Bức “Người đàn ông rơi” (The Falling Man) của nhiếp ảnh gia Richard Drew chụp năm 2001
Trong khi đưa tin về vụ tấn công khủng bố 11/9/2001 do tổ chức Hồi giáo cực đoan Al-Qaeda gây ra, nhiếp ảnh gia người Mỹ Richard Drew của hãng tin AP đã chụp nhiều bức ảnh ghi lại cảnh những người ở trong tòa tháp đôi lựa chọn cách nhảy từ trên tầng cao xuống mặt đất để nhanh chóng tìm tới cái chết thay vì chịu cảnh chết ngạt, chết cháy.
Bức “Người đàn ông rơi” là một khoảnh khắc trong số đó. Bức ảnh này được biết tới nhiều nhất trong cả chùm ảnh kinh hoàng mà Richard Drew đã thực hiện, nó khắc họa một người đàn ông trong một lựa chọn dữ dội, bi thương nhưng lại chứa đựng một sự bình tĩnh đến kỳ lạ khi anh lựa chọn nhảy xuống từ tòa tháp.
Rất nhiều người đã phản đối việc đăng tải bức ảnh này trên mặt báo, cho rằng nó quá kinh khủng, nhưng thực tế bức ảnh đã trở thành một “biểu tượng” ám ảnh được biết tới nhiều nhất về vụ tấn công khủng bố 11/9.
Đối với những người “may mắn” sống sót trong thảm họa, chứng kiến cảnh tượng hai tòa tháp WTC đổ sập ngay trước mắt và hàng ngàn người hôn tạm biệt người thân vào buổi sáng định mệnh rồi mãi mãi không quay trở lại, 11/9 là một vết thương không thể nào hàn gắn.
Cô gái Afghanistan (1984)
Nhiếp ảnh gia: Steve McCurry
Bức ảnh này do nhiếp ảnh gia của National Geographic chụp được tại một trại tị nạn ở Afghanistan. Trong ảnh là cô bé Sharbat Gula, một học sinh trong khu tị nạn. Khi chụp bức ảnh này, cô bé mới 12 tuổi. Danh tính của Gula được xác định năm 1992.
Cô bé Omayra Sánchez (1985)
Omayra Sánchez là một trong số 25.000 nạn nhân trong trận núi lửa Nevado del Ruiz (Colombia) xảy ra vào ngày 14/11/1985. Cô bé 13 tuổi này bị kẹt trong nước và bê tông suốt 3 ngày.
Bức ảnh ghi lại những giây phút cuối cùng của cô bé sau trận núi lửa phun kinh hoàng năm 1985 ở Colombia đã trở thành một trong những tấm hình gây nhiều tranh cãi nhất thế giới.
Ngày 13/11/1985, một đợt phun trào từ núi lửa Nevado del Ruiz đã tạo ra một dòng bùn đá (lahar) và chảy với tốc độ cực nhanh về hướng thị trấn Armero.
Do không được cảnh báo từ trước để sơ tán, hầu như toàn bộ người dân ở Armero và 13 ngôi làng khác ở Tolima đã bị dòng lahar phá hủy và nhấn chìm.
Tổng số nạn nhân mất mạng lên đến 25.000 người, biến nó trở thành thảm họa từ dòng bùn đá tồi tệ nhất từng được ghi nhận.
Đêm xảy ra sự việc, gia đình của Omayra cũng như bao gia đình khác, do không lường trước được sức tàn phá kinh khủng của dòng lahar và họ mãi mãi bị chôn vùi dưới đống đổ nát của chính căn nhà mình.
Cô bé Omayra tuy không bị dòng lahar dữ tợn “nuốt chửng” ngay lập tức nhưng cái chết và nỗi đau kéo dài suốt 3 ngày mà em phải gánh chịu còn kinh hoàng hơn gấp trăm nghìn lần các nạn nhân khác.
Sau khi căn nhà bị sập xuống, Omayra phát hiện chân cô bé bị một khối bê tông đè chặt khiến em không thể di chuyển được.
Qua khe hở của đống gạch đá, Omayra đã cố gắng để vươn bàn tay ra bên ngoài tìm đường thoát thân, cũng nhờ vậy mà đội cứu hộ đã tìm thấy em.
Suốt 3 ngày sau đó, lực lượng cứu hộ đã tập trung để tìm cách giải thoát cho Omayra nhưng mọi nỗ lực đều không thành công. Đến khoảng 10 giờ sáng 16/11/1985, cô bé Omayra đã tử vong do bị hoại tử và hạ thân nhiệt sau 60 tiếng bị mắc kẹt dưới nước.
Cảnh khốn khổ của dân tị nạn Kosovo (1999)
Nhiếp ảnh gia: Carol Guzy
Bức ảnh này đã đoạt giải Pulitzer năm 2000. Trong ảnh là bé Agim Shala (2 tuổi) được ông bà chuyển qua hàng rào tại một trại tị nạn ở Kukes, Albania. Các thành viên trong gia đình Shala đã đoàn tụ tại đây sau khi sơ tán vì xung đột ở Kosovo.
Em bé đói lả bò về phía trại lương thực (1994)
Bức ảnh đoạt giải Pulitzer này được chụp năm 1994 trong nạn đói ở Sudan. Bức ảnh cho thấy một em bé đói lả đang cố bò tới một trại lương thực của Liên hợp quốc, cách đó khoảng 1 km.
Phía sau em bé là con chim kền kền như đang chực chờ đứa bé chết đi để ăn thịt. Bức ảnh đã khiến cả thế giới phải sốc và thương cảm. Không ai biết số phận của đứa bé ra sao, kể cả tác giả của bức ảnh, bởi ngay sau khi chụp bức ảnh này, ông Carter cũng bỏ đi ngay, 3 tháng sau, tác giả của bức ảnh tự tử vì bị trầm cảm.
Hòa Thượng tự thiêu (1963)
Ngày 11/6/1963, Hòa Thượng Thích Quảng Đức đã tẩm xăng lên người và tự thiêu tại một ngã tư đông đúc của Sài Gòn nhằm phản đối sự đàn áp Phật Giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Bức ảnh được truyền đi khắp thế giới và gây sự chú ý trên toàn cầu. Phóng viên chụp bức ảnh này là Malcolm Browne.
Trong suốt quá trình tự thiêu, hòa thượng Thích Quảng Đức đã giữ mình ở tư thế thiền và vẫn ngồi yên tĩnh lặng trong khi ngọn lửa thiêu đốt ông. Bức ảnh đã đem về cho Malcolm Browne một giải Pulitzer của báo chí Mỹ và một giải Ảnh Báo chí Thế giới của năm 1963.
Bức “Em bé napan” của nhiếp ảnh gia Nick Út chụp năm 1972
Nhiếp ảnh chiến trường được coi là ở thời kỳ hoàng kim trong cuộc chiến tranh Việt Nam, khi đó, đã có những nhiếp ảnh gia chiến trường đưa tin đúng sự thật và chỉ có sự thật, không bị tác động bởi những yếu tố chính trị.
Từ chiến tranh Việt Nam, lịch sử nhiếp ảnh chiến trường đã có thêm biết bao bức ảnh kinh điển, ghi lại cuộc chiến tranh tàn khốc, đau thương cướp đi sinh mạng của hàng triệu nạn nhân từng diễn ra trên dải đất hình chữ S. Sẽ không lạ khi trong danh sách này xuất hiện tới hai bức ảnh về chiến tranh Việt Nam.
Bức “Em bé napan” được thực hiện bởi nhiếp ảnh gia Nick Út khắc họa cô bé Kim Phúc và những em bé khác đang kinh hoàng chạy ra từ một ngôi làng vừa bị Mỹ ném bom. Kim Phúc xuất hiện ở trung tâm bức ảnh, không có một mảnh quần áo trên người, em bị bỏng bom napan.
Thoạt tiên, bức ảnh đã suýt bị các biên tập viên của hãng thông tấn AP loại bỏ vì có hình ảnh trẻ em khỏa thân, nhưng xét về bối cảnh lịch sử và nguyên nhân bức ảnh, người ta đã sử dụng ảnh.
Ngay khi bức ảnh xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, dư luận Mỹ đã vô cùng phẫn nộ. Bức ảnh sau đó đoạt giải Pulitzer của báo chí Mỹ, cùng với bức Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu, đã trở thành biểu tượng và động lực cho hàng loạt những hành động của người dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới, đòi kết thúc chiến tranh ở Việt Nam.
Bức “Hỏa hoạn trên phố Marlborough” chụp năm 1975 bởi nhiếp ảnh gia Stanley Forman
Bức ảnh này đã đoạt giải Pulitzer của báo chí Mỹ đồng thời đoạt giải Ảnh Báo chí Thế giới của năm 1975. Khi bức ảnh này xuất hiện trên mặt báo, nó đã khiến chính phủ Mỹ ngay lập tức phải có những động thái trong việc bảo đảm an toàn cho những cầu thang thoát hiểm được thực hiện bên cạnh các tòa nhà cao tầng.
Trong ảnh người mẹ và cô con gái nhỏ đang bị ngã từ một cầu thang thoát hiểm khi tòa nhà họ ở xảy ra hỏa hoạn, chiếc cầu thang đã bị gãy sụp ngay dưới chân họ khiến người mẹ rơi từ độ cao 15m và thiệt mạng vì những chấn thương quá nặng. Cô con gái đã sống sót vì bé rơi lên người mẹ và vì vậy những chấn thương gặp phải đã được giảm bớt.
Khi bức ảnh này xuất hiện trên mặt báo, công chúng Mỹ đã chỉ trích nhiếp ảnh gia Stanley rất nhiều, cho rằng ông đã xâm phạm quyền riêng tư của các nạn nhân, rằng những tờ báo đăng tải hình ảnh này là vô cảm và trục lợi từ bi kịch.
Thanh Phương (Tổng hợp)