Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12 Trang 13 Trang 14 Trang 15 Trang 16 Trang 17 Trang 18 Trang 19 Trang 20Kế tiếp
Chương 7
ÁI CHÚC THƯ CỦA NGƯỜI CÒN SỐNG
CUỘC KHẨU CHIẾN CỦA MẤY NHÀ KHOA HỌC
ÁI TÌNH MÀY CÒN ĐỢI GÌ?
Cụ Hồng lúc ấy đã nhắm nghiền hai mắt lại. Trên cái sập gụ khảm mà giữa là cái khay đèn, cụ nằm một bên, thằng xe một bên, cụ bà thì ngồi phía dưới chân. Thằng xe lúc ấy đã rửa sạch hai cái chân ngựa người để gánh vác cái trách nhiệm nặng nề của người bồi tiêm thuốc phiện.
Cụ Bà nói:
– Ông ạ, tuy vậy tôi cũng cứ cho mời cụ lang…
Cụ Hồng lại nhăn mặt lần thứ mười mà khẽ gắt cũng lần thứ mười rằng:
– Biết rồi! Biết rồi! Khổ lắm, nói mãi!
Đã hiểu cái tính ấy, cụ bà cứ thản nhiên nói tiếp:
– Ấy thế rồi… ta cứ lo toan trước cái việc ma chay đi mà thôi.
– Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi!
– Tôi thì tôi nghĩ nên theo cả lối cổ và lối mới, nghĩa là cứ minh tinh, nhà táng, kèn tầu, kiệu bát cống, và rõ nhiều câu đối. Nếu chúng nó muốn thì chúng nó cứ đi thuê kèn bú rích Tây đi càng hay. Nhưng mà không thể vì cái thích của chúng nó mà bỏ cái thích của tôi được.
– Biết rồi! Khổ lắm… nói mãi!
Đến đây thì cụ bà không nói gì nữa, ngồi trầm ngâm nghĩ ngợi, làm cho cụ ông phải hỏi ngay:
– Thế sao nữa, hở bà?
Thằng xe đã quen những cái ấy lắm nên cũng không lấy làm gì buồn cười nữa. Cụ bà lải nhải kể lể những mớ lễ nghi phức tạp nó làm cho một gia đình thành ra muốn pha trò, mỗi khi gia đình ấy sắp được hân hạnh là tang gia.
Cách cái lệ bộ, ở phòng khách bên ngoài, lúc ấy khách khứa đông lắm. Ngoài số những người họ hàng lại có bạn hữu của vợ chồng Văn Minh. Người nào cũng đã lên gác chỗ có giường cụ cố tổ, vén màn nhìn vào rồi rón rén lui ra chạy ù xuống nhà dưới, cho thế là xong cái bổn phận đi thăm một người ốm nặng. Họ xúm nhau lại uống nước, hút thuốc, chuyện trò vui vẻ lắm, vì bệnh nhân mà chết thì thực là đáng mừng cho họ. Do thế, người ta bàn soạn y như trong nhà đã có người chết rồi, chứ không phải chỉ có người ốm.
Ông Typn đã được mời ngay đến để nghĩ cách chế tạo một vài kiểu quần áo tang tối tân. Ông nhà báo đã được sự chủ khẩn khoản yêu cầu viết bài cáo phó, bài tường thuật, và sửa soạn chụp ảnh đăng báo.
Văn Minh vợ mơ màng một cách sung sướng rằng chỉ nay mai là sẽ được ăn vận toàn trắng, một điều mà bà vẫn ao ước bấy lâu nay. Văn Minh chồng ngồi hút thuốc lá Ăng-lê, cũng mơ màng đến phần tài sản mà ông ta sẽ được hưởng, nếu ông nội ông ta chết.
Đã hơn một năm nay, ông cụ già cay nghiệt đã đến tìm một ông chưởng lý văn khế để giao hẹn với pháp luật rằng mình có chết thì phần lợi tức của mấy chục nóc nhà mới được đem ra cho con cháu chia nhau… Ông cụ già không biết rằng nếu cái chết của mình lại có lợi cho con cháu đến như thế thì con cháu không khi nào lại muốn cụ cứ sống như thế mãi, dù là một ngày, dù là một giờ. Xưa kia, cụ đã trắng tay làm nên giàu, âu cũng là sinh ư nghệ, tử ư nghệ, hoặc là một cách chết vì nghĩa vụ.
