Trong dân gian thường có câu “Cơm không rau như đau không thuốc”. Điều đó chứng nhân dân ta đã xác nhận giá trị dinh dưỡng của rau trong đời sống. Nói đến rau, người ta thường nghĩ đến vai trò cung cấp chất xơ, vitamin, nhưng ít ai biết rằng, một số loại rau lại rất giàu chất đạm (protein) như: rau sắng, rau ngót, rau dền, rau nhút, rau muống, lá khoai mì…

-Quảng Cáo-

Rau cung cấp cho cơ thể một nguồn protein (đạm) nhất định. Khi dùng 500g rau muống, cơ thể ta được cung cấp một lượng protein 16g, tương đương 100g thịt ba rọi. Các loại rau họ đậu như đậu xanh, đậu ván, đậu nành, đậu ngự, đậu đen thì lượng protein của chúng cao hơn thịt, cá, trứng.

Chất đạm có cấu tạo từ các acid amin, trong số đó có 10 loại cơ thể không thể tổng hợp được. Loại đạm nào có đầy đủ các acid amin với số lượng lớn là đạm quý có giá trị dinh dưỡng cao. 

Từ trước đến nay, người dân ở các nước nghèo, vùng nông thôn luôn thiếu nguồn protein động vật thì các thức ăn thực vật vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc cung cấp protein cho con người. Nếu chúng ta biết chế biến đúng cách, ăn phối hợp trứng, thịt, cá, rau và các loại đậu thì nguồn protein cung cấp cho cơ thể sẽ dồi dào hơn. Biện pháp này hữu hiệu, cải thiện tình trạng thiếu đạm ở vùng nông thôn.

Những loại rau giàu chất đạm

– Rau muống: là món rau quen thuộc của mọi người, hiện nay nhiều người đã tự trồng rau muống để dùng trong gia đình. Rau muống có giá trị dinh dưỡng cao, 100g rau muống cung cấp được 2,7 – 3,2g đạm, ăn 500g rau muống cơ thể ta được cung cấp một lượng protein 16g, tương đương 100g thịt ba rọi. Trong rau muống có nhiều loại acid amin như lysin, metionin… và nhiều chất khoáng như calci, phosphor, sắt, các loại vitamin.

Về công dụng làm thuốc, rau muống có vị ngọt dịu, tính mát, có tác dụng chống độc, chống viêm, lợi tiểu và cầm máu. Rau muống chữa ngộ độc thức ăn (phải dùng đến 0,5 kg rau muống giã nát ra vắt lấy nước uống sau khi đã làm nôn ra thức ăn), giải mọi chất độc của các thứ thuốc hoặc có thể cứu được những người uống nhầm thuốc trái với bệnh. Ngay cả trường hợp bị nhiễm chất độc hóa học cũng có thể dùng rau muống để giải độc.

Rau muống dại hay rau muống biển cũng có thể ăn được nhưng theo kinh nghiệm dân gian phải ngắt bỏ phần đọt, nếu không sẽ bị tiêu chảy. Rau muống biển còn là vị thuốc chữa thấp khớp, tạng khớp, dùng ngoài đắp vào vết sứa cắn.

Trong nhà tù Côn Đảo thời kháng chiến chống Mỹ, rau muống là một loại thực phẩm quý, các tù nhân Côn Đảo phải tận dụng cả lá già, phần gốc phơi khô dùng dần vì tình trạng thiếu rau xanh. Khi bị giặc tra tấn bằng cách bỏ vào thùng phuy chứa nước đậy nắp lại, đập vào làm tù nhân đau đầu, tức ngực, thậm chí chảy máu lỗ tai, các tù nhân cách mạng đã dùng bài thuốc đọt rau muống biển sắc lấy nước pha thêm chút muối uống để chữa nội thương.

– Rau sắng: là loại cây mọc nhiều ở phía Bắc nước ta, nổi tiếng nhất là rau sắng chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội), ở miền Nam gặp ở núi Đinh (tỉnh Đồng Nai). Rau sắng là loại rau quý của nước ta, nấu canh với thịt, cá ăn rất ngon nhưng nếu không có thịt, cá nấu canh không vẫn ngon ngọt, đậm đà hơn hẳn các loại canh khác. Rau sắng không chỉ ngon mà còn có những chất bổ quý, có nhiều giá trị dinh dưỡng nhất trong các loại rau ở nước ta.

Ngoài việc cung cấp cho cơ thể nhiều loại vitamin và muối khoáng, rau sắng còn cung cấp một lượng đáng kể chất đạm (protein) và chất bột (glucid). Tỷ lệ đạm trong rau sắng cao gấp đôi rau muống và hơn cả đậu côve, đậu đũa, đậu ván… là những thức ăn thực vật họ đậu từ xưa vẫn nổi tiếng là giàu đạm (trong 100g rau sắng có 6,5g đạm, trong 100g rau muống chỉ có 3,2g, đậu cove có 5g, đậu đũa 6g, đậu ván 2,8g).

Chất đạm trong rau sắng lại thuộc loại quý gồm nhiều acid amin quý cơ thể không thể tổng hợp được như lysin, metionin… Về giá trị làm thuốc chỉ biết rau sắng dùng rễ chữa sán.

 Rau ngót (rau bù ngót, bồ ngót), mọc hoang khắp nơi và được trồng làm thuốc. Rau ngót phải vò cho nát rồi mới dùng nấu canh với tôm, tép, cá lóc, cá rô, thịt nạc, canh rau ngót mát và có vị ngọt rất đặc biệt. 100g rau ngót cung cấp cho cơ thể 5,3 g đạm và các acid amin.

Rau ngót là loại cây rất dễ trồng, hàng năm nên đốn gốc cũ, cây trẻ lại cho năng suất cao. Rau ngót già dùng làm thuốc tiêu độc, rau ngót tươi dùng giã lấy nước cốt rơ lưỡi cho trẻ nhỏ.  

– Rau dền canh (rau dền tía, rau dền đỏ) được dùng trong lĩnh vực dinh dưỡng từ 8.000 năm trước  của người thổ dân châu Mỹ, ở Hoa Kỳ, người ta trồng rất nhiều dền đỏ (vì nó là 1 trong 40 thực phẩm thông dụng ở đây). Rau dền phát triển tốt trên mọi loại đất, đối với những đồng bào đi định cư ở các vùng kinh tế mới nên tranh thủ trồng cây rau dền, vừa có thức ăn bổ dưỡng, vừa cải tạo đất mới. Tổ chức lương thực và nông nghiệp thế giới đã khẳng định vị trí, vai trò của rau dền tía trong kinh tế phụ gia đình và khuyến khích phát triển cây dền tía trên nhiều nước.

Trong 100g rau dền có 1,7g đạm. Hạt của rau dền tía có giá trị dinh dưỡng rất cao, chứa 16 – 18% chất đạm, 62% tinh bột, 6% chất béo, được xem như là hạt bồ đào dùng cho vào bột mì làm bánh, là loại lương thực có giá trị cao hơn lúa mì, bắp, lúa và đậu tương. Hạt dền cho gà ăn sẽ làm gà lớn gấp sáu lần so với bình thường.

Cây dền tía phòng và chữa tác hại của xạ trị, chất phóng xạ. Dầu hạt dền được Nhật dùng tẩy rửa phóng xạ, chữa nhiễm chất phóng xạ. Rau dền vị ngọt, tính mát, lợi đại tiểu tiện, chữa tiểu không thông, táo bón, kiết lỵ. Nên chú trọng trồng cây dền tía, đặc biệt là lấy hạt.

 Rau nhút (hay còn gọi là rau rút) là rau ăn rất thông dụng, có mùi thơm đặc biệt như mùi nấm hương, trong 100g rau nhút có 3,4g chất đạm. Đây là loại rau dùng chấm với mắm kho, nấu canh chua, nấu lẩu, trồng rau nhút là nghề cho thu nhập khá.

Canh rau nhút nấu với khoai sọ là một món lạ miệng, có tác dụng mát người. Rau nhút có vị ngọt, tính mát, nhuận tràng, mát gan, mạnh gân cốt, an thần, gây ngủ, thường chữa sốt cao, bướu cổ (ăn rau nhút trong một tháng liền). Nhưng chú ý rau nhút có tính lạnh, người tạng hàn không nên dùng, trẻ con ăn nhiều không tốt.

Tổng hợp

guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận