Sáu Phấn một tay thao túng Ngân hàng Đại Tín, rút ruột 12.000 tỉ đồng

0
2444

Hôm nay (8-5), TAND TP.HCM xử sơ thẩm Hứa Thị Phấn về cáo buộc gây thất thoát 12.000 tỉ đồng tại Ngân hàng Đại Tín (TrustBank).

Từ năm 2016 đến nay, cái tên Hứa Thị Phấn đã được nhắc tới nhiều trong các đại án liên quan đến các ngân hàng như Ngân hàng Xây Dựng, OceanBank. Sáu Phấn cũng chính là mắt xích quan trọng giữa phi vụ Phạm Công Danh và Hà Văn Thắm khiến hai nhân vật này đang phải “bóc lịch” trong tù.

Thủ đoạn tăng vốn điều lệ ngân hàng bằng gia tăng khống giá trị tài sản thế chấp

-Quảng Cáo-

Theo hồ sơ điều tra, bà Phấn (Sáu Phấn) quê ở An Giang. Sau một thời gian lăn lộn trên thương trường, năm 2001, bà Phấn quyết định làm ăn lớn khi bật lên thành lập Công ty Cổ phần đầu tư Phát triển Phú Mỹ, chuyên về kinh doanh bất động sản và nhiều lĩnh vực khác.

Năm 2006, theo Nghị định 141/2006, các ngân hàng phải có vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng mới được phép hoạt động, nếu không sẽ buộc phải sáp nhập hoặc giải thể. Lợi dụng chủ trương này, biết TrustBank chỉ có 1.000 tỉ đồng, đang rất cần tăng vốn, Hứa Thị Phấn đã dùng nhiều thủ đoạn, trong đó có thủ đoạn “lấy mỡ nó rán nó” để góp vốn nhằm kiểm soát ngân hàng này.

Bà Hứa Thị Phấn trở thành đại gia nhờ đâu? - ảnh 1Bị cáo Hứa Thị Phấn

Cụ thể, bà Phấn đã nhờ 29 người thân, người quen đứng tên vay hơn 3.581 tỉ đồng tại TrustBank để… góp vốn, tăng vốn điều lệ cho Trustbank từ 1.000 tỉ lên 2.000 tỉ đồng. Điều đáng nói, tài sản thế chấp cho khoản vay 3.581 tỉ đồng này chủ yếu là hai mảnh đất nông nghiệp: 9 ha đất trồng cây lâu năm tại quận 2 và 24 ha đất trồng lúa tại huyện Nhà Bè (TP.HCM). Thời điểm đó, đất tại những nơi đây chỉ có giá khoảng 80.000 đồng/m2 nhưng đã được định giá thành 8 triệu đồng/m2 hay 32 triệu đồng/m(!).

Việc định giá tài sản từ thấp lên cao gấp khoảng 400 lần này đã giúp Sáu Phấn góp vốn thành công tại TrustBank. Chỉ với thủ đoạn này, Sáu Phấn vừa trở thành người nắm giữ cổ phần lớn nhất tại TrustBank, vừa kịp đút túi hàng ngàn tỉ đồng, trở thành nữ đại gia ngân hàng.

Để tiếp tục rút ruột ngân hàng, Sáu Phấn tiếp tục dùng thủ đoạn tăng vốn điều lệ cho TrustBank từ 2.000 tỉ đồng lên 3.000 tỉ đồng. Tại thời điểm này, năm 2010 sẵn có Công ty Phương Trang với nhiều tài sản đang thế chấp vay vốn tại TrustBank, bà Phấn đã “ngắt” ra ba hồ sơ vay của Công ty Phương Trang. Sau đó tự động chỉ đạo các chân rết làm các chứng từ khống tất toán gốc và lãi tổng cộng hơn 650 tỉ đồng trên sổ sách để hợp thức hóa có thêm 650 tỉ đồng, cộng thêm vài khoản vay mượn khác, bà Phấn đã nâng con số vốn điều lệ trên sổ sách từ 2.000 tỉ đồng lên 3.000 tỉ đồng.

Sau khi trở thành người nắm giữ 84,92% cổ phần của TrustBank, bà Phấn giữ chức cố vấn cao cấp nhất tại ngân hàng này và đưa ông Hoàng Văn Toàn (một bị cáo cùng vụ án) về làm chủ tịch HĐQT TrustBank.

Bà Hứa Thị Phấn và trợ thủ đắc lực bị đề nghị mức án cao nhất - Ảnh 3.

Bị cáo Hoàng Văn Toàn (đeo kính). Dù là chủ tịch HĐQT ngân hàng nhưng  Toàn bị Sáu Phấn chi phối thao túng

Ngoài ra, các chân rết giúp sức cho bà Phấn thực hiện các hành vi rút ruột TrustBank còn có người cháu Ngô Nguyễn Đoan Trang (phó tổng giám đốc phụ trách nguồn vốn tại TrustBank), người cháu Lâm Hứa Huỳnh Trinh (cán bộ cao cấp tại TrustBank). Một người thân cận của bà Phấn là Bùi Thị Kim Loan cũng được xem là người có vai trò tay hòm chìa khóa và ra chỉ thị cho các cán bộ TrustBank làm các phi vụ nhằm phục vụ cho mục đích rút ruột của bà Phấn.

Bà Hứa Thị Phấn và trợ thủ đắc lực bị đề nghị mức án cao nhất - Ảnh 2.

Bị cáo Bùi Thị Kim Loan được cho là trợ thủ đắc lực nhất của bà Phấn

Rút ruột hàng ngàn tỷ trong các phi vụ nâng khống giá trị bất động sản

Chỉ trong vòng ba năm từ 2007-2010, bà Phấn từ một doanh nghiệp mới thành lập được vài năm đã trở thành bà chủ của TrustBank, trở thành nữ đại gia ngàn tỉ quyền lực. Từ 2007-2010, khi nắm quyền kiểm soát hoạt động của TrustBank, bà Phấn và TrustBank gần như không hoạt động gì ngoài việc đầu tư mua đi bán lại bất động sản. Song song đó, Sáu Phấn chỉ đạo các cựu lãnh đạo TrustBank tạo hàng ngàn giấy tờ khống để hợp thức hóa các khoản nợ cũ của bà, sau đó đẩy nợ cho doanh nghiệp là Công ty Phương Trang.

Cơ quan điều tra (CQĐT) xác định chỉ trong thời gian rất ngắn nắm quyền kiểm soát TrustBank, bà Phấn đã chỉ đạo HĐQT và Ban điều hành TrustBank mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch (phường 6, quận 3) từ Công ty TNHH Địa ốc Lam Giang với giá khống khoảng 1.260 tỉ đồng trong khi giá trị thực chỉ 290 tỉ đồng. Trong phi vụ này, Sáu Phấn đã rút ruột TrustBank khoảng hơn 1.000 tỉ đồng.

Ngoài ra, bà Phấn còn chỉ đạo TrustBank đầu tư trái quy định pháp luật vào bốn dự án bất động sản, chiếm đoạt của TrustBank thêm 1.037 tỉ đồng nữa. Ngoài ra, bà Phấn cũng chỉ đạo nâng khống 25 bất động sản khác rồi bán cho chính TrustBank để chiếm đoạt 1.024 tỉ đồng.

Trong suốt ba năm, bà Phấn cùng các đồng phạm đã biến một TrustBank từ lúc còn vốn chủ sở hữu 1.000 tỉ đồng thành âm vốn nặng. Theo cáo trạng, Hứa Thị Phấn và đồng phạm bị cáo buộc rút ruột TrustBank 12.000 tỉ đồng.

Năm 2010, Công ty Phương Trang đang cần vốn lớn để tập trung mở rộng kinh doanh nên tin tưởng TrustBank, đem tài sản chủ yếu là bất động sản có giá trị khoảng 14.500 tỉ đồng để thế chấp vay tiền. Phía Công ty Phương Trang đã ký trước một số hồ sơ vay vì đây là quy định bắt buộc của ngân hàng cho TrustBank. Tài sản thế chấp của phía Phương Trang đã trở thành “miếng mồi béo” để các cựu lãnh đạo TrustBank nhìn vào và dùng các hồ sơ này để tạo hàng trăm chứng từ khống tự biên tự diễn để lấp, che đậy các hành vi sai trái từ 2007, 2008, 2009.

Tại thời điểm năm 2010, TrustBank đã bị rút cạn tiền, không còn thanh khoản, quỹ tồn tiền mặt trung bình chỉ khoảng 20 tỉ đồng. Không đủ tiền để giải ngân nhằm che đậy các hành vi sai trái từ trước đó, bà Phấn đã chỉ đạo các chân rết trong ngân hàng hợp thức hoá các giấy tờ và số liệu trên hệ thống Smartbank. Sau đó, bà Phấn đã bán Trustbank cho Phạm Công Danh và Hà Văn Thắm.

Pháp Luật TP.HCM

guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận