Ông già Khốttabít – Tác giả: Lazar Lagin

0
2920

Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12 Trang 13 Trang 14 Trang 15 Trang 16 Trang 17 Trang 18 Trang 19 Trang 20 Trang 21 Trang 22Kế tiếp

-Quảng Cáo-

CHƯƠNG 22 – MỘT CON LẠC ĐÀ ĐI……

Nhưng bây giờ trong sân lại đầy voi, lạc đà và lừa, con nào con nấy đều chở nặng. Các đoàn súc vật vận chuyển vẫn tiếp tục ùn ùn kéo vào cái cổng mở rộng. Tiếng la của những người chăn dắt da đen, mặc buốcnút (1) trắng tinh, hòa lẫn với tiếng voi rống, lạc đà kêu, lừa hí, vài tiếng rầm rập của hàng trăm mống guốc, với tiếng leng keng của những chiếc chuông con và lục lạc.

Một người nhỏ nhắn, nước da rám nắng đen nhẻm, mặc quần áo lụa sang trọng, từ trên lưng voi trèo xuống, bước ra giữa sân, dùng chiếc gậy nhỏ bằng ngà voi đập xuống lớp nhựa đường ba lần, thế là từ mặt sân bỗng phọt lên một vòi nước rất mạnh. Ngay lập tức, những người chăn dắt xách thùng bằng da liền hối hả xếp thành một hàng dài, và chẳng mấy chốc trong sân đã đầy những tiếng xoàn xoạt, phì phì của các con vật tranh nhau uống nước một cách thèm thuồng.

– Tất cả những thứ này đều là của cậu, hỡi cậu Vônca? – ông Khốttabít nói lớn, cố át tiếng ồn ào ngoài cửa sổ.  – Xin cậu hãy vui lòng nhận chút quà mọn này của ta.

– (1) áo khoác có mũ trùm bằng vải len mả người Trập thường mặc

– Tất cả là thế nào ạ? Vônca hỏi, cu cậu bị tiếng ồn ào làm đinh tai.

– Tất cả là tất cả chứ còn thế nào nữa! Cả voi, cả lạc đà, cả lừa cả toàn bộ vàng bạc châu báu chất tiên lung, các con vật đó cả nhũng gã đứng cạnh các thứ hàng vận chuyển và các con vật nọ. Tất cả những thứ này đều là của cậu!

Tình hình mỗi lúc một rắc rối thêm. Vừa rồi, Vônca suýt nữa trở thành ông chủ của ba tòa lâu dài tráng lệ mà nó hoàn toàn chẳng cần đến. Còn bây giờ, nó lại trở thành ông chủ của vô số vàng bạc châu báu, ông chủ cả một đàn voi và có thể nó là ông chủ nô lệ nữa!

Ý nghĩ đầu tiên của Vônca là van nài ông Khốttabít đưa đi ngay những món quà vô tích sự của ông trong lúc chưa có ai nhận thấy những món quà đó.

Nhưng Vônca lập tức nhớ lại chuyện ba tòa lâu đài. Nếu như lúc ấy nó khéo nói một chút thì có thể giữ lại các tòa lâu đài ấy để làm đẹp cho thành phố.

Nói tóm lại, cần phải tranh thủ thời gian để suy nghĩ và vạch ra kế hoạch hành động.

Ông biết sao không, ông Khốttabít? – Vônca cố nói cho thật tự nhiên. – Trong lúc những người kia chăm sóc đàn súc vật vận chuyển, ông cháu ta có thể cưỡi lạc đà đi chơi được không ạ?

Rất sung sướng và vui lòng! – ông già cả tin đáp.

Một phút sau, “con tàu của sa mạc” (1) có hai bướu đã đi ra đường, nó lắc lư oai vệ và nghênh ngang đưa mắt nhìn quanh. Chễm chệ trên lưng nó là cu cậu Vônca hồi hộp và ông Khốttabít cảm thấy mình như đang ở trong nhà và uể oải phe phẩy cái mũ.

– Lạc đà! Lạc đà! – Bọn nhóc sung sướng reo hò. Chúng vọt ra đường cùng một lúc và đông tới mức dường như việc chờ đợi những con lạc đà xuất hiện vào giờ đó đã trở thành một việc quen thuộc đối với chúng.

Bọn nhóc đứng vây quanh gần sát con vật thuần tính cao lênh khênh so với chúng như chiếc trôlâybuýt hai tầng so với chiếc xe đẩy bán nước giải khát có ga vậy. Một cậu nhóc nào đó vừa nhảy lò cò vừa thích thú hát vang:

Những người cưỡi trên lưng lạc đà!…

Nhửng người cưỡi trên lưng lạc đà!…

Con lạc đà đi đến ngã tư đúng vào lúc có đèn đỏ. Chưa hề được tập cho quen với luật lệ giao thông trên đường phố, nó thản nhiên bước qua vạch trắng đậm trên mặt đường, mặc dù ngay tróc cái vạch đó có viết hai chữ to tướng:

(1 ) Người ta vẫn thường ví lạc đà là “con tàu của sa mạc 

– “DỪNG LẠI”.

Nhưng Vônca đã uổng công khi nói cố kìm con vật lầm lì lại ở bên này vạch trắng: “con tàu của sa mạc” thản nhiên cất bước, tiếp tục đi thẳng về phía người cảnh sát đã rút trong xà cột ra cuốn biên lai thu tiền phạt.

Bỗng có tiếng còi inh ỏi, tiếng phanh kít và một chiếc xe hơi màu xanh da trời dừng lại ngay trước mũi con lạc đà vẫn thản nhiên thở phì phì. Ông tài xế nhảy ra khỏi xe và quát mắng cả con lạc đa, mà có hai người cưỡi trên lưng nó.

Quả thực, chỉ một giây nữa thôi là đã xảy ra một tai nạn không sao cứu vãn nổi.

– Xin mời lại gần via hè – Người cảnh sát đưa tay lên chào và nói một cách lịch sự.

Vônca cảm thấy rằng nó đã rơi vào một tình trạng rất khó chịu. Từ trên lưng lạc đà, nó cúi người xuống và bắt dầu xin lỗi một cách vụng về:

– Thưa đồng chí cảnh sát, từ nay tôi sẽ không vi phạm như thế nữa? Xin đồng chí hãy thứ lỗi cho chúng tôi… Đã đến lúc chúng tôi phải cho lạc đà ăn rồi… Đây mới là lần đầu tiên…

Không thể tha thứ được đâu. – Người cảnh sát lạnh lùng đáp.

– Trong những trường hợp như thế này, mọi người đều nói rằng đây mới là lần đầu tiên…

Một đám đông lập tức tụ họp lại và bắt đầu bàn tán:

– Đồng chí cảnh sát hoàn toàn đúng!

Ở đây ai là ngươi cừ nhất? Người cừ nhất ở đây là bác tài xế. Bác ấy không hề luống cuống.

– Lần đầu tiên tôi thấy ở ngay giữa Mátxcơva mà bỗng nhiên lại có người cưỡi lạc đà hai bướu đi nghễu nghệ đấy

– Chao ôi, chỉ chút xíu nữa là xảy ra tai nạn?

– Chẳng lẽ một đứa bé không được cưỡi lạc đà sao?

– Không một ai được phép vi phạm luật lệ giao thông trên đường phố cả…

– Thật không tài nào hiểu nổi người ta moi đâu ra lạc đà ở giữa Mátxcova này?…

Vônca vẫn tiếp tục cố làm mủi lòng người cảnh sát nghiêm khắc mà chẳng ăn thua. Bỗng nó thấy ông Khốttabít giật tay áo mình. Cho tới lúc đó, ông vẫn giữ im lặng một cách kiêu kỳ.

– Hỡi ông chủ trẻ tuổi của ta… – ông nói. – Hỡi ông chủ trẻ tuổi của ta, ta rất đau lòng khi thấy cậu phải hạ mình để giúp ta thoát khỏi những sự khó chịu. Tất cả những kẻ này đều không đáng hôn gót chân của cậu. Cậu hãy cho chúng hiểu rằng cậu khác chúng một trời một vực!

Vônca chỉ đáp lại bằng cách bực bội xua tay, nhưng bỗng nó cảm thấy cái chuyện xảy ra lúc thi môn địa lý đang lặp lại với nó: nó lại không làm chủ được tiếng nói của mình.

