Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12 Trang 13 Trang 14 Trang 15 Trang 16 Trang 17 Trang 18Kế tiếp
Họa sĩ
Độc giả chắc nhiều người mong rằng một ngày kia Lộc sẽ nhận xét nỗi oan uổng của Mai và thân hành đến nếp nhà tranh tìm Mai để xin lỗi, để đón Mai cùng về ở với mình như xưa.
Sự ước mong của độc giả có khi cũng là sự ước mong của Mai. Không phải nàng quá mơ tưởng đến một tương lai tốt đẹp, sung sướng. Chỉ vì luôn luôn ngắm đời bằng con mắt lạc quan, nàng sẵn có lòng, nàng dễ có lòng tha thứ, tha thứ mình, tha thứ người.
Rồi sự ước mong kia ở trong tâm tư Mai thành như một sự có thực. Nàng cho rằng nàng đã yêu Lộc thế nào, thì cố nhiên Lộc cũng yêu nàng. Mà Lộc đã yêu nàng thì thế nào cũng phải tìm đến đón nàng dù nàng núp ở chốn hang cùng ngõ hẻm, ở nơi ẩn dật trong đám rừng xanh.
Những câu chuyện Tàu, những câu chuyện thần tiên mà nàng được nghe ngày còn nhỏ càng làm chặt chẽ cái lòng yêu đợi và tin chờ của nàng. Trong những chuyện ấy, người thiện bao giờ cũng được hưởng hạnh phúc, người oan uổng bao giờ cũng có dịp gỡ được nỗi oan.
Mai tin ở Trời, tin ở lòng tốt của mình và của người. Nàng cho rằng bản tính con người ta không thể xấu được, và khi người ta tàn ác, ngờ vực, có những tư tưởng ghét đời là chẳng qua người ta mất trong chốc lát, cái bản tính của loài người mà thôi.
Thấy sự dễ tin ở Trời và ở lòng tốt của loài người lúc nào cũng chứa chan trong trí não, trong linh hồn Mai, chắc có nhiều người cho đó là kết quả của một nền Pháp văn lãng mạn. Rồi có lẽ họ sẽ kết án vai chủ động trong chuyện này, cho đó là cái gương xấu của sự mơ mộng không đâu.
Nếu yêu người, nếu sẵn lòng tốt tự nhiên, dễ cảm động khi đứng trước những sự dịu dàng tốt đẹp hay những sự đau đớn uất ức của loài người mà họ cho là lãng mạn, thì sự lãng mạn ấy là một sự tuyệt đích của nhân loại dù có khi nó đem đến cho ta những sự thiệt hại, thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần. Song thử hỏi: ta có thể có sự phi thường nào mà lại không chịu phần thiệt hại riêng cho ta chăng? Ở đời có thể có sự tốt đẹp, lớn lao, cao thượng nào ngoài sự hy sinh được không?
Nhưng không, Mai không phải đã chịu ảnh hưởng nền Pháp văn lãng mạn. Hay nói trái lại thì từ cổ chí kim ở nước nào cũng có một hạng người giàu lòng cảm động, giàu lòng trắc ẩn, tin người đến nỗi phải lụy tới mình. Hạng người ấy nhiều khi yên lặng chịu đau, chịu nhục, chịu khổ; những kẻ có linh hồn khô khan, có trái tim khô khan, hiểu sao được? Mắt họ chỉ có thể trông thấy những sự nhỏ nhen, đê hèn làm cho quên nhãng trong chốc lát, cái bản tính tốt đẹp, cao thượng của Trời đã phú cho.
Mai chính là một người đã giữ được hoàn toàn cái bản tính đó.
Lúc Minh đã từ biệt nàng về, nàng còn ngồi khóc, khóc mãi. Một tiếng oe ở võng. Nàng vội lau nước mắt, ra ẵm con, vừa cười, vừa nói nựng để dỗ cho con nín.
Thằng bé nghe tiếng hát ru, thiu thiu ngủ lại trong lòng mẹ, còn Mai thì tiếng cọt kẹt đưa võng, cũng như ru nàng trong giấc mộng.
Nàng cố ôn lại thái độ và cử chỉ của Minh. Nàng không ngờ vực lòng thành thực của Minh một chút nào, song nàng cho rằng dẫu sao, nàng vẫn là một người đàn bà có chồng tuy người chồng đó ruồng bỏ nàng.
