Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12 Trang 13 Trang 14 Trang 15 Trang 16 Trang 17 Trang 18 Trang 19 Trang 20 Trang 21 Trang 22Kế tiếp
CHƯƠNG 58 – NỖI BỰC MÌNH CỦA ÔNG GIÀ KHỐTTABÍT
Đến sáng, tàu “Lađôga” đi vào vùng sương mù dày dặc.
Con tàu tiến từ từ, cứ 5 phút lại kéo còi inh ỏi, tiếng còi vang khắp cả vùng biển mênh mông, vắng ngắt. Luật hàng hải quy định như vậy. Lúc trời có sương mù, các tàu thuyền phải kéo còi để khỏi đâm vào nhau, cho dù chúng đang ở trên những tuyến đường hàng hải có nhiều tàu bè qua lại nhất hay đang trên những nơi vắng vẻ của Bắc Băng Dương.
Tiếng còi tàu “Lađôga” làm cho các hành khách buồn chán.
Ở trên boong thì ẩm ướt, chẳng có gì lý thú cả, còn ở trong các buồng riêng thì buồn. Vì thế, các khách tham quan đã kéo vào phòng chung, ngồi kín tất cả các ghế bành và đi văng. Những người này thì chơi cờ vua, những người khác thì chơi cờ nhảy, số còn lại thì đọc sách báo. Nhưng rồi mọi người cũng chán những thứ đó. Người ta quyết định ca hát.
Hát đồng ca và đơn ca rất nhiều bài, rồi nhảy múa theo tiếng đàn ghita và baian (1). Một bác Udơbếch (2) – một nhà trồng bông nổi tiếng – nhảy múa, Giênia đệm nhạc theo. Phải đệm bằng trống lục lạc, nhưng chẳng có trống lục lạc nên Giênia đành lấy ngón tay gõ nhịp khá khéo léo trên chiếc khay tráng men. Mọi người đều thích thú, trừ bác Udơbếch. Nhưng lịch sự, bác ta cũng tỏ lời khen ngợi.
Sau đó, một nhân viên thu mua trẻ tuổi của nhà máy “Công xã Pari” ở Mátxcơva bắt đầu biểu diễn ảo thuật bằng những con bài.
Lần này, mọi người đều rất thích, trừ ông Khốttabít.
Ông già liền gọi Vônca ra ngoài hành lang:
– Hỡi cậu Vônca, cậu hãy cho phép ta làm trò vui cho những con người tốt bụng này bằng vài phép lạ thật đơn giản.
Vônca sực nhớ đến các phép lạ thật “đơn giản” ấy đã suýt nữa dẫn đến tai họa ở rạp xiếc hôm nào, nên vội xua tay:
– Không được đâu ông ơi!
Nhưng cuối cùng, Vônca đành phải đồng ý. Ông Khốttabít đã nhìn vào mắt nó với vẻ cầu khẩn làm sao!
– Thôi được. Nhưng ông chỉ được làm phép lạ bằng những con bài thôi đấy nhé. Hoặc là làm thêm bằng những quả bóng bàn cũng được.
– Ta sẽ không bao giờ quên lòng độ lượng sáng suốt của cậu! – Ông Khốttabít lòng đầy biết ơn liền reo lên và hai ông cháu quay vào phòng chung.
Đúng lúc đó, anh nhân viên thu mua biểu diễn một trò ảo thuật thật là tuyệt. Anh đề nghị người xem chọn một con bài mà không cho anh biết, rồi người xem nọ lại đút con bài vào cỗ bài và tráo đi tráo lại nhiều lần. Sau đó, đến lượt anh tự tráo bài khiến cho con bài nằm ở trên cùng thế nào cũng lại đúng là con bài đã được chọn.
Lúc anh nhân viên thu mua nhận những tràng pháo tay mà anh hoàn toàn xứng đáng được nhận và trở về chỗ của mình, ông Khốttabít liền yêu cầu mọi người cho phép ông góp vui bằng vài trò ảo thuật “không lấy gì làm phức tạp”.
Cái ông già vốn hay huênh hoang bây giờ lại nói như vậy đó: vài trò ảo thuật “không lấy gì làm phức tạp”.
Dĩ nhiên, mọi người cho phép và đã tặng trước một tràng pháo tay.
Cúi chào lịch sự như một diễn viên tạp kỹ thực thụ, ông già Khốttabít cầm hai quả bóng bàn đã có sẵn rồi tung lên, thế là biến thành bốn quả; tung lên lần nữa lại biến thành tám; sau đó lại tung lên biến thành ba mươi hai; và khi ông già bắt đầu tung hứng cùng một lúc cả ba mươi hai quả bóng thì chúng bỗng biến mất và nằm gọn trong ba mươi hai cái túi của ba mươi hai người xem. Sau đó, các quả bóng lần lượt nhảy ra khỏi những cái túi đó rồi hợp lại thành một vòng tròn và bắt đầu quay tít như các vệ tinh xung quanh ông già đang cúi chào. Các quả bóng nọ cứ quay mãi cho tới lúc chúng kết thành một cái vòng trắng liền nhau. Ông Khốttabít cúi rạp người và đặt cái vòng lớn ấy lên đầu gối cô Vácvara. Cái vòng nhanh chóng xẹp xuống cho tới lúc biến thành một dải lụa tuyệt đẹp, mỏng tang. Sau đó, ông Khốttabít cầm dải lụa ấy và dùng con dao nhíp của Vônca cắt vụn thành nhiều mảnh. Các mảnh lụa bay lên không như những con chim và quấn quanh đầu các người xem đầy thán phục thành những chiếc khăn đẹp tuyệt vời.
Sau khi nghe những tràng pháo tay với vẻ mặt sung sướng, ông Khốttabít liền búng ngón tay, thế là những chiếc khăn nọ lại biến ngay thành những con chim bồ câu rồi bay qua cửa mạn để ngỏ và biến mất.
Bây giờ, mọi người đều tin chắc rằng ông già đi đôi hài phương Đông tức cười này chính là một trong những nhà ảo thuật lớn nhất của thời đại hiện nay.
Ông Khốttabít quả là đang ngây ngất trong tiếng pháo tay. Hai người bạn trẻ tuổi của chúng ta đã tìm hiểu khá kỹ tính tình của ông Khốttabít nên chúng biết sự tán thưởng rầm rộ của mọi người nguy hiểm đối với ông già như thế nào.
– Bây giờ, ông ấy sẽ hăng tiết lên và bày ra đủ thứ trò vớ vẩn cho mà xem! – Giênia lo lắng nói nhỏ vào tai Vônca. – Ôi, mình đã linh cảm trước rồi…
– Mọi việc sẽ ổn cả thôi – Vônca nói cho Giênia yên lòng. – Mình đã dặn ông ấy rất cẩn thận về việc này.
– Hỡi các bạn của tôi, xin hãy chờ cho một lát! – Ông Khốttabít nói với các người xem đang vỗ tay. – Lần này, xin các bạn cho phép tôi…
Ông rứt một sợi râu duy nhất…
Thế rồi bỗng nhiên bên ngoài, qua các cửa mạn để ngỏ, vọng vào tiếng còi chói tai, tiếng chân chạy rầm rập của các thủy thủ.
Giênia nói đùa:
– Một người nào đó đã nhảy lên tàu phá băng lúc tàu đang chạy! Phải nộp phạt ngay thôi!
Nhưng chẳng ai kịp cười vì tàu “Lađôga” bỗng nhiên rung chuyển mạnh, dưới đáy tàu có một cái gì đó kêu ken két như báo trước điều dữ và lần thứ hai trong ngày hôm ấy con tàu lại ngừng chạy.
– Đấy mình đã bảo rồi mà – Giênia thì thầm vào tai Vônca và nhìn ông Khốttabít với vẻ rất bực bội – Ông ta đã không tự kiềm chế được! Hăng tiết lên, muốn khoe hết tài cho thiên hạ biết mà!… Ghê quá đi mất Cả đời mình chưa bao giờ thấy một ông thần nào tự phụ, hay khoe khoang và thiếu kiềm chế hơn thế!…
– Lại trò của ông phải không, ông Khốttabít? – Vônca, không cần phải hạ thấp giọng, vì trong phòng chung rất ồn ào, – Ông vừa mới thề với cháu hôm nay…
– Bậy nào, bậy nào, hỡi con xà tinh trong số các cậu bé! Cậu không được xúc phạm ta bằng những sự nghi ngờ như vậy bởi vì ta chưa bao giờ vi phạm chẳng những lời thề của mình, mà cả các lời hứa nhỏ nhặt. Ta xin thề với cậu rằng ta biết chẳng hơn gì cậu về những nguyên nhân dẫn đến việc dừng lại rất bất ngờ của con tàu…
-Con rắn?! – Vônca cuối cùng đã phát cáu. – Ái chà chà, té ra bây giờ thêm vào mọi thứ khác, cháu lại còn là “con rắn” nữa? Cám ơn, ông Khốttabít, xin nồng nhiệt mécxì (3) ông!
– Cậu không phải là con rắn, mà là con xà tinh (4). Bởi vì xà tinh là sự thể hiện bằng xương bằng thịt của trí thông minh, xin cậu hiểu cho như vậy…
Lần này, ông già quả là chẳng có lỗi gì cả. Bị lạc trong sương mù, tàu “Lađôga” đã va phải dải cát ngầm.
Các hành khách ùa lên boong tàu khó khăn lắm mới phân biệt nổi hàng lan can trong màn sương mù. Đứng ở đuôi tàu nhìn xuống, vẫn có thể nhận thấy mặt nước xanh sẫm lạnh lùng đang nổi bọt vì chân vịt còn quay tít.
Nửa giờ đã trôi qua, mọi cố gắng nhằm đưa tàu “Lađôga” ra khỏi dải cát ngầm sau khi cho tàu chạy lùi lại đều chẳng đem lại kết quả. Lúc bấy giờ, thuyền trưởng Xtêpan bèn ra lệnh cho thủy thủ trưởng Pancratích huýt còi mời mọi người lên boong. Lúc tất cả những người có mặt trên tàu “Lađôga”, trừ những người bận canh gác, đã tập hợp boong thượng, ông thuyền trưởng nói:
– Thưa các đồng chí, tôi xin tuyên bố tình trạng làm việc khẩn cấp mà mọi người trên tàu đều phải tham gia! Để đưa tàu ra khỏi dải cát ngầm mà không cần đến sự giúp đỡ của bên ngoài, chúng ta chỉ còn một cách là chuyển than từ hầm mũi tàu qua hầm đuôi tàu. Lúc bấy giờ, đuôi tàu sẽ nặng hơn và mọi việc sẽ ổn cả. Nếu làm việc cho ra trò thì chỉ mất khoảng mười, mười hai tiếng thôi, chẳng hơn đâu. Bây giờ thủy thủ trưởng sẽ phân chia các đồng chí thành mấy đội lao động. Các đồng chí hãy mau mau thay quần áo, nhớ mặc bộ quần áo nào tàng tàng một chút để lỡ có bị giây bẩn thì cũng chẳng tiếc. Thay quần áo xong, các đồng chí sẽ bắt tay ngay vào việc… Hai cậu bé và cụ Gátxan Khốttabít thì có thể yên tâm. Công việc này không hợp với sức khỏe của hai em và cụ: các em còn quá trẻ, còn cụ Gátxan Khốttabít thì đã quá già để làm các việc nặng.
– Tôi mà lại không đủ sức làm các việc nặng ư? – Ông Khốttabít tức tối đáp lại. – Hỡi ông Xtêpan Timôphêêvích rất đáng kính, ông phải biết rằng không một ai có mặt ở đây có thể địch với tôi trong việc nâng các vật nặng đâu nhé!
Nghe câu nói đó, mọi người bất giác tủm tỉm cười:
– Úi chà, ông già nói khoác ghê!
– Ấy chết, đã tìm được một nhà quán quân đấy!
– Chẳng có gì đáng cười cả: ông già bực mình mà. Tuổi già thì sung sướng gì cho cam!
– Bây giờ, các bạn sẽ thấy rõ ngay thôi! – Ông Khốttabít hét lên.
Ông già nắm lấy cả hai cậu bạn trẻ tuổi của mình và trước sự sửng sốt của mọi người, ông bắt đầu tung hứng chúng, cứ như đó không phải là hai cậu bé 13 tuổi khá mập mạp, mà chỉ là hai quả bóng bàn.
Những tràng pháo tay rầm rộ vang lên, dường như sự việc đang diễn ra không phải ở trên boong của một con tàu lâm nạn ở xa đất liền, mà ở một nơi nào đó trong cuộc thi của các đại lực sĩ.
– Tôi xin rút lại những lời nói về cụ Gátxan Khốttabít. – Thuyền trưởng Xtêpan trịnh trọng tuyên bố lúc tiếng vỗ tay cuối cùng đã lặng hẳn. – Bây giờ, các đồng chí hãy bắt tay vào làm việc! Thời gian gấp rút lắm rồi!
Vônca kéo ông già qua một bên và nói:
– Ông Khốttabít ơi, chuyển than từ hầm này qua hầm khác trong suốt 12 tiếng liền thì cực lắm! Ông phải cố làm sao để lôi con tàu ra khỏi dải cát ngầm.
– Việc này vượt quá quá sức của ta… – Ông già buồn bã đáp. – Ta đã nghĩ về việc đó rồi. Dĩ nhiên, có thể lôi nó ra khỏi chỗ đá ngầm, nhưng lúc ấy đáy tàu sẽ bị vỡ, mà ta thì lại chẳng biết sửa đáy tàu, vì chưa bao giữ ta được thấy mặt mũi cái đáy tàu ra sao cả. Và tất cả chúng ta sẽ bị chết chìm như bầy mèo con chưa mở mắt trong thùng nước vậy.
– Ông hãy nghĩ cho kỹ đi, ông Khốttabít! Có thể, ông nghĩ ra được một cách nào đó.
– Ta sẽ cố, hỡi cái địa bàn của tâm hồn ta. – Ông già đáp và sau một lúc im lặng, ông hỏi: – Nếu thủ tiêu chính cái dải cát ngầm thì sẽ ra sao nhỉ?
– Ông Khốttabít yêu quý, ông mới thông minh làm sao? – Vônca reo lên và lao tới siết chặt tay ông già. – Ông hãy ra tay đi
– Xin tuân lệnh – Ông Khốttabít nói.
Lúc đội lao động khẩn cấp thứ nhất đã xuống hầm than và bắt đầu chất than ăngtraxít vào đầy các thùng sắt lớn thì tàu “Lađôga” bỗng rung chuyển và bắt đầu quay nhanh tại chỗ nước xoáy sâu vừa tạo thành ngay ở nơi dải cát ngầm đã bị sục xuống. Chỉ một phút nữa thôi là con tàu sẽ vỡ thành từng mảnh nếu Vônca không nghĩ đến chuyện ra lệnh cho ông Khóttabít ngưng chỗ nước xoáy lại. Biển đã lặng và tàu “Lađôga” sau khi quay một lát nữa theo quán tính, lại tiếp tục yên ổn lên đường.
Thế rồi không một ai, ngoài ông Khốttabít, Vônca và Giênia, có thể hiểu được chuyện gì xảy ra.
Và rồi lại tiếp diễn những ngày du ngoạn hấp dẫn, chẳng ngày nào giống ngày nào, qua các vùng biển và eo biển ít được biết đến, qua các hòn đảo lạnh lẽo mà con người chưa hề hoặc gần như chưa hề đặt chân tới. Các khách tham quan lên cả các hòn đảo, nơi họ được những người trú đông (5) đón tiếp trọng thể bằng mấy loạt súng chào, và lên cả các hòn đảo hoàn toàn không có người ở, chỉ rặt nhưng tảng đá trơ trọi. Cùng với tất cả các khách tham quan khác ba người bạn của chúng ta đã leo lên những băng hà; đi dạo trên những cao nguyên đầy đá badan nhẵn nhụi như đá cuội; nhảy từ tảng băng này sang tảng băng khác qua các khe băng thăm thẳm đen ngòm;… Ông Khốttabít dũng cảm đã tự tay lôi cổ một chú gấu trắng về tàu “Lađôga ”. Dưới ảnh hưởng của ông già, chú gấu này đã nhanh chóng trở nên thuần thục và dễ thương như một chú bê, và sau đó nó đã đem lại nhiều phút vui vẻ cho các khách tham quan và cho đội thủy thủ.
Bây giờ, chú gấu ấy đang đuợc đưa đi biểu diễn ở rạp xiếc và nhiều bạn trong số bạn đọc chúng ta có lẽ đã trông thấy nó. Tên nó là Cudia.
—
(1) Loại đàn phong cầm của người Nga
(2) Tên một dân tộc ở vùng Trung Á của Liên Xô
(3) Tiếng Pháp: cám ơn
(4) Trong tiếng Nga, xà tinh (zmei) và rắn (zmyi) phát âm gần giống nhau, nên Vônca đã nghe lầm
(5 ) Những người ở qua mùa đông trên Bắc Cực để nghiên cứu khoa học hoặc săn bắn
CHƯƠNG 59 – “XÊLIAM ALÂYCUM, CHÚ ÔMA THÂN YÊU!”
Sau khi ghé thăm đảo Ruđônphơ (1), tàu “Lađôga” quay trở về. Các khách tham quan đã mệt phờ vì quá nhiều ấn tượng, vì mặt trời chiếu sáng suốt ngày đêm, vì sương mù dày đặc và vì tiếng băng va rầm rầm gần như liên tục vào sống mũi tàu và thành tàu. Số người thích lên các hòn đảo hoang vắng mỗi ngày một ít đi và cuối cùng chỉ còn ba người bạn của chúng ta và hai ba người khách tham quan không mệt mỏi nữa là chẳng bỏ lỡ một cơ hội nào ghé thăm những bờ đảo lởm chởm đá không mến khách.
Một buổi sáng, thuyền trưởng Xtêpan nói:
– Thôi được, tôi cho các đồng chí lên bờ lần cuối cùng và thế là đủ. Chẳng việc gì phải dừng tàu lại vì sáu, bảy người nào đó.
Vì vậy, Vônca đã thỏa thuận với những người cùng đi với nó lên bờ: chia tay thật sự quần đảo và cứ thong thả mới trở về tàu “Lađôga”. Vả lại, lần này ông Khốttabít, người thường giục trở về tàu, không lên bờ với hai cậu bạn của mình: ông ở lại đánh cờ vua với ông thuyền trưởng.
Ba tiếng sau, lúc mọi người đã mệt lử và quay trở về tàu “Lađôga”. Giênia nói với vẻ bí mật:
– Vônca, đi xuống xuồng ngay! Mình sẽ cho cậu xem cái này hay lắm… Đây này, cậu xem đi! – Giênia nói tiếp sau khi đã khóa trái cửa buồng và lôi từ dưới vạt áo khoác ra một vật gì đó hình thuôn thuôn. – Cậu bảo đây là cái gì nào? Mình đã tìm thấy cái bình này ở phía bên kia hòn đảo, ngay sát bờ.
Vônca thấy trên tay Giênia một cái bình đồng nhỏ, nom vừa bằng cái bình thon cổ ở nhà ăn. Nước biển đã làm cho bình ngả màu xanh.
– Cần phải nộp ngay cho thuyền trưởng Xtêpan! – Vônca hồi hộp nói. – Có lẽ một đoàn thám hiểm nào đó đã bỏ thư vào cái bình này và quẳng nó xuống nước để báo cho mọi người biết về tình cảnh nguy ngập của mình.
– Lúc đầu mình cũng quyết định như vậy, – Giênia đáp, – nhưng sau đó mình nghĩ rằng sẽ chẳng có gì ghê gớm xảy ra cả nếu bọn mình tự tay mở trước cái bình này và là người đầu tiên xem ở bên trong có gì không. Làm như thế thì thú lắm! Mình nói có đúng không nào?
-Đúng! Dĩ nhiên là đúng! – Vônca sôi nổi đồng ý.
Mặt tái đi vì xúc động, Giênia cậy khá nhanh lớp nhựa trám kín miệng bình. Dưới lớp nhựa là một cái nắp nặng bằng chì, trên nắp có dấu ấn gì dó. Giênla khó khăn lắm mới vặn được cái nắp ấy ra.
Dốc ngược bình trên giường của mình. Giênia nói:
– Bây giờ bọn mình sẽ xem…
Giênia chưa kịp nói hết câu thì từ trong bình, một luồng khói đen dày đặc đã cuồn cuộn tuôn ra tràn ngập cả căn buồng, làm cho buồng tối hẳn lại và không sao thở nổi.
Nhưng vài giây sau, luồng khói liền dồn nén lại và biến thành một ông già khó coi, có bộ mặt dữ tợn và cặp mắt đỏ rực như than hồng.
Trước hết, ông già quỳ ngay xuống và vừa đập trán lia lịa xuống sàn tàu, vừa rống lên:
– Hỡi ngài Xalômông con trai của Đavít, xin hãy xá tội cho con, kẻ nô lệ không xứng đáng của ngài!
Nói xong, ông ta còn lẳng lặng đập trán xuống sàn tàu mấy lần nữa và ông đập mạnh đến nỗi các vật treo trên tường đu đưa như lúc tàu bị lắc mạnh. Sau đó, ông ta lại thét lên:
– Hỡi đấng tiên tri của Đức Ala, xin hãy đừng giết con!
Vônca sợ hết hồn nhưng đồng thời lại rất tò mò, bèn cắt ngang những lời cầu khẩn của ông già:
– Xin phép được hỏi: nếu cháu không lầm thì ông đang nói về vua Xalômông phải không ạ?
– Đúng ngài đó, hỡi thằng bé hèn hạ kia! Cầu chúc cho vua Xalômông con trai của Đavít sống lâu đời đời trên mặt đất này!
– Ai trong số chúng ta là kẻ hèn hạ, ấy còn là một vấn đề lớn. – Vônca bình tĩnh đối đáp. – Còn về ngài Xalômông của ông thì nhất quyết không thể sống lâu đời đời được. Hoàn toàn không thể có chuyện đó được, bởi vì xin lỗi ông, ngài Xalômông đã chết rồi!
– Mi nói dối, hỡi cái thằng khốn nạn kia, và mi sẽ phải trả giá đắt về việc đó.
– Thưa ông, ông nổi giận thì cũng vô ích thôi. Vị vua phương Đông ấy đã chết cách đây 2.919 năm. Điều ấy thậm chí đã được viết trong bộ Bách khoa toàn thư.
– Đứa nào mở nắp bình? – Ông già nghiêm nghị hỏi, sau khi rõ ràng là đã chú ý đến cái tin mà Vônca vừa báo và ông ta cũng chẳng lấy gì làm buồn cho lắm về cái chết của Xalômông.
– Cháu ạ! – Giênia khiêm tốn đáp. – Cháu…… nhưng chẳng có gì phải cám ơn đâu…
– Không có thượng đế nào ngoài Đức Ala! – Ông già lạ mặt kêu lên. – Mi hãy mừng đi, hỡi thằng bé không xứng đáng kia!
– Sao cháu lại mừng ạ? – Giênia ngạc nhiên. – Ông được cứu thoát khỏi cảnh giam cầm thì ông phải mừng mới đúng chứ? Cháu mừng vì cái nỗi gì chứ ạ?
– Vì rằng ta sẽ giết mi ngay bây giờ bằng một cái chết độc ác nhất.
– Chà, ông có biết không, đó là một hành vi đê tiện? – Giênia phẫn nộ. – Chính tôi đã giải thoát ông khỏi cái bình đồng này. Nếu không có tôi thì ai biết được ông còn bị nhốt trong đó bao nhiêu nghìn năm nữa!
– Mi đừng làm ta mệt vì những lời lẽ ba hoa của mi! – Lão già lạ mặt cáu kỉnh quát lên. – Mi hãy nói cho ta hay, mi muốn chết bằng cách chết nào và muốn bị hành hình bằng cách hành hình nào? H-ú-ú-ú ú!
– Yêu cầu ông đừng có dọa tôi! – Giênia cuối cùng cũng điên tiết. – Có chuyện gì thì cứ nói ngay đi!
– Hỡi thằng nhóc không xứng đáng kia, mi phải biết rằng ta là một trong hai ông thần đã chống lại vua Xalômông con trai của Đavít – cầu chúc cả hai vị đều bình an! Xalômông liền sai tể tướng của mình là Axáp con trai của Barakhia dùng vũ lực lôi ta đến, trái với ý muốn của ta, và đã làm nhục ta. Viên tể tướng ấy đã bắt ta đứng trước mặt Xalômông và Xalômông sau khi thấy ta, đã ra lệnh mang đến cái bình này và nhốt ta vào đó.
– Làm như thế là đúng! – Giênia lẩm bẩm.
– Mi thì thầm gì thế? – Lão già hỏi với vẻ nghi ngờ.
– Chẳng có gì đâu! – Giênia vội vã đáp.
– Thế đấy! – Lão già rầu rĩ nói. – Đùa với ta thì khốn đó… Vậy là Xalômông đã nhốt ta vào cái bình này và sai các vị thần mang ta đi và ném ta xuống biển. Ta đã ở trong ấy 100 năm và ta đã thề với lòng mình: “Bất kỳ ai giải thoát được ta, ta sẽ làm cho người đó giàu có đờì đời”. Nhưng 100 năm trôi qua mà chẳng có ai đến giải thoát cho ta cả. Lại tiếp đến 100 năm nữa và ta lại thề: “Bất kỳ ai giải thoát được ta, ta sẽ mở tất cả các kho báu trên trái đất cho người đó”. Nhưng cả lần này cũng chẳng có ai đến giải thoát cho ta. Ta lại phải đợi thêm 400 năm nữa và ta lại thề: “Bất kỳ ai giải thoát được ta, ta sẽ làm cho người đó trở thành một xuntan hùng mạnh nhất trong tất cả các xuntan và ngoài ra còn thỏa mãn cho người đó ba điều ước”. Nhưng vẫn chẳng có kẻ nào đến giải thoát ta cả. Lúc bấy giờ, ta đã nổi giận ghê gớm và ta đã thề với lòng mình: “Bất kỳ kẻ nào đến giải thoát ta bây giờ, ta sẽ giết chết ngay, nhưng ta sẽ để cho kẻ đó được chọn lấy cách chết”. Vậy là mi đã giải thoát ta và ta cho mi được chọn cách chết mà mi mong muốn.
– Nhưng giết người cứu sống mình, đó chính là một việc phi lý! – Giênia nóng nảy cãi lại. – Phi lý và vô ơn!
– Lý lẽ ở đây thì ăn nhằm gì! – Lão thần trả lời thô lỗ. – Mi hãy chọn cho mình một cách chết thoải mái nhất và chớ có ngăn cản ta, bởi vì ta mà nổi giận thì khủng khiếp lắm đó.
– Có thể đặt một câu hỏi được không ạ? – Vônca giơ tay.
Nhưng đáp lại, lão thần nọ đã gầm lên một tiếng ghê rợn đến nỗi Vônca suýt nữa bị khuỵu chân vì khiếp đảm.
– Còn tôi, ông có cho phép tôi hỏi một câu duy nhất không ạ? – Giênia năn nỉ với giọng tuyệt vọng, khiến cho lão thần phải đáp:
– Được mi có thể hỏi. Nhưng coi chừng, chỉ hỏi ngăn ngắn thôi đấy.
– Ông quả quyết rằng ông đã sống mấy nghìn năm trong cái bình đồng này, – Giênia nói với giọng run run, – Thế nhưng cái bình lại nhỏ tới mức chỉ một bàn tay ông thôi cũng chẳng đút lọt. Vậy làm sao cả người ông lại có thể nằm gọn trong đó được?
– Té ra mi không tin là ta đã từng ở trong cái bình này ư? – Lão thần thét lên.
– Không đời nào tôi tin cả, một khi tôi chưa được thấy tận mắt! – Giênia rắn rỏi trả lời.
– Vậy mi hãy banh mắt ra mà xem và mi sẽ được thấy rõ! – Lão thần rống lên, rung nguời một cái rồi biến thành một luồng khói và bắt đầu từ tù chui vào bình dưới tiếng vỗ tay dè dặt của hai cậu bé đang mở cờ trong bụng.
Hơn một nửa luồng khói đã nằm gọn trong bình. Giênia nín thở, cầm sẵn cái nắp trong tay để lại nhốt lão thần vào bình như trước. Nhưng lão ta có lẽ đã nghĩ lại, lại chui ra ngoài và lại biến thành hình người.
– Không, không, không! – Lão nói, nheo mắt với vẻ ranh mãnh và oai vệ dứ dứ ngón tay quặp đã lâu không rửa trước mặt Giênia khi nó đang vội vã giấu nắp bình vào túi. – Không, không, không! Mi lại tính đánh lừa ta phải không, Hỡi cái thằng hèn hạ miệng còn hôi sữa kia… Hừ, cái trí nhớ của ta thật là đáng nguyền rủa! Suýt nữa ta quên mất: Một nghìn một trăm bốn mươi năm về trước, một lão đánh cá đã lừa ta đúng cái cách như vậy đấy. Hồi ấy lão cũng hỏi ta một câu tương tự và ta đã nhẹ dạ muốn chứng tỏ cho lão biết rằng ta đã từng ở trong bình, thế là ta biến lại thành một luồng khói rồi chui vào bình. Thấy vậy, lão đánh cá nọ liền chụp ngay lấy cái nắp có mang dấu ấn, đậy luôn bình lại và quẳng xuống biển. Kh-ô-ô-ông, cái trò đó chẳng đánh lừa ta được nữa đâu!
– Nhưng tôi có định đánh lừa ông đâu? – Giênia cảm thấy bây giờ nó hết đường thoát rồi, bèn nói dối với giọng run run.
– Hãy mau mau lựa chọn cách chết mà mi muốn và chớ ngăn cản ta, vì nói chuyện với mi, ta mệt cả người.
– Thôi được! – Giênia nói sau một hồi suy nghĩ. – Nhưng ông phải hứa với tôi là tôi sẽ chết theo đúng cách chết mà tôi đã chọn
– Ta hứa với mi như vậy! – Lão thần trịnh trọng hứa và cặp mắt lão rực lên những ánh quái đản.
– Vậy thì… – Giênia nói và há nồm thở hổn hển. – Vậy thì tôi rnuốn chết vì… tuổi già!
– Hay lắm! – Vônca mừng rỡ.
Còn lão thần mặt đỏ bừng vì tức giận, liền kêu lên:
– Nhưng tuổi già của mi còn lâu mới tới. Chính mi vẫn còn là một thằng oắt con mà!
– Không sao cả! – Giênia dũng cảm đáp. – Tôi có thể đợi được.
Nghe câu trả lời của Giênia, Vônca sung sướng phá lên cười, còn lão thần thì liên tục văng ra những câu chửi rủa, rồi bắt đầu chạy tới chạy lui trong buồng. Trong cơn giận dù bất lực, lão vừa chạy vừa đá tung mọi thứ mà lão bắt gặp trên đường.
Cảnh đó tiếp diễn ít ra là 5 phút, cho tới lúc cuối cùng lão thần đi đến một quyết định nào đó. Khi ấy, lão liền cất tiếng cười ghê rợn tới mức hai cậu bé nổi cả gai ốc. Lão dừng lại trước mặt Giênia và nói với vẻ hí hửng độc địa:
– Quả là mi rất láu cá và ta không thể không thừa nhận điều đó. Nhưng Ôma Iuxúp con trai của Khốttáp còn láu cá hơn mi, hỡi cái thằng hèn hạ…
– Ôma Iuxúp con trai của Khốttáp?! – Hai cậu bé cùng kêu lên một vượt.
Nhưng lão thần run rẩy vì giận dữ, liền quát lên:
– Câm mồm, nếu không ta sẽ giết bọn mi ngay lập tức! Phải, ta chính là Ôma Iuxúp con trai của Khốttáp và ta láu cá hơn cái thằng oắt con này! Ta sẽ thực hiện lời yêu cầu của nó và nó sẽ chết vì tuổi già thật. Nhưng… – Lão thần đắc thắng nhìn hai cậu bé. – Nhưng… tuổi già sẽ đến với nó trước khi bọn mi kịp đếm tới một trăm!
– Ối! – Giênia kêu lên với giọng trẻ con lanh lảnh. – Ối! – Vài giây sau, nó rên rỉ với giọng trầm. – Ối! – Sau vài giây nữa, nó nói khàn khàn với giọng run run của một ông già. – Ối, tôi chết đến nơi rồi!…
Vônca đau đớn nhìn Giênia đang nhanh chóng (một sự nhanh chóng đến mức không thể hiểu nổi!) biến thành một chàng trai, sau đó biến thành một người đàn ông trưởng thành có bộ râu xồm xoàm đen nhánh, thế rồi bộ râu đó nhanh chóng bạc phơ, còn Giênia thì biến thành một người đứng tuổi và sau đó lại biến thành một ông già hom hem, gầy guộc, đầu hói. Chỉ còn vài giây nữa thôi là mọi chuyện sẽ kết thúc, nếu như Ôma Iuxúp (đang theo dõi cái chết nhanh chóng của Giênia với vẻ hí hửng độc địa) không kêu lên:
– Ôi, nếu ông anh bất hạnh của ta có mặt ở bên ta lúc này! Ông ấy sẽ thích thú biết chừng nào trước thắng lợi của ta.
– Thong thả đã! – Vônca lúc ấy kêu ầm lên. – Ông hãy nói cho biết: anh ông tên là Gátxan Apđurắcman phải không?
– Sao mi lại biết được điều đó? – Ôma Iuxúp kinh ngạc. – Mi đừng nhắc với ta tên ông ấy nữa, bởi vì chỉ cần nhớ tới anh Gátxan bất hạnh của ta là tim ta lại tan nát! Đúng, ta có một ông anh tên là như vậy, nhưng mi sẽ càng khốn thêm bởi vì mi đã động chạm đến cái vết thương đang rỉ máu của ta!
– Thế nếu tôi nói cho ông biết rằng anh ông vẫn còn sống thì sao? Nếu tôi cho ông thấy anh ông vẫn còn sống và khỏe mạnh thì ông sẽ tha chết cho Giênia chứ?
– Ta mà được thấy anh Gátxan yêu quý của ta ấy à? Ôi, bấy giờ thì thằng bạn của mi sẽ sống tới lúc nó trở thành một ông già thực sự, mà việc đó thì còn lâu lắm mới xảy ra. Nhưng nếu mi đánh lừa ta… thì ta thề rằng bấy giờ bọn mi sẽ không thoát nổi cơn phẫn nộ chính đáng của ta đâu!
– Vậy thì ông hãy chờ cho một lát và chỉ một lát mà thôi -Vônca reo lên.
Vài giây sau, nó lao vào phòng chung, nơi ông Khốttabít đang chăm chú đấu cờ vua với thuyền trưởng Xtêpan
– Ông Khốttabít, ông thân yêu! – Vônca xúc động thì thầm. – Ông hãy chạy mau xuống buồng với cháu! Một niềm vui rất lớn đang đợi ông ở đấy…
– Đối với ta không có một niềm vui nào lớn hơn là chiếu bí (2) Xtêpan Timôphêêvích, ông bạn sung sướng nhất đời của ta! – Ông Khốttabít vừa chậm rãi trả lời, vừa trầm ngâm nghiên cứu cục diện trên bàn cờ.
– Ông Khốttabít, ông không được nấn ná ở đây một phút nào cả! Cháu tha thiết yêu cầu ông đi xuống buồng với cháu, ngay lập tức!
– Được rồi! – Ông Khốttabít nói và đi quân xe. – Chiếu! Cậu cứ đi trước đi, hỡi cậu Vônca. Ta sẽ xuống ngay sau khi thắng ván này. Theo tính toán của ta thì chỉ cần ba nước nữa là ta sẽ thắng thôi.
– Chuyện đó thì còn phải xem đã?! – Ông Xtêpan vui vẻ cãi lại. – Chưa biết mèo nào cắn mèo nào. Bây giờ, tôi sẽ suy nghĩ một chút và…
– Cứ nghĩ đi, cứ nghĩ đi, đồng chí Xtêpan Tímôphêêvích! – Ông già cười mỉa. – Dẫu sao thì đồng chí cũng chẳng nghĩ được gì đâu. Tại sao lại không đợi? Xin cứ việc!
– Không có thì giờ mà đợi đâu! – Vônca tuyệt vọng kêu lên và gạt luôn các quân ra khỏi bàn cờ. – Nếu ông không chạy xuống với cháu ngay bây giờ thì cả cháu lẫn Giênia sẽ chết một cách đau đớn và khủng khiếp. Chạy đi thôi!
– Cậu lên mặt quá đấy! – Ông Khốttabít càu nhàu nhưng vẫn chạy theo Vônca xuống dưới buồng.
– Thế là “hòa” đấy nhé! – Ông Xtêpan rất hài lòng vì đã may mắn thoát ra được một ván cờ hoàn toàn tuyệt vọng, bèn nói vói theo hai ông cháu.
– Không, “hòa” thế nào được mà “hòa”! – Ông Khốttabít vừa cãi vừa cố quay trở lại.
Nhưng Vônca đã cáu kỉnh kêu lên:
– Dĩ nhiên là “hòa” rồi, một ván “hòa” điển hình đấy! – Và nó dùng hết sức đẩy ông già vào buồng riêng, nơi Ôma Iuxúp đã toan thục hiện lời đe dọa của mình.
– Ông già nào thế này? – Ông Khốttabít hỏi khi thấy một ông già nằm trên giường đang rên rỉ ai oán và ông không thể ngờ rằng vài phút trước đó chính là cậu bé 13 tuổi Giênia.
– Còn đây là ông già nào? – Ông Khốttabít hỏi tiếp khi nhận thấy Ôma Iuxúp, nhưng lập tức ông tái mặt và không tin vào niềm hạnh phúc của mình, ông bước mấy bước ngập ngừng về phía trước rồi khe khẽ thì thầm: – Xêliam alâycum (3), chú Ôma thân yêu!
– Bác đấy ư, hỡi bác Gátxan Ápduắácman yêu quý của em? – Ôma Iuxup, đến lượt mình, kêu lên.
Thế rồi cả hai anh em ôm chầm lấy nhau và họ ôm nhau lâu tới mức mà người ngoài nếu không biết hai anh em đã xa cách nhau gần ba nghìn năm thì lại cho rằng không có thể có chuyện họ ôm nhau lâu như thế được.
Trong những giây đầu tiên, Vôca xúc động trước cuộc gặp gỡ kỳ lạ của hai anh em giữa những tảng băng vùng Bắc Cực và mãn nguyện thay cho ông Khốttabít đến nỗi nó quên béng cả cu cậu Giênia bất hạnh. Nhưng tiếng thở khò khè rất khẽ phát ra từ giường của Giêma đã nhắc Vônca nhớ tới sự cần thiết phải tiến hành những biện pháp khẩn cấp.
– Xin hãy ngưng lại – Vônca kêu lên và lao vào ngăn hai người con trai của Khốttáp ra. – Ở đây có người sắp chết, vậy mà các ông…
– Ối, tôi chết mất thôi.. – Ông già hom hem Giênia nói khàn khàn mấy tiếng như để xác nhận câu nói của Vônca là đúng.
Ông Khốttabít ngạc nhiên hỏi:
– Ông già tóc bạc này là ai? Tại sao ông ta lại lọt vào đây và lại nằm trên giường cậu bạn của chúng ta là Giênia?
– Đó chính là Giênia đấy, ông ạ! – Vônca tuyệt vọng kêu lên. – Hãy cứu cậu ấy đi, ông Khốttabít!
– Xin thứ lỗi, bác Gátxan thân yêu của em! – Ôma Iuxúp bực tức nói với ông anh vừa được gặp lại. – Em đành phải tạm ngừng những giây phút gặp gỡ rất dễ chịu của chúng ta để thực hiện một lời hứa của mình.
Nói rồi, lão tiến về phía giường, đưa bàn tay chạm vào vai Giênia và thì thầm:
– Xin lỗi đi, khi vẫn còn chưa muộn!
– Xin lỗi gì kia? Mà xin lỗi ai? – ông già Giênia nói khàn khàn với vẻ ngạc nhiên.
– Xin lỗi ta, hỡi thằng bé hèn hạ kia!
– Xin lỗi về việc gì?
– Về việc mi định đánh lừa ta.
– Ông phải xin lỗi tôi thì có! – Giênia cáu tiết bốp chát. – Tôi đã cứu ông, vậy mà ông định giết tôi vì chuyện đó. Tôi sẽ không xin lỗi đâu!
– Ừ thì không vậy! – Ôma Iuxúp nham hiểm đồng ý. – Ta không đòi mi phải xin lỗi nữa. Nhưng mi hãy nhớ rằng nếu vậy thì mi sẽ chết sau vài khoảnh khắc nữa thôi.
– Chết thì chết! Lại càng hay! – Giêna bị kiệt sức liền thì thầm với vẻ kiêu hãnh, mặc dù dĩ nhiên nó chẳng thấy gì hay trong chuyện này cả.
– Chú Ôma thân yêu! – Ông Khốttabít với thái độ dịu dàng nhưng dứt khoát, đã xen vào cuộc nói chuyện nguy hiểm giữa Ôma Iuxúp và Giênia. – Chú đừng làm cuộc gặp gỡ mong đợi bấy lâu của anh em ta bị vẩn đục vì một hành vi bất chính. Chú phải thực hiện ngay lập tức, không kèm theo bất kỳ điều kiện tiên quyết nào, lời hứa mà chú đã đưa ra với người bạn quý báu của ta là cậu Vônca con trai của Aliôsa. Thêm vào đó, chú phải nhớ rằng cả cậu Giênia hết sức đáng kính cũng là người bạn tốt của ta đấy.
Trong cơn giận dữ bất lực, Ôma Iuxúp nghiến răng ken két, nhưng vẫn tự chủ được và nói:
– Hãy đứng dậy, hỡi thằng bé hỗn láo kia, và hãy hiện lại nguyên hình như trước!
– Đây lại là một việc khác hẳn! – Giênia nói khàn khàn.
Thế rồi mọi người trong buồng thích thú chứng kiến một cảnh tượng chưa từng thấy: một ông già sắp chết biến thành một cậu bé 13 tuổi.
Thoạt tiên đôi má hóp nhăn nheo của Giênia ửng hồng, sau đó chỗ đầu hói của nó nhanh chóng phủ một lớp tóc bạc, rồi lớp tóc này liền đen ngay lại và cả bộ râu xồm xoàm cũng vậy. Giênia đã khỏe mạnh hơn mạnh bạo nhỏm phắt dậy khỏi giường và vui vẻ nháy mắt với các bạn của mình.
Trước mắt họ là một ngươi đàn ông vạm vỡ, đầy sức sống, trông khoảng 40 tuổi, nhưng khác với những người cùng tuổi với mình ở chỗ bộ râu của ông ta mỗi lúc một ngắn đi, cho đến khi cuối cùng biến thành một lớp lông tơ khó nhận thấy, rồi sau đó lớp lông tơ này cũng biến mất. Tầm vóc người đàn ông ấy mỗi lúc một thấp xuống, hai vai mỗi lúc một hẹp lại cho tới khi có lại hình dáng và tầm vóc bình thường của Giênia Bôgôrát.
Vậy là Giênia đã trở thành một người duy nhất trên thế giới có thể nói: “Khi tôi còn là một ông già…”, hệt như nhiều triệu người đứng tuổi vẫn thường nói: “Khi tôi còn là một đứa bé tinh nghịch….”.
—
(1) Đảo cực Bắc trong quần đảo Đất Phranxơ Iôxúp, diện tích khoảng 300 kilômét vuông
(2) Trong cờ vua, chiếu bí là thắng ván cờ
(1) Tiếng Arập: câu cảm thán, tỏ vẻ sửng sốt, bất ngờ
CHƯƠNG 60 – ÔMA IUXÚP GIƯƠNG MÓNG VUỐT
Co ro vì lạnh, Ôma Iuxúp trầm ngâm nói với ông Khốttabít:
– Có một điều mà em vẫn không sao hiểu nổi. Chính tai em đã nghe các vị thần của vua Xalômông nói: “Ta hãy quẳng lão – tức là em – xuống các ngọn sóng của biển Tây Ethiopia”. Em vẫn nghĩ rằng nếu một lúc nào đó em có diễm phúc thấy lại đất liền và ánh mặt trời, hẳn là em sẽ thấy vùng bờ biển nóng gắt của châu Phi. Nhưng cái cảnh kia – lão chỉ hòn đảo hiện ra ở cửa mạn và đang nhanh chóng lùi xa – hoàn toàn không giống với châu Phi. Có đúng thế không, hỡi anh Gátxan thân yêu?
– Chú nói đúng lắm, hỡi chú Ôma Iuxúp thân yêu, chúng ta đang ở bên một bờ biển hoàn toàn khác và cách châu Phi rất xa. – Ông Khốttabít đáp. – Bây giờ, chúng ta…
– Cháu hiểu rồi! Lời nói danh dự của một đội viên thiếu niên tiền phong: cháu hiểu rồi! – Vônca cắt ngang cuộc nói chuyện của hai anh em ông Khốttabít và thậm chí còn nhảy nhót trong buồng vì khoái quá. – Tuyệt thật! Cháu hiểu rồi, cháu hiểu rồi!…
– Mi hiểu cái gì? – Ôma Iuxúp hỏi với giọng gắt gỏng.
– Cháu hiểu tại sao ông lại có mặt ở Bắc Cực.
– Hỡi cái thằng bé hỗn láo, và khoác lác kia, cái thói kiêu căng quá quắt của mi làm ta hết sức khó chịu! – Ôma Iuxúp nói với vẻ miệt thị. – Làm sao mà mi lại có thể hiểu được cái điều vẫn còn là một bí mật đối với ta, một ông thần thông minh nhất và hùng mạnh nhất trong tất cả các ông thần?… Thôi được, mi hãy trình bày ý kiến của mi đi để ta và ông anh yêu quý của ta có thể cười mi một trận đã đời.
– Xin tùy ông thôi. Muốn cười thì ông cứ cười, không muốn cười thì thôi. Nhưng mọi việc ở đây là do Gơnxtrim mà ra cả.
– Mi nói do cái gì hả? – Ôma Iuxúp hỏi lại với giọng châm chọc.
– Do Gơnxtrim, dòng biển nóng (1) đã mang ông từ các biển phương Nam lên chốn Bắc Cực này.
– Thật là nhảm nhí! – Ôma Iuxúp hầm hừ với vẻ khinh bỉ và quay sang ông anh của mình để cầu cứu.
Nhưng ông Khốttabít chỉ im lặng.
– Đây hoàn toàn không phải là chuyện bậy bạ… – Vônca bắt đầu nói.
Ôma Iuxúp liền sửa lại câu nói của Vônca:
– Ta không nói là “bậy bạ”, mà nói là “nhảm nhí”.
– Đây hoàn toàn không phải là chuyện bậy bạ và nhảm nhí! – Vônca bực bội nói tiếp. – Tôi đã được điểm “5” địa lý về nói đúng cái dòng biển nóng Gơnxtrim ấy đấy.
Bởi vì Giênia đã ủng hộ điều phỏng đoán có tính chất khoa học của Vônca nên ông Khốttabít cũng ngả theo luôn.
Bị thiểu số, Ôma Iuxúp làm ra vẻ như đồng ý về Gơnxtrim, nhưng trong bụng vẫn còn căm tức Vônca và bạn cậu ta.
– Hỡi thằng bé tự phụ kia, ta đã mệt vì tranh cãi với mi rồi… – Lão vừa nói vừa vờ vịt ngáp.
– Ta mệt và muốn đi ngủ. Hãy mau mau lấy cho ta cái quạt lông và đuổi ruồi cho ta lúc ta chưa ngủ say.
– Thứ nhất, ở đây không có ruồi. Thứ hai, ông có quyền gì sai khiến tôi? – Vônca phát cáu.
– Sẽ có ruồi ngay thôi! – Ô-ma Iuxúp nói lí nhí qua kẽ răng.
Đúng lúc đó, một bầy ruồi lớn vo ve trong buồng.
– Ở đây không cần quạt lông cũng vẫn xong như thường!
Vônca tuyên bố với vẻ dàn hòa, làm ra vẻ như không hiểu tính chất nhạo báng trong những đòi hỏi của Ôma Iuxúp.
Vônca mở cửa ra vào, sau đó mở cửa mạn. Một luồng gió lùa mạnh đã cuốn bầy ruồi vo ve từ trong buồng ra ngoài hành lang.
– Dẫu sao thì mi vẫn phải ngồi quạt cho ta ngủ! – Ôma Iuxúp ngang ngạnh nói, không thèm đếm xỉa đến mọi cố gắng của ông Khốttabít nhằm cho lão nguôi giận.
– Không, tôi sẽ không ngồi quạt cho ông đâu! – Vônca nóng nảy đáp. – Từ trước tới nay, chưa một người nào bắt tôi phải thực hiện những đòi hỏi có tính chất nhạo báng cả.
– Thế có nghĩa là ta sẽ là người đầu tiên.
– Không, ông sẽ không là người đầu tiên được đâu!
– Chú Ôma thân yêu! – Ông Khốttabít cố xen vào cuộc cãi cọ đã trở nên gay gắt.
Nhưng Ôma Iuxúp đã hùng hổ xua tay.
– Tôi thà chết chứ không đời nào lại chịu thực hiện những ý muốn kỳ quặc của ông – Vônca cau có thét lên.
– Vậy thì mi sẽ được chết rất nhanh, không muộn hơn lúc mặt trời lặn! – Ôma Iuxúp vừa nói vừa cười với vẻ kinh tởm.
Đúng lúc đó, Vônca nảy ra một ý rất hay.
– Nếu vậy, ngươi hãy bắt đầu run sợ đi thì vừa, cái lão thần hèn hạ kia! – Vônca quát lên bằng cái giọng khủng khiếp nhất mà nó có thể có được. – Ngươi đã làm ta nổi cơn thịnh nộ và ta phải bắt mặt trời dừng lại. Nó sẽ không lặn cả hôm nay, cả ngày mai, cả ngày kia! Bây giờ, ngươi chỉ nên trách mình mà thôi!
Đây là một nước cờ rất mạo hiểm của Vônca. Nếu ông Khôttabít đã kịp nói cho em ông biết rằng vào mùa này ở Bắc Cực mặt trời chiếu sáng suốt ngày đêm thì mọi chuyện sẽ hỏng bét.
Nhưng đáp lại câu nói của Vônca, Ôma Iuxúp chỉ cất tiếng nhạo báng:
– Hỡi kẻ tự phụ nhất trong tất cả các kẻ tự phụ và khoác lác nhất trong tất cả các kẻ khoác lác! Chính ta đây đôi khi cũng thích nói khoác, nhưng thậm chí trong lúc nói khoác hăng nhất, ta cũng chẳng dám hứa rằng sẽ chặn đường đi của vầng thái dương vĩ đại. Ngay cả vua Xalômông con trai của Đavít – cầu chúc cả hai vị đều bình an! – cũng không thế làm nổi việc đó!
Vônca hiểu rằng nó đã thoát chết, mà còn có thể xỏ mũi lão em đáng ghét của ông già Khốttabít. Vừa lúc đó, ông Khốttabít nháy mắt với Vônca, ra vẻ đồng tình. Còn Giênia thì khỏi phải nói. Nó đã đoán được ý đồ của Vônca và bây giờ đang khấp khởi mừng thầm vì thấy trước được cái thất bại nhục nhã, không thể tránh khỏi của Ôma Iuxúp.
– Ông cứ yên tâm, Ôma Iuxúp! Nếu tôi đã nói rằng tôi sẽ bắt mặt trời dừng lại thì ông có thể tin chắc mười mươi là hôm nay mặt trời sẽ không lặn.
– Đồ nhóc con! – Ôma Iuxúp văng ra với vẻ khinh bỉ.
– Chính ông là nhóc con thì có! – Vônca đối đáp cũng với vẻ khinh bỉ như thế. – Tôi là người điều khiển mặt trời mà ông không biết ư?
– Nhưng nếu mặt trời vẫn cứ lặn thì sao? – Ôma Iuxúp vừa hỏi vừa cười sặc sụa.
– Nếu mặt trời lặn thì tôi sẽ mãi mãi thực hiện những mệnh lệnh ngu xuẩn nhất của ông.
– Khô-ô-ông! – Ôma Iuxúp kéo dài giọng với vẻ đắc thắng. – Không, nếu mặt trời, trái với lời hứa ngông cuồng của mi, vẫn cứ lặn và dĩ nhiên là sẽ như thế thì ta ăn thịt mi ngay! Ta sẽ ăn luôn cả xương.
– Ăn luôn cả dép cũng được! – Vônca dũng cảm đáp. – Nhưng nếu hôm nay mặt trời không đi khuất khỏi đường chân trời thì khi ấy tôi bảo gì, ông cũng phải nghe chứ?
– Nếu mặt trời không lặn ư? Xin cứ việc, ta rất lấy làm vui lòng, hỡi gã phù thủy khoác lác nhất và hèn mạt nhất trong tất cả các gã phù thủy! Ha ha ha, chỉ có điều là việc đó, than ôi, không thế nào thực hiện được.
– Sau vài tiếng nữa, ai sẽ phải “than ôi” thì đó còn là một vấn đề rất lớn đấy! – Vônca nghiêm nghị đáp.
– Mi hãy coi chừng! – Ôma Iuxúp dứ dứ ngón tay ra vẻ cảnh cáo. – Căn cứ vào vị trí của mặt trời lúc này thì nó sẽ phải lặn tám, chín tiếng đồng hồ nữa. Hỡi cái thằng trơ tráo miệng còn hôi sữa kia! Ta thậm chí còn cảm thấy hơi hơi thương hại mi, bởi vì mi chỉ còn sống không đầy nửa ngày nữa thôi.
– Xin ông cứ giữ lại bên mình cái thương hại của ông! Làm cứ như là ông sẽ không phải thương hại chính ông ấy!
Ôma Iuxúp cười hi hí với vẻ khinh thường, để lộ hai hàng răng nhỏ vàng khè.
– Sao chú lại có những chiếc răng xấu như thế kìa? – Ông Khốttabít tỏ vẻ thương hại ông em của mình. – Ôma, tại sao chú không gắn răng vàng như ta?
Mãi tới lúc bấy giờ, Ôma Iuxúp mới nhận thấy hai hàm răng khác thường của ông anh và lão liền nổi máu ghen tị hết sức độc địa:
– Bác ạ, thành thực mà nói thì em chẳng thấy có gì là sang trọng ở những chiếc răng vàng cả! – Lão nói với giọng còn khinh thường hơn. – Tốt hơn hết là em gắn cho mình những chiếc răng kim cương.
Đúng lúc ấy, 32 viên kim cương tốt nước, trong suốt, đã lấp lánh trong mồm Ôma Iuxúp khi lão ngoác mồm cười nham hiểm. Soi vào tấm gương đồng nhỏ xíu mà lão già ăn diện này lúc nào cũng giắt ở thắt lưng, Ôma Iuxúp tỏ vẻ rất mãn nguyện.
Chỉ có ba điều làm cho lão kém vui. Thứ nhất, ông Khốttabít không hề tỏ ra ghen tị một chút nào. Thứ hai, những chiếc răng kim cương của lão chỉ lấp lánh khi có ánh sáng rọi vào. Nếu không có ánh sáng rọi vào, người ta có thể tưởng mồm lão rụng hết răng. Thứ ba, ngay trong phút đầu tiên, những chiếc răng kim cương đã cứa lưỡi và môi lão đến chảy máu. Trong thâm tâm, lão lấy làm ân hận vì việc mình đã quá tham lam, nhưng lão không để lộ chuyện đó ra ngoài để khỏi bị mất mặt.
Thấy Vônca định rời khỏi buồng, Ôma Iuxúp cười hi hí nói:
– Không, không được! Mi không được rời chỗ này trước lúc mặt trời lặn. Ta hiểu mi quá mà! Mi muốn chuồn để tránh khỏi cái chết đích đáng. Ta không có ý định đi sục sạo khắp tàu để tìm mi sau lúc mặt trời lặn đâu!
– Được rồi, chiều theo ý ông, tôi có thể ở lại trong buồng này bao nhiêu lâu cũng được. Mà như thế lại còn tốt hơn kia đấy. Nếu không, lại phải đi khắp tàu tìm ông lúc mặt trời không lặn. Theo ông, tôi còn phải đợi bao lâu nữa?
– Không quá 9 tiếng đồng hồ đâu, hỡi tháng bé tự phụ kia! – Ôma Iuxúp đáp, cúi chào nhạo báng rồi búng đánh toách ngón tay cái và ngón tay trỏ ở bàn tay trái, thế là một chiếc đồng hồ nước cồng kềnh bỗng xuất hiện trên cái bàn con kê ngay dưới cửa mạn. – Nước chưa kịp đến vạch này, – Lão gõ móng tay cong màu nâu vào thành đồng hồ và nói thêm, – Là mặt trời đã lặn và đó sẽ là giờ chết của mi.
– Được rồi, tôi sẽ đợi! – Vônca nói.
– Cả chúng tôi cũng sẽ đợi! – Giênia và ông Khốttabít cùng nói.
Tám tiếng đồng hồ trôi qua khi nào không biết, bởi vì Giênia không kìm nổi sự thích thú, đã đề nghị lão thần quá hung hăng học chơi cờ nhảy, hay nói cho đúng hơn là chơi thí quân, một trò chơi mưu trí rất vui.
– Đằng nào thì ta cũng thắng mi thôi! – Ôma Iuxúp báo trước cho Giênia.
Giênia đã thắng vị thần hay gây gổ không biết bao nhiêu lần mà kể. Ôma Iuxúp tức giận ghê gớm, đã thử chơi ăn gian, nhưng lần nào lão cũng bị mọi người lật tẩy, thế là lão lại bắt đầu ván mới. Cuối cùng, Vônca nói:
– Này, đã quá giờ định rồi đấy, hỡi ông Ôma con trai của Khốttáp!
– Không thể như thế được! – Ôma Iuxúp ngừng chơi và đáp.
Liếc nhìn đồng hồ nước, lão biến sắc mặt, lo lắng nhảy khỏi cái giường mà lão ngồi đánh cờ với Giênia, rồi chạy lại cửa mạn, thò đầu ra ngoài và rên rỉ vì kinh hoàng và giận dữ bất lực: Mặt trời vẫn dừng cao trên đường chân trời, chẳng khác gì tám tiếng trước đây.
Lúc bấy giờ, Ôma Iuxúp quay đầu về phía Vônca và nói với giọng buồn bã!
– Có lẽ ta đã tính lầm đôi chút. Sẽ đợi thêm hai tiếng nữa.
– Đợi ba tiếng nữa cũng được! – Vônca đáp. – Nhưng dẫu sao thì việc chờ đợi ấy cũng chẳng giúp được ông đâu. Tôi đã nói thế nào thì sẽ đúng như thế ấy. Mặt trời sẽ không lặn cả hôm nay, cả ngày mai, cả ngày kia.
Trong suốt bốn tiếng rưỡi đồng hồ, Ôma Iuxúp đã thò đầu ra ngoài cửa mạn 20 lần. Lần thứ 20, tin chắc rằng mặt trời không hề có ý định đi khuất khỏi đường chân trời, lão tái mặt, toàn thân run rẩy sợ hãi và nặng nề phủ phục.
– Hỡi cậu thiếu niên hùng mạnh, xin cậu hãy xá tội cho ta! – Ôma Iuxúp kêu lên với giọng cầu khẩn thê thảm. -Xin cậu đừng trút phẫn nộ lên đầu ta, kẻ đầy tớ không xứng đáng với cậu, bởi vì khi ta to tiếng với cậu, ta không biết rằng cậu mạnh hơn ta!
-Thế nếu tôi yếu hơn thì ông có thể to tiếng với tôi phải không? – Vônca hỏi.
– Dĩ nhiên là có thể! – Ôma Iuxúp trơ trẽn đáp, làm cho mọi người đều thấy khó chịu.
– Ông có ông em ghê quá! – Giênia thì thầm vào tai ông Khốttabít. – Xin ông thứ lỗi cho cháu, nhưng Ôma Iuxúp đúng là một ông già hết sức khó chịu, hay ghen tị và độc ác.
– Đúng thế, chú em của ta rất khó chơi… – Ông Khốttabít buồn bã đáp.
– Ông đứng dậy đi cho rồi! – Vônca kinh tởm nói với Ôma Iuxúp khi thấy lão vẫn tiếp tục quỳ và lúc nào cũng cố hôn tay Vônca.
– Hỡi ông chủ trẻ tuổi nhưng hùng mạnh của ta, cậu sẽ ban cho ta những mệnh lệnh nào đây? – Ôma Iuxúp vừa xun xoe hỏi, vừa xoa xoa hai bàn tay ướt đẫm mồ hôi và đứng dậy.
– Lúc này thì chỉ có một mệnh lệnh thôi: ông không được rời khỏi buồng này lấy một giây nếu tôi chưa cho phép.
– Xin tuân lệnh, hỡi cậu thiếu niên thông minh nhất và hùng mạnh nhất trong tất cả các cậu thiếu niên! – Ôma Iuxúp vừa trả lời với vẻ xu nịnh, vừa nhìn Vônca với vẻ sợ hãi và tôn sùng.
Vônca nói thế nào thì đã đúng thế đấy. Cả ngày hôm đó, cả ngày hôm sau cả ngày hôm sau nữa, mặt trời không hề khuất khỏi đường chân trời. Vin vào một lỗi nhỏ nhặt nào đó của Ôma Iuxúp, Vônca đã quyết định kéo dài thời gian “bắt mặt trời dừng lại” cho tới khi có lệnh mới. Mãi tới khi được thuyền trưởng Xtêpan cho biết rằng tàu “Lađôga” cuối cùng đã đi vào vĩ độ mà ngày bắt đầu nhường chỗ cho đêm, dù chỉ là một thời gian ngắn, Vônca liền báo tin ấy cho Ôma Iuxúp, coi đó như là một đặc ân đối với lão thần không xứng đáng và hay gây gổ.
Ôma Iuxúp nhũn như con chi chi, không hề rời khỏi buồng lấy một phút và ngoan ngoãn chui vào cái bình đồng lúc mà tàu “Lađôga”, dưới tiếng nhạc của đội kèn và tiếng reo “hoan hô”, cuối cùng đã cập vào đúng Bến Đỏ của hải cảng Áckhanghenxcơ, nơi nó đã ra đi đúng 30 ngày về trước.
Dĩ nhiên Ôma Iuxúp chẳng đời nào muốn chui lại, dù chỉ tạm thời, vào cái bình đồng, nơi lão đã sống vò võ một thân một mình bao nhiêu thế kỷ sầu thảm.
Nhưng Vônca đã trịnh trọng hứa thả lão ra ngay sau khi về đến nhà.
Chúng tôi không giấu điều này: lúc Vônca rời tàu “Lađôga” mến khách, dưới nách cắp cái bình đồng, nó rất muốn quẳng cái bình xuống nước. Nhưng không hứa thì thôi, đã hứa thì phải giữ lời. Và Vônca đi lên bến, sau khi đã nén lại được sự cám dỗ phút chốc…
Nếu không một ai trên tàu “Lađôga” để ý tới chuyện tại sao ông Khốttabít và hai cậu bạn của ông có quyền tham gia cuộc du ngoạn thì rõ ràng là ông Khốttabít chẳng phải khó khăn gì trong việc lập ra mưu kế cũng gần như thế với bố mẹ và bạn bè của hai nhân vật chính trẻ tuổi của chúng ta.
Dù sao chăng nữa thì bố mẹ và bạn bè của Vônca và Giênia đều coi chuyện hai đứa đi Bắc Cực là việc dĩ nhiên, hoàn toàn không tự đặt ra câu hỏi là bằng cách bí mật nào mà chúng lên được tàu “Lađôga”.
Sau bữa ăn ngon lành, hai cậu bé còn ngồi kể một hồi lâu cho những người thân của mình, gần như không thêm mắm thêm muối, về các cuộc phiêu lưu khác nhau của mình ở Bắc Cực, nhưng chúng đã khôn ngoan không nhắc tới ông già Khốttabít. Chỉ có Giênia vì quá say sưa, suýt nữa thì nói lộ. Lúc tả lại những buổi tối liên hoan văn nghệ nghiệp dư ở phòng chung trong thời gian sương mù, Giênia buột miệng:
– Lúc bấy giờ, ông Khốttabít mới tiến về phía trước và nói…
– Cái tên gì mà lạ thế: “Khốttabít”? – Bà Tatiana tỏ vẻ ngạc nhiên.
– Ấy là mẹ tưởng thế thôi, mẹ ạ. Con không nói là “Khốttabít”, mà nói là “Pôtapít”. Đó là tên ông thủy thủ trưởng của chúng con! – Giênia không hề bối rối, mặc dù mặt nó đỏ bừng.
Tuy nhiên, chẳng ai để ý việc nó đỏ mặt cả. Mọi người ghen tị nhìn Giênia, cậu bé hằng ngày vẫn thường xuyên được gặp gỡ một thủy thủ trưởng bằng xương bằng thịt.
Nhưng ở nhà Vônca thì suýt nữa xảy ra tai họa vì cái bình đồng.
Vônca ngồi trên đivăng trong phòng ăn và với vẻ rất am hiểu, nó giải thích cho bố mẹ nghe sự khác nhau giữa tàu phá băng và tàu thủy phá băng. Nó không nhận thấy bà nội đã rời khỏi phòng. Năm phút sau, bà quay lại, trên tay cầm… cái bình nhốt Ôma Iuxúp!
– Cái gì thế ạ? – Bố Vônca tò mò hỏi – Mẹ lấy cái ấy ở đâu ra hả mẹ?
– Aliôsa, con có tưởng tượng được không ở trong vali của Vôlenca (2) đấy. Mẹ đang soạn đồ cho nó, mẹ thấy trong vali có cái bình còn khá tốt, có thể dùng đựng rượu mùi. Nhưng phải đánh sạch, vì nó xanh lè.
– Đấy hoàn toàn không phải là cái bình để đựng rượu mùi đâu! – Vônca tái mặt và giật ngay cái bình trên tay bà nội. – Chú phụ tá của thuyền trưởng đã nhờ cháu chuyển nó cho một người quen. Cháu hứa hôm nay sẽ mang đến.
– Một cái bình rất lý thú – ông Alếchxây, một người rất ham thích đồ cổ, gật gù bình phẩm.
– Vôlia (3), cho bố xem một chút nào! A ha, thì ra nó lại có cái nắp bằng chì. Hay hay lắm….
Ông toan vặn nắp, nhưng Vônca đã đưa cả hai tay níu lấy cái bình và nói ấp úng:
– Không được mở cái bình này! Nó thậm chí hoàn toàn không mở ra được… Nó hoàn toàn, hoàn toàn không đựng gì ở bên trong… Con đã hứa với chú phụ tá của thuyền trưởng là không mở… để rãnh xoắn ốc không bị hỏng…
– Xin cậu hãy nói cho biết tại sao cậu lại hốt hoảng đến như vậy? Thôi được, cậu cầm lấy cái bình đi cho tôi nhờ! – Ông Alếchxây nói và trả cái bình cho cậu con trai.
Vônca ngồi xuống đivăng, mệt phờ, hai tay vẫn ôm khư khư cái bình đáng sợ. Nhưng cuộc nói chuyện đâm ra rời rạc. Chẳng mấy chốc, Vônca đã đứng dậy và sau khi cố nói càng tự nhiên càng tốt rằng nó phải đi chuyển cái bình, Vônca rời khỏi phòng, gần như là chạy.
– Coi chừng, không được ở lại lâu đấy nhé! – Bà nội nói với theo, nhưng Vônca đã biến mất tăm rồi.
—
(1) Dòng biển (hải lưu) là luồng nước lớn trên mặt biển và đại dương rộng hàng chục, có khi hàng trăm kilômét và sâu hàng trăm mét, chảy theo hướng nhất định. Dòng biển có nhiệt độ cao hơn nhiệt độ của nước ở vùng xung quanh thì gọi là dòng biển nóng, ngược lại thì gọi là dòng biển lạnh. Gơnxtrim (Gulf Stream) là tên một dòng biển nóng
(2) Vôlenca:Tên gọi thân mật của Vônca
(3) Vôlia: Cũng là tên gọi thân mật của Vônca
Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12 Trang 13 Trang 14 Trang 15 Trang 16 Trang 17 Trang 18 Trang 19 Trang 20 Trang 21 Trang 22Kế tiếp