Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai, khách hàng của Công ty Việt Á hầu hết là các CDC, đơn vị y tế trên cả nước. Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á đã lập nhiều tài khoản đứng tên nhiều cá nhân, hộ kinh doanh cá thể để chuyển tiền ngoài hợp đồng cho các CDC, đơn vị y tế.
Theo lời khai của Phan Tôn Noel Thảo, Công ty Việt Á đã chi tiền cho CDC Nghệ An, Hải Dương, nhiều đơn vị y tế, bệnh viện trên phạm vi toàn quốc. Các đơn hàng mua bán kit test COVID, thiết bị y tế với số tiền rất nhiều, tùy vào lượng hàng, ít thì khoảng 500 triệu, nhiều thì cả trăm tỷ đồng.
C03 đã làm rõ sai phạm trong việc Công ty Việt Á bán kít xét nghiệm COVID cho CDC Hải Dương thông qua 5 hợp đồng với tổng trị giá 151 tỷ đồng; Phan Quốc Việt đã chi gần 30 tỷ đồng tiền “hoa hồng” ngoài hợp đồng cho Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương; câu kết với lãnh đạo các đơn vị hợp thức hồ sơ chỉ định thầu và đẩy giá kit cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất.
Như tin đã đưa, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 7 đối tượng; khám xét khẩn cấp 16 địa điểm tại 8 địa phương (Hà Nội, TPHCM, Hải Dương, Thừa Thiên – Huế, Bình Dương, Long An, Cần Thơ, Nghệ An) và triệu tập ghi lời khai trên 30 đối tượng liên quan vụ án nêu trên.
Lên án hành vi thổi giá kit xét nghiệm, ăn chia trên hoạn nạn của nhân dân
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công (C03) vừa phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ tổ chức đấu tranh với đường dây vi phạm pháp luật trong việc sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro xét nghiệm virus SARs-CoV-2 – Kít xét nghiệm xảy ra tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á và các đơn vị, địa phương liên quan.
Kết quả điều tra bước đầu cho thấy, lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu test COVID-19 của các địa phương trên cả nước, sản phẩm này thuộc danh mục được áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn nên Phan Quốc Việt – người sáng lập đồng thời là Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á – đã chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố sử dụng.
Sau đó, Việt thông đồng với lãnh đạo các đơn vị này hợp thức hồ sơ chỉ định thầu bằng cách sử dụng các pháp nhân trong hệ thống lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống các báo giá… cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất.
Ngày 18/12/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra quyết định khởi tố bị can Phan Quốc Việt – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á – “ông lớn” trong ngành dược tại Việt Nam.
Đối tượng Phan Quốc Việt (SN 1980), Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á
Trao đổi với PV Lao Động, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thuý (đoàn Đà Nẵng) cho hay, trong bối cảnh bình thường, việc nâng giá thiết bị, sinh phẩm y tế để thu lời bất chính đã là sai phạm. Trong bối cảnh dịch bệnh thì sai phạm này càng nghiêm trọng hơn.
Đại biểu Kim Thuý cho hay, chúng ta chia sẻ với các lực lượng tuyến đầu trong chống dịch. Những người ngày đêm, tận tuỵ cống hiến sức lực, trí tuệ đối mặt cả với những hiểm nguy, rủi ro của dịch bệnh vì sức khoẻ của người dân. Đặc biệt là những cán bộ ngành y tế dù cho những chế độ đãi ngộ với họ còn khiêm tốn. Thế nhưng cũng có những con người cấu kết, thông đồng với nhau, lợi dụng dịch bệnh để có những hành vi vi phạm, thu lời bất chính. Những đối tượng “té nước theo mưa” như vậy cần phải xử lý nghiêm.
7 đối tượng vừa bị khởi tố trong vụ án hình sự Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Việt Á, CDC Hải Dương. Phan Quốc Việt hình lớn. Ảnh BCA
‘Ma trận’ chằng chịt các công ty nghìn tỷ của Phan Quốc Việt
Trụ sở của công ty Việt Á là một ngôi nhà nằm trong hẻm tại 372A/8 Hồ Văn Huê (nay là 134/3D Đào Duy Anh), phường 9, quận Phú Nhuận, TPHCM
Chủ căn nhà này cho biết, nhiều năm về trước, phía công ty Việt Á liên hệ để mượn nhà họ đặt biển hiệu phía trước cửa. Ngoài ra, không có bất cứ hoạt động doanh nghiệp nào khác tại đây.
Người dân sinh sống kế bên căn nhà cũng cho biết từ ngày có người tới đây lắp biển hiệu, họ chưa từng thấy có nhân viên của công ty này đến làm việc hay hoạt động gì khác.
