Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12 Trang 13 Trang 14 Trang 15 Trang 16 Trang 17 Trang 18 Trang 19 Trang 20 Trang 21 Trang 22 Trang 23 Trang 24 Trang 25 Trang 26 Trang 27 Trang 28 Trang 29Kế tiếp
Chương 4
Mít Đặc làm thơ
Mít Đặc không thành công trong hội hoạ nên chú quyết định sẽ trở thành thi sĩ. Chú có quen một nhà thơ ở phố Hoa Lan. Tên thật anh ta là Bi nhưng vì tất cả các thi sĩ thường ưa những cái tên đẹp đẽ cho nên từ khi anh ta làm thơ, Bi lấy tên là Hoa Giấy.
Một hôm Mít Đặc đến tìm Hoa Giấy và nói :
– Hoa Giấy ạ, cậu dạy mình học làm thơ đi, mình cũng muốn trở thành thi sĩ.
– Nhưng cậu có khiếu làm thơ không? – Hoa Giấy hỏi.
– Dĩ nhiên là có. Tớ rất có năng khiếu. – Mít Đặc đáp.
– Mình sẽ thử xem sao. Cậu có biết thế nào là vần thơ không?
– Không. Vần thơ là cái gì?
– Khi nào hai từ có tận cùng như nhau thì gọi là ăn vần. – Hoa Giấy giải thích – Ví dụ: vịt với thịt, cáo với gáo. Cậu hiểu chưa?
– Hiểu rồi.
– Cậu tìm cho mình một từ vần với bé.
– Choé. – Mít Đặc đáp.
– Vần gì như thế: bé – choé? Hai từ chẳng có vần gì cả.
– Tại sao? Cả hai từ tận cùng bằng chữ e mà.
– Thôi đi, phải làm sao cho các từ nó y hệt nhau và ăn khớp cơ. Này nhé: mèo – trèo, chậu – nhậu, bếp – nếp.
– Mình hiểu rồi! Mèo – trèo, chậu – nhậu, bếp – nếp. Chà, thật là kỳ diệu! Ha-ha-ha!
– Cậu tìm cho mình một từ vần với thương nhân. – Hoa Giấy nói.
– Khương nhân. – Mít Đặc đáp.
– Khương nhân! – Hoa Giấy ngạc nhiên – Cậu tưởng có cái từ ấy à?
– Chẳng lẽ không có cái từ ấy hay sao?
– Tất nhiên là không.
– Vậy thì hái nhân!
– Hái nhân là cái quái gì? – Hoa Giấy tròn xoe đôi mắt.
– Thế người chuyên đi hái không thể gọi là hái nhân được à? – Mít Đặc giải thích.
– Làm gì có từ ấy. – Hoa Giấy đáp – Cậu chỉ phịa thôi! Không nên bịa đặt mà phải tìm những từ đã có sẵn.
– Nếu mình không tìm ra thì sao?
– Nếu cậu không tìm ra là cậu cóc có khiếu làm thơ.
– Vậy cậu nói cho mình xem từ nào thì vần với thương nhân? – Mít Đặc trả lời.
– Cậu chờ một phút. – Hoa Giấy đồng ý.
Hoa Giấy đứng ở giữa phòng, tay chắp trước ngực, đầu ngoẹo về một bên vai và bắt đầu nghĩ. Một lát sau, chú ngửa đầu nhìn lên trần nhà và lại suy nghĩ. Rồi đưa tay ôm lấy cằm suy nghĩ, rồi nhìn xuống đất. Làm như thế, chú vừa dạo trong phòng vừa lẩm nhẩm:
– Thương nhân, chương nhân, phương nhân… – Nhưng chú thử hoài các phụ âm khác nhau mà vần thơ vẫn không đến. Sau đó Hoa Giấy nói: – Chà, từ chi mà lạ! Không tài nào tìm ra vần được.
– À! – Mít Đặc kêu lên vui mừng – Cậu thấy đấy nhé! Cậu bắt mình tìm vần cho một cái từ vốn chẳng vần vò gì với cái từ nào khác, thế rồi cậu lại bảo là mình chẳng có khiếu làm thơ.
– Mình rất mong cậu có khiếu làm thơ miễn là cậu đừng làm rầy rà mình. – Hoa Giấy nói – Mình đang đau đầu đây. Cậu cứ viết sao cho nó ăn vần với nhau và có ý nghĩa, thế là cậu làm thơ đấy.
– Đơn giản thế thôi à? – Mít Đặc ngạc nhiên.
– Ừ, rất đơn giản. Điều cốt yếu là phải có khiếu.
Vừa về đến nhà, Mít Đặc bắt tay ngay vào sáng tác. Chú dạo bước trong phòng, khi thì nhìn lên trần nhà, khi thì nhìn xuống đất, đưa tay ôm cằm và miệng lẩm ba lẩm bẩm. Tối đến thì bài thơ đã hoàn thành.
Chú bảo các bạn:
– Này các cậu, mình đọc cho các cậu nghe một bài thơ mình vừa làm xong nhé.
– Thật à? Thơ cậu nói về cái gì thế? – Mọi người quan tâm hỏi.
– Về các cậu đấy! – Mít Đặc thú nhận – Đây mấy câu tặng cậu Biết Tuốt:
Một hôm đi dọc theo dòng suối
Biết Tuốt nhảy qua con cá chuối.
Biết Tuốt la lên:
– À, cậu trông thấy mình nhảy qua con cá chuối bao giờ thế?
Mít Đặc giải thích:
– Để cho nó vần vò thành thơ mà lị.
– Để cho nó vần à? Thế muốn cho nó vần thì cậu cứ bịa ra những điều sai sự thật hay sao? – Biết Tuốt tức giận.
– Đúng thế đấy! Điều gì đã có thật thì mình chẳng cần bịa đặt ra nữa. – Mít Đặc đáp.
– Nếu cậu còn làm như vậy nữa thì cậu sẽ biết tay mình! – Biết Tuốt đe doạ – Bây giờ thử xem cậu viết về các cậu khác ra sao nào?
– Các cậu nghe này, đây là thơ tặng cậu Nhanh Nhảu:
Nhanh Nhảu đói, thật tội
Nuốt chửng bàn là nguội.
Nhanh Nhảu hét:
– Nó nói dối đấy! Mình có bao giờ nuốt cái bàn là nguội đâu.
– Cậu đừng giận, muốn cho nó vần, mình mới nói cái bàn là nguội. – Mít Đặc trả lời.
Nhưng Nhanh Nhảu càng hét dữ hơn:
– Mình không bao giờ nuốt chửng cái bàn là nguội, nóng nào cả!
– Nào mình có nói là cậu nuốt chửng cái bàn là nóng đâu. Yên! Nghe thơ về cậu Ngộ Nhỡ đây:
Có cái bánh nhân mỡ
Dưới gối cậu Ngộ Nhỡ.
Ngộ Nhỡ lật ngay cái gối lên và cáu sườn tuyên bố:
– Lại nói dối rồi! Có cái bánh nào đâu!
– Khổ lắm, cậu chẳng hiểu thơ ca gì cả. Chỉ vì cho nó vần nên người ta mới nói là có cái bánh, mặc dù cậu chẳng có cái bánh cóc nào. Các cậu có muốn mình đọc mấy câu thơ về cậu Thuốc Viên không?
Bác sĩ Thuốc Viên kiên quyết phản đối:
– Các bạn ơi, Mít Đặc nó giễu chúng mình. Phải chấm dứt đi thôi. Chẳng lẽ chúng mình cứ nghe cậu ấy đọc những câu thơ nhảm nhí về chúng mình mãi hay sao?
Hầu hết các chú tí hon đều đồng ý như vậy:
– Thôi đi! Nghe đủ rồi! Đấy không phải là thơ mà là chuyện trêu chọc.
Nhưng Biết Tuốt, Nhanh Nhảu và Ngộ Nhỡ thì lại hét to:
– Cứ tiếp tục đi! Cậu ấy đọc về bọn mình rồi, bây giờ để cậu ấy đọc những câu thơ viết về các cậu khác xem sao nào.
– Không, không! – Các chú kia thét – Chúng tớ chẳng thèm nghe nữa đâu!
– Được rồi, nếu các cậu chẳng thèm nghe thì mình sẽ đi đọc cho hàng xóm láng giềng nghe vậy.
Thế là tất cả cùng la lên một lượt:
– Sao? Cậu định đem giễu bọn mình với người khác à? Nếu cậu làm thế thì cậu đừng có về đây nữa.
– Được, mình chẳng đi đâu. – Mít Đặc đồng ý – Nhưng mà các cậu đừng có cáu với mình nữa nhé.
Từ đó, Mít Đặc không bao giờ làm thơ nữa.
Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12 Trang 13 Trang 14 Trang 15 Trang 16 Trang 17 Trang 18 Trang 19 Trang 20 Trang 21 Trang 22 Trang 23 Trang 24 Trang 25 Trang 26 Trang 27 Trang 28 Trang 29Kế tiếp