Quê Nội – Tác giả: Võ Quảng

0
2821

Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12

Chương 12

-Quảng Cáo-

Đã đến tháng chạp âm lịch. Buổi sớm mịt mù sương. Suốt ngày trời nắng. Chiều xế, gió nồm thổi rộ. Trăng sáng. Suốt đêm, tiếng che ép mía ở chòi làm đường của ông Tư Trai cứ kĩu kịt. Mồng ba Tết, anh Sáu công tác ở Đà Nẵng về thăm nhà. Anh đưa về một cái tin làm cả nhà đều xôn xao. Đó là thím Hai Tuân, vợ trước của chú Hai, vẫn còn sống. Chú Hai không ngờ sự đời lại chuyển sang phía tốt như vậy. Đi vào đi ra, chú cứ lẩm bẩm:

– Phước nhà lớn lắm! Phước nhà lớn lắm!

Thằng Cù Lao thì cứ hỏi:

– Mẹ con hãy còn hả? Tìm thấy mẹ rồi hả? Bao giờ mẹ về?

Anh Sáu về thăm nhà còn để bàn với anh Bốn Linh một vài việc. Trước tình hình Pháp muốn quay lại, cấp trên thấy cần xây dựng cho Đà Nẵng một xưởng công binh. Lúc đầu xưởng định đặt ở gần Đà Nẵng nhưng sau bàn kỹ thấy cần đưa về Mỹ Lược. Mỹ Lược ở ngã tư sông, tất cả ngõ nguồn đều dồn về đấy. Nếu chiến sự Đà Nẵng có xảy ra, Mỹ Lược vẫn là nơi rất tiện cho việc vận chuyển đường sông và tiếp tế vũ khí cho mặt trận. Mọi việc đã chuẩn bị, chỉ còn khâu vận chuyển và quản lý đang cần có người tin cậy.

Anh Sáu nhờ anh Bốn Linh tìm thuyền, lo mọi việc chuyên chở vì anh Bốn quen nhiều người ở vạn Quảng Huế. Anh Sáu trao đổi với chú Hai nên nhận một công tác trong công binh xưởng. Việc học hành của thằng Cù Lao, anh Sáu sẽ đảm nhận vì anh cũng thích có một đứa như thằng Cù Lao ở bên cạnh để có… bầu bạn.

Lúc đầu chú Hai còn phân vân vì chú thích công tác ngay ở làng. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, Hòa Phước với Mỹ Lược chỉ cách một con sông, qua lại hàng ngày vẫn được.

Làm ở một công binh xưởng, dù lo việc vận chuyển, cũng có một cái gì vinh quang, vì đó là công tác quân sự. Nhưng điều làm cho chú Hai vui nhất là thằng Cù Lao được đi theo anh Sáu để anh rèn luyện cho nó nên người, trước tiên là trị cái thói… tự do quá trớn của nó.

Chú Hai nhận công tác ở xưởng công binh và thằng Cù Lao về ở Đà Nẵng. Không ngờ sự đời lại đổi thay đột ngột như vậy. Thằng Cù Lao sẽ từ giã Hòa Phước. Tôi với nó sẽ xa nhau. Tôi cứ yên trí tôi với nó mãi mãi cùng nhau chăn trâu, cùng nhau chơi vật, cùng tắm mát trên sông Thu Bồn, cùng hong gió nồm ở Hòa Phước, cùng học một trường ở chòm đa Lý. Sau này cùng vào bộ đội, cùng chiến đấu ở một mặt trận. Tôi nói gì, thằng Cù Lao cũng cho là phải. Thằng Cù Lao nói gì tôi cũng thấy là hay. Không ngờ nó lại xa tôi. Lúc này tôi mới cảm thấy thằng Cù Lao rất cần cho tôi. Tôi chẳng có gì làm quà cho nó. Nó cũng chẳng có gì tặng tôi. Thằng Cù Lao sẽ xuôi thuyền đến phố Hội An, sau đó lên ô tô đi Đà Nẵng. Anh Bốn đi họp hội nghị nuôi quân ở Hội An sẽ cùng đi với chú Hai. Tôi cũng được đi tiễn thằng Cù Lao, đi đò xuôi cho tới phố.

o o o

Mặt trời gác núi. Một ông trăng tròn rời rợi bay lên đậu trên chòm tre làng. Chúng tôi ăn xong cùng ra bến Hòa Phước. Bà Phương chuyên đưa khách đi Hội An chờ sẵn. Bà nhận cái gói của chú Hai Tuân và cái túi dết của tôi cất vào khoang, đón chúng tôi lên thuyền.

Thuyền nhổ sào. Gió thổi hiu hiu. Bà Phương suốt đời lên xuống sông Thu Bồn, thuộc làu từng bến nước. Khi thuyền qua mỗi khúc sông, bà lại nhắc:

– Văn Ly kia! Đa Hòa kia rồi! Gái ơi! Gọi đò đi con!

Chị Gái, con bà Phương, đang chèo đằng lái gọi lên vang vọng:

– Ai… có… xuôi đò…ò khôông?

Có tiếng trả lời từ trong bờ:

– Ghé vô đây!

– Có thiệt… khôông?

– Sao không thiệt? Ai gọi chơi làm… chi?

Thuyền bà Phương quay mũi vào bờ. Chiếc cầu ván trên thuyền được đẩy xuống mé nước để khách bước lên. Thuyền lại quay ra sông. Mái chèo của chị Gái lại đập nước hất lên những mảnh bạc loang loáng lướt vội bên thuyền.

Có khách nằm trong khoang nhắc:

– Đi đò xuôi muốn nghe câu hát. Mời hát lên cho vui.

Bà Phương ở đằng sau lái giục:

– Hát lên đi con!

Điệu hát chèo thuyền của chị Gái vang lên. Tôi nghe như có cơn gió chiều thổi nhẹ nhẹ qua cánh đồng rồi vút bay cao. Đôi cánh thần tiên như nâng tôi bay lên lơ lửng, đưa đến những bến bờ xa lạ. Trước mắt tôi vừa hiện ra con sông giống như sông Thu Bồn từ ngang trời chảy lại. Đằng chân trời, có vô số cánh buồm như cánh bướm trắng tôi từng gặp trong giấc mơ. Hai bên bờ trải rộng ngàn dâu xanh, lúc lấp lánh trong sương mai, lúc hắt hiu trong mưa thu gió thổi. Chị Gái đã dứt câu hò, tôi vẫn còn nghe nao nao.

Tất cả khách trong thuyền reo lên:

– Cha mẹ ơi! Hay chi hay quá! Mời hát nữa đi.

Chợt từ một chiếc thuyền xuôi bên cạnh, vang lên giọng hò của một chị khác, réo rắt không kém. Nội dung câu hát trách thuyền chị Gái sao nỡ chê thuyền bạn, không biết đón gió bể khơi, vừa mới đến các phố phường đã nỡ quên bến cũ. Chị Gái trả lời lại là thuyền bạn chớ có lầm. Cảnh vật trên sông luôn luôn nhắc nhở… Khi thấy bãi dâu bạt ngàn của sáu châu Quảng Huế, khi thấy bãi ngô Giao Thủy trổ cờ, thấy khói của lò vôi Thanh Hà tỏa ra mù mịt, thấy bãi cát An Thới trải dài trắng xóa, khi nghe đồng mía ở Ái Nghĩa xào xạc, tiếng che ở Hòa Phước kĩu kịt, khi nghe tiếng khung cửi Phú Bông rầm rập, tiếng xe nước của Quảng Đợi rào rào, thấy lụa tơ của Thi Lai óng vàng phấp phới, khi về chín xã sông Con ăn trái lòn bon mọng nước, xuống Trà Đỏa ăn củ khoai sực nức mùi hương, đến Trung Phước ăn miếng trầu cay như gừng, khi về Hội An ăn bát cao lầu béo ngậy, bát lục tào xá thơm tho… tất cả đều nhắc nhở ta nhớ đến thuyền bạn. Nếu bạn chưa tin, hãy hỏi ông trăng kia thì biết.

Thuyền bên kia đáp lại:

– Ta đã hỏi ông trăng rồi, hỏi ông trăng trên trời và cả ông trăng dưới nước. Tất cả bảo rằng mối tình giữa thuyền bạn với thuyền ta chưa hề phai nhạt. Như vậy dẫu lòn bon ở nguồn cuối sông Con hóa cay, khoai Trà Đỏa hóa đắng, cao lầu hóa khét, trầu cau hóa nhạt, cây mai vàng trổ bông tím, cây bầu cây bí trổ hoa nâu, núi Thạch Bích biến thành biển, cửa Đại Chiếm biến thành gò, bên tả bên hữu Hòn Quắp, Núi Chúa bị lấp xuống biển, dẫu tơ tằm bị đứt đoạn, lụa tơ bị đứt nát, ta vẫn chẳng quên nhau!

Tôi thúc vào vai thằng Cù Lao hỏi:

– Cù Lao nghe chưa?

Thằng Cù Lao nói trong hơi thở:

– Nghe rồi. Không quên nhau đâu! Mình không thích ở Đà Nẵng đâu. Hay Cục ra Đà Nẵng với mình!

Vài hạt mưa rơi lốp đốp. Tôi và thằng Cù Lao vào trong khoang. Thuyền có gió, lắc lư như một chiếc võng.

Tôi chợp mắt lúc nào không biết.

Khi thức dậy nhìn ra thấy nhà ngói từng hàng bày ra trước mắt.

– Tới phố rồi đó. Mời dậy đi ăn cao lầu. – Tiếng bà Phương giục.

Anh Bốn Linh đưa chúng tôi qua những đường phố có những hiệu buôn chen chúc. Chúng tôi ghé vào hiệu bà Cảnh ăn món cao lầu béo ngậy, đi ngang qua Chùa Cầu có bốn con khỉ đắp bằng vôi ngồi bốn góc giống như những con chó, rồi lên bến ô tô đi Đà Nẵng.

Chú Hai Quân và thằng Cù Lao lên xe. Xe mở máy, chạy đến chỗ con đường cong. Xe bị lấp sau mấy cây gạo! Tôi nhìn theo thằng Cù Lao một chặp lâu rồi mới quay lại.

Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12