“Căn nhà vẫn có người sinh sống bình thường bên trong. Ngoài biển hiệu đặt trước cửa ra thì không thấy có người của công ty này tới làm việc bao giờ”, một người dân nói.
Đáng chú ý, Công ty Công nghệ Việt Á có vốn điều lệ lên tới 1.000 tỷ đồng. Năm 2017, công ty này của Phan Quốc Việt đã nâng vốn điều lệ gấp 5 lần từ mức cũ 200 tỷ đồng.
Theo Cổng thông tin của Bộ Công an, Công ty Việt Á của Phan Quốc Việt đã cung ứng kit xét nghiệm COVID cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng.
Ngoài Công ty Công nghệ Việt Á, Phan Quốc Việt còn là người đại diện theo pháp luật của 5 công ty khác, tạo nên “hệ sinh thái” Việt Á. Trong số này, nhiều doanh nghiệp mới được thành lập trong vài năm trở lại đây.
Doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong “nhóm Việt Á” của ông Việt là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Kinh doanh Việt Á ra đời vào tháng 10/2019. Công ty này có vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Cá nhân Việt góp vốn 102 tỷ đồng (51%). Hai cổ đông còn lại là ông Đồng Sỹ Huy và bà Hồ Thị Thanh Thủy lần lượt góp vốn 50 tỷ đồng (25%), 48 tỷ đồng (24%).
Một doanh nghiệp khác do Việt làm chủ là Công ty Cổ phần Y tế Việt Á. Công ty này tăng vốn điều lệ từ 200 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng vào năm 2017, cùng giai đoạn Công ty Công nghệ Việt Á tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng. Tại thời điểm sáng lập Công ty Y tế Việt Á, Việt góp vốn 135 tỷ đồng còn Công ty Công nghệ Việt Á góp 20 tỷ đồng (10%).
Ngoài ra, Phan Quốc Việt còn làm Tổng Giám đốc 2 doanh nghiệp có vốn điều lệ rất lớn gồm Công ty Cổ phần Đầu tư Đức Ân (1.000 tỷ đồng) và Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Dịch vụ Tâm An (100 tỷ đồng). Các doanh nghiệp này đều có địa chỉ đăng ký trụ sở ở 134/3D Đào Duy Anh (phường 9, quận Phú Nhuận).
Phan Quốc Việt cũng làm chủ 3 công ty khác có cùng địa chỉ ở 99-109 Thuận Kiều, phường 4, quận 11, TPHCM. Đầu tiên là Công ty Cổ phần Kỹ thuật Việt Á thành lập vào tháng 11/2019 với vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Trong đó, Công ty Đầu tư Phát triển Kinh doanh Việt Á góp vốn 20 tỷ đồng (10%), Đồng Sỹ Huy góp vốn 45 tỷ đồng (22,5%) còn Phan Quốc Việt là cổ đông nắm quyền kiểm soát với số vốn góp 135 tỷ đồng (67,5% cổ phần).
Cũng trong tháng 11/2019, Công ty Cổ phần Ẩm thực Việt Á ra đời với vốn điều lệ 200 tỷ đồng. 3 cổ đông sáng lập cũng chính là Phan Quốc Việt, Đồng Sỹ Huy, Công ty Đầu tư Phát triển Kinh doanh Việt Á với tỷ lệ góp vốn tương tự lần lượt là 67,5%, 22,5% và 10% như tại công ty Kỹ thuật Việt Á.
Doanh nghiệp còn lại trong nhóm các công ty của Phan Quốc Việt có trụ sở ở 99 Thuận Kiều là Công ty Cổ phần Đầu tư Y dược 99 thành lập vào tháng 10/2016 với vốn điều lệ 10 tỷ đồng, hoạt động như một phòng khám. Thời điểm đó, Việt không nằm trong nhóm sáng lập công ty này.
Tuy nhiên, sau đó Việt trở thành Tổng Giám đốc công ty Y dược 99 và vốn điều lệ doanh nghiệp cũng tăng từ 45 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng. Đồng Sỹ Huy, người tham gia góp vốn cùng Phan Quốc Việt tại nhiều doanh nghiệp giữ vai trò kế toán trưởng tại công ty Y dược 99.
Như vậy, trong giai đoạn 2017-2019, hàng loạt doanh nghiệp được Phan Quốc Việt thành lập, tăng vốn. Phần lớn các công ty liên quan đến Việt đều đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là y tế.
