Giáo sư Phan Huy Lê: Nhân cách của nhà sử học chân chính

0
2470

Là người thầy tận tụy với tri thức uyên thâm và nhân cách đạo đức đáng kính, Giáo sư sử học Phan Huy Lê ra đi đã để lại cú sốc cho giới sử học trong và ngoài nước.

-Quảng Cáo-

13h06 ngày 23/6, Giáo sư sử học, Nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê qua đời tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), hưởng thọ 85 tuổi. Sự ra đi của ông khiến học trò, cũng là những nhà sử học tên tuổi, cảm thấy trống vắng.

Cú sốc lớn đối với giới sử học 

Không giấu được sự bàng hoàng, PGS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, chia sẻ ông đang ngồi viết phần kháng chiến chống Pháp và Mỹ trong bộ Quốc sử để cuối tháng 6 nộp bản thảo lần 2 thì được biết người thầy yêu quý qua đời.

“Từ lúc đó, tôi không làm được việc gì. Đây là cú sốc quá lớn. Dù biết thầy ốm và tuổi cao, nhưng tôi không ngờ thầy ra đi đột ngột như vậy. Thầy để lại khoảng trống quá lớn trong giới sử học”, PGS Hà bày tỏ.

Là học trò gần gũi với sử gia Phan Huy Lê tròn 50 năm, giáo sư, nhà giáo nhân dân Nguyễn Quang Ngọc tâm sự, không có mất mát nào lớn như sự ra đi của GS Lê. Từ khi biết tin, nhiều người gọi cho ông Ngọc, chỉ kịp hỏi “thầy mất rồi à?”, rồi cứ thế bật khóc, không nói thêm được gì.

“Bây giờ tôi trống rỗng vô cùng. Giáo sư Lê là người thầy vĩ đại. Trước đây thầy thương chúng tôi bao nhiêu thì bây giờ thầy nằm xuống chúng tôi thấy trống vắng như không còn chỗ dựa”, ông Ngọc thốt lên nghẹn ngào.

Bức ảnh sử gia Phan Huy Lê mà GS Philippe Papin gửi đến bạn bè, đồng nghiệp cùng thông báo tin buồn về sự ra đi của người thầy đáng kính.

Bức ảnh sử gia Phan Huy Lê mà GS Philippe Papin gửi đến bạn bè, đồng nghiệp cùng thông báo tin buồn về sự ra đi của người thầy đáng kính.

Từ Pháp, GS Philippe Papin gửi thông báo đến bạn bè, đồng nghiệp: “Tôi vô cùng thương tiếc và đau đớn báo tin: GS Phan Huy Lê qua đời đêm qua. Với tôi, đây là tổn thất vô cùng to lớn bởi các bạn đều biết tôi từng gắn bó với thầy biết nhường nào… Giờ phút đau đớn này, tôi quá xúc động để có thể nói được nhiều hơn”. 

Giáo sư Pháp chia sẻ, đối với ông, GS Lê không chỉ là người thầy mẫu mực, tấm gương để luôn noi theo mà còn là người bạn ông yêu mến và trân trọng.

Làm việc đến những ngày cuối đời

Khi ông Vũ Dương Ninh học năm nhất Đại học Tổng hợp Hà Nội thì thầy Phan Huy Lê đã là trợ lý của cụ Đào Duy Anh. “Lúc đó chúng tôi rất phục thầy giáo trẻ, đẹp trai, nói năng logic, gẫy gọn, làm sáng tỏ được bài của thầy Đào Duy Anh”, GS Ninh nhớ lại. 

Sau khi hiệp định Paris được ký kết năm 1973, thầy Lê dẫn đầu đoàn người làm sử đi vào sông Bến Hải (Quảng Trị) để trải nghiệm thực tế không khí chiến tranh. Thầy dành thời gian nói chuyện với sĩ quan, bộ đội về truyền thống đánh giặc của ông cha, làm mọi người rất thích sử.

Kỷ niệm ông Ninh rất nhớ là nhiều lần ở đại hội Hội khoa học lịch sử Việt Nam, GS Lê đề nghị thôi làm chủ tịch. Nhưng mọi người không đồng ý, ông đành tiếp tục. Sau đó gặp riêng, lần nào ông cũng trách nhẹ: “Các ông phải có ý kiến để tôi thôi làm chủ tịch chứ!”. Đến đại hội lần thứ 7 năm 2015, GS Lê dứt khoát chỉ làm nửa nhiệm kỳ để dành tâm sức cuối đời vào bộ Quốc sử.

Tại Đại hội Hội Khoa học lịch sử Việt Nam 2015, GS Phan Huy Lê trao tặng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bức tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Tại Đại hội Hội Khoa học lịch sử Việt Nam 2015, GS Phan Huy Lê trao tặng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bức tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Cũng vì dồn tâm huyết cho bộ Quốc sử đồ sộ nhất từ trước đến nay nên dù ốm GS Lê vẫn miệt mài làm việc. GS Nguyễn Quang Ngọc kể, thấy thầy mệt, gia đình đưa vào viện khám. Các bác sĩ đề nghị phải ở lại viện điều trị, nhưng ông nhất quyết không ở bởi “nhà tôi còn bao nhiêu việc”.

Đến khi các chuyên gia hàng đầu của Bệnh viện Bạch Mai nói tình hình sức khỏe không cho phép và không có lý do gì hơn việc điều trị lúc này, GS Lê mới chịu nằm viện. “Nhưng vào viện rồi, cụ vẫn nói chỉ ở lại một vài ngày rồi về thôi, vì công việc đang rất nhiều ở nhà”, ông Ngọc rưng rưng kể. 

Từng tham dự cuộc họp của ban biên soạn đề án bộ Quốc sử với Bộ Chính trị, PGS Nguyễn Mạnh Hà chia sẻ rất ấn tượng khi bước vào phòng họp, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thấy GS Phan Huy Lê thì đi rất nhanh đến và nói: “Em chào thầy. Hôm nay Bộ Chính trị được nghe các thầy nói về đề án bộ Quốc sử”.

GS Lê đáp lại: “Đây là công việc của Hội mà chúng tôi đã chuẩn bị từ lâu, nay được trình bày với các đồng chí”. Cuộc họp chỉ diễn ra 15 phút bởi Tổng bí thư xác nhận ngay tất cả đề nghị mà GS Lê đưa ra.

Nhân cách lớn

GS Vũ Minh Giang, Phó chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam, chia sẻ “GS Lê không chỉ là người thầy suốt nửa thế kỷ của tôi mà còn là người cha tinh thần dìu dắt tôi về chuyên môn”. Ông luôn coi thầy Lê là người thân trong gia đình, chia sẻ những lúc vui buồn. GS Lê xem ông là học trò thân quý. 

Thời sinh viên, ông Giang không có nguyện vọng học sử, nhưng thầy Lê đã giúp ông thấy cái hay, cái đẹp của ngành này. “Thầy không chỉ là trí thức lớn của đất nước mà còn của thế giới. Khi thầy mất, rất nhiều bạn bè, học trò từ nhiều nước Mỹ, Anh, Nhật, Pháp… gọi về chia buồn”, GS Giang kể.

Một trong những kỷ niệm đến giờ ông Giang nhớ mãi là việc chọn đề tài chuẩn bị đi nghiên cứu sinh ở Liên Xô cũ. Năm 1980, đất nước mới kết thúc chiến tranh, nghiên cứu về nghệ thuật quân sự rất phát triển. Ông Giang cũng viết nhiều bài về chiến tranh, quân sự.

Khi hỏi GS Lê về đề tài nghiên cứu thì nhận được lời khuyên nên chọn cái cơ bản, nền tảng của bất cứ thời đại nào, đó là kinh tế – xã hội. Ông Giang đã làm nghiên cứu về chế độ ruộng đất. Đó là nền tảng sau này để ông Giang phát triển. “Tôi biết ơn thầy về tầm nhìn xa trông rộng”, ông Giang chia sẻ.

Tứ trụ sử học Việt Nam đương đại từ trái qua GS Trần Quốc Vượng, GS Đinh Xuân Lâm, GS Hà Văn Tấn và GS Phan Huy Lê với ông bà GS Trần Văn Giàu. Ảnh chụp năm 1996 do GS Lê cung cấp. 

Tứ trụ sử học Việt Nam đương đại từ trái qua GS Trần Quốc Vượng, GS Đinh Xuân Lâm, GS Hà Văn Tấn và GS Phan Huy Lê với ông bà GS Trần Văn Giàu. Ảnh chụp năm 1996 do GS Lê cung cấp. 

Khi GS Lê được giải thưởng quốc tế văn hóa châu Á Fukuoka Nhật Bản cách đây 20 năm, một tờ báo đã nhờ PGS Nguyễn Mạnh Hà viết bài. Lần đầu hỏi, giáo sư từ chối vì “nói về mình sẽ không hay”. Ông Hà sau đó thuyết phục và được thầy đồng ý trả lời về cuộc đời cống hiến cho ngành sử học.

Là nhà sử học hàng đầu đất nước, GS Lê luôn gần gũi với mọi người. GS Vũ Dương Ninh quý nhất cái tình của thầy đối với anh em, học trò. “Gặp ai thầy cũng thăm hỏi chu đáo. Nếu đã hỏi chi tiết nào thì lần sau thầy rất nhớ để tiếp câu chuyện. Vậy nên thầy được rất nhiều người yêu mến”, ông kể.

PGS Nguyễn Mạnh Hà thì xúc động khi lần nào gặp, GS Lê cũng hỏi: “Ông Hà đấy à, công việc chỗ mới có vất vả lắm không?”. 

“Chúng tôi đã mất đi người thầy nhân cách, trách nhiệm, rất tận tuỵ, có tri thức uyên thâm. Tôi học được từ thầy nhiều đức tính, trong đó có việc ứng xử với công việc phải luôn trách nhiệm”, ông Hà chia sẻ.

Khỏa lấp những khoảng trống lịch sử

Theo GS Vũ Minh Giang, đóng góp quan trọng nhất của GS Phan Huy Lê về tư tưởng là đã xác lập quan điểm mới cho những khoảng trống lịch sử Việt Nam. Tư tưởng này ông thể hiện rõ nét trong bộ sách Lịch sử văn hóa Việt Nam tiếp cận bộ phận, được trao giải thưởng Hồ Chí Minh.

Theo quan điểm mới, lịch sử Việt Nam phải bao gồm toàn bộ những nền văn minh đã tồn tại trên đất nước hiện nay. Thời cổ đại, bên cạnh văn minh Đông Sơn phía Bắc còn có văn minh Sa Huỳnh với vương quốc Chăm Pa ở miền Trung, văn minh Óc Eo với vương quốc Phù Nam ở Nam Bộ.

Trước đây, giới sử học chỉ nhìn theo hướng người Việt đi đến đâu thì viết sử đến đó, vậy nên vẫn giữ quan điểm Đại Việt là “phe ta”, Chăm Pa, Phù Nam… là “phe địch”. GS Lê sớm nhận ra cách nhìn đó không đúng nên đề nghị viết khách quan, tôn trọng tất cả nền văn minh trên đất nước.

GS Lê chủ trương tiếp cận lịch sử toàn diện, bởi một thời gian rất dài, sách sử về các triều đại, thời đại chỉ viết về chính trị và quân sự, sử học chỉ nhấn mạnh các trận đánh, chiến dịch mà quên mất lịch sử văn hóa, kinh tế, xã hội. 

Sử gia Phan Huy Lê cũng chủ trương khắc phục những khiếm khuyết, góc khuất của lịch sử bằng góc nhìn khách quan khi có được tư liệu mới. Từ lâu, GS Lê đề nghị cần nhìn nhận khách quan công lao đóng góp của triều Nguyễn với tiến trình lịch sử dân tộc.

Giáo sư Phan Huy Lê (thứ hai từ trái) tại hội thảo khoa học Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn diễn ra năm 2008. Ảnh: Việt Dũng

Trước đây triều Nguyễn chỉ được biết đến là vương triều “bán nước”, “cõng rắn cắn gà nhà”. Nhiều người quên rằng đây là triều đại tạo ra nền văn hóa tương đối rực rỡ. Cố GS Trần Văn Giàu từng nói tất cả những trước tác của triều Nguyễn nhiều hơn sách vở tất cả triều đại trước. Triều Nguyễn còn có công lao khẳng định chủ quyền và gìn giữ quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Chiều 23/6, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam thông báo về sự ra đi của nhà sử học Phan Huy Lê và chương trình lễ tang.

Lễ viếng và truy điệu GS Phan Huy Lê tổ chức từ 7h30 đến 10h ngày 27/6, tại Nhà tang lễ quốc gia số 5, Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ an táng vào 13h, tại Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng.

Vnexpress

guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận