Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12 Trang 13 Trang 14 Trang 15 Trang 16 Trang 17 Trang 18 Trang 19 Trang 20 Trang 21 Trang 22Kế tiếp
CHƯƠNG 43 – CHIẾC TÀU BUỒM KHÔNG AI BIẾT ĐẾN
Trên bong dạo chơi của chiếc tàu thủy điêden (1) “Cônkhiđa” chạy chuyến thường lệ từ Ôđétxa đến Batumi (2), có mấy hành khách đang đứng tựa vào lan can và thong thả chuyện trò. Các động cơ rất mạnh đang ì ầm ở đâu đó dưới sâu, nơi chính giữa thân tàu. Sóng nước rì rào mơ mộng vỗ vào thành tàu cao cao. Ở tít phía trên bong thượng, đài vô tuyến diện của con tàu đang kêu rè rè với vẻ lo âu.
Một hành khách nói:
– Các đồng chí biết không, thật là đáng tiếc vì bây giờ đã mất hẳn các tàu buồm lớn, những người đẹp cánh trắng ấy (3). Tôi sẽ sung sướng biết chừng nào nếu bây giờ được ở trên một chiếc tàu buồm thực sự hoặc trên một chiến thuyền…… Thích thú biết bao khi được ngắm những cánh buồm no gió trắng phau; khi được nghe tiếng cót két của những cột buồm vừa vững chắc, lại vừa tuyệt đẹp và cân đối; khi được cảm phục trông theo đội thủy thủ tuân lệnh của thuyền trưởng lao nhanh như chớp trên các cột buồm, trục buồm khác nhau… ước gì tôi được thấy tận mắt một chiếc tàu buồm thực sự, dù chỉ là một lần mà thôi? Nhưng phải là một chiếc tàu buồm thực sự kia! Đời thuở nhà ai, bây giờ một chiếc thuyền vớ vẩn nào đó có gắn động cơ nhỏ mà người ta cũng gọi là tàu buồm!
– Tàu buồm có động cơ! – Một người mặc quần áo thủy thủ tàu buôn sửa lại câu nói của ông hành khách nọ.
Chẳng ai nói thêm gì nữa. Trừ người thủy thủ, tất cả hành khách đều qua phía thành tàu bên phải để xem bầy cá heo vui vẻ không hề biết mệt, đang nhào lộn ở ngay gần tàu trên mặt biển ấm áp ban trưa. Đã nhiều năm rồi, cá heo không còn là điều mới mẻ đối với người thủy thủ của chúng ta. Anh thu xếp một chỗ ngồi thuận tiện hơn trên chiếc ghế có thể nửa nằm nửa ngồi và thử lướt qua một tờ báo nào đó. Nhưng chẳng mấy chốc ánh nắng đã làm cho anh mệt lử. Anh gấp, tờ báo lại và dùng nó phe phẩy thay cho quạt.
Bỗng có một cái gì đó thu hút sự chú ý của người thủy thủ đến độ anh thôi phe phẩy tờ báo, đứng phắt dậy và chạy bổ tới lan can.
Tít đằng xa, gần sát đường chân trời, anh thấy một chiếc tàu buồm rất đẹp nhưng kiểu lại cổ hết sức đang lao nhanh, rất nhanh. Tưởng chừng như đó là một hình ảnh tưởng tượng trong truyện cổ tích vậy.
– Các đồng chí ơi! – Người thủy thủ gọi mấy hành khách vừa nói chuyện với mình. – Lại đây mau lên, các đồng chí ơi! Xem kìa, một chiếc tàu buồm mới đẹp làm sao! Lại là tàu cổ nữa! … Ô kìa, cột buồm giữa của nó lại làm sao rồi!… Không có cột buồm giữa? Cha mẹ ơi! … Các đồng chí xem kìa, các cánh buồm của nó lại không phồng lên cùng một phía!… Theo mọi quy luật, cột buồm đáng lẽ đã bay ra khỏi thành tàu từ lâu rồi?… Quả là một điều hết sức kỳ lạ! …
Nhưng lúc những hành khách nọ nghe theo lời người thủy thủ và quay về phía thành tàu bên phải thì chiếc tàu buồm không ai biết đến, đã mất hút rồi. Chúng tôi nói “không ai biết đến” bởi vì người thủy thủ đã sẵn sàng thề rằng chiếc tàu buồm tuyệt đẹp ấy không hề đăng ký tại một hải cảng nào của Liên Xô ở Hắc Hải. Và quả vậy, chiếc tàu buồm mà người ta đã thấy từ thành tàu “Cônkhiđa” cũng chưa hề đăng ký tại một hải cảng nào của nước ngoài. Nói chung, nó chưa hề đăng ký ở đâu cả và cũng chẳng đăng ký để làm gì, vì một lẽ đơn giản: nó vừa ra đời và hạ thủy vài giờ trước đây.
