Sau gần hai giờ đi xe từ Hà Nội, chúng tôi đến với quần thể di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc nổi tiếng ở tỉnh Hải Dương. Nhiều thế kỷ qua, cụm danh lam thắng cảnh này luôn là một trong những điểm đến hấp dẫn bậc nhất ở miền Bắc. Có phong cảnh non nước hữu tình và hệ thống kiến trúc cổ xinh đẹp, lại gắn với những câu chuyện đáng nhớ về nhiều tao nhân mặc khách, Côn Sơn – Kiếp Bạc thường để lại trong lòng khách phương xa cảm xúc bùi ngùi về đời sống văn hóa Việt Nam mấy trăm năm trước.
Côn Sơn bao gồm cả núi Kỳ Lân và núi Ngũ Nhạc liền kề vốn là một trong ba trung tâm của thiền phái Trúc Lâm vào thời Trần (Côn Sơn, Yên Tử, Quỳnh Lâm). Thắng cảnh này cũng tiếp giáp với dãy núi Phượng Hoàng và núi Rùa tạo thành một vùng đất quần tụ đủ tứ linh, ngũ nhạc, lục đầu giang. Địa thế đó đã tạo nên một vùng danh sơn huyền thoại với những di tích cổ kính, gắn liền với thân thế, sự nghiệp của hai vị anh hùng Trần Hưng Đạo và Nguyễn Trãi, cùng với nhiều danh nhân văn hóa của dân tộc như Trần Nguyên Đán, Pháp Loa, Huyền Quang…
Côn Sơn cũng là nơi mà văn hóa Phật giáo, Nho giáo và Lão giáo mang bản sắc văn hóa Việt đã cùng tồn tại và phát triển qua nhiều thế kỷ. Tất cả đều để lại dấu ấn qua mỗi công trình xây dựng, qua từng chi tiết kiến trúc, chạm khắc, qua các bia đá, tượng thờ, hoành phi, câu đối và qua các tầng văn hóa dưới lòng đất khi khai quật khảo cổ học. Di sản văn hóa phi vật thể quý giá ở Côn Sơn chứa đựng trong sách vở, trong các truyền thuyết còn lưu, trong các nghi thức cúng tế, trong các hoạt động lễ hội vô cùng phong phú.
Đường lên Côn Sơn
Chùa Côn Sơn hay còn gọi là chùa Hun, tọa lạc ở ngay dưới chân núi Côn Sơn, có từ trước thời Trần. Vào đời Lê, chùa được trùng tu và mở rộng rất nguy nga đồ sộ với 83 gian tòa ngang dãy dọc, gạch đỏ, ngói để men màu và 385 pho tượng. Trải qua biến thiên về lịch sử và thời gian, chùa Côn Sơn ngày nay chỉ còn là một ngôi chùa nhỏ ẩn mình dưới tán lá xanh của các cây cổ thụ. Chùa được kiến trúc theo kiểu chữ công gồm Tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện. Thượng điện thờ Phật, có những tượng Phật từ thời Lê cao 3m. Phía sau chùa là nhà Tổ, có tượng ông bà Trần Nguyên Đán, hai pho tượng Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ. Sân chùa có cây sứ 600 tuổi, bia Thanh Hư động có từ giữa thế kỷ XIV với những nét chữ còn nguyên vẹn của vua Trần Duệ Tông.
Chùa Côn Sơn (chùa Hun) từng rất nguy nga, đồ sộ vào thời Lê với 83 gian tòa ngang dãy dọc
Từ chùa Côn Sơn du khách leo khoảng 600 bậc đá giữa rừng thông xanh um là đến đỉnh núi Côn Sơn cao 200m. Đỉnh là khu đất bằng phẳng, ở giữa có một phiến đá khá rộng, tục gọi là Bàn Cờ Tiên. Người xưa đã dựng quanh Bàn Cờ Tiên một Vọng Lâu đình xinh đẹp với kiểu mái ngói cổ hai tầng cong vút. Đứng từ đây, du khách có thể nhìn bao quát cả một vùng rộng lớn.
Những điểm đến thú vị khác trong quần thể là đền Nguyễn Trãi bề thế, suối Côn Sơn nước trong veo và Giếng Ngọc huyền thoại. Giếng Ngọc nằm ở sườn núi Kỳ Lân, bên phải là lối lên Bàn Cờ Tiên, phía dưới chân Đăng Minh Bảo Tháp. Tương truyền đây là giếng nước do Thiền sư Huyền Quang được thần linh báo mộng ban cho chùa nguồn nước quý. Nước giếng trong vắt, xanh mát quanh năm, uống vào thấy khoan khoái dễ chịu. Bên suối Côn Sơn có một phiến đá gọi là Thạch Bàn. Từ chân núi đi theo lối mòn có kê đá xuống phía chân núi có một tảng đá lớn, mặt phẳng và nhẵn nằm kề ven suối gọi là Thạch Bàn lớn. Tương truyền khi xưa Nguyễn Trãi lấy làm “chiếu thảm” nghỉ ngơi, ngắm cảnh, làm thơ và suy tư việc nước.
Cách Côn Sơn khoảng 5 cây số là đền Kiếp Bạc cũng không kém phần cổ kính. Vào thế kỷ XIII, đây là nơi Hưng Đạo Vương lập căn cứ, tích trữ lương thực, huấn luyện quân sĩ trong các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Sang thế kỷ XIV, đền thờ ông được xây dựng tại nơi đây và là nơi tổ chức các lễ hội hàng năm để dâng hương tưởng niệm vị anh hùng của dân tộc. Khu vực đền Kiếp Bạc là một thung lũng trù phú ba phía có dãy núi Rồng bao bọc, một phía là sông Lục Đầu Giang. Núi tạo thành thế rồng chầu, hổ phục, sông tạo thành minh đường rộng rãi. Phía trước đền có cổng lớn có ba cửa ra vào nguy nga, đồ sộ. Trên cổng mặt ngoài có bốn chữ “Hưng thiên vô cực”, dưới có 5 chữ “Trần Hưng Đạo Vương từ”. Qua cổng lớn, bên trái có một giếng gọi là Giếng Ngọc mắt rồng. Theo con đường đá đi đến khu vực để kiệu trong mùa lễ hội, phía trước có một án thờ. Tòa điện ngoài cùng thờ Phạm Ngũ Lão, tòa điện thứ hai thờ Hưng Đạo Vương, tòa điện trong cùng thờ phu nhân Hưng Đạo Vương là Công chúa Thiên Thành và hai con gái được gọi là Nhị vị Vương cô.
Trong đền hiện còn 7 pho tượng bằng đồng: tượng Trần Hưng Đạo, phu nhân, 2 con gái, con rể là Phạm Ngũ Lão, Nam Tào, Bắc Đẩu và 4 bài vị thờ các con trai của ông cùng 2 gia tướng là Yết Kiêu và Dã Tượng. Gần đền là Viên Lăng, một quả núi nhỏ cây cối mọc um tùm, một số người cho rằng đây là nơi an táng Trần Hưng Đạo.
Giếng Ngọc nằm ở sườn núi Kỳ Lân, nước trong như ngọc, uống vào thấy khoan khoái dễ chịu
Với khung cảnh non xanh nước biếc, Côn Sơn – Kiếp Bạc thời đại nào cũng thu hút nhiều trí thức, văn nhân, những nhà văn hóa đến thăm, tìm cảm hứng sáng tạo. Không gian tĩnh lặng đậm chất thiền nơi đây xứng đáng để làm chốn vân du, ẩn dật và tu tâm dưỡng tính của các bậc danh nhân tiêu biểu cho tâm hồn, khí phách, tinh hoa văn hóa Việt Nam ở nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau.
Côn Sơn –Kiếp Bạc là hai tích lịch sử nổi tiếng của huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Chùa Côn Sơn tọa lạc trên xã Cộng Hòa, nằm giữa hai dãy núi Phượng Hoàng- Kỳ Lân cách Hà Nội khoảng 70km. Chùa là một trong ba trung tâm của thiền phái Trúc Lâm thời Trần được trùng tu mở rộng năm 1304 và được Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam xếp vào hạng quốc gia. Còn đền Kiếp Bạc thuộc địa phận hai thôn Dược Sơn và Vạn Kiếp, xã Hưng Đạo là nơi thờ phụng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.
Cái tên Kiếp Bạc là ghép từ tên của hai vùng Vạn Yên (làng Kiếp) và Dược Sơn (làng Bạc). Vị trí của đền rất đặc biệt là nằm gần Lục Đầu Giang là nơi hội tụ của sáu con sông: sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, sông Đuống, sông Kinh Thầy và nhánh chính của con sông Thái Bình. Đền cách Hà Nội khoảng 80km theo quốc lộ số 1 đến Bắc Ninh rẽ sang đường quốc lộ số 18 và cách chùa Côn Sơn khoảng 5km.
Thethaovanhoa