Những ý tưởng phản rối loạn trong óc nàng. Nàng còn như nghe máng bên tai lời nói của Minh: “Thủ tiết là một sự vô nghĩa lý”.
Nàng hồi tưởng đến câu chuyện trên đồi tám chín tháng trước. Nàng còn nhớ rành mạch hôm ấy Lộc bảo nàng: “Nhiều khi anh thấy tư tưởng của anh bị kiềm tỏa trong giới hạn nho giáo”.
Nàng như tĩnh ngộ, nghĩ thầm: “Phải, nho giáo! Sự thủ tiết của ông Minh cho là vô nghĩa lý, và ta khăng khăng tôn trọng, đó là ảnh hưởng của nho giáo. Khi nào làm việc gì mà ta suy trước tính sau, thì ta thấy ta muốn phản đối lại cái đạo mà ta cho là bó buộc, là không hợp với tính tình cao thượng của loài người. Song những lúc thốt nhiên, ta làm một việc mà chẳng hiểu sao, ta cho là phải, hay tránh một việc mà lương tâm ta cho là xấu, là bậy trước khi ta suy xét, thì việc ấy tất là kết quả của mấy đời nho giáo”.
Thằng bé con động đậy ở trong lòng nhắc nàng nhớ đến hiện tại.
“Bây giờ ta chỉ biết có hai việc: Một là ta phải thủ tiết với chồng ta, tuy chồng ta bạc bẽo với ta. Ta cũng chẳng biết vì sao ta phải thế, nhưng hình như lương tâm ta bắt ta phải thế.
“Hai là cự tuyệt ông đốc Minh. Mà muốn cự tuyệt thì trước hết phải trả tiền thuốc đã. Cái món tiền ta nợ, đã nhiều lần ta hỏi là bao nhiêu, nhưng ông ấy vẫn giấu. Song ta chắc là một món tiền to, ít ra cũng đến trăm bạc. Vậy thì đào đâu ra tiền bây giờ”.
Mai lại nhớ đến món tiền hai mươi đồng nàng nhận của Lộc trong buổi gặp gỡ lần đầu. Nàng thở dài, lẩm bẩm:
– “Chỉ vì hai chục bạc ấy!…Với cái lòng thương người”.
Lời bà Án còn phảng phất trong trí nàng:
– “Nếu thấy ai, cô cũng thương thì nguy cho cô lắm!”
Song biết sao? Bẩm sinh sẵn thương người thì cũng phái chịu khổ, chớ biết sao? Nàng mỉm cười:
“Nhưng đã biết đâu rằng ta khổ? Những người có lòng cao thượng, biết hy sinh thì không bao giờ được phép tự cho mình là khổ!”
Muốn không nghĩ quanh lo quẩn, muốn không loay hoay mãi với tư tưởng. Mai se sẽ đặt con xuống võng đi ra đường cho được khuây khỏa và nhân tiện giúp bà Cán thu dọn hàng về.
Ra đến đình, Mai gặp bà Cán đặt gánh ngồi nói chuyện với một người vận âu phục. Nhác trông thấy Mai, bà chạy lại ghé tai thì thầm:
– Này cô ạ, có cái ông kia đã mấy hôm nay mang thuốc vẽ đến vẽ hồ, vẽ đình. Rồi chả biết ông ấy gặp cô bao giờ mà hôm nay ông ấy cứ đến nhì nhằng hỏi thuê cô làm kiểu mẫu. Tôi cũng chả hiểu làm kiểu mẫu là thế nào, nhưng thấy ông ta nói giá một đồng một ngày thì tôi cũng đòi hai đồng. Ông ta còn muốn xem người cô ta đã rồi mới định giá. Vậy cô thử lại xem.
Mai giẫy nẩy:
– Thôi, chịu thôi!
– Thì cứ lại xem sao đã.
Nghe lời, Mai ung dung đến gần chỗ người kia đứng. Chàng ta cắp ở nách một cái hộp to với mấy cái bản gỗ nhỏ sắp sửa ra về. Nhác thấy Mai, chàng cất mũ chào, mỉm cười hỏi:
– Thưa cô, cô có phải là con bà cụ không?
– Thưa vâng, ông truyền điều gì?
Chàng kia lại mỉm cười, mắt đăm đăm nhìn, long lanh sau cặp nhỡn kính cận thị:
– Thưa cô, tôi là họa sĩ Bạch Hải, tôi đã ngỏ lời với bà thân mẫu cô, muốn nhờ cô làm kiểu mẫu, vậy cô nghĩ sao?
Mai ngần ngại hỏi:
– Thưa ông! Làm kiểu mẫu là thế nào?
Bạch Hải cười:
– Có gì đâu! Cô đến xưởng vẽ làm kiểu mẫu cho tôi vẽ.
Mai cặp mắt đỏ hoe ấp úng:
– Thưa ông, thiếu gì… người mà ông lại thuê tôi.
– Thưa cô, chẳng giấu gì cô, tôi đi tìm kiểu mẫu đã nhiều song chưa gặp được ai có nhan sắc như cô. Hôm nọ thoáng thấy cô ở chợ Bưởi, tôi dò la mãi hôm nay mới gặp.
Mai bẽn lẽn, còn bà Cán thì bắt thóp anh chàng hám sắc, trả lời một cách quả quyết:
– Thưa ông, phải hai đồng một buổi. Nhất định phải hai đồng.
Nhà hội họa ngẫm nghĩ, đăm đăm nhìn Mai.
– Vâng, thì hai đồng. Vậy mai cô đến nhé?
Mai trù trừ:
– Biết làm kiểu mẫu ra sao!… Thôi đi, chịu thôi.
Bạch Hải dỗ dành:
– Thì có gì nguy hiểm mà cô ngại. Sáng từ tám giờ đến mười một giờ, chiều cứ hai giờ đến sáu giờ cô lại đằng nhà ngồi trên một chỗ cho tôi vẽ. Thế là cuối tháng cô có mấy chục bạc.
Ba chữ “mấy chục bạc” bỗng nhắc Mai cái món nợ tiền thuốc. Nàng liền đáp:
– Vâng, mai tôi xin lại.
Họa sĩ tỏ vẻ vui mừng:
– Vậy tám giờ mai cô đến nhé? Nhà tôi ở phố B… 125.
– Thưa ông, tôi không biết phố B… ở đâu.
Bạch Hải ngẫm nghĩ:
– Thôi, để mai tôi lại đón. Vậy cô chờ tôi… À cô tên gì nhỉ?
Mai mỉm cười:
– Thưa ông, ông cần gì phải biết tên tôi? ông cứ gọi là người kiểu mẫu cũng đủ.
– Thôi thế cũng được… Mai tôi đến đón cô ở đây.
Sáng hôm sau, y lời hẹn, Bạch Hải đến đình Thụy Khuê.
Mai đã đứng chờ ở đây. Họa sĩ gọi xe cho Mai rồi đi xe đạp theo sau.
Mai đến làm kiểu mẫu cho họa sĩ được chàng đối đãi một cách rất lễ phép. Buổi đầu nàng cũng hơi khó chịu vì cái tính hay hỏi chuyện lẩn thẩn của ông họa sĩ, song về sau quen đi, nàng cho là một sự thường. Bây giờ, nghe họa sĩ giảng khoa tâm lý về hội họa, nàng không thấy làm lạ nữa, và bất cứ chàng nói điều gì nàng cũng cho phải ngay, dẫu nàng nghe trái tai đến đâu mặc lòng.
Được hai tuần lễ thì bức vẽ một cô gái ngồi tư lự đã gần xong. Suốt ngày họa sĩ chỉ loay hoay với bức tranh, hết chữa chỗ nọ chỗ kia lại ngồi thừ ra ngắm nghía.
Một hôm Mai đến nhưng chàng không biết, bao tâm thần dồn cả vào người mỹ nữ trong tranh.
Bỗng Mai kinh hoảng rón rén lảng ra ngoài hiên: Nàng vừa thấy họa sĩ lại gần bức tranh và ghé miệng hôn ảnh mình. Một lúc sau, nàng vờ gõ cửa rồi bước vào phòng.
Bạch Hải giật mình quay lại, ngây người, đứng nhìn, hồi lâu mới nói được nên lời. Chàng bảo Mai:
– Cô ngắm bức tranh có ưng ý không?
Mãi bẽn lẽn đáp:
– Thưa ông, đẹp lắm. Ông vẽ đẹp hơn kiểu mẫu nhiều quá.
Bạch Hải cười:
– Cô nhún mình quá! Tôi còn lo chưa tả được cái dịu dàng của cô, cái tính dễ cảm động, cái lòng hay thương người của cô.
Mai ngượng ngùng:
– Sao ông biết tôi có tính dễ cảm động, có lòng hay thương người?
Bạch Hải cười:
– Thì tôi đã bảo tôi rất thích và rất sành khoa tâm lý mà lại!
Chiều hôm ấy họa sĩ khẩn khoản ép Mai cứ để y phục kiểu mẫu mà về, và chàng nói chàng tặng hẳn Mai bộ quần áo ấy.
Nể lời thành thực của họa sĩ, Mai nhận và nói cảm ơn rồi ngỏ lời xin phép từ mai ở nhà vì bức tranh đã hoàn thành.
Sự thực, thấy cách thức cử chỉ của họa sĩ, nàng sinh ra lo lắng vẩn vơ. Bạch Hải vội kêu:
– Ồ! Đã xong thế nào được, ít ra phải hai tuần lễ nữa!
Ở nhà họa sĩ ra đến cổng. Mai thoáng thấy một cái xe nhà đi qua, người ngồi trên xe đăm đăm nhìn nàng. Nàng kêu rú lên một tiếng. Cái xe đi vùn vụt tận đằng xa. Nàng vội vàng gọi xe mặc cả về làng Thụy Khuê.
Người mà nàng vừa gặp, người vừa nhìn nàng một cách khinh bỉ, chính là Lộc, chồng nàng.
Mai ngồi trên xe buồn rầu, nghĩ ngợi lan man chẳng biết đã qua những phố nào.
– Đến đình Thụy Khuê rồi cô ạ!
Mai như chợt thức giấc, mỉm cười, lẳng lặng xuống xe trả tiền, rồi lững thững đi vào làng.
Về tới nhà, gặp Diên bế con mình đương đưa võng. Mai mừng quýnh:
– Kìa chị Diên! Quý hóa quá! Chị lại thăm em có việc gì?
Diên mỉm cười, nhìn từ đầu đến chân Mai một cách rất tò mò, khiến Mai bẽn lẽn. Diên khẽ nói:
– Cánh nào đấy?
Mai cười đáp:
– Chị hỏi bộ cánh này?… À Chị chưa biết nhỉ.
Diên chau mày, hơi có giọng gắt:
– Không, tôi hỏi chị đi với ai về kia?
Mai nghe lời bạn, mặt nóng bừng, toan cự lại. Song chợt nghĩ ra, và không muốn nhắc đến cái đời giang hồ của Diên, nàng chỉ dịu dàng, bảo bạn:
– Không, chị ạ. Em đi làm kiểu mẫu cho một nhà hội họa về đây mà. Bộ cánh này là của họa sĩ cho em.
Diên ngờ Mai giấu giếm, nên cười mát, nói:
– Thế à?
Rồi lảng sang chuyện khác ngay:
– À, tôi nhờ vú em đi đằng kia có tí việc. Chị mướn vú em bao nhiêu tiền một tháng thế?
– Hai đồng đấy, chị ạ. Độ này tôi bận đi làm kiểu mẫu, nên phải mượn vú.
– Thế cũng phải.
Rồi hai người lại yên lặng, mỗi người nghĩ theo một ý tưởng riêng.
– Chị nghĩ điều gì thế hở chị Diên?
Diên cười chua chát rồi thong thả, buồn rầu bảo bạn:
– Tôi nghĩ tới đời một người giang hồ. Người giang hồ xưa là con nhà tử tế trong bọn trung lưu.
“Một buổi chiều xuân êm ái, bên dòng nước biếc trong veo, một trang công tử, đẹp trai, thông minh, đem lời đường mật cám dỗ.”
“Rồi cặp uyên ương cùng nhau sống trong một cảnh thần tiên mộng ảo…. Rồi lúc tỉnh giấc mộng… Rồi lúc cặp uyên ương chia rẽ… Rồi từ đó, kẻ khốn nạn lăn xuồng vực sâu hang thẳm… Ghê lắm, chị ạ!… Thảm lắm, chị ạ!”
Mai đăm đăm nhìn Diên: có vẻ thương mến, hai giọt nước mắt long lanh… Diên ngừng một lát, lại nói:
– Nhưng kẻ đã qua cái dốc nguy hiểm ấy, khi tới đáy vực ngước mắt lên thấy có kẻ sắp ngã thì đem lòng thương hại, kêu to: “Đứng lại”!
Bấy giờ người vú em ở ngoài vào đưa cho Mai bức thư.
– Thưa cô, người đi xe đạp nói là người ông Bạch Hải bảo đưa cho cô cái thư.
Mai lẳng lặng xé phong bì, ghé vào ánh đèn tù mù đứng xem. Rồi buồn rầu bảo Diên:
– Chị ạ, thế một người đã ở sườn dốc mà muốn không ngã có thể được không?
Diên lắc đầu:
– Khó lắm!… Nhưng thư của ai gửi cho chị thế?
– Đây chị xem.
Mai đưa thư cho Diên. Diên đỡ lấy, rồi trao Ái cho vú bế. Mảnh giấy vắn tắt có mấy dòng:
Thưa cô,
Cô là một trang diễm lệ, tôi là một nhà tài tử. Chúng ta nên làm một đôi bạn trăm năm. Từ mai, xin cô ở luôn đằng tôi, tôi xin hết sức làm cho cô được sung sướng. Đã nhiều lần tôi định ngỏ lời với cô, nhưng đứng trước mặt cô, tôi cứ ngần ngại.
Người yêu cô
BẠCH HẢI
Đọc xong Diên ngẫm nghĩ:
– Bạch Hải… có phải Bạch Hải ở phố B… không?
– Chính đấy. Tôi là kiểu mẫu cho ông ta.
Diên mủm mỉm cười:
– Hắn ta đã bắt chị cởi trần chưa?
Mai, mặt đỏ bừng, tức giận, đứng im, không đáp.
– Chưa, phải không? Tôi còn lạ gì anh chàng Bạch Hải. Anh ta nuôi đầy tớ gái, chỉ chọn đứa đẹp.
Mai gắt:
– Vậy chị cho ông Bạch Hải nuôi tôi làm đầy tớ, phải không?
Diên cười:
– Không! Nhân tình thì vẫn hơn đầy tớ chứ, trừ khi đầy tớ cũng là nhân tình.
Mai bưng mặt khóc. Diên xin lỗi:
– Thôi tôi lỡ lời… Chị tha cho. Vậy đã có gì chưa? Đã có gì với nhau chưa?
Mai nức nở thuật lại câu chuyện cho Diên nghe, từ khi Minh ngỏ lời xin cưới mình làm vợ cho đến khi bắt gặp Bạch Hải hôn trộm ảnh mình, Diên thương hại buồn rầu hỏi Mai:
– Bức tranh vẽ xong chưa?
– Tôi trông thì hình như xong rồi, nhưng ông ta bảo phải đến hai tuần lễ nữa.
– Chị làm kiểu mẫu được bao nhiêu lần rồi?
– Hai mươi hôm.
– Bạch Hải trả tiền rồi chứ?
– Đã. Ngày nào, ông ta trả tiền ngày ấy. Được tất cả bốn chục. Tôi muốn nhờ chị đem lại nộp hộ tiền thuốc ông Minh…
Diên gạt:
– Thôi! Cái đó đã có tôi. Hôm nọ hắn biếu tôi hai chục, tôi không nhận, tôi bảo hắn trừ vào tiền thuốc cậu Huy.
Nói dứt lời Diên cười khanh khách. Mai cảm động quá, đứng thừ người ra, một lúc lâu mới khẽ bảo bạn:
– Chị muốn tôi không lăn xuống dốc thì chị nên giúp tôi. Thế nào chị cũng nộp món tiền này cho.
Diên ngẫm nghĩ:
– Phái đấy… Thôi cũng được!… Vậy chị đưa tiền đây tôi trả giúp.
Mai lấy đưa cho Diên bốn tập giấy một đồng, rồi hai người từ biệt nhau. Ra đến cổng, Diên còn quay lại dặn với bạn một câu:
– Thế này là hết nợ rồi đấy. Không cần tiền nữa, thì từ mai đừng đến nhà Bạch Hải làm kiểu mẫu nữa nhé!
– Cám ơn chị… À, cậu Trọng bây giờ ở đâu nhỉ?
– Em Trọng làm thư ký ở Vĩnh Yên. Nó gửi lời hỏi thăm chị và cậu Huy đấy.
Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12 Trang 13 Trang 14 Trang 15 Trang 16 Trang 17 Trang 18Kế tiếp