Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc ngạc nhiên khi thấy nhiều người Hà Nội ra đảo ngọc mua đất. Theo ông, cần cảnh tỉnh việc mua bán vô tội vạ, đất gì, giá nào cũng mua.
Nói về cơn sốt đất ở Phú Quốc (Kiên Giang), ông Nguyễn Thống Nhất, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc, tỏ ra ngạc nhiên khi thấy có rất nhiều người ở Hà Nội vào Phú Quốc mua đất với số tiền lớn. Ông Nhất đặt câu hỏi và không thể trả lời được vì sao họ có quá nhiều tiền.
“Phân tích về mặt kinh tế sẽ thấy rằng TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai là những trung tâm kinh tế, nhưng tiền nhàn rỗi để người dân kinh doanh bất động sản cũng không nhiều như vậy. Nếu nói Hà Nội bán nhà có nhiều tiền thì Sài Gòn cũng đâu kém hơn”, ông Nhất đánh giá.
Chưa rõ thực hư người Trung Quốc đến Phú Quốc mua đất
Ông Huỳnh Quang Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, chia sẻ với Zing.vn sau khi có thông tin thanh tra đất đai, thị trường nhà đất ở huyện đảo đã không còn “sốt nóng” như những ngày trước.
Theo ông Hưng, lãnh đạo huyện Phú Quốc có nghe thông tin người Trung Quốc nhờ người từ các tỉnh miền Bắc đến Phú Quốc mua đất, nhưng thực hư ra sao ông không rõ.
“Có nghe dư luận nói có người Đài Loan, Trung Quốc đến đây mua đất. Mình nghe và biết vậy thôi, chứ giấy tờ mua bán đất thì người Việt hết. Đây cũng là vấn đề nhạy cảm, thận trọng”, ông Hưng chia sẻ.
|
Một khu đất trồng cây lâu năm được phân lô bán nền tại xã Cửa Dương. Ảnh: Việt Tường. |
Con trai một chủ khách sạn trên đường 30/4 (thị trấn Dương Đông, Phú Quốc) cho biết anh thấy vài người nói tiếng Trung Quốc đi cùng người Việt hỏi mua đất trồng tiêu ở một xã phía bắc đảo.
Còn chị Thu Trang (quê Hậu Giang, nhân viên nhà hàng ăn uống ở khu phố 5, thị trấn Dương Đông) thì nói: “Mấy anh làm cò đất hay dẫn vài người Trung Quốc đến đây ăn uống. Trong câu chuyện của họ tôi biết được là người Trung Quốc nhờ người bên mình mua đất”.
Đất công viên, công trình công cộng cũng ra giá tiền tỷ
Theo lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc, hiện nay, tình trạng buôn bán đất đai ở đảo ngọc rất phức tạp, giá đất cao và được cho là “ảo”.
Nhiều người chưa hiểu hết các chính sách pháp luật, mua bán đất đai lộn xộn, đất công viên cây xanh cũng mua bán, đất công trình công cộng cũng đưa ra giá tiền tỷ.
|
Quy trình và thủ tục đầu tư được công khai tại Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc. |
“Đất gì cũng mua bán được. Cần cảnh tỉnh để người dân đừng mua như vậy nữa. Cần tuyên truyền để bà con biết đất công viên cây xanh mua là không thể xây dựng được, mua đất rừng cũng không xây dựng được. Tình trạng bây giờ là cỡ nào cũng mua, mua vô tội vạ”, ông Nguyễn Thống Nhất, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc, nói.
Theo ông Nhất, việc mua bán bát nháo như hiện nay một là sẽ gây sốt giá, hai là vấn đề trật tự đô thị quản lý không nổi. Do đó, nếu người nào mua đất quy hoạch cây xanh hay đất rừng, thuộc diện không thể cấp phép xây dựng được mà họ xây nhà thì cần mạnh tay tháo dỡ, dù có tổn hại đến tài sản của chủ công trình.
Mạnh tay phá dỡ xây dựng trái phép để cảnh tỉnh người dân
Ông Phan Bá Bắc, Đội trưởng Đội trật tự đô thị huyện Phú Quốc, nói rằng luật không cấm người dân tách thửa đất nông nghiệp. Tuy nhiên, tách thửa ra thành từng lô 100-200 m2 thì biết ngay là chủ đất muốn chia đất ra để bán nền.
|
Sau lệnh thanh tra đất đai, mấy ngày nay lượng người đến phòng công chứng làm các thủ tục mua bán đất động sản đã giảm hơn. Ảnh: Việt Tường. |
Cùng quan điểm, ông Nhất cho biết nhu cầu tách thửa là quyền của người dân. Do đó, vấn đề đặt ra ở đây là quản lý Nhà nước về việc này ra sao, khu đất tách thửa có được phép xây dựng hay không.
“Nếu nằm trong quy hoạch đất ở thì cho chuyển mục đích rồi cấp phép xây dựng. Còn nằm trong quy hoạch đất nông nghiệp mà xây không phép thì tháo dỡ. Như vậy thì người dân sẽ không dám mua để xây trái phép nữa. Mình cứ nói thế này thế kia nhưng không làm thì khó lắm, bởi thấy người này xây được thì người kia cũng xây”, một cán bộ cấp phòng ở huyện Phú Quốc nói.
|
Phú Quốc (chấm đỏ). Ảnh: Google Maps. |
Zing