Chiếc tàu buồm này được đặt tên là “Ôma thân yêu” để tỏ lòng kính trọng người em bất hạnh của Gátxan Ápđurắcman con trai của Khốttáp, một ông già mà chúng ta đã từng quen biết.
—
(1) Khác với loại tàu thủy thường thấy chạy bằng động cơ hơi nước, đây là loại tàu thủy hiện đại hơn, chạy bằng động cơ đốt trong
(2) Thành phố cảng nằm trên bờ Hắc Hải, thủ đô nước Cộng hòa Xôviết tự trị Atgiaria
(3) Từ năm 1980 trở lại đây, người ta lại thấy xuất hiện một số tàu buồm lớn trên các đại dương. Đó là các tàu vận tải được trang bị thêm buồm nhằm tận dụng sức gió để tiết kiệm nhiên liệu. Chẳng hạn, nhờ có buồm (được điều khiển hoàn toàn tự động), tàu “Sin Aitôcu Maru” của Nhật đã tiết kiệm được 52% nhiên liệu
CHƯƠNG 44 – TRÊN TÀU “ÔMA THÂN YÊU”
Ví thử anh nhân viên phục vụ toa trên đoàn tàu tốc hành Mátxcơva – Ôđétxa mà chúng ta đã biết được một phép lạ nào đó cho lên chiếc tàu hai buồm “Ôma thân yêu” thì hẳn là anh ta phải sửng sốt hết chỗ nói. Sửng sốt chẳng phải vì bỗng nhiên anh lại có mặt trên một chiếc tàu biển và thậm chí cũng chẳng phải vì chiếc tàu này không giống những chiếc tàu vẫn thường rẽ sóng trên các sông sâu biển rộng của chúng ta. Mà sửng sốt chủ yếu là vì anh đã quen biết tất cả các hành khách và toàn bộ thủy thủ trên tàu “Ôma thân yêu”.
Ông già và hai người bạn đường trẻ tuổi của ông vừa rời buồng số 7 ở toa hạng nhất sáng hôm nay là các hành khách của chiếc tàu buồm, còn đội thủy thủ lại chính là bốn chàng trai da đen sạm có thâm niên phục vụ từ thế kỷ 16 trước Công nguyên.
Hẳn là cuộc gặp gỡ lần thứ hai với những người đó sẽ làm cho anh nhân viên phục vụ toa dễ xúc cảm của chúng ta phải ốm liệt giường một thời gian dài.
Ngay cả Vônca và Giênia, trong những ngày gần đây đã quen với mọi sự bất ngờ, cũng phải hết sức kinh ngạc khi gặp lại trên tàu bốn anh bạn vừa quen biết và thêm vào đó lại thấy họ là những thủy thủ rất khéo léo, đầy kinh nghiệm.
Sau khi ngắm thỏa thích những động tác nhanh nhẹn và chính xác của đội thủy thủ ít ỏi đang thản nhiên chạy tới chạy lui trên các dây chão ở tít trên cao cứ như chạy trên sàn gỗ ghép bằng phẳng, hai cậu bé đi xem con tàu. Tàu này rất đẹp nhưng nhỏ, chẳng lớn hơn chiếc canô chở hành khách đường sông.
Tuy nhiên ông Khốttabít đã cam đoan rằng ngay cả vua Xalômông con trai của Đavít cũng chẳng có nổi một chiếc tàu lớn như tàu “Ôma thân yêu”.
Mọi thứ trên tàu “Ôma thân yêu” đều sạch sẽ và sang trọng lạ thường. Hai bên thành tàu, mũi tàu và đuôi tàu đều được khảm vàng và ngà voi. Boong tàu làm bằng gỗ hồng tâm rất quý và được trải những tấm thảm lộng lẫy, gần như chẳng kém những tấm thảm trang hoàng các buồng riêng của ông Khốttabít và hai cậu bạn của ông.