Cậu Tân, mà ai cũng gọi là Tú Tân, không phải vì đã đỗ Tú Tài, nhưng mà vì đã ba lần thi trượt cái phần thứ nhất của bằng Tú Tài, lúc ấy loay hoay hai ba cái máy ảnh, cân nhắc xem hôm đi đám nên dùng đến cái nào thì hơn.
Bà Phó Đoan ngồi ẵm cậu con cầu tự của bà như một hiền mẫu.
Ông Joseph Thiết – một bạn thân của Văn Minh – thì ngồi trầm tư mặc tưởng với cái ý định mở một tờ báo bảo hoàng, không phải làm việc cho triều đình Huế, nhưng cho dòng họ Orléans bên Pháp, và cho ông Léon Daudet.
Nhân dịp sắp có đám ma, ông cổ động cho ông:
– Khi ông Bainville chết, lúc tôi còn là một đảng viên Thập tự lửa mà đi đưa đám, thì một nửa dân thành phố Paris, gồm các chính đảng ở cực hữu…
Song ông nói không ai nghe, vì người ta còn mải nghe ông Typn đương bàn:
– Quần áo nhất định bằng nhiễu Thượng Hải trắng mà viền đen. Cổ áo sẽ có hoa thị, cánh trắng cũng viền đen! Mũ mấn cũng thế! Trắng viền đen nổi hơn đen viền trắng.
Bà Phó Đoan khen:
– Thế thì nhất! Thế thì ai cũng muốn có trở!
Cậu Phước nguẩy đầu một cái:
– Em chã.
Bà Văn Minh ẻo lả hai bàn tay ngọc khẽ vỗ vào nhau
– Được lắm! Dernières créations!(1)
Duy có ông Phán mọc sừng là ngồi im với hai con mắt đầy những căm hờn. Ông buồn bực vì không thấy vợ ông có mặt tại đây. Ông muốn tìm Xuân cũng không gặp. Ông bèn hỏi ông Văn Minh:
– Này bác, thế ông Xuân đâu?
– Ông ấy đi lấy thuốc, cũng sắp về.
Rồi người ta cãi nhau ỏm tỏi một cách đích đáng về vấn đề chức nghiệp in trong cáo phó.
Giữa lúc ấy, cô Tuyết bước vào. Cô này là con gái út cụ Hồng, mới 18 tuổi đúng, rất có nhan sắc, lại cũng lãng mạn theo cái lối tân tiến rởm…
Cô nói:
– Tôi đến nhà cả hai cụ lang, tôi chẳng gặp cụ nào cả, tôi bèn dặn cả hai cụ cùng đến.
Cụ bà trong nhà thét lên:
– Chết! Sao mày lại dại thế, hở con? Thế thì hai cụ lại giận nhà này đến chết mất thôi!
– Cái gì? Việc gì phải mời đến những hai ông lang? Người ta đã bảo chờ ông Xuân đi xin thuốc Thánh ở đền Bia về…
Bạn ông là Joseph Thiết cắt nghĩa ngay:
– Ồ! Toa mà lại chịu được nước thuốc đền Bia! Thế thì toa điên thật!
– Không! Chữa bệnh cốt ở lòng tin thuốc, toa phải hiểu thế nào là tự kỷ ám thị mới được! Hễ tin là khỏi, mà ông cụ nhà moa tin thuốc Thánh đền Bia lắm.
– Sao đã bảo có một ông Xuân nào là sinh viên trường thuốc chữa chạy cho cụ kia mà.
Ông Văn Minh cắt nghĩa ngay:
– Chính thế! Ông Xuân đã ngồi trò chuyện với ông cụ và được kính phục lắm. Thế là một mối tin nhé? Rồi ông Xuân cũng lại công nhận thuốc đền Bia, thì làm gì toa bảo ông cụ nhà moa lại không khỏi? Hai mối tín ngưỡng đủ khiến cho một ông lang băm cũng trở nên có tài!
Ông Joseph Thiết vì không hiểu cái ẩn tình, cái ý riêng của bạn, liền biểu đồng tình:
– Nói thế kể cũng có lý.
Được thể, Văn Minh lại mắng cô em:
– Thế thì ai bảo cô mời những hai ông lang? Hở cô ả?
Tuyết cãi:
– Đẻ bảo tôi thế thì tôi cứ thế, chứ tôi biết đâu đấy?
Văn Minh chạy vào phía trong tìm mẹ.
– Ồ! Phiền quá đi mất! Phiền quá đi mất! Rồi thì chết vì thuốc mất! Nhiều thầy thối ma, đẻ lại không biết câu phương ngôn ấy hay sao?
Cụ bà chép miệng rồi nói chữa:
– Thôi thì để hai cụ cắt vài thang thuốc bổ rồi thôi vậy.
Cụ ông nhắm nghiền mắt lại, gắt:
– Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi!…
– Thế người ta giận thì nhà này có người ốm thì ai đến chữa cho nữa.
Giữa lúc cuống quýt lúng túng ấy, Xuân Tóc Ðỏ bước vào, một cái chai nước rất bẩn thỉu cắp ở nách, một gói lá kỳ dị ở tay. Nó trông thấy ông phán dây thép, chợt nhớ đến bộ Âu phục mới may của nó thì hiểu ngay ra cái nghĩa chữ tín ở đời. Nó bèn dõng dạc khoang thai:
– Thua ngài, ngài là một người…
Nhưng ông phán mọc sừng vội nháy mắt xua tay ra hiệu kín thì nó lại thôi. Người ta xúm quan Xuân hỏi han nó về cuộc hành trình, về tin tức đền Bia, cũng có vẻ vồ vập nó như nó là một vị hoàng tử. Nhất là Tuyết, sau khi thấy anh ruột tiến cử vắng mặt Xuân là sinh viên trường thuốc, thì cứ đứng đờ ra mà nhìn Xuân bằng cặp mắt rất ngây thơ. Văn Minh trợn hai con mắt ốc nhồi, ưỡn cái cổ lộ hầu, vuốt mảng tóc uốn quăn một cách trịnh trọng, rồi nói:
– Mời các ngài lên xem chữa thuốc Thánh!
Cả bọn đứng lên toan theo Văn Minh lên gác là chỗ có người bệnh…
Song le cụ lang Tỳ và cụ lang Phế đã cùng bước vào nhà một lúc, để cho phu xe phải đòi tiền nhặng lên theo cái lối các bậc danh y đi xe. Cô Tuyết ra trả tiền. Trong lúc bối rối, không biết xử trí ra sao, cụ Hồng đã bất đắc dĩ ngồi nhỏm lên, mời tất cả mọi người lên gác vậy.
Lúc ấy trên gác chỉ có ông Hai và cô Nga là con gái ông ta. Ông Hai tuy là em ruột cụ Hồng, song vì an cư lạc nghiệp nơi thôn quê nên bị coi rẻ. Mỗi một chủ chỉ của anh ông, cháu giai cháu dâu ông, đều làm ông kinh ngạc như người tiên giới bị rơi xuống trần gian… Yên trí mình nhà quê hủ lậu, ông không hề dám có một dư luận gì về những điều mà ông thấy hình như là kỳ quặc. Ngay đến cái gái ông, ông cũng không dám dạy bảo gì, mỗi khi cô Nga ra tỉnh mà tải về làng một ít ngôn ngữ hoặc cử chỉ của cuộc văn minh tiến bố ở xứ ta.
Khi thấy tin cụ tổ mêt nặng, ông Hai vội vã ra tỉnh ngay và đã ngồi suốt đêm ngày ở đầu giường bố để nâng bố dậy, để đỡ bố nằm xuống, để đưa cái ống nhổ… để xúc một thìa chào… Ông không ghen tị vì cụ Hồng cứ an vị mà hút thuốt phiện, vì các cháu không chăm sóc đến cụ già. Ông thấy chỉ một mình ông vất vả thì lòng hiếu đễ càng tăng.
Ngưòi ta rón rén lên, người nào cũng tự kiếm cho mình một chỗ, không ai phải mời mọc ai cả. Văn Minh để cụ lang Tỳ, cụ lang phế ngồi cạnh bệnh nhân, rồi giơ gói lá và lọ thuốc Thánh ra.
– Ðây, thuốc Thánh chúng tôi xin ở đền Bia cho cụ chúng tôi đây. Thưa hai cụ, khoa học của người trần dù tiến bộ đến bậc nào thì cũng mang mầu nhiệm bằng sự cứu vớt chúng sinh của đức Thánh được.
Cụ lang Tỳ giơ gói lá, xem xét một lúc rồi nói:
– Ồ! Rau thài lài! Rau xam! chỉ có thế này thôi ư?
Cụ lang Phế cầm lọ nước, soi lên bóng đèn điện mà rằng:
– Ơ kìa! Nước quỷ gì thế này? Nước ao à?
Văn Minh đưa mắt nhìn Xuân Tóc Ðỏ. Anh chàng này nói ngay:
– Vâng, chỉ có thế, nhưng mà chữa khỏi, vì là thuốc Thánh. Tôi đã xin âm dương, tôi đã được Thánh bạn lộc cho, tôi đã thấy hàng nghìn người khỏi bằng những thứ này rồi.
Cụ lang Tỳ ra vẻ giận dỗi mà rằng:
– Thuốc men mà thế này thì công tôi bao lâu nay cũng toi! Ðã cắt ba thang, đã đỡ, ấy thế mà…
Cụ lang Phế cũng nói ra ý bóng gió:
– Thưa cụ, không phải tôi đến tranh công của cụ. Nếu thuốc của cụ mà hay thì hẳn người ta không phải đi xin thuốc Thánh đền Bia!
Cụ lang Tỳ giật phắt lấy lọ nước trong tay cụ lang Phế nói:
– Ðể tôi xem! Nước này mà là nước ao! Nước này chính là nước ruộng! Uống nước này thì khỏi hết bệnh, không còn bệnh mà chữa nữa!
Cụ lang Phế cự lại:
– Cụ vặc ra với ai thế? Cụ giật lấy để làm gì thế? Ðơn tôi kê đấy à?
Nhưng cụ lang Tỳ đã không chịu nhận lỗi lại còn phát bản:
– Phải! Không là đơn của cụ nhưngmà nó là nước ở ruộng chứ không phải là nước ao! Làm thuốc thì phải biết phân biệt nước ao, nước ruộng.
Cụ Phế đứng phắt dậy:
– Thôi, chịu ông rồi! Cả người này chỉ có ông là biết nghề thuốc!
– Biết hay không mặc xác tôi!
Hai vị danh sư lúc ấy cùng đứng trước mặt nhau, sấn sổ nhìn nhau. Sự nóng nảy của hai vị cùng như nhau, không thể ai can mà được nữa.
– Này đừng khoe mẽ! Ðám mạ cụ Tuần Vi mới ngày hôm kia chứ đâu!
– A! A! nhưng cụ Tuần Vi cũng thọ hơn sáu chục tuổi rồi! Anh muốn đổ cho tôi phỏng? Thôi đi, sao anh không nhắc đến chuyện con bé Chắt nhà ông tham Vĩnh mà ông bốc có hai thang là nó đã lăn đùng ra chết.
Cụ Phế giơ hai tay phân vua mọi người:
– Ai Bảo? Ai bảo là hai thang? Sao nó sốt nó lại ăn mận? Không thì việc gì! Hai thang à? Thế anh có nhớ đứa nào chỉ có hai xu thuốc đau bụng mà cậu ký Ðại suýt nữa mất mạng đấy. Thế mà đòi là lang? Lang thế, mấy lúc mà tù mọt gông? Lang băm ấy à?
Nhung cụ Tỳ thản nhiên ngồi xuống ghế, đủng đỉnh nói:
– Lang băm? Có lẽ!… Nhưng không làm đoạ thai người nào thì thôi.
Cụ Phế ngẫu nhiên có hai mắt to như ốc nhồi:
– A! Anh to gan nhỉ? Nói nữa! Nói nữa đi xem nào?
– Chứ lại sợ à? Nói tại Sở Liêm phóng cho mà xem!
– Này không phải doạ! Chưa chắc đâu! Hỏi cái đứa nào đánh mộng mà đến nỗi lòi con ngươi người ta ra, nó đây kia! Nó đây kia!
– Số nó mù thì anh bảo sao? Anh muốn tôi lục đến thằng bé sài suyễn mà anh chữa bằng lá ổ nhĩ mãi không?
– Sao không nói đến bệnh trẩy kinh của bà Phó Ðoan mà anh kêu là có chửa?
Bà Phó Ðoan đương cười khúc khích, bỗng phải hỗ thẹn, vội chạy tọt ra gác sân.
– Anh là thằng khốn nạn nhé! Thế cô Nga đây kia hôi nách mà anh chữa bằng dầu bạc hà trong sáu tháng giời không khỏi thì sao?
– Sáu tháng? Thế trong ba năm giới sao anh không cho sạch mấy nốt ghẻ ở mình cô Tuyết kia đi?
Cô Nga và cô Tuyết cùng đương bưng miệng cười bỗng đỏ mặt ngẩn người ra như gỗ, rồi lôi nhau cắm cổ chạy mất! Văn Minh lôi cụ Tỳ xuống thang, ông Hai lôi cụ Phế ra một nơi. Cụ Hồng thì cứ:
– Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi!
Những người khác hoặc rũ rượi ra cười hoặc xúm quanh cụ Phán bà khuyên giải, vì bà cụ đã mếu máo khi người ta nói rõ mấy nốt ghẻ ruồi của con gái út cụ ra cho ai cũng hay. Trận đấu khẩu của hai vị danh sư làm cho ông lão 80 tuổi đương nằm rên mà tỉnh hẳn người ra như không ốm đau gì cả. Cụ ngơ ngác hỏi:
– Ô hay? Cái gì mà cười nói vui vẻ thế này? Tôi thức hay tôi ngũ mê thế này?
Văn Minh lúc ấy đã tống khứ hai vị danh sư khỏi nhà rồi, liền ngồi xuống bên giường mà rằng:
– Thưa ông, ấy là con cháu vui mừng vì ông khỏi bệnh đấy ạ!
– Tôi khỏi rồi ư? Tôi, chưa chết ư? Lạy Giời!
– Thưa ông, nhờ có ông đốc tờ Xuân đây mà ông khỏi đấy ạ.
– Ðâu? Thế thuốc Thánh đền Bia đâu?
– Bẩm ông đã uống một nửa rồi nên mới tỉnh táo thế.
– Thế à!
– Vâng.
Nói xong Văn Minh nháy mắt ra hiệu cho Xuân nói:
– Thưa cụ con đã xin âm dương… Thánh phán rằng một ông đốc tờ mà chịu ơn Thánh thì Thánh sẵn lòng giúp lắm. Chứ mà ông lang ta thì không đời nào Thánh giúp.
Ông cụ già vui mừng hỏi:
– Ðâu, còn thuốc cho tôi uống nốt.
Xuân Tóc Ðỏ đưa lọ nước ruộng và mấy cái lá thài lài ra. Ông cụ già nói:
– Nghe người ta nói thì thuốc Thánh ban cho phải là nước ao, thật bẩn thỉu, thật hôi tanh, ô uế, thì mới khỏi được bệnh kia đấy. Ðừng ai đánh lừa già đấy nhé!
Người ta cho bệnh nhân ăn mấy lá rau sam, rau thài lài, và uống mấy chén nước ruộng ấy. Thật là thuốc Thánh! Bệnh nhân độ nữa giờ đã tỉnh táo khác thường, ngồi dậy một mình được, đã ăn được nửa bát cháo.
Ðêm ấy, khi mọi người đi ngủ thì trong phòng người ốm chỉ cảm ơn Xuân Tóc Ðỏ và cô Tuyết săn sóc mọi việc mà thôi. Ðến chính ông Hai cũng ngủ mê ngủ mệt ở một cái trường kỳ gần đấy, vì ông đã hơi yên tâm là cụ tổ sẽ được mạnh khoẻ đến nơi rồi. Tuyết đã lấy chữ hiếu ra làm cớ để cùng thức với Xuân. Hai bên tuy không nói chuyện với nhau song bốn con mắt đã đủ nói giỏi hơn hai cái mồm.
Bệnh nhân ngủ yên, hết ho khạc, hết cả rên, cựa cậy cũng ít.
Mặt trăng soi qua cửa kính…
Hồi lâu, Tuyết đánh bạo nói:
– Thưa ngài, cụ lang vu oan, chứ tôi… tôi khỏi mấy nốt ghẻ đã từ lâu rồi.
Xuân Tóc Ðỏ lúng túng ngồi câm làm cho Tuyết phải nghĩ thầm: “À, dễ người ta làm bộ vì người ta sinh viên trường thuốc”. rồi Tuyết ôm mối hận mà về phòng riêng.
—————————-
(1) những sáng tạo cuối cùng (tức là gần nhất, mới nhất)
Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12 Trang 13 Trang 14 Trang 15 Trang 16 Trang 17 Trang 18 Trang 19 Trang 20Kế tiếp