Kiểm tra chung cư tại phường Hưng Phú (quận Cái Răng, TP Cần Thơ), lực lượng làm nhiệm vụ phát hiện và tạm giữ 71 búp bê nghi là Kumanthong.
Ngày 6/4, Công an TP Cần Thơ cho biết, đang tạm giữ 71 búp bê nghi Kumanthong, điều tra làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Qua công tác điều tra, chiều 5/4, Công an quận Cái Răng tiến hành khám xét nơi cất giấu tang vật vi phạm hành chính là nhà ở tại số P328 khu Chung cư Hưng Phú (lô A) do Thái Thị Yến Nhi (SN 1997, ngụ quận Thốt Nốt), thuê làm nơi để ở và kinh doanh mặt hàng búp bê.
Tang vật được cơ quan Công an tạm giữ. |
Tại đây, cơ quan Công an phát hiện 71 búp bê (nghi Kumanthong) để trong thùng cacton. Quá trình kiểm tra, Nhi không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Hiện nay trên mạng xã hội có hàng chục hội, nhóm kín được lập ra chuyên trao đổi, mua bán và chăm sóc “búp bê Kumanthong”. Một số đối tượng thổi phồng, tạo vẻ huyền bí để lừa đảo những người nhẹ dạ, cả tin.
Mỗi búp bê Kumanthong được rao bán với giá từ vài triệu đến cả trăm triệu đồng.
Công an quận Cái Răng đã tạm giữ toàn bộ số búp bê nghi Kumanthong, điều tra làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trò bịp bợm Kuman Thong: Thâm nhập thế giới búp bê
Từ khoảng đầu năm 2015 trở lại đây, ở một số tỉnh, thành phía Nam đã xuất hiện phong trào “nuôi Kuman Thong” – là một loại búp bê làm từ đất sét, gỗ, nhựa hoặc silicon – có xuất xứ từ Thái Lan. Người nuôi phần lớn là những người trẻ tuổi cùng một số người trong giới kinh doanh, thương mại.
Họ tin rằng nuôi Kuman Thong sẽ mang lại danh vọng, tiền tài nhưng nếu nuôi mà hắt hủi nó thì sẽ gặp phải tai họa. Chẳng thế mà trưa ngày 20-2-2019, khi một thiếu nữ nhảy lầu tự tử ở chung cư Gold View, quận 4, TP Hồ Chí Minh thì trên mạng xã hội, một số người trong nhóm nuôi Kuman Thong đã quả quyết nạn nhân chết vì… Kuman Thong(?!).
Đi vào xứ sở Kuman Thong
Ra khỏi sân bay quốc tế Bangkok, Thái Lan, tôi gọi một chiếc taxi rồi bảo tài xế đưa đến bến xe bus ở ga Kamphaeng Phet 2 để mua vé đi Chiang Rai, miền Bắc Thái Lan, nơi được cho là quê hương của búp bê Kuman Thong.
Trước đó, thầy giáo Nguyễn Long Thành, Giám đốc Trung tâm giáo dục và luyện thi đại học An Sương, quận 12, TP HCM đã cho tôi số điện thoại của một người bạn – là thầy giáo Thamasat – dạy tiếng Anh tại trường trung học huyện Wiang Chiang Rung, tỉnh Chiang Rai để tôi có thể có sự hỗ trợ nếu cần thiết.
Gần 21 giờ, trải qua 11 tiếng trên xe bus, tôi đến thành phố Chiang Rai, thủ phủ của tỉnh Chiang Rai. Lấy phòng khách sạn xong, tôi gọi Viber cho thầy giáo Thamasat. Qua vài câu thăm hỏi, ông hẹn gặp tôi vào lúc 9 giờ sáng mai vì từ huyện Wiang Chiang Rung đến thành phố Chiang Rai, chạy xe máy mất gần 1 tiếng đồng hồ.
21 giờ 30, tôi rời khách sạn đi tìm bữa ăn tối. Lúc gửi lại chìa khóa phòng ở quầy tiếp tân, tôi nhìn thấy trong góc cuối cùng bên trái, trên mặt quầy là một con búp bê Kuman Thong với bộ quần áo rất sặc sỡ.
Trước mặt nó là 1 lon nước tăng lực Red Bull với cái ống hút cắm sát vào miệng. Con búp bê này là con gái, làm bằng silicon với mái tóc dài vàng óng, đôi mắt to tròn và hàng mi cong vút. Điểm nổi bật trên khuôn mặt bầu bĩnh là cái mũi dọc dừa cùng đôi môi bóng đỏ màu son.
Tôi hỏi cô tiếp tân rằng có lẽ cô là người yêu thích búp bê? Khẽ lắc đầu, cô trả lời với vẻ rất thành kính: “Không phải đâu. Đó là Kuman Thong. Người Thái tụi em nuôi nó để cầu mong sự may mắn. Ở Chiang Rai, rất nhiều người giàu lên nhờ nuôi Kuman Thong”. Tôi hỏi tiếp: “Vậy tôi nuôi được không?”. Cô tiếp tân đáp: “Dạ, ai nuôi cũng được, miễn là phải tin nó và chăm sóc nó như con mình vậy”.
9 giờ sáng hôm sau, thầy giáo Thamasat đến khách sạn gặp tôi. Bên ly trà ở sảnh tiếp tân, ông cho biết: “Kuman Thong, tiếng Thái có nghĩa là “Cậu bé Vàng”. Theo truyền thuyết, Kuman Thong là thần hộ mệnh trong tín ngưỡng dân gian Thái Lan, người ta tin rằng Kuman Thong mang lại sự may mắn, tài lộc cho người sở hữu nó nếu nó được thờ cúng chu đáo. Nhưng nếu nuôi nhầm Kuman Thong “ác” thì nó sẽ chỉ mang lại tai họa tán gia bại sản, thậm chí là chết người”.
Vẫn theo thầy giáo Thamasat, tục thờ Kuman Thong ở Thái Lan đã có từ hàng nghìn năm trước, do các thầy cúng (Saiyasat) thuộc tộc người Pali khởi xướng. Theo đó, khi một người mẹ mang thai gần đến ngày sinh nở nhưng chẳng may qua đời, Saiyasat sẽ lấy thai nhi ra khỏi người mẹ rồi sấy khô trên lửa, vừa sấy vừa đọc thần chú gọi hồn.
Thấy giáo Thamasat nói tiếp: “Khi đã sấy khô, toàn thân thai nhi được phủ bằng sơn mài trộn với vàng rồi được bọc kín bằng vàng lá. Vì thế nó mới có tên là “Cậu bé Vàng”. Trước kia, khi hỏa thiêu người chết là trẻ con, các Saiyasat còn lấy mỡ chảy ra từ tử thi bôi lên Kuman Thong rồi mới bọc vàng. Ở một số nơi thuộc huyện Thoeng, tỉnh Chiang Rai, Saiyasat thường đốt một cây nến hoặc một đĩa dầu, đặt dưới cằm của một đứa trẻ đã chết. Khi mỡ từ cằm tử thi chảy ra – gọi là Nam Man Prai – thầy cúng sẽ bôi lớp mỡ ấy lên Kuman Thong, nhưng hiện nay việc này đã bị cấm”.
Để giúp tôi biết thêm về Kuman Thong, thầy giáo Thamasat rủ tôi về huyện Wiang Chiang Rung, nơi ông sinh sống và dạy học.
Tại đó, ông đưa tôi đến gặp ông Khun Tan, chủ một hiệu buôn ở chợ huyện với lời dặn: “Tôi sẽ giới thiệu anh là người đang muốn tìm hiểu về Kuman Thong để đem về Việt Nam nuôi nhưng anh nhớ là nếu chụp hình thì phải xin phép. Ở Thái Lan, những người nuôi Kuman Thong đều xem nó là sinh vật sống, biết vui, buồn, yêu, ghét, hờn, giận, nên nếu chụp hình mà không được nó đồng ý thì nó sẽ giận người nuôi nó và cả anh nữa(?!) Anh và người nuôi sẽ gặp nhiều chuyện không may”.
Tôi hỏi cái đó có thật không thì thầy giáo Thamasat cười: “Chỉ là thứ ba láp! Hồi nhỏ con gái tôi chơi Kuman Thong chán thì nhổ sạch tóc, vặt cả hai hàng lông mi. Thậm chí bẻ cả đầu ra mà bây giờ nó đã tốt nghiệp đại học”.
Tiệm tạp hóa của ông Khun Tan nhìn khá bề thế với hàng trăm mặt hàng gia dụng. Tất cả đều là hàng Thái. Trên vách tường phía trong, gần cửa ra nhà sau là một bàn thờ nhỏ bằng gỗ, có một con Kuman Thong gái mặc váy áo xanh đỏ lòe loẹt ngồi dạng chân. Trước mặt nó, tôi nhìn thấy một ly sữa với cái ống hút hướng về miệng nó cùng mấy lon nước ngọt, một đĩa trái cây, một gói bánh snack và một bình hoa.
Ông Khun Tan nói (thông qua lời dịch của thầy giáo Thamasat): “Hơn 300 năm trước, giữa lúc Thái Lan đang xảy ra chiến tranh với các quốc gia lân cận, Khủn Phaẻn, một vị tướng người Thái phát hiện vợ mình là Bua Kli ngoại tình. Để có thể công khai chung sống với tình nhân, Bua Kli lén bỏ thuốc độc vào thức ăn nhằm giết chết Khủn Phaẻn nhưng ông đã ra tay trước. Sau khi giết vợ, Khủn Phaẻn phát hiện vợ mình đang mang thai nên ông mổ bụng, lấy thai nhi ra rồi sấy trên lửa cho tới khi khô quắt. Tiếp theo, ông bọc vàng lá toàn thân thai nhi, gọi nó là Kuman Thong. Từ đó, đi đâu ông cũng mang Kuman Thong theo, đánh trận nào thắng trận nấy, danh tiếng lẫy lừng. Một số binh lính dưới quyền ông thấy vậy nên ai cũng bắt chước nuôi Kuman Thong, và ai cũng công thành danh toại…”.
Thầy giáo Thamasat tiếp lời ông Khun Tan: “Xuất phát từ những truyền thuyết ấy, rất nhiều người Thái thờ Kuman Thong nhưng hiện tại, không hề có một Kuman Thong nào được làm từ xác thai nhi mà họ làm bằng đất, vải, đồng, gỗ, nhựa và thậm chí đúc từ silicon, giống như những con búp bê Barbie, nhìn y người thật”.
Những huyễn hoặc về Kuman Thong
Đúng như lời thầy giáo Thamasat và ông Khun Tan, trong 2 ngày ở Chiang Rai, tôi thấy rất nhiều Kuman Thong được thờ trong các hiệu buôn, cửa hàng tạp hóa, siêu thị, ngân hàng, khách sạn và thậm chí trên chiếc xe bus chạy tuyến Chiang Rai, Bangkok cũng có một Kuman Thong ngồi chễm chệ trên mặt bảng đồng hồ hiển thị tốc độ.
Qua tìm hiểu, tôi được biết người Thái chia Kuman Thong thành 2 dòng chính. Một là dòng Kuman (hay còn gọi là “Phet Đen”) mà theo lời Thamasat, nó là tà đạo, gồm 4 loại Kuman Thong với những cái tên “Phet Mằm”, “Phet Đặp”, “Phet Kong”, và “Phet Sủn”, có khả năng làm hại kẻ thù bằng các hình thức khiến họ điên khùng hoặc bất đắc kỳ tử, hoặc tán gia bại sản, hoặc gặp phải những chuyện kinh hoàng, chẳng hạn như xúi họ và người thân của họ tự tử (?!).
Vẫn qua lời dịch của thầy giáo Thamasat, một tài xế taxi ở thành phố Chiang Rai kể tôi nghe câu chuyện “chính mắt anh ta nhìn thấy” vì lúc đó anh ta làm việc tại nơi xảy ra sự kiện, rằng hồi năm 1972, một phi công Mỹ ở căn cứ không quân Udon, Thái Lan, do báng bổ Kuman Thong Phet Đặp bằng cách ném nó vào thùng rác sân bay nên trong một phi vụ, khi vừa cất cánh thì máy bay nổ tung.
Xác viên phi công văng ra khỏi buồng lái rồi rơi đúng vào cái thùng rác mà anh ta đã ném con Phet Đặp (?!). Thế nhưng khi về lại Việt Nam và khi tra cứu lịch sử hoạt động của sân bay U Don trên trang web của Không quân Mỹ, tôi không hề tìm thấy bất cứ một thông tin nào về vụ một chiếc máy bay nổ tung khi vừa cất cánh vào các năm 1971, 1972, 1973, trong lúc tất cả mọi sự cố liên quan đến máy bay ở Udon đều được trang web ghi lại rất rõ ràng, kể cả những chiếc bị bắn khi tiến hành ném bom miền Bắc Việt Nam cũng được mô tả cụ thể như ai là người lái, bị bắn ngày nào, ở khu vực nào, trên máy bay có bao nhiêu vết đạn, trúng vào những bộ phận nào…, nên tôi có thể kết luận rằng câu chuyện của anh tài xế taxi chỉ là chuyện bịa, nhằm thổi phồng quyền lực của Kuman Thong!
Loại Kuman Thong thứ 2 được gọi là “Kuman phù độ”, chia thành 2 loại: Kuman Prai và Kuman Thep. Nó giúp chủ nhân của nó buôn may bán đắt, tiền bạc đầy nhà, tránh được sự hãm hại của các thế lực tà ma yêu quái.
Những câu chuyện truyền tụng về sự linh thiêng của Kuman Prai và Kuman Thep nhiều như lá cây rừng, đến nỗi gặp bất cứ một người nào nuôi loại Kuman Thong này rồi hỏi về nó, tôi đều được họ kể cho nghe, đại loại như khách sạn A đang rất ế ẩm nhưng khi chủ nhân khách sạn nuôi Kuman Thep thì khách vào nườm nượp, chỉ sau 1 năm đã mua thêm được miếng đất xây khách sạn mới.
Hay như ông chủ thầu B đang đến hồi phá sản, nuôi con Kuman Prai thì tự nhiên nhận được 5, 6 cái hợp đồng, bây giờ là đại gia ở tỉnh Udon Thani.
Nhưng khi tôi hỏi họ tên, địa chỉ của hai nhân vật ấy thì câu trả lời chỉ là: “Không biết! Nghe người ta đồn vậy”. Thầy giáo Thamasat nói: “Cả trăm năm trước, do thiếu xác thai nhi nên có lúc Kuman Prai và Kuman Thep được làm từ xương trẻ em, tro cốt trẻ em sau khi thiêu nhưng hiện tại, do luật pháp Thái Lan nghiêm cấm nên cũng như tất cả những Kuman Thong khác – dù “chính” hay “tà” – đều được làm bằng gỗ, đất, kim loại, nhựa hoặc silicon…”.
Cảnh giác với luận điệu lừa bịp
Từ những năm 2000 trở về trước, việc thờ cúng Kuman Thong hầu như chỉ nằm trong phạm vi đất nước Thái Lan, chủ yếu ở các tỉnh miền bắc như Chieng Rai, Chieng Mai, Udon Thani và trong giới kinh doanh, thương mại tại các thành phố lớn như Bangkok, Pattaya, Phuket, Nakhon Pathon…
Đến ngày 18-5-2012, một người Đài Loan 28 tuổi, quốc tịch Anh là Chow Hok Kuen bị cảnh sát Thái Lan bắt trong một phòng khách sạn ở huyện Yaowarat, Bangkok với 6 bào thai nam đã được sấy khô, phủ vàng, cất giấu trong túi hành lý.
Theo lời khai của Chow, anh ta mua 6 con Kuman Thong này ở Chieng Rai với giá 50.000 bath (tương đương 1.600 USD) và dự định đưa nó về Đài Loan, nơi có người trả anh ta mỗi con 6.400 USD. Kết thúc điều tra, cảnh sát Thái Lan tịch thu 6 con Kuman Thong để tiêu hủy, còn Chow bị phạt 2.000 bath và 1 năm tù. Những người Thái đã bán Kuman Thong cho Chou cũng bị bắt và bị tù.
Trên mạng xã hội, do những người nuôi Kuman Thong lập ra lúc ấy đã khẳng định 6 con Kuman Thong mà Chow Hok Kuen mua là loại Phet Sủn. Vì thế nó mới mang lại tai họa cho Chow Hok Kuen cùng những người đã làm ra nó.
Trang mạng cũng giải thích khi bắt đầu nuôi Kuman Thong, nếu muốn nó thành Phet Sủn, Phet Đặp, Phet Mằm thì hàng ngày phải giết một số loài động vật còn sống như vịt, gà, chuột, chim, cá… ngay trước mặt nó rồi lấy máu của những loài ấy bôi vào miệng nó. Như thế, nó sẽ trở thành Kuman Thong ác (?!).
Nếu muốn hại ai thì chỉ cần tặng (hoặc bán) con Kuman Thong “ác” cho người ấy – nhưng tuyệt đối không được tiết lộ cách nuôi bằng máu động vật – thì họ sẽ gặp vô vàn điều xui xẻo. Bởi lẽ con Kuman Thong “ác đã quen sống bằng máu, nay nuôi nó với sữa, nước ngọt, bánh kẹo thì nó… nổi điên lên là đúng rồi(!?)
CAND