Vônca càng ngạc nhiên hơn khi bỗng nhiên phát hiện ở đằng mũi con tàu một cái buồng tồi tàn, tối tăm, bẩn thỉu, bên trong đó để mấy tấm ván nằm. Trên các tấm ván ấy bừa bộn những đống quần áo rách đủ loại.
Cố nén sự kinh tởm, Vônca vào xem cái buồng con tồi tàn ấy. Lúc đó, Giênia cũng vừa đi tới. Sau khi xem xét kỹ lưỡng, Giênia kết luận rằng cái buồng xấu xí này dùng để nhốt bọn cướp biển trong trường hợp người ta tóm được chúng trên đường đi.
– Chẳng phải thế đâu! – Vônca phản đối. – Đây chẳng qua chỉ là những thứ còn lại sau khi sửa chữa cơ bản, thỉnh thoảng còn lại một cái xó chẳng ai dòm ngó tới, nơi người ta thường vứt quần áo rách và các thứ vật liệu xây dựng bỏ đi.
– Cái tàu này ngay sáng nay vẫn chưa ra đời, sao lại có thể nói đến chuyện sửa chữa cơ bản được? – Giênia vặn lại.
Vônca không thể trả lời thỏa đáng câu hỏi đó. Hai cậu bé đành phải đi gặp ông Khốttabít để ông giúp giải quyết cuộc tranh cãi của chúng.
Nhưng ông già còn ngủ, nên một tiếng rưỡi sau, vào bữa ăn trưa, Vônca và Giênia mới gặp được ông.
Vụng về xếp chân vòng tròn, hai cậu bé ngồi trên tấm thảm mềm mại, màu sắc rực rỡ tuyệt vời. Trong căn buồng này cũng như trong tất cả mọi nơi trên tàu “Ôma thân yêu” đều không hề có bàn ghế gì cả.
Một thành viên của đội thủy thủ ở lại phía trên để lái tàu, ba người còn lại thì bưng vào buồng và bày trên thảm đủ thứ món ăn, đồ nhắm, trái cây và thức uống.
Lúc họ quay lưng để rời khỏi căn buồng, Vônca và Giênia liền gọi họ lại:
– Các đồng chí đi đâu thế?
Vônca còn lễ phép nói thêm:
– Sao các đồng chí không ngồi ăn luôn thể?
Đáp lại ba ngươi đầy tớ của ông Khốttabít chỉ xua tay từ chối.
Ông Khốttabít bối rối:
– Hỡi các cậu bạn trẻ tuổi của ta, có lẽ ta nghe các cậu nói không được rõ lắm thì phải. Ta thấy hình như các cậu đã mời bọn người hầu hạ chúng ta ngồi ăn…
– Đúng thế, chúng cháu đã mời họ. – Vônca nói. – Có chuyện gì đặc biệt đâu ạ?
– Nhưng đó chỉ là những gã thủy thủ tầm thường! – Ông Khốttabít phản đối với giọng cứ như là nói vậy có nghĩa đã giải quyết xong vấn đề.
Ông già rất ngạc nhiên khi thấy hai cậu bạn vẫn một mực không đổi ý. Vônca nói:
– Nhưng các thủy thủ không phải là những tên tư bản nào đó, mà là những người lao động chân chính nhất, là những người của mình.
Còn Giênia thì nói thêm:
– Cần phải chú ý rằng hình như họ là những người da đen, một dân tộc bị áp bức. Đối với họ, lại càng phải hết sức chu đáo.
– Ở đây có một sự hiểu lầm đáng tiếc nào đó… – Ông Khốttabít bối rối vì cuộc tiến công phối hợp của hai cậu bé, bắt đầu cảm thấy lo âu. – Lần thứ hai ta yêu cầu các cậu chú ý cho rằng đó chỉ là những gã thủy thủ tầm thường. Chúng ta không thể cùng ngồi ăn với chúng được. Việc đó làm tổn hại uy tín của chúng ta dưới con mắt của chúng và dưới con mắt của chính chúng ta nữa.
– Cháu chẳng thấy tổn hại gì cả! – Vônca nhanh chóng bác bỏ.
– Cháu cũng chẳng thấy tổn hại gì cả. Ngược lại, cháu lại cảm thấy thú vị nữa là đằng khác! – Giênia, đến lượt mình, vừa nói vừa thèm thuồng nhìn con gà tây quay đang còn bốc hơi. – Ông gọi các thủy thủ mau lên, kẻo con gà nguội mất.
– Chẳng hiểu sao ta lại chẳng muốn ăn nữa, hỡi các cậu bạn trẻ tuổi của ta. Ta sẽ ăn sau vậy. – Ông Khốttabít cau có nói và vỗ tay bôm bốp ba lần, – Ê, mấy thằng đầy tớ kia?
Ba thủy thủ hiện ra ngay lập tức.
– Hai ông chủ trẻ tuổi này đầy lòng nhân từ, có ý muốn ăn trưa cùng với bọn bay, những tên đầy tớ hèn hạ của ta.
Người thủy thủ nhiều tuổi nhất liền phủ phục trước mặt ông Khốttabít và chạm trán xuống tấm thảm quý, rồi nói:
– Hỡi ông chủ vĩ đại và hùng mạnh! Chúng con hoàn toàn không muốn ăn. Chúng con no lắm. Chúng con no tới mức chỉ cần ăn thêm một cái cẳng gà thôi cũng đủ làm cho dạ dày của chúng con vỡ tung ra từng mảnh và chúng con sẽ chết trong cảnh đau đớn khủng khiếp.
– Họ nói dối đấy! – Vônca thì thầm vào tai Giênia, vẻ khẳng định. – Mình xin đưa đầu ra cam đoan rằng họ nói dối. Họ muốn ăn, nhưng họ lại sợ ông Khốttabít – Vônca nói với các thủy thủ: – Các anh bảo các anh no, vậy xin các anh hãy nói cho biết các anh đã kịp ăn trưa lúc nào?
– Hỡi cậu chủ trẻ tuổi và hào hiệp của tôi, xin cậu biết cho là chúng tôi có thể nhịn ăn một năm và lâu hơn nữa mà vẫn không thấy đói. – Người thủy thủ nhiều tuổi nhất trả lời lảng tránh thay cho cả bọn.
– Họ nhất định chẳng nghe đâu! – Giênia thất vọng nói – Họ sợ ông ấy.
Ba thủy thủ đi giật lùi lại phía cửa và lẩn đi
– Thú quá, chẳng hiểu sao ta lại muốn ăn rồi! – Ông Khốttabít tươi tỉnh nói – Ta bắt đầu chén mau đi thôi.
– Không đâu, ông Khốttabít! Ông cứ ăn một mình đi, chúng tôi không ăn cùng với ông đâu? – Giênia lầu bầu tức tối và dứt khoát đứng dậy. – Ta đi thôi, Vônca.
– Ta đi thôi! Than ôi, cứ bảo là có thể giáo dục, cải tạo con người, nhưng nào có ăn thua gì đâu…
Thế là ông già ngồi lại một mình với bữa ăn chẳng ai đụng đến. Ông già ngồi xếp chân vòng tròn, lưng thẳng, kiêu kỳ và trịnh trọng như một tượng thần phương Đông. Nhưng lúc hai cậu bé vừa khuất sau tấm màn ngăn buồng tàu với boong tàu, ông Khốttabít liền giơ hai nắm tay nhỏ nhắn, khô đét nhưng cứng như sắt nện thật mạnh vào đầu mình. Khổ thay, khổ thay cho ông già tội nghiệp Gátxan Ápđurắcman con trai của Khốttáp! Lại xảy ra một chuyện gì đó hoàn toàn không như ông mong muốn. Cuộc hành trình trên tàu “Ôma thân yêu” đã khởi đầu mới tốt đẹp làm sao! Hai cậu bé đã thực sự thích thú biết chừng nào khi chúng khen nức khen nở con tàu: nào là cách trang trí tuyệt đẹp; nào là những sắc cầu vồng dưới ánh mặt trời; nào là những tấm thảm hết sức mềm mại, khi đặt bàn chân không lên đó có thể lút đến tận mắt cá, thật là khoan khoái; nào là những tay vịn quý giá làm bằng gỗ mun và ngà voi; nào là những cột buồm vững chắc, cân đối, trên đó có khảm những viên đá quý đẹp nhất và hiếm nhất?
Tại sao bỗng nhiên hai cậu lại nảy ra cái ý muốn kỳ cục như vậy? Thế nhưng, nếu bỗng nhiên đó không phải là tính kỳ cục, không phải là tính thất thường, mà là một cái gì đó hoàn toàn khác thì sao? Hai cậu thiếu niên này quả thật là lạ. Bụng đã đói mềm, vậy mà vẫn từ chối đủ thứ sơn hào hải vị chỉ vì mấy thằng đầy tớ của ông không được phép cùng ngồi ăn với hai cậu ấy như những người bằng vai phải lứa! Ôi, ông Khốttabít mới khó hiểu làm sao, mới bực tức làm sao và mới đói bụng là làm sao? Qua là ông Khốttabít đang đói như cào.
Trong lúc ông già bị giày vò ghê gớm vì cuộc xung đột giữa tình cảm gắn bó với hai cậu bạn trẻ tuổi và những thành kiến cổ hủ nghìn năm thì Vônca và Giênia cũng đang sôi nổi bàn cãi về câu chuyện vừa xảy ra. Mấy người đầy tớ của ông Khốttabít cố tránh mặt Vônca và Giênia, nhưng một trong bọn họ bỗng từ cái buồng tồi tàn – mà Giênia đoán là để nhốt bọn cướp biển – đi ra. Thế có nghĩa là trên con tàu “Ôma thân yêu” sang trọng, cái buồng con tồi tàn ấy lại chính là buồng dành riêng cho các thủy thủ!
– Khô-ô-ông! – Vônca kết thúc cuộc bàn cãi với vẻ phẫn nộ. – Chúng ta nhất định không thể ở lại trên con tàu này! Hoặc là ông Khốttabít phải lập tức sửa đổi các quy chế ở trên tàu, hoặc là ông già hãy đưa chúng ta về nhà và tình bạn của chúng ta với ông ấy sẽ kết thúc!
Bỗng hai cậu bé nghe thấy tiếng nói của ông Khốttabít ở đằng sau lưng. Ông già láu lỉnh nói với chúng cứ như là chưa hề xảy ra chuyện gì đặc biệt cả.
– Hỡi các cánh buồm của lòng ta, sao các cậu lại để mất thì giờ vô ích ở đây, trên boong tàu này, trong khi một bữa ăn ngon lành nhất và thịnh soạn nhất đang chờ các cậu? Con gà tây quay vẫn còn bốc hơi, nhưng rồi nó có thể nguội đi và khi ấy hẳn là sẽ mất ngon. Chúng ta quay lại buồng tàu ngay đi thôi, bởi vì cả các thủy thủ yêu dấu của ta lẫn ta, kẻ nô lệ ngoan ngoãn nhất của các cậu, đều sắp chết đói và chết khát tới nơi.
Hai cậu bé ngó vào căn buồng mà chúng vừa bỏ đi và thấy các thủy thủ đang ngồi đường hoàng trên thảm, đợi ông già và hai cậu quay lại.
– Thôi được! – Vônca lạnh lùng nói. – Chúng cháu sẽ còn phải nói chuyện rất nghiêm chỉnh với ông, ông Khốttabít ạ! Còn bây giờ thì ta ăn trưa.
Nhưng ăn chưa kịp xong thì biển đã nổi sóng dữ dội. Con tàu nhỏ lúc thì lao lên ngọn sóng lớn, lúc thì tụt xuống khe sâu giữa hai bức tường nước đồ sộ. Những đợt sóng ầm ầm dữ dội chồm qua boong tàu và đã cuốn đi từ lâu các tấm thảm trải trên boong. Những thác nước thỉnh thoảng lại ập vào các buồng bên trong. Trong tàu trở nên lạnh, nhưng các lò lửa lại văng than hồng ra tung tóe nên phải quăng xuống biển để tránh hỏa hoạn. Những người đầy tớ – thủy thủ chỉ mặc độc có một cái khố, da xám ngắt vì lạnh, đang chống cự quyết liệt với sóng gió bên những cánh buồm kêu phành phạch một cách chẳng lành.
Chỉ cần nửa tiếng nữa là tàu “Ôma thân yêu” sẽ chỉ còn vương lại một chút hồi ức buồn bã mà thôi. Nhưng may thay, cơn biển động đã chấm dứt cũng đột ngột như khi nó nổi lên. Mặt trời ló ra. Trời lại ấm áp. Hoàn toàn lặng gió. Các cánh buồm lờ đờ rũ xuống, con tàu lắc lư trên sóng lặng, chẳng hề tiến lên được chút nào.
Ông Khốttabít nghĩ rằng đây là cơ hội thuận tiện để ông cải thiện mối quan hệ đã lung lay với hai cậu bạn đường của mình. Vui vẻ xoa tay, ông nói:
– Lặng gió ư? Hỡi các cậu thiếu niên độ lượng và công tâm, các cậu sẽ biết rằng đối với chúng ta, chuyện lặng gió chẳng có nghĩa lý gì cả. Chẳng cần có gió, chúng ta vẫn có thể đi được như thường. Bây giờ tàu “Ôma thân yêu” sẽ còn chạy nhanh hơn trước nữa là đằng khác… Rồi các cậu sẽ thấy!…
Nói rồi, ông già liền búng các ngón tay trái toanh trách.
Ngay tức khắc, tàu “Ôma thân yêu” với tốc độ ghê gớm đã lao vút lên phía trước, trong khi đó các cánh buồm sau khi gặp sức cản của không khí, lẽ tự nhiên lại căng phồng theo hướng ngược với phía tàu chạy.
Suốt từ khi có tàu buồm đến nay, chưa ai được chứng kiến một cảnh tượng kỳ lạ đến thế. Nhưng Vônca, Giênia và ông Khốttabít lúc ấy đứng ở đuôi tàu đều không kịp thích thú với cảnh tượng đó, bởi vì ba ông cháu đã bị lực quán tính hất lộn nhào từ đuôi tàu xuống nước. Ngay sau đó, một cột buồm không chịu nổi sức cản ghê gớm của không khí, đã đổ ụp ngay xuống nơi mà ba nhà du hành của chúng ta vừa đứng.
Trong chốc lát, tàu “Ôma thân yêu” đã mất hút.
Lúc vùng vẫy trên mặt nước và thở phì phì như ngựa, Vônca nghĩ bụng: “Bây giờ mà có một chiếc thuyền con hoặc ít ra cũng có một cái vòng phao cứu đuối thì tốt quá. Chẳng thấy bờ đâu cả”.
Quả thật, đưa mắt về phía nào cũng chỉ thấy biển cả vô bờ lặng sóng.
CHƯƠNG 45 – THẢM BAY – THỦY PHI CƠ “VC–1”
– Cậu bơi đi đâu vậy? – Vônca gọi Giênia đang bơi nhanh về một phía nào đó. – Dẫu sao thì cũng chẳng bơi đến bờ được đâu đừng phí sức, cứ nằm ngửa là hay nhất.
Giênia nghe theo. Cả ông Khốttabít cũng nằm ngửa, tay phải thận trọng giơ cao chiếc mũ cói của mình.
Thế rồi bắt đầu cuộc hội nghị có một không hai trong lịch sử hàng hái thế giới: hội nghị của những người bị đắm tàu, các diễn giả vừa nằm ngửa trên mặt nước vừa phát biểu ý kiến
Vônca tự tiện giành lấy quyền chủ tọa, nói với giọng gần như thích thú:
– Thế là chúng ta bị đắm tàu rồi! Ông Khốttabít, ông định làm gì vậy? – Vônca hỏi khi thấy ông già dùng bàn tay trái rảnh rang giật giật bộ râu của mình.
-Ta muốn lấy lại con tàu của chúng ta. Rất may là bộ râu của ta gần như không bị ướt.
– Vẫn còn kịp chán! – Vônca lạnh lùng ngăn ông già lại. – Còn có vấn đề là liệu chúng cháu có muốn lên lại con tàu ấy không đã. Như cháu đây chẳng hạn thì cháu không muốn đâu. Phải nói trắng ra rằng quy chế trên con tàu đó không phải là quy chế nhân đạo, lại càng không phải là quy chế Xôviết! Chỉ cần nghĩ lại chuyện đó thôi cũng đã thấy tởm rồi.
– Cháu cũng nghĩ như Vônca, – Giênia ủng hộ cậu bạn của mình. – Cho tàu “Ôma thân yêu” đi tiêu luôn! Ông Khốttabít, bây giờ ông chỉ cần mau mau cứu lấy các thủy thủ. Nếu không thì họ sẽ bị chết cùng với con tàu đấy.
Ông Khốttabít cau mặt:
– Xin các cậu chớ có bận tâm về số phận bọn đầy tớ hèn hạ của ta. Bọn chúng đã có mặt ở Arabi ít ra là năm phút rồi. Bọn chúng thường trú ở đấy và bây giờ chúng cũng đang ở đấy để đợi những mệnh lệnh sau này của ta. Những hỡi những cột buồm của lòng ta, các cậu hãy giải thích cho ta hiểu tại sao chúng ta lại không tiếp tục cuộc hành trình trên tàu “Ôma thân yêu”?
– Hình như chúng cháu đã nói rõ với ông rồi. – Vônca đáp.
– Và nói chung tàu buồm là loại tàu chẳng lấy gì làm an toàn cho lắm và lại chạy chậm nữa, – Giênia nhận xét. – Lúc nào cũng phải phụ thuộc vào mọi sự thay đổi của thời tiết…. Khô-ô-ông, dứt khoát là phải cho tàu “Ôma thân yêu” đi tiêu luôn.
– Hỡi các mỏ neo hạnh phúc của ta! – Ông Khốttabít bắt đầu than vãn ai oán. – Ta sẽ làm tất cả để…
– Cho tàu “Ôma thân yêu” đi tiêu luôn, khỏi phải bàn cãi gì nữa! – Vônca lại ngắt lời ông già. Nó co ro, cảm thấy rất khó chịu khi phải nằm trên mặt nước mà vẫn để nguyên quần áo, giày dép. – Bây giờ, chỉ cần xem ông có thể đề nghị cách giải quyết nào nữa.
– Ta có thể cắp các cậu dưới nách và bay đi…
– Thôi đi ông ơí! – Vônca trả lời cộc lốc. – Không được đâu, ai lại bay dưới nách một người nào đó?
– Không phải một người nào đó mà là ta! – Ông Khốttabít phật ý.
– Ngay cả ông cũng không được.
– Vậy ta xin mạo muội đề nghị với các bạn thông thái của ta cách giải quyết này: thảm bay. Đó là phương tiện di chuyển tốt nhất, hỡi các cậu bạn khó tính của ta!
– Thế mà ông cũng đòi nói là tốt nhất! Ở trên đó thì lạnh cóng, hơn nữa lại bay chậm rì và chẳng có tiện nghi gì cả. – Vônca trầm ngâm nói và bỗng nhiên nó reo lên: – A, cháu nghĩ ra rồi, nói thật đấy!
Ngay lúc đó, Vônca bị chìm nghỉm, bởi vì trong cơn khoái chí, cu cậu chẳng nghĩ được trò gì hay hơn là vỗ tay khen ngợi chính mình. Vônca ngoi lên, thở phì phì và khạc nhổ ầm ĩ, rồi lại nằm ngửa thuận tiện hơn trên mặt nước và nói tiếp như chẳng có chuyện gì xảy ra cả.
– Cần phải cải tiến thảm bay: làm cho nó có dạng thuôn này, lắp các thiết bị sưởi ấm này, lắp các giường cá nhân này, đặt nó lên các phao này.
Khó khăn hơn cả là làm cách nào giải thích cho ông Khốttabít hiểu được đề nghị của Vônca. Thứ nhất, ông già không biết thế nào là “dạng thuôn”. Thứ hai, ông không hề có chút khái niệm nào về các phao thường dùng cho thủy phi cơ (1).
Nội cái điều tưởng chừng đơn giản là “dạng thuôn” là cũng phải giải thích rất lâu, cuối cùng mới nghĩ ra cách nói rằng tấm thảm bay dạng thuôn trông giống như trái dưa leo, dĩ nhiên là một trái dưa leo đã khoét ruột.
Hai cậu bé đã giải thích cho ông già cả về các phao thủy phi cơ, tất nhiên cũng hết sức vất vả.
Cuối cùng, chiếc thảm bay – thủy phi cơ dạng thuôn “VC-1” đã lao lên không trung và bay theo hướng Nam Tây – Nam. Nếu dịch từ ngôn ngữ thiết kế hàng không sang ngôn ngữ thông thường thì “VC-1” có nghĩa là “Vlađimia Côxtưncốp. Kiểu thứ nhất”.
Chiếc thảm bay – thủy phi cơ có mái che này giống như một trái dưa leo khổng lồ, đằng sau có cái đuôi bé tí tẹo mà những trái dưa leo vừa hái ngoài vườn thường có. Nó có ba chỗ nằm và mỗi bên lại có hai ô cửa nhỏ được trổ trên tấm thảm lông dày cộp.
Về tính năng bay thì cái công trình do Vônca thiết kế hóa ra không cao hơn một chiếc thảm bay thường là mấy.
Lướt nhanh bên dưới các nhà du hành của chúng ta là Hắc Hải, Bôxpho, Đácđanen (2), Tiểu Á (3) và những bình sơn nguyên (4) bị cằn khô vì nóng nung nấu của bán đảo Arabi (5). Sau đó là tới những bãi cát vàng của sa mạc Xinai(6). Vệt kênh đào Xuy (7) nhỏ hẹp đã ngăn cách sa mạc này với những bãi cát vàng cũng hệt như thế của sa mạc Arabi (8) và qua đó là châu Phi, Ai Cập.
Từ nơi đây, ông Khốttabít định bắt đầu cuộc tìm kiếm ông em Ôma Iuxúp tại Địa Trung Hải: từ điểm tận cùng phía Đông đến điểm tận cùng phía Tây của vùng biển này.
Nhưng chiếc “VC-1” chưa kịp hạ xuống độ cao 200 mét thì ông Khốttabít đã cáu kỉnh gọi mình là “lão già ngu ngốc”, rồi chiếc thảm bay – thủy phi cơ lại vọt lên cao và bay về hướng Tây. Trong thời gian bị giam cầm trong bình gốm, ông Khốttabít quên mất rằng đây là chỗ sông Nin đổ vào Địa Trung Hải và nước ở đây quanh năm đục ngầu vì bùn và cát mà con sông lớn đầy nước này dã cuốn xa ra biển. Làm sao có thể tìm kiếm được ở chỗ nước đục vàng khè này? Chỉ tổ mỏi mắt mà thôi!
Ông Khốttabít quyết định hoãn việc tìm kiếm ở khu vực bất tiện này lại cho tới khi nào đã tìm kiếm khắp phần còn lại của Địa Trung Hải mà vẫn không phát hiện ra Ôma Iuxúp.
Một lát sau, ba ông cháu hạ xuống một cái vịnh nhỏ xíu ở gần thành phố Ghêrôna (9).
—
(1) Loại máy bay lắp phao bên dưới thay cho bánh xe, có thể cất cánh và hạ cánh trên mặt nước
(2) Bôxpho và Đácđanen là hai eo biển ở Thổ Nhĩ Kỳ
(3) Bán đảo ở Tây Á, thuộc Thổ Nhĩ Kỳ
(4) Vùng trước kia có núi cao nhưng đã bị bào mòn rất nhiều nên trở thành bằng phẳng gần như đồng bằng
(5) Bán đảo ở Tây – Nam Á lớn nhất thế giới (hơn 2,4 triệu km2)
(6) Bán đảo ở Bắc Hồng Hải, thuộc AI Cập
(7) Kênh đào thuộc Ai Cập nối Hồng Hải với Địa Trung Hải
(8) Sa mạc nằm giữa đồng bằng sông Nil và Hồng Hải, thuộc Ai Cập
(9) Ông Khốttabít đưa đầu ra cam đoan rằng thành phố này đúng là có tên Ghêrôna. Chúng ta chẳng tranh cãi với ông già làm gì cho mệt xác (chú thích của tác giả). Thực ra, ở Ý chỉ có thành phố Ghênoa, ta thường dịch là Giênơ, chứ không có thành phố Ghêrôna
Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12 Trang 13 Trang 14 Trang 15 Trang 16 Trang 17 Trang 18 Trang 19 Trang 20 Trang 21 Trang 22Kế tiếp