Dòng chảy sông Gâm xẻ núi đá vùng Đông Bắc gầm rú về xuôi bằng sự hung hãn. Nhưng đến vùng đất ấy lại êm đềm một cách lạ lùng. Phải chăng sông nước cũng mến vẻ đẹp của những thiếu nữ nơi đây?
Mận Hồng Thái, gái Thượng Lâm
Đêm lênh đênh trên dòng sông Gâm từ Nà Hang (Tuyên Quang) đến Bắc Mê (Hà Giang) giờ đã là lòng hồ thủy điện Tuyên Quang tôi được cánh săn cá tỉ tê về xã Thượng Lâm, một vùng đất ven sông mà con gái đẹp đến…lạ lùng.
Chỉ cách đây tầm một tháng xã Thượng Lâm còn thuộc huyện Nà Hang, nhưng bây giờ đã thuộc huyện mới Lâm Bình. Sáng hôm sau tôi rủ một tay săn cá rời thuyền vào vùng đất ấy thì hắn mặc cả rằng: Nhà báo vào đấy không được mê đắm mà ở lại đâu đấy.
Sự háo hức chiêm ngưỡng vùng đất mỹ nhân được ông Chẩu Văn Tân, Bí thư Đảng ủy Thượng Lâm xã xác nhận bằng câu đúc kết “mận Hồng Thái, gái Thượng Lâm”. Tôi đã được nghe mận Hồng Thái ngon nhất ở Tuyên Quang, còn gái Thượng Lâm thực tế cũng quá tương xứng khi đem ra so sánh. Ông Tân hài hước rằng sắc đẹp con gái Thượng Lâm thực ra sông Gâm chỉ có công một nửa. Giống như những đôi vợ chồng vẫn thường cãi cọ nhau rằng ai “đóng góp” nhiều hơn trong chuyện sinh con đẻ cái. Và một nửa kia là vùng đất có quá nhiều huyền tích lạ kỳ.
Cạn một chén rượu ngô sóng sánh, ông Tân bắt đầu kể về sự tích 99 ngọn núi để “lý giải cội nguồn về cái đẹp của những người con gái ở vùng đất này”.
Truyền thuyết về vùng đất Thượng Lâm được ông Tân kể rằng: Thủa trời đất mới hình thành, ranh giới đất đai các tộc người chưa phân định nên hay xảy ra đánh nhau. Năm ấy, một vị vua có công dẹp yên bốn cõi được thần linh mách bảo phải tìm nơi có đủ 100 ngọn núi để xây dựng kinh đô thì cơ nghiệp mới lâu bền. Bí mật ấy lọt ra ngoài đến tai quan sở tại vùng Thượng Lâm. Thấy vùng đất mình cai quản núi non trùng điệp, viên quan cho lính đi đếm, nhưng đếm đi đếm lại chỉ có 99 ngọn núi.
Viên quan xuống lệnh bắt dân trong vùng đi phu đắp núi. Nhà vua cử đàn phượng hoàng 100 con lên đường chọn đất. Bay qua Thượng Lâm, đàn chim chao lượn ba vòng rồi mỗi con sà xuống đậu trên đỉnh một ngọn núi nhưng có một con ba lần sà xuống rồi lại bay lên mà không đậu. Bất ngờ, 99 con phượng hoàng kia cũng cất cánh bay đi. Thì ra đó chính là ngọn núi giả. Một trận mưa như trút khiến ngọn núi đổ ập xuống san bằng ruộng đồng, nương rẫy.
Ngọn núi giả không thể biến Thượng Lâm thành kinh đô nhưng lại cho vùng đất này một địa hình kỳ lạ. Ruộng nương bằng phẳng, chỉ có 99 ngọn núi như những cây cổ thụ khổng lồ mọc lên. Ông Tân kể, một lãnh đạo trung ương khi đến vùng đất này đã khẳng định rằng “nếu dâng nước sông Gâm lên ngập đất Thượng Lâm vài mét thì nơi đây chẳng khác nào Vịnh Hạ Long trên núi”.
Cũng nhờ 99 ngọn núi có phượng hoàng đến đậu mà khí hậu nơi đây luôn mát mẻ, trong lành. Sự mát mẻ đó thấm vào làm nõn nà làn da con gái. Con gái Thượng Lâm còn có vẻ đẹp với mái tóc dài như con suối. Sự ôn hòa của khí hậu không chỉ làm nên vẻ đẹp hình thức cho con gái nơi đây mà còn tạo nên những tâm hồn trong trẻo cùng với sự nết na, hiền dịu nức tiếng khắp thành Tuyên.
Ngọn núi cao nhất ở đây có tên là Pù Me Nàng mang ý nghĩa một người con gái đẹp. Một thời Thượng Lâm hầu như tách biệt với thế giới bên ngoài vì “ba bề là núi một bề là sông”. Nhưng ông Tân tự hào rằng dù địa hình chia cắt như thế nhưng ở đây không bao giờ hết khách. Cánh săn cá dọc sông Gâm có thể lang bạt kỳ hồ trên dòng sông này nhưng hễ có dịp là rủ nhau neo thuyền lấy cớ vào bản mua rượu ngô nhưng thực chất là để được dịp diện kiến dung nhan những thiếu nữ đẹp nức tiếng.
Thực hư những câu chuyện như thế tạm thời không bàn đến nữa. Chỉ biết một điều Thượng Lâm đúng là miền gái đẹp thật. Những cô gái Tày trong trang phục truyền thống ngồi dệt vải bên nếp nhà sàn có thể níu giữ bất cứ ánh mắt nào cả tiếng đồng hồ mỗi khi đến với Thượng Lâm. Tôi theo chân bà Hỏa Thị Hiểm, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã về nhà bởi trót được nghe lời giới thiệu của ông Tân “cô con dâu nhà bà Hiểm đang là đương kim hoa khôi của xã đấy”.
Con dâu bà Hiểm tên là Quan Thị Tim (25 tuổi). Người ta vẫn thường lấy những loài hoa để ví sắc đẹp người con gái, còn tôi xin lấy những câu chuyện để nói về nhan sắc của Tim. Là một cô gái Tày chỉ học hết lớp 12, lại chẳng phải là “người nhà nước”. Vậy mà Tim níu được bước chân của con trai bà Hiểm đang công tác ở công an tỉnh Tuyên Quang. Sắc đẹp của Tim là sự kết hợp giữa làn da trắng muốt mà làn nước sông Gâm ngày ngày vỗ về, giọng nói ngọt ngào của men rượu ngô và sự đảm đang, lòng chung thủy của người con gái Tày ở xứ này.
Khi vừa về làm dâu nhà bà Hiểm, một lần ra đồng Tim lọt vào ống kính của một nhiếp ảnh. Tưởng chỉ chụp cho vui, nhưng mấy hôm sau bà Hiểm xuống huyện công tác mắt tròn mắt dẹt khi thấy hình ảnh con dâu mình chình ình trên áp phích của huyện Nà Hang. Hóa ra, tay nhiếp ảnh kia được giao vào Thượng Lâm tìm chụp một bức ảnh vừa để triển lãm, vừa làm “bộ mặt” cho huyện. Gặp Tim xong liền quay gót với lòng phấn khởi của một người đã hoàn thành xong nhiệm vụ.
Ngôi nhà sàn của gia đình bà Hiểm nằm tựa vào dãy núi 99 ngọn chứa chất nhiều huyền thoại. Hôm tôi đến Tim đang ngồi dệt vải bên khung cửi. Một nét đẹp của người con gái Tày. Thổ cẩm của người Tày ở Thượng Lâm không để bán mà chỉ để gìn giữ truyền thống gia đình. Đó là món quà mang tình mẫu tử thiêng liêng, gửi gắm của người mẹ cho con gái ngày đi lấy chồng. Nổi bật trong bộ thổ cẩm truyền thống đen nhức mắt, làn da trắng của Tim chẳng cần thêm son phấn cũng đủ khiến chúng tôi ngây ngất.
Tim bảo rằng nét đẹp gái Thượng Lâm không chỉ có vẻ bề ngoài. Người Tày quan niệm về một phụ nữ đẹp không nhất nhất chỉ là nhan sắc. Quan trọng là sự đảm đang, lòng chung thủy… Những phấn son xa hoa ít khi hiện diện trên khuôn mặt thiếu nữ vùng đất này. Ngày ngày họ vẫn lên nương, vào rừng lấy thuốc, ra ruộng thăm lúa… Rảnh rỗi thì ngồi dệt vải may áo cho người thân. Họ thích tôi chụp ảnh trong những công việc như thế hơn là khi trang điểm phấn son.
Vẻ đẹp của người con gái Thượng Lâm (Ảnh: Văn Quân)
Chuyện đệ nhất mỹ nhân hóa giải mất mùa
Thượng Lâm có 340 ha ruộng bằng phẳng thẳng cánh cò bay. Mùa màng tươi tốt, năng suất lúa lúc nào cũng cao nhất huyện. Người Tày ở đây lý giải chuyện được mùa theo cách của họ. Hóa ra không phải vì thiên nhiên hay một điều gì khác, dân bản nói rằng họ được mùa nhờ một người con gái đẹp nhất vùng.
Miền gái đẹp Thượng Lâm ít người biết đến là bởi xưa nay thung lũng này nằm tách biệt với thế giới bên ngoài. Thiếu nữ Ngô Thị Hương (26 tuổi), người từng lọt vào tốp những người đẹp nhất cuộc thi Người đẹp thành Tuyên năm 2007 nói rằng những người con gái đẹp nhất Thượng Lâm mà biết đến các cuộc thi chắc chắn vùng đất này sẽ giật nhiều giải. Ở ủy ban xã Thượng Lâm, từ bí thư, chủ tịch đến mấy anh văn phòng nhà nào cũng có con gái đẹp để các nhà báo thích thì… “giới thiệu”.
Trong ký ức của nhiều cụ già Thượng Lâm thì người con gái đẹp nhất là bà Quằng Thúy Liêm. Ngày xưa ở vùng Thượng Lâm có thổ ty họ Quằng nổi tiếng áp bức dân lành. Nhiều người con gái đẹp trước khi đi lấy chồng đều phải đến ngủ tại nhà thổ ty ba đêm mới được xuất giá. Lòng dân căm hận, người người khắp nơi nổi dậy kéo đến giết chết cả nhà tên thổ ty gian ác. Trong lúc hỗn loạn, một người đàn bà tên Quằng Thúy Liêm đã lợi dụng đêm tối chạy thoát thân.
Sau khi thoát nạn thổ ty, những tưởng đời sống yên ổn trở lại, ngờ đâu mùa màng lại liên miên thất bát. Một thầy mo đi qua biết chuyện liền mách: “Nhà thổ ty họ Quằng vẫn còn sót lại một người, phải tìm người đó đưa về đất này thì mới hết đại hạn”. Sau nhiều ngày, dân làng mới tìm được bà Liêm đã lấy chồng và sinh con ở cách đó đúng 100 cây số. Nghe chuyện mất mùa bà đồng ý theo bản về lại quê cũ. Đến vụ mùa, cứ bà Liêm gieo hạt trước rồi người dân trong làng gieo sau thì mùa màng bội thu.
Thượng Lâm lại giàu lên, con gái trong vùng ăn uống đầy đủ nên ngày càng đẹp hơn. Người dân lập đền thờ trên chính mảnh ruộng của bà và gọi là đền Bà Chủa. Ở Thượng Lâm bây giờ trai gái lấy nhau phải mang đồ lễ tạ ơn bà với lời nguyện cầu trăm năm hạnh phúc. Họ còn cầu nguyện người phụ nữ đẹp nhất của vùng đất này với mong muốn con cái mình sinh ra may mắn thừa hưởng một phần dung nhan ấy.
Rời vùng đất kỳ lạ, những câu then trầm bổng, ngọt ngào vứ vảng vất: “Ai lên Thượng Lâm vượt con sông Gâm đến quê hương em. Phượng hoàng đã về đây, em mong anh về đây. Thương anh như chín mươi chín ngọn núi, nhớ anh như nhớ núi Pác Tạ anh ơi”.
Báo Nông Nghiệp