Làn sóng kì thị dân gốc Châu Á do Covid-19 tại Mỹ và phương Tây

0
2470

Tình trạng kỳ thị cộng đồng người gốc Á, bao gồm người Việt, ngày càng trở nên tồi tệ ở Úc và Mỹ, từ lời lẽ nhục mạ, bôi nhọ cho đến hành hung và phá hoại tài sản.

Chưa bao giờ người Mỹ gốc Á bị kỳ thị, quấy rối và lăng nhục nhiều như khoảng thời gian dịch COVID-19 hoành hành. Truyền thông Mỹ những ngày qua đã liên tục lên tiếng cảnh báo.

Theo cuộc khảo sát của Quỹ Scanlon (Úc) và Asian Australian Alliance (Liên minh Vì cộng đồng người Úc gốc Á), 59% người gốc Á ở Úc cho biết họ thường xuyên đối mặt hành vi phân biệt đối xử vì đại dịch Covid-19 trong năm 2020. Kết quả cuộc khảo sát mang tên “I am not a virus” (Tôi không phải là vi rút) phản ánh tình trạng kỳ thị chống lại người gốc Á đang ở mức cao nhất.
 
Trả lời phỏng vấn Thanh Niên, cô Erin Chew, nhà sáng lập Asian Australian Alliance ở TP.Sydney (Úc), cho biết: “Tình trạng phân biệt đối xử càng trở nên tồi tệ hơn trong đại dịch Covid-19. Trong năm 2020, chúng tôi nhận được hơn 500 báo cáo về những vụ kỳ thị chống lại người gốc Á”. Cô Chew cho biết thêm những người mang tư tưởng phân biệt chủng tộc thường dùng lời lẽ miệt thị, xem người gốc Á là “vi rút gây Covid-19”, chửi bới, nhục mạ nạn nhân ở nơi công cộng, thét lớn “hãy biến khỏi đây” và thậm chí hành hung.
 
Không chỉ riêng ở Úc, tổ chức Stop AAPI Hate (Mỹ) công bố dữ liệu từ tháng 3 – 12.2020 cho thấy có hơn 2.800 vụ quấy rối chống người gốc Á ở Mỹ. Trong đó, hơn 70% là quấy rối bằng lời nói miệt thị, phỉ báng, xúc phạm, chửi bới và hơn 8% liên quan các vụ hành hung. Con số thực tế có thể cao hơn vì nhiều nạn nhân không lên tiếng tố cáo.
 
Gần đây, truyền thông Mỹ tiếp tục phản ánh tình trạng kỳ thị sau khi một đoạn video từ camera an ninh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy một ông lão gốc Á (91 tuổi) bị xô ngã xuống vỉa hè ở TP.Oakland, bang California hôm 31.1.
 
Cũng trong tháng 1, ông Vichar Ratanapakdee, một người nhập cư gốc Thái Lan 84 tuổi, đã bị xô ngã dẫn đến tử vong ở TP.San Francisco, bang California.
 
-Quảng Cáo-

Khoảnh khắc ông lão gốc Á 91 tuổi bị xô ngã xuống vỉa hè ở TP.Oakland, bang California hôm 31.1. ẢNH: REUTERS

“Tôi không phải là vi rút”

Đối mặt tình huống bị miệt thị là “vi rút”, đa số những người gốc Việt ở Mỹ trả lời phỏng vấn Thanh Niên thừa nhận họ cảm thấy bức xúc nhưng cố phớt lờ, bỏ đi và không đưa ra bất kỳ phản ứng gì vì lo ngại bị hành hung. Ban đầu tình trạng kỳ thị chỉ nhắm vào người Mỹ gốc Hoa nhưng sau đó lan rộng sang gần như toàn bộ nhóm người gốc Á.
 
Nữ du học sinh Tuyết Mỹ ở TP.Quincy (bang Massachusets) không thể quên được vụ việc xảy ra lúc cô đi bảo trì xe hơi. “Lúc đó, tôi đang ngồi nói chuyện điện thoại với bạn thì một khách hàng khác là một người Mỹ da trắng ngồi đối diện nhìn chằm chằm vào tôi. Ông ta thét lên: Hãy mang con vi rút này ra khỏi đây”, cô kể lại sự việc đáng buồn với Thanh Niên. Nữ sinh viên người Việt chỉ biết im lặng, không dám phản ứng và cố giả vờ như không nghe thấy gì với hy vọng người đàn ông kia sẽ buông tha cho cô.
 
Trong một trường hợp khác, nữ sinh viên Ngọc Lam lần đầu tiên trở thành nạn nhân của sự kỳ thị sau gần 2 năm du học ở Mỹ. Cuối năm 2020, hai người đàn ông Mỹ da trắng nhìn chằm chằm vào cô trong lúc cô xách hành lý đi bộ trong sân bay quốc tế O’Hare ở TP.Chicago (bang Illinois). Họ chửi bới, gọi cô là “vi rút” kèm theo những lời cay độc rồi cười hả hê và bỏ đi. “Tôi bị sốc hoàn toàn và không biết phải làm gì. Tôi đã nghe nhiều người bạn gốc Á kể về những vụ kỳ thị nhưng đây là lần đầu tiên tôi trở thành nạn nhân”, cô Lam chia sẻ với Thanh Niên.
 
“Tôi cũng bị một người Mỹ da trắng chặn ngay trước mặt, miệt thị rồi định hành hung tại một trạm xe buýt. Tôi chỉ biết cố gắng tránh xa người đó. Tuy nhiên, đó chỉ là những hành vi kỳ thị trực tiếp. Theo tôi được biết, sự kỳ thị gián tiếp cũng tràn lan, cụ thể là người gốc Á rất khó xin việc làm so với người da trắng”, cô Ivy Nguyenm, sống tại TP.White Plain (bang New York), nói với Thanh Niên.
 

Một người Ý gốc Hoa đeo khẩu trang, bịt mắt đứng giữa phố tại TP.Florence (Ý), bên cạnh tấm biển ghi: “Tôi không phải là vi rút, tôi là một con người, hãy giải phóng tôi khỏi định kiến”

Phá hoại tài sản

Làn sóng kỳ thị trong đại dịch Covid-19 ở Mỹ trở nên nghiêm trọng hơn với những vụ phá hoại tài sản của người gốc Á. Tạp chí People vừa phản ánh vụ phá hoại mới nhất nhắm vào nhà hàng của người gốc Việt ở TP.Portland, bang Oregon.
 
Ông Thu Nguyen, chủ nhà hàng Utopia Restaurant & Lounge ở Portland, cho biết nhà hàng của ông bị ném đá vỡ cửa kính 3 lần. “Vụ phá hoại mới đây nhất là vào ngày 1.3, trước đó là tháng 1 và trước nữa là tháng 12.2020”, ông Nguyen nói. Các hình ảnh từ camera an ninh cho thấy một người bước ra từ xe hơi, ném đá vào cửa kính nhà hàng rồi bỏ chạy. “Không biết tại sao anh ta đã 3 lần nhắm vào nhà hàng của tôi. Tôi đã báo cảnh sát nhưng đến nay chưa có ai bị bắt”, ông Nguyen (57 tuổi) cho hay.
 
Kể từ lúc mở cửa vào năm 2006 và trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nhà hàng của ông Nguyen chưa từng bị phá hoại. “Hành vi phá hoại này có thể xuất phát từ tình trạng phân biệt đối xử mà người Mỹ gốc Á phải đối mặt kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Tôi rất lo lắng và cảm thấy bất an. Không ai giúp chúng tôi”, ông Nguyen nói.
 
Nhà hàng Utopia chỉ là một trong số ít nhất 13 cơ sở kinh doanh bị đập phá từ cuối tháng 1.2021 ở quận Jade của Portland, vốn là khu buôn bán tập trung nhiều người gốc Á. Theo tờ The Oregonian, 9 trong số 13 cơ sở bị phá hoại thuộc sở hữu của người Mỹ gốc Á. Chia sẻ với Thanh Niên, cô M.N ở bang California cho biết một nhà hàng của người gốc Á ở khu cô sống cũng từng bị ném đá vỡ cửa kính 3 lần nhưng cảnh sát vẫn chưa tìm ra thủ phạm.
 
Trong khi đó, một người gốc Việt ở quận Cam (Nam California) cho Thanh Niên biết cộng đồng người Việt ở đây không bị kỳ thị vì Covid-19 do người Việt thể hiện tốt nỗ lực phòng chống dịch bệnh như đeo khẩu trang ở nơi đông người, tổ chức may, quyên góp khẩu trang, tặng thực phẩm cho cộng đồng.
 

“Chủng tộc của tôi không phải là virus”. Các thành viên của Ủy ban người Mỹ gốc Á trong một lần tổ chức họp báo tại thành phố Boston để nói về tình trạng phân biệt người gốc Á do dịch COVID-19 – Ảnh: AFP

“Hắn khai hắn nghĩ những người này mang virus đến đây và làm lây lan. Với hắn, mọi người gốc Á đều đến từ Trung Quốc.”. Nữ thẩm phán Laura Nodolf quận Midland (bang Texas) kể về trường hợp một thanh niên 19 tuổi dùng dao tấn công người đàn ông gốc Á cùng hai đứa con nhỏ của ông này.

Cô Kiwi Wongpeng dừng xe chờ đèn đỏ ở một ngã tư thuộc khu ngoại ô thành phố Cleveland, bang Ohio thì bỗng một chiếc bán tải tiến tới bên cạnh, người tài xế ra dấu cho cô kéo cửa kính xuống. Cô chưa hiểu chuyện gì thì hắn đã tuôn một tràng: “Cút khỏi đất nước của tao, đây là lệnh! Tao sẽ giết mày”.

Câu chuyện trên là một trong hàng ngàn hành động phân biệt người gốc Á xảy ra ở Mỹ trong năm vừa qua được báo Los Angeles Times dẫn lại. Bức tranh đằng sau có thể còn tệ hơn.

Vì đâu nên nỗi?

Gia đình cô Wongpeng rời Thái Lan đến Mỹ cách đây 20 năm, họ mở một nhà hàng chuyên món Thái. Người phụ nữ 34 tuổi không xa lạ gì với nạn kỳ thị chủng tộc ở Mỹ, nhưng cô chưa bao giờ nghe lời lẽ nào trực tiếp và bạo lực như vụ việc hồi tháng 4-2020, thời điểm mà nhiều thành phố của Mỹ đang phong tỏa do dịch COVID-19.

Cô Wongpeng tin rằng gã tài xế thô lỗ hẳn đã nhầm cô với người gốc Hoa, hắn đổ lỗi cho cô mang con virus đến Mỹ vì ổ dịch COVID-19 lớn đầu tiên xuất hiện ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. “Tôi sợ không chỉ cho bản thân mà còn cho cộng đồng của tôi và người gốc Á trên khắp nước Mỹ” – cô tâm sự.

Trong năm 2020, Tổ chức Stop AAPI Hate thống kê được hơn 2.800 hành động/tội ác chống người gốc Á dưới nhiều hình thức khác nhau, ví dụ bị lăng nhục, đe dọa (như với cô Wongpeng), bị tẩy chay ở nơi làm việc, bị tấn công gây thương tích… Riêng số liệu của Cục Điều tra liên bang (FBI) chưa được công bố.

Giới quan sát nhận xét sự gia tăng kiểu tội ác này rõ ràng liên quan đến dịch COVID-19, khởi đầu với việc nhiều người tin virus có nguồn gốc Trung Quốc, mở rộng thêm là mối đe dọa kinh tế – chính trị nước này phủ bóng lên Mỹ.

Cựu tổng thống Donald Trump từng công khai dùng từ “virus Vũ Hán” và chỉ trích những ai dám phê bình ông kích động tâm lý chống người châu Á. Hậu quả có thể thấy rõ, một khảo sát gần đây của Trung tâm nghiên cứu Pew (Washington D.C) ghi nhận tâm lý bài Trung Quốc ở Mỹ đã chạm mức cao nhất trong gần 20 năm qua.

Bà Manjusha Kulkarni, giám đốc Tổ chức Hội đồng kế hoạch và chính sách châu Á – Thái Bình Dương, chia sẻ thêm: “Trong một phân tích gần đây, chúng tôi phát hiện 1/4 kẻ thủ ác dùng từ ngữ như ông Trump, như virus Vũ Hán, virus Trung Quốc, Kung-flu (một cách chơi chữ ghép giữa tên môn võ Trung Quốc và bệnh cúm)… Những người này muốn nhắm đến người gốc Hoa nhưng họ không phân biệt được dân châu Á với nhau”.

Định kiến bị thổi bùng

Những tháng đầu năm 2021, một loạt vụ tấn công nhắm vào người cao tuổi gốc Á ở Mỹ càng hướng sự chú ý của dư luận vào vấn đề này. Kỳ thị chủng tộc đã không còn mặc định là “người da màu” hay “người gốc Latin”.

Theo trang Vox, mặc dù giai đoạn dịch bệnh và một số yếu tố khác đã đẩy tâm lý kỳ thị chủng tộc lên cao, định kiến với người Mỹ gốc Á thật ra đã có từ rất lâu – từ thời những di dân đầu tiên đặt chân đến Mỹ cách đây nhiều thế hệ.

Theo giáo sư Janelle Wong – Đại học Maryland, quan niệm “mãi mãi là người nước ngoài” gắn liền với dân gốc Á lâu đến mức đã bén rễ trong xã hội Mỹ. Ở góc nhìn này, người ta mặc định dân châu Á không bao giờ hòa nhập được xã hội Mỹ, “bệnh tật” hay “thức ăn kỳ dị” (của dân châu Á) cũng là những định kiến cũ trỗi dậy trong đại dịch COVID-19.

Tất nhiên, nhận thức và luật pháp của nước Mỹ ngày nay khác xa với 100 năm trước.

Cách đây vài tuần, một nhóm nghị sĩ Dân chủ đại diện cho cử tri gốc Á, Phi và Mỹ Latin đồng thanh lên án làn sóng bạo lực nhắm vào người gốc Á. “Tất cả chúng tôi sát cánh cùng cộng đồng Mỹ gốc Á cho đến khi đặt dấu chấm hết cho tai ương này” – họ tuyên bố.

Và mới cuối tuần trước, Bộ Tư pháp Mỹ tổ chức một buổi lắng nghe các đại diện cộng đồng gốc Á – đảo Thái Bình Dương và cam kết sẽ giải quyết tình trạng tội ác chủng tộc. “Không ai sống ở Mỹ phải lo sợ bạo lực chỉ vì họ là ai, họ trông ra sao và nguồn gốc xuất thân gia đình đến từ đâu” – Thứ trưởng Tư pháp John Carlin nhấn mạnh.

Trong mất mát và đau khổ của giai đoạn đầy biến động này, ít nhất người gốc Á nói riêng và tất cả sắc tộc ở Mỹ nói chung vẫn còn có thể nuôi dưỡng chút niềm tin và hi vọng.

Tổng hợp

guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận