Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, ngay sau khi Công an TP Hà Nội phát hiện đường dây buôn bán và sử dụng ma túy tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, sáng 1/4, Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế đã họp khẩn xem xét các vấn đề liên quan.
Ngay sau cuộc họp, Bộ Y tế đã cử đoàn công tác bao gồm lãnh đạo Vụ Tổ chức Cán bộ, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Vụ Pháp chế và Thanh tra Bộ tới làm việc tại bệnh viện.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, đây không chỉ là vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng, mà còn vi phạm quy trình quản lý bệnh viện và các quy chế, quy trình chuyên môn trong hoạt động khám, chữa bệnh.
Giám đốc trần tình về việc không biết bệnh nhân ‘bay lắc’ bên trong
Lãnh đạo bệnh viện giải thích, việc bệnh nhân Quý, mang loa đèn vào lập phòng riêng không được cấp dưới báo cáo lên.
Ông Vương Văn Tịnh, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 vừa tiếp tục có báo cáo gửi Bộ Y tế và các cơ quan chức năng về vụ bệnh nhân Nguyễn Xuân Quý thiết lập phòng riêng để “bay lắc” và buôn bán, tàng trữ ma túy.
Ông Tịnh cho biết, căn phòng nơi bệnh nhân Nguyễn Xuân Quý điều trị mới được khoa Phục hồi Chức năng và Y học cổ truyền đưa vào sử dụng từ tháng 12/2020.
Bệnh nhân ở cùng phòng với một bệnh nhân khác. Họ thuộc diện điều trị bắt buộc theo quyết định của Viện Kiểm sát nhân dân các cấp.
“Đầu tháng 2 vừa qua, tranh thủ ngày nghỉ, nhân viên trong khoa nghỉ, chỉ có người trực, bệnh nhân Quý tự ý ngăn đôi phòng để sử dụng một mình”, ông Tịnh báo cáo.
Ông Vương Văn Tịnh trong vòng vây của phóng viên trưa 1/4. Ảnh: Tiền phong
Phát hiện bệnh nhân ngăn phòng, lãnh đạo khoa đã yêu cầu dỡ bỏ nhưng Quý trình bày muốn ngăn để được nằm điều trị riêng cho yên tĩnh. Vì phòng bệnh rộng nên lãnh đạo khoa đồng ý.
Theo ông Tịnh, trong quá trình điều trị, Nguyễn Xuân Quý sử dụng phòng riêng, tất cả trang thiết bị mang vào trong phòng, lãnh đạo khoa hoàn toàn không biết.
“Bệnh nhân Quý từng bị chấn thương sọ não, cảm xúc rất không ổn định và có hành vi nguy hiểm nên công tác kiểm tra các hoạt động trong phòng của bệnh nhân rất khó khăn. Mỗi khi bác sĩ và lãnh đạo kiểm tra bệnh cho bệnh nhân, Quý đều không cho vào, yêu cầu ra ngoài khám và hỏi bệnh”, ông Tịnh báo cáo.
Ông Tịnh cho hay, lãnh đạo khoa hoàn toàn không nghĩ tới việc bệnh nhân tàng trữ chất gây nghiện và một số dụng cụ sử dụng chất gây nghiện trong phòng.
“Chính vì vậy, các trang thiết bị và thuốc gây nghiện bệnh nhân mang vào phòng cho đến khi cơ quan công an phát hiện, lãnh đạo khoa hoàn toàn không hay biết”, ông Tịnh giải thích.
Theo ông Tịnh, lãnh đạo khoa Phục hồi chức năng và Y học cổ truyền cũng đã nhận trách nhiệm vì không báo cáo lại tình hình cho lãnh đạo bệnh viện.
Ông Tịnh cho biết thêm, lãnh đạo bệnh viện đã xem xét kiểm điểm của khoa, xem xét trách nhiệm và xử lý, song để giải quyết đúng quy định, đúng người, đúng tội và có hình thức xử lý kỷ luật thích đáng, bệnh viện đang phối hợp và chờ kết quả của cơ quan điều tra.
Ông Tịnh cho hay, đến nay bệnh viện chưa nắm được thông tin cụ thể về trường hợp viên chức Nguyễn Anh Vũ bị khởi tố bị can trong vụ việc về tội Không tố giác tội phạm. Tuy nhiên do có thông báo từ Công an TP. Hà Nội và thông báo miệng nên bệnh viện đã tạm đình chỉ công tác đối với Vũ.
Theo ông Tịnh, sự việc xảy ra với trường hợp Nguyễn Xuân Quý, lãnh đạo bệnh viện nghiêm túc xem xét kiểm điểm từng cá nhân và tập thể liên quan, sai phạm ở mức độ nào sẽ xử lý đúng theo quy định của pháp luật và Bộ Y tế.
Liêm sỉ xa xỉ đến vậy sao?
Ma tuý có. Mại dâm cũng có luôn. Ngay tại phòng bệnh viện. Vậy mà ông giám đốc nói “không biết”. Trong những thứ gọi là tào lao thì sự “không biết” này là tào lao nhất. Lẽ ra, ông giám đốc nên tự trọng bằng việc “từ chức”, dù như thế cũng là chưa đủ.
Ông Lâm Giai Long, Bộ trưởng Giao thông vận tải và truyền thông Đài Loan (Trung Quốc) đã lập tức xin từ chức chỉ vài giờ xảy ra vụ tàu cao tốc bị tai nạn thảm khốc khiến 51 người tử vong.
Dù chưa được phép từ chức- để tập trung cho việc cứu hộ, cứu nạn, nhưng ông Lâm vẫn khẳng định: Sau khi công tác cứu hộ hoàn thành, ông sẽ một lần nữa nhận trách nhiệm.
Vụ tai nạn xảy ra từ sự bất cẩn của một tài xế xe tải khiến chiếc xe rơi vào đường ray.
Nói câu chuyện Đài Loan, như một sự liên hệ, khi dư luận vẫn không ngớt sôi sục từ vụ bệnh nhân tổ chức “bay lắc” trong bệnh viện tâm thần. Sôi sục, không chỉ vì đó là vụ “độc nhất vô nhị”, chưa từng có. Sôi sục, không chỉ vì bệnh nhân dẫn cả gái mại dâm vào thác loạn ngay trong phòng bệnh mà lý do sôi sục là từ báo cáo của Bệnh viện Tâm thần, từ việc trốn trách nhiệm rất nực cười của ông Giám đốc.
Khăng khăng không biết. Không thấy. Không phát hiện. Khăng khăng chối bỏ trách nhiệm, hoặc đó chỉ là trách nhiệm của khoa phòng mà ông sẽ là người đứng ra phân xử, kỷ luật.
Một hành xử, một thái độ trách nhiệm là vô trách nhiệm, thiếu tự trọng đến không thể chấp nhận được.
Bởi ngay cả đại diện Bộ Y tế cũng nhìn nhận việc cải tạo phòng bệnh thành phòng riêng, có hệ thống cách âm để tổ chức “bay lắc” là “quá khủng khiếp”. Chính Bộ Y tế cũng cho rằng: Đây là vụ việc cực kỳ nghiêm trọng, cũng là trường hợp “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam.
Ông La Đức Cương, nguyên giám đốc Bệnh viện Tâm thần trung ương 1, người tiền nhiệm của ông Giám đốc đương nhiệm nói ông quá bất ngờ, bởi suốt 35 năm ở bệnh viện này, ông chưa từng chứng kiến, các bệnh viện khác cũng chưa từng xảy ra vụ việc tương tự. “Lãnh đạo bệnh viện sẽ phải chịu toàn bộ trách nhiệm, bởi họ là người đứng đầu”- ông Cương khẳng định.
Báo cáo của Bệnh Viện Tâm thần đã bị yêu cầu làm lại, ông Giám đốc đã bị đình chỉ và chắc chắn sẽ xử lý kiên quyết theo tinh thần “không bao che, không có vùng cấm”.
Tuy nhiên, điều mà chúng ta cảm thấy buồn, và giận dữ là sự tự trọng của người đứng đầu.
Lẽ ra, trong một vụ việc chưa từng có, gây phẫn nộ dư luận như vậy thì người đứng đầu ít nhất phải đứng ra nhận trách nhiệm.
Lẽ ra, ông giám đốc phải từ chức, dẫu từ chức là chưa đủ, chưa tương xứng với tính chất nghiêm trọng.
Và lẽ ra, nếu ông giám đốc từ chối trách nhiệm, từ chối từ chức thì cơ chế kỷ luật cũng không thể để ông ta làm như vậy.
Bộ Y tế nghi ngờ nhân viên y tế nhận hối lộ
Bộ Y tế cho rằng, báo cáo của bệnh viện có nhiều điểm chưa hợp lý và đặt nghi vấn có hành vi nhận hối lộ để bảo kê vi phạm.
Liên quan đến vụ bệnh nhân Nguyễn Xuân Quý lập phòng “bay lắc”, buôn bán và sử dụng ma túy ngay tại phòng điều trị Bệnh viện Tâm thần Trung ương, đến nay bệnh viện đã có 2 báo cáo gửi Bộ Y tế.
Tuy nhiên TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho rằng, các báo cáo nói không biết, không kiểm soát được bệnh nhân này còn nhiều điểm không hợp lý.
Ông Quang là thành viên đoàn công tác của Bộ Y tế, trực tiếp xuống làm việc tại bệnh viện sáng 1/4 vừa qua.
Ông Quang đánh giá, vụ việc xảy ra tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 là cực kỳ nghiêm trọng, chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam.
Theo ông Quang, việc bệnh nhân tự ý cải tạo bệnh viện thành phòng riêng cách âm với đủ tiện nghi như tủ lạnh, bộ ngà voi, loa lớn… rồi tổ chức “bay lắc” kết hợp mại dâm là quá khủng khiếp.
Các đối tượng bay lắc cùng với Nguyễn Xuân Quý tại một khách sạn.
“Đặc biệt, vụ việc còn có sự tham gia của nhân viên trong bệnh viện. Phải chăng có sự bao che, làm ngơ của lãnh đạo khoa phòng, bệnh viện”, ông Quang nói.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế cũng đặt câu hỏi có hay không việc bệnh viện, khoa, nhân viên y tế nhận tiền hối lộ của đối tượng Quý để bao che, bảo kê cho việc “bay lắc” xảy ra ngay tại bệnh viện này.
Ông Quang phân tích thêm, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 báo cáo, đối tượng Quý bắt đầu ngăn phòng từ đầu tháng 2 rồi lập phòng “bay lắc”, song thực tế từ tháng 1/2021, Công an TP. Hà Nội đã lập chuyên án điều tra, trong đó có đối tượng Quý. Như vậy, việc tàng trữ, sử dụng ma tuý đã có từ trước đó.
Do đó, bệnh viện phải có trách nhiệm làm rõ, nhân viên nào trong bệnh viện là người tiếp tay cho đối tượng Quý, ai tham gia thác loạn ngoài 1 nhân viên đã bị bắt.
“Bệnh viện luôn báo cáo thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật nhưng tại sao vụ việc vẫn xảy ra? Qua vụ việc này, có hay không việc buông lỏng quản lý, đùn đẩy trách nhiệm?”, ông Quang đặt vấn đề.
Ông Quang cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm của Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 khi cơ quan điều tra đã khám xét và có thông báo từ ngày 20-22/3 nhưng lãnh đạo không báo cáo Bộ Y tế. Chỉ đến khi báo chí phản ánh, tối 31/3, bệnh viện mới bắt đầu báo cáo.
