Bé gái 7 tuổi đang chơi lại hớt hải chạy vào toilet kiểm tra xem băng vệ sinh đã tràn chưa hay đang đi học, giữa trưa phải có người đón về thay rửa… chỉ là một số khó khăn trẻ dậy thì sớm phải đối mặt.
Trong khi những đứa trẻ cùng độ tuổi đang hồn nhiên chơi đùa, chạy nhảy thì những đứa trẻ dậy thì sớm lại lớ ngớ với đủ hiện tượng lạ xảy ra với cơ thể mình và loay hoay không biết đối phó ra sao. Dậy thì sớm có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân chủ quan mà cha mẹ không ngờ tới. Với các gia đình có trẻ dậy thì sớm, bố mẹ, ông bà chính là người phải “vào cuộc” để hướng dẫn trẻ từng chút một. Thậm chí, có nhiều trường hợp đã phải sử dụng đến thuốc tiêm để ngăn ngừa dậy thì sớm. Xung quanh vấn đề này, có rất nhiều những tình huống “dở khóc dở cười” đã xảy ra.
Như mới đây, một người mẹ ở Hà Nội có con gái dậy thì sớm ngay từ đầu năm học lớp 5 chia sẻ: “Con gái mình đầu lớp 5 đã có kinh và cao nhanh hơn các bạn. Con mình lúc đầu cao nhanh lắm, sau có biểu hiện dậy thì sớm, phát triển chậm lại, ngực to nhanh, lông mu bắt đầu xuất hiện. Các bạn lúc đầu thấp hơn, sau đó con mình bắt đầu lớn chậm hơn các bạn. Lúc mới thấy kinh nguyệt, nó hỏi cả bố là đóng băng vệ sinh thế này được chưa. Bố lo hơn mẹ, đi học thì trưa ông nội đón về cho bà rửa ráy, thay băng vệ sinh. Khổ lắm!.
Tương tự là trường hợp của chị Nguyễn L.H – một người mẹ đang điều trị cho con gái tại khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai. Bắt đầu bước vào lớp 2 con gái chị đã có biểu hiện dậy thì. Chị H. nhớ lại: “Con mình vốn hoạt bát, nhanh nhẹn, đi học về thường hay kể chuyện, hát hò cho cả nhà nghe. Ngày hôm đó, con đi học về nhưng thấy bé ít nói và có vẻ hoảng sợ. Mình nghĩ con bị ốm nhưng sờ trán không thấy sốt. Rồi con òa khóc bảo chân con không biết vì sao lại bị chảy máu. Mình nghĩ con ngã nhưng khi kiểm tra sửng sốt thấy con có máu kinh nguyệt. Lúc ấy, mình đã rất hoang mang..”.
Dù đã dậy thì nhưng con gái chị L.H nhiều khi vẫn không hiểu vì sao mình phải dùng đến băng vệ sinh. Khốn khổ nhất là mỗi lần “đến tháng”, chị phải tranh thủ giờ trưa đón con từ trường học về nhà thay băng vệ sinh. Có những lần bận quá, chị phải gọi điện nhờ cô giáo chủ nhiệm.
Và còn vô số những câu chuyện khác mà các mẹ có con dậy thì sớm phải đối mặt. Một người mẹ tâm sự khi con đang vui vẻ chạy nhảy với bạn bè thì cứ 3 – 4 tiếng lại phải vào toilet kiểm tra xem đã tràn băng vệ sinh hay chưa. Hay trường hợp 1 bé trai 10 tuổi hốt hoảng, lén lút lên mạng tự tìm hiểu về các “hiện tượng lạ” đang xảy ra với cơ thể mình…
Có thể tiêm thuốc ngăn dậy thì sớm nhưng không phải gia đình nào cũng có điều kiện
Các chuyên gia y tế cho biết, với trẻ dậy thì sớm, hiện nay bố mẹ có thể đưa trẻ đi thăm khám và tiêm thuốc ngăn ngừa. Đây cũng là giải pháp mà nhiều gia đình có con dậy thì sớm đã áp dụng. Theo chia sẻ của một mẹ ở Hà Nội có con dậy thì sớm, chị đã cho con đi thăm khám tại khoa Nội tiết – Bệnh viện Nhi Trung ương. Bác sĩ cho chụp chiếu X-quang, đo xương cổ tay và chuẩn đoán con già hơn gần 2 tuổi. Chị tâm sự: “Sau khi tiêm thì cháu không thấy kinh nguyệt nữa, cao nhanh và đặc biệt là ngực cũng không phát triển, lông mu không mọc nữa. Chứ trước đây nhanh lắm, chân dài ra, người eo lại. Bây giờ con cao trung bình ở lớp và vẫn đang cao nhanh, ăn khỏe”.
Các bố mẹ cần quan tâm sát sao con và chăm sóc con đúng cách (Ảnh minh họa).
Người mẹ này cho biết: “Thuốc ngăn dậy thì sớm tiêm giá dịch vụ ngoài khoảng 2,8 triệu/tháng. Giá tiêm theo bảo hiểm là gần 600 nghìn/tháng và không có ảnh hưởng gì vì hai đứa cháu gái nhà nhà anh mình nó tiêm sớm lắm, 8 tuổi đã tiêm rồi. Đến khám mới biết hiện tại khoa đang tiêm cho mấy nghìn cháu, nhiều lúc không có thuốc phải đi tiêm ngoài. Riêng giá khám lần đầu cả xét nghiệm khoảng 2,5 triệu.
Theo ThS.BS Huỳnh Thị Vũ Quỳnh, Khoa Nhi BV Đại học Y Dược TP.HCM, tiêm thuốc ngăn ngừa dậy thì sớm không ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, BS Vũ Quỳnh lưu ý: “Nhiều cha mẹ đến lúc thấy con có kinh nguyệt mới mang đến bác sĩ thì đã quá trễ”, lúc này tiêm thuốc sẽ không tác dụng. Hơn nữa giá tiêm cũng cao, gần 3 triệu/tháng, phải tiêm mỗi tháng 1 lần và kéo dài đến 11 – 12 tuổi. Những gia đình có điều kiện mới có thể tiêm thuốc cho con.
Chính vì những lý do trên, bác sĩ Vũ Quỳnh nhấn mạnh việc chú ý đến chế độ dinh dưỡng, chăm sóc con và giáo dục giới tính cho con từ sớm vẫn là yếu tố quan trọng hơn cả.
Trí Thức Trẻ