Các luật sư bảo vệ cho ông Đinh La Thăng cho rằng cấp sơ thẩm và Viện kiểm sát có định kiến, suy luận theo hướng có tội cho bị cáo.
Sáng 11-5, HĐXX phúc thẩm vụ án Đinh La Thăng và 13 bị cáo kháng cáo trong vụ án cố ý làm trái và tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) tiếp tục với phần tranh luận.
Các luật sư bào chữa cho nhóm bị cáo bị kết tội cố ý làm trái đã trình bày quan điểm của mình. Trong đó, các luật sư của bị cáo Đinh La Thăng dành phần lớn thời gian dẫn ra những điểm bất thường trong vụ án, cho rằng việc quy kết có phần định kiến của cấp sơ thẩm và đại diện Viện kiểm sát (VKS) ở cấp phúc thẩm.
Nguyên nhân “gốc” lại không bị xử lý?
Các luật sư dẫn lại kết luận của VKS rằng bị cáo không đưa ra được chứng cứ mới, không thành khẩn, không chủ động khắc phục nên không có tình tiết giảm nhẹ, đề nghị tuyên y án sơ thẩm 13 năm tù và bồi thường 30 tỉ như án sơ thẩm.
“Bị cáo Đinh La Thăng bị cáo buộc là người quyết liệt chỉ đạo, thúc ép các cấp, từ lãnh đạo ban tổng giám đốc PVN tới Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PVPower) – công ty con của PVN và là chủ đầu tư phải ký kết hợp đồng chỉ định thầu cho PVC.
Đinh La Thăng biết rõ hợp đồng số 33 chỉ định tổng thầu EPC (thi công nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, trị giá 1,2 tỉ USD) là thiếu sót, vi phạm pháp luật nhưng vẫn thúc ép, buộc phải chuyển tiền tạm ứng cho PVC hơn 6 triệu USD và hơn 1,3 ngàn tỉ đồng”.
“Cấp sơ thẩm và VKS cáo buộc bị cáo Thăng như vậy dựa vào chứng cứ vật chất nào? Không có bất cứ chứng cứ vật chất nào thể hiện điều đó trong hồ sơ vụ án. Tất cả dựa vào lời khai của ông Vũ Huy Quang – nguyên tổng giám đốc PVPower”, luật sư Nguyễn Huy Thiệp nhấn mạnh.
Lời khai của ông Vũ Huy Quang bị các luật sư dẫn ra với thái độ rất gay gắt: “Ông Quang trực tiếp ký hợp đồng 33. Đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn tới vụ án đặc biệt nghiêm trọng này, đưa hàng chục cán bộ, lãnh đạo PVN, PVC ra toà với tư cách bị cáo.
Vậy nhưng ông này ngồi ngoài với tư cách nhân chứng. Với mong muốn bảo toàn tư cách nhân chứng, vì quyền lợi của mình, cung cấp lời khai bảo vệ mình, đổ lỗi cho những người khác thì làm sao đảm bảo tính khách quan của lời khai?”
“Trong cuộc họp có hàng chục người, ai cũng khẳng định không nghe, không thấy, không biết, chỉ một mình ông Quang khai có báo cáo thì lại được tin và căn cứ vào đó để xử lý, buộc tội các bị cáo.
Tất cả chứng cứ vật chất khác trong vụ án không có giá trị bằng một lời khai như thế? Tại sao có cách tư duy, đánh giá pháp lý kỳ lạ như thế, nó lại được dùng làm căn cứ để buộc tội bị cáo?
Những hành vi gian dối, làm giả hàng loạt căn cứ làm hồ sơ ký hợp đồng, lấy số công văn khống để ký hợp đồng, từ hợp đồng tạo ra hàng loạt sai phạm dẫn tới hệ luỵ của vụ án nhưng tới nay thì tất cả bị cáo bị xử lý, còn người trực tiếp ký lại không. Như vậy có sự công bằng hay không?”, luật sư bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng bức xúc trình bày.
Theo các luật sư, toàn bộ hồ sơ, tài liệu có trong vụ án đều thể hiện ông Đinh La Thăng có chỉ đạo, thúc ép tiến độ thực hiện dự án, nhưng đều chỉ đạo thực hiện đúng pháp luật.
Việc PVPower đề xuất tăng vốn để tạm ứng tiền cho PVC bị ông Thăng từ chối tới hai lần là minh chứng cho việc ông Thăng không cố ý buộc PVPower ứng tiền cho PVC.
Trong văn bản chỉ đạo, được dùng làm căn cứ buộc tội bị cáo Đinh La Thăng thể hiện bị cáo kết luận: “Phải sử dụng vốn cho dự án theo quy định pháp luật, không được phép dùng vào mục đích khác?”.
Càng giải thích càng bị cho là chối tội?
Tại toà, bị cáo Vũ Đức Thuận khẳng định PVC không hề chuẩn bị hồ sơ, tài liệu, kế hoạch, dự toán… dù chỉ là tối thiểu để thuyết phục chủ đầu tư PVPower ký kết hợp đồng chỉ định thầu cho PVC.
Luật sư bảo vệ cho bị cáo Nguyễn Quốc Khánh – nguyên phó tổng giám đốc PVN, người ký hợp đồng thay thế cho hợp đồng EPC 33 – cho rằng mọi hành động vi phạm pháp luật dẫn tới vụ án này đều căn cứ vào nội dung của hợp đồng số 33. Vậy nhưng người làm giả hồ sơ tài liệu, làm sai dẫn tới hậu quả nghiêm trọng lại không hề bị xử lý.
HĐXX cấp phúc thẩm cũng đã hỏi vị đại diện cho PVN về việc có xử lý trách nhiệm của những người liên quan tới vi phạm về làm sai, ghi số công văn trước để ký kết hợp đồng EPC theo đề nghị của cơ quan điều tra hay chưa, vị này nói: “Hiện nay vẫn chưa có quyết định. Chúng tôi đang xem xét hết sức thận trọng, đảm bảo đúng quy định pháp luật”.
Bổ sung phần bào chữa của các luật sư, bị cáo Đinh La Thăng khẳng định: “Quan điểm của VKS không hề thay đổi, cập nhật so với cấp sơ thẩm. Hành vi nào cũng đổ lỗi cho một mình tôi chịu trách nhiệm, dù 6 cấp lãnh đạo, từ chính phủ trở xuống nhưng tôi là người phải chịu hết.
Tôi càng nói, càng trình bày, dẫn chứng các bằng chứng thể hiện tôi không phạm tội cố ý làm trái thì lại càng bị cáo buộc nặng hơn, cho rằng quanh co chối tội, không thành khẩn”.
“Tôi luôn nhận trách nhiệm của người đứng đầu, nhận hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và rất day dứt về điều này. Tôi nhận tội chứ không chối tội, vì vậy mong HĐXX xem xét”, bị cáo Thăng nói.
Theo các luật sư, cho tới khi phiên toà phúc thẩm diễn ra, PVC vẫn là tổng thầu của dự án, thi công hơn 90% phần việc nên việc đánh giá PVC không đủ năng lực là không hợp lý. Vì nếu không đủ năng lực thì phải dừng lại, thay nhà thầu chứ tại sao vẫn tiếp tục thực hiện cho tới nay. Đây là một căn cứ các luật sư đề nghị HĐXX đánh giá tổng thể khi giải quyết vụ án.
Mất âm thanh khi đề cập trách nhiệm PVPower Diễn biến phiên toà sáng 11-5 có hai lần mất âm thanh tại phòng báo chí. Sự cố trùng đúng thời điểm các luật sư dẫn chứng các tình tiết liên quan tới trách nhiệm của ông Vũ Huy Quang và một số nhân vật liên quan tới PVPower làm giả hồ sơ, tài liệu để ký hợp đồng số 33 mà không bị xử lý. |
Tuổi Trẻ