Những dấu hỏi về trách nhiệm của Bộ Y tế
Thứ nhất, về quy trình cấp phép và lưu hành kit test của Việt Á, hãy lùi về thời điểm Bộ Y tế đồng ý. 16h ngày 3.3.2020, Hội đồng KH-CN cấp Quốc gia do Bộ trưởng Bộ KH-CN (là ông Chu Ngọc Anh, hiện là Chủ tịch UBNDTP Hà Nội) thành lập đã họp đánh giá kết quả nghiên cứu chế tạo bộ kít real-time RT-PCR one step với tỷ lệ 08/08 (100%) thành viên đồng ý thông qua và nhất trí kiến nghị Bộ Y tế cấp phép sử dụng bộ kit real-time RT-PCR do Học viện Quân y và Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á phối hợp nghiên cứu, sản xuất.
Gần như ngay lập tức, ngày 4.3.2020, Bộ Y tế đã có Quyết định số 774/QĐ-BTY về việc ban hành danh mục hai sinh phẩm chẩn đoán invitro xét nghiệm virus corona (SARS-CoV-2).
Thời điểm đó, số ca nhiễm COVID-19 tại Việt Nam mới chỉ đếm trên đầu ngón tay (ngày 6.3.2020, Hà Nội mới công bố ca nhiễm đầu tiên).
Câu hỏi là việc Bộ Y tế cấp phép “thần tốc” cho bộ kit test của Việt Á có quá vội vàng, chưa đầy 24 giờ sau khi Bộ KHCN đề nghị và chỉ căn cứ vào các kết quả do Hội đồng của Bộ KHCN thành lập và xác nhận của Viện Vệ sinh dịch tễ?
Cũng cần nói thêm, phải gần 1 năm sau, tức là ngày 4.12.2021, Bộ Y tế mới cấp số 2000001 có giá trị 5 năm cho sản phẩm bộ kit xét nghiệm LightPower.
Thứ hai về giá bộ kit test, Bộ Y tế cho rằng “trang thiết bị y tế và sinh phẩm xét nghiệm không thuộc trong danh mục mặt hàng phải quản lý giá”, thế nhưng ngay từ đầu, tại cuộc họp báo ngày 5.3.2020, Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á đã tự định giá bộ kit test này “chỉ từ 400-600 nghìn đồng, bằng 1/3 giá tiền của WHO”.
Kể từ khi Việt Á tự công bố giá cho đến tháng 7.2021, khi Bộ Y tế có văn bản do Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế khi đó là ông Nguyễn Minh Tuấn ký gửi các sở y tế, bệnh viện, viện trực thuộc bộ, cập nhật danh sách sinh phẩm, giấy phép, khả năng cung ứng và giá bán test xét nghiệm, vật tư do các đơn vị cung ứng công bố, Bộ Y tế, kit test của Việt Á luôn đứng ở vị trí số 1 trong danh sách với giá niêm yết luôn là 470.000 bộ. Vậy có hay không sự “ưu ái” của Bộ Y tế đối với sản phẩm của Việt Á?
Trích bản tin ngày 18.12 từ Bộ Công an:
“Để thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt và các đối tượng của Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/kit”. Vậy có thể hiểu Bộ Y tế đã mặc nhiên để Việt Á qua mặt?
Thứ ba, Bộ Y tế cho rằng đã “cương quyết phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong mua sắm, đấu thầu”. Cuối tháng 9.2021, trên các báo và mạng xã hội có nhiều ý kiến phản ánh về giá xét nghiệm COVID-19 đang ở mức cao, Bộ Y tế mới thông tin về vấn đề này như sau: “Bộ Y tế đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra các cơ sở, đơn vị và có nhiều văn bản gửi các đơn vị trong ngành y tế thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong phòng, chống dịch COVID-19. Đặc biệt, kiểm tra, kiểm soát các sản phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 trôi nổi trên thị trường và hiện tượng lợi dụng tình hình dịch COVID-19 để nâng giá, đội giá, đảm bảo chất lượng và giá cả thị trường” (trích bản tin ngày 29.9.2021 trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế).
Vậy thì trước khi Bộ Công an công bố vụ án “Khởi tố 07 đối tượng trong vụ án hình sự Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Việt Á, CDC Hải Dương” ngày 18.12.2021 thì Bộ Y tế có biết, có thông tin hay không? Quá trình thanh kiểm tra đã thu được kết quả gì hay mới chỉ dừng lại ở các văn bản, giấy tờ?
Với những vấn đề nêu trên, Bộ Y tế không thể “rũ trách nhiệm” trong vụ Việt Á chỉ bằng một văn bản khẳng định “đúng quy trình”.
Lao Động, Tiền Phong
Thằng này giàu quá mà còn tham ác ăn cả xương máu bệnh nhân Covid. Mong nó và đồng bọn tù rục xương