Nó muốn nói:

“Thưa đồng chí cảnh sát, tôi rất mong đồng chí thứ lỗi cho tôi Tôi xin hứa với đồng chí rằng cho tới lúc chết, tôi sẽ không bao giờ vi phạm luật lệ giao thông trên đường phố. Nhưngg thay vào lời van nài nhún nhường đó, nó lại bỗng nhiên gào váng cả phố:

– Hỡi tên lính canh đê tiện kia, sao mi dám cản đường ta trong cái giờ phút dạo chơi quý báu của ta?! Quỳ xuống.

– Quỳ xuống ngay trước mặt ta, nếu không ta sẽ giáng cho mi một tai họa gì đó khủng khiếp! Ta thề trước bộ râu của ta!… Tức là trước bộ râu của ông ấy!

Vônca hất đầu về phía ông Khốttabít đắc chí nhe răng cười và vuốt râu với vẻ oai vệ.

Còn về phần người cảnh sát và đám đông vây quanh thì vì quá bất ngờ, mọi người thậm chí không hẳn chỉ bối rối, mà chủ yếu là còn sửng sốt trước những câu nói láo xược đó.

– Ta là một thiếu niên lỗi lạc nhất ở thành phố này. – Vônca tiếp tục gào trong khi nó khốn khổ vì cái cảm giác bất lực của mình. – Bọn mi chẳng đáng hôn gót chân của ta… Ta là người đẹp trai!… Ta là người thông minh…

– Thôi được, – người cảnh sát cau có đáp, – Về đồn, người ta sẽ tìm hiểu xem cậu là người thông minh như thế nào…

Và tại sao lại có “đùi lợn” (1) ở đây…

(1) Trong tiếng Nga, đùi lợn” là “ôcôrốc”, lúc phát âm nghe gần giống với tiếng ôtơrốc, (thiếu niên) mà Vônca nói ở trên 

– Than ôi, ta nói bậy bạ gì thế này! Tội càn quấy rõ rành rành?… Vônca hoảng sợ, trong khi đó từ mồm nó vẫn tuôn ra những lời ghê gớm:

– Mi không được phép xuyên tạc lời ta nói? Không phải là đùi lợn mà là thiếu niên! Ôi, khổ thay, khổ thay cho mi, kẻ đã dám làm xáo động tâm trạng thoải mái của ta! Hãy ngừng ngay những lời nói hỗn láo của mi khi vẫn còn chưa muộn!…

Trong lúc ấy, có một chuyện gì đó đánh lạc sự chú ý của ông Khốttabít. Ông ta vẫn thì thầm vào tai Vônca những câu nói kiêu ngạo nhảm nhí của mình, và Vônca lấy lại được tự chủ trong chốc lát, liền từ trên lưng lạc đà cúi thấp người xuống, vừa buồn bã nhìn thẳng vào mắt những ngươi đứng nghe xung quanh, vừa lắp bắp van vỉ:

– Các đồng chí?… Các ông các bà!… Các bạn?… Xin bỏ qua những lời tôi nói vừa rồi… Chẳng lẽ tôi lại dám nói như thế ư? Đó là tại ông ta, cái ông già này, bắt tôi phải nói như vậy Nhưng đến đây, ông Khốttabít lại nắm lấy quyền làm chủ tiếng nói của Vônca, nên Vônca lại gào lên, không kịp thở lấy hơi:

– Bọn bay hãy liệu hồn và chớ có làm ta nổi giận, bởi vì ta nổi giận thi rất đáng sợ. Chà, rất chi là đáng sợ đấy!…

Vônca hiểu rõ rằng những lời nó nói chẳng đe dọa được ai, mà chỉ tổ làm cho mọi người tức giận, thậm chí còn làm cho một số người phì cười, nhưng nó không thể làm gì được.

Trong khi đó, những người nghe Vônca nói không còn cảm thấy phẫn nộ và ngạc nhiên nữa, mà lại bắt đầu cảm thấy lo lắng cho Vônca. Rõ ràng là không một học sinh Xôviết có đầu óc bình thường nào lại dám thốt ra nhũng lời lẽ ngu ngốc và hỗn xược như thế.

Bỗng trong đám đông có tiếng phụ nữ hốt hoảng kêu lên:

– Các ông các bà ơi! Thằng bé này bị sốt nặng rồi!… Mồm nó đang bốc khói kia kìa!

– Lại còn nói nhăng nói cuội gì thế nữa! – Vônca quát lên để đáp lại và nó kinh hoàng khi cảm thấy rằng cùng với những lời nói, từ mồm nó tuôn ra những luồng khói lớn đen xì…

Một người nào đó sợ hãi kêu lên, một người khác chạy vào hiệu thuốc để gọi xe cấp cứu. Lợi dụng tình trạng nhốn nháo, Vônca liền thì thầm với ông Khốttabít:

– Gátxan ápdurắcman con trai của Khốttáp? Tôi ra lệnh cho ông phải ngay lập tức đưa con lạc đà cùng với chúng ta đi xa khỏi chỗ này… Tốt hơn hết là ra ngoại thành. Nếu không thì chúng ta sẽ khốn to… ông nghe rõ chưa? Ngay – lập – tức!

– Xin tuân lệnh! – ông già cũng thì thầm đáp lại.

Đúng lúc đó, con lạc đà cùng hai người cưỡi trên lưng nó lao vút lên trời và biến mất, làm cho mọi người xung quanh vô cùng sửng sốt.

Một phút sau, con lạc đà nhẹ nhàng hạ xuống một vùng ngoại ô thành phố và nó bị hai vị hành khách bỏ rơi vĩnh viễn ở đấy.

Có lẽ cho đến nay con lạc đà ấy vẫn còn gặm cỏ đâu đó ở ngoại thành. Nếu các bạn tình cờ bắt gặp nó thì rất dễ nhận ra: nó có một cái dây cương gắn đầy kim cương và ngọc bích.

 

CHƯƠNG 23 – CÂU CHUYỆN BÍ MẬT TẠI CHI NHÁNH NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Lúc hai ông cháu trở về nhà, mặc dù đã trải qua mọi chuyện khó chịu trong ngày, Vônca vẫn cảm thấy phấn khởi.

Cuối cùng, nó đã nghĩ ra cách giải quyết số tài sản nhiều vô kể trút như mưa xuống đầu nó. 

Trước hết, Vônca hỏi ông Khốttabít xem ông có thể biến thành vô hình – trước mắt người ngoài – tất cả những người chăn dắt cùng với đàn voi, lạc đà, lừa và toàn bộ các thứ hàng vận chuyển được không.

– Cậu chỉ cần ra lệnh là mọi việc sẽ được thực hiện trong chớp mắt. – Ông Khốttabít sẵn lòng đáp.

– Tốt lắm – Vônca nói. – Vậy thì xin ông hãy biến tất cả người chăn dắt, súc vật, hàng vận chuyển thành vô hình, sau đó chúng ta đi ngủ. Sáng mai, chúng ta sẽ phải dậy cùng lúc với mặt trời mọc.

– Xin tuân lệnh Thế rồi những người tụ tập trong sân để xem đoàn Súc Vật vận chuyển ồn ào và kỳ lạ bỗng thấy cái sân hoàn toàn trống không và mọi người tản về nhà sau khi quên ngay lập tức đoàn súc vật vận chuyển nọ.

Vônca ăn tối qua loa, cởi nhanh quần áo và khoan khoái nằm dài trên chiếc giường mát mẻ.

Còn ông Khốttabít thì quyết định nghiêm chỉnh tuân thủ tập quán lâu đời của các ông thần là biến thành vô hình và nằm ngay ở ngưỡng cửa để bảo vệ sự yên tĩnh cho vị cứu tinh trẻ tuổi của mình. Vônca đã toan bắt đầu cuộc nói chuyện nghiêm chỉnh với ông già Khốttabít thì cửa ra vào bỗng mở toang và bà nội, như thường lệ, đi vào chúc cậu cháu của mình ngủ ngon, liền vấp phải ông Khốttabít vô hình, ngã uỵch xuống sàn nhà.

– Con hiểu không, có một cái gì đó nằm ở cửa này!

Bà giải thích với bố Vônca khi ông nghe tiếng động mạnh bèn chạy vào.

– Cái gì đó nằm ở đâu hả mẹ? – Bố Vônca hỏi. – Và cái gì đó trông nó ra sao ạ?

– Aliôsenca (1), cái đó hoàn toàn không thể trông thấy được.

– Mẹ ơi, thế là mẹ vấp phải chỗ trống không, có phải không ạ? – Bố Vônca mỉm cười hóm hỉnh, ông hài lòng khi thấy mẹ không hề bị đau khi ngã.

(1) Tên gọi thân mật của ông Alếchxây 

– Thì ra mẹ vấp vào chỗ trống không, con trai của mẹ ạ. – Bà bối rối đáp và đến ngập ngừng, bà ngượng ngùng phì cười.

Bố và bà nội chúc Vônca ngủ ngon rồi đi ra.

Còn ông Khốttabít thì đã thận trọng chuyển vào nằm dưới giường Vônca. Ở đây, chẳng còn phải lo có ai giẫm vào người mình nữa. Vả lại, nằm như thế càng gần Vônca hơn.

Cả hai nhân vật chính của chúng ta nằm im một lúc.

Vônca vẫn chưa biết nên bắt đầu cuộc nói chuyện tế nhị sắp tới như thế nào đây.

– Chúc cậu ngủ ngon! – Từ dưới gầm giường, ông Khốttabít nói với giọng đầy thiện ý.

Vônca hiểu rằng đã đến. lúc phải bắt đầu.

– Ông Khốttabít ơi, – nó thò dầu từ trên giường xuống và nói, cháu cần phải nói chuyện với ông một chút.

– Có phải về chuyện những món quà của ta hôm nay không? – Ông Khốttabít hỏi với vẻ lo lắng và thở dài đánh sượt khi Vônca gật đầu xác nhận.

– Ông Khốttabít thân mến, cháu muốn biết cháu có được quyền sử dụng những món quà của ông theo ý cháu không ạ?

– Dĩ nhiên là được.

Cho dù cháu sử dụng những món quà ấy như thế nào, ông cũng không giận cháu chứ

– Không đời nào, hời cậu Vônca? Lẽ nào ta dám giận người đã giúp ta nhiều điều như thế!

– Ông Khốttabít, nếu ông cảm thấy không có gì trở ngại thì ông hãy thề đi.

– Ta xin thề! – ông Khốttabít.

Khốttabít nói với giọng khàn khàn ở dưới giường sau khi ông đã hiểu rằng chẳng phải vô cớ mà Vônca lại nói tới chuyện này.

– À thế thì hay lắm? – Vônca mừng rỡ. – Thế có nghĩa là ông sẽ không giận nếu cháu hoàn toàn chẳng cần đến những món quà ấy, mặc dù cháu rất biết ơn ông.

– Ôi khổ thay cho ta? – ông Khốttabít rên rỉ đáp lại. – Cậu lại từ chối những món quà của ta rồi?… Nhưng đây có phải là những tòa lâu đài đâu! Hỡi cậu Vônca, cậu thấy đấy, ta chẳng tặng cho cậu những lâu đài nữa. Cậu cứ nói phứt đi cho rồi: cậu coi khinh những món quà mà kẻ đầy tớ trung thành của cậu mang tặng.

– Ông Khốttabít, ông hãy tự suy xét xem, vì chính ông là một ông già rất thông minh: cháu cần đến vô số châu báu ấy làm gì nào?

– Để trở thành người giàu nhất trong tất cả những người giàu có là cái cậu có thể làm! – Ông Khốttabít giải thích với giọng đay nghiến. – Hay cậu lại bảo rằng cậu không muốn trở thành người giàu nhất nước mình? Cậu dám bảo thế lắm, hởi cậu thiếu niên khó tính nhất và khó hiểu nhất trong tất cả các cậu thiếu niên mà ta đã từng gặp! Có tiền là có quyền lực, có tiền là có vinh quang, có tiền là có bạn bè, muốn bao nhiêu cũng được? Tiền là như vậy đó.

– Ai cần đến cái thứ bạn bè mua bằng tiền, cái thứ vinh quang mua bằng tiền hả ông. Ông chỉ làm cho cháu buồn cười thôi ông Khốttabít ơi? Vinh quang nào lại có thể mua được bằng tiền, chứ không phải bằng lao động lương thiện vì lợi ích của Tổ quốc mình?

– Cậu quên mất rằng tiền đem lại quyền lực bảo đảm nhất và chắc chắn nhất đối với mọi người, hởi người trẻ tuổi hay tranh cãi cù nhầy?

– Chuyện đó chỉ có ở nước Mỹ thôi, chứ không thể có ở nước chúng cháu.

..

– Chắc cậu lại sắp sửa bảo rằng ở nước các cậu, mọi người đều không muốn làm giàu, ha ha ha! – Ông Khốttabít tưởng rằng ông đã nói lên một ý rất cay độc.

– Không, không phải đâu. – Vônca kiên nhẫn đáp.

– Ở nước chúng cháu, người nào làm lợi nhiều cho Tổ quốc thì kiếm được nhiều tiền hơn so với người làm lợi ít cho Tổ quốc. Dĩ nhiên, mỗi người đều muốn kiếm được nhiều tiền hơn, nhưng phải kiếm tiền bằng lao động lương thiện kia.

– Cứ cho là thế đi? – Ông Khốttabít nói. – Ta hoàn toàn không có ý định đẩy người bạn yêu quý của mình vào con đường kiếm tiền bất chính. Nếu cậu không cần những thứ châu báu này thì cậu hãy đổi chúng thành tiền và dùng số tiền ấy cho vay lấy lãi. Cậu phải đồng ý với ta rằng cho những người cần tiền vay lấy lãi là một việc làm rất đáng trọng.

– Ông điên mất rồi! – Vônca phẫn nộ.

– Ông quả là không hiểu những điều ông nói? Một người Xôviết bỗng nhiên lại biến thành một kẻ cho vay nặng lãi! Vả lại, bây giờ ai còn thèm đến với một tên hút máu như thế, thậm chí nếu tên đó bỗng nhiên xuất hiện ở đâu đấy? Nếu một người ở nước chúng cháu cần tiền thì có thể vay ở quỹ tương trợ hoặc vay bạn bè. Còn kẻ cho vay nặng lãi thì đó chính là một tên hút máu, một tên ăn bám, một tên bóc lột đê tiện, như thế đấy!

– Mà ở nước chúng cháu thì không có và sẽ không bao giờ có những kẻ bóc lột. Đủ lắm rồi! Vào thời tư bản, bọn bóc lột đã hút no máu nhân dân nước chúng cháu.

– Vậy thì, – ông Khốttabít đã hơi chán nản song vẫn chưa chịu thua, – cậu hãy mua thật nhiều hàng hóa và mở các cửa hàng của mình trong khắp thành phố. Cậu sẽ trở thành một thương gia nổi tiếng và mọi người sẽ kính trọng cậu.

– Chẳng lẽ ông không hiểu rằng nhà buôn tư nhân cũng là một hạng bóc lột ở nước chúng cháu, việc buôn bán do nhà nước và hợp tác xã đảm nhiệm. Còn kiếm tiền bằng cách buôn bán trong cửa hàng của mình thì…

– Hừm! – ông Khốttabít làm ra vẻ đồng ý với Vônca. – Cứ tạm cho rằng cậu nói đúng đi. Vậy sản xuất ra các thứ hàng hóa khác nhau thì ta hy vọng đó là một việc làm lương thiện chứ

– Dĩ nhiên rồi! ông thấy chưa? – Vônca mừng rỡ, – ông bắt đầu hiểu ý cháu rồi đấy!

– Rất sung sướng? – Ông Khốttabít nhếch mép cười chua chát. – Ta nhớ có lần cậu nói với ta rằng ông bố rất đáng kính của cậu đang làm đội trưởng ở một nhà máy. Có đúng thế không?

– Đúng ạ?

– Ông bố cậu là người to nhất trong nhà máy ấy?

– Không, không phải là to nhất đâu. Bố cháu chỉ là đội trưởng thôi, trên bố cháu còn có phân xưởng trưởng này, giám đốc này.

– Thế này nhé, – Ông Khốttabít đắc thắng kết thúc ý nghĩ của mình, – với vô số của cải mà ta tặng cậu, cậu có thể mua cho ông bố tuyệt vời của cậu cái nhà máy mà ông đang làm việc và còn có thể mua nhiều nhà máy khác nữa.

– Nhà máy ấy cũng thuộc về bố cháu.

– Nhưng hỡi cậu Vônca con trai của Aliôsa, chính cậu vừa mới nói…

– Nếu ông muốn biết thì cháu xin nói rằng bố cháu làm chủ cả cái nhà máy bố cháu đang làm việc, cả toàn bộ những nhà máy và xí nghiệp khác, cả toàn bộ những hầm mỏ, xí nghiệp mỏ, đường sắt, ruộng đất, sông ngòi, núi non, cửa hàng, trường phổ thông, trường đại học, câu lạc bộ, cung điện, nhà hát, công viên và rạp chiếu bóng trong cả nước.

– Toàn bộ những thứ đó cũng thuộc về cháu, cũng thuộc về Gienca Bôgôrát, cũng thuộc về bố mẹ cậu ấy, cũng…

– Cậu muốn nói rằng ông bố của cậu có những hội viên cùng công ty phải không?

– Đúng đấy, những hội viên cùng công ty? Hơn hai trăm triệu hội viên cùng công ty hoàn toàn bình đẳng với nhau Số dân nước chúng cháu có bao nhiêu thì số hội viên cùng công ty có bấy nhiêu!

– Đất nước của cậu thật kỳ lạ và khó hiểu đối với đầu óc ta. – Ông Khôttabít lầm bầm ở dưới gầm giường và im bặt.

Tảng sáng hôm sau, tiếng chuông điện thoại đã dựng dậy khỏi giường ông chủ nhiệm chi nhánh Ngân hàng Nhà nước ở quận. Người ta gọi ông cấp tốc tới văn phòng.

Lo lắng vì cú điện thoại sớm như vậy, ông chủ nhiệm phóng ngay tới phòng làm việc và thấy ở sân tòa nhà được dùng làm trụ sở của chi nhánh ngân hàng rất nhiều voi, lạc đà và lừa chở các kiện hàng nặng.

– Có một công dân muốn đóng góp… – Người thường trực bối rối báo cáo vái ông chủ nhiệm.

– Đóng góp? – ông chủ nhiệm ngạc nhiên. – Vào lúc sáng tinh mơ như thế này?… Đóng góp gì vậy?

Để đáp lại, ngươi thường trực lặng lẽ chìa cho ông chủ nhiệm một tờ giấy xé trong cuốn vở học trò, trên đó viết đầy chữ với nét chữ trẻ con rắn rỏi.

Ông chủ nhiệm đọc tờ giấy và yêu cầu người thường trực cấu vào tay ông. Người thường trực bối rối thực hiện yêu cầu ấy. Ông chủ nhiệm nhăn mặt vì đau, sau đó lại nhìn tờ giấy và nói:

– Khó tin. Thật là khó tin?

Một công dân muốn giấu tên đã hiến cho Ngân hàng Nhà nước tùy ý sử dụng vào bất cứ nhu cầu nào hai trăm bốn mươi sáu kiện vàng, bạc và đá quý với tổng giá trị là ba tỷ bốn trăm sáu mươi bảy triệu một trăm ba mươi lăm nghìn bảy trăm lẻ ba rúp mười tám côpếch.

Số tiền trên có thể thêm vài chục rúp nữa, nhưng Vônca đã giữ lại ba đồng tiền vàng để bịt răng vàng cho bà nội…

Nhưng điều đáng kinh ngạc nhất đã xảy ra một phút sau đó. Thoạt tiên các con vật chở châu báu, sau đó những người chăn dắt con vật, rồi đến số châu báu được chở trên lưng các con vật ấy bỗng lắc lư, trở nên trong suốt như không khí và tan ra như hơi nước trong khoảng không. Một làn gió mát ban mai đã cuốn khỏi tay ông chủ nhiệm đang sửng sốt tờ giấy hiến của, thổi nó lên cao trên tòa nhà và mang đi về một hướng nào không rõ. Nhưng chẳng mấy chốc tờ giấy ấy đã bay qua cửa sổ mở, vào căn phòng Vônca Côxtacốp đang ngủ tít thò lò, gắn vào cuốn vở mà nó vừa được xé ra và lại hoàn toàn không có một chữ nào trên đó.

Nhưng như vậy vẫn chưa phải là hết. Hoàn toàn không thể hiểu nổi tại sao chuyện đó lại xảy ra, nhưng cả các nhân viên chi nhánh Ngân hàng Nhà nước ở quận, cả các người hàng xóm cùng nhà Vônca, thậm chí cả Vônca nữa đều không một lần nào sau đó nhớ đến đoàn súc vật vận chuyển kỳ lạ nọ. Dường như có ai đó đã xóa sạch chúng khỏi trí nhớ của họ.

 

CHƯƠNG 24 – ÔNG GIÀ KHỐTTABÍT VÀ XIĐÔRÊLI

Trông ông già thật đáng thương. Suốt ngày, ông giấu mình trong bể nuôi cá, viện cớ hình như bệnh thấp khớp của ông lại tái phát. Dĩ nhiên đó là một lời giải thích phi lý, bởi vì đã bị bệnh thấp khớp mà còn chui xuống nước thì thật là ngớ ngẩn.

Ông Khốttabít nằm ở dưới đáy bể nuôi cá, chậm chạp ve vẩy những cái vây của mình và uể oải hớp nước. Lúc Vônca hay Giênia đến gần bể, ông già liền quay ngoắt đuôi về phía hai cậu bé một cách bất lịch sự và bơi lại thành bể đằng sau. Của đáng tội, những lúc Vônca không có mặt trong phòng, ông Khốttabít đều chui ra khỏi nước cho giãn xương giãn cốt đôi chút.

Nhưng vừa nghe thấy tiếng chân Vônca, ông liền lao tõm xuống nước, làm ra vẻ như ông không hề nghĩ đến chuyện rời khỏi đấy. Có lẽ ông đang ôm một nỗi đắng cay nào đó, nên Vônca chốc chốc lại khẩn khoản van nài ông lên khỏi mặt nước và đừng giận dỗi nữa. Quay đuôi về phía cậu bé, ông già vẫn nghe thấy tất. Nhưng chỉ cần cậu bạn trẻ tuổi của ông mở cuốn sách giáo khoa địa lý ra để chuẩn bị thi lại là ông đã nhô nửa người lên khỏi bể và đắng cay trách móc Vônca vô tình. Ông nghĩ bụng: sao Vônca lại có thể làm đủ chuyện vớ vẩn khi một ông thần già đến thế đang khốn khổ vì bệnh thấp khớp.

Nhưng Vônca vừa gấp cuốn sách giáo khoa, ông già lại quay ngoắt đuôi về phía nó. Cứ như thế cho đến tận tới 8 giờ, ông Khốttabít bỗng quẫy mạnh vây và nhảy xuống sàn nhà. Sau khi vắt sạch nước khỏi râu cằm và ria mép rồi nhanh chóng hong khô chúng bên chiếc quạt bàn kêu vù vù vui vẻ, ông lạnh lùng nói với Vônca đang mừng rỡ:

– Cậu làm ta rất giận vì việc cậu đã từ chối những món quà mọn của ta. May phúc cho cậu và may phúc cả cho ta nữa là ta đã hứa không giận cậu. Nhưng ta không giận cậu một chút nào chẳng phải chỉ vì ta đã hứa, mà còn vì ta hiểu ai là kẻ có lỗi thực sự về những nỗi phiền muộn mà cậu gây ra cho ta trong khi chính cậu lại không hề muốn như vậy. Những người dạy dỗ cậu, đó chính là cội nguồn của tai họa! Mụ Vácvara chứ không phải cậu – một cậu thiếu niên trẻ tuổi và thiếu kinh nghiệm – phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước ta về mọi nỗi cay đắng trong những ngày gần đây. Và ta sẽ trừng trị mụ Vácvara con gái của Xtêpan không xứng đáng ấy ngay bây giờ…

Ông Khốttabít rứt ngay một lúc 4 sợi râu: ông chuẩn bị làm cái gì đó thật khác thường.

