Nhà máy giấy Lee & Man đưa chất thải, rác rưởi đi san lấp mặt bằng

0
2468

Thay vì vận chuyển từ chủ nguồn thải tới nơi xử lý theo quy định, hàng ngàn tấn chất thải, rác thải từ Nhà máy giấy Lee & Man (Hậu Giang) đã bị đem đi san lấp mặt bằng.

-Quảng Cáo-

Chất thải hỗn hợp, rác thải được một đơn vị xử lý môi trường đổ xuống ao, hồ rồi dùng máy xúc móc đất lấp lên để xóa dấu vết.

Theo điều tra của Tuổi Trẻ, số rác thải này xuất phát từ nhà máy giấy Lee & Man (thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang).

Thay vì đưa đi xử lý theo hợp đồng đã ký với nhà máy thì Công ty TNHH Kỹ thuật môi trường Bắc Nam (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM) đem đi san lấp mặt bằng ở huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Lần theo đường đi của rác thải

Khoảng 16h ngày 12-8, tại một bãi rác khổng lồ, lộ thiên ven đường Nguyễn Hữu Thọ (xã Long Thới, huyện Nhà Bè, TP.HCM), xe ben 10 tấn mang biển số 51D-310… đang được máy xúc múc từng gầu rác thải đổ lên thùng xe.

Sau đó, chiếc xe ben đầy rác này chạy tới một con hẻm thuộc ấp 2, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh thì quẹo vào. Điểm “tập kết” này là một khoảnh ao hồ cũ rộng khoảng 8.000m2, đã được san lấp khoảng 70-80% tổng diện tích.

Tại đây, chúng tôi thấy có nhiều chiếc xe ben chở đầy rác đổ xuống để một máy xúc bắt đầu công việc san lấp.

Cả chục tấn rác thải lập tức được múc nhỏ từ điểm này san phẳng ra rồi vùi sâu xuống. Những khối rác đủ thành phần, từ nilon, thủy tinh, kim loại và nhiều loại tạp chất khác lần lượt được vùi vào lòng đất. Cuối cùng là công đoạn cào đất, phủ lên trên bề mặt để lấp đi số rác bên dưới.

Rác được công nhân Nhà máy Lee and Man dùng xe xúc lên xe container tại khu vực chứa rác trong nhà máy – Ảnh cắt từ clip

Rác hỗn hợp gồm thủy tinh, kim loại, bã giấy và các loại nilon được đưa lên thùng xe – Ảnh cắt từ clip

Việc chôn lấp rác thải ớ đây diễn ra liên tục trong nhiều ngày. Trong những ngày có mặt tại hai điểm xuất phát và đích đến, chúng tôi ghi nhận hàng loạt xe ben có trọng tải tương tự, mang biển số: 51C-996…, 51D-315…, 51D-313… liên tục chở chất thải từ bãi rác tại xã Long Thới, huyện Nhà Bè tới điểm san lấp tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh.

Thời gian hoạt động của đoàn xe này chủ yếu từ cuối giờ chiều hôm trước đến rạng sáng hôm sau, cao điểm là từ 19h đến 23h mỗi ngày.

“Núi rác” trên từ đâu? Vào cuộc điều tra, chúng tôi phát hiện sự thật bất ngờ khi biết nó từ bãi rác của một đơn vị có chức năng vận chuyển các loại chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại.

Đó là công ty TNHH Kỹ thuật Môi trường Bắc Nam (gọi tắt là Công ty Bắc Nam), trụ sở đặt trên đường Lê Văn Lương, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè (TP.HCM) – một doanh nghiệp luôn quảng bá có nhiều thành tích, bằng khen của cơ quan chức năng từ trung ương tới địa phương nhờ bảo vệ môi trường.

Cuối tháng 12-2017, Tuổi Trẻ bắt đầu tiếp cận bãi tập kết rác rộng khoảng 10.000m2 trên của công ty Bắc Nam. Tại đây, chúng tôi thấy hàng đống chất thải dạng xỉ, tro, ni lông vụn và nhiều tạp chất khác.

Từ tháng 12-2017 tới tháng 8-2018, khu vực này liên tục có các xe container chở rác từ bên ngoài về đổ. Lúc cao điểm, khu vực này như một núi rác cao khoảng 10m. Mặc cho bãi rác lộ thiên cao lên qua từng ngày, số lượng rác khổng lồ, án ngữ suốt gần một năm, nhưng qua nhiều ngày theo dõi chúng tôi không thấy cơ quan chức năng nào kiểm tra, xử lý.

Bãi rác này chính là điểm xuất phát cho những chuyến xe ben chở đầy rác thải đi chôn lấp đã được đề cập ở trên. Vậy rác thải từ đâu đổ về bãi rác này?

“Ăn” hai đầu

Phía công ty Lee and Man cung cấp các hợp đồng kinh tế đã ký với công ty Bắc Nam và Kbec Vina về việc xử lý chất thải rắn công nghiệp không nguy hại.

Theo bản hợp đồng được ký kết vào tháng 5-2018, công ty Lee and Man giao chất thải cho công ty Bắc Nam vận chuyển tới công ty Kbec Vina để xử lý theo đúng quy định pháp luật VN, đảm bảo vệ sinh môi trường. Trách nhiệm của các bên là độc lập, bên nào vi phạm, bên đó hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Công ty Lee and Man phải trả cho công ty Bắc Nam 900 đồng/kg chất thải là nhựa tạp, bã giấy, xỉ tạp (cát, đá, kim bấm…) và 1.150 đồng/kg bùn thải.

Nếu chuyển tới điểm xử lý của công ty Kbec Vina, công ty Bắc Nam sẽ phải trả một số tiền nhất định (khoảng 30-50% tổng giá tiền nhà máy Lee and Man trả công ty Bắc Nam – PV). Do vậy, nếu không chuyển rác thải tới công ty Kbec Vina thì công ty Bắc Nam sẽ không phải trả số tiền này và giảm được chi phí vận chuyển.

Bất ngờ từ nhà máy giấy Lee and Man

Sau nhiều ngày lần theo lộ trình bất thường của những chiếc xe chở rác thải cho công ty Bắc Nam, chúng tôi đã tìm ra nơi phát sinh số rác thải này. Đó chính là nhà máy giấy Lee and Man (thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang).

Hơn 23h đêm một ngày cuối năm 2017, chúng tôi bám theo các xe tải vào nhà máy Lee and Man nhận chất thải, rác thải các loại.

Đây là các xe của Công ty Bắc Nam – đơn vị ký kết hợp đồng vận chuyển rác thải (bao gồm chất thải nguy hại và không nguy hại), cho nhà máy giấy Lee and Man. Hầu hết các xe chuyên chở này đều gắn chữ UBND TP.HCM trên đầu xe và trên cửa xe.

Sau khi làm thủ tục qua cửa, tài xế chạy xe đến khu vực tiếp nhận rác thải. Tại đây, chúng tôi chứng kiến những họng xả rác liên tục đùn ra đủ thứ, từ tro xỉ, rác hỗn hợp (thủy tinh, kim loại, bã giấy và các loại nilon…). Các xe nhận đầy rác liên tục rời khỏi nhà máy trực chỉ hướng TP.HCM.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, nhà máy Lee and Man đã thuê các đơn vị vận chuyển đưa rác thải tới các điểm xử lý theo quy định tại huyện Tân Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Trong cả chục ngàn tấn rác thải từ nhà máy Lee and Man được công ty Bắc Nam chuyên chở, một số được vận chuyển tới đúng nơi quy định, số còn lại bị đưa về bãi tập kết trái phép, sau đó đưa đi san lấp mặt bằng.

Xe ben có biển số 51D-310… được xe máy xúc múc từng gàu rác lên xe tại bãi tập kết huyện Nhà Bè, TP.HCM – Ảnh cắt từ clip

Xe ben mang biển kiểm soát 51D-31…3 sau khi rời bãi tập kết tại huyện Nhà Bè đã đến bãi đất trống huyện Bình Chánh đổ rác san lấp mặt bằng – Ảnh cắt từ clip

Xe ben hạng nặng hiệu HOWO mang biển số 51C490… do tài xế tên C. điều khiển đang nâng thùng đổ hàng chục tấn tro xỉ tại cảng Cái Cui, TP.Cần Thơ – Ảnh cắt từ clip

Cảng Cái Cui cũng bị “ăn rác”

Nhiều ngày theo dõi, chúng tôi khá bất ngờ khi phát hiện rác thải của nhà máy Lee and Man không chỉ được đem san lấp ở huyện Bình Chánh, TP.HCM mà còn được đem đi đổ ở cảng Cái Cui (Cần Thơ).

Khoảng 13h ngày 25-12-2017, tại cảng Cái Cui, phía trong một khu đất trống, chiếc xe ben hạng nặng hiệu HOWO mang biển số 51C 490… do tài xế tên C. điều khiển chở chất thải từ nhà máy Lee and Man đến đổ.

Tiếp cận tài xế C., anh này cho hay lúc trước anh nhận chất thải rồi chở về bãi của công ty Bắc Nam ở huyện Nhà Bè đổ, gần đây mới đổ ở cảng Cái Cui. Hầu hết là tro xỉ. Mỗi ngày, tài xế C. đổ 6-7 chuyến,

4.000 tấn chất thải đi đâu?

Khi hay tin rác thải từ nhà máy của mình bị đưa đi san lấp mặt bằng, lãnh đạo Lee and Man hết sức bất ngờ.

Phía nhà máy đã tích cực hợp tác với Tuổi Trẻ để làm rõ chân tướng sự việc. Từ đó, phát hiện khoảng 4.000 tấn chất thải đã bị công ty Bắc Nam “phù phép” khỏi quy trình xử lý theo quy định pháp luật, cũng như hợp đồng đã ký kết.

Theo điều tra của Tuổi Trẻ (từ tháng 10-2017), thực hiện hợp đồng vận chuyển chất thải từ nhà máy Lee and Man tới đơn vị tiếp nhận, công ty Bắc Nam đã có những biểu hiện bất thường, có sự chênh lệch lớn về số lượng tiếp nhận và chuyển giao, xử lý.

Cụ thể, theo hợp đồng giữa công ty Lee and Man và công ty Bắc Nam, tất cả chất thải từ nhà máy buộc công ty Bắc Nam phải chuyển tới khu xử lý ở xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành, Bà Rịa Vũng Tàu thuộc công ty TNHH Kbec Vina (gọi tắt là công ty Kbec Vina), hoặc tới công ty TNHH MTV thương mại – môi trường Thiên Phước (Công ty Thiên Phước) ở TP Biên Hòa, Đồng Nai.

Tuy nhiên, thực tế có nhiều chuyến xe lại chở chất thải đổ tại cảng Cái Cui (Cần Thơ), hoặc đổ tại bãi tập kết ở xã Long Thới, huyện Nhà Bè, TP.HCM.

Theo số liệu do nhà máy Lee and Man cung cấp, trong tháng 10-2017, công ty này đã giao cho công ty Bắc Nam 123 chuyến xe với hơn 3.158 tấn chất thải rắn. Nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, số chất thải mà công ty Kbec Vina tiếp nhận từ công ty Bắc Nam chỉ có 18 xe với hơn 591 tấn, còn công ty Thiên Phước chỉ 980 tấn.

Qua đối chiếu số liệu, trong số 3.158 tấn chất thải nhận từ nhà máy Lee and Man, chỉ có khoảng 1.571 tấn được chuyển giao cho các đơn vị có chức năng xử lý chất thải đúng quy định, còn 1.580 tấn đã bị công ty Bắc Nam “hô biến” không rõ dấu vết.

Từ tháng 1-2018 tới cuối tháng 8-2018, việc “phù phép” rác thải lại tiếp tục diễn ra. Trong thời gian này, số chất thải công ty Bắc Nam nhận từ Lee and Man là gần 17.500 tấn.

Theo hợp đồng, công ty Bắc Nam phải chuyển tới nơi xử lý (TP Biên Hòa và huyện Tân Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu), nhưng thực tế một lượng lớn chất thải được đổ ở bãi đất tại huyện Nhà Bè để từ đây, một phần chất thải được đưa đi san lấp mặt bằng tại huyện Bình Chánh như đã nêu.

Đỉnh điểm, tháng 4-2018, công ty Bắc Nam nhận hơn 2.924 tấn, nhưng chỉ chuyển giao cho công ty Kbec Vina khoảng 1.294 tấn. Hơn 1.630 tấn rác còn lại đi về đâu, có lẽ chỉ công ty Bắc Nam mới có thể giải thích được?

Còn tổng hợp, đối chiếu số liệu từ tháng 10-2017 đến hết tháng 8-2018, chúng tôi thấy có khoảng 4.000 tấn chất thải đã “biến mất” một cách kỳ lạ. Và từ điều tra của chúng tôi cho thấy, một phần không nhỏ trong số này đã được đem đi san lấp mặt bằng.

Xe ben mang biển kiểm soát 51D-315… chở đầy rác đang rời bãi tập kết tại huyện Nhà Bè tiến về bãi đất tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh đổ xuống – Ảnh cắt từ clip

Nguy cơ ung thư, nhiễm trùng máu cao

Đó là cảnh báo của tiến sĩ Tiến sĩ Vũ Ngọc Long, Chủ tịch Hội đồng khoa học, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam – Viện Hàn lâm khoa học công nghệ VN về hậu quả của việc chôn lấp chất thải rắn công nghiệp trong khu dân cư.
 

Tiến sĩ Long cho biết, chất thải rắn công nghiệp với các thành phần như kim loại, ni long, nhựa – đặc biệt là ni long thông thường không thể tiêu hủy sau cả trăm năm. Những loại này phải được xử lý, chôn lấp theo một quy trình chặt chẽ nhằm đảm bảo môi trường sống trên bề mặt, đặc biệt là mạch nước ngầm.

Nếu chôn lấp các loại chất thải này trong khu dân cư, không có các giải pháp bảo vệ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ thống nước ngầm bên dưới. Việc ô nhiễm nước ngầm đó có thể làm nước ăn, nước sinh hoạt của người dân bị nhiễm các loại như chì, asen, thủy ngân, phốt pho…

Với các chất này, người ăn uống, tiếp xúc có thể bị nhiễm trùng ngoài da, dễ bị ung thư, nhiễm trùng máu. Vì các chất này cơ thể con người gần như không thể đào thải ra ngoài.

Tuổi Trẻ