Sau thông tin một nhóm du khách Trung Quốc nhập cảnh vào sân bay Quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa) mặc áo in “đường lưỡi bò” phi pháp bị an ninh phát hiện, nhiều ý kiến phẫn nộ yêu cầu ngành chức năng phải trục xuất ngay đám người này về nước, xử lý nghiêm theo đúng quy định.
Hình ảnh “đường lưỡi bò” sai trái thể hiện sự bành trướng ngang ngược của Trung Quốc bao trùm lên các đảo, biển thuộc chủ quyền của Việt Nam và nhiều nước lân cận.
Theo Trung tá Nguyễn Xuân Diễm, Phó trưởng Công an cửa khẩu sân bay quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa), vụ việc được phát hiện vào khoảng hơn 21h ngày 13/5 tại sân bay Quốc tế Cam Ranh.
Ngay sau đó, Công an cửa khẩu sân bay Cam Ranh đã thông báo cho Công an tỉnh Khánh Hòa để xác minh công ty lữ hành đưa khách đến. Điều đáng nói, nhóm du khách cố tình mặc áo thun trắng có hình “đường lưỡi bò” trái phép ở bên trong, bên ngoài họ mặc áo khoác nhằm qua mắt cơ quan an ninh.
“Lúc ở trong thì không phát hiện ra cái đó, không có hình ảnh đó. Họ mặc áo khoác. Khi ra, họ cởi áo khoác ra thì lộ cái áo trắng như trên mạng”, Trung tá Nguyễn Xuân Diễm cho biết.
Theo doanh nghiệp lữ hành nhận đoàn khách Trung Quốc kể trên, đoàn khách có 40 người, trong đó qua xác định ban đầu có khoảng 14 người có mặc áo in “đường lưỡi bò” phi pháp.
Hình ảnh trên chiếc áo cho thấy “đường lưỡi bò” sai trái bao trùm các đảo, biển thuộc chủ quyền của Việt Nam và nhiều nước lân cận. Vụ việc ngay lập tức gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận xã hội.
Sáng nay, 15/5, Thượng tá Nguyễn Văn Quân, Trưởng Công an cửa khẩu sân bay Quốc tế Cam Ranh cho biết, sau các bước xử lý ban đầu, hiện nay vụ việc được Công an tỉnh Khánh Hòa tiếp tục giải quyết.
Trước ý kiến của bạn đọc về việc cần trục xuất ngay nhóm du khách Trung Quốc mặc áo “đường lưỡi bò” sai trái, Thượng tá Quân cho biết cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.
Sáng cùng ngày, Thượng tá Phan Văn Cường, người phát ngôn Công an tỉnh Khánh Hòa cho biết, ông đang nắm lại thông tin chi tiết và sẽ xin ý kiến lãnh đạo để thông tin lại cho báo chí vụ việc kể trên.
Trước đó, hôm 12/7/2016, thông cáo về phán quyết đối với “đường lưỡi bò” từ Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), dài 11 trang, được gửi cho các nước có liên quan và quốc gia quan sát viên.
Tòa trọng tài tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong “đường lưỡi bò”. PCA cho rằng tuyên bố của Trung Quốc đi ngược lại với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Dân Trí