Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12 Trang 13 Trang 14 Trang 15 Trang 16 Trang 17 Trang 18Kế tiếp
Hội kiến
Vào khoảng chín giờ sáng, trong khi Lộc ở sở và Huy đi học. Mai lúi húi xới mấy gốc hồng ở vườn trước cửa. Mai vốn là một cô gái quê, hay làm, không mấy khi chịu ngồi rỗi, nên thường phải bày ra công việc nọ việc kia cho bận bịu đỡ buồn. Nhất mấy hôm nay, khi ở một mình, lúc nào Mai cũng không yên chân yên tay được tuy nàng có nghén đã năm, sáu tháng, và thân thể nàng mệt nhọc yếu đuối.
Là vì hễ nàng ngồi một mình không làm gì thì trí nghĩ nàng lại để cả vào mọi việc đã xảy ra trong mấy hôm, và tâm linh nàng lại báo cho nàng biết trước rằng sắp sửa còn xảy ra nhiều sự chẳng lành cho nàng. Rồi tưởng tượng ra những cảnh ghê gớm, những cảnh lìa rẽ, bơ vơ đau ốm, không cửa, không nhà, không người thân thích.
Có tiếng ai gọi cổng. Mai vội vàng chạy ra. Một bà trạc ngoài năm mươi tuổi, nhưng da dẻ hồng hào mà mái tóc hơi đốm bạc, ở trên xe cao su nhà bước xuống, mỉm cười hỏi:
– Tôi thăm hỏi cô, đây có phải là nhà Cậu Tham Lộc không?
Mai, mặt tái mét, vì tuy nàng không nhận ra ai, nhưng nàng đoán chắc là bà Án.
Nàng ấp úng:
– Bẩm cụ vâng…. nhưng ông Tham cháu đi làm vắng.
Bà kia vẫn mỉm cười khẽ gật:
– Tôi cũng biết thế, mà vì tôi biết thế nên mới đến đây. À! Tôi hỏi: Có phải cô là cô Mai không?
Mai cúi đầu run run đáp:
– Vâng ạ!
– Tôi là mẹ cậu Tham Lộc, tôi đến xem chỗ cậu ấy ở có được rộng rãi, mắt mẻ không?
Mai vờ giật mình:
– Bẩm bà lớn tha lỗi cho con, con không biết?
– Có lỗi gì mà phải tha. Vậy tôi nói muốn nói chuyện với cô, cô có sẵn lòng tiệp chuyện tôi không?
Mai gượng cười:
– Xin rước bà lớn vào chơi.
Mai mời bà Án vào ngồi ở phòng khách rồi vội vào trong buồng mặc áo thâm.
Khi nàng ra vẫn thấy bà Án đứng tò mò ngắm hết các thức bày trong phòng. Bà mỉm cười nói:
– Ở đây mát nhỉ. Mà nhà cửa có ngăn nắp lắm.
Mai nghe câu khen trong bụng đã hơi mừng, khúm núm mời:
– Xin rước bà lớn vào chơi.
Bà An gật đầu:
– Được! Mặc tôi.
Rồi bà ngồi xuống ghế bảo Mai:
– Mời cô ngồi.
Mai lễ phép:
– Bẩm bà lớn, con không dám.
Bà Án đăm đăm ngắm nghía Mai từ đầu đến chân, khiến Mai lo sợ, hai tay nắm chặt lấy lưng tựa ghế. Bà Án gật gù thong thả nói:
– Tôi nghe nói cô cũng biết chữ nghĩa, cũng học đạo Thánh hiền thì phải?
Mai biết bà Án bắt đầu khai chiến, quả quyết ngửng đầu lên đáp lại:
– Bẩm bà lớn có thế. Thưở nhỏ con có được học chữ nho và khi thầy con ngồi dạy học ở nhà quan huyện Đông Anh, con cũng có theo học với các cô con quan huyện.
Bà án vẫn nhớ rành rọt cái thời kỳ ở huyện. Bà cũng không quên được nét mặt và dáng điệu Mai. nhưng bà không muốn nhớ tới, nên nghe Mai nhắc lại chuyện cũ, bà tìm cách nói lảng ngay:
– Năm nay cô bao nhiêu tuổi?
– Bẩm bà lớn, con hai mươi.
– Cha mẹ cô làm gì?
Nghe bà Án lục vấn như bắt một người có tội cung khai một điều. Mai cũng nén lòng tức mà trả lời cho xong xuôi:
– Bẩm cha con đậu tú tài và đã mất rồi. Mẹ con cũng qua đời.
Bà An cười:
– Thảo nào!
Hai chữ thảo nào đi liền sau một tiếng cười khinh bỉ làm cho Mai ứa nước mắt. Nhưng bà Án sợ Mai không hiểu, lại nói tiếp luôn.
– Con có cha như nhà có nóc. Cô là gái mà mồ côi cha mẹ thì tránh sao cho khỏi được sự lầm lỡ.
Mai tái mặt, cất tiếng run run đáp lại:
– Bẩm cha con cũng mới mất, con vừa đoạn tang. Ý chứng bà lớn cho con là một đứa vô giáo dục?
Bà Án không trả lời, đăm đăm nhìn Mai, khiến nàng sợ hãi cúi mặt. Bà hỏi:
– Vậy cô có được cha cô thương yêu không?
– Bẩm bà lớn, cha con thương con lắm.
– Vậy chắc cô hiểu tình cha con thế nào thì tình mẹ con cũng thế, có lẽ tình mẹ con còn khăng khít âu yếm, thân mật hơn nhiều.
Mai biết là bà Án nói năng gang thép và chỉ bầy mưu cốt đưa mình vào tròng, nên yên lặng cúi đầu không dám trả lời hấp tấp. Thấy Mai đứng im, bà Án lại nói:
– Đem chuyện mẹ con tôi mà nói với cô, tôi thực lấy làm ái ngại. Vì một là cô không muốn hiểu, hai là không đáng nghe. Thằng Lộc nó muốn nói tốt cô đến đâu với tôi, song tôi nhất định cho rằng ở ngoài vòng lễ nghi, vượt hẳn quyền thúc bá thì dầu sao người con gái cũng không thể là một người con gái có đức hạnh được. Bởi vậy, đã mấy lần tôi định đến đây nói rõ mọi lẽ cho cô hiểu, mà tôi vẫn ngần ngại không muốn đến.
Mai đưa vạt áo lên lau nước mắt, bà Án mỉm cười:
– Cô đừng vội giận. Thà rằng mất lòng trước thì rồi sẽ được lòng sau, cô ạ. Và tôi đến hôm nay mục đích chỉ cốt cùng cô nói hết các lẽ phải trái, hết mọi điều gần xa. Vậy cô nên ôn tồn, tĩnh tâm mà nghe tôi thì hơn. Cô khóc có ích gì?
Mai lau ráo nước mắt. Lòng phẫn uất của nàng đã lên đến cực điểm. Linh hồn lãng mạn của nàng đã bắt đầu bồng bột.
– Cô ngồi xuống đây, đứng thế mỏi chân, vì câu chuyện của tôi nói với cô còn dài.
Mai lẳng lặng kéo ghế ngồi:
– Con xin phép bà lớn.
– Được, cô ngồi. Ban nãy tôi hỏi cô có hiểu lòng cha nhất là lòng mẹ thương con đến bậc nào không? Tình cốt nhục dẫu loài cầm thú còn có, huống chi là người…. Chả nói thì cô cũng thừa biết rằng Lộc là con một của tôi thì tôi lại càng thương lắm.
Bà cảm động, ngừng lại mở chiếc hộp nhỏ lấy trầu ra ăn rồi tiếp:
– Tôi chỉ có một mình nó là trai…. vì thế tôi muốn nó phải là người hoàn toàn.
Mai mỉm cười, ngắt lời:
– Bẩm bà lớn thê nào là người hoàn toàn?
Bà Án thong thà dẫn từng tiếng đáp lại:
– Cô không biết thế nào là người hoàn toàn? Điều thứ nhất là phải trai không trộm cắp, gái không đĩ thỏa.
Bà vừa nói vừa nhìn Mai, nhưng Mai cũng chẳng vừa, rất lễ phép trà lời:
– Bẩm bà lớn nếu chỉ cần có thế thì ông tham nhà hẳn là một người hoàn toàn.
Bà Án điềm nhiên, làm như không lưu ý đến lời hỗn xược của Mai, nói tiếp luôn:
– Nếu tôi đoán không sai, thì cô kính trọng và yêu mến con tôi lắm.
Mai cố tâm kiên nhẫn, nhưng đến đây thì nàng không thể giữ được nữa, nức lên khóc. Bà Án lắc đầu:
– Cô nên noi theo gương tôi, ôn tồn mà nói chuyện chứ khóc có ích lợi gì?
Mai kể lể:
– Nếu bà lớn hiểu được tấm lòng luyến ái của con, thì bà lớn không nỡ khinh bỉ con. Bẩm bà lớn, vì con yêu anh…. vì con yêu ông Lộc mà con đã hy sinh hết cả danh tiết cùng tính mệnh của con. Sau khi thầy con mất đi, Con tưởng ở trên đời con chỉ còn yêu có một người là em Huy con, ai ngờ giời lại run rủi con gặp ông Lộc.
Bà An vờ hỏi:
– Vậy ra cô có em nữa đấy?
– Vâng, em con đương theo học năm thứ tư trường Bảo hộ. Em con nó coi con không những như một người chị mà thực như một người mẹ. Mà đối với em, con có thể hy sinh tính mệnh để em con được sung sướng… Bẩm bà lớn, bà lớn có cho phép con kể lại đầu đuôi câu chuyện hầu bà lớn nghe không?
– Được, cô cứ kể.
– Bẩm bà lớn, sau khi nhà con bị sa sút, cha con mất đi thì chị em chúng con bị bơ vơ không nơi nương tựa. Nhà thì không bán được, con thì bị một người cường hào định hà hiếp, em Huy con thì vì không có tiền giả học phí sắp bị đuổi. Trong lúc quẫn bách, con đã toan lấy một ông Hàn cự phú, không phải để tìm chỗ nương thân, vì con xin thú thực, con không hề tưởng tới thân con, nhưng chỉ cốt giữ được lời hứa với cha con lúc lâm chung là:
“thay cha nuôi em ăn học thành tài và trở nên người hữu dụng.”
Bà Án không muốn để Mai trông thấy mình biểu lộ sự cảm động, liền vội gạt.
– Tôi hiểu cô rồi, nhưng….
– Bẩm bà lớn, con xin phép bà lớn được kể hết đầu đuôi câu chuyện. Trong khi con bị quẫn bách như thế thì con gặp anh, xin bà lớn cho phép con gọi anh là anh, tuy con chẳng xứng đáng với cái hạnh phúc ấy, trong khi ấy con gặp anh Lộc con. Anh con nhận được con là con gái ông thầy học của các cô. Rồi anh đem lòng luyến ái con, cứu giúp con và em con. Chúng con được ngày nay thực là nhờ ở anh con, dẫu con ở lại thế nào cũng khó mà cân đối được cái lòng hào hiệp ấy. Huống chi anh con chỉ xin con có một điều là lấy anh con, là yêu mến anh con. Một hôm anh con đưa một bà đến, nhận là mẹ, và bà ngỏ lời hỏi con cho anh….
Bà Án tức giận mắng:
– Thằng con bất hiếu bất mục đến thế?
– Bẩm bà lớn, vì anh con, nào con có vượt ra ngoài vòng lễ nghi đâu? Mà nếu, bẩm bà lớn, vì anh con, có phải hy sinh đến lễ nghi nữa, con cũng cam chịu.
Bà Án mỉm cười vì bà nghe Mai nhắc đi nhắc lại mãi chữ hy sinh thì bà đã lưu ý đến chỗ nhược điểm của bên địch rồi. Bà định sẽ xoay hết chiến lược về phía đó.
Nhưng bà còn vờ hỏi:
– Tôi nghe chuyện cô thì hình như cô cũng thấm hiểu lễ nghi, đạo đức của Thánh hiền lắm.
– Vâng con hiểu! Nhưng thưở xưa cha con còn dạy con còn nhiều điều mà cha con cho là hay hơn, quý hơn cả những điều lễ nghi.
Bà Án bĩu môi:
– Hay hơn! Tôi đây hủ lậu, vẫn tưởng sự quy nhất của ta là lễ nghi, là ngũ luân ngũ thường, là tứ đức tam tòng của đàn bà. Vậy những điều hay của cô đó là những điều gì thế?
– Bẩm bà lớn, lòng thương người và lòng hy sinh.
– Có lạ gì điều đó. Chính là điều nhân của đạo nho.
– Bẩm bà lớn, vâng, chính thế, nhưng điều nhân của đạo nho ta, cũng chỉ là điều nhân trong phạm vi nho giáo mà thôi.
Bà Án mỉm cười:
– Cô biết rộng lắm. Nhưng có lẽ biết rộng như thế cũng chưa hay ho gì cho cô. Cô thấy ai cô cũng thương thì nguy hiểm cho cô lắm. Tôi chỉ thú thực với cô rằng tôi hủ lậu, nghĩa là tôi chỉ trọng có: lễ, nghĩa, trí, tín. Thí dụ như thằng Lộc con tôi, tôi đã hỏi con quan Tuần cho nó rồi, đã có đủ các lễ dạm hỏi tử tế thì dẫu sao tôi cũng không thể thất tín được, không thể bội ước được.
Mai nghe tái mặt, đứng dậy ngập ngừng:
– Bẩm bà lớn…. sao anh Lộc…. không cho con biết.
Bà Án cười:
– Cô còn lạ gì bọn đàn ông đang tuổi chơi bời!
Mai không nói, chỉ ứa hai hàng nước mắt. Bà Án lại bịa thêm:
– Có phải không, cũng có điều tôi theo lễ nghi, cũng có điều tôi không theo. Như cha mẹ thì vẫn bắt ép con lấy vợ mình chọn, chứ tôi, bằng lòng, tôi mới hỏi đấy…. Thôi, nói gần nói xa, chẳng qua nói thật. Bây giờ thế này này. Làm trai lấy năm lấy bẩy. Tôi cũng chẳng bắt nó phải bỏ cô, nhất là cứ như lời nó thú thực với tôi, cô lại đương thai nghén. Nhưng đến tháng tám này, tôi cưới vợ cho nó, mà nếu bên nhà gái họ biết nó có nhân tình nhân ngãi, thì ai người ta chịu để yên. Vậy cô nghe tôi, tôi sẽ cấp vốn cho cô đi tìm một nơi khác ở tạm ít lâu, rồi khi nào nó cưới vợ cả về đã, tôi sẽ cho phép nó cưới cô làm lẽ.
Mai căm tức cười mũi:
– Bẩm bà lớn nhà con không có mà đi lấy lẽ.
Bà Án thở dài:
– Cái đó tùy cô! Nhưng đến tháng tám này, thế nào tôi cũng cưới vợ cho con tôi. Tôi cam đoan với cô rằng thế nào tôi cũng cưới được vợ cho con tôi.
– Vâng, cái đó là quyền ở bà lớn.
– Đã cố nhiên.
Mai toan làm ra mặt lãnh đạm. Nhưng không thể chống nổi với lòng cảm xúc, đứng bưng mặt khóc. Bà Án lẳng lặng ngồi nhìn, cố không tỏ chút động tâm. Mai lau nước mắt rồi ngập ngừng nói:
– Bẩm bà lớn…. người vợ chưa cưới của anh Lộc con, nếu chẳng lấy anh con thì cũng lấy được người khác. Còn con thì trinh tiết, tính mệnh…. Cả một đời con, con đã gửi vào anh con…. con không thể lấy ai được nữa. Không phải con sợ mất, sợ thiệt sự gì cho anh con, nhưng xa anh Lộc, thì con không thể sống được. Mà con chắc anh con cũng yêu con như con yêu anh con. Vả lại bà lớn đã biết đâu người vợ chưa cưới của anh con yêu anh con, nhất là anh con thì thực không yêu người ta chút nào, vì nếu anh yêu người ta thì đã chả yêu con.
Vậy nếu bà lớn cho phép chúng con lấy nhau, bà lớn sẽ gây hạnh phúc cho ba người: cho anh con và cho cả con quan tuần nào đó. Trái lại bà lớn không cho phép con thì không biết ba cái đời ấy sau này ra sao. Nhất là con, không biết sẽ sa vào cái hang sâu vực thẳm nào. Vì con xin thú thực với bà lớn, con không thể nào yêu chồng người khác được. Thà con chết còn hơn lấy lẽ. Lương tâm con không cho con làm những điều vô nhân đạo như thế.
Bà án ngẫm nghĩ rồi mỉm cười nói:
– Ông cha ta lấy vợ lẽ là thường chứ. Có hề gì.
– Bẩm bà lớn, nhưng con thì con không thế được. Con yêu ai thì con chỉ muốn người ấy là người yêu hoàn toàn mà thôi.
– Vậy ra cô yêu Lộc lắm.
– Bẩm, hà tất bà còn phải hỏi.
