Nhiễm Covid-19 có thể là chấm dứt sự nghiệp của vận động viên thể thao vì phổi bị thương tổn

0
1977

Các VĐV thể thao chuyên nghiệp được đánh giá có khả năng khỏi bệnh rất cao dù chẳng may nhiễm virus corona chủng mới. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa đánh giá được hết hậu quả lâu dài về sau của căn bệnh này.

Sự phản ứng chậm chạp của chính phủ và thái độ coi thường căn bệnh SARS-CoV-2 của người dân tại các nước Âu Mỹ có thể để lại cho xã hội một số lượng đông người trong độ tuổi lao động phải sống với 2 lá phổi bị di chứng nặng nề.

-Quảng Cáo-

Các vận động viên cần cẩn trọng tối đa trong việc phòng chống dịch bệnh. Hậu quả của dịch Covid-19 có thể kéo theo sự suy giảm chức năng của phổi sau này. Đây lại là cơ quan đặc biệt quan trọng ở hầu hết các môn thể thao.

Bác sĩ Owen Tsang Tak-yin, Giám đốc Trung tâm bệnh truyền nhiễm bệnh viện Princess Margaret (Hong Kong), cho biết: “2/3 số bệnh nhân được phát hiện có sự biến đổi về dung tích phổi”. Đây là đánh giá bước đầu sau cuộc kiểm tra 12 bệnh nhân khỏi bệnh đầu tiên ở Hong Kong.

Ông cũng thông tin thêm rằng một số bệnh nhân thở khó khăn hơn bình thường sau khi chạy nhanh và độ suy giảm chức năng phổi rơi vào khoảng 20 – 30%. Phim chụp phổi cũng cho thấy một số cơ quan trong cơ thể bị tổn thương.

Trên đài n-TV, bác sĩ Christoph Specht (Đức) thì đưa ra nhận định tương đồng: “Với tầm nhìn hiện tại, những bệnh nhân khỏi bệnh có thể bị di chứng như xơ phổi dẫn đến hạn chế chức năng phổi”.

Sự nguy hiểm của Covid-19 đối với các VĐV thể thao chuyên nghiệp càng được chú ý hơn khi mới đây, cựu kình ngư Cameron Van der Burgh (Nam Phi) đã có những chia sẻ đáng chú ý sau khi vừa phải chống chọi với căn bệnh.

VĐV 31 tuổi này nói: “Cho đến hôm nay, tôi phải thừa nhận đây là loại virus tồi tệ nhất mà bản thân phải chịu đựng. Trước khi mắc bệnh, tôi là một người khoẻ mạnh, chơi thể thao, không hút thuốc, sống lành mạnh, còn trẻ và không có tiền sử bệnh nền.

Tôi đang phải trải qua những cơn mệt mỏi dù triệu chứng sốt đã giảm. Ở tiêu chuẩn của một VĐV, tôi cảm thấy không ổn. Bất kỳ hoạt động thể chất nào, gồm cả đi bộ cũng khiến tôi mệt rã rời trong hàng giờ sau đó. Nền tảng thể chất tích luỹ qua nhiều năm suy giảm trầm trọng. Việc cố gắng tập luyện ở thời điểm này chỉ khiến mọi thứ tệ hơn và khiến sự phục hồi càng chậm chạp”.

Cameron Van der Burgh từng giành HCV Olympic London 2012 nội dung bơi 100m ếch dành cho nam. Ảnh: AFP.

Cameron không phải một VĐV làng nhàng. Anh từng giành HCV Olympic London 2012 nội dung bơi 100m ếch và phá kỷ lục thế giới. Với bản lý lịch ấy, lời chia sẻ của cựu kình ngư này càng khiến những VĐV thể thao chuyên nghiệp Việt Nam và trên thế giới phải cẩn trọng tối đa trước dịch bệnh.

Hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa đưa ra kết luận cuối cùng về hậu quả do Covid-19 gây ra. Việc này cần được theo dõi ở quy mô lớn hơn, trên số lượng lớn các ca bệnh thay vì ở một phạm vi nhỏ như tại Hong Kong hay Đức. Khả năng phục hồi nếu chức năng phổi có suy giảm cũng vẫn là dấu hỏi. Tuy nhiên, từ trường hợp của Cameron Van der Burgh thì cảnh giác cao độ chưa bao giờ là thừa.

Nếu chức năng phổi suy giảm từ 20-30% thì các VĐV chắc chắn sẽ khó có thể trở lại với thể thao đỉnh cao kể cả khi đã âm tính với virus. Sự hồi phục được đánh giá không hề ngắn và ảnh hưởng đến sự nghiệp trước mắt.

Ở Việt Nam, chưa có VĐV thể thao chuyên nghiệp nào dương tính với Covid-19. Các VĐV hiện tại đã được cho về nhà nghỉ ngơi, hoặc tập trung ở một địa điểm cố định với cơ quan chủ quản.

Ở môn bóng đá, các CLB hầu hết đóng cửa với người hâm mộ và giới truyền thông, tránh tiếp xúc với người lạ. Trong khi đó, các trung tâm thể thao, học viện bóng đá,… cũng trong tình trạng “ngoại bất nhập”.

Tất nhiên, không chỉ các vận động viên thể thao, những người bình thường khác cũng sẽ gặp những vấn đề tương tự, vì thế không được coi thường Covid-19.

Virus corona có thể để lại di chứng cho phổi, đi lại cũng trở nên khó khăn

Mới đây, các bác sĩ Hồng Kông cho biết dù các bệnh nhân nhiễm virus corona có khỏi bệnh hẳn thì vẫn có thể để lại di chứng. Cụ thể như việc khiến họ suy giảm chức năng phổi và mau chóng mệt mỏi ngay cả khi đi lại thông thường.

Cơ quan quản lý Bệnh viện Hồng Kông công bố kết luận này sau khi tiến hành kiểm tra một nhóm bệnh nhân. Họ đều đã xuất viện và hồi phục sau Covid-19. Trong số 12 người tham gia, có hai đến ba bệnh nhân có dung tích phổi thay đổi.

“Những bệnh nhân ấy có dấu hiệu thở gấp nếu đi nhanh hơn đôi chút. Hiện tại, chức năng phổi của họ đã bị suy giảm khoảng 20 – 30%, tức là nó không thể hoạt động tốt như phổi người bình thường”, bác sĩ Owen Tsang Tak-yin, Giám đốc y khoa của Trung tâm bệnh truyền nhiễm Bệnh viện Princess Margaret cho biết.

Mặc dù vẫn còn quá sớm để có thể kết luận những ảnh hưởng lâu dài mà virus corona mang lại, nhưng theo kết quả kiểm tra phổi của 9 bệnh nhân tại bệnh viện cho thấy “có dấu hiệu tổn thương kính mờ, ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng”, ông Tsang cho biết.

Qua ảnh chụp CT, phổi bệnh nhân xuất hiện các lớp màng trắng do chất lỏng tích tụ. Trên đây là ảnh chụp được ở các giai đoạn bệnh, cho thấy tổn thương kính mờ rõ rệt nếu bệnh tiến triển nặng. Tuy nhiên, ông Tsang nói thêm bệnh nhân sau khi xuất viện có thể thực hiện các bài tập tim mạch, vận động bơi lội để cải thiện khả năng hoạt động phổi theo thời gian.
 

WHO quan sát thấy căn bệnh này thường tấn công phổi theo 3 giai đoạn: Đầu tiên là xâm nhập tế bào, hình thành nên ổ virus; tiếp theo là gây rối loạn hệ miễn dịch (ví dụ hội chứng bão cytokine); và cuối cùng là gây tổn thương phổi.

Trong giai đoạn 3, tổn thương phổi tiếp tục lan rộng và có thể dẫn đến suy hô hấp. Nếu bệnh nhân may mắn không chết, phổi của họ cũng bị tổn thương vĩnh viễn với những lỗ thủng nhìn như “tổ ong”. Đó là đặc điểm của SARS, và bệnh nhân COVID-19 cũng bị tương tự.

Tổng hợp

guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận