Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12 Trang 13 Trang 14 Trang 15 Trang 16 Trang 17 Trang 18 Trang 19 Trang 20 Trang 21 Trang 22Kế tiếp
CHƯƠNG 46 – PHỎNG VẤN NGƯỜI DÂN TRẺ TUỔI Ở THÀNH PHỐ GHÊRÔNA
Lúc ba ông cháu lên bờ và chiếc thảm bay – thủy phi cơ đã biến mất theo hiệu lệnh bằng tay của ông Khốttabít, Vônca ra lệnh:
– Trước hết phải thận trọng. Và không được ba hoa đấy. Chúng ta vẫn chưa biết chúng ta đặt chân lên nước nào.
– Ta sẽ căn cứ vào máy bay mà xác định, – Giênia nói. – Có một chiếc đang bay kia kìa!
Một chiếc máy bay lớn đang bay từ đâu đó ở phía Tây đến. Cần phải nói để các bạn biết rằng trong cả trường trung học số 124, không một học sinh nào am hiểu về hàng không hơn Giênia Bôgôrát. Chỉ cần thoạt nhìn, Giênia đã xác định ngay được chiếc máy bay kia là của nước nào. Nó biết tới 40 dấu hiệu riêng của máy bay các nước.
Chiếc máy bay rú thấp trên đầu các nhà du hành của chúng ta và khuất sau một ngọn đồi ở gần ngay đấy.
– Máy bay Mỹ! – Giênia kết luận. – Ngôi sao năm cánh màu trắng là dấu hiệu riêng của hàng không Mỹ.
Lại một chiếc máy bay nữa bay qua và cũng khuất sau ngọn đồi nọ. Chiếc máy bay này cũng có ngôi sao trắng của Mỹ ở dưới cánh. Vônca nói:
– Chúng ta đang ở một trong hai nước: hoặc là Hy Lạp, hoặc là Ý.
Đúng lúc đó, có tiếng trẻ con the thé từ xa vọng lại: “Xinho (1) Umbéctôôô! Xinho Umbéctôôô! Ngài chủ gọi ông đấy!”
-Nếu người ta nói xinho thì có nghĩa là chúng ta đang ở nước Ý! – Vônca nói.
– Lạ thật, những chiếc máy bay Mỹ kia bay trên nước Ý cứ như bay trên lãnh thổ của Mỹ vậy! Thật là láo xược hết sức? – Giênia trầm ngâm nói – Nếu mình là người Ý thì mình…
Nhưng các nhân vật chính của chúng ta hẳn là còn phải ngạc nhiên hơn nữa nếu biết được kẻ nào vừa bay đến nước Ý trên chiếc máy bay đầu. Trong lúc hai cậu bé bày tỏ sự thắc mắc và phẫn nộ của mình về việc bọn Mỹ làm mưa làm gió ở đất nước xinh đẹp này thì trên sân bay ở sau ngọn đồi nọ, người ta đẩy cái thang cao bằng đuyara tới sát chiếc máy bay vừa hạ cánh. Và theo chiếc thang đó, Mixtơ Hari Oanđenđalét dẫn xác xuống, cặp mắt heo ti tí trố ra vái vẻ ngạo mạn.
Nhưng hai cậu bé và ông Khốttabít vẫn chưa biết chuyện đó.
– Nước Ý! Chúng ta đang ở nước Ý! Tuyệt thật! – Giênia không kìm nổi, reo lên. – Buổi sáng còn ở Ôđétxa, một giờ trước đây bay trên kênh đào Xuyê, còn bây giờ thì đã có mặt ở nước Ý! Tuyệt quá, phải không nào?
Vônca xua tay để Giênia nói khẽ thôi.
– Chúng ta phải đề phòng hết sức cẩn thận! – Vônca nói. – Và cái chính là đừng có ba hoa thiên địa.
– Ở đây có ai hiểu được chúng ta nói gì nào? Chúng ta đâu có biết nói tiếng Ý! – Giênia cười hì hì.
– Người ta không hiểu thì cũng vậy thôi. Thậm chí lại còn gay hơn nữa nếu người ta không hiểu.
– Tại sao người ta lại không hiểu được các cậu, hỡi các cậu bạn trẻ tuổi của ta? – Ông Khốttabít phật ý. – Một khi ta đã đi cùng các cậu thì người ta sẽ hiểu tiếng nói của các cậu và các cậu cũng hiểu tiếng nói ở đây như ta hiểu thứ tiếng đó.
– Cần phải đề phòng cẩn thận hơn! – Vônca lại nhấn mạnh.
Ông Khốttabít muốn đi tìm Ôma Iaxúp ngay lập tức, nhưng hai cậu bé lại rủ ông đi xem thành phố với chúng. Trên con đường rộng đẹp đẽ chạy dọc bờ biển thỉnh thoảng mới có một chiếc xe hơi lao vút qua hoặc một chú lừa chở nặng bước đi chậm rãi, móng chân gõ nhẹ xuống mặt đường.
Chẳng mấy chốc đã thấy hiện ra một bãi tắm lớn. Trên bãi chẳng có một ai cả, ngoài mấy gã sĩ quan và lính Mỹ.
Các nhà du lịch của chúng ta chẳng dừng chân, tiếp tục đi xa hơn và một lúc sau đã đi vào thành phố.
Những tòa nhà cao, nhiều tầng, lâu đời nằm xen kẽ với những căn nhà tồi tàn một tầng cũng lâu đời không kém. Trời nóng, ngột ngạt. Trên các đường phố chật hẹp và bẩn thỉu có nhiều người đi lại, người nào cũng ăn mặc xoàng xĩnh, mặt mũi phờ phạc nhưng vui vẻ. Họ sôi nổi bàn tán về một chuyện gì đó, vui nhộn khoa tay hát ca, dừng lại bên các cửa sổ mở toang, tì tay vào bậu của sổ, nhiệt tình kể lại chuyện gì đó cho những người từ trong cửa sổ ló đầu ra.
– Có lẽ hôm nay là ngày nghỉ của họ. – Vônca đoán và hỏi một cậu bé ngồi trên cái ngưỡng cửa lỗ chỗ của ngôi nhà ba tầng tối tăm, xám xịt, hai cánh cửa mở toang và đang làm tàu thủy bằng hộp xì gà cũ:
– Cậu bạn ơi, cậu hãy nói cho tôi biết hôm nay có phải là ngày nghỉ của các bạn không?
Người dân trẻ tuổi ở thành phố Ghêrôna ngơ ngác nhìn Vônca và hai ngươì cùng đi với nó:
– Cậu bảo sao? Ngày nghỉ à? Ngày nghỉ gì vậy?
– Hôm nay là ngày chủ nhật của các bạn phải không? – Vônca sửa lại.
– Cậu làm như chính cậu không biết hôm nay là thứ Sáu ấy? – Cậu bé Ghêrôna trả lời với giọng giễu cợt.
– Nếu vậy thì có lẽ hôm nay là ngày hội nào đó chăng? – Vônca hỏi tiếp.
– Sao cậu lại nghĩ như vậy? – Cậu bé Ghêrôna ngạc nhiên. – Nếu là ngày hội thì người ta phải rung chuông chứ?
– Thế tại sao trong giờ làm việc mà lại có nhiều người đi dạo trên đường phố như vậy?
– Có lẽ cậu không phải là người ở đây rồi. – Cậu bé Ghêrôna nghiêm nghị trả lời. – Hoặc cậu không phải là người ở đây, hoặc cậu là người loạn óc, chỉ có vậy mà thôi.
– Tôi không phải là người ở đây, – Vônca nói nhanh. – Tôi là người hoàn toàn bình thường, nhưng không phải là người ở đây. Tôi từ… từ Naplơ (2) đến.
– Chẳng lẽ ở thành phố Naplơ chúng mày, công nhân không bãi công chống chính phủ và chống bọn chuột cống Mỹ? – Người dân trẻ tuổi ở thành phố Ghêrôna phát cáu. – Mày muốn sống thì hãy xéo đi! Cánh trẻ con chúng tao ở đây không thích những đứa đến quấy rầy bằng các câu hỏi ngớ ngẩn!… Khoan đi đã, khoan đi đã! Hay có lẽ mày thích bọn cầm quyền nước tao và những tên chủ Mỹ của chúng? – Cậu bé Ghêrôna lớn tiếng nói với theo Vônca vừa bỏ đi. – Mày hãy nói thẳng đi! Mày thích bọn chúng chứ gì?
– Bậy nào! – Vônca cũng nổi cáu. – Cậu lăng mạ những người chưa quen biết như vậy mà không thấy xấu hổ sao? Tôi cũng căm thù bọn đó chứ thích cái nỗi gì!
– Tôi cũng căm thù bọn đó! – Giênia nói. – Nếu cậu muốn biết thì tôi xin nói: chúng tôi chỉ ngạc nhiên không hiểu tại sao các cậu lại có thể chịu được bọn đó…
– Mày bảo ai là “các cậu”? Những người dân thành phố Ghêrôna hả?
– Không, những người Ý! Một dân tộc tuyệt vời, có tinh thần chiến đấu như vậy mà lại…
– Sao mày lại bảo những người Ý là “các cậu”? (3) Thế mày là người Babilon hay sao?… Các cậu ơi-i-i! – Người dân trẻ tuổi ở thành phố Ghêrôna bỗng gọi các cậu bé hàng xóm, giọng nó gào lên có vẻ dữ tợn. – Các cậu ơi, lại đây-y-y…
– Chúng ta hãy biến mau, ông Khốttabít! – Vônca thì thầm rất nhanh. – Mau lên!
Ba ông cháu liền biến mất, làm cho người dân trẻ tuổỉ ở thành phố Ghêrôna vô cùng sửng sốt. Vì sự bất ngờ và không giải thích nổi ấy, cậu bé Ghêrôna đâm ra hết sức khó xử với các cậu bạn mà nó vừa gọi tới.
– Mình đã bảo cậu: hãy giữ mồm giữ miệng! – Vônca bực tức nói với cu cậu Giênia đang cảm thấy mình có lỗi và chẳng biết trốn vào đâu cho khỏi xấu hổ. – Con người hay ăn nói bộp chà bộp chộp có thể gây ra những chuyện gì, thật có trời mà biết! … Đấy, vì cậu mà bây giờ chúng ta chẳng đi xem thành phố được nữa!
Ông Khốttabít liền nói cho hai cậu bạn nhỏ yên tâm:
– Hỡi cậu học sinh khôn ngoan nhất trong tất cả các học sinh ở trường trung học số 124, ta tự an ủi mình bằng hy vọng rằng chúng ta vẫn có thể đi xem tất cả các phố xá, quảng trường và nhà cửa ở thành phố này. Còn nếu cậu ngại gặp cái thằng bé cứng đầu đã làm cho các cậu phải sợ đến thế thì cậu chỉ cần nói một tiếng thôi, ta sẽ tống cổ nó đi khỏi chỗ này ngay lập túc.
– Ông cứ liệu đấy! – Vônca nổi nóng. – Đó là một cậu bé tuyệt hết sức. Nếu ở địa vị cậu ấy, cháu cũng xử sự đúng như thế.
– Cháu cũng vây! – Giênia nói, mắt nhìn đi chỗ khác với vẻ biết lỗi. – Nào, ta giải hòa với nhau thôi, Vônca. Mình có lỗi nhưng mình sẽ không phạm lỗi như thế nữa. Đồng ý chứ?
– Đồng ý! – Vônca độ lượng trả lời và nắm chặt bàn tay rụt rè chìa ra của Giênia Bôgôrát. – Giải hòa thì giải hòa!
Ông Khốttabít sốt ruột đề nghị:
– Chúng ta đi ra bờ biển đi, để ta có thể bắt tay ngay tức khắc vào việc tìm kiếm chú em bất hạnh của ta.
Cuộc nói chuyện trên đây diễn ra trên con đường nhựa mà khi nãy ba ông cháu đã theo đó đi vào Ghêrôna, đầu óc chứa đầy các kế hoạch du lịch lý thú. Bây giờ, họ đi theo hướng ngược lại, vừa đi vừa tìm một chỗ hẻo lánh cách xa đường cái và xa những nơi có nhà cửa.
—
(1) Tiếng Ý: Ông, ngài
(2) Một thành phố cảng ở phía Nam nước Ý
(3) Cậu bé Ghêrôna vẫn tưởng Giênia là người Ý như mình
CHƯƠNG 47 – ÔNG KHỐTTABÍT BIẾN MẤT RỒI LẠI TRỞ VỀ
– Các cậu hãy chúc ta mau thành công! – Ông Khốttabít kêu lên rồi biến thành một con cá và lặn ngay xuống nước…
Nước ở đây trong veo chứ không đục ngầu như ở cửa sông Nin, cho nên có thể trông thấy rõ ông già vẫy vây lia lịa, lao nhanh ra khơi.
Trong khi chờ đợi ông Khốttabít trở về, hai cậu bạn của chúng ta đã xuống biển tắm cả chục lần, đã hụp lặn chán chê, đã nằm phơi nắng nhiều tới mức đừ cả người và cuối cùng, đã cảm thấy đói ghê gớm và bắt đầu lo lắng. Ông Khốttabít đi lâu một cách đáng ngờ, mặc dù ông hứa chỉ đi không quá một tiếng. Mặt trời đã lặn từ lâu, sau khi nó chiếu lên đường chân trời và lên mặt biển êm đềm những màu sắc tuyệt vời. Xa xa đã nhấp nháy hàng nghìn ánh đèn của thành phố… Vẫn chẳng thấy ông già trở về!
– Chẳng lẽ ông ấy lại bị lạc? – Giênia cau có nói.
– Ông ấy không thể bị lạc được đâu? – Vônca đáp. – Những người già như ông ấy thì chẳng bị lạc đâu, người anh em ạ.
– Có thể ông già bị cá mập nuốt cũng nên.
– Ở vùng này chẳng có cá mập đâu mà sợ! – Vônca gạt đi, mặc dù nó không dám tin chắc vào câu nói của mình.
– Mình muốn ăn một cái gì đó… – Giênia thú thật.
Vừa lúc đó, có một chiếc thuyền ghé vào bờ ở gần đấy. Ba người đánh cá từ trên thuyền trèo xuống. Một ngươì lấy những cành khô nhóm thành một đống lửa, hai ngươi còn lại chọn vài con cá nhỏ xíu, làm sạch rồi bỏ vào nồi nước.
– Ta lại xin họ cho một cái gì đó để bỏ vào bụng đi! – Giênia đề nghị. – Họ là người lao động cánh mình cả thôi.
Vônca đồng ý.
– Xin chào các xinho! – Giênia nói với những người đánh cá và lễ phép cúi chào.
– Lạ thật, ở cái nước Ý nghèo khổ của chúng ta, sao mà đẻ ra lắm trẻ bụi đời như vậy nhỉ! – Một người đánh cá tóc bạc, gầy nhom, nói với giọng bị cảm lạnh. – Giôvanni, cho chúng ăn một cái gì đó đi.
– Bánh mì thì vừa đủ, hành thì chẳng thiếu, còn muối thì nhiều quá nữa là đằng khác! – Anh thanh niên 19 tuổi, vạm vỡ, tóc xoăn, vui vẻ đáp. – Các cậu bé, mời các cậu ngồi xuống đây! Món cháo cá ngon nhất trong tất cả các món cháo cá mà người ta đã từng nấu ở Ghêrôna và vùng xung quanh sắp được rồi đấy.
Vônca và Giênia tưởng như chưa bao giờ được nếm một món ăn ngon hơn thế. Có thể vì anh Giôvanni vui tính quả là một người đầu bếp có tài bẩm sinh, cũng có thể vì hai cậu bé đã đói mềm. Chúng ăn ngon lành, chốc chốc lại tắc lưỡi thích thú, làm cho ba người đánh cá cứ nhìn chúng mà tủm tỉm cười. Giôvanni vươn vai nói:
– Các cậu muốn chén nữa thì cứ tự nấu đi. Cái khoa nấu nướng này cũng chẳng rắc rối lắm đâu. Còn chúng tôi thì phải nằm nghỉ một chút. Nhưng đừng có lấy cá lớn đấy nhé. Cá lớn, sáng mai còn đưa đi bán để lấy tiền đóng thuế cho xinho bộ trưởng tài chính. Các cậu hẳn là đã nghe nói về xinho này rồi: ông ấy bao giờ cũng lo làm sao cho trong ví chúng tôi không có tiền thừa, nếu không thì xinho bộ trưởng chiến tranh moi đâu ra tiền mà mua vũ khí của Mỹ…
Giênia lập tức lúi húi bên đống lửa, còn Vônca thì xắn quần, lội bì bõm tới chiếc thuyền đầy cá.
Sau khi lấy vài con cá nhỏ, Vônca đã định quay lên bờ, tình cờ nó đưa mắt về phía đống lưới xếp bên cột buồm. Một con cá lẻ loi đang giẫy giụa trong đống lưới, lúc thì nó nằm lặng, lúc thì lấy hết sức để tiếp tục những cố gắng tự giải thoát mà không có kết quả.
“Con này thích hợp với món cháo cá đây!”, Vônca nghĩ thầm và gỡ con cá ra khỏi mắt lưới. Nhưng lúc ở trong tay Vônca, con cá nhỏ giẫy giụa mạnh đến nỗi Vônca bỗng thấy thương hại nó quá, bèn ném nó ra ngoài thuyền.
Con cá rơi tõm xuống mặt nước xanh sẫm của cái vịnh nhờ và biến thành… ông già Khốttabít mặt tươi như hoa.
– Hỡi cậu con trai hảo tâm của Aliôsa, cầu cho ngày sinh của cậu được may mắn đời đời! – Ông già xúc động nói trong khi ông vẫn đứng dưới nước ngập đến thắt lưng. – Cậu lại cứu sống ta một lần nữa. Chỉ vài khoảnh khắc nữa thôi là ta bị chết ngạt trong cái đống lưới mà ta đã sơ ý rơi vào trong khi ta đi tìm chú em bất hạnh của ta.
– Ông Khốttabít thân yêu, ông còn sống được là cừ lắm rồi! – Vônca sung sướng nói. – Cháu và Giênia lo cho ông quá chừng!
– Còn ta thì bị giày vò bởi cái ý nghĩ là cậu, vị cứu tinh hai lần của ta, và cậu bạn Giênia không có ta sẽ bị đói và bị bơ vơ nơi đất khách quê người.
– Chúng cháu chẳng bị đói đâu, ông ơi! Những người đánh cá ở đây đã cho chúng cháu chén căng bụng rồi.
– Cầu cho những người tốt bụng đó được may mắn đời đời! – Ông Khốttabít nhiệt tình nói. – Họ có giàu không?
– Theo cháu thì họ nghèo lắm, ông ạ.
– Vậy thì ông cháu ta hãy đi mau. Ta sẽ đền ơn nhũng người đánh cá thật xứng đáng.
– Cháu nghĩ là chưa nên làm như vậy. – Vônca suy nghĩ một lát rồi nói. – Ông thử đặt mình vào địa vị họ xem: đang đêm, bỗng nhiên một ông già nào đó ướt lướt thướt từ dưới nước đi lên…… Không, chưa nên làm như vậy.
– Cậu nói đúng như mọi bận vẫn thường nói đúng! – Ông Khốttabít đồng ý. – Cậu cứ lên bờ trước đi, còn ta sẽ đến với họ sau.
Một lúc sau, tiếng vó ngựa lóc cóc tới gần đã đánh thúc ba người đánh cá đang thiu thiu ngủ. Chẳng mấy chốc, một ky sĩ lạ thường đã dừng lại bên đống lửa tàn.
Đó là một ông già mặc bộ quần áo tây rẻ tiền bằng vải thô và đội mũ cói cứng. Bộ râu oai vệ của ông phất phơ theo gió để lộ ra chiếc áo sơ mi thêu Ucraina. Ông già đi đôi hài cầu kỳ màu hồng nhạt có thêu những đường chỉ bằng vàng và bạc, mũi giày vểnh lên một cách kỳ quặc. Chân ông đặt trên cái bàn đạp bằng vàng, nạm kim cương và ngọc bích. Cái yên mà ông ngồi lộng lẫy đến độ chỉ riêng nó thôi cũng đã là cả một cơ nghiệp rồi. Dưới cái yên đó là con ngựa đẹp không thể tả. Hai tay ông già xách hai chiếc vali da lớn.
– Tôi có thể gặp những người đánh cá hào hiệp đã từng rộng lòng cho hai cậu thiếu niên đói khát, bơ vơ ăn uống, nghỉ ngơi được không? – Ông Khốttabít nói với Giôvanni đang bước tới gặp ông.
Không đợi trả lời, ông già xuống ngựa, đặt hai chiếc vali xuống bãi cát, rồi thở phào nhẹ nhõm.
– Có chuyện gì thế ạ? – Anh chàng Giôvanni thận trọng hỏi. – Ông biết hai cậu bé đó sao?
– Tôi mà lại không biết hai cậu bạn trẻ tuổi của tôi ư! – Ông Khốttabít kêu lên rồi lần lượt ôm chầm lấy Vônca và Giênia vừa chạy đến.
Sau đó, ông nói với ba người đánh cá đang bối rối nhìn ông:
– Hỡi những người đánh cá đáng kính nhất trong tất cả những người đánh cá, các bạn hãy tin rằng tôi không biết làm sao để đền ơn các bạn về lòng mến khách và hảo tâm của các bạn.
– Ông đền ơn chúng tôi về chuyện gì? – Người đánh cá tóc bạc lấy làm ngạc nhiên. – Về bữa ăn tối hay sao? Đối với chúng tôi, nó chẳng đáng là bao đâu, xinho ạ. Xin ông cứ tin vào lời tôi.
– Tôi đang được nghe những lời nói của một bậc trượng phu thực sự không vụ lợi và vì thế lòng biết ơn của tôi lại càng thêm sâu sắc. Hãy cho tôi được đền đáp các bạn, dù chỉ là những món quà nhỏ mọn này. – Ông Khốttabít nói và đưa cả hai chiếc vali cho Giôvanni đang đứng ngây người.
– Thưa xinho kính mến, có lẽ ở đây có một sự nhầm lẫn nào đó. – Giôvanni băn khoăn đưa mắt nhìn hai ông bạn của mình rồi nói. – Đem bán hai chiếc vali này đi cũng có thể mua được ít ra là một nghìn bữa cháo cá mà chúng tôi đã cho hai cậu bé này ăn. Ông đừng nghĩ rằng bữa cháo cá ấy là một bữa ăn đặc biệt. Chúng tôi chỉ là những người nghèo thôi, ông ạ…
– Anh bạn lầm rồi đó, hỡi chàng trai không vụ lợi nhất trong tất cả những người hảo tâm! Trong hai cái rương rất tốt được gọi bằng cái tên cao siêu là “vali ” này, chứa đựng một số của cải giá trị gấp nghìn nghìn lần bữa cháo cá của các bạn. Nhưng theo tôi, số của cải này dầu sao cũng chẳng mua nổi bữa cháo cá ấy, bởi vì trên đời này chẳng có gì đắt hơn lòng mến khách không vụ lợi.
Ông già mở hai chiếc vali ra và mọi người đều thấy trong đó đầy ứ những con cá sống tuyệt đẹp, vẩy bạc vẩy vàng lóng lánh.
Ba người đánh cá vẫn chưa kịp hiểu rõ tại sao ông già lại đem cá cho dân đánh cá, thì ông già đã thành thạo đổ số cá đang giãy đành đạch trong vali xuống bãi cát. Thế rồi, ngay lập tức, ba người đánh cá liền ồ lên vì thích thú và kinh ngạc: bằng cách nào không rõ, trong cả hai vali lại có đầy cá như cũ. Ông Khốttabít lại đổ cá ra và trong hai vali lại tiếp tục có đầy những tặng vật tuyệt vời của Địa Trung Hải. Cả lần thứ ba, lần thứ tư và lần thứ năm cũng vẫn như vậy.
Thích thú với ấn tượng đã gây được, ông Khốttabít nói:
– Còn bây giờ, nếu các bạn muốn, các bạn có thể tự thử lại những đặc tính kỳ diệu của hai chiếc vali này. Từ nay, các bạn sẽ chẳng còn phải run sợ mỗi khi xấu trời và mỗi khi màn sương mù trước lúc rạng đông bao phủ con thuyền ọp ẹp của các bạn. Các bạn chẳng còn phải cầu nguyện Đức Allah cho đánh được nhiều cá nữa. Các bạn cũng sẽ chẳng cần phải khuân ra chợ những giỏ nặng đầy cá. Chỉ cần mang theo một chiếc vali như thế này là đủ và các bạn sẽ lấy từ trong đó ra cho người mua đúng số cá mà người đó cần. Tôi chỉ yêu cầu các bạn đừng có từ chối món quà nhỏ mọn này của tôi. – Ông già nói khi thấy những người đánh cá định nói gì đó.
– Tôi cam đoan với các bạn rằng ở đây không hề có chuyện nhầm lẫn nào cả. Hỡi những người đánh cá, cầu cho cuộc sống của các bạn được yên lành đời đời! Xin tạm biệt các bạn! Vônca và Giênia, hãy đi theo ta.
Giôvanni giúp hai cậu bé trèo lên ngựa và ngồi sau lưng ông Khốttabít.
– Tạm biệt xinho! Tạm biệt các cậu bé! – Ba người đánh cá bối rối nói và đưa mắt nhìn theo những người khách lạ thật khác thường đang nhanh chóng đi xa.
Giôvanni trầm ngâm nói:
– Cho dù dây chỉ là hai chiếc vali bình thường thôi chứ không phải là vali thần thì cũng có thể bán được khối lia (1) rồi…
Piêtrô, người đánh cá nhiều tuổi nhất (chừng 60), tóc bạc phơ, mặt nhăn nheo rám nắng, hai bàn tay khô đét, nổi đầy gân, lên tiếng:
– Bây giờ, chúng ta sẽ có thể giải quyết được các công việc của mình. Chúng ta sẽ trả cho lão bộ trưởng tài chính – cầu cho lão ta bị hóc xương cá 25 lần trong một ngày! – toàn bộ số tiền thuế mà chúng ta chưa nộp đủ. Chúng ta sẽ ráng chữa được chừng nào hay chừng nấy cái bệnh thấp khớp đáng nguyền rủa của tôi. Còn Giôvanni, chúng tôi sẽ mua cho chú một bộ quần áo, một cái mũ, một đôi giày và một chiếc áo bành tô. Dẫu sao đi nữa thì chú còn trai trẻ, lại sắp lấy vợ đến nơi, nên chú cần phải ăn mặc cho nó đàng hoàng… Nói chung, tất cả chúng ta sẽ ăn mặc bảnh một chút….. Tôi nói có đúng không, các chú?
– “Chúng ta sẽ ăn mặc bảnh một chút!”. – Giôvanni bực bội nhại lại câu nói của ông Piêtrô – Xung quanh chúng ta còn biết bao người nghèo đói, đau khổ đấy! Trước hết, phải giúp bà vợ góa của bác Giacômô đã bị chết vì đắm thuyền năm ngoái, để lại ba đứa con dại và một bà mẹ già.
– Giôvanni, chú nói đúng lắm! – Ông Piêtrô đồng ý, – Cần phải giúp bà vợ góa của Giacômô. Đó là một người bạn tốt và trung thành.
Lúc ấy, người đánh cá thứ hai liền xen vào. Năm nay, anh 30 tuổi. Tên anh là Khrixtôphorô.
– Còn Luigi thì sao? Cũng cần phải giúp đỡ bác ấy. Ông già tội nghiệp sắp chết vì lao phổi rồi.
– Đúng, – Giôvanni nói. – Còn bà Xibila Capenli nữa. Con trai bà bị ngồi tù hai năm nay vì tổ chức bãi công đấy.
– Cũng cần phải giúp ông già Guliêmô Gátgiêrô. Con trai ông ấy đã bị bọn hiến binh giết chết trong một cuộc biểu tình. Cậu ấy không chịu đưa lá cờ cho bọn hiến binh, thế là bọn chúng liền bắn chết cậu ấy ngay tại chỗ. Các chú chắc còn nhớ cậu ấy, một thợ máy rất vui tính ở nhà máy điện… – Ông Piêtrô nói thêm.
– Tuyệt thật, bây giờ chúng ta có thể giúp bao nhiêu người! – Giôvanni thích thú nói.
Thế rồi ba người đánh cá tốt bụng bàn bạc cho tới tận khuya để tính xem bây giờ còn cần giúp ai nữa, khi mà họ có trong tay hai chiếc vai kỳ diệu đến thế.
Đó là những người lao động lương thiện và hào hiệp. Không một ngươi nào trong số họ nghĩ đến chuyện lợi dụng món quà của ông Khốttabít để làm giàu, để trở thành một tay buôn cá cỡ bự, một tên tư bản.
Tôi rất lấy làm thích thú báo với các bạn đọc điều đó để các bạn cùng vui với tôi khi thấy món quà của ông Khốttabít đã được trao tận tay những con người tốt.
Tôi tin chắc rằng nếu ở địa vị ba người đánh cá ấy, không một bạn đọc nào của tôi có thể xử sự khác được.
—
(1) Đơn vị tiền tệ của Ý
CHƯƠNG 48 – CHIẾC VALI TAI HẠI
Vào cái giờ còn rất sớm của buổi sáng mùa hè tuyệt đẹp, ở thành phố Ghêrôna ít ra cũng có năm người đã thức dậy, mặc dù họ không hề phải lo đến chuyện miếng cơm manh áo.
Ông Khốttabít là một trong năm người đó. Ông sảng khoái nhỏm phắt dậy và đánh thức hai cậu bạn trẻ tuổi của mình (thế là các bạn có thêm hai người nữa) đang nằm ngủ trên hai chiếc giường rộng. Riêng ông già, theo lệ thường của mình, đã nằm ngủ trên sàn nhà, ở bên ngưỡng cửa, mặc dù trong khách sạn này chẳng thiếu gì phòng và giường trống.
Ông Khốttabít nói với hai cậu bé đang ngáp ngon lành:
– Hỡi các cậu bạn của ta, hãy tha lỗi cho việc ta đã phá mất giấc ngủ say ở tuổi niên thiếu của các cậu. Ta sắp ra biển lần thứ hai để tìm chú em yêu dấu và bất hạnh của ta là Ôma Iuxúp. Các cậu đừng lo cho ta. Lần này, ta sẽ hết sức thận trọng và ta xin cam đoan với các cậu rằng ta sẽ chẳng rơi vào cái lưới nào nữa đâu. Sau hai, ba giờ nữa ta sẽ trở về. Trong thời gian đó, ta sẽ kịp đi lùng khắp cái biển mà các cậu gọi là Địa Trung Hải này. Hãy ngủ lại đi, hỡi các cậu bạn của ta! Ta sẽ đánh thức các cậu dậy khi bàn chân ta lại đặt lên những tấm thảm tồi tàn ở căn phòng này.
– Khô-ô-ông! – Vônca nói. – Chúng cháu không thể ăn ngon ngủ kỹ trong cái giờ phút nghiêm trọng này được. Chúng cháu sẽ đợi ông trên bờ biển. Mình nói có đúng không, Giênia?
– Đúng lắm! – Giênia vươn vai xác nhận. – Ít ra thì chúng cháu cũng sẽ nằm ngủ ở trên bờ. Ngay tại bãi cát…
Các nhà du hành của chúng ta đã quyết định như vậy. Họ nhanh chóng mặc quần áo, rửa mặt rồi đi ra cái vịnh nhỏ quen thuộc mà ba người đánh cá mến khách vừa rời đi trước đó không lâu.
Người thứ tư dậy sớm là Mixtơ Hari Oanđenđalét. Lão nóng lòng bắt tay vào việc mua sắm. Dù lão đến nước này hay nước nọ, thành phố này hay thành phố nọ với nhiệm vụ chính thức nào, trước hết lão đều nghĩ: “Liệu không biết ở đây có gặp may mà mua được một món gì thích hợp để có thể bán lại có lời ở nước Mỹ của mình?”. Là kẻ có lòng tham không đáy, lão dự định trước giờ các cửa hàng mở cửa, sẽ rảo qua chợ vài vòng xem có mua sắm thêm được gì không…
Nhưng Oanđenđalét biết rất rõ rằng những người Ý chính trực chẳng khoái gì các quân nhân và các nhà ngoại giao Mỹ, vì thế lúc ra chợ, lão đã mang theo gã hộ vệ của mình. Gã tóc hung, mặt rỗ hết sức khó coi này là kẻ “đã được thử thách” – hắn từng làm mật vụ dưới thời Mútxôlini (1). Hôm qua, lão cảnh sát trưởng Ghêrôna đã nói với Oanđenđalét rằng “mixtơ Oanđenđalét có thể tin cậy gã hộ vệ Chêdarê Xatôrétti như tin cậy em trai của mình”. Câu ví von này không được sát cho lắm, bởi vì anh em Oanđenđalét là những nhà kinh doanh chính cống, sẵn sàng vì một đồng đôla thừa mà mượn cớ rất nhỏ để hại nhau. Nhưng lão cảnh sát trưởng hẳn là chẳng có anh em. Chính Chêdarê là người thứ năm trong số năm người dậy sớm mà tôi đã nói đến ở đầu chương này.
Oanđenđalét chưa kịp bước đến mười bước trong chợ thì lão tin chắc rằng lão dậy sớm như vậy chẳng phải uổng công. Đi thẳng về phía lão là một chàng trai tóc xoăn, ăn mặc rất rách rưới, tay xách chiếc vali da tuyệt đẹp. Các bạn có thể tin rằng mixtơ Hari Oanđenđalét rất rành về vali! Đây là một chiếc vali đẹp và độc đáo hết sức. Quả là một kiệt tác của nghệ thuật thủ công: da thuộc tuyệt vời có in hình màu nổi hết sức tinh xảo. Cái quai tuyệt trần được đóng bằng những chiếc đinh mà đầu đinh trông chẳng khác gì vàng, bởi vì đó đúng là những đầu đinh bằng vàng thật. Ở các chỗ bịt góc vali đều có hình khắc rất đẹp, trông thật thích mắt: nào là những con cá nhỏ, nào là những con chim, nào là những chữ Arập gì đó…
Chớ vội nghĩ rằng Giôvanni (chàng trái tóc xoăn ấy như các bạn cũng đã đoán được) đi ra chợ mà không có những biện pháp đề phòng cần thiết. Chiếc vali được bỏ trong một cái bao vải gai cũ. Nhưng với một kẻ như lão Oanđenđalét, chỉ cần nhìn một góc nhỏ của một vật gì đó cũng đủ biết rõ ngay lập tức cái “vật gì đó” mua vào có lợi hay không và bán ra có lợi hơn không.
Oanđenđalét liền ra lệnh cho gã hộ vệ của mình:
– Mi hãy hỏi thằng kia xem nó muốn bán chiếc vali bao nhiêu tiền.
– Ê, cái thằng hậu đậu kia! – Chêdarê gọi chàng đánh cá trẻ tuổi. – Ông chủ Mỹ của tao hỏi mày muốn bán chiếc vali thổ tả của mày bao nhiêu?
– Chính mày là cái thằng hậu đậu thì có? – Giôvanni trả miếng. -Còn chiếc vali thì tao không bán. Tao đang cần đến nó.
– Mày không tính xách nó đi Nixơ (2) đấy chứ? – Chêdarê hỏi xỏ. – Ở đó, tất cả các ông hoàng, bà chúa của châu Âu đang buồn nhớ những thằng như mày đấy.
– Mày hãy bảo với bọn họ chớ có buồn. Thế nào tao cũng đi Nixơ ngay khi có điều kiện. – Giôvanni lầu bầu đáp lại và rảo bước. – Sẽ có lúc tất cả bọn tao đều kéo đến đó và các ông hoàng, bà chúa của mày sẽ phải ở chật lại một chút đấy!
– Chà, thì ra mày là một thằng đỏ!
– Tao ấy à? Đang xanh bủng (3) ra đây thì có? Ê, không được đụng vào vali của tao! – Giôvanni quát và đánh mạnh vào tay Chêdarê – Không được đụng, nghe chưa?
– A, mày muốn đánh nhau hả?! – Chêdarê vừa rít lên vừa xoa bàn tay bị đánh đau. – Hãy nói mau, mày muốn bán chiếc vali cà khổ của mày bao nhiêu tiền? Nếu không, mày sẽ khốn đấy! Mày biết ông người Mỹ này là ai không? Đó là khách của ai, mày có biết không? Đó là khách của ông em họ của ông bác của chính xinho nghị sĩ Matêô!
– Vậy thì hãy cứ để họ bán cho lão ấy những chiếc vali của họ. Họ cũng đã bán nước Ý cho bọn Mỹ rồi đấy!
– Mày ăn nói như thế hả! – Chêđarê hét lên. – Hiến binh đâu!
Hai tên hiến bình chạy lại, sợ sệt nhìn đám đông vây xung quanh. Trong đám đông nổi lên những tiếng nói đầy căm phẫn. Nhiều người biết Giôvanni là một chàng trai tốt bụng và lương thiện. Những người dân ở thành phố Ghêrôna còn biết Chêdarê nhiều hơn nữa: hắn là một tên mật vụ cáo già thời Mútxôlini. Riêng lão người Mỹ mặt đỏ thì chẳng ai ưa, chính vì lão mà bây giờ mới sinh chuyện ầm ĩ lên như thế.
– Hãy bắt thằng này lên đồn! – Chêdarê ra lệnh cho hai tên hiến binh. – Thằng khốn này đã ăn cắp chiếc vali của xinho người Mỹ!
Gã hộ vệ giật chiếc vali trong tay Giôvanni đang tái mặt vì phẫn nộ và lột cái bao rách nát tự làm lấy ra khỏi vali.
– Hãy để cho nó nói nó lấy đâu ra chiếc vali tuyệt đẹp thế này! – Chêdarê quay về phía đám người đứng vây quanh và nói lớn.
– Thưa các xinho, người ta cho tôi chiếc vali này? Người ta cho tôi, lời nói danh dự đấy!… – Giôvanni nói và thấy rằng chẳng ai tin lời anh cả. – Tôi xin lấy danh dự ra thề ?! ..
Thật là bực mình, nhưng lần này hình như cái thằng mật vụ đáng nguyền rủa ấy đã nói đúng. Pha-a-ải! Nếu Giôvanni đáng thương – một chàng trai lương thiện nhất – mà cũng phải đi ăn cắp thì có nghĩa là cái thời hết sức tồi tệ đã đến rồi.
Đám đông từ từ tản ra, còn hai tên hiến binh thì giải Giôvanni về đồn cảnh sát.
Đi sau mấy bước là mixtơ Oanđenđalét và gã hộ vệ trung thành của lão. Chêdarê xách trong tay chiếc vali đen đủi…
– Mày lấy đâu ra chiếc vali này? – Tên thanh tra cảnh sát hỏi người đánh cá trẻ tuổi.
Hắn mở chiếc vali ra để xem bên trong thế nào.
Giôvanni đờ cả người: năm chục kilôgam cá sẽ đổ ra sàn nhà ngay bây giờ! Sau đó, còn tiếp tục đổ ra nữa! Lúc ấy sẽ mất oan món quà kỳ diệu của ông già hôm qua!
Nhưng, thật là không ngờ, chiếc vali lại trống rỗng. Có lẽ các bạn đọc đã đoán được rằng cá chỉ xuất hiện trong vali khi nào Giôvanni, Piêtrô hay Khrixtôphorô mở. Đối với những người khác thì đó chỉ là một chiếc vali bình thường, mặc dù chiếc vali này là một sản phẩm hết sức hiếm có.
Giôvanni thở phào nhẹ nhõm và nói:
– Ngườì ta đã cho tôi chiếc vali đó.
– Chà, người ta cho mày hả? – Tên thanh tra chớp lấy với giọng chế giễu. – Đích thực người ta đã cho mày?
– Đúng thế! – Giôvanni thật thà xác nhận.
– Cho bao giờ?
– Tối hôm qua.
– Ai cho?
– Một ông già.
– Chà, một ông già hả? Ông già hào phóng của mày tên là gì?
– Tôi không biết.
– Ông già ấy ở đâu, có lẽ mày không biết nốt?
– Không, tôi không biết.
– Mày cũng không biết ông già bí ẩn ấy làm nghề ngỗng gì?
– Không, không biết
– Mày quen ông già bí ẩn ấy đã lâu chưa?
– Chúng tôi mới quen ông ấy tôi hôm qua, thưa xinho thanh tra.
– Thế mà ông ấy đã lập tức cho mày chiếc vali quý báu này, một kỳ công của bàn tay con người?
– Đã cho lập tức, thưa xinho thanh tra. Ông già ấy không phải chỉ cho mình tôi, mà còn…
Nói đến đây, Giôvanni mới nghĩ ra là mình đã lỡ lời, liền im bặt. Dù tên thanh tra có cố đến mấy cũng không thể buộc được Giôvanni nói thêm câu nào.
Lúc bấy giờ, tên thanh tra mới vừa nói vừa lau mồ hôi trên bộ mặt húp híp của mình (mặt hắn có nước da vàng vọt bệnh hoạn, cặp lồng mày sâu róm vểnh lên như cặp ria mép):
– Tao rõ cả rồi! Chẳng ai cho mày chiếc vali ấy. Chính mày đã ăn cắp chiếc vali của vị khách kính mến của chúng tao.
Nói rồi, hắn kính cẩn ngả đầu về phía mixtơ Oanđenđalét đang ngồi trên chiếc đivăng êm ái, thở hồng hộc và nốc hết ly nước này đến ly nước khác được rót ra từ cái bình lớn.
– Sao ông dám gọi tôi là thằng ăn cắp? – Giôvanni vung nắm đấm, lao về phía tên thanh tra. – Suốt đời, tôi chưa bao giờ đụng đến tài sản của người khác.
– Chà, té ra mày không phải chỉ là một thằng ăn cắp, mà còn là một thằng du côn nữa! – Tên thanh tra thích thú nhận xét.
Sau khi ra lệnh tống Giôvanni vào trại giam, hắn ngồi viết biên bản.
—
(1) Tên độc tài Phátxít đã thống trị ở Ý từ năm 1922 đến năm 1943. Bị các chiến sĩ du kích bắt và xử tử hình năm 1945
(2) Thành phố nghỉ mát nổi tiếng của Pháp, nằm trên bờ Địa Trung Hải
(3) Giôvanni đối đáp hóm hỉnh và sâu cay: tên Chêdarê bảo anh là “đỏ” ý nói cộng sản, anh nói mình “xanh bủng” vì nghèo đói, bệnh hoạn
Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12 Trang 13 Trang 14 Trang 15 Trang 16 Trang 17 Trang 18 Trang 19 Trang 20 Trang 21 Trang 22Kế tiếp