Bà Án cười khanh khách rồi nói:
– Tôi lấy làm lạ cho cô quá. Cô bảo cô yêu con tôi. Cô lại khoe cô giàu lòng hy sinh, thế mà cô chỉ nghĩ đến cô, chứ cô không hề tưởng đến con tôi!
– Bẩm bà lớn, sao bà lớn lại bảo con không tưởng đến anh con.
– Này, cô phải biết. Con đường tương lai của thằng Lộc còn dài. Thế nào nó cũng xuất chính nay mai. Tôi hỏi con quan tuần tỉnh kia là người có thế lực cho nó là tôi đã xét kỹ lưỡng lắm. Quan tuần còn trẻ, bước hoạn đồ còn dài, sau này con tôi tất phải nương tựa vào bố vợ mới mong chóng thăng quan tiến chức được. Nếu trái lại, tôi để nó tự do kết hôn với cô, thì không những nó mất chỗ nương tựa mà nó lại mang tiếng chơi bời bậy bạ, lấy người không xứng đáng, tránh sao được nốt xấu trong ly lịch. Đây cô nghĩ xem, nếu quả cô yêu con tôi và cô giàu lòng hy sinh thì chả còn sự hy sinh nào to bằng, quý bằng, cao thượng bằng sự hy sinh này. Vì cô sẽ giúp cho tương lai của người cô yêu.
Mai tức nấc lên, đã toan cãi lại, nhưng không tìm được lời kháng nghị, nên chỉ đứng nức nở khóc. Mãi sau cùng nàng mới ôn tồn nói:
– Bẩm bà lớn, xin bà lớn xét lại cho con được nhờ, con có phải người bậy bạ đâu, cha con cũng đỗ đạt, nhà con cũng là một nhà đời đời theo nho giáo.
– Đành thế, nhưng người ngoài người ta biết đâu. Thôi, tôi hiểu rồi, cô chẳng yêu con tôi đâu. Chẳng qua cô chỉ muốn làm bà lớn đấy thôi. Phải bà Tham rồi ít nữa lại bà Huyện. To lắm!
Mai đứng khoanh tay vào ngực mỉm cười nói:
– Bẩm bà lớn, còn kém bà Án một tí.
Bà Án hầm hầm tức giận đập tay xuống bàn:
– A con này hỗn thực! Mày phải biết bà gọi đội xếp đến tống cổ mày đi bây giờ, không khó gì đâu!
Mai lẳng lặng ra gọi anh xe, người nhà bà Án:
– Bẩm bà lớn, anh xe đó, bà lớn truyền cho gọi đội xếp.
Bà Án biết Mai chẳng vừa, khó mà dùng oai quyền được, ngồi thử nghĩ tìm mưu kế khác. Một lát bà thong thả đứng dậy bảo Mai:
– Nhiều lời vô ích. Rồi tôi sẽ bảo thằng Lộc nó tự xử. Thôi chào cô.
Mai hoảng hốt chạy theo, kêu van kể lể:
– Lạy bà lớn, nếu bà lớn không rủ lòng thương con thời xin bà lớn thương đến đứa bé nằm trong bụng mẹ nó. Bẩm bà lớn, tình mẫu tử… Bà lớn thương anh Lộc con làm sao thì con sẽ thương con của con làm vậy…. Bẩm bà lớn, nó đã làm gì nên tội, mà nó chịu khổ ngay từ lúc ở trong bụng mẹ nó. Nếu bà lớn đuổi con đi, con bơ vơ lưu lạc thì không biết số mệnh con sau này sẽ ra sao. Bẩm bà lớn, hai tính mạng ở trong tay bà lớn, xin bà lớn nghĩ lại cho.
Bà Án hơi cảm động, nhưng cố giữ mặt lãnh đạm:
– Về làng mà đẻ!
Mai cười gằn:
– Người ta sẽ bảo con chửa hoang.
Bà Án bĩu môi:
– Người ta bảo! Cần gì người bảo?
Mai đứng phắt dậy, lạnh lùng đáp:
– Bẩm bà lớn, thôi được. Tôi không ngờ! Thực là tôi không ngờ… Tôi không ngờ bà lớn lại là sắt đá. Bẩm bà lớn, xin phép bà lớn… Bà lớn chỉ là một người ích kỷ. Bà lớn theo nho giáo mà bà lớn không nhớ câu: “Kỷ sở bật dục, vật thi ư nhân”.
Bà Án mỉm cười, khinh bỉ:
– Chữ nghĩa cũng khá đấy! Hữu tài vô hạnh!
– Thôi bà không cần nhiều lời. Tôi sẽ đi. Tôi rời cái nhà này ngày hôm nay. Trách nhiệm nặng nề sau này bà chịu lấy.
Bà Án ngơ ngác hỏi:
– Trách nhiệm cái gì?
Mai mỉm cười lắc đầu:
– Tôi quên, không, chẳng có trách nhiệm gì hết! Vì hai mạng hà tiện này có chết đi nữa, lòng bà lớn cũng không rung động.
Hai giọt nước mắt nhỏ trên gò má răn reo. Bà Án thong thà ngồi xuống ghế:
– Cô im ngay!
Ngẫm nghĩ một lúc, bà nói:
– Trước khi cô đi, cô lại đằng nhà, tôi sẽ giúp cô một số tiền, xứng đáng với sự hy sinh của cô, với tấm lòng hào hiệp của cô, và khi nào cô có cần điều gì đến tôi giúp, cô cứ lại nhà tôi, bao giờ tôi cũng sẵn lòng giúp cô.
Mai lạnh lùng:
– Cảm ơn bà lớn, nhưng tôi không phải hạng ăn xin.
Bà án chỉ lưu ý đến một việc là Mai đi, nên lại hỏi như để nhắc:
– Vậy bao giờ cô đi?
Mai cười:
– Thưa bà lớn, một lời đã hứa thì bao giờ cũng phải giữ. Tôi nói nội nhật ngày hôm nay thì chắc không phải ngày mai. Bà lớn cứ yên lòng. Trong năm điều nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, bà lớn viện ra ban nãy, có hai điều tôi trọng nhất là: nhân và tín. Bà lớn không lo tôi thất tín.
Bà Án lộ vẻ vui mừng, kể lể:
– Cô nên nghĩ đến lão già này tuổi tác chỉ có một trai. Nếu nó say hoa đắm nguyệt mà sinh ra bất hiếu bất mục, thì tôi đến buồn mà khô héo, mà chết mất. Đó là một sự hy sinh cuối cùng mà tôi xin cô ban riêng cho tôi.
Mai mỉm cười:
– Vâng bà lớn nói đúng. Tôi có thể hy sinh được chứ bà lớn thì khi nào lại phải hy sinh vì một đứa con gái ti tiện. Thôi được! Bây giờ bà lớn xin tôi ở lại, tôi cũng không nghe lời kia mà. Biết đâu con bà lớn lên lại không giống bà lớn?
Mai ngẫm nghĩ nhớ lại cử chỉ, ngôn ngữ của Lộc mấy hôm trước, trong lòng ngờ vực. Bà Án đứng dậy ra về:
– Thôi chào cô. Tôi xin cậy ở cô. Chốc nữa lại đằng nhà, thế nào cũng lại đấy. Nhà tôi ở phố H…
Mai tiễn bà Án ra tới cổng rồi quay vào trong nhà ngồi phịch xuống ghế, bưng mặt khóc.
Những người có tính vui vẻ, yêu đời thường dễ khóc. Sự buồn rầu đau đớn chảy theo nước mắt mà cạn dòng. Khi chiếc vạt con ướt đầm nước mắt, Mai thấy Mai đỡ khổ, và sự ước mong một cuộc đời tốt đẹp khiến Mai tưởng tượng có người yêu đứng bên sắp cất tiếng an ủi khuyên can, dỗ dành. Nàng ngoảnh đầu lại: Huy, nét mặt rầu rầu đương ngắm nàng, có chiều ái ngại, thương yêu.
Thấy em, Mai lại khóc. Huy đến gần, đặt cặp sách xuống bàn, hỏi chị:
– Có điều gì thế, chị?
Mai không trả lời. Huy đứng vịn vào lưng tựa ghế để yên cho chị khóc. Tuy chị chưa nói, chưa kể nỗi khổ cho Huy nghe, Huy đã đoán được hết. Huy đã biết ngay từ buổi đầu, rằng thế nào cũng có ngày nay. Vì vậy không bao giờ Huy vui.
Luôn mấy hôm ngắm nét mặt lạnh lùng, thờ ơ của Lộc, Huy cũng chắc chắn, càng yên trí rằng sự phỏng đoán của mình là không sai. Huy ghé gần vào tai chị, khẽ nói:
– Anh Lộc, phải không chị?
Mai vẫn khóc, không đáp, Huy nói:
– Có điều chi chị chả nên giấu em. Em có thể bàn tính giúp chị được. Can chi chị lại để bụng mà ngấm, đau ngầm.
Mai nức nở:
– Chị khổ lắm em ạ…
Huy dò ý chị:
– Ở đời còn có anh Lộc, còn có em thì việc gì chị khổ.
Mai gục mặt xuống cánh tay khóc:
– Ấy chính vì anh Lộc mà chị khổ đấy em ạ.
– Nhưng đầu đuôi câu chuyện ra sao mới được chứ?
Mai liền kể lại cho em nghe mọi sự vừa xay ra, rồi kết luận một câu quả quyết:
– Thế nào chị em ta cũng phải đi ngay hôm nay.
Huy đập tay xuống bàn:
– Đuổi! Có lý nào như thế không?
Mai dịu dàng:
– Có cái lý chắc chắn nhất là nhà này của họ… Còn có ngót tháng nữa em đã thi, chị cũng toan nấn ná.
Huy ngắt lời:
– Không! Không cần thi với cử gì hết. Nhưng có thể như thế được không? Lấy người ta có thai nghén rồi đuổi người ta đi, bỏ người ta bơ vơ. Luân lý gì thế? Thế gọi là cân nhắc chữ tình và chữ hiếu, thế gọi là đặt chữ hiếu ở trên chữ tình được à? Thế là vô nhân đạo!… là… đểu…
Mai ôn tồn bảo em:
– Nếu thế thì càng nên đi lắm.
Huy ngẫm nghĩ, mặt hầm hầm tức giận.
Mai hỏi:
– Em tính sao?
Huy đáp:
– Được! Nhưng hãy để em hỏi anh Lộc mấy câu đã.
Mai vội gạt:
– Hỏi làm gì, em không thấy mấy hôm nay anh ấy nhạt nhẽo với chị em mình ư?
Huy mắm môi:
– Ấy chính vì thế, nên em mới định hỏi cho ra lẽ.
Mai cười, giọng cười thảm hơn tiếng khóc:
– Lẽ! Em còn lạ gì! Mẹ con họ bàn tính chán với nhau rồi. Họ chỉ tìm mưu lập mẹo tống chị em mình đi để họ cưới con quan tuần nào đó thôi. Chi bằng mình đi trước cho họ khỏi phải đuổi.
Huy tức uất hai tay ôm ngực ho thất thanh. Mai đứng dậy lại gần lo lắng hỏi:
– Em sao vậy? Sao mặt em tái đi thế kia?
Huy ngượng mỉm cười:
– Không, em không sao hết…. Chị ơi, vì em mà chị khổ một đời.
– Chả việc gì mà chị khóc! Chúng ta nên nhớ lời dặn của thầy em ạ, đem hết nghị lực ra chống chọi với đời.
Huy ngẫm nghĩ rồi hỏi:
– Thế chị nhất định đi à?
– Chị quả quyết lắm rồi!
Huy lắc đâu:
– Nhưng chị đương có nghén.
– Chà! Giời sinh voi, giời sinh cỏ. Thì hãy cứ liều.
Cho hay tính liều lĩnh, tính lãng mạn cũng là một tính di truyền ở nhà cụ Tú. Cụ khi xưa vì cái tính ấy mà mấy lần gia thế thăng trẩm, rồi đến bị khánh kiệt tài sản. Mai với Huy cũng chỉ vì phẫn uất, vì tự do không chịu được một sự khinh mạn mà sắp liều sống đời phiêu lưu.
Bước đường tương lai mờ mịt ấy, Mai và Huy đương im lặng ngồi ngẫm nghĩ tới có tiếng giày ở ngoài cổng thong thả bước vào, Mai vội bảo em:
– Đừng nói gì với anh Lộc nhé!
Huy khẽ gật.
Lộc vào, lạnh lùng treo mũ lên mắc áo, rồi bần thần ngồi xuống ghế.
Hai chị em nhìn nhau, như cùng hiểu thấu những sự mờ ám, và cùng quả quyết thi hành những điều đã dự định.
Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12 Trang 13 Trang 14 Trang 15 Trang 16 Trang 17 Trang 18Kế tiếp