- Làn sóng kì thị dân gốc Châu Á do Covid-19 tại Mỹ và phương Tây
- Người Châu Á cao tuổi ở Mỹ bị tấn công phân biệt chủng tộc do Covid-19
Tám người, trong đó có 6 phụ nữ gốc Á, bị bắn chết tại 3 tiệm spa ở khu vực Atlanta, bang Georgia hôm thứ Ba 16/3/2021 bởi một gã đàn ông da trắng 21 tuổi. Vụ thảm sát xảy ra vào khoảng 5h chiều (giờ Mỹ).
Gã đàn ông da trắng xả súng giết 8 người gốc Á tại tiệm mát-xa ở Atlanta, bang Georgia
Hôm thứ Tư 17/3/2021, tay súng da trắng 21 tuổi Robert Aaron Long đã bị buộc tội giết chết 8 người tại ba tiệm mát-xa ở Atlanta. Cho đến thời điểm này, đây là vụ thảm sát kinh hoàng nhất nhằm vào cộng đồng người Mỹ gốc Á, vốn ngày càng trở thành mục tiêu kì thị, tấn công trong đại dịch Covid-19.
Cảnh sát cho biết gã đàn ông xả súng đã bị bắt giữ ở tây nam Georgia vài giờ sau đó khi hắn bị truy lùng.
Một ngày sau vụ xả súng, các nhà điều tra cố gắng làm sáng tỏ động cơ nào đã khiến tên Robert Aaron Long 21 tuổi thực hiện vụ giết người hàng loạt tồi tệ nhất ở Mỹ trong gần hai năm qua.
Long khai với cảnh sát rằng cuộc tấn công trên không có động cơ chủng tộc. Hắn ta tuyên bố mắc chứng “nghiện tình dục”, các nhà chức trách cho biết hắn dường như chống lại những gì hắn ta coi là nguồn cám dỗ tình dục. Nhưng những tuyên bố đó đã gây ra làn sóng phẫn nộ và sự hoài nghi vì 6 trong 8 nạn nhân là phụ nữ gốc Á.
Kẻ xả súng giết chết 8 người Robert Aaron Long
Các vụ xả súng bắt nguồn từ “bạo lực trên cơ sở giới tính, chủ nghĩa lệch lạc và bài ngoại”, theo Dân biểu Bee Nguyễn, người Mỹ gốc Việt đầu tiên phục vụ tại Georgia House và là người thường xuyên vận động cho phụ nữ và cộng đồng da màu.
Thị trưởng Atlanta Keisha Lance Bottoms nói rằng bất kể động cơ của kẻ xả súng là gì, “đó là điều không thể chấp nhận được, nó đáng ghê sợ và nó phải dừng lại.”
Trong tuyên bố hôm thứ Tư 17/3/2021, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết các nhà ngoại giao của họ ở Atlanta đã xác nhận từ cảnh sát rằng 4 trong số các nạn nhân thiệt mạng là phụ nữ gốc Hàn Quốc. Hàn Quốc cho biết văn phòng Tổng lãnh sự quán của họ ở Atlanta đang cố gắng xác nhận quốc tịch của những nữ nạn nhân.
Các nhà chức trách cho biết họ không biết Long có bao giờ đến tiệm mát-xa nơi xảy ra vụ xả súng hay không nhưng hắn đến Florida để tấn công “một số loại hình công nghiệp khiêu dâm”.
“Hắn ta dường như có vấn đề, thứ mà hắn cho là chứng nghiện sex, và hắn coi những địa điểm này là sự cám dỗ đối với hắn mà hắn muốn loại bỏ,” cảnh sát trưởng Hạt Cherokee Jay Baker nói với phóng viên.
Điều đáng buồn là cảnh sát Jay Baker cũng mang tư tưởng phân biệt chủng tộc. Baker bị chỉ trích nặng nề khi nói rằng gã Long đã có “một ngày thực sự tồi tệ” và “đây là những gì anh ấy đã làm.” Một trang Facebook nghi thuộc về Baker đã quảng cáo một chiếc áo phông có ngôn ngữ phân biệt chủng tộc về Trung Quốc và Virus Corona vào năm ngoái.
Tài khoản Facebook của Jay Baker đăng nhiều bức ảnh chụp anh ta trong nhiều tháng trở lại đây, trong đó có một bức ảnh mặc đồng phục bên ngoài văn phòng cảnh sát trưởng. Tài khoản này đã bị xóa và Baker đã không trả lời các thư thoại, bình luận và email. Văn phòng cảnh sát trưởng cũng không trả lời tin nhắn trên Facebook.
Vụ tấn công trên là vụ giết người hàng loạt thứ 6 trong năm nay ở Hoa Kỳ, và là vụ đẫm máu nhất kể từ tháng 8 năm 2019, tiếp theo vụ xả súng khiến 9 người chết ở Dayton, bang Ohio, theo cơ sở dữ liệu được tổng hợp bởi Associated Press, USA Today và Đại học Northeastern.
Theo cơ sở dữ liệu trên, vụ giết người hàng loạt được xác định là phải có ít nhất 4 người chết trở lên.
Hai cụ già gốc Á bị tấn công bạo lực tại San Francisco (California)
Vụ thảm sát trên chưa nguôi ngoai thì lại xuất hiện các nạn nhân gốc Á mới. Cụ ông Ngoc Pham (83 tuổi, gốc Việt) là một trong hai người lớn tuổi gốc Á bị tấn công hôm 17/3/2021 tại San Francisco (California).
Theo đài CBS ở San Francisco, cảnh sát cho biết vụ việc xảy ra ở khu vực đường số 7 và đường Markets vào khoảng 10 giờ sáng. Hai nạn nhân đều là người lớn tuổi, đó là cụ ông gốc Việt 83 tuổi tên Ngoc Pham và cụ bà gốc Trung Quốc 75 tuổi tên Xiao Zhen Xie.
Sau khi ra khỏi một khu chợ nông sản, ông Ngoc Pham bất ngờ bị tấn công bởi một kẻ lạ mặt. Ông nhập viện trong tình trạng gãy xương mũi, trên mặt có vết cắt và bầm tím. Ông cũng bị chấn thương phần cổ, hiện đang được các bác sĩ theo dõi.
Cụ ông gốc Việt bị tấn công bạo lực tại San Francisco (California), Mỹ
Còn cụ bà Xie lúc đang đứng chờ ở ngã tư thì bị tên đó đấm vào mặt. Theo bản năng, bà đánh lại đáp trả. “Rất đau, rất sợ. Con mắt tôi vẫn đang chảy máu”, bà trả lời phỏng vấn đài truyền hình KPIX 5 với sự hỗ trợ phiên dịch của con gái.
Câu chuyện về tấn công bạo lực đối với người gốc Á ở Mỹ của ông Ngoc Pham và bà Xiao Zhen Xie được người dùng mạng xã hội chia sẻ và kêu gọi quyên góp trên nền tảng GoFundMe để giúp ông bà chi trả viện phí, xoa dịu nỗi đau bị tấn công vô cớ.
Theo tờ The Guardian, Trung tâm Thanh niên Cộng đồng ở San Francisco đã lập ra trang gây quỹ trên GoFundMe để giúp ông thanh toán viện phí. Tính đến nay, các nhà hảo tâm đã đóng góp hơn 137.600 USD cho ông Ngoc Pham.
Trong khi đó, trang gây quỹ cho bà Xie trên GoFundMe do cháu trai bà lập ra, đã quyên góp được hơn 649.000 USD và là trang gây quỹ được truy cập nhiều nhất trên nền tảng này trong vòng 24 tiếng qua. Người phát ngôn của nền tảng này cho biết hơn 22.500 người ở 50 tiểu bang của Mỹ và 55 quốc gia đã đóng góp cùng với hàng nghìn tin nhắn đồng cảm: “Không có bà mẹ nào phải trải qua sự căm ghét như thế này”, “Tôi khóc mỗi khi nghĩ về bà ấy. Tôi cầu chúc cho bà ấy hồi phục nhanh chóng và mạnh mẽ ”.
Tài khoản David Lee cho biết: “Bạo lực là điều kinh khủng nhất trong thời điểm này. Những người gốc Á không đáng bị kỳ thị như vậy, mong mọi người hãy chia sẻ, đấu tranh vì một cộng đồng không bạo lực và không có sự kỳ thị vì điều này còn đáng sợ hơn Covid-19”.
Nghi phạm trong vụ tấn công trên được xác định là gã đàn ông tên Steven Jenkins (39 tuổi), hiện y đã bị bắt giữ và điều tra về hành vi hành hung và ngược đãi người cao tuổi. Theo cảnh sát, hai cụ già gốc Á này được cho là vô cớ bị hành hung. Các nhà điều tra đang xác định xem liệu động cơ gây án của hắn có phải là phân biệt chủng tộc.
Các vụ thảm sát, tấn công bạo lực, kỳ thị cộng đồng người gốc Á ở Mỹ ngày càng leo thang kể từ khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát ở Mỹ vào năm ngoái 2020. Theo dữ liệu của tổ chức Stop AAPI Hate (Mỹ), từ ngày 19/3/2020 – 28/2/2021 (trước khi xảy ra vụ xả súng ở Atlanta), có đến 3.795 vụ kỳ thị người gốc Á ở Mỹ, bao gồm hành vi và lời nói miệt thị, phỉ báng, xúc phạm, chửi bới và hành hung.
Bị hành hung và bị chửi là ‘đồ virus’ vì có gương mặt Đông Á
Anh Pawat Silawattakun, 24 tuổi, người Thái Lan, làm nghề tư vấn thuế ở khu Tài chính City of London bị đánh chửi bởi những kẻ phân biệt chủng tộc. Anh bị hành hung trên bến xe bus và bị chửi là ‘đồ Virus Corona’ vì có gương mặt Đông Á.
Tuần trước, khi xuống bến xe bus ở Fulham, London, anh bị hai gã thanh niên vừa chửi rủa vừa quay phim. Sau đó, một tên cướp điện thoại của anh, khi Silawattakun rượt theo và hỏi ‘Vì sao mày làm vậy?’, 1 tên đã dừng lại và đánh dập mũi Silawattakun.
Theo lời kể của nạn nhân, mọi việc diễn ra lúc ban ngày và không ai giúp anh lúc anh bị đánh và ngã xuống đường. Sau đó mới có người qua đường giúp Silawattakun gọi Uber vào bệnh viện. Cảnh sát London đã ra thông báo về vụ việc.
Nạn nhân nói anh cảm thấy anh bị tấn công vì hình dáng của mình: “Không một ai bảo vệ tôi, tôi là nạn nhân chỉ vì tôi là người Đông Á.”
“Hồi xảy ra virus Ebola không ai tự nhiên tấn công hô lên ‘virus Ebola’ và đánh người da đen cả, nhưng ai giống người Trung Quốc thì vào lúc này sẽ bất an.” Pawat Silawattakun cũng kể lại câu chuyện này cho BBC Tiếng Thái hôm 15/02/2021.
Anh nói những kẻ tấn công ông còn quay video có vẻ như nhạo báng “người châu Á yếu đuối, dễ bắt nạt”.
Đây không phải là trường hợp đầu tiên người gốc Trung Quốc, gốc Việt hoặc gốc Đông Á bị tấn công, chửi rủa trên thế giới vì làn sóng kỳ thị kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.
Hiện tượng ‘đổi ghế’ tránh xa người Đông Á trên tàu xe công cộng tại Anh, Pháp, Đức được các cộng đồng dân cư gốc Á chia sẻ trên Facebook.
Thanh Phương