– Ấy chết, ấy chết, ông Khốttabít yêu quý, ông Khốttabít thân mến! – Vônca nói ấp úng và níu lấy tay ông thần đã phát khùng. – Cô Vácvara không hề có lỗi trong chuyện này!… Lời nói danh dự của một đội viên thiếu niên tiền phong đấy?… Tất cả mọi chuyện đều do cháu…

– Không, mụ ta có lỗi, mụ ta có lỗi, mụ ta có lỗi! – Ông Khốttabít vừa nói lè nhè, vừa cố gỡ tay ra.

– Cô ấy không có lỗi, cô ấy không có lỗi, lời nói danh dự của một đội viên thiếu niên tiền phong, cô ấy không có lỗi!… – Vônca hoảng sợ cãi lại trong khi nó vội vã nghĩ xem có cách nào làm cho ông thần đã nổi xung này quên cô Vácvara đi. – Ông biết sao không?… Ông biết sao không?… – Cuối cùng, Vônca nghĩ ra

– Ông cháu ta đi xem xiếc, ông nhé? Ôi, ông Khốttabít yêu quý, ông cháu ta đi xem xiếc đi! Cháu và Giênia không tài nào lấy được vé, còn ông thì làm việc đó dễ như trở bàn tay… Chỉ ông mới có thể giúp bọn cháu vào được rạp xiếc thôi… Ông là người có sức mạnh toàn năng, ông là người có sức mạnh toàn năng đáng kinh ngạc kia mà!…

Ông già rất tò mò, rất thích nịnh và cái chính là rất chóng nguôi giận, một điều khác hẳn với các ông thần khác.

– Cậu vừa dùng tiếng gì buồn cười, nghe như tiếng chim sẻ kêu thế? – Cặp mắt ông Khốttabít tò mò sáng lên. – Đó có phải là cái chợ bán vẹt và các giống chim lạ khác không? Cậu nên biết rằng ta vốn dửng dưng với loài chim. Từ lâu, ta đã xem vẹt chán cả mắt rồi.

– Ông nói gì thế. Xiếc còn lý thú hơn gấp nghìn lần ấy? Cháu xin nói là gấp nghìn lần, gấp triệu lần, gấp triệu triệu lần!…

Ông Khốttabít lập tức quên cô Vácvara. Cặp mắt ông sáng lên ánh say mê.

– Rất sung sướng và vui lòng, hỡi cậu Vônca. Cậu biết sao không? Chúng ta sẽ đi đến đấy bằng lạc đà, thậm chí tốt hơn hết là bằng voi. Cậu hãy tưởng tượng xem mọi người sẽ ghen tị với cậu như thế nào.

– Ấy chết, không đâu! Ông không cần phải bận tâm như thế – Vônca phản đối với vẻ vội vã đáng ngờ. – Tốt hơn cả là ông cháu ta sẽ đi trôlâybuýt, nếu như ông không sợ.

– Đi trôlâybuýt thì có gì đáng sợ – Ông già phật ý. – Đã 4 ngày nay, ta nhìn những cỗ xe bằng sắt ấy mà chẳng hề sợ tí nào.

Nửa giờ sau, Vônca, Giênia và ông Khốttabít đã có mặt ở Công viên Văn hóa và Nghỉ ngơi, bên lối vào rạp xiếc Sapitô.

Ông già chạy vào chỗ bán vé để xem cái vé vào rạp xiếc hình thù ra sao, thế là chẳng mấy chốc trong tay ba ông cháu bỗng xuất hiện những cái vé cứng, màu hồng nhạt có thể cho phép họ vào các chỗ ngồi còn trống.

Ba ông cháu đi vào rạp xiếc sáng trưng nhờ rất nhiều bóng đèn điện rực rỡ.

Ở một lô ngay sát vũ đài còn vừa đúng ba cái ghế trống, nhưng ông Khốttabít nhất mực không chịu ngồi chỗ đó. Ông nói:

– Ta không thể đồng ý để cho bất kỳ kẻ nào trong cái rạp này ngồi cao hơn ta và hai cậu bạn rất đáng kính của ta. Ngồi như vậy là hạ thấp phẩm giá của chúng ta.

Biết rằng tranh cãi với ông già cũng chẳng được tích sự gì, hai cậu bé đành phải bấm bụng ngồi chót vót ở hàng cuối cùng của khu ghế hạng nhì.

Chẳng mấy chốc, các nhân viên phục vụ vũ đài mặc bộ đồng phục màu huyết dụ có thêu kim tuyến đã chạy ra và xếp hàng hải bên lối vào vũ đài.

Người điều khiển chương trình cất giọng oang oang tuyên bố buổi biểu diễn bắt đầu, thế là một chị cưỡi ngựa phi ra vũ đài khắp người chị viền đầy những đốm sáng lấp lánh như ông già Nôen.

– Thế nào, ông có thích không ạ? – Vônca hỏi ông Khốttabít.

– Xem cũng thú đấy và khá vui mắt – Ông già dè dặt đáp.

Tiếp sau chị cưỡi ngựa là các diễn viên nhào lộn, sau các diễn viên nhào lộn là các anh hề, sau các anh hề là các chú chó con được tập luyện đã khiến ông Khốttabít tán dương một cách thận trọng, sau các chú chó là các diễn viên tung hứng và các diễn viên nhảy. Các diễn viên nhảy đã kết thúc phần một của buổi biểu diễn.

Thật là bực mình khi phải rời khỏi rạp xiếc nửa chừng, nhưng cuốn sách giáo khoa địa lý mới lật được mấy trang đầu tiên đang đợi Vônca ở nhà.

Vônca thở dài đánh sượt và thì thầm vào tai Giênia:

– Này, bây giờ mình phải về, còn cậu cố giữ ông già lại dù chỉ hai tiếng đồng hồ thôi. Xem xiếc xong, cậu hãy đi dạo với ông ấy, hay là…

Nhưng Giênia đã thì thầm nói giọng mũi rành rọt từng tiếng với vẻ đầy ý nghĩa:

– Cả ba chúng ta phải rời khỏi đây ngay, cả ba chúng ta… VÊ ÍCHXÌ đang ở đây, VÊ ÍCHXÌ đang ở đây!

Nói rồi, Giênia hất đầu hơi lộ liễu về phía lối đi bên cạnh.

Vônca ngoảnh lại và lạnh toát cả người: cô Vácvara Xtêpanốpna cùng với cháu gái 5 tuổi Irisa đang bước xuống các bậc dốc ngược ở lối đi bên cạnh để vào phòng giải lao.

Không ai bảo ai, hai cậu liền đứng phắt dậy và đứng ngay trước mặt ông già vẫn chẳng nghi ngờ gì để che không cho ông trông thấy cô giáo chủ nhiệm của mình.

– Ông biết không, ông Khốttabít, – Vônca khó khăn lắm mới thốt lên được, – Ông cháu ta đi về đi, ông nhé!… Hôm nay ở đây hoàn toàn chẳng có gì hay cả…

– À, đúng đấy. – Giênia lo cho cô Vácvara đến phát run như lên cơn sốt, nên hùa theo. – Ông cháu ta đi về đi… Chúng ta đi dạo trong công viên…

– Bậy nào, hỡi các cậu bạn trẻ tuổi của ta! – Ông Khốttabít hồn nhiên đáp. – Chưa bao giờ ta cảm thấy thích thú như khi ở trong cái nhà bạt quả là kỳ diệu này. Thôi, các cậu cứ về trước đi, còn ta sẽ quay về với các cậu ngay sau khi cuộc biểu diễn hết sức hấp dẫn này kết thúc.

Chỉ còn thiếu nước ấy nữa thôi: bỏ mặc cô Vácvara mặt đối mặt với ông thần căm ghét cô!

Dù thế nào đi chăng nữa, cũng phải thu hút sự chú ý của ông Khốttabít cho tới lúc bắt đầu phần hai của buổi biểu diễn. Lúc bấy giờ thì không thể rứt ông ra khỏi những gì đang diễn ra trên vũ đài. Nói tóm lại, phải hết sức gấp rút nghĩ ra một cách gì đó, nhưng Vônca vì quá lo cho cô Vácvara nên hoàn toàn quẫn trí. Thậm chí hai hàm răng nó còn đánh vào nhau côm cốp.

– Bây giờ thế này nhé, ông Khốttabít, – Cuối cùng không phải Vônca, mà là Giênia nghĩ ra, – Ông hãy chọn một trong hai thứ: hoặc là học, hoặc là không học!

Cả Vônca lẫn ông Khốttabít đều ngớ người nhìn Giênia.

– Cháu nói theo nghĩa như thế này, – Giênia giải thích cho cả hai ngươi, – Nếu chúng cháu đã thỏa thuận dạy cho ông biết chữ thì phải sử dụng từng phút rảnh rỗi để học. Cháu nói có đúng không, hả ông Khốttabít?

– Đức tính cần cù của cậu đáng được khen ngợi hết sức, hỡi cậu Giênia! – Ông Khốttabít cảm động đáp.

– Ông đang cầm trên tay bản chương trình buổi biểu diễn xiếc đấy, vậy ông cháu ta bắt đầu học ngay các chữ cái theo bảng chương trình ấy. Học tới lúc hết giờ giải lao thì thôi…

– Rất sung sướng và vui lòng, hỡi cậu Giênia!

Giênia mở bản chương trình ra và chỉ ngón tay vào chữ “A” bắt gặp đầu tiên.

– Đây là chữ “A”, ông hiểu chưa ạ?

– Ta hiểu rồi, hỡi cậu Giênia!

– Thế đây là chữ gì nào?

– Đây là chữ “A”, hỡi cậu Giênia!

– Đúng! Ông hãy tìm cho cháu chữ “A” trong tất cả các hàng chữ này.

– Đây là chữ “A”, hỡi cậu Giênia!

– Khá lắm! Còn đâu nữa ạ?

– Đây, đây nữa, ở đây nữa, ở đây nữa…

Ông Khốttabít học hết sức mải mê, không hề chú ý đến một chuyện gì khác nữa.

Tới lúc hết giờ giải lao, người xem lại ngồi vào chỗ của mình và đèn lại được bật sáng trưng, ông Khốttabít đã kịp học thuộc tất cả các chữ trong bảng chữ cái và đã biết đánh vần:

– “Nh-ào lộn tr-ên lư-ới nẩy…”

– Ông Khốttabít ơi, ông biết không, – Giênia reo lên với vẻ khâm phục thật sự, – ông có những khả năng hết sức tuyệt vời!

– Còn phải nói!… – Vônca tán thành. – Người anh em ạ, đây là ông thần rất tài ba mà thế gian chưa từng thấy!

Trong khi đó, ông Khốttabít vẫn say sưa đánh vần:

– “Đội các di-ễn vi-ên nh-ào lộn và nh-ảy dư-ới sự chỉ đạo của Philíp Bêlức…”. Các tiết mục này, chúng ta đã xem rồi. “Các bu-ổi bi-ểu di-ễn bu-ổi tối bắt đầu lúc hai mươi giờ. Các bu-ổi bi-ểu di-ễn ban ngày bắt đầu lúc mười hai giờ”. Hỡi các thầy giáo trẻ tuổi của ta, ta đã đọc hết cả bản chương trình, thế có nghĩa là bây giờ ta có thể đọc được cả báo?

– Dĩ nhiên!… Đúng thế! – Hai cậu bé xác nhận.

Vônca còn nói thêm:

– Bây giờ, ông cháu ra thử dọc hàng chữ chào mừng ở tấm băng treo trên bục biểu diễn của dàn nhạc nhé.

Nhưng đúng lúc ấy, một cô gái khoác tạp dề trắng đỏm dáng, tay bưng chiếc khay lớn, bước tới gần.

– Cụ có ăn kem không ạ? – Cô gái hỏi ông già và ông già đến lượt mình đưa mắt hỏi Vônca.

– Ăn đi ông Khốttabít, kem rất ngon. Ông ăn thử xem?

Ông Khốttabít ăn thử, thấy thích. Ông mời hai cậu bé cùng ăn và mua cho mình thêm một chiếc nữa, rồi lại một chiếc nữa và cuối cùng, vẫn còn thèm, ông đã mua của cô bán hàng (lúc đó đang sửng sốt nhìn ông) ngay một lúc toàn bộ số kem mà cô ta có: 43 chiếc tròn trịa bên trên phủ một lớp tuyết mềm mại. Cô gái hẹn sẽ quay lại lấy khay sau và cô đi xuống dưới, chốc chốc lại ngoái cổ nhìn ngườì mua kem kỳ lạ.

– A ha! – Giênia tủm tỉm cười. – Ông già đến vỡ bụng vì ăn kem mất thôi.

Chỉ trong khoảng 5 phút, ông Khốttabít đã chén sạch 43 chiếc kem. Ông ăn kem như ăn dưa chuột, liên tục cắn nhũng miếng lớn và nhai rau ráu một cách ngon lành. Ông nuốt hết miếng cuối cùng đúng vào lúc tất cả các đèn trong rạp xiếc lại bật sáng.

“Tiết mục… hỗn hợp… tuyệt vời!… Diễn viên các rạp xiếc quốc gia Aphanaxi Xiđôrêli!”

Mọi người trong rạp vỗ tay, dàn nhạc chơi khúc nhạc chào, thế rồi một diễn viên đứng tuổi, vóc người tầm thước, mặc áo khoác lụa xanh thêu hình rồng vàng bước ra vũ đài, tươi cười cúi chào tứ phía. Đó chính là Xiđôrêli lừng danh! Trong lúc các phụ tá của ông xếp trên chiếc bàn con bóng nhoáng tất cả những thứ cần thiết để làm trò ảo thuật đầu tiên, ông Xiđôrêli tiếp tục cúi chào và tươi cười. Lúc cười, trong miệng ông lấp lánh một chiếc răng vàng…

– Tuyệt! – Ông Khốttabít thì thầm với giọng ghen tị.

– Cái gì tuyệt hả ông? – Vônca vừa hỏi vừa ráng hết sức vỗ tay.

– Thật là tuyệt khi con người lại mọc răng vàng.

– Ông nghĩ sao? – Vônca mải theo dõi tiết mục đã bắt đầu lơ đãng hỏi.

– Ta tin vào chuyện đó. – Ông Khốttabít đáp. – Răng vàng rất đẹp và sang trọng.

Ông Xiđôrêli kết thúc trò ảo thuật đầu tiên.

– Cậu thấy thế nào? – Vônca hỏi Giênia với giọng như chính nó vừa làm trò ảo thuật ấy.

– Tuyệt! – Giênia khoái chí đáp và Vônca liền sửng sốt la to: mồm Giênia đầy răng vàng.

– Ôi Vônca, mình biết nói với cậu thế nào đây? – Giênia sợ hãi thì thầm. – Cậu đừng hoảng nhé: tất cả các răng của cậu đều biến thành vàng rồi.

– Đây hẳn là công trình của ông Khốttabít! – Vônca buồn bã nói.

Quả thật, sau khi lắng nghe hai cậu bạn nói chuyện với nhau, ông già gật đầu xác nhận và hồn nhiên toét miệng cười, để lộ hai hàng răng vàng to, đều dặn.

– Ngay cả vua Xalômông con trai của Đavít – cầu chúc cả hai vị đều bình an! – cũng chẳng có được những hàm răng vàng sang trọng như thế này! – Ông Khốttabít huênh hoang nói. – Chỉ có điều là các cậu đừng cám ơn ta. Ta cam đoan với các cậu rằng các cậu xứng đáng với món quà nhỏ bé này của ta.

– Phải, chúng cháu không cám ơn ông đâu! – Giênia hầm hầm nói.

Nhưng Vônca sợ ông già lại phát khùng, liền giật tay áo cậu bạn và Giênia đã kịp ngậm miệng.

– Ông Khốttabít, ông có hiểu không, – Vônca bắt đầu nói khéo, – nếu cùng một lúc cả ba ông cháu ta ngồi cạnh nhau mà toàn bộ răng đều biến thành vàng cả thì điều đó sẽ đập mạnh vào mắt mọi người. Mọi người sẽ nhìn chúng ta và chúng ta sẽ ngượng cho mà xem.

– Ta chẳng hề thấy ngượng nghiến gì cả! – ông Khốttabít nói.

– Nhưng dẫu sao thì chúng ta cũng cảm thấy khó chịu. Chúng ta sẽ mất hết cả hứng thú xem xiếc.

– Thế cậu tính sao?

– Chúng cháu yêu cầu ông thế này nhé: chừng nào chúng ta chưa về nhà, trong mồm chúng ta lại nên có những cái răng bằng xương bình thường.

– Ta khâm phục đức tính khiêm tốn của các cậu, hỡi các cậu bạn trẻ tuổi của ta! – Ông Khốttabít nói với giọng hơi bực.

Hai cậu bé thở phào nhẹ nhõm khi cảm thấy trong mồm của mình lại có những cái răng tự nhiên như trước.

– Lúc bọn mình về nhà, răng bọn mình lại biến thành vàng thì sao? – Giênia lo lắng thì thầm.

Nhưng Vônca đã đáp khẽ:

– Được rồi, chúng ta sẽ tính sau… Có thể ông già sẽ quên chuyện răng.

Nói rồi, Vônca say sưa xem những trò ảo thuật vô cùng đặc sắc của Aphanaxi Xiđôrêli và cùng với mọi ngươi vỗ tay khi ông này lấy ra từ cái hòm rỗng hoàn toàn lúc đầu là một con chim bồ câu, sau đó là một con gà mái và cuối cùng là một chú chó trắng lông xù ngộ nghĩnh.

Trong cả rạp xiếc, chỉ có một khán giả không hề tỏ vẻ tán thưởng nhà ảo thuật một chút nào. Đó là ông Khốttabít.

Ông cảm thấy rất bực mình khi nhà ảo thuật được vỗ tay về đủ thứ trò vớ vẩn, còn ông từ lúc được giải thoát khỏi cái bình đã làm biết bao phép lạ mà chẳng lần nào được nghe thấy tiếng vỗ tay và ngay cả một lời tán thưởng chân thành cũng không có nốt.

Vì thế, khi nghe tiếng vỗ tay lại vang lên và ông Xiđôrêli bắt đầu cúi chào tứ phía, Gátxan Ápđurắcman con trai của Khốttáp hầm hừ buồn bã và mặc cho các khán giả phản đối, ông trèo qua đầu họ, xuống vũ đài.

Tiếng rì rầm hoan nghênh lan truyền khắp rạp xiếc. Một ông to béo nào đó nói với ngườí đàn bà ngồi bên cạnh:

– Anh đã bảo với em rằng ông già ấy đích thị là một tay hề. Rõ ràng đó là một tay hề rất có kinh nghiệm. Em xem, ông ấy làm điệu bộ mới tức cười làm sao! Đôi khi các tay hề cố tình ngồi lẫn trong chỗ khán giả.

May phúc cho người vừa nói là ông Khốttabít không nghe thấy gì, vì ông còn mải quan sát nhà ảo thuật Xiđôrêli. Đúng lúc ấy, ông này bắt đầu tiết mục đặc sắc nhất của mình với đủ thứ kiểu cách của diễn viên xiếc.

Trước tiên, nhà ảo thuật lừng danh châm lửa mấy băng giấy nhiều màu rất dài và nhét các băng giấy đó vào mồm mình. Sau đó, ông cầm cái tô lớn vẽ nhiều màu sặc sỡ, bên trong đựng một chất gì đó trông giống như mùn cưa rất nhỏ. Ngậm đầy mồm thứ mùn cưa đó, ông Xiđôrêli bắt đầu phe phẩy nhanh trước mặt mình chiếc quạt vàng rất đẹp.

Mùn cưa trong mồm bắt đầu cháy âm ỉ, sau đó xuất hiện một làn khói nhỏ, và cuối cùng, lúc đèn điện trong rạp xiếc đã tắt hết, mọi người nhìn thấy giữa bóng tối, từ mồm nhà ảo thuật lừng danh phụt ra những tia lửa và thậm chí còn có cả một ngọn lửa nhỏ nữa.

Lúc bấy giờ, giữa những tiếng vỗ tay và tiếng hoan hô nồng nhiệt, bỗng vang lên tiếng nói phẫn nộ của ông già Khốttabít:

– Các người bị đánh lừa rồi! – Ông ráng hết sức la thật to. – Đó chẳng phải là phép lạ phép liếc gì cả! Đó chẳng qua chỉ là sự khéo tay bình thường mà thôi!

– Đó chính là một tay hề! – Một ai đó trong đám khán giả reo lên với vẻ khâm phục. – Một tay hề tuyệt vời! Hoan hô tay hề!

Thế là tất cả đám khán giả, trừ Vônca và cậu bạn của nó, đều vui vẻ vỗ tay hoan hô ông Khốttabít.

Ông già không hiểu người ta nói về tay hề nào. Ông kiên nhẫn đợi cho tới lúc tràng pháo tay do sự xuất hiện của ông gây ra chấm dứt và ông tiếp tục nói với giọng châm chọc:

– Phải chăng đó là những phép lạ?! Ha ha ha!…

Ông Khốttabít gạt nhà ảo thuật đang sửng sốt qua một bên và mở đầu, ông liên tiếp phun ra từ mồm mình 15 ngọn lửa lớn muôn màu và khắp rạp xiếc lập tức nồng nặc mùi lưu huỳnh khét lẹt.

Sau khi thích thú nghe tiếng vỗ tay, ông Khốttabít liền búng ngón tay toanh toách, thế là thay vào một ông Xiđôrêli lớn có 72 ông Xiđôrêli nhỏ, giống nhà ảo thuật lừng danh như hai giọt nước, nối tiếp nhau chạy trên cái bờ ngăn thấp vòng quanh vũ đài. Chạy được mấy vòng, các ông Xiđôrêli nhỏ lại nhập vào thành một ông Xiđôrêli lớn, cứ như nhiều giọt thủy ngân nhỏ nhập vào thành một giọt thủy ngân lớn vậy.

– Đấy vẫn chưa phải là hết đâu! – Ông Khốttabít hăng tiết trước sự tán thưởng của mọi người, bèn gào lên với giọng oang oang như sấm và bắt đầu lôi ra dưới vạt áo véttông cả một đàn ngựa đủ màu sắc.

Những con ngựa sợ hãi hí vang, giậm chân, lắc lư đầu, làm cho cái bờm dày óng ả tung bay. Sau đó, ông Khốttabít dùng tay ra hiệu, đàn ngựa liền biến mất, thế rồi từ dưới vạt áo véttông của ông già, 4 con sư tử Châu Phi to lớn vừa nối đuôi nhau nhảy ra, vừa gầm gừ hăm dọa và sau khi chạy vài vòng quanh vũ đài, các con sư tử cũng biến mất.

Tiếp đó, ông Khốttabít lại biểu diễn trong tiếng vỗ tay không ngớt.

Ông già phẩy tay một cái, thế là mọi thứ trên vũ đài: cả nhà ảo thuật Xiđôrêli và các phụ tá cùng những đạo cụ đủ loại của ông, cả các nhân viên phục vụ vũ đài ăn mặc đẹp đẽ và hùng dũng – tất cả những người và vật đó trong một khoảnh khắc đều bay vút lên, lượn mấy vòng từ biệt trên đầu đám khán giả đang thán phục, rồi lập tức tan biến trong khoảng không. Không biết từ đâu bỗng xuất hiện trên vũ đài một con voi Châu Phi đồ sộ có đôi tai to tướng và cặp mắt nhỏ vui vẻ, ranh mãnh. Trên lưng con voi này có một con voi nhỏ hơn, trên lưng con voi thứ hai là con voi thứ ba còn nhỏ hơn nữa, trên lưng con voi thứ ba là con voi thứ tư…

Con voi cuối cùng, thứ bảy, đứng gần sát mái vòm, trông chẳng lớn hơn chú chó bécgiê. Cả bảy con voi nhất loạt giơ cao vòi rống lên rồi như theo lệnh, chúng đập mạnh đôi tai buông thõng và bay đi, vẫy tai lia lịa chẳng khác gì con chim vẫy cánh.

Ba mươi ba nhạc công với những tiếng hò reo vui vẻ bỗng dồn lại thành một khối tròn lăn từ bục biểu diễn xuống vũ đài. Cái khối tròn ấy lại lăn trên bờ ngăn thấp chạy quanh vũ đài, vừa lăn vừa dần dần thu nhỏ lại cho tới lúc cuối cùng chỉ còn bằng một hạt đậu. Bấy giờ, ông Khốttabít bèn nhặt cái “hạt đậu” ấy lên, nhét vào tai phải của mình và từ trong tai phát ra tiếng nhạc hành khúc đã thu nhỏ lại rất nhiều.

Sau đó, khó khăn lắm mới đứng vững được vì bị kích động, ông già chẳng hiểu sao lại búng toanh toách các ngón ở cả hai tay một cách khác thường, thế là là tất cả khán giả đều lần lượt bị bắn tung khỏi chỗ ngồi của mình và biến mất đâu đó ở tít mái vòm.

Thế rồi cuối cùng trong cái rạp xiếc trống rỗng chỉ còn lại có 3 người: ông Khốttabít mệt mỏi ngồi bệt trên cái bờ ngăn thấp chạy quanh vũ đài, Vônca cùng với cậu bạn vừa từ hàng cuối cùng của khu ghế hạng nhì lăn lông lốc về phía ông già.

– Các cậu thấy thế nào? – Ông Khốttabít uể oải hỏi, khó khăn lắm mới ngóc đầu lên được và nhìn hai cậu bé bằng cặp mắt lờ đờ kỳ lạ. – Liệu lão Xiđôrêli có làm được những tiết mục như vậy cho các cậu xem không hả?

– Ông ấy thì làm sao mà bì với ông được – Vônca vừa đáp vừa bực tức nháy mắt với Giênia khi thấy cậu này vẫn còn chực hỏi ông già về một điều gì đó.

– Ta không thể nào chịu nổi những kẻ lừa bịp! – Ông Khôttabít bỗng nói với vẻ tức giận bất ngờ. – Ba cái trò khéo tay tầm thường mà dám nhận xằng là những phép lạ. Chẳng những thế mà lại còn dám nhận xằng ngay trước mặt ta!…

– Nhưng của đáng tội, ông ấy nào có biết ở đây có một vị thần hùng mạnh và thông minh đến thế đâu? – Giênia bênh vực nhà ảo thuật Xiđôrêli. – Vả lại, ông ấy không hề nói đó là những phép lạ. Ông ấy tuyệt nhiên chẳng nói gì cả.

– Người ta đã viết rành rành ra đấy thôi… Đấy, trong tờ chương trình ấy… Chính cậu dã tận tai nghe ta đọc: “Những phép lạ của kỹ xảo ảo thuật”.

– Đấy chỉ là ảo thuật thôi, ông ơi! Ảo thuật, ông phải hiểu như thế.

– Chà, người ta vỗ tay mới ghê làm sao! – Ông già đắc chí nhớ lại. – Ấy thế mà, hỡi cậu Vônca, ta vẫn chưa lần nào được nghe cậu bày tỏ một sự tán thưởng bình thường chứ đừng nói là vỗ tay nữa… Không, ta đã nghe, nhưng lần ấy cậu chỉ tán thưởng về một phép lạ hết sức, hết sức tẹp nhẹp nào đó mà thậm chí ta chẳng cho đó là một phép lạ… Và tất cả những chuyện ấy đều do mụ Vácvara quái ác mà ra! Chính mụ ấy đã dạy cậu coi thường các tài năng của ta! Đừng có mà phản đối, hỡi các cậu bạn trẻ tuổi của ta! Chính mụ ấy, chính mụ ấy!… Những tòa lâu đài kỳ diệu biết bao! Đoàn súc vật vận chuyển tuyệt vời biết bao!… Những tên nô lệ khỏe mạnh và trung thành biết bao!… Những con lạc đà trứ danh biết bao!… Ấy thế mà cái mụ quái ác Vácvara Xtê…

Nhưng đúng lúc ấy, may mắn thay cho cô giáo chủ nhiệm của hai nhân vật chính trẻ tuổi của chúng ta, tấm băng dài treo trên bục biểu diễn của đàn nhạc lọt ngay vào tầm nhìn của ông Khốttabít. Cặp mắt của ông trước đó lờ đờ, bây giờ đã lấy lại được vẻ tinh anh, miệng ông nở một nụ cười kín đáo, và với sự thích thú của người vừa mới học đọc, ông bèn đọc thành tiếng: “Các em thân mến! Chúc mừng các em nhân kết thúc năm học và chúc…”.

Chưa đọc hết hàng chữ chào mừng, ông già đã im bặt, nhắm mắt và tưởng như sắp bất tỉnh tới nơi.

– Thế ông có thể đưa tất cả khán giả về lại chỗ cũ không ạ? – Vônca hỏi ông Khốttabít với vẻ sợ hãi. – Ông Khốttabít, ông có nghe cháu nói không đấy? Alô!… Alô!… Ông Khốttabít ơi, ông có thể làm cho mọi thứ trở lại như cũ được không? Việc ấy chắc hẳn là khó lắm?

– Không, chẳng khó đâu… Tức là đối với ta thì dĩ nhiên là chẳng khó. – Ông Khốttabít trả lời rất khẽ.

– Vậy mà không hiểu sao cháu lại cảm thấy rằng ngay cả ông cũng chẳng làm nổi các phép lạ ấy. – Vônca láu lỉnh nói.

– Làm nổi quá đi chứ! Nhưng chẳng hiểu sao ta lại rất mệt.

– Đấy cháu đã bảo mà, ông chẳng đủ sức làm nổi đâu…

Thay cho câu trả lời, ông Khốttabít ì ạch đứng dậy, rứt luôn 13 sợi râu, ngắt vụn những sợi râu ấy ra, rồi thét lên một câu gì đó kỳ lạ, rất dài và bị kiệt sức, ông già ngồi bệt ngay xuống lớp mùn cưa rải trên vũ đài.

Ngay lập túc, từ dưới mái vòm, các khán giả vui mừng vô hạn lao vun vút xuống và ngồi vào đúng chỗ theo vé đã mua. Nhà ảo thuật Xiđôrêli cùng với các phụ tá và những đạo cụ của ông, các nhân viên phục vụ vũ đài, dẫn đầu là người điều khiển chương trình hùng dũng cũng hiện ra trên vũ đài như từ dưới đất chui lên vậy.

Cả 7 con voi châu Phi đều bay trở lại, tai đập phành phạch, hạ xuống vũ đài và lại xếp chồng thành hình tháp. Nhưng lần này, đứng dưới cùng lại là con voi nhỏ nhất, còn ở trên cao sát mái vòm là con voi lớn nhất, con voi có cặp mắt nhỏ, vui vẻ, ranh mãnh. Sau đó, cái hình tháp voi rời ra và 7 con voi nối đuôi nhau chạy vùn vụt quanh vũ đài, vừa chạy vừa thu nhỏ lại rất nhanh cho tới lúc chỉ còn bằng cái đầu kim găm và hoàn toàn mất hút trong lớp mùn cưa.

Dàn nhạc bé bằng hạt đậu từ trong tai phải của ông Khốttabít lăn ra, lớn vụt thành một khối người cười ha hả vui vẻ rồi trái với định luật vạn vật hấp dẫn, cả khối người to tướng ấy lăn ngược lên bục biểu diễn và rã ra ở đấy thành 33 con người riêng biệt, những người này ngồi vào chỗ và khúc nhạc chào lại vang lên…

– Xin phép quý vị!… Xin quý vị cho tôi đi nhờ! … – Một người gầy gò đeo kính gọng sừng cố lách qua đám đông thích thú đang vây chặt xung quanh ông già Khốttabít.

– Thưa đồng chí! – Người này lễ phép nói với ông Khốttabít. – Xin đồng chí làm ơn quá bộ vào phòng làm việc của đồng chí giám đốc. Đồng chí phụ trách Liên đoàn các rạp xiếc quốc gia muốn trao đổi với đồng chí về một loạt cuộc biểu diễn tại Mátxcơva và tại các rạp xiếc ở địa phương.

– Xin ông hãy để cho ông già được yên! – Vônca bực tức nói. – Chẳng lẽ ông không thấy ông già đang bị bệnh sao? Thân nhiệt ông già đã lên cao rồi đấy.

Quả thực, ông Khốttabít đang sốt nặng.

Ông già đã chén đẫy kem mà!

Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12 Trang 13 Trang 14 Trang 15 Trang 16 Trang 17 Trang 18 Trang 19 Trang 20 Trang 21 Trang 22Kế tiếp

guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận