Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12 Trang 13 Trang 14 Trang 15 Trang 16 Trang 17 Trang 18 Trang 19 Trang 20 Trang 21 Trang 22Kế tiếp
CHƯƠNG 34 – LẠI CHUYỆN KEM
Ba ngươi bạn chúng ta vừa ngồi vào chỗ thì một cô gái mặc tạp dề trắng, vai đeo cái thùng cũng sơn màu trắng, bước tới trước mặt ông Khốttabít.
– Cụ có xơi kem không ạ? – Cô hỏi và lập tức sợ hãi hét lên.
Công bằng mà nói, bất cứ người nào ở vào địa vị cô ta cũng đều phải sợ hãi.
Thực ra, cô gái bán kem có thể trông chờ một câu trả lời nào nữa?
Trong trường hợp tốt nhất: “Rất vui lòng! Xin cô cho tôi ba chiếc”. Trong trường hợp xấu nhất: “Không, chúng tôi không ăn kem đâu, cô ạ”.
Bây giờ, các bạn hãy hình dung cảnh ông già đội mũ cói sau khi nghe câu hỏi lễ phép của cô bán kem, đã lập tức đỏ bừng mặt như gấc (1), cặp mắt đỏ ngầu, toàn thân chẳng hiểu sao lại run lẩy bẩy, nhoài người về phía trước với vẻ hăm dọa và nói bằng cái giọng thì thầm ghê rợn:
– A-a-a! Mi lại muốn làm khổ ta bằng cái món kem đáng nguyền rủa của mi sao? Ồ không, mi chẳng làm được cái trò đó đâu, hỡi cái con đê tiện kia! Ta đã thấy đủ lắm rồi cái món kem khốn kiếp của mi. Ta, một lão già ngốc nghếch, đã từng ngốn 46 chiếc kem ở trong rạp xiếc và chỉ chút xíu nữa thôi là ta đã đi chầu ông bà ông vải rồi. Con vô phúc kia, mi cứ run sợ đi, bởi vì ta sẽ biến mi thành một con cóc xấu xí ngay bây giờ!
Nói rồi, ông già Khốttabít đứng dậy và đã giơ hai cánh tay xương xẩu, nhăn nheo của mình lên trên đầu thì cậu bé ngồi bên cạnh có cặp lông mày bạc màu trên khuôn mặt đầy tàn nhang đã níu ngay hai tay ông già lại:
– Chị ấy không hề có lỗi trong việc ông ăn tham và ngốn quá nhiều kem… Xỉn mời ông ngồi vào chỗ cho và đừng có giở trò lẩm cẩm ra đây!
– Xin tuân lệnh! – Ông già nhũn nhặn đáp, buông tay xuống, ngồi vào chỗ của mình và nói thêm với cô bán kem đang chết khiếp bằng một giọng rất hách:
– Mi có thể đi được.Ta tha tội cho mi đó. Hãy xéo đi cho rảnh và phải đội ơn suốt đời cậu thiếu niên này, bởi vì cậu ấy đã cứu sống mi.
Cho đến tận cuối trận đấu, cô gái bán kem không hề ló mặt ở lối đi này.
—
(1) Nguyên bản: “… như cà chua”
CHƯƠNG 35 – CẦN PHẢI CÓ BAO NHIÊU QUẢ BÓNG?
Trong khi ấy, sân vận động đã sục sôi bầu không khí tưng bừng đặc biệt vẫn thường có ở đó vào lúc diễn ra các trận đá bóng có tính chất quyết định. Loa phóng thanh kêu oang oang. Tám mươi nghìn người sôi nổi bàn cãi về kết quả có thể có của trận đấu sắp diễn ra. Vì sự bàn cãi đó, trên không trung luôn luôn đọng lại luồng âm thanh ồn ào, đều đều chẳng thể ví với gì được. Mọi người đều nóng lòng chờ đợi trận đấu bắt đầu.
Thế rồi cuối cùng, trên sân cỏ xanh non, xuất hiện trọng tài chính và hai trọng tài biên. Ông trọng tài cầm trên tay quả bóng sẽ phải chịu nhiều cú sút hôm đó, sẽ phải lướt trên cỏ và bay trên không chẳng phải chỉ một kilômét, để rồi sau mấy lần lọt trội vào cầu môn của bên nào đó, quả bóng ấy sẽ quyết định đội nào giành được thắng lợi trong trận đấu này. Trọng tài đặt quả bóng ở chính giữa sân. Cả hai đội đã từ phòng thay quần áo của mình chạy ra sân và đứng xếp hàng đối diện nhau. Hai thủ quân bắt tay nhau rồi rút thăm xem đội nào phải chơi ở bên bị chói nắng. Cái số phận hẩm hiu đó rơi vào đội bóng đá của hội thể thao “Dubilô”, làm cho đội bóng đá của hội thể thao “Saiba” và số khán giả cổ vũ cho đội này rất lấy làm thích thú.
– Hỡi cậu Vônca, cậu không thấy cần thiết phải giải thích cho kẻ đầy tớ chẳng xứng đáng của cậu biết rằng 22 chàng trai mà ta rất có cảm tình kia sẽ làm gì với quả bóng ư? – Ông Khốttabít kính cẩn hỏi.
Nhưng đáp lại, Vônca chỉ sốt ruột gạt đi:
– Rồi ông khắc hiểu tất cả ngay bây giờ!
Đúng lúc đó, một cầu thủ của đội “Dubilô” đã dùng mũi giày đá đánh binh vào quả bóng và trận đấu bắt đầu.
Vài phút sau, ông Khốttabít lại hỏi với vẻ không bằng lòng:
– Chẳng lẽ 22 chàng trai dễ thương ấy phải chạy trên cái sân rộng đến thế phải mất sức, ngã lên ngã xuống, xô đẩy nhau chỉ là để có dịp đuổi theo quả bóng da xấu xí trong vài khoảnh khắc? Và sở dĩ có toàn bộ chuyện đó là vì chỉ kiếm được mỗi một quả bóng cho mọi ngươi cùng chơi.
Nhưng Vônca mải mê theo dõi trận đấu nên lại chẳng trả lời ông già gì cả. Vả lại, đâu đến lượt ông Khốttabít: hàng tiền đạo “Saiba” đã đoạt được bóng và đang dẫn xuống gần cầu môn của “Dubilô”.
– Vônca, cậu biết sao không? – Giênia thầm thì với bạn mình. – Ông Khôttabít chẳng hiểu mô tê gì về bóng đá, mình thấy thế mà lại may đấy. Nếu không ông ấy sẽ giở trò lẩm cẩm ra ở đây thì lôi thôi to!
– Mình cũng thấy như thế. – Vônca đồng ý với Giênia và bỗng nhiên nó kêu ối lên một tiếng, rồi đứng phắt dậy.
Cùng một lúc với Vônca, toàn bộ tám mươi nghìn người xem đều đứng phắt dậy và la to với vẻ lo ngại. Tiếng còi của trọng tài ré lên, Các cầu thủ không cần đến tiếng còi đó cũng đã đứng sững tại chỗ rồi.
Đã xảy ra một chuyện gì đó chưa từng có trong lịch sử môn bóng đá và hoàn toàn không thể giải thích được nếu xét theo các quy luật của tự nhiên: 22 quả bóng màu sặc sỡ từ đâu đó ở trên trời rơi xuống và lăn khắp sân. Tất cả những quả bóng này đều được làm bằng da dê thuộc thượng hảo hạng.
– Bậy quá… Thật là càn quấy!… Một trò đùa khả ối… – Nhiều người la ối trên các khán dài.
Dĩ nhiên, phải lập tức tống cổ kẻ thủ phạm ra khỏi sân vận động và thậm chí phải giao cho công an, nhưng chẳng ai có thể phát hiện ra được thủ phạm. Trong số tám mươi nghìn người xem, chỉ có ba người – ông Khôttabít và hai cậu bạn trẻ tuổi của ông – biết rõ kẻ thủ phạm đó là ai.
– Ông làm trò gì thế hả? – Vônca thì thầm vào tai ông Khốttabít. – Ông đã làm ngừng cả trận đấu và làm đội “Saiba” bị mất một bàn thắng trông thấy.
Tuy nhiên, về chuyện chẳng may ấy của đội “Saiba”, Vônca không lấy gì làm buồn bã cho lắm: nó cổ vũ cho đội “Dubilô”.
– Ta muốn làm như vậy cho tốt hơn. – Ông Khốttabít cũng thì thầm thanh minh. – Ta nghĩ sẽ tiện hơn nếu mỗi cầu thủ đều có một quả bóng riêng để chơi cho thỏa thích, khỏi phải xô đẩy và chạy như điên trên cái sân rộng ấy.
– Cháu phải làm gì với ông bây giờ đây? – Vônca vung tay, ấn ông già ngồi xuống chỗ của mình và giải thích vội cho ông biết những nguyên tắc cơ bản của môn bóng đá. – Chỉ tiếc rằng đội “Dubilô” lại phải chơi ở bên bị chói nắng, còn qua hiệp nhì, khi hai đội đổi chỗ cho nhau, thì ánh nắng chẳng còn cản trở đội nào nữa. Hóa ra đội “Saiba” tự dưng lại vớ được những điều kiện tốt hơn! – Cuối cùng, Vônca nói với giọng bao hàm nhiều ý nghĩa. Nó hy vọng rằng ông Khốttabít sẽ chú ý đến lời nó nói.
– Thật vậy, như thế thì chẳng công bằng gì cả! – Ông già đồng ý và đúng lúc đó mặt trời liền lẩn sau một đám mây nhỏ và không hề ló ra cho tới khi kết thúc trận đấu.
Trong lúc đó, những quả bóng thừa đã được đưa ra khỏi sân, trọng tài đã tính số thời gian bị mất một cách vô ích và trận đấu lại tiếp diễn.
Sau khi được Vônca giải thích, ông Khốttabít bắt đầu theo dõi trận đấu với sự thích thú mỗi lúc một tăng. Vì chuyện 22 quả bóng mà bị mất một bàn thắng trông thấy, các cầu thủ “Saiba” tỏ ra bực bội. Còn ông già thì cảm thấy mình có lỗi đối với họ và cảm thấy lương tâm bị cắn rứt ghê gớm.
CHƯƠNG 36 – ÔNG KHỐTTABÍT NHẬP CUỘC
Tình cảm của Vônca và tình cảm của ông Khốttabít trái ngược nhau một cách hết sức nguy hại. Khi Vônca mặt tươi roi rói vì khoái chí (ấy là mỗi lần một cầu thủ nào đó trong đội “Saiba” sút trượt cầu môn của đối phương), ông già ngồi ủ rũ hơn cả gà rù. Nhưng khi cầu thủ tiền đạo “Dubilô” sút ra ngoài cầu môn của “Saiba”, cảnh tượng lại thay đổi hẳn: ông Khốttabít cười ha hả, còn Vônca thì bực tức ghê gớm.
– Ông Khốttabít, cháu chẳng hiểu ông thấy có cái gì đáng cười ở đây? Suýt nữa thì được một bàn rồi!
– Suýt nữa thì kể gì, hỡi cậu Vônca quý báu nhất của ta! – Ông Khốttabít đáp lại Vônca bằng một câu nghe lỏm được ở đâu đó.
Lần đầu tiên làm quen với bóng đá, ông già vẫn chưa biết rằng còn có những người cổ vũ cho đội này hoặc đội nọ. Ông coi nỗi buồn của Vônca về việc đội “Dubilô” bị chói nắng như là sự quan tâm bình thản của cậu bé vì lẽ công bằng. Dĩ nhiên, ông chẳng hề ngờ rằng chính ông đã trở thành một người cổ vũ và cả Vônca cũng không hề ngờ về chuyện đó. Những gì đang diễn ra trên sân cỏ đã thu hút Vônca đến độ nó chẳng mảy may chú ý đến mọi chuyện khác. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến những biến cố phi thường diễn ra trên sân vận động trong hôm đó.
Mọi chuyện bắt đầu từ việc đúng vào một lúc hết sức căng thẳng, khi hàng tiền đạo “Dubilô” tràn xuống gần cầu môn “Saiba”, Vônca ghé vào tận tai ông Khốttabít và sôi nổi thì thầm:
– Ông Khốttabít thân yêu ơi, xin ông hãy làm cho khung cầu môn của đội “Saiba” rộng thêm ra một chút khi các cầu thủ “Dubilô” sút bóng vào đó.
Ông già nghiêm mặt lại:
– Thế đội “Saiba” sẽ được lợi ra sao trong việc này?
– “Saiba” chẳng được lợi gì đâu. Chỉ “Dubilô” mới được lợi trong việc này thôi, ông ơi?
Ông già lặng thinh. Các cầu thủ “Dubilô” lại sút trượt. Rồi hai, ba phút sau, một chàng trai vạm vỡ trong hàng tiền đạo “Saiba”, dưới tiếng reo hò cổ vũ của người xem, đã sút một quả rất đẹp vào khung cầu môn của “Dubilô”.
Khi trận đấu chuyển sang sân “Saiba” trong chốc lát, thủ môn “Dubilô” nói nhỏ với một cầu thủ dự bị:
– Êgôrusca, cậu đừng cười mình nhé, nhưng mình sẵn sàng thề rằng cột cầu môn của mình tiếp tay cho cánh “Saiba” đấy.
-Sao-o-o-o?
– Cậu hiểu không, lúc cánh “Saiba” sút bóng vào khung cầu môn, cột bên phải… lời nói danh dự đấy… cột bên phải… đã dịch ra 50 xăngtimét và để cho qua bóng lọt vào… Mình đã thấy tận mắt chuyện đó.
– Cậu đã đo nhiệt độ chưa.. – Cầu thủ dự bị hỏi.
– Nhiệt độ của cái gì, của cột cầu môn ư?
– Không, nhiệt độ của cậu. Có lẽ cậu đang bị ấm đầu đấy!
– Xì! – Thủ môn bực tức nhổ nước bọt và chạy tới chạy lui trong khung cầu môn.
Các cầu thủ “Saiba” khéo léo dẫn bóng qua hàng hậu vệ và tiến nhanh xuống sát cầu môn của “Dubilô”.
Binh! Bàn thắng thứ hai trong vòng ba phút! Thêm vào đó, cả hai lần đều không phải lỗi của thủ môn “Dubilô”. Thủ môn đã chiến đấu như một con sư tử. Nhưng anh ta có thể làm gì được? Đúng vào lúc bóng sút vào khung cầu môn, xà ngang lại tự nâng lên, vừa vặn để quả bóng bạt vào sau khi chạm nhẹ vào đầu ngón tay của thủ môn.
Biết nói với ai chuyện này? Ai tin? Thủ môn buồn bã và hoảng sợ, hệt như một đứa bé bị lạc vào rừng rậm giữa đêm khuya.
– Đã thấy chưa? – Thủ môn hỏi Êgôrusca với giọng tuyệt vọng.
– Hình… hình… như mình đã thấy. – Cầu thủ dự bị lắp bắp trả lời – Nhưng cậu đừng nói với… với… ai cả. Dẫu sao thì cũng chẳng ai tin đâu.
– Đúng thế, chẳng ai tin đâu! – Thủ môn “Dubilô” buồn bã đồng ý.
Trong lúc đó, ở khán đài phía Bắc, đã nổi ra một cuộc cãi cọ không to tiếng.
Số là một giây trước khi có bàn thắng thứ hai của đội “Saiba”, Vônca nhận thấy ông già lén rứt một sợi râu.
“Sao ông ấy lại làm thế nhỉ?”, Vônca lo lắng nghĩ thầm. Nó vẫn chưa đoán được những biến cố nào sắp diễn ra trên sân bóng.
Vả lại ý nghĩ ấy chẳng đến với Vônca ngay lập tức.
Trận đấu hôm nay đã xoay chuyển quá tồi tệ đối với đội “Dubilô”. Chuyện đó chắc chẳng dính dáng gì đến ông già.
Nhưng bàn thắng thứ hai lọt vào cầu môn “Dubilô” đã lập tức làm sáng tỏ tình hình.
Đúng thế: hiệp nhất đã qua được một nửa và sự may mắn dường như cuối cùng đã quay trở lại với đội “Dubilô”. Trận đấu chuyển sang sân “Saiba”. Các cầu thủ “Dubilô” đang “hãm thành”, như người ta vẫn thường nói, và chẳng mấy chốc, một cầu thủ tiền đạo cừ nhất của đội này đã sút một quả bóng mạnh hết súc vào góc trên của cầu môn “Saiba”.
Toàn bộ tám mươi nghìn người xem đều nhỏm cả lên trong tâm trạng hồi hộp khôn tả. Bàn thắng chắc chắn này sẽ phải mở tỷ số cho đội “Dubilô”. Vônca và Giênia – cả hai đều cổ võ cho đội “Dubilô” – sung sướng nháy mắt với nhau, nhưng ngay lập tức hai cu cậu đều thở dài thất vọng: quả bóng đi rất chính xác, vậy mà nó lại đập vào xà ngang và đập mạnh đến nỗi tiếng đập của quả bóng vang khắp cả sân vận động.
Tiếng đập của quả bóng hòa lẫn với tiếng thét của thủ môn “Saiba”: cái xà ngang đột nhiên hạ xuống đã cứu thủ môn thoát khỏi một bàn thua trông thấy, nhưng lại giáng một cú đau điếng vào đầu anh ta.
Bây giờ, Vônca đã hiểu hết tất cả và nó hoảng sợ.
– Gátxan Ápdurắcman con trai của Khốttap, thế là thế nào? – Vônca nói với giọng nói run. – Ông thừa biết cả hai đứa cháu, cả cháu lẫn Giênia, đều cổ vũ cho đối “Dubilô” kia mà? Còn ông, hóa ra lại trái ngược hẳn: ông cổ vũ cho đội “Saiba”?
– Than ôi, hỡi cậu Vônca may mắn, đúng như vậy đó! – Ông già đáp với vẻ đau khổ.
– Phải chăng cháu đã cứu ông thoát khỏi cảnh giam cầm trong cái bình gốm? – Vônca chua chát hỏi tiếp.
– Điều đó đúng như bây giờ đang là ban ngày và đúng như một tương lai rực rỡ đang chờ đón cậu.
– Thế tại sao ông lại tiếp tay cho đội “Saiba” chứ không phải cho đội “Dubilô”?
– Than ôi, ta không làm chủ được những hành động của mình! – Ông Khốttabít đáp và những giọt nước mắt từ lăn dài từ trên khuôn mặt nhăn nheo của ông. – Ta rất muốn đội “Saiba” thắng.
Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12 Trang 13 Trang 14 Trang 15 Trang 16 Trang 17 Trang 18 Trang 19 Trang 20 Trang 21 Trang 22Kế tiếp