Trong chiến tranh, họ được nước Mỹ tôn vinh như những anh hùng. Tuy nhiên, sau chiến tranh, họ trở thành những người vô gia cư khốn khổ trên chính quê hương mình. Nước Mỹ đang cố gắng kết thúc các cuộc chiến tranh trên thế giới, tuy nhiên, một mặt trận mới lại đang diễn ra ở ngay chính đất nước này: Cựu chiến binh vô gia cư ở Mỹ!

Tháng 4 năm 2019, Hoa Kỳ có hơn 630.000 người vô gia cư với 67.000 người là cựu chiến binh của lực lượng vũ trang, phần lớn trong số họ là nam giới người da trắng. Tỷ lệ cựu chiến binh vô gia cư cao nhất ở các bang Louisiana, California và Missouri. Tỷ lệ này cũng khá cao ở Thủ đô Washington. 

Khoảng 44 nghìn đến 46 nghìn cựu chiến binh được xếp vào nhóm “vô gia cư lâu dài”. Khoảng 468 nghìn cựu chiến binh khác đều từng nếm trải gánh nặng nhà ở hoặc phải chi hơn một nửa thu nhập cho nhà ở, bởi vậy cũng có nguy cơ cao trở thành người vô gia cư.

Theo giải thích của Liên minh Cựu chiến binh Vô gia cư Quốc gia, có nhiều yếu tố phức tạp liên quan đến tình trạng vô gia cư của cựu chiến binh, chẳng hạn như tình trạng thiếu nhà ở giá cả phải chăng, khó khăn trong tìm việc làm để có được thu nhập đủ sống cũng như khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, một số lượng lớn các cựu chiến binh có nguy cơ sống với những chấn thương tâm lý kéo dài sau chiến tranh (PTSD), lạm dụng chất gây nghiện và bị tổn thương tinh thần.

Kinh nghiệm và huấn luyện quân sự không phải lúc nào cũng có thể áp dụng trong đời sống lao động dân sự, khiến một số cựu chiến binh gặp bất lợi khi cạnh tranh việc làm. 

Ưu tiên hàng đầu đối với các tổ chức từ thiện giúp đỡ các cựu chiến binh vô gia cư là cung cấp nhà ở an toàn, sạch sẽ, đảm bảo một môi trường không có ma túy và rượu.

Theo AP, một số cựu chiến binh, giống như cựu chiến binh Jason Kelley, bị rơi vào vòng luẩn quẩn – không tìm được việc làm vì không có chỗ ở ổn định, và không có chỗ ở ổn định vì không tìm được việc làm.

“Kỹ năng duy nhất tôi được đào tạo là làm lính bộ binh và nó chẳng giúp gì cho tôi trong cuộc sống dân sự,” Kelley, từng tham chiến ở Iraq, nói với phóng viên của AP. Bên cạnh đó, cựu chiến binh này cũng phải chịu đựng các chấn thương tâm lý sau thời gian phục vụ trong quân đội. 

Larry, một cựu chiến binh Mỹ 64 tuổi, là một trong số những người từng phụng sự cho đất nước giờ phải chịu cảnh màn trời chiếu đất. “Nhà” của Larry chỉ là một khu tạm bợ và bẩn thỉu được dựng lên bằng những tấm bìa các-tông, đủ chỗ cho một người chui ra chui vào nằm dưới gầm một chiếc cầu cao tốc ở bang Texas. Tất cả những vật dụng của Larry đều là đồ phế thải, còn nước dùng được ông lấy từ một trạm cứu hỏa gần đó.

Xung quanh Larry có rất nhiều người vô gia cư khác sinh sống, chủ yếu là gốc Phi. Họ gọi nơi đây là “Thành phố Lều”. Nó như một lát cắt của thế giới thứ ba ngay tại đất nước Mỹ thịnh vượng bậc nhất thế giới. Có những người thậm chí đã sống ở đây 20 năm và có nhiều đứa trẻ đã lớn lên trong những căn nhà các-tông. “Đây là một cơn ác mộng kéo dài. Giá như được  ai bắn vào chúng tôi, để mọi chuyện kết thúc ở đây”, Larry nói.

Trước đây, Larry từng cầm súng tại chiến trường Việt Nam, nơi đã biến ông thành một “cỗ máy giết người” theo cách nói của ông. Sau chiến tranh, ông quay trở lại cuộc sống đời thường và lập gia đình. Tuy nhiên, sau đó, vợ ông ra đi trong một tai nạn ôtô khiến ông cảm thấy rất đơn độc. Đồng thời, ông cũng bị mất việc dù ông có bằng cử nhân chuyên ngành xã hội học. Bên cạnh đó, ông bị nghiện ma túy từ thời phục vụ trong quân ngũ. Tất cả những yếu tố đó đã đẩy ông vào tình trạng vô gia cư mà ông không bao giờ có thể tưởng tượng được về cuộc đời mình. “Tôi đã tìm kiếm việc làm trong suốt 7 tháng và xin làm bất cứ công việc gì ở Dallas, Texas. Tôi có bằng cấp, kinh nghiệm nhưng liệu có ai muốn thuê một người già làm việc?”, Larry nói rồi cười chua chát.

Theo thống kê, tỉ lệ cựu chiến binh bị thất nghiệp cao hơn 3% so với tỉ lệ chung của cả nước Mỹ. Nghiện bia, rượu là một vấn nạn trong cộng đồng người vô gia cư ở Mỹ. Họ thường tìm đến những nơi bán bia, rượu rẻ tiền để mua và uống suốt ngày nhằm quên đi những nỗi đau buồn trong quá khứ. Phương cách quên đi thực tại đó đã đem  lại cho họ những vấn đề về thần kinh.

Ron Cowart, một cảnh sát nghỉ hưu và bản thân ông cũng là một cựu chiến binh bị thương vì chiến tranh. Hiện ông đang điều hành một chương trình phòng chống khủng hoảng dành cho những cựu chiến binh vô gia cư. Ông cho biết mình từng chứng kiến một số người bị chết ngoài trời nắng nóng do say rượu. “Chúng tôi tìm thấy xác họ trong các bụi cây. Ai nhìn thấy những cảnh tượng thương tâm như vậy cũng phải trào nước mắt”, ông Cowart kể lại.

“Khi họ đi chiến đấu, chúng ta dạy họ cách chiến đấu và phán đoán các mối nguy hiểm tiềm tàng, nhưng sau khi họ xuất ngũ thì chúng ta đã sẵn sàng giúp đỡ họ chưa?”, ông Cowart bày tỏ.

Trong số những cựu chiến binh vô gia cư, số lượng phụ nữ ngày càng gia tăng. Kimberley Armstrong là một trong số đó. Trước đây, bà phục vụ cho Hải quân Mỹ trong thời kỳ xảy ra cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh. Trong thời gian này, bà bị một sĩ quan hiếp dâm. Bà xuất ngũ vào năm 1991 và đến năm 2001, bà phải vào bệnh viện tâm thần. Vào năm 2004, bà bắt đầu dùng thuốc methamphetamine để điều trị bệnh. Hiện bà đang sống trong một căn lều của người vô gia cư và cắt đứt liên lạc với con cái mình trong suốt 5 năm nay vì bệnh tật.

Ernest, một cựu chiến binh Mỹ khác từng tham chiến trong cuộc chiến tranh Việt Nam, đang ngồi ăn xin ở một khu phố ở Mississippi. Ernest cho biết chất độc da cam đã phá hủy đôi mắt của ông khi ông ở độ tuổi 30.

Thật bất ngờ khi tại một trong những quốc gia giàu nhất thế giới, theo thống kê năm 2017, 553.742 người Mỹ đã trở thành người vô gia cư. Điều đó có nghĩa là cứ 10.000 người ở Mỹ thì có 17 người vô gia cư.

Và theo Bộ Phát triển Nhà và Đô thị Hoa Kỳ, khoảng 10% trong số đó là cựu chiến binh vô gia cư, với 3/5 phải ở trong các nơi trú ẩn khẩn cấp hoặc các chương trình nhà ở chuyển tiếp, còn 2/5 được tìm thấy ở những nơi không phù hợp để con người sinh sống.

Tổng hợp

guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận