Ưa cái đẹp

0
2025

Nét Đẹp Đông Phương

Ưa cái đẹp

(Tặng các em Liên-Hương)

Ưa cái đẹp là thông bệnh của chúng sanh, hay nói là nhân loại cũng vậy.

Em bé lên ba đã biết ưỡn ngực để khoe áo đẹp, xìa chân để khoe giày đẹp, khi mà có ai hỏi: áo đẹp giày đẹp em mô?

Bà vú tôi đã ngoài 70 tuổi, một hôm tôi khen:

– Chà, tóc vú bạc như tóc tiên, đẹp ghê !  

Vú tôi chúm chím cười có vẻ duyên dáng lắm. Khi có việc đi đâu, vú tôi cũng áo thao mỡ gà, quần lãnh đen cẩn thận. Tôi nhận thấy tất cả ý niệm đó, đều là biến hình của cái ưa đẹp cả.

Chao ôi! Cái tuổi lên ba non sữa, với cái tuổi gần đất xa trời mà cũng còn ưa cái đẹp thiết tha như vậy, huống chi trẻ? Vì thế, tuổi thanh niên sức tráng kiện chừng nào thì lòng ưa cái đẹp cũng tăng cường lên như cái tuổi vậy.

Chà, cái áo này đẹp nhỉ, để tôi cũng may một cái mí được. Chiếc vòng nầy kiểu ngộ quá, tôi có tiền cũng mua một chiếc đã. Cho đến cái ô-tô nọ, nhà lầu kia, rồi lại vấn đề người đẹp nữa… Hễ có địa vị chừng nào thì cái đẹp cũng lên giá ngần ấy.

Nói tóm lại, đã ưa thì muốn cái ưa về mình. Chưa được hay thiếu điều kiện, cũng tìm thiên phương bách kế để được cái đẹp về mình. Vì thế mà nhiều khi mất cả nhân cách, địa vị và thân mạng nữa.

Than ôi! Vũ trụ rộng bao la thì cái đẹp cũng nhiều vô số. Chỉ tiếc hai tay con người bé nhỏ quá, làm sao ôm tất cả cái đẹp về mình, để rồi một ngày kia nó cũng cùng mình tan rã! Tất cả cái gì có hình tướng đều chịu chung một định luật vô thường. Người ta dù có tin hay không? Thời gian đã trả lời trong im lặng vậy.

Vả lại, dù cho nhà lầu, ô-tô, người đẹp v.v… có tồn tại đi nữa, nhưng cái đẹp cũng tùy theo quan niệm của mỗi người, nó lại tùy theo phong trào, thế hệ, quốc độ… mà thay đổi.

Thứ gấm ngũ thể đã lỗi thời không còn đẹp bằng hàng ni-lông, nhưng mai đây chắc chắn ni-lông lại phải nhượng bộ cho thứ hàng mới khác. Cho đến sắc đẹp của con người cũng vậy. Nhắc lại cái bài: “Một thương tóc bỏ đuôi gà… Bốn thương răng láng hột huyền kém thua. Năm thương cổ lại đeo bùa. Sáu thương nón thượng quai tua dịu dàng…”, đây là cái đẹp của thời xưa. Song thử tưởng tượng đặt con người đẹp của thời xưa vào bây giờ thì ngó sao cho được?

Tất cả trên đây đã cho chúng ta thấy cái đẹp bên ngoài đều là tạm bợ di dịch cả.

Chỉ có một cái đẹp trường tồn vĩnh viễn lại chính ở ngay nơi chúng ta, muốn dùng khi nào cũng được, khỏi mất tiền mua, không nhọc công tìm kiếm, hiệu chi không biết mà chắc chắn bền lắm. Đã không bị thời gian chi phối, không bị thế hệ đào thải, mà quốc độ phương vực nào cũng đều công nhận là đẹp thật. Càng dùng lại càng đẹp thêm. Như thế sao chúng ta không chịu dùng? Mà cứ ao ước hàng ngoại hóa cho lao thần tổn tứ?

Chúng ta thử hỏi: có phong trào nào xã hội nào? Thời gian thế hệ quốc độ nào lại đi đào thải hay phủ nhận một ý niệm Từ-bi, bác-ái, một lời nói dịu dàng, khoan dung, một hành động lợi tha, nghĩa hiệp? Và còn nữa: Một cử chỉ êm dịu khi cầm tay một người mù để đưa họ một quãng đường. Một lời nói thân mật khi bỏ vào nón bà hành khất một đồng bạc. Một thái độ bình tĩnh khi đứng trước người đương sân hận mình. Niềm nở đón tiếp một người bạn lỡ thời thất nghiệp. Ôn tồn trong câu chuyện với người đến lạc quyên cứu giúp đồng bào về nạn nước lửaChỉ có bấy nhiêu chúng ta cũng có thể hình dung được cái đẹp của tâm hồn, mới không bị phong trào đào thải, thời gian chi phối vậy.

