Nữ diễn viên Taraneh Alidoosti, 28 tuổi, đến từ Iran là giám khảo trẻ nhất tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội 2012. Cô không chỉ đa tài mà còn được ca ngợi là “thiên thần” nhờ vẻ đẹp thuần khiết.
Cô xuất hiện lần đầu trên thảm đỏ tại Việt Nam đã ngay lập tức tạo được sự chú ý lớn bởi gương mặt xinh đẹp, thánh thiện trong bộ trang phục kín đáo.
“Thiên thần” Taraneh được bình chọn là nữ diễn viên xuất sắc nhất thập kỷ của Iran. Cô bắt đầu sự nghiệp điện ảnh từ năm 2000, khi mới 16 tuổi. Năm 2002, cô được chọn đóng vai chính trong bộ phim I Am Taraneh, Fifteen Years Old (Tôi là Taraneh, 15 tuổi). Vai diễn này đã mang về cho cô hàng loạt giải thưởng danh giá tại Liên hoan phim quốc tế (LHP) Locarno (Thuỵ Điển) và LHP lớn nhất Iran – Fajr.
Giới phê bình hết lời khen ngợi diễn xuất tinh tế cùng vẻ đẹp thuần khiết, nhẹ nhàng của Taraneh Alidoosti. Dù nổi tiếng từ khi còn rất trẻ, Alidoosti luôn tỏ ra kỹ càng và cẩn trọng khi chọn lựa các vai diễn. Sau đó một năm, cô xuất hiện trở lại trên màn ảnh lớn Iran với tác phẩm Shahr-e ziba (Thành phố tươi đẹp) của đạo diễn Asghar Farhadi, người đoạt giải Quả cầu vàng và giải Oscar năm 2012 với bộ phim A separation (Một cuộc chia ly).
Cô được tạp chí Sanate Cinema bình chọn là Nữ diễn viên Iran xuất sắc nhất trong vòng 10 năm qua sau cuộc khảo sát với 130 nhà phê bình điện ảnh hàng đầu quốc gia này.
Ngoài tài diễn xuất cùng vẻ đẹp thiên phú, Taraneh Alidoosti còn là một nhà văn, nhà thơ có tiếng trong làng văn học Iran. Cô cũng thường xuyên viết những bài báo thể hiện quan điểm chính trị của mình. Nữ diễn viên nói rất thông thạo tiếng Anh và tiếng Đức, thường dịch cho các tác phẩm văn học nước ngoài. Những truyện ngắn, bài thơ của cô thường xuất hiện trên trang blog cá nhân http://taranehalidoosti.com.
Đến nay nữ diễn viên đa tài này đã góp mặt trong 12 bộ phim. Được xem là “nàng thơ” của đạo diễn Asghar Farhadi, Taraneh Alidoosti đã góp phần đem lại thành công vang dội cho những tác phẩm như About Elly, Fireworks Wednesday.
Khi đến Thụy Sĩ dự Liên hoan phim Locarno năm 2006, Alidoosti khẳng định cộng đồng quốc tế có cái nhìn sai lệch về phụ nữ Iran: “Rất nhiều người nghĩ rằng phụ nữ Iran đang phải chịu nhiều đau khổ và không thể làm được những gì họ mong muốn. Đó không phải là sự thật. Phụ nữ Iran hoàn toàn có thể làm những gì họ muốn. Tôi nghĩ thế giới cần phải bắt đầu nhận thức điều đó”.
Taraneh Alidoosti là nữ chính trong bộ phim nhận giải Oscar 2017 Phim nước ngoài xuất sắc nhất – The Salesman – của đạo diễn Asghar Farhadi. Dù được vinh danh nhưng cả đạo diễn Asghar Farhadi và Taraneh Alidoosti đều không có mặt để dự lễ trao giải Oscar lần thứ 89. Đây là hành động để phản đối lệnh cấm người nhập cư từ 7 quốc gia Hồi giáo, trong đó có Iran, của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tác phẩm The Salesman đánh dấu lần thứ hai điện ảnh Iran được Viện hàn lâm trao tặng chiến thắng. Sự kiện xảy ra trong bối cảnh chính trị rối ren, khiến đạo diễn phim không tới Mỹ để nhận giải.
Những nét đặc trưng riêng về xã hội Iran hiện đại
Trong khoảng một thập kỷ qua, Iran thường được báo chí quốc tế nhắc tới qua những bất ổn và xích mích về mặt tôn giáo, chính trị với các quốc gia láng giềng vùng Trung Đông và với cường quốc bên kia đại dương là nước Mỹ.
Nhưng có lẽ không nhiều người biết rằng Iran là một quốc gia rất trẻ với trên một nửa dân số dưới 35 tuổi, trong đó đa phần là những người có học thức, yêu khoa học, yêu nghệ thuật, và tất nhiên là yêu thích văn hóa của các nước trên thế giới, kể cả nước Mỹ “thù địch”.
The Salesman là tác phẩm mới nhất của đạo diễn Asghar Farhadi – người đem về cho điện ảnh Iran giải thưởng Oscar Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc đầu tiên với A Separation (2011).
Nếu như A Separation là cảnh đời của một gia đình trung lưu Iran dẫu yêu thương nhau hết mực nhưng vẫn đứng bên bờ vực tan vỡ vì những khác biệt về suy nghĩ và cách sống, thì The Salesman cũng là câu chuyện về một mái nhà hạnh phúc bắt đầu rạn nứt chỉ vì những mâu thuẫn tâm lý nhỏ nhoi tưởng chừng không đáng kể.
Không chỉ trùng lặp với vở kịch nổi tiếng của Arthur Miller từ cái tên, diễn biến của The Salesman cũng được phản ánh qua chính những trích đoạn của “kịch trong phim”, với sự thể hiện của chính đôi vợ chồng Emad – Rana và những bạn diễn của hai người.
The Salesman khiến khán giả không khỏi ngạc nhiên trước sự tương đồng giữa hai quốc gia thường coi nhau là “thù địch” là Mỹ và Iran,
Nếu Death of a Salesman động chạm tới những suy nghĩ của người Mỹ hiện đại – những cá nhân phải sống và tồn tại trong áp lực và ảo ảnh của “giấc mơ Mỹ”, thì The Salesman lại là tác phẩm xoáy sâu vào những nghịch lý trớ trêu của xã hội Iran đương đại.
Đó là xã hội vừa khuyến khích tình yêu nghệ thuật, tình yêu tự do, nhưng cũng chứa đựng vô số định kiến về tôn giáo, về truyền thống có tác động mạnh mẽ tới tâm lý và số phận của mỗi người dân sống trên đất nước Trung Đông ấy, bất kể xuất thân và hoàn cảnh sống khác nhau ra sao.
Điều đáng ngạc nhiên là tuy lấy bối cảnh là hai đất nước hết sức khác nhau về mặt con người, lịch sử, văn hóa, thậm chí được coi là “thù địch” của nhau từ thập niên 1970 đến nay, nhưng The Salesman và Death of a Salesman hóa ra lại có nhiều điểm tương đồng tới kỳ lạ.
Đó là sự giống nhau về lòng tốt giữa con người với con người, về tình thương yêu vợ chồng vốn là nền tảng của gia đình trong bất cứ xã hội nào. Nhưng đó còn là sự hiện diện của truyền thống gia trưởng ở cả hai xã hội, của sự hà khắc, và những lời nói dối đến từ các ông chồng chỉ nhằm thỏa mãn mầm mống của sự sĩ diện và lòng ích kỷ bên trong họ.
Thành công của đạo diễn Asghar Farhadi trong việc truyền tải mượt mà, trung thực, và sâu sắc những thông điệp và ý nghĩa từ một vở kịch kinh điển của sân khấu Mỹ vào bối cảnh đặc trưng của xã hội Iran hiện đại có lẽ sẽ khiến nhiều người yêu điện ảnh nhớ tới loạt tác phẩm kinh điển của đạo diễn Akira Kurosawa về lịch sử Nhật Bản, nhưng lại sử dụng cốt truyện đến từ kịch tác gia người Anh William Shakespeare.
Lấy cảm hứng từ Death of a Salesman và chứa đựng nhiều yếu tố tương tự với vở kịch Mỹ, nhưng The Salesman của Asghar Farhadi còn đem lại cho người xem những góc nhìn rất khác biệt và đặc trưng của đất nước Iran hiện đại.
Tương tự A Separation, ở The Salesman, khán giả còn cảm nhận được dòng mâu thuẫn âm ỉ chảy ngầm trong lòng xã hội Iran giữa người giàu và người nghèo, giữa tầng lớp trí thức như vợ chồng Emad – Rana và những người dân lao động, và giữa những con người cũ kỹ hết mực sùng đạo và giới trẻ tự do không muốn bị ràng buộc bởi những định kiến đạo Hồi.
Nếu như cách xử lý tình huống ở A Separation tuy rất quyết liệt nhưng phần nào đó vẫn đậm dư vị nhân văn, thì nhịp phim dồn dập với kịch tính được đẩy lên đến đỉnh điểm ở The Salesman khiến bộ phim vừa mang cảm giác như một chuyến tàu lượn siêu tốc về tâm trạng của các nhân vật, vừa là thông điệp mạnh mẽ của Farhadi về sự khủng hoảng niềm tin và sức tàn phá khủng khiếp của định kiến xã hội.
Thêm một lần nữa, tài năng của Asghar Farhadi cần được ghi nhận khi hầu hết chi tiết và nội dung bạo liệt nhất của phim đều được ẩn sau những cảnh quay dang dở, hay những đoạn đối thoại bỏ ngỏ. Qua đó, người xem buộc phải tự xâu chuỗi những ẩn ý của tác phẩm chứ không hề bị nhà làm phim áp đặt thông điệp.
Góp công lớn vào sức truyền tải mạnh mẽ của The Salesman phải kể tới tài năng của dàn diễn viên trong phim. Không chỉ có bộ đôi thủ vai vợ chồng Emad – Rana là Shahab Hosseini và Taraneh Alidoosti, mà cả nhóm diễn viên phụ như Babak Karimi hay Farid Sajjadi Hosseini đều thể hiện xuất sắc các vai diễn có bề ngoài tưởng chừng bình thường, nhưng lại sở hữu diễn biến nội tâm phức tạp, giàu cảm xúc.
Gây ấn tượng nhất từ dàn diễn viên trong phim hẳn là Taraneh Alidoosti, người luôn giúp các khung hình của The Salesman sáng bừng với vẻ đẹp mong manh hiếm có, nhưng đồng thời kéo tâm trạng của khán giả trùng xuống bằng ánh mắt sâu thẳm, đượm buồn.
Được đánh giá là một trong những nữ diễn viên tài năng nhất của điện ảnh Iran, Alidoosti đã không phụ lòng tin tưởng của đạo diễn Asghar Farhadi khi vai diễn lặng lẽ, không nhiều thoại của cô thực ra lại nói lên được rất nhiều, từ tình yêu, niềm tin tới sự tuyệt vọng, từ niềm vui cho tới thương tổn tận cùng về mặt thể xác và tinh thần.
ZingNews