Chuyện tình loạn luân của mỹ nhân Dương Quý Phi và cha con Đường Minh Hoàng

0
8017

Dương Quý Phi là 1 trong tứ đại mỹ nhân Trung Quốc. Theo ngòi bút bay bướm có nhiều phần phóng đại của các thi gia Trung Hoa cổ đại, nếu Tây Thi có nét đẹp làm cá lặn (Trầm Ngư), Vương Chiêu Quân khiến chim sa (Lạc Nhạn), Điêu Thuyền đẹp đến nỗi trăng phải trốn vào mây (Bế Nguyệt), thì Dương Quý Phi mỗi khi chạm vào hoa, hoa đều rũ héo vì hổ thẹn (Tu Hoa).

Xa xưa, người Trung Hoa và các nước Đông Á hay dùng cụm ngữ “Trầm ngư lạc nhạn, bế nguyệt tu hoa”, có nghĩa là “Chim sa cá lặn, nguyệt thẹn hoa nhường”, dùng để mô tả về mỹ nhân tuyệt thế.

-Quảng Cáo-

Trong 4 mỹ nhân cổ đại Trung Hoa, mối tình Dương Quý phi và Đường Minh Hoàng được nhiều người biết nhất, truyền tụng nhiều nhất, nên cũng được dựng phim nhiều nhất. Tuy nhiên khi lên màn ảnh nhỏ, để câu khách, nhiều đạo diễn thường bóp méo, thêm thắt, hư cấu nhiều tình huống trái với lịch sử, khiến người xem chẳng biết đâu là sự thật.

Mỹ nhân Dương Ngọc Hoàn

Dương Quý phi (sinh năm 719, chết năm 756) sinh ra trong một gia đình quan lại ở Tứ Xuyên với tên gọi Dương Ngọc Hoàn. Ngay từ nhỏ, Ngọc Hoàn đã được học đàn, học múa rất cẩn thận. Đến năm 10 tuổi, bố mẹ mất, Ngọc Hoàn và các chị em đến Lạc Dương (xưa là Đông Đô của nhà Đường, nay thuộc tỉnh Hà Nam), sống với nhà chú ruột. 

Sở hữu nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành, Dương Ngọc Hoàn khiến biết bao nam nhân nhòm ngó. Vào thời đại ấy, phụ nữ có nét đẹp tròn trịa mới là được xem là hoàn mỹ. Dương Ngọc Hoàn lại sở hữu các đường nét đầy đặn, nở nang.

Khi nàng 15 tuổi, Võ Huệ phi – ái phi của Đường Huyền Tông Lý Long Cơ (Đường Minh Hoàng) đã chọn Dương Ngọc Hoàn làm Vương phi của Hoàng tử thứ 18 là Thọ Vương Lý Mạo – con trai của Võ Huệ phi và Đường Huyền Tông. 

Chuyện tình Thọ Vương Lý Mạo và Dương Ngọc Hoàn diễn biến như sau: năm 734, con gái của Đường Huyền Tông là Cảm Nghĩa công chúa mở tiệc thành hôn, Ngọc Hoàn may mắn được tham dự. Tối hôm đó, bị tiếng sét ái tình trước sắc đẹp của Ngọc Hoàn, em trai của Cảm Nghĩa công chúa là Thọ Vương Lý Mạo về đòi mẹ là Võ Huệ phi (sủng phi bậc nhất của Đường Huyền Tông) cưới Ngọc Hoàn về cho mình và phong nàng làm Thọ Vương phi.

Bước chân vào phủ Thọ Vương, Ngọc Hoàn có cơ hội được học đàn hát, ca múa, và các phương pháp trau chuốt sắc đẹp vốn chỉ dành cho phụ nữ hoàng tộc thời đó nên nhan sắc và tài ca múa của Ngọc Hoàn càng nở rộ. 