Xưa, đời nhà Tống, ông Hứa Doãn đậu Tấn-sĩ ra làm quan, ông cũng bị cái bịnh ưa đẹp như ai vậy, mà rủi gặp bà vợ xấu quá. Song ông là nhà khoa mục, nên «phụ mẫu chi mệnh» ông không dám trái. Một hôm nhơn ngồi chơi, ông nhìn bà một lúc bực mình quá, mới hất hàm hỏi kháy bà:

– Đàn bà có bốn đức, bà có được mấy đức?

Giọng nói đầy bực tức và khinh bỉ, phải chi gặp người đàn bà khác thì đã xảy chuyện to, vì chạm tự ái người là một lỗi nặng nhất. Nhưng nàng vẫn dịu dàng lễ phép trả lời:

– Thưa Lang-quân, đàn bà có 4 đức (1), thiếp nay chỉ kém về dung (nhan sắc kém) mà thôi. Nhưng thưa Lang-quân, thiếp trộm nghe kẻ sĩ có trăm hạnh, dám hỏi Lang-quân được mấy hạnh?

Hứa Doãn hết sức ngạc nhiên về tài ứng khẩu của vợ, lại càng phục tánh điềm đạm của nàng. Ông hối hận thái độ bất nhã của mình. Nhưng đã trót lỡ nên cũng phải đáp:

– Kẻ sĩ có 100 hạnh, tôi đầy đủ cả trăm.

Nàng nhìn chồng chúm chím cười:

– Trăm hạnh của kẻ sĩ thì đức đứng đầu, thiếp thấy Lang-quân hiếu đức không bằng hiếu sắc, sao lại bảo đủ cả trăm hạnh được ?

Hứa Doãn cảm thấy câu nói của vợ rất có ý vị, ông thẹn và nói lảng chuyện khác. Từ đó ông tìm ở bà có nhiều đức tánh đẹp, Khi ông làm quan, bà cũng giúp chồng nhiều trong công việc trị dân. Đến đâu, dân tình cũng đều sợ oai ông và mến phục đức của bà. Hai ông bà Hứa Doãn thật đã không thẹn với bốn chữ : “Phụ mẫu chi dân” vậy.

Khi làm đến tể-tướng vua thưởng cho 2 người thiếp đẹp, phu nhân thật lòng yêu thương, không ganh ghét như thường tình. Nhưng 2 người thiếp ỷ mình có nhan sắc, trọn ngày chỉ trang điểm lại xa hoa, hách dịch với kẻ dưới, nên không lâu thì Hứa Doãn cho về cả. Từ ấy tuổi càng già ông lại càng trọng bà như người khách quý vậy.

Đọc câu chuyện ngắn trên đây, chúng ta thấy cái đẹp của tâm hồn thật là vô giá. Không gian rộng, thời gian dài, vẫn không làm phôi phai được cái đẹp của tâm hồn. Thế hệ càng lâu xa, cái đẹp của tâm hồn càng tô đậm trên sử sách.

Nhưng giá như có người biết ra cái đẹp của tâm hồn, vậy phải làm thế nào để điêu luyện một tâm hồn đẹp?

Tôi xin giới thiệu với các bạn, nội trong 4 chữ: Từ, Bi, Hỷ, Xả của Đạo Phật, cũng đủ làm phương pháp cho người điêu luyện cái đẹp của tâm hồn vậy.

Thật còn chi đẹp bằng lòng người khi nào cũng muốn đem lại sự an vui cho mọi người mọi vật (Từ). Còn chi đẹp bằng người khi nào cũng muốn cứu giúp hay làm vơi bớt nỗi đau khổ của người của vật (Bi). Còn chi đẹp bằng lòng người luôn luôn vui vẻ hay tha thứ những lỗi lầm của kẻ khác (Hỷ). Và còn chi đẹp bằng, tuy thi ân bố đức cho người mà lòng không cầu người niệm ơn trả ơn (Xả).

Chao ôi! một con người đẹp, mà tâm hồn cũng đẹp nữa, thì tưởng tượng xã hội sẽ đẹp biết bao và cái đẹp được như vậy thì ai mà chả ưa cái đẹp?

——–

(1) 4 đức: công dung ngôn hạnh

Thích nữ Thể-Quán

guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận