Ông già Khốttabít – Tác giả: Lazar Lagin

0
2937

Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12 Trang 13 Trang 14 Trang 15 Trang 16 Trang 17 Trang 18 Trang 19 Trang 20 Trang 21 Trang 22Kế tiếp

-Quảng Cáo-

CHƯƠNG 25 – BỆNH VIỆN DƯỚI GẦM GIƯỜNG

Những ai chưa bao giờ phải trông nom một ông thần bị bệnh, ắt không thể hình dung nổi việc chữa bệnh cho ông già vất vả và phiền toái như thế nào.

Trước tiên, nảy ra vấn đề: để ông già nằm ở đâu?

Không thể đưa một ông thần vào bệnh viện, còn để ông ấy nằm khơi khơi ở nhà cũng chẳng được.

Thứ hai, chữa bệnh cho ông ta như thế nào?

Y học chỉ nhằm chữa bệnh cho người trần mắt thịt, chứ không phải cho các ông thần trong truyện cổ tích.

Thứ ba, bệnh của các ông thần có lây sang người hay không?

Cả ba vấn đề trên, hai cậu bé sẽ thảo luận kỹ càng khi chúng đưa ông Khốttabít đang mê sảng từ rạp xiếc trở về nhà bằng xe tắcxi.

Cuối cùng, chúng đã quyết định:

1. Không đưa ông Khốttabít vào bệnh viện, mà để ông nằm dưới gầm giường của Vônca với tất cả những tiện nghi có thể có, sau khi đề nghị ông biến thành vô hình cho được an toàn.

2. Chữa bệnh cho ông như chữa bệnh cho người bị cảm lạnh. Ban đêm cho uống thuốc átpirin, uống nước trà với mứt đũm hương để ra nhiều mồ hôi.

3. Bệnh của các ông thần có lẽ không lây sang người.

May thay, ở nhà không có ai cả. Hai cậu bé đã yên ổn đặt ông Khốttabít nằm vào cái chỗ quen thuộc của ông ở dưới gầm giường.

Giênia chạy ra hiệu thuốc mua átpirin và tới cửa hàng thực phẩm mua mứt đũm hương. Còn Vônca thì đi xuống bếp nấu nước pha trà.

– Trà đã pha xong rồi đây! – Vônca vui vẻ nói khi nó từ bếp quay lại với ấm trà cầm trên tay. – Ông cháu ta uống trà, ông Khốttabít nhé!

Ông Khốttabít không trả lời.

– Ông chết mất rồi? – Vônca kinh hoàng và nó bỗng cảm thấy rằng bất kể mọi chuyện khó chịu mà ông Khốttabít đã gây cho nó, nó vẫn rất thương xót nếu như ông già chết.

– Ông Khốttabít thân yêu! – Vônca lắp bắp và quỳ xuống, chui vào gầm giường.

Nhưng chẳng thấy ông già ở dưới gầm giường.

– Ông già kỳ cục thật! – Vônca lúc ấy nổi khùng, sau khi đã quên ngay những tình cảm trìu mến của mình. – Vừa mới nằm ở đây, ấy thế mà đã kịp biến đi đâu mất?

Không biết Vônca còn nói những lời cay đắng nào nữa về ông già nếu như lúc ấy Giênia không bước huỳnh huỵch vào phòng và lôi xềnh xệch ông Khốttabít theo sau mình. Ông già không chịu và lầu bầu một câu gì chẳng mạch lạc.

– Ông già lẩm cẩm quá xá! Không, cậu không tưởng tượng được ông già lẩm cẩm đến mức độ nào đâu! – Giênia giúp người bệnh vào nằm dưới gầm giường và nói với vẻ tức giận. – Lúc mình trên đường về, mình thấy ông Khốttabít đứng ở góc phố, tay cầm một túi vàng và đang cố giúi bằng được cái túi vàng ấy cho một người qua đường. Mình hỏi ông ấy: “Ông làm gì ở đây trong khi ông đang bị sốt cao?”. Ông ấy trả lời mình: “Ta cảm thấy ta sắp chết đến nơi rồi. Ta muốn nhân dịp này đi phân phát của bố thí”. Nghe vậy, mình mới bảo ông ấy: “Ông lẩm cẩm quá ông ơi! Ông định phân phát của bố thí cho ai nào? Ở nước chúng cháu, ông thấy đâu có những người ăn mày?”. Lúc đó, ông ấy nói với mình: “Vậy thì ta đi về nhà!”. Thế là mình dẫn ông ấy về… Nằm nghỉ đi, ông già thân mến, hãy ráng bình phục, ông chẳng chết đâu mà sợ?…

Hai cậu bé cho ông Khốttabít uống một liều thuốc átpirin rất lớn, cho ông ăn cả một hộp mứt đũm hương và uống kèm nước trà, rồi sau khi đắp chăn kín mít để ông ra được nhiều mồ hôi trong đêm, chúng bắt ông đi ngủ.

Nằm yên được một lúc, ông già đã bắt đầu lo lắng và toan dậy để đi đến gặp vua Xalômông con trai của Đavít nhằm xin lỗi về những chuyện bực mình xa xưa nào đó. Sau đó, ông lại khóc lóc van nài Vônca chạy đến Địa Trung Hải và Ấn Độ Dương để tìm dưới đáy hai biển ấy cái bình đồng, trong đó giam cầm người em thân yêu của ông là Ôma Iuxúp con trai của Khốttáp, giải thoát ông ta khỏi nơi giam cầm và dẫn ông ta về đây.

– Cả hai ta mà được sống bên nhau ở đây thì tuyệt biết chừng nào! – Ông già vừa lẩm bẩm trong cơn mê sảng, vừa tuôn rơi những giọt nước mắt nóng hổi.

Nửa tiếng sau, ông già hồi tỉnh và từ dưới gầm giường, ông nói với giọng yếu ớt:

– Hai các cậu bạn trẻ tuổi của ta, ngay cả các cậu cũng không thể hình dung được ta biết ơn các cậu ra sao về tình yêu và sự quan tâm quý báu của các cậu đối với ta! Xin các cậu hãy làm ơn giúp ta một việc nữa: các cậu hãy trói tay ta lại cho thật chặt, nếu không lúc lên cơn sốt, ta lại phù phép gì đó mà sau này ta sợ rằng chính ta cũng đành phải bó tay, hối cũng không kịp nữa.

Hai cậu bé trói ông già lại và ông lập tức ngủ say như chết.

Sáng hôm sau, lúc thức dậy, ông Khốttabít hoàn toàn khỏe mạnh.

– Thế có nghĩa là chúng ta đã chữa chạy kịp thời! – Giênia nói với vẻ mãn nguyện và cu cậu đã quyết định dứt khoát rằng sau khi tốt nghiệp trường trung học, sẽ thi vào trường đại học Y khoa.

 

CHƯƠNG 26 – TRONG CHƯƠNG NÀY CHÚNG TA HÃY QUAY VỀ MỘT CHỐC VỚI CẬU BÉ SỦA GÂU GÂU

Thành thực mà nói, mỗi lần Vônca nhớ tới Gôga, nỗi ghen tị lại bắt đầu hành hạ nó. Mà lúc ở nhà, hoặc ở đầu cầu thang, hoặc ở trong cái sân nằm gần cổng, khó mà không nhớ tới Gôga được. Thậm chí qua cửa ra vào khóa trái, thậm chí qua các cửa sổ đóng kín, thỉnh thoảng vẫn vọng ra tiếng chó sủa hấp dẫn, tuyệt vời đến kỳ diệu.

Quả là cũng ngạc nhiên khi thấy Gôga không chịu ló mặt ra sân. Ở địa vị Gôga, dĩ nhiên chẳng một chú bé nào chịu giữ lâu như thế mà không đưa ra khoe với các bạn chú chó con tốt giống thực sự ấy. Hẳn là Gôga đang đắc chí trước sự ghen tị của các bạn.

Không, ở đây ắt phải có một chuyện gì đó.

Cuối cùng, không chịu nổi, Vônca bèn hỏi bà Natalia tại sao chẳng thấy mặt mũi Gôga đâu cả.

Bà Natalia chẳng hiểu sao lại hết sức bối rối và bà ấp úng trả lời rằng Gôgôtrơca (1) hơi bị mệt.

Bà nói ấp úng và lập tức vội vã đi về nhà mình.

– Bác Natalia Cudiminhitrơna! – Vônca gọi với theo bằng giọng van nài. – Cháu xin hỏi bác một câu, chỉ một câu thôi ạ!

Bà Natalia dừng lại rất miễn cưỡng.

– Bác Natalia, xin bác cho cháu biết chó bécgiê phải không ạ?

– Chó bécgiê nào? – Người đàn bà tội nghiệp nhún vai.

– Con chó con mà bác mua tặng Gôga và nó vẫn sủa gâu gâu ở trong nhà bác là chó bécgiê hay chó bốcxơ ạ?

– Trời ơi, sao cháu lại nói nhảm nhí thế? – Bà Natalia thở dài và lẩn ngay vào nhà mình.

Và thật như trêu người, từ trong đó lập tức vang lên tiếng sủa gâu gâu nhanh, cao và rất tức tối. Toàn bộ chuyện này có tính chất hết sức bí ẩn.

Thêm vào đó, ông Khốttabít, theo lệ thường vẫn nằm nghỉ dưới gầm giường của Vônca, lại đặt một câu hỏi tựa hồ bâng quơ:

– Chẳng hiểu cái thằng thù địch với cậu tên là “Thuốc viên” đang sống ra sao?

Ông già nóng lòng muốn khoe với Vônca lời nguyền độc đáo của mình và cùng với Vônca thích thú trước cái tai họa mà Gôga đã phải gánh chịu một cách đích đáng. Ông kiêu hãnh nghĩ: “Không một ai có thể giải được lời nguyền đó một khi ta chưa cho rằng đã đến lúc có thể giải. Ta hình dung lời nguyền đó sẽ làm cậu Vônca con trai của Aliôsa rát đáng kính thích thú như thế nào và cậu ấy sẽ khâm phục trước những phép lạ thiên hình vạn trạng của ta ra sao!”.

– “Thuốc viên”? – Vônca lơ đãng hỏi lại và nó bỗng nảy ra một ý định rất giản dị và hấp dẫn. – Chà, “Thuốc viên”! “Thuốc viên” bị ốm vặt gì đó thôi… Ông Khốttabít này… – Vônca ngồi xổm và chui đầu vào gầm giường để tiến hành thương lượng cho tiện hơn. – Cháu rất muốn yêu cầu ông giúp cho một việc.

“Lại bắt đầu rồi!”, ông thần già bực tức nghĩ thầm. Ông nghĩ rằng Vônca định yêu cầu ông giải lời nguyền cho Gôga và ông quyết định sẽ từ chối thẳng thừng, ít ra là trong thời gian trước mắt. Chẳng sao cả, cứ để cho cái thằng đơm đặt chuyện và hay hớt lẻo ấy bị khổ sở đôi chút. Việc đó chỉ có lợi cho nó mà thôi..

Nhưng ông Khốttabít vẫn rầu rĩ nói thành tiếng:

– Ta rất sung sướng nếu được biết cậu muốn yêu cầu gì.

– Cháu muốn yêu cầu ông cho cháu một món quà.

Ông già mừng rỡ khi thấy không phải là chuyện ân xá trước thời hạn cho Gôga. Ông nhanh nhẹn chui ra khỏi gầm giường:

– Hỡi vị cứu tinh trẻ tuổi và không vụ lợi của các ông thần, cậu hãy nói cậu muốn có món quà gì, cậu sẽ được nhận món quà ấy ngay lập tức.

– Ông có thể cho cháu một con chó không ạ. Một con chó bécgiê.

– Một con chó? Không có gì dễ hơn và ta rất lấy làm vui lòng.

Ông Khốttabít liền rứt một sợi râu, thế là Vônca đã lịm người đi vì khâm phục: một con chó bécgiê 3 tuổi tuyệt vời, xương xương, chắc lẳn đang nằm duỗi mình dưới chân cậu bé, miệng gừ gừ thân mật. Con chó có cặp mắt lanh lợi, thông minh, cái mũi lạnh và ướt, đôi tai nhọn tuyệt đẹp. Vônca vuốt ve đầu nó. Con chó vẫy đuôi lễ phép và khoái chí sủa vang cả nhà.

– Con chó ấy có làm cậu vừa lòng không hả? – Ông Khốttabít hể hả chạy tới chạy lui và chỉ cần Vônca yêu cầu một tiếng nữa thôi, ông sẵn sàng làm cho cả căn phòng, cả căn hộ và cả khu nhà này đầy nhóc những con chó quý nhất. – Chà, cậu hãy tha lỗi, ta quên béng mất một cái đồ vặt.

Cái “đồ vặt” mà ông muốn nói là cái cổ dề bỗng xuất hiện ở cổ con chó bécgiê. Những viên đá quý gắn trên cái cổ dề nhiều tới mức có thể thừa sức gắn trên hai chiếc vương miện (2).

Vônca ngây người vì cái diễm phúc mà nó được hưởng. Nó chỉ còn biết dùng bàn tay run run vuốt ve con chó và đồng thời mỉm cười bối rối đến nỗi ông già đa cảm phải xúc động tới rớt nước mắt.

Nhưng trên đời chẳng có một diễm phúc nào trọn vẹn cả ít ra cũng là khi dính dáng đến những quà tặng của các ông thần. Ngoài cửa bỗng có tiếng chân đàn bà, ông Khốttabít chỉ kịp trốn vào gầm giương và biến thành vô hình thì cánh cửa đã mở toang và bà Xvétlana, mẹ của Vônca, bước vào.

– Mẹ nghĩ đúng thế mà! – Bà nói sau khi thấy con chó mà ông thần già vì quá vội vã đã không kịp biến thành vô hình. – Con chó!… Mẹ muốn biết con lấy đâu ra con chó này…

Vônca cảm thấy nguy đến nơi rồi.

– Đấy là con… Đấy là người ta cho con… Mẹ hiểu không… Con biết nói với mẹ thế nào bây giờ…

Nói thật thì mẹ chẳng thể nào tin nổi. Còn nói dối thì Vônca không muốn. Vả lại, đó cũng là một việc tuyệt vọng: mẹ có thể biết nó nói dối ngay thôi.

– Vônca! – Bà cất cao giọng. – Mẹ không thích con cứ nói lúng búng như thế. Con hãy nói thẳng: con chó bécgiê này của ai?

– Không của ai cả ạ… Tức là trước đây nó không của ai cả, còn bây giờ là của con.

Bà Xvétlana đỏ bừng mặt vì tức giận:

– Chẳng lẽ con lại hạ mình tới mức nói dối sao? Hãy trả lời: con chó của ai? Chỉ riêng cái cổ dề của nó thôi đã đáng giá thành chục rúp rồi…

Bà ngỡ rằng cái cổ dề được trang điểm bằng những mảnh thủy tinh màu.

Bấy giờ, ở dưới gầm giường, ông Khốttabít tức ra trò. Tức và rất phật ý! Ông rất muốn nói cho người đàn bà đáng kính nhưng ngây thơ ấy hiểu rằng Gátxan Ápđurắcman con trai của Khốttáp chẳng phải là hạng người đem tặng những mảnh thủy tinh rẻ tiền cho các người bạn tốt của mình, rằng cái cổ dề thật sự rất quý ấy đáng giá không phải hàng chục rúp, mà là nhiều nghìn rúp. Nhưng ông đã kịp thời kìm lại được. Ông đã hiểu được rằng việc khoe khoang như vậy chỉ càng làm cho tình cảnh của Vônca rắc rối thêm mà thôi.

Là người chân thật và thẳng thắn, ông Khốttabít không thể không tán thành việc Vônca không muốn nói dối, cho dù là một sự nói dối vô hại nhất, và ông hiểu rằng lối thoát duy nhất là phải xóa sạch toàn bộ sự hiểu lầm ấy bằng một cách dứt khoát nhất.

“Thôi được!”, ông vừa mỉm cười vừa nghĩ thầm. “Cậu bạn tốt bụng và chân thật của ta đành phải không có chó riêng trong một thời gian nữa… Và cứ để cho cậu ta khổ sở tới một mức nào đó vì cái ước mơ có một con chó riêng vậy!”.

Từ gầm giường phát ra một tiếng “tưng” rất khẽ, thế là con chó liền biến mất, dường như nó chưa hề xuất hiện bao giờ.

– Valiôtrơca (3), nếu các bác ở Đảng ủy hay bác Xécgây gọi điện thoại đến, con nói rằng một tiếng rưỡi nữa mẹ sẽ về. – Bà Xvétlana dặn Vônca sau khi bà đã quên sạch câu chuyện vừa nói. – Luôn tiện mẹ hỏi, con có biết ông bác sĩ vừa vào căn hộ số 37 thăm bệnh cho ai không?

– Có lẽ là Gôga ạ.

– Gôga bị bệnh ư?

– Hình như thế ạ.

– Sao lại hình như?… Chẳng lẽ Gôga không phải là bạn của con sao?

– Đúng là bạn ạ!…

– Mẹ xấu hổ thay cho con đấy, cậu đội viên thiếu niên tiền phong trẻ tuổi Côxtưncốp! – Bà Xvétlana nói xong, quay lưng đi ra khỏi phòng với bộ mặt nặng nề.

– Chao ôi, – Vônca thở dài rầu rĩ và quyết định qua thăm Gôga ngay sau khi ông bác sĩ ra về. – Ông Khốttabít ơi ông Khốttabít!

Từ dưới gầm giường không có tiếng trả lời.

– Ông già lại biến đi đâu mất rồi! – Vônca lầu bầu bực tức. – Nhè lúc cần hỏi ý kiến, ông ấy lại biến mất tiêu. Hừ, thần với thiếc…

Trong lúc ấy, ông Khốttabít đã thu xếp xong một chỗ nằm thuận tiện tại căn hộ số 37, ở ngay dưới gầm giường của cu cậu Gôga đang bị một chứng bệnh hết sức kỳ lạ. Ông tò mò muốn nghe xem vị bác sĩ già sẽ vò đầu bứt tai bất lực như thế nào trong việc tìm kiếm một cách giải quyết đúng đắn. Dĩ nhiên, ông bác sĩ này không hề biết mình sắp phải đương đầu với một đối phương khác thường và hùng mạnh đến mức nào.

Thế rồi trong khi Vônca lợi dụng sự vắng mặt của ông Khốttabít, đang ngồi đọc cuốn sách giáo khoa địa lý, còn ông thần già đang dấu mình dưới gầm giường của Gôga, thì đã xảy ra những chuyện như sau tại một căn phòng của căn hộ số 37. Trong căn phòng ấy, trên những chiếc gối cao, đang nằm một bệnh nhân kỳ lạ nhất trong tất cả các bệnh nhân của ông bác sĩ già ở Trạm Cấp cứu. Người ta vẫn thường gọi ông là Alếchxanđrơ Alếchxêêvích. Đó là một bác sĩ giàu kinh nghiệm và rất từng trải. Chúng tôi cố ý nhấn mạnh tên ông để nếu một lúc nào đó các bạn có gặp ông ấy, các bạn biết ngay rằng đó là một bác sĩ chân chính.

– Thưa bà Natalia Cudiminhitrơna, xin bà hãy để cho tôi nói chuyện riêng với cậu Gôga. – Ông bác sĩ ân cần nói với mẹ Gôga vẫn không nguôi lo sợ. – Tôi cần bàn với cậu ấy đôi điều.

Lúc trong phòng chỉ còn lại hai người là ông bác sĩ và Gôga (dĩ nhiên không kể ông Khốttabít đang nấp dưới gầm giường), ông bác sĩ nói:

– Thế nào, ngươi trẻ tuổi, tình hình ra sao? Vẫn gâu gâu à?

– Không thoát được? – Gôga rên rỉ.

– Thế đấy! Thôi được, nếu vậy thì chúng ta sẽ nói chuyện với nhau nhé. Cậu có thích thơ không nào?

– Gâu gâu gâu! – Tiếng sủa lại phát ra từ mồm Gôga, làm cho bà Natalia đang nấp cạnh lỗ khóa ở bên kia cửa lại trào nước mắt.

Các bạn có thể hình dung rằng Gôga định trả lời câu hỏi của ông Alếchxandrơ. Câu hỏi ấy làm cho Gôga phát cáu. Nó cho đó là một câu hỏi vớ vẩn, không cần thiết.

Nhưng tiếng sủa của Gôga không hề làm ông bác sĩ già ngạc nhiên và buồn bực.

– Cậu đừng cáu! – Ông nói với giọng hết sức ôn tồn. – Câu nói ấy có liên quan trực tiếp tới chứng bệnh của cậu đấy.

– Cháu thích bài “Bão táp mịt mù”… – Cuối cùng, Gôga đáp, sau khi đã sủa mỏi mồm. – “Bão táp mịt mù che phủ bầu trời”, thơ của Puskin.

– Yêu cầu cậu đọc cho tôi nghe bài thơ đó. Cậu thuộc chứ?

Gôga bắt đầu đọc:

“Bão táp mịt mù che phủ bầu trời

Và cuốn lên cao những cơn lốc tuyết

Lúc nghe như tiếng thú gào thảm thiết

Lúc nghe như tiếng kêu khóc trẻ thơ…”

– Thôi đủ rồi! – Ông Alếchxanđrơ ngắt lời Gôga. – Bây giờ, cậu hãy làm ơn nói cho tôi biết ý kiến của cậu về một người bạn cùng lớp với cậu, chẳng hạn như cậu bạn ấy ở trường học hành ra sao?

– Về Vônca Côxtưncốp ấy à?

– Đúng thế!

– Gâu gâu gâu! – Gôga sủa luôn một tràng chối tai.

– Cậu hãy diễn đạt bằng lời và chỉ bằng lời mà thôi.

– Gâu gâu gâu! – Gôga vừa đáp vừa vung tay bất lực. Tự hẳn nó muốn nói rằng nó rất lấy làm sung sướng nếu diễn đạt được bằng lời, nhưng nó không thể nào nói nên lời được.

– Tôi hiểu… Đủ rồi… Đủ rồi, tôi bảo mà!… Thế! Nào, còn các bạn khác trong lớp của cậu thi sao?

– Trong lớp cháu ấy ạ? – Bệnh nhân Gôga cười gằn. – Nếu ông muốn biết thì cháu xin nói rằng trong lớp cháu, tất cả bọn bạn đều gâu gâu gâu!

– Thế còn về tôi, cậu có ý kiến gì không? Cậu nói đi nào, đừng có ngại. Cậu có ý kiến gì về một bác sĩ như tôi?

– Về một bác sĩ như ông ấy ạ? Nếu nói về một bác sĩ thì cháu nghĩ ông quả là gâu gâu gâu!

– Khá lắm! – Ông Alếchxanđrơ vui mừng hết sức thành thực. – Nào, thế còn về mẹ cậu, cậu có ý kiến gì?

– Mẹ cháu là người rất tốt! – Gôga nói, và bà Natalia đứng ở ngoài cửa lại trào nước mắt, nhưng lần này là những giọt nước mắt sung sướng. – Chỉ đôi khi mẹ cháu gâu… – Gôga giật mình và ngưng nói. – Không, nói chung, mẹ cháu bao giờ cũng là một người rất tốt.

– Nào, thế về tờ báo tường của lớp cậu, hẳn là cậu cũng có ý kiến chứ? – Ông bác sĩ già hỏi chỉ cốt sau này khỏi phải ân hận. Ông đã hiểu thực chất căn bệnh hiếm có ở người mới bệnh trẻ tuổi của ông. – Thỉnh thoảng cậu cũng bị đưa ra phê bình ở đấy chứ?

Lần này, Gôga sủa gâu gâu hai phút liền. Ông Khốttabít nấp dưới gầm giường nghe phát chán cả tai. Còn ông Alếchxanđrơ thì lại thích thú với tiếng sủa ấy, dường như chẳng phải Gôga Piliukin – bị đặt biệt danh là Philiulia (Thuốc viên) vì tính nết tồi tệ của nó – đang sủa gâu gâu, mà là một ca sĩ trứ danh nào đó đang hát một khúc ca hay nhất trong vốn tiết mục của mình. Sau khi để mặc cho Gôga sủa chán chê, ông Alếchxandrơ xoa tay hài lòng.

– Ban điều tra đã rõ tất cả rồi. – Ông nói. – Bà Natalia Cudiminhitrơna, xin mời bà vào phòng!

Bà Natalia bước vào và dùng chiếc khăn tay ướt đẫm lau đôi mắt đỏ ngầu.

Ông Alếchxandrơ mời bà ngồi, rồi nói:

– Xin báo để bà biết rằng suốt cả dêm qua, tôi không hề chợp mắt. Tôi ngồi đọc các sách y học và suy nghĩ. Trong các sách chuyên môn, tôi không hề tìm thấy một trường hợp nào giống như trường hợp con trai bà.

Bà Natalia tội nghiệp lo sợ kêu ối lên một tiếng. Ông bác sĩ già ngăn bà lại và nói tiếp:

– Bà chớ vội buồn, bà Natalia Cudiminhitrơna thân mến! Sự việc chưa đến nỗi đáng sợ lắm đâu. Tôi đọc, đọc miết… Rồi suy nghĩ, suy nghĩ hoài… Và sau đó, dĩ nhiên là không thể nào ngủ dược. Cũng chẳng có gì đặc biệt, vì người già vốn như vậy. Để lãng quên những ý nghĩ của mình, tôi cầm tập truyện cổ tích Truyện nghìn lẻ một đêm và đọc luôn chuyện một lão phù thủy, hay nói cho đúng hơn là một lão thần, đã biến một kẻ mà lão không ưa thành một con chó. Lúc bấy giờ, tôi nghĩ rằng nếu trên thế gian này còn có những ông thần (ông Khốttabít nấp dưới gầm giường lấy làm phật ý) và nếu một trong số ông thần ấy muốn trừng phạt một đứa bé nào đó chẳng hạn về tội nó hay đơm đặt chuyện, hớt lẻo, nói xấu nhũng người thân của mình thì ông thần đó có thể phát ra một lời nguyền rằng đứa bé ấy sẽ sủa gâu gâu mỗi khi nó muốn nói những lời lẽ xấu xa. Vừa rồi, tôi và cậu con trai của bà đã nói chuyện cởi mở với nhau. Thì ra cậu ấy không hề sủa khi đọc thơ Puskin, gần như không hề sủa khi nói về bà, bà Natalia Cudiminhitrơna ạ. Trong lúc đó lại sủa gần như liên hồi khi nói về các bạn học của mình và về tờ báo tường của lớp, trên tờ báo tường đó có lẽ các bạn học thỉnh thoảng vẫn phê bình cậu ấy… Bà hiểu ý của tôi chứ? Hình như tôi đã diễn đạt khá rõ?

– Bác sĩ cho rằng… – Bà mẹ Gôga trầm ngâm kéo dài giọng.

– Đúng thế! Dĩ nhiên, trên đời này không thể có một ông thần nào cả (ông Khốttabít phật ý và lần này thì phật ý ghê gớm). Nhưng ở cậu con trai của bà có một chấn thương tâm thần rất đặc biệt. Với tất cả trách nhiệm của mình, tôi phải nói với bà rằng từ nay trở đi, cậu ấy sẽ sủa gâu gâu…

– Trời ơi! – Người đàn bà tội nghiệp vung tay hoảng sợ.

-… Sẽ sủa gâu gâu mỗi khi cậu ấy định đơm đặt chuyện hoặc hớt lẻo, nói chung là mỗi khi cậu ấy định nói những lời lẽ không hay. Và lúc bấy giờ, mọi người sẽ gọi cậu ấy không phải là Gôga Piliukin mà là Gâugâu Piliukin. Lúc cậu ấy lớn lên, người ta sẽ không gọi cậu một cách kính trọng là Ghêoócghi Vaxiliêvích, mà sẽ gọi là Gâugâu Vaxiliêvích, dĩ nhiên là chỉ gọi sau lưng thôi. Bà thấy đấy, cậu con trai của bà có thể lâm vào một tình cảnh rất bi đát. Nhưng nếu cậu ấy nhất quyết tự đề ra cho mình một nguyên tắc là không hớt lẻo, không đơm đặt chuyện, không làm mất uy tín của những người tốt thì tôi xin đem đầu mình ra cam đoan với bà rằng cậu ấy sẽ vĩnh viễn hết sủa.

– “Gâugâu Vaxiliêvích”! – Bà Natalia tội nghiệp hoảng sợ. – Mới chỉ nghĩ thôi đã cảm thấy ghê rợn rồi! Tôi quả là không thể chịu đựng nổi chuyện đó… Còn thuốc men thì sao ạ? Có thể bác sĩ vẫn cứ cho cháu một thứ thuốc nào đó chăng?

– Thuốc men chẳng giúp ích được gì cả. Thế nào, ngươi trẻ tuổi, thử làm theo cách của tôi chứ?

– Làm như thế thì cháu sẽ hoàn toàn không sủa nữa? – Gôga hỏi.

– Mọi chuyện bây giờ chỉ tùy thuộc ở cậu thôi, người trẻ tuổi ạ!

– Thế có nghĩa là sẽ không cần toa thuốc? – Thấy ông Alếchxanđrơ định ra về, bà Natalia hỏi lại.

– Đó chính là toa thuốc của tôi. Một toa thuốc duy nhất đúng đắn. Vả lại, có thể kiểm tra xem. Nào, bây giờ cậu hãy nói vài lời đúng đắn về cậu bạn Vônca của cậu. Tôi xin lưu ý cậu rằng chỉ nói những lời đúng đắn thôi đấy nhé.

– Nói chung, dĩ nhiên Vônca Côxtưncốp là một thiếu niên tốt. – Gôga nói ngập ngừng cứ như nó lần đầu tiên tập nói vậy. – Đúng thế ạ, thưa bác sĩ, đó là một cậu bạn đáng yêu! Lần đầu tiên sau buổi thi môn địa lý, cháu không sủa khi nói về Vônca. Hoan hô! Hoan hô!

– Thế trong buổi thi ấy đã xảy ra chuyện gì đặc biệt nào? – Ông bác sĩ già hỏi như là tiện thể thì hỏi vậy thôi.

– Quả là chẳng có chuyện gì đáng đem đi rêu rao cả. Thiếu gì điều có thể xảy ra một cậu bé bỗng nhiên bị bệnh do quá mệt. – Gôga đã trả lời với vẻ vững tin hơn nhiều.

– Thôi, tôi đi đây. – Ông bác sĩ già nói. – Tôi còn phải đến thăm cả chục ngươi bệnh thực sự. Gôga, thế là cậu đã hiểu vấn đề là ở chỗ nào rồi chứ?

– Cháu hiểu rồi ạ! Ôi, cháu đã hiểu rồi! Lời nói danh dự của một đội viên thiếu niên tiền phong! Xin cám ơn bác sĩ!

– Tốt lắm! Bây giờ cậu hãy cố làm theo điều cậu hiểu! Chúc bà và cậu mạnh khỏe!

***

Vài giây sau, khi ông thần già chui vào chỗ quen thuộc của mình ở dưới gầm giường của Vônca với vẻ mặt rất đăm chiêu. Vônca hỏi xẵng:

– Ông biến đi đâu thế?

– Hãy nghe ta nói, hỡi cậu Vônca! – Ông già nói với vẻ trịnh trọng khác thường ngay cả đối với ông ta. – Ta vừa chứng kiến một trường hợp quả là chưa từng có, khi mà một người trần mắt thịt lại giải được lời nguyền của một ông thần. Thật thế, đó là một con người rất thông minh và rất công bình. Ông ta công bình đến nỗi ta không hề nghĩ đến chuyện trừng phạt ông ta về việc ông ta đã không tin vào sự tồn tại của ta… Cậu định đi đâu vậy?

– Cháu phải đi thăm Gôga. Cậu ấy bị bệnh mà cháu chẳng thăm nom gì thì thật là tệ.

– Cậu đi đi! – Ông thần già nói. – Cậu đi thăm người bạn học của mình đi, mặc dù cậu ấy không còn bị bệnh nữa.

– Không bị bệnh nữa? Cậu ấy đã hoàn toàn bình phục rồi hả ông?

– Bây giờ chuyện đó hoàn toàn tùy thuộc ở chính cậu ta. – Ông Khốttabít nói và sau khi dẹp được lòng tự ái của mình, ông đã kể cho Vônca nghe câu chuyện độc nhất vô nhị về việc cậu bé bị phù phép đã được một ông thầy thuốc bình thường chữa khỏi như thế nào.

(1) Tên gọi thân mật của Gôga 

(2) Mũ của nhà vua 

(3) Tên gọi âu yếm khác của Vônca

 

CHƯƠNG 27 – ÔNG GIÀ KHỐTTABÍT VÀ MIXTƠ HARI OANĐENĐALÉT

Sau bữa ăn sáng, ông Khốttabít khoan khoái ngồi sưởi nắng và nói với Vônca:

– Hỡi cậu Vônca may mắn, ta luôn luôn tặng cậu những món quà mà theo ý ta là quý báu và lần nào những món quà đó cũng chẳng vừa lòng cậu. Có lẽ bây giờ chúng ta làm thế này nhé: tự cậu nói cho ta biết cậu và cậu bạn trẻ tuổi Giênia của chúng ta thích ta tặng món quà gì, ta sẽ rất lấy làm hân hạnh và sung sướng tặng ngay các cậu món quà ưa thích đó.

– Vậy thì ông hãy tặng cháu một cái ống nhòm đi biển loại lớn. – Vônca đáp ngay, chẳng cần suy nghĩ.

– Ta sẽ tặng cậu với tất cả nỗi niềm sung sướng và mến yêu.

– Cháu cũng muốn có một cái ống nhòm. Dĩ nhiên là nếu có thể được. – Giênia rụt rè nói.

– Chẳng có gì dễ hơn thế!

Thế rồi cả ba ông cháu kéo đến cửa hàng đồ cũ.

Cửa hàng nằm tại một đường phố nhỏ, ngắn ngủn và ồn ào ở ngay trung tâm thành phố. Trong cửa hàng, người mua đông nghẹt.

Những người bạn của chúng ta khó khăn lắm mới len được tới quầy hàng bán đủ thứ linh tinh, chẳng tài nào phân loại nổi bởi vì nếu phân loại thì mỗi thứ hàng lại phải có một quầy hàng riêng.

– Hỡi cậu Vônca đáng mến, cậu hãy chỉ cho ta xem cái ống nhòm mà các cậu ưa thích ấy hình thù ra sao. – Ông Khốttabít vui vẻ nói, nhưng ông bỗng tái mặt và run cầm cập như lên cơn sốt.

Ông đau đớn nhìn hai người bạn trẻ tuổi của mình rồi khóc òa và nói với chúng bằng một giọng trầm trầm rùng rợn: “Vĩnh biệt các cậu bạn thân thiết của lòng ta!”. Sau đó, ông đi về phía một người nước ngoài ăn mặc sang trọng, tóc bạc, mặt đỏ. Vừa đi ông vừa dùng cùi chỏ chen lấn đám đông và đến quỳ ngay trước người nước ngoài nọ.

– Ngài hãy ra lệnh đi, bởi vì tôi là kẻ nô lệ ngoan ngoãn và hiền lành của ngài! – Ông Khốttabít nuốt nước mắt rồi nói và cố hôn vạt áo véttông của người nước ngoài.

– Không được mó vào người ta! – Người nước ngoài hét lên bằng thứ tiếng Nga trọ trẹ. – Không được mó vào người ta, nếu không ta sẽ vả vào mặt ngươi bây giờ. Ngươi là một tên móc túi! Ngươi muốn moi chiếc ví của ta! Thật là nhục nhã!

– Ngài lầm rồi, hởi ông chủ của tôi! – Ông già đáp và vẫn quỳ – Tôi chờ đợi các mệnh lệnh của ngài để thực hiện ngay lập tức và không điều kiện.

Từ sau quầy hàng, người bán hàng nói với ông Khốttabít bằng một giọng trách móc:

– Ông già kia, thời buổi này mà còn đi ăn xin thì thật là xấu hổ!

– Như vậy, tôi có phải trả bao nhiêu cho cái nhẫn (1) xấu này? – Người nước ngoài bực tức tiếp tục cuộc nói chuyện đã bị ông Khốttabít phá ngang.

– Chỉ có 10 rúp 71 côpếch thôi. – Người bán hàng đáp. – Dĩ nhiên đây chỉ là một món đồ lâu lâu mới có.

Những người bán hàng ở các cửa hàng đồ cũ đã nhẵn mặt Mixtơ (2) Hari Oanđenđalét. Ông ta vừa từ Niu Yoóc tới với tư cách là một thương gia đi du lịch.

Lúc rảnh rỗi, Oanđenđalét thường lân la đến các cửa hàng đồ cũ, những mong mua được món đồ có giá trị nào đó bằng cái giá rẻ mạt.

Mới đây.thôi, ông ta đã mua được với giá rất hời nửa tá tách uống trà của nhà máy sứ mang tên Lômônôxốp. Và ngay bây giờ, đúng vào lúc ông già Khốttabít khốn khổ đến quỳ trước mặt Oanđenđalét, nhà du lịch người Mỹ này đang hỏi giá một chiếc nhẫn đã ngả màu vì thời gian. Người bán hàng cho rằng đây là một chiếc nhẫn bạc, còn Oanđenđalét thì cho rằng chiếc nhẫn làm bằng bạch kim.

Mua được chiếc nhẫn rồi, Oanđenđalét nhét nó vào túi áo gilê. Ông Khốttabít liền vội vã đi theo nhà du lịch người Mỹ, vừa đi ông vừa lấy tay quệt những hàng nước mắt đầm đìa trên khuôn mặt nhăn nheo, ngăm ngăm đen. Lúc chạy ngang qua hai người bạn trẻ của ông. Ông già chỉ kịp nói mấy câu:

– Than ôi, ta vừa thấy cái ông ngoại quốc tóc bạc kia cầm trong tay chiếc nhẫn thần của vua Xalômông con trai của Đavít – Cầu chúc cả hai vị đều bình an. Còn ta là nô lệ của chiếc nhẫn đó và ta phải đi theo người làm chủ chiếc nhẫn đó, xin vĩnh biệt hai cậu bạn của ta! Ta sẽ luôn luôn nhớ tới các cậu với lòng biết ơn và yêu mến…

Mãi đến lúc này, khi đã chia tay ông Khốttabít mà không hẹn ngày gặp lại, hai cậu bé mới hiểu được chúng đã gắn bó với ông già tới mức nào. Buồn bã và lầm lì, chúng rời khỏi cửa hàng đồ cũ, thậm chí chẳng buồn ngó ngàng đến ống nhòm nữa. Cả hai đi về phía bờ sông, là nơi trong thời gian gần đây hầu như ngày nào chúng cũng gặp nhau để chuyện trò tâm sự. Chúng nằm khá lâu ở trên bờ, ngay cạnh nơi mà gần đây Vônca đã tìm được cái bình gốm phủ đầy rêu, bên trong nhốt ông Khốttabít. Hai cậu bạn nhớ lại những thói quen tức cười nhưng dễ thương của ông già và mỗi lúc một tin chắc rằng xét cho cùng, tính tình của ông rất dễ chịu và hiền lành.

– Nói cho đúng ra, chúng ta đã chẳng coi trọng ông Khốttabít. – Giênia buồn bã thở dài.

Vônca trở mình, muốn đáp lại Giênia một câu gì đó, nhưng nó chẳng đáp mà lại dừng phắt dậy và lao vào giữa vườn hoa ở bên bờ sông:

– Hoan hô!… Ông Khốttabít đã trở lại! Hoan hô-ô!

Quả thực, Gátxan Ápđurắcman con trai của Khốttáp đang bước lại gần hai cậu bé với dáng đi tất tả, hơi lập cập của người già. Ông đeo lủng lẳng trên vai hai cái bao da màu đen và màu nâu, bên trong đựng ống nhòm đi biển loại lớn.

(1) Cái nhẫn. Câu này và tất cả các câu sau, người nước ngoài nói sai cách và sai giọng. Khi dịch, chúng tôi vẫn giữ nguyên cách nói sai đó. –

(2) Tiếng Anh: ông, ngài

Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12 Trang 13 Trang 14 Trang 15 Trang 16 Trang 17 Trang 18 Trang 19 Trang 20 Trang 21 Trang 22Kế tiếp

guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận