Thẩm Thúy Hằng, Thanh Nga, Thanh Lan, Mộng Tuyền – những cái tên gợi nhớ đến một Sài Gòn hoa lệ, đầy biến động. Người chụp là thợ ảnh Đinh Tiến Mậu.
Những bức ảnh nằm trong cuốn sách Ký ức một ảnh viện Sài Gòn – Câu chuyện Viễn Kính của nhà báo Nguyễn Vĩnh Nguyên. Ảnh do Đinh Tiến Mậu, chủ hiệu ảnh Viễn Kính, chụp. Bức ảnh của Thẩm Thúy Hằng được tác giả coi là “chuẩn mực” về hình ảnh giai nhân Sài Gòn thời đó, từ vẻ mặt của nhân vật, trang phục, dáng ngồi, cử chỉ, nụ cười và cốt cách toát lên. |
Nếu Thẩm Thúy Hằng nổi tiếng với vẻ đẹp gợi tình thì Thanh Nga là hiện thân của đài các. Họ là hai người đẹp nổi tiếng bậc nhất Sài Gòn thời đó. Trong cuốn sách, nhà nhiếp ảnh Đinh Tiến Mậu kể kỷ niệm Thanh Nga đến hiệu ảnh Viễn Kính để chụp ảnh thì bị công chúng nhận ra nên tụ tập rất đông xung quanh để ngắm nhìn ngôi sao cải lương. Vợ của ông Mậu phải dùng xe máy chở Thanh Nga đi đường khác để tránh đám đông hâm mộ. |
Đến nay, bức ảnh Đinh Tiến Mậu chụp ca sĩ Thanh Lan vẫn là một trong những hình ảnh nổi bật nhất của cô này thời trẻ. Thanh Lan một thời gây chú ý với việc trở về Việt Nam ca hát sau 25 năm sang Mỹ định cư. Ngày trước, Thanh Lan nổi tiếng với các ca khúc Pháp, là một trong những gương mặt tiêu biểu cho thời kỳ đầu của nhạc trẻ ở Sài Gòn. Cô cũng là diễn viên trong Tiếng hát học trò, Ván bài lật ngửa. |
Mộng Tuyền (tên thật Kim Loan) là Ảnh hậu sân khấu của nhật báo Trắng Đen trước năm 1975. Sau khi Thanh Nga qua đời, Mộng Tuyền thay thế hầu hết vai diễn nổi tiếng của Thanh Nga và bước lên đỉnh cao danh vọng. Những bức ảnh của Đinh Tiến Mậu luôn có sự khác biệt về thần thái so với nhiều hình ảnh khác của các ngôi sao, khiến họ luôn tìm đến ông để nhan sắc của mình được nâng lên một tầm cao mới. |
Trong các người đẹp, ca sĩ Thái Thanh – “Đệ Nhất danh ca” nhạc tiền chiến và nhạc tình miền Nam trước 1975 – là người có mối quan hệ thân thiết với Đinh Tiến Mậu, nhưng là bạn tâm giao chứ không phải yêu đương. Ông Mậu kể, Thái Thanh có cuộc sống khó khăn. Nhiều tối đi hát về, bà lại qua hiệu Viễn Kính rủ ông đi ăn đêm ở Sài Gòn. Những cuộc trò chuyện không xoay quanh nghề nghiệp mà nói về cuộc sống với những rối ren đời người. |
Bên cạnh Thẩm Thúy Hằng, Diễm Thúy là người đẹp Sài Gòn có phong cách gợi tình nhất thời bấy giờ. Cô này thường xuyên mặc những trang phục gợi cảm khoe những đường nét mời gọi trên cơ thể đôi mươi. Phong cách ăn mặc của Diễm Thúy cũng tạo nên một trào lưu cho nhiều cô gái trẻ Sài Gòn thời bấy giờ. Diễm Thúy cũng được mời đóng phim Ngã rẽ tâm tình. |
Những bức ảnh không chỉ là hình ảnh, mà còn là lịch sử. Thợ ảnh Đinh Tiến Mậu cặm cụi làm công việc của mình, nhưng một cách tự nhiên, ông đã “ghi chép” lại lịch sử văn hóa Sài Gòn giai đoạn 1960-1975 theo cách riêng đầy sống động của mình. Đó là một Sài Gòn nơi hội tụ tài năng nghệ thuật từ các nơi đổ về. Lệ Thu, cô gái Hải Phòng vào Nam và trở thành ngôi sao của nền tân nhạc, là một trong số đó. |
Duy Khánh là một trong bốn giọng ca nam được coi là “tứ trụ nhạc vàng” cùng với Nhật Trường, Hùng Cường, Chế Linh. Các hình ảnh người đẹp của Đinh Tiến Mậu phổ biến hơn với đại chúng, nhưng trong bộ sưu tập của ông cũng có rất nhiều nghệ sĩ nam của thời đó. Chụp nam hay chụp nữ, ảnh Đinh Tiến Mậu đều khắc họa được đường nét nghệ sĩ hiếm “thợ ảnh” nào chớp được. Đinh Tiến Mậu thường dành rất nhiều thời gian ngắm nhìn nhân vật rồi mới bấm máy. |
Nghệ sĩ Thành Được – “ông vua không ngai” của sân khấu cải lương Nam Bộ. Cùng với vợ là nghệ sĩ cải lương Út Bạch Lan, Thành Được nổi tiếng qua các vở Nửa đời hương phấn, Con gái chị Hằng, Tấm lòng của biển, Bọt biển, Chuyện tình 17, Tình Xuân muôn tuổi, Rồi 30 năm sau, Giấc mộng giữa hoàng lăng… |
Ban hợp ca Thăng Long nổi tiếng nhất tại Sài Gòn trước 1975, chuyên hát các ca khúc của Phạm Đình Chương và Phạm Duy. |
Để ghi lại hình ảnh chân thực của những bức ảnh gốc (vốn có kích cỡ quá lớn nên không thể scan thành file ảnh), tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên đã công phu chụp lại từng bức ảnh và in trên chất liệu giấy đẹp nhất để giữ được màu ảnh chân thực.
Zing