Căn phòng được dành riêng chữa bệnh của Quý rộng khoảng 60m², được đối tượng tự bỏ tiền cải tạo chia làm 3 phòng nhỏ ngăn bằng các tấm nhựa. Phòng ngoài có giường bệnh và vật dụng cá nhân như các buồng bệnh bình thường xung quanh, nhằm ngụy trang che mắt với người ngoài;
2 phòng nhỏ bên trong Quý thiết kế thành phòng “bay, lắc” sử dụng ma túy tại chỗ, được cách âm và đầu tư đầy đủ các dụng cụ phục vụ cho việc sử dụng ma túy cũng như loa đài, âm li, đèn chiếu, đèn nháy.
Toàn bộ số ma túy thu giữ khi khám xét được cất giấu trên trần nhà của phòng bệnh (khoảng cách trống giữa trần nhà và tấm ốp trần). Số ma túy này được Quý cất giấu, ngụy trang, trà trộn trong các vỏ túi trà, cà phê…
Hàng ngày từ 21h đến 4-5h sáng, có từ 5-7 đối tượng đến phòng của Quý để sử dụng ma túy, mặc dù đây không phải là khung giờ cho phép bệnh nhân vào thăm. Mỗi ngày, Quý có từ 4-5 lượt khách trực tiếp tới bệnh viện mua bán ma tuý. Không chỉ sử dụng trái phép chất ma tuý tại phòng này, Quý còn đưa gái “dịch vụ” vào phòng để bay, lắc.
Nguyễn Xuân Quý. Ảnh: C.A.
Ngoài giờ, Quý “bay, lắc” ngay tại phòng dành riêng cho anh ta. Nếu vào giờ hành chính, Quý có thể ra ngoài thuê phòng để “bay, lắc”…, mặc dù đang là bệnh nhân điều trị bắt buộc. Điều đó thể hiện ở việc khi bị các trinh sát Đội 7 bắt quả tang về hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý, đối tượng đang ở một khách sạn ở quận Hai Bà Trưng để tiến hành “bay, lắc”…
Điều này vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc hành chính, cần phải làm rõ trách nhiệm của Giám đốc, Phó Giám đốc, trưởng khoa, bác sĩ, điều dưỡng, đội ngũ bảo vệ… khi để xảy ra vụ việc này.
Theo ông Quang, đối tượng Quý thuộc diện điều trị bắt buộc, theo đúng quy định phải điều trị tại một khu vực riêng, có người giám sát, theo dõi. Tuy nhiên thực tế, bệnh nhân lại được đưa vào điều trị tại khoa Điều trị tự nguyện từ tháng 11/2018.
Tiếp đó, từ tháng 9/2019, bệnh nhân lại được chuyển sang khoa Phục hồi chức năng và Y học cổ truyền. Theo chuyên môn, khi chuyển sang khoa này, tình hình bệnh nhân đã ổn định và cải thiện.
Cũng theo quy định của Bộ Y tế, không được để bệnh nhân ra khỏi khu điều trị, khi đưa người bệnh đến khám và và các hoạt động liên quan phải có nhân viên y tế đi kèm, giám sát. Trong khi đối tượng Quý được cung cấp chìa khoá riêng và tự ý đi lại.
“Đây chính là kẽ hở tiếp tay cho tội phạm. Tại sao trưởng khoa, điều dưỡng trưởng, ban giám đốc lại không hay biết?”, ông Quang đặt câu hỏi.
Vụ trưởng Vụ Pháp Chế cũng cho rằng, cần làm rõ là quy định về người thăm nuôi, tại sao lại có tình trạng người ra vào thăm nườm nượp?
Ông Quang cho biết, trong buổi làm việc với bệnh viện, đoàn công tác Bộ Y tế đã yêu cầu lãnh đạo bệnh viện báo cáo đầy đủ, trung thực các vấn đề nói trên trong vòng 15 ngày.
Hiện Bộ Y tế đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác với Vương Văn Tịnh, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1; bác sĩ Đỗ Thị Lưu, Trưởng khoa Phục hồi chức năng và Y học Cổ truyền; điều dưỡng Tạ Thị Thêm, điều dưỡng trưởng khoa Phục hồi chức năng và Y học Cổ truyền để hợp tác điều tra.
Tổng hợp