Ảnh minh họa

Chuyện tình loạn luân của cha chồng và nàng dâu

Năm 737, sau khi mẹ của Thọ Vương Lý Mạo là Võ Huệ phi qua đời, Đường Huyền Tông ngày đêm đau buồn vì Võ Huệ phi được Đường Huyền Tông sủng ái bậc nhất. Ông còn lập Tập Linh đài để cầu siêu, cúng bái cho vong hồn của Võ Huệ phi sớm được siêu thoát.

Thấy Huyền Tông đau xót trước cái chết của ái phi, không màng tới bất cứ phi tần nào trong tam cung lục viện, tổng quản thái giám trong cung là Cao Lực Sĩ nhìn thấy Dương Ngọc Hoàn là tuyệt sắc giai nhân, tinh thông ca vũ, liền tiến cử với Đường Huyền Tông rằng “Dương Ngọc Hoàn có sắc đẹp tuyệt trần”, chẳng khác “Võ Huệ Phi tái sinh”.

Đường Minh Hoàng mau chóng nguôi ngoai nỗi buồn khi nhìn thấy con dâu là Dương Ngọc Hoàn. Say mê sắc đẹp của con dâu, Đường Minh Hoàng quyết tâm lập mưu kế để chiếm đoạt nàng từ tay con trai Lý Mạo. 

Đường Huyền Tông nghĩ ra kế đưa Dương Ngọc Hoàn vào Tập Linh đài, xuất gia làm đạo cô lấy hiệu là Thái Chân để nhang khói cho mẹ chồng là Võ Huệ phi. Xuất gia xem như là thay đổi đời người, không còn là vợ của vương tử Lý Mạo nữa.

Đồng thời, Đường Minh Hoàng lệnh cho con gái của Vệ công nhị phủ hữu lang tướng quân Vi Chiếu về làm vợ của Lý Mạo, thay thế Ngọc Hoàn làm Thọ Vương phi.

Xong xuôi, Đường Minh Hoàng cho Dương Ngọc Hoàn hoàn tục và rước vào cung lập làm Quý phi. Vậy là Đường Minh Hoàng chính thức trở thành chồng của Dương Quý phi, còn đứa con trai bị cha cướp mất vợ đẹp cũng không dám hó hé, nhưng trong lòng vẫn tức tối với cha. Mối quan hệ cha con giữa Đường Huyền Tông và Thọ Vương Lý Mạo bị sứt mẻ vì mối tình loạn luân này.

Thế mới biết, để có được Dương Ngọc Hoàn thì Đường Minh Hoàng đã không quản ngại hao tâm tổn sức, kể cả điều tiếng cướp vợ của con trai, và bất chấp quần thần trong triều can gián việc lập Quý phi mới. Đường Minh Hoàng đồng thời cũng phế bỏ Vương Hoàng hậu, từ đó trong cung, Dương Quý phi tương đương như hoàng hậu. 

Sau khi biến con dâu thành ái phi của mình, Đường Huyền Tông hết mực say đắm, sủng ái Dương Ngọc Hoàn. Ông ta còn tuyên bố trước toàn thể hậu cung: “Trẫm có được Dương Quý phi, giống như có được bảo vật”. Đường Minh Hoàng lúc đó đã ngoài 50 tuổi, Dương Quý phi mới ngấp nghé 20.

Trong lịch sử Trung Quốc, trước đó vào thời Đường, cũng từng xảy ra chuyện loạn luân tương tự, đó là Võ Tắc Thiên vừa làm vợ cho cha là Đường Thái Tông, vừa làm vợ cho con là Đường Cao Tông. Đường Cao Tông Lý Trị và Võ Tắc Thiên chính là ông bà nội của Đường Huyền Tông Lý Long Cơ. Thời niên thiếu của Đường Minh Hoàng, cha ông là Đường Duệ Tông nắm ngôi vua, nhưng mọi quyền hành đều bị chi phối bởi mẹ ruột là Võ thái hậu, bà ta nắm mọi quyền hành trong triều. Năm 690, Võ Tắc Thiên ép Đường Duệ Tông nhường ngôi cho mình, xưng đế, làm gián đoạn nhà Đường, lập ra nhà Võ Chu. 

Các giai thoại về sắc đẹp của Dương Quý phi

Bàn về việc Dương Ngọc Hoàn có sắc đẹp được ví là “Tu hoa”, tức hoa rũ héo vì xấu hổ khi thấy Dương Quý phi, tương truyền, một hôm Quý phi đến hoa viên thưởng hoa giải buồn, nhìn thấy hoa Mẫu Đơn nở rộ đua sắc thắm, nghĩ rằng mình bị nhốt trong cung, uổng phí thanh xuân, bèn than thở: “Hoa ơi hoa à, ngươi mỗi năm mỗi tuổi đều có lúc nở, còn ta đến khi nào mới có được ngày ấy?”.

Lời chưa dứt nước mắt đã tuôn rơi, nàng vừa chạm vào hoa thì hoa chợt thu mình, lá xanh cuộn lại. Nào ai ngờ, Dương Quý phi sờ phải loại hoa trinh nữ (cây xấu hổ) là loại thực vật có các lá gập vào trong và cụp xuống mỗi khi bị chạm vào để tự bảo vệ khỏi tổn hại. Lúc này, một cung nữ nhìn thấy nhưng không biết đặc tính của loài cây trinh nữ, nên cô này đi đâu cũng kể hiện tượng kì lạ ấy cho người khác nghe. Từ đó, mọi người gọi Dương Ngọc Hoàn là “mỹ nhân tu hoa”.

Dương Quý phi được mệnh danh là “Hồi mâu nhất tiếu bách mị sinh, lục cung phấn đại vô nhan sắc” (Quay đầu nở một nụ cười lộ ra trăm vẻ mê hoặc, sáu cung son phấn không còn ai đáng gọi là có nhan sắc nữa). Nhưng thực ra, Ngọc Hoàn vốn sở hữu thân hình mập mạp, háu ăn tới mức bị đau răng, hôi miệng, lại mê thích quả lệ chi (quả vải) vốn nóng nên càng bị nhiệt miệng. Một vị quan dâng cho nàng một đôi cá bằng ngọc, một xanh và một đỏ, cho nàng ngậm vào miệng để trị bệnh đau răng và hôi miệng.

Bên cạnh đó, do thân hình mập mạp, bước đi của Dương Quý phi cũng nặng nề, dáng điệu thô kệch. Để che giấu tiếng bước chân, Dương Quý phi đeo trên xiêm áo rất nhiều chuông vàng nhỏ và ngọc bội, khi bước đi ngọc bội cùng chuông vàng va vào nhau vang lên lanh canh, toàn thân sáng lên vì vàng ngọc, khiến quân vương và quần thần vui tai, hoa mắt. Điều này đã bù đắp khiếm khuyết bước đi nặng nề của mỹ nhân.

Tranh vẽ Dương Quý phi đời Đường. Nhiều người này nay sẽ giật mình khi thấy một Dương Quý phi thế này.

Mặc dù theo tiêu chuẩn đẹp hiện đại ngày nay, Dương Ngọc Hoàn sở hữu thân hình tương đối to béo, nhưng đặt trong tiêu chuẩn thẩm mỹ “mỡ màng, đầy đặn” của thời đại nhà Đường, Dương Quý phi chính là mỹ nhân số một.

Người Tàu vẫn thường dùng thành ngữ “Hoàn phì Yến sấu” (Hoàn béo Yến gầy) để tán dương mỗi mỹ nhân đẹp theo mỗi kiểu khác nhau. “Hoàn phì” chỉ vẻ đẹp đầy đặn, mập mạp của Dương Quý phi, còn “Yến sấu” lại nói đến nét đẹp mảnh mai, uyển chuyển của mỹ nữ Triệu Phi Yến triều đại nhà Hán.

Dương Quý phi vốn có mùi cơ thể rất khó chịu. Đó là lý do vì sao nàng rất thích tắm. Mỗi lần tắm, Dương Quý phi lại cho hoa tươi vào bồn nước, mùi thơm của những cánh hoa thấm đều trên làn da của nàng vừa có thể làm át đi mùi hôi khó chịu, vừa khiến nàng lúc nào cũng thơm tho.

Nguyên nhân khiến Dương Quý phi vô sinh có thể do nàng dùng một loại thuốc tên là Hương Cơ Hoàn để dưỡng nhan sắc. Nó giúp cho da dẻ trở nên mềm mại, săn chắc và lưu lại hương thơm. Cũng chính vì mùi thơm này mà Đường Huyền Tông mê đắm Dương Quý phi không dứt ra nổi. Tuy nhiên, thành phần của loại thuốc này có xạ hương. Sử dụng lâu dài xạ hương sẽ khiến phụ nữ bị vô sinh, giống trường hợp của Triệu Phi Yến.

Sự sủng ái tột bậc của Đường Minh Hoàng dành cho Dương Quý phi dẫn đến đại họa

Sau khi Đường Minh Hoàng đưa Ngọc Hoàn về cung và lập nàng làm Quý phi, bèn truy phong cha của Dương Quý phi là Dương Huyền Diễm làm Thái úy, tước Tề Quốc công; mẹ được phong Lương Quốc phu nhân; sắc phong Dương Huyền Diễn (chú đã mất của Dương Quý phi) làm Binh bộ thượng thư.  

Trong cung, Dương Quý phi được gọi là “Nương tử” theo lệ cũ của Võ Huệ phi, được cung phụng đồ vật dụng quý không khác gì Hoàng hậu. Ba chị của Ngọc Hoàn được vua phong làm phu nhân ra vào trong cung, nghi trượng người ngựa đều khuynh trời động đất. Hằng tháng, nhà vua cho xuất kho 30 vạn quan tiền cho mỗi vị phu nhân, 10 vạn quan tiền mua sắm tư trang phấn sáp. Mỗi khi 3 phu nhân nhập triều, em gái của Đường Minh Hoàng là Ngọc Chân công chúa cùng các vị mệnh phụ khác đều không dám tranh đường đi trước. Hai con gái của Huyền Tông, là Kiến Bình công chúa và Tín Thành công chúa, đắc tội với Dương Quý phi, liền bị thu hồi ban thưởng.

Một người chú khác của Dương Quý phi là Dương Huyền Khuê trở thành Quang lộc khanh, anh họ Dương Tiêm được thụ phong Hồng lư khanh. Đặc biệt, anh họ Dương Quý phi là Dương Chiêu được phong làm tể tướng, đổi tên là Dương Quốc Trung.

Đường Huyền Tông còn cho lập từ đường họ Dương, được Huyền Tông đích thân ban chữ để soạn văn bia. Gia tộc họ Dương nhờ Dương Quý phi mà mau chóng quý hiển tột bậc, vang lừng thiên hạ.

Sự sủng ái, mưa móc của Đường Minh Hoàng dành cho Dương Quý phi và dòng tộc họ Dương khiến thiên hạ thời đó chỉ ao ước sinh con gái, trái ngược hoàn toàn với truyền thống “trọng nam khinh nữ” của văn hóa Trung Hoa.

Tranh vẽ Dương Quý phi cùng Đường Huyền Tông, bởi Yashima Gakutei

Hoàng đế say đắm Dương Quý phi, chiều chuộng nàng hết mực, như những cuộc đi tắm suối nước nóng xa xỉ của Quý phi tại Hoa Thanh cung mỗi lần tiêu tốn hàng vạn bạc quốc khố và làm chết hàng trăm mạng người, Đường Huyền Tông cũng chi thẳng tay, không chút tiếc rẻ.

Để mô tả sự xa hoa của những màn tắm suối nước nóng tại Hoa Thanh trì phục dịch Dương Quý phi, Bạch Cư Dị đã mô tả đầy bay bướm như sau trong “Trường hận ca“:

Xuân hàn tứ dục Hoa Thanh trì
Ôn tuyền thuỷ hoạt tẩy ngưng chi
Thị nhi phù khởi kiều vô lực
Thuỷ thị tân thừa ân trạch thì

Vân mấn hoa nhan kim bộ dao
Phù dung trướng noãn độ xuân tiêu
Xuân tiêu khổ đoản nhật cao khởi
Tòng thử quân vương bất tảo triều

(Tiết xuân lạnh, được tắm ở hồ Hoa Thanh
Suối ấm, nước trơn dội trên da trắng mịn như mỡ đông
Thị tỳ nâng dậy, yếu mềm như không còn sức nữa
Ấy là lần đầu tiên được thấm nhuần ơn vua

Tóc mây, mặt hoa, những chuỗi ngọc trên đầu rung rinh
Trướng phù dung ấm trải qua đêm xuân
Bực nỗi đêm xuân ngắn ngủi, mặt trời lên cao rồi mới dậy
Từ đấy vua không ra coi chầu sớm nữa)

Tuy rất sủng ái Dương Quý phi nhưng Đường Huyền Tông không thể lập nàng làm hoàng hậu. Bởi thực tế Dương Quý phi trước kia là vợ của Thọ vương Lý Mạo – con trai Đường Huyền Tông. Nếu nay lập Dương Quý phi làm hoàng hậu thì sẽ khơi lại lòng căm hận của Thọ vương.

Bên cạnh đó, việc “cướp vợ” của con trai cũng là chuyện loạn luân, dù là đế vương cũng không tránh khỏi bị dèm pha. Dương Quý phi cũng không tránh khỏi vết nhơ này. Đã không được lòng dân chúng và quần thần thì sao Dương Quý phi có thể trở thành “Mẫu nghi thiên hạ”, sao có thể đứng đầu hậu cung?

Dương Quý phi đã đẹp lại còn có tài chơi đàn tỳ bà, giỏi về âm nhạc, ca vũ, rất đẹp lòng quân vương vì Đường Minh Hoàng vốn yêu chuộng đàn ca hát xướng. Dương Quý phi đặt được nhiều khúc hát và điệu múa làm cho Huyền Tông càng thích thú đắm mê, nổi tiếng nhất là điệu múa “Nghê thường vũ y khúc” tương truyền do Đường Huyền Tông chế tác và Dương Quý phi đích thân múa. Đây là một bản ca vũ huyền thoại được lưu truyền về sau trong văn hóa Trung Quốc.

Mỗi khi Huyền Tông đi ra ngoài, Quý phi không khi nào không tùy giá, xe ngựa đều do Cao Lực Sĩ đích thân cầm dây cương. Trong cung viện của Quý phi đều có tới 700 thợ làm dệt lụa may áo, thợ điêu khắc làm đồ đá đồ ngọc cũng hơn 100 người.

Nói đến sự sủng ái của Đường Huyền Tông dành cho Dương Quý phi, sử gia còn lưu truyền giai thoại về loại quả “phi tử tiếu”.

Tương truyền rằng, Dương Ngọc Hoàn rất thích ăn quả lệ chi (quả vải). Để chiều lòng mỹ nhân, Đường Minh Hoàng hạ lệnh cho người phóng ngựa từ đất Lĩnh Nam xa xôi để đem về kinh đô Trường An.

Trên đường về kinh, cứ mỗi 5 dặm, 10 dặm lại đặt một trạm luân chuyển nhanh, theo đường thủy, đường bộ cứ thế luân phiên nhau mới có thể đem về những quả lệ chi tươi ngon nhất dâng cho người đẹp.

Trước đó, sự bóc lột, nô dịch tàn bạo của nhà Đường, trong đó có việc bắt dân phu nước Nam gánh quả vải đi triều cống như trên đã dẫn đến cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan của quân dân nước Nam ta.

Mồ hôi nước mắt của bao quân đổ xuống để đưa được quả “lệ chi” tươi ngon về đến kinh thành khiến “phi tử nở nụ cười”, đó là lý do vì sao quả vải còn được dân Tàu gọi bằng một ngoại hiệu khác là “phi tử tiếu”, mà phi tử đó không ai khác chính là Dương Quý phi.

Chuyện tình của Dương Quý phi với “con trai nuôi” An Lộc Sơn dẫn đến cuộc tạo phản An Lộc Sơn

Có giả thuyết cho rằng Đường Minh Hoàng hết sức cung phụng Dương Ngọc Hoàn vì ông vua này mặc cảm chuyện phòng the. Lúc còn trẻ, Đường Minh Hoàng là tay phóng đãng. Các cung phi được hoàng đế sủng ái sinh cả thảy 59 người con, gồm 30 trai và 29 gái.

Khi gặp Ngọc Hoàn thì Đường Minh hoàng đã trên 50 tuổi. Dù đã uống cơ man không biết bao nhiêu loại thuốc tráng dương cường lực nhưng Đường Minh Hoàng không thể đủ sức làm Dương Quý phi mới xấp xỉ 20, thân thể đẫy đà, phơi phới sức xuân thỏa mãn tình dục.

Mỹ nhân Dương Ngọc Hoàn da dẻ mỡ màng, cơ thể được tẩm bổ, nẩy nở, căng tràn sức sống khiến Đường Minh Hoàng nhìn mà lực bất tòng tâm. Về phần Dương Quý phi, ham muốn xác thịt thôi thúc ngày đêm mà lại không được đáp ứng đủ nên trong lòng bứt rứt, khó chịu. Đôi khi Ngọc Hoàn tỏ ý tiếc nuối nếu giờ làm vợ Thọ Vương Lý Mạo thì đã được ân ái nhiều hơn.

Lúc đó, trong cung có một viên tướng trẻ người Đột Quyết rất được Đường Minh Hoàng tin dùng là An Lộc Sơn, tên thật là An Rokhan. An Lộc Sơn nhận Đường Minh Hoàng làm cha nuôi, Dương Quý phi làm mẹ nuôi. An Lộc Sơn thấy Dương Quý phi xinh đẹp khêu gợi bội phần thì trong lòng si mê, ngoài miệng hắn gọi “mẹ” nhưng trong lòng thì dậy sóng tà dâm.

Mỗi khi vào cung bái kiến, An Lộc Sơn đều đến cung viện của Quý phi bái trước, sau mới đến bái Hoàng đế, Huyền Tông bèn hỏi vì sao, thì An Lộc Sơn đáp: “Thần là người Hồ, mà người Hồ đặt mẹ trước cha”. Huyền Tông thấy An Lộc Sơn thật thà nên rất mừng, lệnh cho các anh chị em của Dương Quý phi đối đãi với An Lộc Sơn như người nhà.

Y quan sát thấy Ngọc Hoàn cứ mơn mởn hừng hực nhựa sống, trong khi Đường Minh Hoàng ngày một hốc hác, vàng vọt thì đoán ra chuyện vài phần. Một lần nhân có tiệc, An Lộc Sơn đánh bạo ném một quả dưa vào vú Dương Quý phi, thấy mẹ nuôi chẳng hề tức giận mà còn mỉm cười khêu gợi. Hiểu được tâm ý mẹ nuôi, An Lộc Sơn dùng tiền mua chuộc đám cung nữ để vào cung tư thông với Ngọc Hoàn.

Dương Quý phi rất say mê bày các trò vui dâm dật. Quý phi từng bày trò “con trai nuôi” với An Lộc Sơn, cởi hết quần áo của kẻ này, dùng gấm để “bọc tã” như trẻ con, sau đó chơi trò “tắm con” ở hậu cung, tiếng cười nói, nô đùa ầm ĩ trong cung từ xa cũng có thể nghe thấy.

An Lộc Sơn vốn là võ tướng Đột Quyết, tuy dung mạo thô thiển, hung dữ nhưng y lại thể hiện mạnh mẽ hết mình ở chốn phòng the nên làm Dương Quý phi hết sức thỏa mãn trong những cuộc mây mưa. Vì vậy, nàng hết lòng nói tốt cho “con nuôi” trước mặt Đường Minh Hoàng.

Khi có tin đồn An Lộc Sơn chuẩn bị dấy binh làm phản, các đại thần gửi nhiều tấu văn lên triều đình, người gay gắt tố cáo tội trạng của An Lộc Sơn nhất chính là Tể tướng Dương Quốc Trung (anh họ Dương Quý phi). Ngọc Hoàn lại nói đỡ hộ “con nuôi”. Đường Minh Hoàng vì không muốn Ngọc Hoàn lo buồn nên cứ để An Lộc Sơn tự tung tự tác.

Năm 755, An Lộc Sơn khởi binh từ Phạm Dương đánh thẳng vào kinh đô Trường An, lấy danh “thanh trừng gian thần Dương Quốc Trung” nhưng ý là muốn giết vua, chiếm thiên hạ và đoạt riêng Dương Quý phi làm vợ. Đường Minh Hoàng từ khi si mê Dương Quý phi đã bỏ bê triều chính, lại tiêu tốn quốc khố hàng ức vạn, quan quân ngày càng bạc nhược. Quân triều đình bị quân phản loạn An Lộc Sơn đánh cho đại bại.

Vào mùa hạ năm Thiên Bảo thứ 15 (756), quân của An Lộc Sơn khí thế hừng hực tiến về Trường An.

Đường Minh Hoàng khi ấy 71 tuổi cùng với Dương Quý phi, người nhà họ Dương, tỷ muội con cháu Hoàng tộc, thị vệ Hoàng cung và nhiều quan đại thần dẫn theo hàng ngàn cấm vệ quân hộ tống, bỏ kinh thành chạy về đất Thục.

Trên đường chạy loạn, khi đến núi Mã Ngôi, cấm vệ quân và các quan đại thần dừng lại. Cấm quân đại tướng Trần Huyền Lễ cùng Thái tử Lý Hanh không chịu đi nữa, vì lương thực đã hết, quân sĩ khổ nhọc mà Dương Quốc Trung và cả gia quyến Dương Quý phi đều no đủ sung sướng, nên tướng sĩ căm phẫn chống lại. Họ cho rằng Dương Quý phi cùng những người trong gia tộc họ Dương đã tạo nên kết cục bi thảm hôm nay. Họ yêu cầu Hoàng đế giết chết Dương Quý phi và người nhà họ Dương rồi mới chịu phò giá Đường Huyền Tông.

Dương Quốc Trung và huynh đệ tỷ muội của Dương Quý phi bị tướng sĩ giết chết hết. Đại tướng quân Huyền Lễ đến trước Cao Lực Sĩ nói: “Giặc vẫn còn đó”, ám chỉ Dương Quý phi. Đường Minh Hoàng rất muốn giữ mạng cho Quý phi nhưng tình thế cấp bách, dưới sức ép của quan quân, chẳng còn sự lựa chọn nào, đành ban một dải lụa trắng cho Cao Lực Sĩ thắt cổ Quý phi bên dưới cây lê. Xác của Dương Quý phi được chôn vội ở ven đường. Năm đó Dương Ngọc Hoàn 38 tuổi.

Năm 757, sau khi Dương quý phi chết 2 năm, Thái tử Lý Hanh tức Đường Túc Tông dẹp loạn An Lộc Sơn xong, Thái thượng hoàng Đường Huyền Tông muốn cải táng cho Quý phi tử tế hơn. Tuy nhiên, quần thần can gián vì cho rằng tướng sĩ giết Dương Quốc Trung, lấy danh nghĩa giúp nước trừ loạn, nay cải táng Cố phi, sẽ khiến tướng sĩ bất an, lễ tang không thể tiến hành. Thượng hoàng nghe mà thống khổ thê lương, chỉ có thể họa lại tranh của Dương Quý phi đặt trong biệt điện, ngày đêm đều ngắm, cho đến khi qua đời.

Hiện tại, mộ của Dương Quý phi ở tỉnh Thiểm Tây cách thành phố Tây An 60 km (Tây An xưa là kinh đô Trường An của nhà Đường) chỉ là “mộ gió”, không có xác.

Thiên Bình

guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận