daily Mail, các trang mạng của Thái Lan đã lan truyền với tốc độ nhanh chóng mặt một đoạn video quay cảnh một công dân Trung Quốc dùng chân để đá vào dàn chuông thiêng ở chùa Wat Phra That Doi Suthep, gần Chiang Mai, rồi cười lớn trước khi quay đi.

Hành vi bất kính đó khiến người dân Thái vô cùng phẫn nộ và cảnh sát khẳng định họ sẽ truy lùng vị du khách này để trừng phạt.

Thậm chí, giới quản lý du lịch Thái Lan đã cho phát hành cuốn cẩm nang “Hướng dẫn ứng xử đúng mực” dành cho du khách Trung Quốc khi họ đến thăm đất nước này.

Trước đó, vào tháng 12/2014, báo chí quốc tế một lần nữa lên tiếng sau vụ việc một nhóm 4 hành khách Trung Quốc hắt bát mỳ nóng vào tiếp viên hàng không người Thái Lan chỉ vì không được ngồi cạnh nhau. Thậm chí, một người đàn ông trong nhóm còn lớn tiếng đe dọa sẽ đánh bom chuyến bay. Sau đó, Tổng cục Du lịch Trung Quốc đã đưa 4 kẻ này vào “danh sách đen” bị cấm đi ra nước ngoài.

Người dân Nhật tránh gặp du khách Trung Quốc

Trang Phượng Hoàng đưa tin, hôm 10/2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã kêu gọi người dân nước này “không nên cậy có tiền mà làm bừa, hay do không biết mà hành xử không có giới hạn”. Song dường như lời kêu gọi này không đem lại hiệu quả, khi trong dịp Tết âm lịch vừa qua, những hành vi xấu xí phản văn hóa của du khách Trung Quốc vẫn tái diễn.

Điển hình, mới đây, một đài truyền hình Nhật Bản đã ghi lại hình ảnh một người đàn bà Trung Quốc cho con mình đi tiểu ngay trước trung tâm thương mại ở khu Ginza, Tokyo.

Điều đáng nói, khi bị phát hiện, người phụ nữ Trung Quốc còn ngay lập tức giơ chiếc túi ni-lon ra và cãi rằng cô ta đã cho con trai tiểu vào đó, chứ không “đi bậy” ra mặt đường. Người này cũng kiên quyết không thừa nhận hành vi của mình là thiếu văn hóa.

Ngay cả khi đi vào các trung tâm thương mại tại Nhật Bản, du khách Trung Quốc còn bị tố  không chịu tuân thủ quy định và thường xuyên bóc mở thực phẩm trong siêu thị trước khi trả tiền. Đỉnh điểm, nhiều người Nhật Bản còn không muốn tới những khu vui chơi “tràn ngập du khách Trung Quốc”.

Cư dân mạng Trung Quốc đã phải lên tiếng hối thúc người dân nước mình khi đi du lịch cần “nhập gia tùy tục và không thể tiểu bậy trên khắp thế giới được”.

Vẽ bậy lên khu di tích Ai Cập

Hồi năm 2013, cha mẹ của một thiếu niên 14 tuổi ở Trung Quốc đã phải lên tiếng xin lỗi khi con trai họ bị cư dân mạng lên án vì hành động vẽ bậy lên di tích tại một ngôi đền cổ đại 3.500 tuổi ở Luxor, Ai Cập.

Vụ việc này xuất hiện chỉ sau ít ngày Phó Thủ tướng Trung Quốc, ông Uông Dương cho rằng “hành vi thiếu văn minh” của một số du khách Trung Quốc đang làm tổn hại đến hình ảnh quốc gia.

Thủ phạm vẽ bậy lên di tích tại Ai Cập.  

“Họ gây ồn ào ở nơi công cộng, khắc tên mình lên di tích lịch sử, vượt đèn đỏ và khạc nhổ ở mọi nơi. Những hành động ấy đang làm xấu đi hình ảnh của Trung Quốc và gây ra những hậu quả nghiêm trọng”, ông Uông Dương nhấn mạnh.

Tiếc tiền đi vệ sinh bậy ở châu Âu

Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng dẫn lời một hướng dẫn viên du lịch mang tên Linda Li kể về câu chuyện một đoàn xe chở khách du lịch Trung Quốc dừng chân tại trạm nghỉ trên đường cao tốc ở Frankfurt, Đức. Khi cô thông báo phí đi nhà vệ sinh công cộng là 0,5 nhân dân tệ, hầu hết du khách Trung Quốc đều phản đối dữ dội. Thậm chí, nhiều nam du khách đã tiểu tiện ngay bên ngoài hoặc chấp nhận nhịn đi vệ sinh.

Cô Li nói: “Tôi đã bị choáng. Nhiều người ăn mặc bảnh bao, giàu có cũng không chịu bỏ 0,5 nhân dân tệ để đi vệ sinh. Trong khi họ có thể chi hàng ngàn euro để mua một chiếc đồng hồ hàng hiệu Vacheon Constantin”.

Trong chuyến thăm tới Maldives hồi tháng 9/2014, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã kêu gọi dân Trung Quốc phải hành xử đúng mực khi đi ra nước ngoài. “Đừng vứt chai nước khắp nơi. Đừng phá hoại san hô. Hãy ăn ít mì thôi và thưởng thức ẩm thực địa phương”, ông Tập nhấn mạnh.

Ông Tập Cận Bình phải nhắc nhở dân Trung Quốc hành xử văn minh hơn khi ra nước ngoài. 

Song, theo ý kiến của một số chuyên gia trong ngành du lịch Trung Quốc, việc CNTA phát hành cuốn cẩm nang hướng dẫn cách cư xử cho công dân nước mình khi ở nước ngoài hay lời kêu gọi của ông Tập sẽ hoàn toàn vô tác dụng. Bởi những người thiếu văn minh thì vẫn sẽ hành xử bậy bạ, còn người hiểu biết thì luôn đúng mực.

Tạp chí The Diplomat cho rằng trên thực tế, du khách của một số nước đang phát triển cũng ứng xử thiếu văn minh. Nhưng với việc chính quyền Trung Quốc bành trướng tuyên bố chủ quyền ở nhiều khu vực đặc biệt tại Châu Á, đã khiến du khách nước này đi đâu cũng bị chú ý.

Tuy nhiên, hướng dẫn viên Li nhấn mạnh lối hành xử không đúng mực của du khách Trung Quốc xuất phát từ nguyên nhân ngành du lịch Trung Quốc mới chỉ chăm chăm kiếm tiền mà không hướng tới giáo dục cho người dân về ý thức bảo vệ môi trường như các nước phương Tây. Nói cách khác, du khách Trung Quốc cần phải học cách ứng xử tử tế, thân thiện với môi trường ngay từ khi ở nước nhà.

Bởi theo tờ Phượng Hoàng, ngay tại các ga tàu hỏa đông đúc ở thủ đô Bắc Kinh, những hành vi thiếu văn hóa của người dân vẫn thường xuyên xuất hiện. Khi mà, hình ảnh người lớn cho trẻ nhỏ đi tiểu ngay ra đường đã trở thành việc thường ngày đến mức các nhân viên vệ sinh không thèm nhắc nhở.

Infonet

guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận