Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12Kế tiếp
– IX –
Học trò và cô giáo
Hôm 2 Décember 1933, [1] quan Toàn quyền ký nghị định đặt cho Đông Dương một Ủy ban bài trừ nạn hoa liễu. Hôm 2 Mai 1934 [2], theo lời đề nghị của ông Đốc lý Virgiti, nhà nước lập một hội gọi là Ligue Prophylactique [3], mục đích là khảo cứu cái vấn đề rắc rối ấy trong địa phận Hà thành, thực hành hàng trăm ý kiến mà người ta định đối phó với nạn mại dâm, và để chuyển lên Ủy ban kết quả những phương pháp đã thí nghiệm để xem có thể thực hành được ở khắp cõi Đông Dương không. Hội ấy đã được nghị định 26 Octobre [4] công nhận. Hội trưởng cố nhiên phải là ông Đốc lý Hà thành. Ban trị sự là đại biểu các ngân sách giúp tiền cho hội ấy. Muốn công nhận sự hữu ích của hội, quan Tổng trưởng Thuộc địa [5] trợ cấp cho mỗi năm một số tiền là một vạn bạc. Ngoài những việc khác, người ta cải cách nhà lục xì.
Do Ủy ban bài trừ nạn hoa liễu, trong phúc đường mới có cái trường học kỳ lại là về Vệ sinh nam nữ giao cấu học đường (Ecole de Prophylaxie sexuelle) dưới đây.
Các ngài đừng tưởng một trường học cũng như trăm nghìn trường khác, vẫn hay rằng tuy trong đó cũng có bàn, bục cao, bảng đen, ghế ngồi, nhưng chung quanh trường, thay vào những bảng vẽ địa dư, cách trí [6], đó là những thân thể đàn ông và đàn bà trần truồng, hoặc lành mạnh hoặc có bệnh, và những hình vẽ cơ quan sinh dục nam và nữ, kẻ tỉ mỉ theo ý muốn của nhà cơ thể học, và màu thuốc tô theo tự nhiên. Chung quanh lớp học có tám cái phòng rửa mặt, mỗi phòng có mười chín cái ô kéo để đồ dùng thực hành của nữ học sinh (khăn mặt, xà phòng, các thứ thuốc, mọi đồ thụt rửa) gương to, chậu rửa mặt Tây phương, cái gì cũng thuộc hạng xa xỉ phẩm. Sau cái bảng đen là những thùng tắm trong một cái phòng riêng. Ở cái trường kỳ lạ này, người ta không những chỉ học, mà còn hành nữa.
Học gì?
Học… làm đĩ. Muốn trở nên một gái đĩ tốt, điều cốt yếu là biết vệ sinh, chớ bẩn thỉu mà di họa hoa liễu cho giống nòi. Mà muốn trở nên một gái đĩ tốt, than ôi mất bao nhiêu là công phu! Cho nên chương trình sự học ấy là thế này:
Phần thứ nhất
Khái luận về địa vị người đàn bà trong xã hội và nghề mại dâm – Cách rửa mặt, gội đầu, rửa tay – Tắm – Những cách rửa cơ quan sinh dục – Thụt rửa.
Phần thứ hai
Cơ thể học về cơ quan sinh dục nam nữ – Chửa, đẻ – Các bệnh phong tình, truyền nhiễm, ác quả – Triệu chứng bệnh hoa liễu ở người đàn ông; ở người đàn bà – Những cách chạy chữa, ích lợi.
Ngoài những điều của khoa học ấy, cũng quy về mục đích vệ sinh, thì bài Phong tình ca khúc, Nàng Thơ đem những vần “du dương huyền ảo” dắt tay khoa học đi đến chỗ chiến đấu những ác quả của thần Bạch My. Nhà nước đã kiếm hết cách chống lại sự ngu dốt nó hành hạ bọn gái mại dâm, chỉ vì bọn này có tính cả thẹn.
Bác sĩ Joyeux đã nói:
“Thật là một điều đáng ngạc nhiên, khi ta nhận thấy rằng đàn bà An Nam, ngay cả đến bọn đĩ tầm thường nữa, họ đều có một cái cả thẹn sâu xa, vô lý. Bởi thế cho nên một con gái đĩ đã có giấy kia, trong khi nghề nghiệp có thể hiến thân thể (chẳng bao giờ lại vui lòng mà hiến) cho đủ mọi cách tinh nghịch của một khách làng chơi dâm đãng, mà lại không bằng lòng để hở cơ quan sinh dục. Do thế, gái đĩ An Nam không bao giờ lại có thái độ khiêu khích vô sỉ của gái đĩ phương Tây. Thí dụ không bao giờ, bất cứ ở hạng nào, một người đàn bà An Nam lại cứ trần truồng mà ngủ: dẫu ít ra họ cũng phải giữ cái quần rộng ống. Điều cắt nghĩa rõ việc họ sợ khám bệnh biết bao.
Cái tính hổ thẹn tổ truyền ấy, nếu có cũng là đáng quý về một phương diện, thì lại rất có hại về phương diện vệ sinh, vì rằng chính cái tính hổ thẹn ấy chịu trách nhiệm hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp, về nạn hoa liễu đương hành dân An Nam. Nó làm cho người ta gìn giữ quá đáng trong khi nói chuyện phong tình, nó làm cho người ta bất cứ lúc nào cũng không giữ theo phép vệ sinh; nó gây ra sự ngu dốt về vấn đề nam nữ thông thường, kể ngay trong bọn gái đĩ nữa. Nói tóm lại, chính cái tính cả thẹn ấy làm cho phụ nữ An Nam thà chịu có bệnh hơn là đi chạy chữa”.
Thật là đúng thật.
Thế thì… nào, một, hai, ba. Vệ sinh nam nữ giao cấu học đường! Phải học, phải chiến đấu cái xấu hổ vô lý, vì đừng có tưởng cái điều ấy là không phải học mà cho rằng “Giời sinh ra thế, chẳng ai phải dạy ai mà ai cũng biết”, nói một cách hủ lậu như các cụ nhà ta! Không! Sự biết cũng có năm bảy đường, mà đã làm đĩ thì phải biết cho rành mạch.
Thì ra người mình thua kém đủ mọi đường. Mấy nghìn năm rồi mà đến cả bọn làm đĩ cũng vẫn không biết làm đĩ cho nên thân!
Nữ học sinh là gái có giấy và đĩ lậu. Họ ngồi đây kia, tất cả độ bốn chục người. Trong hàng “chưa có giấy” thì nào là con sen thất nghiệp, cô gái quê ngu đần, chị hàng mía quá tin thằng bồi săm [7]. Trong hàng gái “có giấy” thì nào là cô ả có bệnh bị giam trong phúc đường, hoặc những ả vô bệnh ở ngoài vào đáp lời cho buổi học ôn. Một cảnh tưởng kỳ lạ. Một cuộc hỗn hợp lạ mắt: những cái áo vải thô ngắn ngủn của phúc đường bên cạnh những cái áo Lumer hoặc măng-tô kiểu 1937, những cái mặt xanh nhợt bên cạnh những cái mặt tân thời có cái mắt quầng đen, đôi lông mày chạy ngược, cặp môi hình quả tim… Học sinh biếng nhác, hoặc ngu đần, thì phần nhiều là gái lậu, chưa hiểu nghề, không biết chữ. Thuộc bài lầu lầu, chiếm phần thông minh tài giỏi nhất lớp là cô gái có giấy, đã có những ông nhân tình sộp, đã lăn lóc lâu năm trong nghề mại dâm. Mặc dù thạo, dù ngu, thì cô nào cũng phải đến lớp vào buổi khảo sát.
Cô giáo, bà Nguyễn thị Nghĩa đã vui lòng hợp tác với Ủy ban bài trừ hoa liễu trong công cuộc rất khó khăn ấy.
Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò.
Nhưng học trò lại là nhà thổ nữa, thì thật là một đám bất trị!
Các ngài thử tưởng tượng ra xem một lũ người “con cái nhà ai” cũng chẳng ai biết, đủ các thứ tuổi, đủ các thứ trình độ, họ đần độn thì cũng khổ cho ngài, họ tinh quái thì ngài càng chết nữa, vì họ hay tủi thân, hay phẫn chí, đã một lần xúm nhau đánh lại bà đầm dạy học khâu vì lẽ gì không rõ, ăn gian nói dối như quỷ, ngoan ngoãn đấy nhưng chửi xỏ lại thầy ngay đấy, giở mặt như bàn tay, học thì học làm đĩ nhưng có thể nhảy lên chồm chồm, nếu như trong khi giảng dạy thầy giáo nhỡ mồm nói đến làm đĩ hay mại dâm!
Cho nên, khi mới nhận chức vụ, lần đầu tiên bước vào cái lớp học dị kỳ này, cô giáo Nghĩa, với hai làm răng ngà ngọc, với cái áo blouse trắng và cái mũ có dấu hiệu hồng thập tự – hình ảnh một nhân vật đầy thi vị của màn ảnh để an ủi những chiến sĩ bị thương trong hồi Âu chiến – chưa chi đã phải nhượng bộ học trò. Đáng lẽ khi cô giáo bước vào mà học trò khoanh tay đứng dậy cả một lượt, thì đó là cô giáo phải chào trước những nữ học sinh.
– Chào các chị! Nhà nước mới mở ra trường học này, mục đích là để dạy cho các chị biết phép vệ sinh, những điều cần biết để giữ mình cho khỏi tổn thọ, vì làm cái nghề như các chị là rất hại cho sức khỏe…
Cô giáo chỉ kịp nói thế, thì từ hàng ghế cuối cùng, một chị vênh váo cái mặt, đứng phắt lên…
Thị tên là Tâm thị Dã Mận. Phải là ở trong “thanh lâu giới”, và cũng phải là “anh chị” nữa, người ta mới có những cái họ, tên lạ lùng như thế. Thị bĩu mồm cong cớn diễn thuyết cho cả bọn :
– Chị em chúng mình chính là vì không biết sàng không có biết sẩy, thì mới phải sa chân đến chốn “vườn hoa đô hội” này, đã làm cái nghề này, thì ví thử còn phải học cái gì cơ chứ, ví thử còn hy vọng gì nữa chứ?
Tức thì cả bọn lao xao biểu đồng tình với nhà “lãnh tụ”. Nhưng cô giáo Nghĩa vẫn ôn tồn :
– Không! Các chị đừng nói thế. Không cứ các chị, dẫu ai thì cũng cần phải biết mọi phép vệ sinh. Mắc bệnh phong tình, không phải chỉ các chị mới mắc. Nhiều khi một cặp vợ chồng lành mạnh mà cũng có thể mắc bệnh được, chỉ vì chẳng hiểu vệ sinh là gì. Sở dĩ thành phố mở ra trường này là để dạy các chị những cách tránh thoát bệnh tật trong nghề mình. Các chị thử xem nhà nước bỏ ra bao nhiêu tiền, chi tiêu một khoản rất to tát, để mà gìn giữ sức khỏe cho các chị, như thế này… Có phải là ghét bỏ, khinh bỉ các người không? Ta thử nghĩ xem nào!
Những lời của cô giáo rất ôn tồn, rất khoan thai. Diễn giải làm cho “quần chúng” phải lật cái dư luận lại một vòng. Bọn thanh lâu đã nghe ra… Cô giáo bèn giơ ra tập thơ Phong tình ca khúc, nói :
– Muốn cho các người hiểu rõ nghề, một nhà thi sĩ Việt Nam đã đặt ra những câu thơ để các người học thuộc lòng, rồi nhân đó, sẽ hiểu rõ những điều mình phải làm…
Thơ?
Những cặp mắt mở tròn, những cái miệng há rộng như chữ O. Thơ? Ồ, thế thì có lẽ thích lắm. Trong bọn gái lậu, còn vài ba cô gái quê chưa quên hết những câu vè mà những lúc cấy hái, đã hát véo von sau những luỹ tre xanh.
Đời người ăn nong cợt cười,
Rong chơi, trầu thuốc, bạc bài đủ đâu!
Thật là “hay quá đi mất”! Cô giáo cứ đọc… Nhưng đến lúc Nàng Thơ dạy bảo đến cách thức một gái đĩ phải khám bệnh một khách làng chơi như thế nào [8], thì tất cả những ả ấy nhao lên… Một thị nói rõ to :
– Ê chệ! Ê chệ!
Cô giáo ngừng lại, vừa ngạc nhiên, vừa lúng túng… Một nữ học sinh khác lại phản đối :
– Phen này, Nhà nước xử quá như thế, thì nhà thổ Hà Nội cứ gọi là cứ đi hết! Thế thì thôi, chị em chúng mình đến “bán xới” đất Hà Nội! Học hành gì lại có thứ học hành ê chệ đến thế nữa!
Đó, tính cả thẹn của nhà thổ là đến thế! Trong bốn chục người này, con số là bao, những ả vì tính cả thẹn vô nghĩa ấy mà phải cầm giấy? Thật thế, vì nếu biết cách tránh bệnh từ trước khi phải biết bắt, thì dù đã mại dâm đến lượt thứ bốn nữa rồi, thần Bạch My cũng không có quyền ghi tên ả vào sổ đoạn trường, nếu cái “mỏ vịt” không tìm thấy con trùng lậu, con trùng giang mai. Cho nên cô giáo lại phải ôn tồn cắt nghĩa cho rõ đầu đuôi :
– Không! Các người đừng tưởng thế là đáng xấu hổ. Chúng tôi đây, phải học nghề nữ khán hộ, thì cũng phải biết như thế! Nếu chúng tôi được quan trên bảo khám bệnh người đàn ông nào, thì chúng tôi cũng phải làm y như thế, các người đã nghe ra chưa? Ở đời này, không nên cho sự gì là xấu, mà thật sự thì cũng không có sự gì là xấu. Cái xấu là cái ngu dốt, là cái để lây bệnh kẻ khác vào người mình! Tôi không bảo rằng các chị làm nghề này mới cần biết những điều nói trong bài thơ vệ sinh mà thôi. Tôi nói ngay cả những người đàn bà tử tế, vì ngu dốt mà để cho ông chồng chơi bời đổ bệnh cho, đó mới là một điều đáng xấu hổ, mà lại hại cho con cái, hại cho giống nòi. Các chị nên chịu học, đừng có cưỡng lại. Vì nhà nước mở ra lớp học này không phải cốt để làm nhục các chị, nhưng mà cốt để giữ cho các chị khỏe mạnh, khỏi chết non, mai sau kiếm được tấm chồng thì cũng phải không đến nỗi lo tuyệt đường con cái!
Một vài thị nhoẻn một nụ cười hoài nghi. Một thị khác, ý chừng lo cho lời nói của thầy giáo chỉ là câu mỉa mai châm chọc, nói kéo rõ dài cái mồm :
– Thưa bà, bà dạy quá lời thế, chứ như chị em chúng con đây thì, xin lỗi bà, còn hy vọng cái “nước mẹ” gì nữa?
Ấy đó, cô giáo.
Ấy đó, học trò.
Khi tôi bước vào lớp, những cô nữ học sinh đương hát:
Nước trong vắt trôi bừa chất bẩn,
Xà phòng thơm bọt sẵn sạch lầu,
Làng chơi đã mãn cuộc đầu,
Chớ nên chơi nữa mà sau hại mình
Lỡ vô ý thì đành chịu vậy,
Bệnh không nên đổ vấy cho ai,
Phải chữa ngay thì khỏi ngay…
Ngừng một phút để quay lại nhìn tôi, rồi các ả lại đồng thanh hát vang các đoạn kết nó có một vẻ lạc quan, hay ho vô cùng.
Phong trần may cũng có ngày phong lưu.
Sắc tài có phụ chi đâu!
Tôi đã phải nhịn cười, thấy ông thi sĩ tác giả bài Phong tình ca khúc ấy đã cố muốn dùng thứ văn chương đó cho có cái ảo tưởng là thế gian không khổ não, để nịnh hót và mơn trớn cái óc bình dân là cái óc nhà thổ, vì nhà thổ, than ôi! Cũng là bình dân, và dễ xúc cảm bởi những mối tình cảm rẻ tiền, sắc tài có phụ chi đâu! Đó là một câu hay ho làm cho gái thanh lâu quên nhà lục xì, những luật lệ thắt buộc mại dâm, thầy “đội con gái”, cái “mỏ vịt”…
Bà khán hộ Nghĩa bước xuống bục, khẽ nói với tôi :
– Tôi tưởng có lẽ ông vào đây lần này là lần cuối cùng. Ông có biết không? Những bệnh nhân trong này đã lấy làm khó chịu về nhà báo. Có lẽ họ đã kêu với bà giám thị để bà xin quan Chánh, quan Đốc lý, từ nay đừng có cho ông vào đây nữa. Họ phàn nàn rằng đã đến như họ là khổ lắm, nhục lắm rồi, mà người trên lại cho người nhà báo vào kiếm chuyện, rêu rao họ là đĩ, nói xấu họ, nhìn họ như nhìn những loài hổ, báo, trăn, rắn trên bách thú thì thật khó chịu lắm. Tôi chắc nay mai quan trên sẽ chiếu theo lời xin ấy thì ắt ông không còn được phép vào nữa, có phải không?
– Thưa bà, ấy là họ hiểu nhầm. Nếu nghề báo chỉ là một nghề nói xấu thì tôi tưởng những người để tâm làm cải cách xã hội, nhà lập pháp, nhà chánh trị, ai cũng là đi nói xấu cả? Nhưng thôi, nếu đã thế thì rồi tôi sẽ ra ngoài. Chỉ xin rằng đã vào lần này thì ít ra cũng phải ở lại để biết một đôi điều cần biết, thế thôi. Bà có sẵn lòng nói cho tôi cảm tưởng của bà khi làm phận sự không?
Thế là bà giáo đã vui lòng :
– Cảm tưởng thì nhiều lắm, ông ạ. Khi quan Chánh gọi tôi đến nhận việc, tôi lo quá đi mất. Trong ký ức tôi vẫn còn rõ rệt cái phận sự khó nhọc và khó chịu của hạng gõ đầu trẻ, khi phải đối phó với những cái tinh nghịch, quỷ quái, những cái bất trị của nam, nữ học sinh. Vậy mà tôi dạy ai, ở đâu? Trong Dispensaire! Những gái giang hồ! Thật là một trường học mới lạ, kỳ quái nhất Đông Dương, nếu tôi không nói: kỳ quái nhất thế giới. Tôi đã ngẫm nghĩ mãi, vì các thầy giáo, cô giáo khác thì theo khuôn phép cũ, những chương trình nhà nước đã vạch mà giảng dạy. Nếu học trò hỗn láo thì đã sẵn có cái thước kẻ, cách bắt quỳ, bắt phạt. Nhưng khi học trò là gái giang hồ, xấu thì cũng đến làm đĩ là cùng, sợ thì cũng đến lục xì là cùng, hỏi có nên phạt họ không? Họ thì còn sợ cái gì nữa? Thật là nguy hiểm. Vậy mà tôi đã phải nhận, vì nhờ chức nghiệp, tôi đã hiểu rõ cái nạn phong tình ở nước nhà hơn ai. Dạy học ở đây, quan Chánh bảo đó không phải đó là một nghề kiếm tiền mà thôi, nhưng còn là một nghĩa vụ xã hội nữa.
– Thưa bà, ngoài những bài học vệ sinh thực hành, tôi rất để ý đến một khoản trong chương trình là bài: Khái luận về địa vị người đàn bà trong xã hội và nghề mại dâm. Ấy là một điều đáng biết. Vậy bà giảng bài ra sao? Khuyên răn họ bỏ nghề mại dâm chăng? Cải tà quy chính cho họ chăng?
Đến đây, bà giáo Nghĩa ngăn tôi bằng cái xua tay và nói khẽ :
– Trong chương trình tuy nói vắn tắt thế, nhưng lúc thực hành thì lại khác hẳn. Điều nguy hiểm là tuy họ là đĩ, nhưng không bao giờ tôi lại được nói đến tiếng ấy. Họ là hạng người bị xã hội khinh bỉ lắm rồi, đến nỗi nhà nước phải dè dặt, sợ chạm lòng tự ái của họ, sợ họ tủi thân. Cho nên bài học chỉ là những câu chuyện về nhân tình thế thái, trong đó tôi đem những sự từng trải riêng nói xa xôi đến cái đời giang hồ, cái hạnh phúc gia đình. Điều gì cũng quy về một mục đích vệ sinh cả. Tôi đã phải đem những “vị quận chúa” trong làng mại dâm, trong nghề lấy Tây (đến đây, bà Nghĩa nói đến tên những đàn bà mà chúng ta thừa biết cái danh tiếng vang lừng, song tôi không thuật vào đây, vì rằng ở đời này vẫn sẵn có người thừa độc ác để lôi mình ra tòa án), những đĩ thượng lưu, ra nói cho học trò của tôi nghe, và bảo họ rằng ấy những người kia chỉ vì biết vệ sinh và giữ gìn nhan sắc, mà được các quan quý trọng, trở nên giàu có, thần thế. Đại khái như vậy. Ngoài ra, thỉnh thoảng nói đến việc lấy chồng, bổn phận người đàn bà tề gia nội trợ, cái hạnh phúc gia đình, sự chung tình, đừng có ngựa quen lối cũ nữa, vân vân… Xin ông nhớ cho rằng trong đám phụ nữ thì có lẽ bọn học trò tôi là “bảo thủ” nhất đấy! Họ đã bị hại về những tư tưởng ăn chơi, giải phóng với bình quyền, nên khi tôi nói như một người đạo đức hủ lậu, thì họ nghe một cách khâm phục lắm.
Tôi quay lại nhìn một thị đầu tóc cúp ngắn và uốn quăn, mặc một cái áo tân thời cổ bánh bẻ rất thiếu mỹ thuật, trên lòng có cái ví đầm nhỏ, đương ngồi cắn móng tay và ngước mắt nhìn chúng tôi. Bà giáo nói ngay :
– Ấy chớ! Ông đừng xét cái bề ngoài! Nghề họ bắt họ ăn mặc thế. Sự thực, họ đã chán những cái tân thời ấy lắm.
– Thưa bà, tôi đương run sợ cho những gái “lãng mạn” hiện ham những cái tân thời ấy để rồi nay mai vào ngồi trong này, như thế kia…
Bà giáo của phúc đường mỉm cười, xo vai :
– Ấy thế! Đó là vòng luẩn quẩn loanh quanh. Đó là… cái gì?… La rancon du progrès! [9].
Ngừng một lát, bà tiếp :
– Trong này, cô giáo lại kém vế nữ học sinh.
Trước những sự công phẫn của họ, lắm khi tôi phải hy sinh cả tôi đi để cắt nghĩa cho họ hiểu. Tôi cứ phải lấy ngay tôi ra làm thí dụ, kẻo sợ chạm đến lòng tự ái của nữ sinh là gái giang hồ! Miễn xong việc giảng dạy thì thôi!
– Xin bà làm việc cho tôi được mục kích một phút.
– Nào, đọc bài! Chị… chị Lan đâu! Kỳ trước chưa thuộc bài đấy nhé? – Bà giáo ngồi xuống ghế, dịu dàng gọi.
Từ hàng ghế thứ ba, bên cạnh cô ả áo Lemur một thị độ mười sáu tuổi (tuy vậy, nhà nước phải nhận là mười tám tuổi) cái đầu bù xù một mớ tóc ngắn kiểu phương Tây nó bẩn làm sao, nó xấu làm sau, mặt mũi béo phị và xanh nhợt, đứng lên khoanh tay, lúc ngập ngừng, lúc lưu loát tựa hồ một con vẹt :
– Một câu cách ngôn nói rằng: Sự sạch sẽ là ông thầy thuốc rất giỏi. Điều ấy rất đúng. Thật thế, người thầy thuộc chỉ chữa được bệnh, chứ sự sạch sẽ làm cho ta không mắc các bệnh. Như thế có phải hơn không vì không mắc bệnh thì tránh khỏi các phát tiêm đau nhức các thứ thuốc khó uống.
Bà giáo cắt :
– Thôi! Tốt lắm! Chị ngoan lắm! Lên đây!
Cô nữ sinh lên bục.
– Sự sạnh sẽ của bộ phận sinh dục!
Cô nữ sinh lại đọc, lúc trơn tru, lúc ngắc ngứ, một hồi dài. Tạm được về phần lý thuyết. Đến lúc thực hành, nghĩa là lúc đứng trước cái bàn có những thứ đồ dùng vệ sinh, các lọ thuốc, cô học trò đã nhầm lẫn, lúng ta lúng túng, chẳng còn biết giở ngón ra sao. Bà giáo tức thì nắm lấy tay học trò, ẻo lả đập mấy cái vào vai, như trò đùa, với một nét mặt hết sức giận dữ.
Nữ sinh bưng mồm cười, vì không thấy đau. Nhưng mà hai ba nữ sinh khác đã chạy lên! Họ giúi đầu cô học trò ngu đần xuống, đồng thanh xỉa xói :
– Con khốn nạn! Đồ chết băm, chết vằm! Chỉ có một việc thế mà mãi mày không nhớ, để đến nỗi bà rát cổ mỏi mồm như thế!
Bà giáo Nghĩa quay lại tôi, phân bua :
– Ấy đó, thưa ông, cái chính sách trừng trị của tôi.
Trong cái lớp học kỳ lạ này, học trò túm đánh lẫn nhau, mỗi khi thầy giáo thấy cần phải trừng phạt.
Bà giáo còn nói :
– Ta chớ tưởng gái lục xì chỉ làm việc cho bọn lính tráng cục mịch, bọn thợ thuyền thợ hạ lưu. Cái quan niệm tình ái của dân phương Tây khác xa dân mình. Gái lục xì, người mình không thèm, cho là không đáng kể. Nhưng người Tây phương lại cho việc có bạn gái lục xì là rất lợi cho phương diện vệ sinh! Cho nên ta chẳng nên ngạc nhiên khi ta thấy một vài gái lục xì có giấy ở riêng, có xe nhà, có xe hơi nhỏ, nhân tình của các quý quan, và đi nhuộm tóc ở phố Paul Bert [10] mỗi lần mất mười sáu đồng bạc! [11]
– Thưa bà, những ả ấy hẳn là những nữ học sinh mà bà không phải dạy học vất vả?
– Đã đành! Một vài chị “thượng lưu” như thế thì có khi lại thạo vấn đề vệ sinh hơn cả bà giáo! Nhưng số ấy hiếm quá. Số nhiều là gái đần độn, đần độn đến nỗi như câu phương ngôn “hỉ mũi không sạch” thì ông bảo có khổ tôi không? Thật là một cái nghề nguy hiểm là nghề mại dâm! Ông cứ quay nhìn sau lưng ông thì biết.
Tôi giật mình, quay nhìn lại sau lưng…
HÃY ĐỂ Ý!
Quan Sáu nhà binh, đại biểu khu Hà Nội, [12] và quan Đốc lý nhắc những người vào trong nhà này nhớ rằng: Các đàn bà ở đây có thể từ chối không tiếp khách chơi, vì một nhẽ gì mà họ không cần phải rõ, nếu họ muốn như thế.
Họ có đặc quyền khám xét những đàn ông đến chơi. Những kẻ nào cưỡng bức họ sẽ bị trừ khử một cách nghiêm ngặt.
Ký tên
QUAN ĐỐC LÝ
HÀ NỘI QUAN SÁU
NHÀ BINH
Có khi giữa đêm khuya, hàng lũ binh lính trắng và đen, rượu say bét nhè, vào các nhà thanh lâu phá tán đồ đạc, đánh đập con gái, bóp cổ những ả không thuận bán dâm!
Bà giáo của phúc đường phải cắt nghĩa rõ ràng những khi có biến, các ả phải chỉ vào những tờ yết thị ấy (dán sẵn trong các nhà thanh lâu) hoặc không xong thì đi gọi ngay cảnh binh, chứ không được bán dâm cho quân say rượu.
Cho nên có khi ông thầy thuốc khám bệnh thấy có thị khắp mình mẩy có những vết thương tím bầm.
Cuộc xung đột của thần Bạch My và thần Lưu Linh khi nhà nước chưa cho dán cái yết thị kể trên trong những nhà thanh lâu. Nhưng mà khi ông thầy thuốc căn vặn nguyên do, thì một cái e thẹn vô nghĩa đã làm cho cô ả bị thương cứ khai man thế này :
– Bẩm quan lớn, đó là con trượt chân ngã gác!
Tôi đi ngả mũ chào cô giáo học của phúc đường.
Bọn gái lục xì vẫn ngồi nguyên chỗ, khi tôi chào họ một cách kính cẩn mà bước ra.
Chú thích:
[1] Ngày 2 tháng Mười hai 1933.
[2] Ngày 2 tháng Năm 1934.
[3] Liên đoàn Phòng bệnh.
[4] Ngày 26 tháng Mười 1934.
[5] Bộ trưởng Bộ Thuộc địa trong Chính phủ Pháp ngày trước.
[6] Nay gọi là địa lý, khoa học.
[7] Bồi ở phòng cho thuê.
[8] Xem lại mấy câu thơ trong bài “Cuộc đi bách bộ trong nhà lục xì” (V.T.P).
[9] Cái giá phải nộp cho sự tiến bộ!
[10] Phố Tràng Tiền ngày nay.
[11] Bằng tiền hơn năm tạ gạo trắng thời ấy.
[12] Đúng ra là thiếu tướng.
Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12Kế tiếp